ĐẠI THẮNG VUA QUANG TRUNG
NĂM 1789
QUA THƠ VĂN NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Ngày xưa các cụ ta làm thơ chữ Hán chỉ để vịnh cảnh, tả tình, gửi gấm tâm sự, thơ văn viết một cuộc chiến tranh lại là điều hiếm có. Cuộc chiến thắng đánh Tống của Lý Thường Kiệt để lại bài Nam Quốc Sơn Hà, cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông để lại bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, cuộc kháng chiến chống Minh vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo. Còn cuộc chiến thắng Quang Trung, phá tan quân Thanh có những gì ? Còn tác phẩm nào của người đương thời viết về trận chiến thắng ấy ? Trải qua 143 năm triều Nguyễn, thơ văn viết ca ngợi vua Quang Trung là một điều quốc cấm. Triều đại Tây Sơn được gọi là ngụy quyền không được ghi trong chính sử.
Cuộc chiến thắng vua Quang Trung lại có thơ văn rãi rác trong các thi tập các nhà thơ đương thời thật là một điều quý báu. Tiếc thay ngày xưa các cụ viết bằng chữ Hán nên ngày nay thế hệ chúng ta không được biết. Trong bài này tôi xin góp nhặt và dịch lại thơ Đường luật các bài thơ chữ Hán các tác giả đương thời ca tụng cuộc chiến thắng vua Quang Trung đánh tan gần ba trăm ngàn quân Thanh tại thành Thăng Long.
PHAN HUY ÍCH (1751-1822)
Trong Dụ Am Ngâm lục tập I bài 87. Sách Dật Thi Lược Toản nxb KHXH 1978 chép bài : Mới nghe tin Tổng Đốc họ Tôn lui quân về thành Xương Giang ngẫu nhiên làm thơ. Thành Xương Giang do người Minh đắp, quân Thanh bồi bổ ở xã Thọ Xương huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc thị trấn Bắc Giang. Bài thơ viết: Ngọn cờ chinh chiến muôn dậm ra ngoài biên cương. Phù nguy trừ nạn sắp đặt cõi Nam. Mượn cớ giúp Lê Chiêu Thống, vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng đem quân sang Việt Nam nhằm việc chiếm cứ lâu dài và sáp nhập An Nam lại thành quận huyện Trung Quốc. Nếu chính nghĩa đủ khu xử núi sông thì lều quân hơi đâu nằm trong sương tuyết. Nếu Nhà Thanh có đủ chính nghĩa thì không cần phải đem quân sang Đại Việt, hai nước có thể cư xử hoà hiếu. Vua tôi (Lê Chiêu Thống và bề tôi lưu vong) phục quốc đều tham lam lười biếng. Lê Chiêu Thống kết cuộc uất ức chết tại Bắc Kinh, bọn cận thần bị Tể tướng Hoà Khôn, do tiếp sứ đoàn Tây Sơn do Phan Huy Ích làm chánh sứ với vua Quang Trung giả nên đày cận thần mỗi người một nơi xa xôi hẻo lánh. Người ngựa (quân Tôn Sĩ Nghị) qua cầu rất hốt hoảng. ( cầu phao sụp đổ bị nước cuốn). Thương thây mấy vạn nắm xương bỏ lại bên thành. (Thây quân Thanh chết làm tắc nghẽn cả nước sông Nhĩ Hà). Khí oán hận theo gió đến Thọ Xương.
MỚI NGHE TỔ̉NG ĐỐ́C HỌ TÔN
LUI QUÂN VỀ̀ THÀNH XƯƠNG GIANG
NGẪ̃̃U NHIÊN LÀM THƠ
Vạn dậm binh cờ xuất cõi biên,
“Phò nguy trừ nạn” định phương Nam.
Nghĩa cao nếu đủ kêu sông núi,
Lều soái đâu cần trải tuyết sương.
Cứu nước vua tôi tham biếng nhác,
Qua cầu người ngựa luống kinh hoàng.
Thương thay mấy vạn quân thành ngoại,
Khí oán còn theo gió Thọ Xương.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiêm âm Hán Việt:
SƠ VĂN TÔN TỔNG ĐỐC THOÁI SƯ XƯƠNG GIANG NGẪU PHÚ
Vạn lý chinh huy viễn xuất cương,
Phù niên bài nạn điện nam hoang.
Nghĩa thanh trực túc khu xuyên nhạc,
Nhung mạc hà lao ngọa tuyết sương.
Phục quốc quân thần câu ngoạn yết,
Độ kiều nhân mã tối thương hoàng.
Khả lân sổ vạn thành biên cốt,
Oán khí tùy phong quá Thọ Xương.
ĐOÀN NGUYỄN TUẤN (1750- ?) trong Hải Ông thi tập. Đoàn Nguyễn Tuấn làm thị thần bên cạnh vua Quang Trung, có viết ba bài thơ liên quan đến chiến trận này.
Tháng Trọng Đông tức tháng 11 Ăm lịch, ngày 27, hạ được thành mừng làm thơ. Bài thơ viết: Hồi trống oai linh xốc dậy cả trăm thần. Ý nói quân ta ra quân đánh giặc vô cùng mạnh mẽ khiến muôn thần đều hưởng ứng. Sáu quân khí mạnh đạp bằng trùng thành. Thần người đều căm giận phát ra sấm sét. Mây mù sạch lâng cùng với móc sương. Trời rạng trên đài quan sát thấy màu biển tới gần. Xuân về đồng nội vang tiếng núi rừng. Theo xe loan nhà vua thẹn cầm cây bút Bình Hoài. Vung tay áo hát hoài khi trở về kinh đô Phú Xuân. Bút Bình Hoài lấy từ điển tích Hàn Dũ viết bài Bình Hoài tây bi. Thời Đường Hiến Tông, Ngô Nguyên Tế làm loạn vùng Hoài Thái. Hiến Tông sai Bùi Độ đem quân đi đánh, dẹp yên được. Trong chiến dịch này Lý Tố lập được công đầu vì tiến vào đất Thái bắt được Ngô Nguyên Tế. Sau trận ấy vua Đường sai dựng bia để ghi lại chiến công đó và sai Hàn Dũ soạn bài văn bia, Hàn Dũ bèn soạn bài Bình Hoài tây bi. Vợ Lý Tố là con gái công chúa Đường An được ra vào nơi cung cấm đã tố cáo lời văn bia kia không đúng sự thật. Vua Đường bèn hạ chiếu bắt phải mài bỏ bài văn bia ấy đi và sai Hàn lâm học sĩ Đoàn Văn Xương soạn bài khác để khắc vào bia. Tác giả muốn nói mình được theo vua đi đánh giặc, cũng muốn cầm cây bút để ca ngợi chiến công, song cũng kém cõi như Hàn Dũ không thể tránh được thiếu sót.
SÁNG SỚM NGÀY HAI MƯƠI BẢY THÁNG MƯỜI MỘT
HẠ ĐƯỢC THÀNH MỪNG LÀM THƠ
Hồi trống oai linh dậy bách thần.
Sáu quân khí mạnh đạp trùng thành.
Thần người căm giận sấm thần đánh.
Mây khói sạch lâng tan móc sương.
Trời rạng vọng đài màu biển biếc.
Xuân về đồng nội tiếng non rừng.
Theo xe loan thẹn Bình Hoài bút,
Vung áo hát hoài về Ngọc Kinh.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TRỌNG ĐÔNG NHỊ THẬP THẤT NHẬT
TẢO THẦN KHẮC THÀNH, HỈ TÁC
Nhất cổ anh linh khởi bách linh.
Lục sư khí tráng đạp trùng thành.
Thần nhân nộ trục lôi đình tiết,
Hồn ế phân tùy hãng giới thanh.
Nhật lãng vọng đài lai hải sắc.
Xuân hồi giao dã động sơn thanh.
Bồi loan qui chấp Bình Hoài bút.
Tổn duệ tráng ca phản ngọc kinh.
Bài Cảnh sắc sau cơn bảo táp, Đoàn Nguyễn Tuấn muốn nói cảnh sắc sau trận chiến Quang Trung đánh bại quân Mãn Thanh. Đêm qua mây rán đều chuyển sang màu vàng. Bão táp muôn dậm bỗng đâu nổi dậy ! Cửa trời đã nguôi giận trong trận trên không. Mặt đất còn lưu uy vũ sau trận sát phạt. Cỏ úa cành khô phần nhiều đều giập gãy. Cành cao cây lớn riêng vẫn hiên ngang. Trồng thì vun, nghiêng thì gãy đổ, thảy đều như thế. Ai lại đem sự tươi héo phó mặc trời xanh. Sách Trung Dung có câu: “Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi.” nghĩa là cây tự trồng vững vàng thì được vun đắp, cây tự nghiêng ngã thì bị xô đổ. Sự suy héo thịnh suy không phải hoàn toàn do trời xanh định đoạt mà một phần quan trọng là do những nhân tố chủ quan, vì vậy phải cần tự lực tự cường thì ắt có thể vượt qua cảnh hiểm nghèo, ví như cây cứng vẫn đứng vững trước giông tố, còn cỏ mềm thì nát với gió bão. Tươi héo nguyên văn là “vinh khô” dùng để ví với sự thịnh suy.
CẢNH SẮC SAU CƠN BẢO TÁP
Đêm qua mây ráng chuyển màu vàng,
Bảo táp bổng đâu vạn dậm sang.
Cơn giận cửa trời đà dịu xuống,
Uy trời còn lại cuộc phân tranh.
Cỏ uá cành khô đều gãy nát,
Chồi cao cây lớn vẫn hiên ngang.
Trồng vun, nghiêng đổ đều như thế,
Đâu phải trời xanh muốn phủ phàng
CỤ PHONG HẬU CẢNH SẮC
Tạc dạ vân hà sắc chuyển hoàng,
Cụ phong vạn lý, hốt phi dương.
Thiên môn nộ túc không trung trận,
Địa diện uy lưu chiến hậu trường.
Nhược hủy khô điều đa ủy ế,
Kinh kha đại thụ độc hiên ngang.
Tài bồi khuynh phúc hồn như thử,
Thủy bả vinh khô ủy bỉ thương !
Bài Qua sông Nhị xem lũy cũ quân Bắc. Đoàn Nguyễn Tuấn viết :
Sát khí xông lên từ khói muôn bếp. Trơ lại mảnh lũy bên sông Nh̃i Hà. Ngày xưa gọi sông Hồng là Nhĩ Hà vì sông có vành như vành tai, người đời còn gọi thành sông Nhị Hà cho thuận tai. Cây cỏ lại tươi dưới nắng chiều ấm áp. Gươm giáo một phen khiến dân chúng lầm than. Hồn về Ngũ Lĩnh hẵn chim bằng bay vạn dậm. Ngày xưa núi Ngũ Lĩnh được xem là cương vực nước Nam và nhà Tần. Việc cũ Chương Dương nay đã ngàn năm. Chương Dương là nơi quân nhà Trần thắng quân Nguyên Mông ở bến đò Chương Dương trên sông Nhị Hà. Nay huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng. Nếu biết việc Cứu Lê thẹn cùng sông núi. “Hưng kế” nói tắt một câu trong Luận Ngữ: “Hưng diệt quốc, kế tuyệt thế” nghĩa là dựng lại nước đã mất, nối lại dòng họ đã tuyệt. Trong bài này chỉ việc phủ Lê. Đại ý câu này nói: Ý đồ nhà Thanh giả vờ muốn trung hưng nhà Lê để chiếm nước ta là một việc làm không chính đáng. Đã phải sớm hướng về Tây Sơn gửi thiếp chúc mừng.
QUA SÔNG NHỊ XEM LŨY CŨ QUÂN BẮC
Sát khí xông lên muôn bếp lửa,
Còn trơ mảnh lũy bên sông Hồng.
Cỏ cây tươi lại trong chiều nắng.
Gươm giáo một thời dân khóc than.
Ngũ Lĩnh hồn về bầng vạn dậm.
Chương Dương việc cũ đã ngàn năm.
Phù Lê nếu biết thẹn sông núi,
Thì hướng Tây Sơn gửi thiệp mừng.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
QUÁ NHĨ HÀ QUAN BẮC BINH CỐ LŨY
Sát khí sung khai vạn táo yên,
Duy dư trữ điệp Nhĩ Hà biên.
Tái vinh thảo mộc huân tàn chiếu,
Nhất độ can qua trọng đảo huyền.
Ngũ Lĩnh quy hồn ưng vạn lý,
Chương Dương vãn sự dĩ thiên niên.
Giải tri hưng kế tu xuyên nhạc.
Tảo hướng Tây Sơn tống hạ tiên.
Thi hào Nguyễn Du năm 1789, trong thời Mười năm gió bụi (1786-1796). Sau cuộc khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên năm 1788 cùng Nguyễn Đăng Tiến, quyền trấn thủ Thái Nguyên (thay anh Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Khản), Nguyễn Du gọi là Nguyễn Đại Lang trong Thanh Hiên Thi Tập, Cai Già trong Lịch Triều Tạp Kỷ, Cai Gia Hoàng Lê Nhất Thống Chí.. Nguyễn Đăng Tiến người Việt Đông, phản Thanh phục Minh sang tỵ nạn làm môn hạ Nguyễn Khản, dạy võ nghệ cho Nguyễn Du, có kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Du, lớn tuổi hơn cả Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi), nên Nguyễn Du gọi là Đại Lang (anh cả) Nguyễn Đăng Tiến cùng Nguyễn Sĩ Hữu (Nguyễn Quýnh) và Nguyễn Du cùng bị chỉ huy Giáo của Tây Sơn đánh bắt và giải về cho Vũ Văn Nhậm, Nhậm trân trọng khí khái và tha chết cho muốn đi đâu thì đi.(Lê Quý Kỷ Sự, Lịch Triều Tạp Kỷ) Họ lên đường sang Vân Nam, Nguyễn Du bị bệnh ba tháng xuân, sau khi khỏi bệnh Nguyễn Du thoát vòng trần tục thành nhà sư Chí Hiên, theo gương Lý Bạch, 22 tuổi thành đạo sĩ đi giang hồ chu du khắp các con sông và các hồ đẹp Trung Châu, cư ngụ tại các đạo quán trên đường đi. Nguyễn Du, “Giang hồ, long miếu hai điều đủ. Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh.(Thơ Nguyễn Hành Gửi chú) sau khi hết bệnh, họ tiếp tục lên đường. đến Liễu Châu họ chia tay, Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ Việt Đông, Nguyễn Sĩ Hữu trở về Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn, còn Nguyễn Du từ Quảng Tây theo sông Tương qua Hồ Động Đình vào sông Hán đi thăm Trường An (làm hai bài thơ Dương Quý Phi phi cố lý và Bùi Tấn Công mộ). Đi kinh đô Lạc Dương (làm 2 bài Đình Tô Tần và bài Phân Kinh Thạch Đài). Sau đó đi Hàng Châu thăm Tây Hồ, nơi hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu, nơi chính xác là Miếu Nhạc Phi, nơi đây Nguyễn Du làm 5 bài thơ trong lúc chờ đợi và cư ngụ tại chùa Hổ Pháo đối diện Miếu Nhạc Phi, chùa Hổ Pháo là nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hoà thượng từng tu hành trước khi thành cướp biển, quanh Tây Hồ còn có mộ nàng Tiểu Thanh để lại Phần Dư Cảo do Từ Sĩ Tuấn sao chép lại và các hành viện nơi các nàng Kiều bán mình. Nguyễn Du có bản Kim Vân Kiều truyện từ nơi này và bắt đầu diễn Nôm. Sau ba năm giang hồ Trung Châu. “đọc kinh Kim Cương nghìn lượt”, bản kinh Kim Cương chú giải do Lê Quý Đôn viết đương thời được giới trí thức Bắc Hà yêu chuộng và đội mũ vàng nhà sư đi “Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế”(gần 5000 km). Nguyễn Du gặp lại Đoàn Nguyễn Tuấn làm phó sứ sứ đoàn Tây Sơn năm 1790 tại Hoàng Châu. Đoàn Nguyễn Tuấn viết tặng văn nhân họ Nguyễn hai bài thơ và bàn chuyện sôi nổi về Hồng nhan đa truân.
Khi trận đại chiến vua Quang Trung tại Thăng Long. Nguyễn Du đang ở thành Tín Dương. Dư âm trận chiến vang dội khắp Trung Quốc, suốt trăm dậm từ biên giới dân cư hoảng hốt bỏ chạy. Nguyễn Du viết: Ngọn gió Tây làm rung động cả đất khách. Tây phong biến dị hương. Bài Tĩn Dương tức sự Nguyễn Du viết :
Huyện Tín Dương ở đầu tỉnh Hà Nam. Đây là trung tâm của thiên hạ, giữa chín châu. Tấm đá còn ghi dấu nước Thân thời nhà Chu là nơi phong cho con cháu Bá Di, Thúc Tề. Núi non trùng điệp ngăn cách nước Sở. Ngựa hí đòi ân thóc lúa. Nhà Thanh phải vơ vét thóc lúa cung cấp cho ngựa và quân đi ra chiến trường. Dân chỉ ăn phân nửa cám. Dân chúng đói khổ phải ăn độn cám sống qua ngày. Tóc bạc thu đến giận làm sao ! Nguyễn Du mới trên hai mươi tuổi tóc đã bạc vì lo nghĩ việc nhà tan, việc nước nát. Thương cho dân chúng cơ cực, ảnh hưởng cuộc chiến tranh nuôi ba trăm ngàn quân đi viễn chinh. Gió Tây làm rung động cả đất khách. Trong thơ Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương gió Tây ám chỉ quân Tây Sơn. Trận chiến quân Tây Sơn thắng quân Thanh, hàng trăm ngàn người quân sĩ, dân phu khuân vác chết, làm cả Trung Quốc chấn động.
TỨC CẢNH Ở TÍN DƯƠNG
Tín Dương đầu Hà Nam,
Thiên hạ đất trung tâm.
Dấu nước Thân phiến đá,
Ngăn đất Sở núi non.
Ngựa đòn ăn thóc lúa,
Dân nửa cám bữa ăn.
Tóc bạc giận thu đến,
Đất khách gió Tây rung.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
TÍN DƯƠNG TỨC SỰ
Hà Nam thủ Tín Dương,
Thiên hạ thử trung ương.
Phiến thạch tồn Thân Quốc,
Trùng sơn hạn Sở cương.
Mã minh tư tự mạt,
Dân thực bán tì khan.
Bạch phát thu hà hạn,
Tây phong biến dị hương.
Bằi Ngẫu hứng còn cho thấy rỗ hơn về Hà Nam Trung Quốc đương thời. Không khí buồn thảm khi tin cuộc đại bại quân Tôn Sĩ Nghị, tiếng kèn trên thành cũng biến thành tiếng ai oán như đám tang. Hơi thu càng thên giá lạnh khi dân chúng nhiều người thân chết trên chiến trường mất xác. Trên thành Tín Dương vang tiếng kèn ai oán. Hơi thu tràn ngập giá lạnh dân Hà Nam. Lòng nhớ quê nhà cách xa vạn dậm, quay đầu nhìn lại. Phía Nam mây trắng nhiều không kẻ xiết. Mây trắng lấy ý từ Địch Nhân Kiệt đời Đường trỏ đám mây trắng chân trời nói rằng : nhà của ta dưới đám mây đó.
CẢM HỨNG NGẪU NHIÊN.
Tiếng kèn ai oán thành Tín Dương,
Thu tàn tràn ngập dân Hà Nam.
Ngàn dậm nhớ quê quay đầu lại,
Mây trắng phưng Nam trôi bạt ngàn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NGẪU HỨNG
Tín Dương thành thượng động bi già,
Thu mãn Hà Nam bách tính gia.
Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ,
Bạch vân nam hạ bất thăng đa.
NGÔ NGỌC DU Trong Văn học Thế kỷ XVIII, Ngô Ngọc Du tr 848. viết :
hiệu là Đào Khê, nguyên quán ở Hải Dương, viết cả tập ký có tên là Đào Khê dã sử, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong xã hội thời bấy giờ, nay còn sót lại :
GHI CHÉP VIỆC KHÔI PHỤC THÀNH THĂNG LONG
Cớ chi lũ giặc đến điên cuồng,
Phẩn nộ nhà vua uy vũ dương.
Thần tốc quân hùng lao thẳng tới,
Như quân trời xuống khó ai đương.
Một trận lửa rồng tan nát giặc,
Thành bỏ cướp đò trốn tìm đường,
Ba quân chỉnh tề đội ngũ tiến,
Trăm họ mừng vui đầy đường đón.
Mây tạnh mưa quang thấy ánh dương.
Đầy thành già trẻ như hoa nở,
Cố đô lại về ta núi sông.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
LONG THÀNH QUANG PHỤC KỶ THỰC
Hà vật nghịch tặc lại xương cuồng,
Vương sư nhất nộ uy vũ dương.
Trường khu trực đáo chân thần tốc,
Như tòng thiên giáng nan để đương.
Hỏa long nhất trận tặc phi mĩ,
Khí thành sang độ tranh đào sinh.
Tam quân ngũ quán chỉnh đội tiến.
Bách tính tước dược già đạo nghênh.
Vân vũ bạt khai thiên nhật,
Mãn thành lão thiếu câu hoan nhan.
Ma kiên bả tý quân tương ngữ :
Cố đô hoàn thị ngã hà san.
NGÔ THÌ NHẬM
Ngô Thì Nhậm trong thời điểm này, làm thị thần bên cạnh vua Quang Trung đã thảo Chiếu lên ngôi vua (1788), Biểu Chúc Mừng (1789), Chiếu phân phối hàng binh người nội địa Mãn Thanh và Chiếu cầu hiền.
Hai bài Biểu Chúc Mừng và Chiếu phân phối hàng binh nói đến trận Đại thắng Tôn Sĩ Nghị.
Sau thắng lợi quân sự vua Quang Trung, Tôn Sĩ Nghị bị cách chức Tổng đốc, Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng thay thế, Phúc thấy thực lực quân Tây Sơn lo ngại việc binh nên đánh tiếng cầu hoà, các sứ đoàn ngoại giao qua lại rộn rịp. Mọi tội lỗi đổ trên đầu Tôn Sĩ Nghị, do quân binh nhà Thanh thấy voi hoảng chạy, Tôn lại ra lệnh cắt đứt cầu phao, gây nên tai nạn giao thông quân dân chết đuối. Lần đầu tiên vua Trung Quốc mời một vị Quốc Vương Việt Nam sang Trung Quốc với sứ bộ đông đảo 158 người do Phan Huy Ích làm Chánh Sứ, Đoàn Nguyễn Tuấn làm phó sứ. Các sứ bộ bình thường 3. 4 năm một lần chỉ có khoảng dưới 30 người. Ngoài những tặng phẩm bình thường còn có hai con voi đực. Nhà Thanh phải tốn kém ngân khố 800 000 lạng bạc cho cuộc du hành một ông vua Quang Trung giả.
BIỂU CHÚC MỪNG
Mừng vua Quang Trung sau thắng lợi vĩ đại về quân sự và ngoại giao.
Hai nước hòa hiệp,
Chín cõi đều xuân,
Nước bạn tỏ kính,
Triều đình nhộn vui,
Nhờ có Hoàng đế bệ hạ :
Trời sinh đức sáng,
Biển đọng vẻ trong,
Đánh dẹp tỏ rõ sức thần,
Co giản tùy theo thời thế.
Vận mưu lược yên dân xếp giáo, đem da hùm, chở ngược mộc son.*
Đạo nhún nhường lủi bước bãi binh, giữ tai trâu*, khuyên mời chén ngọc.
Chiến hoà do ta định đoạt,
Thân thiện để người cùng vui.
Điện Kinh Yên hương lửa tình thân, gấm vóc vẻ vang đặt biệt.
Đài cõi Việt đá vàng nghĩa trọng, mận dưa *trao tặng quà đầu.
Sử Hồng Bàng ba nghìn năm ghi chép, vinh hoa chưa thấy bao giờ.
Cõi Âu Lạc mấy muôn dặm đất đai, nền tảng từ đây rộng lớn.
Chú thích:
*Mộc son : Mộc sơn son, thứ mộc của vua dùng. Kinh Lễ: Vũ Vương sau khi đánh thắng nhà Ân, liền chỡ ngược các đồ can qua (mộc và giáo) đem về, bọc da hùm mà cất đi. Đây tác giả nói việc xếp binh khí mà giảng hòa.
*Giữ tai trâu : do từ “chấp ngưu nhĩ” ngày xưa, khi các nước chư hầu có cuộc uống máu ăn thề, thì cắt tai trâu lấy máu đựng vào chén ngọc, người chủ cuộc ăn thề cầm lấy và cùng uống với nhau, nhân gọi người chủ cuộc ăn thề là “chấp ngưu nhĩ”. Đây tác giả ám chỉ vua Càn Long nhà Thanh, người chủ cuộc giảng hòa.
*Mận dưa chỉ tặng phẩm của vua Thanh. Kinh Thi có câu : “Đầu ngã dĩ mộc qua, đầu ngã dĩ mộc lý” nghĩa là tặng ta quả dưa, tặng ta quả mận, nói những thứ quà trau tặng nhau.
Sách Ngô Thì Nhậm. Thơ Nxb Văn Học 1986 chép bài:
CHIẾU PHÂN PHỐI HÀNH BINH NGƯỜI NỘI ĐỊA (Mãn Thanh)
Cung chiếu cho các hàng quân sĩ tòng chinh của nội địa đều biết :
Việc binh là việc tác hại cho dân thiên hạ. Đã đánh là phải thắng, cho nên khi hai bên đối địch, hễ thấy quân thù là giết. Đó là lệ thường trong việc dụng võ. Xưa nay chưa ai bắt được quân địch mà lại tha cả.
Trẩm vâng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời làm việc đổi mới, đem binh lực bình định thiên hạ.. Viên Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị của các người, tài trí đấu thưng, ngón quen chấp vá, không biết những điều chủ yếu trong việc dùng binh, vô cớ động binh, đem tới 29 vạn người ta ngoài cửa ải, trèo non vượt núi, tiến sâu vào nơi nguy hiểm. Các người là những người dân vô tội, bị lôi kéo đi để phải chết uổng vì mũi gươm ngọn giáo. Đó là điều tội của viên Tổng đốc các người cả.
Trẩm giơ cao ngọn cờ, quét sạch đàn kiến. Lũ các người thua đến bại hoại, tử thương đến hàng vạn người. Những người bị bắt tại trận và bí thế đầu hàng, đáng lẽ cũng theo quân luật, đem giết sạch để làm gương cho những kẻ hung bạo. Song vì Trẩm muốn thể theo đức hiếu sinh của tạo hóa, nên cũng bao dung che chỡ, tha chết cho các người.
Vậy ban tờ chiếu này, phân phối các người vào các cơ đội, sung vào quân ngũ, cấp cho lương thực, để các người khỏi bị gông cùm khổ sở và được đi ra trận tòng quân làm nanh vuốt. Xưa nay các bậc vương giả coi bốn biển như một nhà. Trẩm cũng suy lòng Trẩm, thể tất lòng người, các người cần biết rõ, đừng có sợ hãi ngờ vực. Hãy dẹp lòng nhớ quê, để đền ơn tái tạo, tôn trọng tờ đặc chiếu này.
LÊ NGÔ CÁT và PHẠM ĐÌNH TOÁI trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca. Trường Thi Sài Gỏn 1956 phần Quang Trung đại phá quân Thanh câu 1991 đến 2004, trang 224 viết :
Quân Thanh đã được Thăng Long,
Một hai rằng thế là xong việc mình.
Dùng dằng chẳng chịu tiến binh,
Nhác đường phòng thủ, mống tình đãi hoang.*
Ngụy ta nghe biết sơ phòng,*
Giả điều tạ tội,* quyết đường cất quân.
Dặm tràng * nào có ai ngăn,
Thừa hư * tiến bức đến gần Thăng Long.
Trực khu * đến lũy Nam Đồng,*
Quan Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang.*
Vua Lê khi ấy vội vàng,
Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.*
Qua sông lại sợ truy binh,*
Phù kiều chém đứt quân mình thác oan.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lời giải như sau:
“ Quân Thanh đóng ở Thăng Long kiêu ngạo và nhũng nhiễu Thăng Long.
Nguyễn Huệ ở Phú Xuân (Huế) biết vậy; liền tự xưng là Quang Trung Hoàng đế (ngày 25 tháng một năm Mậu thân, 1788), rồi tự mình thống lĩnh quân thủy bộ ra đánh giặc Thanh.
Quang Trung ra đến Nghệ An, cho quân nghỉ 10 ngày, kén thêm binh, tất cả thành 10 vạn quân và 100 con voi.
Ngày 20 tháng chạp, ra hội với Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm ở núi Tam Điệp cho quân sĩ ăn tết trước và hẹn mồng bảy tháng giêng sẽ vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.
Vua chia quân thủy bộ theo năm đường tiến ra Bắc, ngày 30 tết cất binh.
Vua thân đốc đốc quân trung ương phá vỡ nghĩa binh của nhà Lê ở sông Giản Thủy (nay gọi là Quyết giang thuộc tỉnh Ninh Bình và Hà Nam) bắt sống quân Tầu ở Phú Xuyên, rồi vây phá tan đồn giặc ở Hà Hồi và Ngọc Hồi thuộc phủ Thường Tín (Hà Đông) ngày mùng 5 tháng giêng.
Quân các đạo khác cũng toàn thắng. Nhiều tướng nhà Thanh tử trận, trong đó có Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa, bị vây phải thắt cổ tự tử.
Tôn Sĩ Nghị nghe tin, vội vàng cùng vua Lê Chiêu Thống chạy trốn sang Bắc Ninh. Khi qua sông Nhị Hà rồi Sĩ Nghị sai phá cầu vì sợ quân Tây Sơn đuổi kịp. Quân Tầu tranh nhau sang, cầu đổ, sa xuống sông chết đuối đầy sông.
Trưa mồng 5 tháng giêng, vua Quang Trung vào Thăng Long, áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Vua sai quân đuổi quân nhà Thanh đến cửa Nam Quan. Dân Tầu ở bên kia cửa quan, khiếp sợ bỏ chạy, hàng trăm dặm không có tiếng người.
Sau vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm viết thư sang tạ tội và xin giảng hoà. Vua Thanh biết không làm gì được phong cho Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.”
Cuộc chiến thắng vua Quang Trung đã mở một trang sử mới trong việc ngoại giao hai nước. Nhà Thanh là một triều đại nước Mãn Châu còn gọi là nhà Kim vốn là dân du mục, đã đánh bại nhà Minh chiếm cứ và đô hộ Trung Quốc từ năm 1644 đến 1911 trong 267 năm, hàng trăm ngàn người Minh hương sang nước ta tỵ nạn như Mạc Cửu, Trần Thắng, Dương Ngạn Địch .. được các Chúa Nguyễn cho khai thác Hà Tiên, Biên Hoà, Định Tường.. và trở thành người Việt Nam. Tại Bắc Hà cũng không ít người Minh sang khai thác mỏ bạc tại Thái Nguyên, trường hợp Nguyễn Đăng Tiến làm gia sư dưới trướng quan Thượng Thư Nguyễn Khản không phải là hiếm. Trong cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn cũng có những võ sư người Minh hương tham gia.
Thái độ chiêu đãi đặc biệt của vua Càn Long năm 1790 mời vua Quang Trung sang cung điện Nhiệt Hà làm lễ ôm gối nhận tình cha con với một cuộc đưa rước tốn kém nhất trong lịch sử bang giao hai nước hoàn toàn do nhà Thanh chu cấp, sai họa sĩ triều đình vẽ tranh truyền thần trao tặng. Vua Quang Trung đã cho một người cháu là Phạm Công Trị đóng vai vua giả sang thay trong sứ đoàn Phan Huy Ích. Việc Quang Trung sai Trần Quang Diệu năm 1792 sang xin cầu hôn công chúa con vua Càn Long và xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây vốn nguyên là đất Nam Việt thời Triệu Đà, nơi người Choáng, người Việt cổ có chữ Nôm, có tiếng nói riêng. Vua Càn Long đã có ý ưng thuận. Điều gì sẽ xãy ra nếu vua Quang Trung không mất sớm năm 1792 ?
Chú Thích:
Mống tình đãi hoang: sinh lòng trễ nãi
Sơ phòng : canh phòng không cẩn thận.
Ngụy ta ; Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái làm quan thời nhà Nguyễn nên gọi Tây Sơn là Ngụy.
Tạ tội: xin tha tội, Nguyễn Huệ giả sai người đưa thư ra Bắc nói rằng ra để xin tha tội.
Dặm tràng: đường xa.
Thừa hư; nhân chỗ không giữ.
Trực khu: đuổi thẳng.
Nam Đồng: Tên đất ngoại ô thành Hà Nội trên đường đi Hà Đông nay gọi là Gò Đống Đa.
Dẫu mấy anh hùng mà đang : nay có mấy anh hùng mà không làm sao chống được.
Bắc Kinh: tức là Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Truy binh: auân đuổi theo.
Phù kiều; cầu nổi, cầu phao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
PHAN HUY ÍCH. Dụ Am ngâm lục. Nxb KHXH. Hà Nội 1978.
ĐOÀN NGUYỄN TUẤN. Hải Ông thi tập.Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1982
NGÔ THÌ NHẬM. Thơ. nxbVăn Học. Hà Nội 1986.
NGUYỄN DU TOÀN TẬP tập I Văn Học.1996
LÊ NGÔ CÁT và PHẠM ĐÌNH TOÁI. Đại Nam Quốc sử diễn ca. Hoàng Xuân Hãn tựa và bản. Trường Thi xuất bản. Saì Gòn 1956.
TINH TUYỂN VĂN HỌC VIỆT NAM, tập 5 quyển 2, Nxb Khoa Học Xã Hội. 2004
LÊ THÀNH KHÔI Histoire du Vietnam. Eds Asie du Sud Est. Paris 1982.