Câu hỏi thật ngớ ngẩn! Ai mà chẳng biết Kim Dung là nhà văn Trung Hoa nổi tiếng nhất hiện nay về tiểu thuyết võ hiệp, và đã được tôn xưng là Kim Đại Hiệp (Kim wuxia) Minh Chủ Võ Lâm. Thật ra, nhân kỷ niệm 2 năm KD qua đời (30/10/2018) bài này dựa trên tiểu sử, truyện và phát ngôn của KD thử tìm hiểu đôi điều về tính cách và thái độ của KD; nhờ thế hiểu rõ bản lai diện mục của ông.
Tiểu sử KD cho thấy ông thông minh, khôn ngoan, tháo vát. Được phái đến Hong Kong làm báo và từ đó xây dựng văn nghiệp, giữa bối cảnh HK là nhượng địa thuộc Anh với địa chính trị phức tạp, KD đã chọn viết trên báo truyện võ hiệp bằng thoại bản Hoa ngữ cổ truyền, hợp với đại chúng từ lâu đời qua các truyện chương hồi. Làm thế, một mặt cũng theo truyền thống nhưng khác với Hoa Lục đang cổ võ tân văn học hiện đại, cách mệnh sau Ngũ Tứ, với thoại bản Hoa ngữ Âu hóa, bỏ lại đằng sau lề thói văn cổ, coi thường truyện võ hiệp truyền thống. Mặt khác, không có vẻ gì đối kháng văn hóa chính quyền cai trị HK: truyện đăng báo có tính thương mại, ít bị dòm ngó; thế giới võ hiệp có tính truyền thống Trung Hoa, nhất là KD lại đưa vào cả tôn giáo, triết học, y hoc lẫn văn nghệ (cầm kỳ thi họa), triều đình và dân sinh....là những lãnh vực mà thẩm quyền cai trị không thể can thiệp hoặc độc quyền.
Tuy nhiên KD không cứng nhắc trong văn hóa đóng khung. Truyện ông cho thấy dân Hán xưa kia cũng bị dân Mông, Mãn... cai trị, không phải lúc nào cũng hùng mạnh, giống như HK đang là nhượng địa thuộc Anh. Quan niệm tổ quốc, quốc gia cũng linh động, không phải chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chỉ đề cao dân Hán, mà phải gồm nhiều sắc dân Trung Hoa khác đang rải rác toàn cầu Vd. Trương Vô Kỵ phò Hán chống Mông mà sau cùng lấy Triệu Mẫn (Mông Cổ) rút lui ẩn dật. Tiêu Phong (gốc Khiết Đan) hy sinh để ngăn cản Đại Liêu và Tống đánh nhau.
Mặt khác KD đan xen tư tưởng hiện sinh: tự do, phóng túng, thực dụng của các nhân vật bôn ba trên giang hồ với tư tưởng của tam giáo (Lão, Phật, Khổng), cũng như xử dụng kỹ thuật văn phong Tây phương trong truyện. Vd. Những biến dạng và hành động quái đản của Lý Mạc Sầu, Mai Siêu Phong, Cừu Thiên Xích, Thiên Sơn Đồng Lão có tính chất kinh dị (gothic) chưa từng có trong truyện võ hiệp cũ, khiến liên tưởng đến truyện Jane Eyre (Charlotte Bronte), The Metamorphosis (Franz Kafka). Có người còn nhận xét Tiếu Ngạo Giang Hồ chứa đựng những tình tiết giống như truyện Le Comte de Monte-Cristo (Alexandre Dumas). Nghĩa là trình bầy một văn hóa phong phú, đa dạng, sinh động.
Như Stuart Hall đã chỉ ra, có 2 cách để quan niệm căn cước văn hóa: một là phản ánh những kinh nghiệm lịch sử chung và những lề thói văn hóa cùng chia sẻ của một dân tộc, tạo nên một cái khung liên tục và ổn định, để từ đó rút ra ý nghĩa. Hai là chịu tác động liên tục của diễn biến lịch sử, văn hóa và quyền lực. Thay vì đối kháng 2 hướng này, nên có một tương quan đối thoại giữa "tương đồng và liên tục" với "khác biệt và cắt đứt". Nhờ bầu khí tự do ở HK, với can đảm và tin tưởng KD đã khôn ngoan chọn cách thứ hai, lửng lơ giữa Cộng Hòa (Mao), Quốc Gia (Tưởng) và Chính Quyền (HK), khiến cho mọi người Hoa từ Hoa Lục, HK, Đài Loan đến các Chinatown toàn cầu đều có thể thấy ít nhiều căn cước mình trong truyện của ông, qua một văn hóa sống động không phải văn hóa huyền thoại. Thảo nào độc giả của ông trên 300 triệu, chưa kể ngoại kiều đọc truyện dịch.
Thành công vượt bực của ông làm mờ ranh giới giữa văn hóa cao cổ điển và văn hóa thấp đại chúng. KD đồng quan điểm với giới tân văn học sau Ngũ Tứ, coi truyện võ hiệp có mục đích chính là giải trí. Nhưng theo ông không có liên hệ trực tiếp giữa giá trị văn chương và thể loại, nghĩa là chỉ có truyện hay hoặc dở, chứ không phải loại truyện võ hiệp không thể viết hay. Là văn sĩ truyện võ hiệp ông muốn đặt vào truyện những bài học cá nhân về triết lý và xã hội.
Độc giả VN đừng quên ông cũng là nhà báo, nhà bỉnh bút thời sự, rồi chủ báo đã viết tổng cộng khoảng 200 ngàn bài bình luận chính trị và xã hội. Ông có chân trong Ủy Ban soạn thảo văn kiện chuyển giao HK cho Hoa Lục, là ký giả có liên hệ tốt đẹp với Hoa Lục. Diễn văn đọc tại Đại Học Bắc Kinh cho thấy quan tâm chính của ông: "Mọi người muốn tôi nói về truyện của mình, nhưng thật ra chẳng có gì đáng nói về chuyện viết 1 tiểu thuyết; thiên hạ thích nó, và rồi thế là xong. Tôi chú tâm nhiều đến lịch sử hơn." Ông ngỏ ý muốn viết bài nói lên sự thật là các sắc dân thiểu số cũng là dân Trung Hoa. Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm cho thấy ông nắm vững các nhân vật cũng như sự kiện lịch sử và hư cấu nên truyện hay nhất của ông với rất nhiều nhân vật và tình tiết ly kỳ. KD hợp tác với Hoa Lục, nhưng không lệ thuộc. Ngày 20/05/1989 khi thủ tướng Lý Bằng ký thiết quân luật để đối phó phong trào dân chủ ở Bắc Kinh, KD phản đối rút ra khỏi Ủy Ban.
Không rõ ông chỉ quan tâm đến chính trị, cải thiện xã hội hay còn có tham vọng chính trị. Thoạt đầu truyện võ hiệp mục đích chỉ là để cổ động, phục vụ tờ báo, đăng ý kiến của ông, nhưng sau cùng hóa ra các truyện này làm ông nổi tiếng, khiến cuộc đời ông đổi hướng. Ông cũng đã từng thử nghiệm trong các lãnh vực dịch thuật, phim kịch...nhưng kết quả bất ưng, nên khôn ngoan chuyển hướng.
Những bài xã luận chỉ trích Bước Nhẩy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa thập niên 1960 khiến ông bị đe dọa và phải lánh nạn qua Tân Gia Ba một thời gian (1967). Nhiều người nhận ra Mao Trạch Đông qua Đông Phương Bất Bại thủ lãnh Nhật Nguyệt Thần Giáo, với bí kíp Quỳ Hoa Bảo Điển: Mao vẫn tự hào là Mặt Trời mọc ở Đông Phương, với cẩm nang Sách Đỏ Nhỏ, mọi người quy phục như hoa hướng dương. GS Nguyễn Ngọc Huy viết cả một quyển sách tựa đề "Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung" chiết tự ra nhiều phúng dụ. Ngoài Đông Phương Bất Bại là Mao, còn có Trung Thần Thông (Trung Hoa), Đông Tà (Nhật), Bắc Cái (Liên Sô), Nam Đế (các nước đang mở mang, vd. Thái Lan), Cừu Thiên Nhạn (Đức Quốc Xã), Dương Quá (Hoa Kỳ), Nhậm Ngã Hành (Lưu Thiếu Kỳ - nhưng Xiaofei Tian cho là Lâm Bưu), Thần Long Giáo (Cộng Sản), Hồng Phu Nhân (Giang Thanh), Nhạc Bất Quần (Tưởng Giới Thạch)....
Tuy nhiên KD rất khôn khéo, tránh né công khai thừa nhận những vấn đề tế nhị. Nhiều lần ông tuyên bố truyện mình không phải là romance à clef (truyện rút từ người thật việc thật), không phải là ám khí bắn vào chính tình hiện tại. Nhưng giải thích của ông xem ra có vẻ thiếu rõ ràng:
"Khi viết truyện võ hiệp, mục đích của tôi là viết về bản chất con người, giống như bất cứ truyện nào khác. Trong những năm tôi viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, những tranh giành quyền lực của Cách Mạng Văn Hóa của Đảng Cộng Sản bùng lên như ngọn lửa. Trong tranh giành quyền lực và kiểm soát, kẻ cầm quyền cũng như người chống đối không từ nan một thái cực nào, và các mặt xấu xa bỉ ổi của bản chất con người bộc lộ dưới hình thức cực kỳ sâu đậm. Tôi viết xã luận cho Minh Báo hàng ngày và phản ứng mạnh mẽ của tôi đối với các sự kiện chính trị bẩn thỉu tất nhiên phản ánh trong truyện võ hiệp đăng từng kỳ trên báo.
Tuy nhiên truyện này không có mục đích ám chỉ Cách Mạng Văn Hóa. Đúng hơn truyện dùng các nhân vật để mô tả hiện tượng phổ quát từ 3 ngàn năm sinh hoạt chính trị Trung Hoa. Romance à clef không có gì thích thú, vì bối cảnh chính trị thay đổi rất nhanh. Chỉ có mô tả bản chất con người mới có giá trị tương đối lâu dài. Tranh giành tàn nhẫn quyền lực là tình trạng cơ bản của sinh hoạt chính trị, từ xưa đến nay ở Trung Hoa cũng như ngoại quốc. Vài ngàn năm qua đã như thế và tôi e rằng vài ngàn năm tới cũng sẽ như thế. Khi hoạch định truyện, tôi coi Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền và những người khác không phải trước tiên là cao thủ võ lâm, mà đúng hơn là những khuôn mặt chính trị....Các nhân vật loại này đã tồn tại dưới mỗi triều đại, và rất có thể tại những nước khác cũng vậy".
Có người bổ túc, giải thích thêm. Khi viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, KD cứng rắn, nhưng sau này ông đã nổi tiếng và độc giả đông đảo cả ở Hoa Lục, nhất là Đặng Tiểu Bình đã cởi mở, hiện đại hóa Trung Hoa. Năm 1981 Đặng mời KD đến Bắc Kinh, và dịp đó thú nhận mình cũng say mê truyện KD. Cho nên có thể KD đã thay đổi thái độ. Sau diện kiến KD nói với phóng viên rằng Đặng có phong thái quý phái "giống như một nhân vật anh hùng trong truyện tôi. Tôi ngưỡng mộ cái cốt cách của ông". Năm 2014 được Nick Frisch phỏng vấn, hỏi về ngụ ý chính trị của truyện, KD thừa nhận vài nhân vật trong những truyện về sau thực ra là ám chỉ Cách Mạng Văn Hóa. "Hồng Giáo Chủ của Thần Long Giáo?. Phải, phải - đó là chỉ Đảng Cộng Sản."
Thái độ khôn ngoan thuận theo thời cơ của KD còn thấy trong việc nhuận sắc các truyện đăng báo. Thoạt đầu truyện võ hiệp được coi như giải trí, là một món hàng văn hóa cho đại chúng, theo đúng quan niệm chung của văn giới. Nhưng sau 15 năm với 14 truyện võ hiệp thành công rực rỡ KD thay đổi thái độ. Ông nghĩ rằng có thể phá bỏ quan niệm cũ này và can đảm hy sinh tất cả, bỏ ra công sức 10 năm (thập niên 1970) để nhuận sắc, tin tưởng thành công với tham vọng đưa được truyện võ hiệp vào văn học cổ điển, và ông có thể có một chỗ ngồi xứng đáng trên văn đàn.
Truyện đăng báo có nhiều khuyết điểm do tính cách cấp thiết của từng kỳ hàng ngày: có thể thiếu mạch lạc, thống nhất; lầm lẫn, sai sót nhân vật....nhất là với truyện dài mấy trăm trang; cho nên khi in thành sách phải sửa lại là chuyện thường. Nhưng với KD phải nói đây là viết lại thì đúng hơn, vì ngoài chỉnh sửa các khuyết điểm dễ thấy (vd.Chết rồi mà sau đó lại xuất hiện; cụt tay trái rồi mà sau đó dùng 2 tay ôm cái đầu lâu...), KD còn nâng cấp nghệ thuật, chỉnh sửa toàn diện các điểm tế nhị (vd. Ngôn ngữ phải đúng với bản địa, gốc gác nhân vật; tâm lý sát với hành động...). Nghĩa là KD kiên nhẫn soát xét từng chữ, từng câu, từng đoạn...để nếu cần thì thêm bớt cả đoạn thật dài, chưa kể có khi viết lại thay đổi cả tình tiết để cho hợp lý hơn, cũng như loại bỏ những đoạn nhờ Nghê Khuông viết hộ khi ông bận... Hơn 10 năm sau KD còn nhuận sắc thêm một lần nữa. Tánh cẩn trọng, nghiêm túc, và tham vọng của ông đã nâng cao giá trị văn học của tác phẩm về mọi mặt, đưa tới kết quả là năm 1994 KD được lọt vào tứ kiệt của văn học Trung Hoa hiện đại. Ba vị xếp trên ông là Lỗ Tấn, Thẩm Tòng Văn, Ba Kim. Danh sĩ Mao Duẫn bị lọt ra ngoài.
Xã hội Trung Hoa trọng nam khinh nữ. Nam cương, nữ nhu và nữ còn bị coi là khó dạy (Khổng Tử), thiên về xấu hơn tốt qua quan niệm âm độc, tình độc. Cốt truyện của KD thường xoay quanh chữ tình, nghĩa là tương quan nam nữ. Đa số nhân vật nam thường có tính cách điển hình: gia trưởng, anh hùng, cứu quốc... mặc dù có vài nhân vật phản diện xấu ác, tham lam võ công, quyền lực như Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần, Mộ Dung Phục... cũng như vài nhân vật ôn hòa như Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh... Nhưng nổi bật hơn phải kể đến các nhân vật nữ, tạm thời có thể chia làm 3 loại.
Lý tưởng theo cổ điển là các tiên nữ ngây thơ, không biết võ công như Miêu Nhược Lan, Vương Ngữ Yên, Hương Hương Công Chúa.;;; Họ là chỗ dựa tình cảm, hạnh phúc gia đình của anh hùng hào kiệt. Tiếp theo là người đẹp quyến rũ, tài ba, giỏi võ công, không xuất thân từ chính phái như Hoàng Dung, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Long Nữ... Nhưng họ là những người tốt, không phải đối nghịch của nam tử, mà là bạn đời trợ thủ, bổ túc cho cái thiếu sót của nam tính, vì họ thông minh giỏi giang hơn. Thật ra phải nói là họ đã khai hóa cho Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ, Dương Quá về các mặt tình cảm, chính kiến, luân lý, đạo đức giang hồ.
Hai loại trên biểu tượng tình ngây thơ trong sáng, cổ điển. Loại thứ 3 là biểu tượng tình độc của phụ nữ là nạn nhân của tình không trọn, Họ thoạt tiên cũng đẹp đẽ, tài ba, nhưng hoặc bị tình nhân phản bội, hoặc bị đối tượng khước từ, hoặc bị gia trưởng cấm đoán, đưa tới hậu quả khốc liệt là biến thành quái dị, điên loạn, tàn nhẫn, hành động mất nhân tình; tất cả cũng chỉ vì bản tánh mê ám si tình, ghen tuông của phụ nữ. Vd. Lý Mạc Sầu, Cừu Thiên Xích, Lý Thanh La (Mạn Đà Sơn Trang), Thiên Sơn Đồng Lão, Mai Siêu Phong, Hà Hồng Dược... Như Simone de Beauvoir đã viết "Người ta không phải sinh ra là đàn bà, mà đúng hơn trở thành đàn bà", những nhân vật này trở nên xấu ác vì là nạn nhân của hệ thống gia trưởng, đáng thương hơn đáng trách.
Chính KD cũng thừa nhận trên Minh Báo Nguyệt San, tháng 8/1998: "Tại sao tôi viết hay về phụ nữ? Lý do là tôi ngưỡng mộ họ. Họ thông minh hơn tôi và có nhiều tính tốt hơn tôi. Về võ công họ nhất thiết không cần phải mạnh hơn đối thủ nam, nhưng họ có một đặc tính cơ bản không thấy ở nam giới. Đó là họ ít chú trọng đến địa vị xã hội, danh tiếng, giầu sang, quyền lực, lề thói đạo đức, truyền thống, nguyên tắc hay trách nhiệm xã hội; mà đúng ra họ rất trung thành với người yêu và gia đình. Họ thường yêu sâu đậm hơn đàn ông, chí ít là trong tiềm thức. Tôi đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa đối với phụ nữ qua các hình ảnh phụ nữ tôi tạo trong truyện, như là cách gián tiếp biểu lộ phê bình của tôi đối với bản chất xấu tệ của đàn ông, cùng là sự ngu muội và dị ứng của họ đối với tình cảm chân thực của con người. Trong truyện của tôi, đàn ông càng mạnh nam tính thì càng tốt, nhưng đàn bà càng nhiều nữ tính thì càng được ái mộ." KD mô tả phụ nữ xấu ác không phải là hạ thấp phụ nữ, như có người lầm tường, mà là nhắc nhở đàn ông nhìn lại thói gia trưởng của mình. Giữa một xã hội trọng nam khinh nữ thái độ của ông thật đáng quý. Thảo nào ông được cảm tình của phụ nữ và đông đảo độc giả nữ.
Tiểu thuyết có vài thể loại đặc biệt. Mô tả xã hội lý tưởng, hài hòa, toàn hảo lẽ ra gọi theo Hy Lạp là Eutopia (lý tưởng) nhưng sự thật là không ai biết nó thế nào, cho nên Thomas More (1478 - 1535) chọn từ đồng âm Utopia (ảo tưởng) để làm tựa đề cho truyện của mình và utopia sau đó trở thành tên của thể loại. Vd. Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm (? - 427) đời Tấn; Từ Thức Gặp Tiên (trong Truyền Kỳ Mạn Lục) của Nguyễn Dữ đời Trần. Tuy nhiên với cùng mục đích hướng tới xã hội tốt đẹp có thể mô tả xã hội xấu ác (Distopia) như là cảnh giác coi chừng dẫn tới hiện thực xấu ác. Vd cho thể loại này có thể kể truyện Animal Farm và 1984 của George Orwell (1903 - 1950). Như vậy utopia và distopia ví như 2 mặt của vấn đề, tùy theo nhìn tích cực hay tiêu cực.
Thế giới giang hồ của truyện võ hiệp có thể coi như distopia, qua lối nói "chốn giang hồ gió tanh mưa máu", nơi diễn ra những tranh chấp, thù hận đẫm máu, do tham vọng quyền lực, báu vật, bí kíp... của đủ mọi loại nhân vật (chính, tà, Hồi, Phật, Lão, tông phái, quan dân, hiền ác, Liêu Hán Mãn, kiếm chưởng, nội ngoại công...) và được mô tả đầy đủ, sâu sắc qua những tình tiết ly kỳ hấp dẫn độc giả, đáp trúng thị hiếu gay cấn, bạo động của con người, cũng như tạo một thế giới hư cấu để độc giả có thể sống lại lịch sử, kinh qua những cảm nghiệm vui buồn của nhân vật, tạm quên hiện tại khó khăn. KD đã từng nhận xét: "Tiểu thuyết võ hiệp trông có vẻ như là một thế giới đẹp đẽ lãng mạn. Tuy nhiên, đó là một xã hội phi lý thống trị bởi bạo lực, không có luật pháp."
Còn thế giới võ lâm có thể coi như utopia, qua lối nói "võ lâm minh chủ", ám chỉ về não trạng, ảo tưởng nhiều hơn là thực tiễn. Vì một đàng hiệp khách thường có tham vọng muốn ra tay an trấn giang hồ để có thanh bình hòa hợp, nhưng đàng khác liền đó lại thích rửa tay gác kiếm tìm nơi ẩn dật, nếu vậy thì giang hồ lại nổi sóng ngay. Thành thử không có truyện võ hiệp hòa bình, mà chỉ có truyện giang hồ xáo trộn. Và hầu như không có mô tả cụ thể cái chốn lý tưởng ẩn dật sau cùng của hiệp khách, mà chỉ nhắc lướt qua. Vd. A Châu chỉ nói với Tiêu Phong về "ngoài Nhạn Môn Quan," Trần Gia Lạc và Ôn Thanh Thanh lui về một thành thuộc Hồi. Viên Thừa Chí và Hoắc Thanh Đồng chọn sống ngoài biển. Quách Tĩnh lên núi Nga Mi ẩn dật. Dương Quá và Tiểu Long Nữ về Cổ Mộ. Trương Vô Kỵ rút lui ẩn dật lo kẻ lông mày cho Triệu Mẫn. Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cũng biến mất trên giang hồ. Ngay như Vi Tiểu Bảo cũng đem mấy bà vợ lánh cư đâu đó tại Giang Nam.
Kim Đại Hiệp cũng noi gương các nhân vật này, chán ghét quay cuồng trong giang hồ, bản tính nhân hòa, chịu ảnh hưởng của tôn giáo, tri túc tiện túc, đang lúc trên đỉnh cao sự nghiệp, là Võ Lâm Minh Chủ truyện võ hiệp, sau Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm ông cho là hay nhất, đã tuyên bố gác bút, và dành thời gian còn lại chỉnh sửa, nâng cấp tác phẩm, đưa lên loại cổ điển. Quyết định của ông thật can đảm, khôn ngoan sáng suốt, đáng là tấm gương cho những ai còn nhiều tham sân si.
Thời đại hiện nay được mệnh danh là post-truth (hậu-sự thật), xã hội đầy những alternative fact, liar, fake news, cổ võ thù hận, chia rẽ, phân biệt chủng tộc...nhiều người không biết đâu là thật giả. Xã hội như thế khiến người ta nghĩ đến các truyện distopia như Animal Farm và 1984 cũng đầy lươn lẹo, dối trá, cổ xúy thù ghét. Vd. "Không con vật nào được uống rượu" sau thêm vào cuối câu "quá mức" để giải nghĩa khác đi. "Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác" : "bình đẳng hơn" là nghĩa làm sao?. "Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh". "Bộ Hòa Bình lo việc chiến tranh". "Hai phút thù ghét" tuyên truyền khuyến khích bạo đông.
Tương tự, truyện võ hiệp của KD, giống như truyện của G. Orwell, cũng có thể coi như distopia phản ánh tình trạng tranh giành, xâu xé, xáo trộn.... của xã hội hiện đại.
Qua những nhận xét trên có thể thấy KD là một nhà văn võ hiệp tài ba, thành công rực rỡ, và còn có công lớn nâng thể loại võ hiệp lên hàng chính thức. Thành công này cũng còn nhờ KD thông minh, khôn ngoan, tháo vát, vô chiêu thắng hữu chiêu, không chính tà, phe phái, được lòng mọi người. KD cũng có tài kinh doanh, phối hợp báo chí và truyện cũng như hoạt động chính trị xã hội để quảng bá tên tuổi, bán được nhiều sách, trở thành triệu phú, nhờ biết chuyển hướng theo kinh nghiệm thực tiễn, tư tưởng từ Khổng qua Phật rồi tới thực dụng qua nhân vật sau cùng Vi Tiểu Bảo.
Vi Tiểu Bảo là phản đề của các anh hùng trước đây của KD, xuất thân là con hoang của kỹ nữ, không học vấn cũng như võ công, mà đạt tới đỉnh cao trong triều đình cũng như giang hồ võ lâm, toàn là nhờ lanh trí, mồm mép, gian manh, chưa kể gom được tất cả 7 vợ xinh đẹp. Trong bài "Cái tay tiểu tử tinh quái Vi Tiểu Bảo" KD thú nhận viết được 1/5 truyện thì thấy thích hắn và để mặc hắn hành động theo tình hơn là lý. VTB có 2 đặc điểm nổi bật: thích nghi với hoàn cảnh và trọng nghĩa khí giang hồ. Đây cũng là 2 đặc tính của dân Trung Hoa để tồn tại và bảo vệ kiên cường. Nghê Khuông đánh giá nhân vật VTB là hạng nhất, vì tật xấu của hắn là tật xấu của mọi người thật ngoài đời, còn nhân vật Quách Tĩnh thì tính cách có vẻ không tự nhiên, hợp lý cho lắm.
Xét kỹ ra, VTB còn lập được nhiều thành tích hơn vài anh hùng khác. KD tuy thích hắn, nhưng ông khuyên nếu gặp ngoài đời thì nên tránh xa. Vì dẫu sao, KD là người bản chất tốt, đạo đức, ôn hòa, khiêm tốn, trời cao còn có trời cao hơn, thường nói mình không xứng đáng với những khen tặng. Nhất là biết thức thời, rút lui đúng lúc, trên sông Trường Giang lớp sóng sau dồn lớp sóng trước. Chẳng bù nhiều người luống tuổi, tài hèn, đức kém, tưởng cái tôi to đùng, tham quyền cố vị, dùng mọi thủ đoạn bá đạo, tiểu nhân để tranh giành quyền lực, giầu sang, danh vọng....
Sau cùng xin chúc KD tiếp tục hưởng hạnh phúc nơi miền Tây Phương Cực Lạc.
Phạm đức Thân