Vào Chùa Lẽ Phật - Những Điều Cần Biết
(Đặng Xuân Xuyến Biên Khảo)
*
NGHI THỨC DÂNG HƯƠNG LỄ PHẬT, LỄ MẪU
Không ít người vào chùa lễ Phật thường sửa lễ nào hoa, quả, xôi, giò, bia, rượu, vàng mã... rồi khấn khứa cầu xin đấng Thế Tôn ban tài tiếp lộc cho gia đình được an khang thịnh vượng. Họ mặc nhiên cho rằng, đó là sự thành tâm của họ nhưng họ đâu có nghĩ đến câu dân gian thường nói: “Ăn chay niệm Phật” nên việc dâng lễ bằng rượu, bia, giò, chả... cúng dường Chư Phật là không đúng với giáo lý nhà Phật.
Vậy cúng dường phật như thế nào?
Đến dâng lễ Phật tại các chùa chỉ sửa lễ chay như: Hương, hoa, quả tươi, xôi, oản…, cũng không dùng vàng mã, tiền âm phủ dâng lên cúng Phật. Việc sửa lễ mặn, vàng mã... chỉ được dâng ở ban thờ tự các vị Thánh, Mẫu. Ngay cả tiền thật cũng không nên đặt ở chính điện, mà chỉ nên để vào hòm công đức đặt tại các ban thờ.
Hoa lễ Phật phải là hoa thật, hoa tươi, chủ yếu là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa hồng… không được dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Thường thì Phật tử cúng dường Phật Theo lệ thường, phải lễ thần thổ địa, thủ Đền trước, gọi là lễ trình, cáo lễ với Thần linh cho phép được tiến hành lễ tại đền, chùa, miếu, phủ. Sau đó, bày lễ vật ra các mâm, khay chuyên dùng vào việc cúng lễ... rồi đặt lễ vật vào các ban.
Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay và cẩn trọng đặt lên bàn thờ. Cần đặt lễ vật lên ban chính rồi mới trở ra ban ngoài cùng. Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên các ban mới được thắp hương.
Đến Chùa hành lễ cần theo thứ tự như sau:
1. Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông (Đức Chúa) trước.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Chúa (Đức Ông) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu)
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ các ban thờ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Khi thắp hương cần thắp số lẻ: 1, 3, 5, 7 nén, không thắp số chẵn...
Sau khi hương được châm thì dùng hai tay dâng lên ngang trán, vái ba vái rồi kính cẩn cắm hương vào bình trên ban thờ. Nếu có sớ tâu trình thì kẹp sớ vào giữa bàn tay hoặc đặt lên 1 cái đĩa nhỏ, dùng hai tay nâng đĩa sớ lên ngang mày rồi vái 3 lần.
Trước khi khấn nên thỉnh 3 hồi chuông, thỉnh chuông xong thì mới khấn lễ.
Sau khi đợi hết một tuần nhang, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ tiền, vàng để đem đi hóa. Khi hóa tiền, vàng cần hóa từng lễ một, từ lễ ở ban thờ chính cho tới lễ ở các ban khác, cuối cùng là lễ ở ban thờ cô thờ cậu. Hóa tiền vàng xong mới hạ lễ dâng cúng.
Khi hạ lễ, phải hạ ban ngoài cùng đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở ban thờ cô, thờ cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ.
Sau buổi lễ, người đi lễ thường dành một phần lộc nhỏ đặt vào khay cúng với một số tiền tùy tâm để biếu người thủ đền, thủ chùa...
Giáo lý nhà Phật cho rằng: Phật tại tâm nên việc dâng lễ cốt yếu là ở tâm thành chứ không phải là giá trị của những vật lễ.
Ngày còn bé, tôi được mẹ tôi kể: Có hai bố con người hành khất, đúng ngày Mồng Một nọ đi qua một ngôi chùa. Nhìn cảnh du khách thập phương đang náo nức sửa lễ dâng Phật, cô bé tủi thân vì không có đồ lễ dâng Phật, liền quỳ xuống nức nở khóc. Vái lạy từ xa Đức Phật từ bi bằng lòng thành kính, cô tiếp tục dắt người cha mù lòa đi ăn xin độ nhật.
Đến một ngày nọ, do đói lả lâu ngày, người cha kiệt sức qua đời, cô bé gào khóc thảm thiết. Khi nước mắt đã cạn thì đôi mắt của cô trở thành tàn phế. Mò mẫm dọc đường, cô lạc vào một khu rừng đầy thú dữ, ma quỷ.
Đúng lúc lũ quỷ dữ định ăn thịt cô bé thì bỗng xuất hiện một vầng hào quang chói sáng làm thú dữ, ma quỷ bỏ chạy, cô bé như được phép màu làm sáng trong đôi mắt trở lại và kỳ lạ hơn, cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp kiều diễm.
Ngước mắt nhìn lên không trung, cô thấy Phật Bà Quan Thế Âm đang nhìn cô trìu mến. Cô vội quỳ xuống tạ ơn thì Bồ Tát dịu dàng nói: - Những giọt nước mắt thành tâm của con cúng ta năm xưa, giờ giúp con, ta vẫn còn nợ con nhiều lắm.
Nói xong, Bồ Tát mỉm cười rồi biến mất, để lại một mùi hương thơm thoảng nhẹ giữa rừng.
Như vậy, đâu cứ phải là mâm cao cỗ đầy, là những món ăn cao sang mỹ vị sẽ được Phật chứng. Cô gái hành khất kia làm gì có xôi, giò, gà, rượu để cúng dường Phật mà vẫn được Phật thương, Phật giúp. Những giọt lệ thành tâm của cô cao hơn tất cả những đồ lễ của khách thập phương vì những mâm sang cỗ quý ấy người ta đến cửa chùa để cầu xin phú quý chứ đâu có thành tâm thờ Phật.
Không ít người ăn chay trường niệm Phật, sớm sớm gõ mõ tụng kinh, tưởng như là người rất thành tâm mộ đạo, dốc lòng hướng thiện, quy y Tam bảo sẽ được Phật độ để hưởng phúc lộc ở đời nhưng vì “tu” theo kiểu “tu hú”, “miệng nam mô bụng bồ dao găm” nên đời họ, con họ đâu có được bằng người. Nếu theo quan điểm duy vật, do họ sống thiếu chữ tâm, chữ đức mà con họ theo “tấm gương” của họ trở nên hư hỏng, đời họ vì thế mà chịu đắng cay khi tuổi xế chiều. Nếu theo quan điểm của Phật giáo thì do “gieo nhân nào gặt quả ấy”, nên đời họ phải chịu quả báo vì nghiệp ác đã gây ra.
Tóm lại: Phật giáo luôn để cao chữ Tâm, chữ Thiện nên việc dâng hương cúng Phật cốt yếu ở tâm thành và lòng hướng thiện. Đã là phật tử, khi vào chùa lễ Phật nên hiểu qua nghi thức dâng hương cúng Phật để thực hành và quan điểm sống hướng thiện của Phật giáo để “đẹp đạo tốt đời” là việc nên làm với các phật tử.
NHẬN BIẾT CHƯ PHẬT QUA HÌNH DÁNG TƯỢNG THỜ
Vào chùa lễ Phật, cho dù ở ngoài đời mỗi người một tâm tính nhưng khi đứng trước Ban thờ Phật, mọi bon chen, toan tính của đời thường dường như không còn nữa mà thay vào đó là những khuôn mặt hướng thiện, những ánh mắt trong sáng, chan chứa niềm tin gửi nơi cửa Phật.
Cứ nhìn cử chỉ dâng hương, ánh mắt thành kính, và những cái chắp tay lạy Phật của tín đồ Phật giáo mới thấy lòng chí thành, khẩn thiết của họ, mới cảm nhận sâu sắc sự tôn nghiêm, thanh tịnh chốn Phật đường.
Tuy vậy, cũng không ít Phật tử đang thành tâm hành lễ dâng hương lại không biết mình đang đứng vái lạy, cầu xin trước chư Phật (Phật và Bồ Tát) nào? Và lời cầu xin ấy có đúng sở nguyện của chư Phật đó khi đắc đạo, để lời cầu xin ấy được toại nguyện?
Tất nhiên, chư Phật nào cũng từ bi, hỷ xả, cứu độ chúng sinh nhưng mỗi chư Phật khi đắc đạo có sở nguyện khác nhau nên thiện nam tín nữ phải phân biệt được tượng thờ các chư Phật để lời cầu xin được chư Phật chứng giám.
1. Tượng thờ Phật Thích Ca:
Tượng thờ Phật Thích Ca mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông vức, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh, sắc trắng hơn mặt. Hai tay dài và dày. Ngực có chữ vạn, mình vàng, sắc hoàng kim.
Cũng tùy theo bố trí thờ cúng của mỗi chùa mà tượng Phật Thích Ca có các tư thế đứng, ngồi khác nhau. Tuy nhiên, tượng Phật Thích Ca thường được tạc theo thế ngự trên đài sen, hai tay để ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư.
Cũng có chùa ở tầng cao nhất, sát vách cửa chính điện, thờ “Tam Thế Phật”, đó là các vị Phật của ba thời gian: Quá khứ (Phật A Di Đà), hiện tại (Phật Thích Ca) và vị lai (Phật Di Lặc). Ba tượng Tam Thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao như búi tóc, tai dài, tóc xoắn ốc, ngực có chữ vạn, mình có sắc hoàng kim sáng rực, ngồi trên tòa sen.
2. Tượng thờ Phật Di Lặc:
Tượng Phật Di Lặc thường được an vị ngay ở cửa ra vào, hiếm khi được thờ ở chính điện.
Khi thờ ở Tam Thế Phật thì tượng Phật Di Lặc giống tượng Phật Thích Ca nhưng khi thờ riêng, thường là ở ngay chỗ cửa ra vào thì tượng Phật Di Lặc được tạc theo tư thế ngồi ngả lưng ra đằng sau, nhành miệng ra cười ngặt nghẽo, hớn hở như khoe cái bụng phệ, béo tròn, vô lo vô nghĩ của mình, mà cũng giống như niềm hân hoan chào đón khách thập phương và hoan hỉ ban niềm tin cho du khách.
Cũng có chùa thờ Ngài Di Lặc theo tượng hình một vị hòa thượng mập mạp, mặc áo phơi ngực, bày cái bụng to tướng, xung quanh Ngài có năm, sáu đứa trẻ quấy nhiễu mà Ngài vẫn cười ngặt nghẽo...
3. Tượng thờ Phật A Di Đà:
Phật A Di Đà là hiện thân đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang nên có hai danh hiệu: Vô lượng thọ Phật (đời sống của Phật dài vô lượng, vô biên) và Vô lượng quang Phật (hào quang của Đức Phật chiếu tới các cõi thập phương).
Theo lời Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà thì cõi Phật ở phương Tây cách xa Trái Đất hàng vạn ức dặm. Cõi Phật có tên Cực Lạc quốc (Sukhavati), là nơi có đời sống hạnh phúc, an lạc. Chúng sinh nào muốn được về cõi Cực Lạc thì phải thành tâm tu trì, tin đức Phật A Di Đà.
Tượng Phật A Di Đà thường có những nét đặc trưng: Đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngực có chữ vạn ở khoảng trống của áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên toà sen.
Đi theo hầu Phật A Di Đà thường là hai vị Bồ Tát: Đại Thế Chí và Quan Thế Âm. Ba tượng này được gọi là bộ A Di Đà Tam Tôn. Tượng Phật A Di Đà thường được tạc thờ theo hai thế:
- Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, hình dáng tương tự như Phật Thích Ca nhưng có sự khác biệt so với tượng Phật Thích Ca như: Tượng Phật Thích Ca thường đắp cà sa choàng qua cổ không có đắp y (cà sa) khoát vuông để trống, trước ngực có chữ vạn và không bao giờ duỗi một cánh tay.
Ngược lại, tượng Phật Di Đà có đôi khi người ta tạc tượng Ngài ngồi tư thế kiết già và duỗi xòe bàn tay mặt. Y (cà sa) khoát cổ vuông và trước ngực có chữ vạn.
- Tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng cứu vớt những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng này gọi là tượng Di Đà phóng quang.
Về tượng đứng, bên cạnh Ngài thường có hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Bồ tát Quán Âm thì đứng bên tay trái và Bồ tát Thế Chí đứng bên tay phải của Ngài. Đây gọi là tượng Tam Thánh (như tượng thờ Phật A Di Đà ở chùa Kim Liên (Hà Nội).
4. Tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát:
Đức Phật nói về thần lực của Quan Âm trong kinh Phổ Môn rằng: Nếu một ngàn chỗ có tâm thành cầu nguyện Đức Quan Âm thì đồng một lúc đó có một ngàn Bồ tát Quan Âm liền ứng hiện, Ngài sẽ hiện thân hình tương ứng với nhu cầu của con người như hiện thân Tỳ kheo, hiện thân cư sĩ, hiện thân ngoại đạo...
Tượng Phật Bà Quán Thế Âm được thờ tại các chùa đều theo các cách thể hiện: Quan Âm Chuẩn Đề (Tượng có ba mặt và 18 tay), Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt (Thiên thủ, thiên nhãn), Quan Âm Tọa Sơn (Quan Âm ngồi trên đỉnh núi), Phật Bà (Quan Âm đội mũ, ngồi toà sen), Quan Âm Tống Tử (Quan Âm ngồi bế đứa bé, một bên có Thiện Sĩ - biểu trưng bằng hình con vẹt)...
Tượng thờ Phật Phật Bà Quán Thế Âm tại các ngôi chùa Việt Nam thường là hiện thân hình dáng của người phụ nữ quý phái, nhân hậu, dịu dàng, đứng trên đài hoa sen tay trái cầm bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu để phổ độ chung sinh. Cũng có một số chùa lại thờ theo lối Di Đà Tam Tông: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên tả là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Thế Chí Bồ Tát.
5. Tượng thờ Văn Thù Bồ Tát:
Văn thù Sư Lợi là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức, là một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo.
Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Quốc, Văn Thù Bồ Tát được Phật Thích Ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp và Ngũ Đài sơn chính là nơi Bồ Tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn Thù Bồ Tát.
Văn Thù Bồ Tát thường được tạc theo tượng đứng trên hoa sen trắng, an vị bên trái tượng Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.
Nhưng có chùa thờ riêng Văn Thù Bồ Tát ngồi trên lưng sư tử xanh, tay trái cầm cành hoa sen xanh, tay phải cầm thanh kiếm sắc. Cũng có chùa thờ tượng Ngài theo hình thức người cư sĩ đội mũ, mặc giáp, cầm kiếm....
6. Tượng thờ Phổ Hiền Bồ Tát:
Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy theo mong cầu của chúng sinh mà Ngài hiện thân hóa độ. Trong Phật giáo Đại thừa thì Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng.
Theo truyền thuyết của Phật giáo thì Bồ Tát Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho "Bình đẳng tính trí" tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.
Phổ Hiền Bồ Tát thường được an vị đứng trên tòa sen, bên phải Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.
Tại các chùa, Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Nhưng cũng có chùa thờ riêng Phổ Hiền Bồ Tát với tượng hình người cư sĩ cưỡi voi trắng sáu ngà (voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu giác quan)....
7. Tượng thờ Địa Tạng Bồ Tát:
Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yểu tử hoặc cứu giúp lữ hành phương xa. Đó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật.
Tại Trung Quốc và các nước Đông nam Á, Địa Tạng Bồ Tát được xem là một trong bốn vị Đại Bồ Tát (ba vị khác là Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền) chuyên cứu độ những người bị sa vào địa ngục. Trú xứ của Bồ Tát Địa Tạng là Cửu Hoa Sơn. Tương truyền, Địa Tạng Bồ Tát đã thật sự hiện thân tại núi Cửu Hoa vào đời Đường dưới dạng một hoàng tử xứ Triều Tiên. Sau khi chết, nhục thân của vị hoàng tử này không tan rữa và người dân bản địa đã xây một ngôi tháp để thờ và bảo tháp đó ngày nay vẫn còn trên núi Cửu Hoa.
Tượng Địa Tạng Bồ Tát thường có dáng một vị tăng đầu đội mũ thất phật (trên mũ có hình 7 vị Phật), mặc áo cà sa đỏ, tay phải cầm gậy tích trượng có 12 khoen, tay trái cầm ngọc minh châu, ngồi trên tòa sen.
Ở một số chùa, tượng Bồ Tát Địa Tạng lại được tạc ở tư thế đứng hoặc cưỡi trên lưng một con vật giống như sư tử.
8. Tượng thờ Đại Thế Chí Bồ Tát:
Đại Thế Chí Bồ tát còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại tinh tấn Bồ tát, Vô biên quang Bồ tát... Là vị Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sinh thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề.
Theo kinh “Quán vô lượng thọ”, Bồ tát thân cao tám mươi muôn ức, da màu vàng tử kim, trong thiên quang của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi một hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài đều hiện quốc độ tịnh diệu của mười phương chư Phật, nhục kế như hoa Bát đầu ma, giữa nhục kế có một hình báu, khác hình tượng Quan thế âm Bồ tát.
Theo “A lợi đa la đà la ni a lỗ lực”, thì hai Bồ tát (Đại Thế Chí và Quán Thế Âm) đều toàn thân màu vàng, phóng hào quang trắng, tay phải cầm phất trần trắng, tay trái cầm hoa sen, nhưng thân hình Bồ tát Đại thế chí nhỏ hơn thân hình Bồ Tát Quán Thế Âm.
Còn trong “Hiện đồ mạn đồ la thai tạng giới” của Mật tông, thì tượng Ngài ngồi trên hoa sen đỏ, thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải co ba ngón giữa đặt trước ngực. Mật hiệu là Trì luân kim cương, hình Tam muội da là hoa sen mới nở.
Tại các chùa Việt Nam, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát thường được tạc theo hình dáng người cư sĩ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh, đứng bên trái Đức Phật A Đi Đà (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật A Di Đà. Đây là lối thờ Di Đà Tam Tông: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên tả là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Thế Chí Bồ Tát.
Khi đứng riêng thì tượng Đại Thế Chí Bồ tát được tạc theo nhiều hiện thân, nhưng cơ bản là hình tượng cư sĩ ngồi hoặc đứng trên toà sen, tay cầm một cành sen.
9. Tượng Đức Thánh Hiền:
Đức Thánh hiền được thờ ở các chùa, chính là Ngài Anan tôn giả, đệ tử đệ nhất đa văn của Đức Phật. Theo Phật giáo Đại thừa ngài còn phát nguyện độ sinh do đó Ngài còn tái sinh nhiều lần để cứu vớt chúng sinh.
Tượng ngài được đặt ở bên trái của Bái Đường. Tượng có khuôn mặt thanh thoát, hiền từ, đầu đội mũ có 7 cánh sen, mỗi cánh sen có hình một Đức Phật, một tay cầm chén, một tay bắt ấn.
10. Tượng Đức Ông:
Có chùa ghi là Đức Chúa, được an vị ở bên phải Bái Đường. Tượng được tạc theo hình dáng quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị.
Theo điển tích Phật giáo thì khi Đức Thích Ca vừa thành đạo, Trưởng giả Cấp Cô Độc, một nhân vật thời Đức Thích Ca tại thế, đã mua một khu vườn cây xây tịnh xá, ngôi chùa rất to, thỉnh Phật Thích Ca về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Vì vậy người ta gọi là Đức ông hay Đức Chúa Già Lam Chầu Tể.
*
Trên đây là một số tượng được thờ ở các ngôi chùa Việt Nam. Nhìn chung, các vị Phật hay Bồ Tát đều ngồi hoặc đứng trên tòa sen với đôi mắt khép kín, khuôn mặt nhân hậu, thanh thản, tượng trưng cho sự đại phú, đại quý, siêu phàm và vinh quang.
CÁCH BỐ TRÍ TƯỢNG THỜ TRONG CHÙA MIỀN BẮC
Các chùa miền Bắc thường theo Thiền phái Bắc tông nên cách bài trí tượng Phật đơn giản và khác với chùa miền Nam.
Một ngôi chùa Phật giáo ở miền Bắc phổ biến có 4 khu vực: Chính điện, Tiền đường, Nhà hành lang, Nhà tổ và nhà trai.
* CHÍNH ĐIỆN:
1. Tượng Tam Thế:
Là ba pho tượng ngồi ngang nhau ở nơi cao nhất trên bàn thờ, đại diện cho chủ Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại thế, vị lai thế.
2. Tượng A-di-đà Tam Tôn:
Tượng còn được gọi là “Tây phương tam thánh” đặt ở hàng thứ hai từ trên xuống gồm: Phật A-di-đà (ngồi giữa) Đại Thế Chí (bên trái) và Quan Thế Âm (bên phải) Đây là 2 vị hộ pháp giúp việc cứu độ cho Phật A-di-đà.
Tượng Phật A Di Đà thường có những nét đặc trưng: Dù ngồi hoặc đứng trên toà sen thì đầu đều có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngực có chữ vạn ở khoảng trống của áo cà sa.
Phật A-di-đà được tạc trong tư thế toạ thiền, ngồi xếp bằng, hai tay đặt giữa lòng đùi, khuôn mặt đôn hậu, mắt nhìn xuống suy tư, miệng hơi mỉm cười.
Một số nơi, tạc tượng A-di-đà ở tư thế đứng thuyết pháp trên toà sen.
3. Tượng Thích Ca Mâu Ni:
Tượng đặt ở hàng thứ ba, chính giữa. Tượng được tạc ở 4 tư thế thuộc 4 giai đoạn khác nhau theo truyền thuyết về cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni.
- Tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh): Tượng ở tư thế đã bước ra rồi đứng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, có 9 con rồng uốn chầu xung quanh. Hai bên tượng Cửu Long là hai tượng Đế Thích và Phạm Vương, chủ thể thế giới, nên tạc theo kiểu nhà vua ngồi trên ngai.
Phật sử nói rằng, khi Thích Ca giáng sinh có 9 con rồng phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong Ngài tự đi 7 bước về phía trước, tay phải Ngài chỉ lên trời, tay trái Ngài chỉ thẳng xuống đất mà nói ngay được rằng “Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn” (có nghĩa là trên trời, dưới đất, chỉ có “ta” là tôn quý).
- Tượng Tuyết Sơn: Tượng diễn tả Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn (núi rừng Ni Câu Luật) với thân hình gầy gò, chỉ có da bọc xương. Dân gian quen gọi tượng Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ tu khổ hạnh là “Ông nhịn ăn để mặc”.
- Tượng Thích Ca thuyết pháp (còn gọi là Thích Ca giáo chủ): Tượng được tạc Thích Ca Mâu Ni trong tư thế ngồi trên toà sen, mặc áo pháp, một vai để trần (tượng tay cầm bông sen là tượng Thế Tôn niêm hoa…). Hai bên tượng Thích Ca thuyết pháp có hai vị thị giả là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
Có chùa thay hai tượng này bằng hai tượng đệ tử A Nan Đà và Ca Diếp (thuộc bộ ba của Phật giáo Tiểu thừa).
- Tượng Niết Bàn: Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết Bàn được xem là đoạn triệt luân hồi và đi vào một thể tồn tại khác, không còn chịu sự tác động của nghiệp, không còn chịu quy luật nhân duyên, vô vi, không còn sự sinh, thành, hoại, diệt.. Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân và si.
Tượng diễn tả Thích Ca Mâu Ni đang nhập Niết bàn. Thông thường tượng Niết Bàn ở tư thế nằm nghiêng sườn bên phải xuống thoải mái, tay phải co lại chống lên đầu, mắt lim dim.
Tượng Niết Bàn phổ biến ở các chùa thờ Phật theo Nam Tông, nhưng ít thấy ở các ngôi chùa thờ Phật theo Bắc Tông.
4. Tượng Phật Di Lặc:
Phật Di Lặc được diễn tả bằng một pho tượng có dáng thư thái, thanh thản, hết ưu phiền của bậc tu hành sắp đắc đạo thành Phật. Vì có thân hình đẫy đà, miệng cười lạc quan, nên dân gian quen gọi là ông “Nhịn mặc để ăn”.
Thông thường hai bên tượng Phật Di-Lặc là hai tượng Pháp hoa lâm Bồ tát và Đại diện tướng Bồ tát, nên còn gọi là Di-Lặc Tam Tôn.
*. NHÀ BÁI ĐƯỜNG:
Thông thường nhà Bái Đường (còn gọi là Tiền Đường) được xây dựng trước cửa Chính điện. Các tượng bày ở nhà Bái Đường gồm:
1. Tượng Hộ pháp:
Hai bên ở Bái đường đặt tượng hai vị Hộ pháp. Hai vị Hộ pháp là ý nghĩa khuyến Thiện và trừng ác để hộ trì Phật pháp.
Tượng Hộ pháp thường được tạc rất to, theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ, một vị tay cầm viên ngọc, một vị tay cầm binh khí, trong tư thế đứng hoặc ngồi trên lưng một con sân (một loại giống sư tử).
2. Tượng Thần Thổ Địa - Thánh Tăng:
Thường thì các chùa miền Bắc thờ Đức Ông (còn gọi là Đức Chúa) một bên, và Đức Thánh Hiền (còn gọi là Thánh Tăng) một bên.
Nhưng cũng có ít chùa thờ một bên là Thần Thổ Địa, một bên là Thánh Tăng. Đặc biệt, ở chùa giữa (Tây Phương) lại thờ cả Thần Thổ Địa và Đức Ông (một trẻ râu ngắn, một già râu dài) ở gian Tiền Đường.
Tượng râu dài là Long Thần, hay Già Lam Chân Tể, có thể hiểu là người coi sóc chùa. Tượng râu ngắn có thể hiểu là Thổ địa, người canh giữ Đất.
*. NHÀ HÀNH LANG:
Tượng bày ở nhà hành lang là 18 vị La Hán được tạc kích thước bằng người bình thường với các tư thế khác nhau: Vị ngồi trên tảng đá, vị ngồi trên gốc cây, vị ngồi lưng ngựa, vị ngồi lưng tê giác… vẻ mặt suy nghĩ trầm mặc.
Phật giáo Tiểu thừa cho rằng La Hán là vị quả thánh cao nhất nhưng còn phiền não luân hồi sinh tử, vâng lệnh của Phật ở mãi trên thế gian để cứu độ chúng sinh, không nhập diệt.
*. NHÀ TĂNG:
Nếu thờ Tổ gọi là Nhà Tổ, dùng trai tăng gọi là Nhà Trai.
Nhà Tăng thường được xây dựng sau chính điện nên còn gọi là hậu đường. Trên cao của gian giữa thờ hai tượng Thánh tăng là A Nan Đà (Phật giáo Đại thừa thì thờ Văn Thù Bồ Tát) và Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma (là tổ sư truyền đạo thiền sang Trung Hoa và các nước Đông Nam Á).
Dưới là các vị sư tổ đã tu tại chùa. Các vị sư tổ có thể tạc tượng hoặc không tạc tượng. Có chùa xây dựng một điện riêng để thờ các vị thần thánh này. Ngoài ra, ở nhà tăng trong một số chùa còn thờ tượng Quan Âm Tổng Tử, Quan Âm toạ sơn….
ĐẠO MẪU VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ TAM PHỦ, TỨ PHỦ QUA TRẬT TỰ CÁC GIÁ HẦU
Đạo thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời và rất thuần Việt. Nói đến Đạo Mẫu người ta có thể liên tưởng ngay đến việc tôn vinh những vị nữ thần tối cao mà người ta tôn là Thánh Mẫu hay Quốc Mẫu, tuy nhiên trong đạo thờ Mẫu, người ta không chỉ thờ riêng các vị Mẫu mà còn tôn thờ cả một hệ thống các vị thánh với một trật tự chặt chẽ (thể hiện trong các giá hầu đồng khi thỉnh các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu...).
Trong các đền phủ của Đạo Mẫu, luôn có rất nhiều ban thờ các vị thần thánh, nhất là NGỌC HOÀNG (thờ cúng với hai vị quan ở hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu), tuy nhiên khi thỉnh đồng người ta không thỉnh NGỌC HOÀNG mà người ta chỉ thỉnh các vị thánh sau:
A. TAM TÒA THÁNH MẪU:
Nếu không kể đến Ngọc Hoàng thì ba vị Thánh Mẫu là ba vị Thánh tối cao nhất của đạo Mẫu. Khi hầu đồng người ta phải thỉnh ba vị Thánh Mẫu trước tiên rồi mới đến các vị khác, tuy nhiên khi thỉnh Mẫu người hầu đồng không được mở khăn phủ diện mà chỉ đảo bóng rồi xa giá, đó là quy định không ai được làm trái, và sau giá Mẫu, từ hàng Trần Triều trở đi mới đựoc mở khăn hầu đồng. Theo tín ngưỡng cổ thì ba giá Mẫu hóa thân vào ba giá Chầu Bà từ Chầu Đệ Nhất đến Chầu Đệ Tam, nên coi như Ba giá Chầu Bà là hóa thân của Ba giá Mẫu.
Ba giá Mẫu trong Tứ Phủ gồm:
1.Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên: Cửu Trùng Thanh Vân Công Chúa hay chính là Công Chúa Liễu Hạnh. Đền thờ Mẫu Liễu có ở khắp mọi nơi nhưng quần thể di tích lớn nhất là Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định (Mở hội ngày 3/3 âm lịch), tương truyền là nơi Mẫu hạ trần với các đền phủ như Phủ Chính, Phủ Công Đồng, Phủ Bóng, ngoài ra còn có Đền Sòng ở Thanh Hoá, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội.
2. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn: Đông Cuông Công Chúa. Tương truyền là vị Thánh Mẫu cai quản Thượng Ngàn (rừng núi). Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn là Đền Đông Cuông, Tuần Quán thuộc tỉnh Yên Bái
3. Mẫu Đệ Tam Thoải Cung: Xích Lân Long Nữ. Tương truyền là vị Thánh Mẫu, con Vua Bát Hải Động Đình, cai quản các sông suối, biển, các mạch nước trên đất Nam Việt. Người ta thường lập đền thờ bà ở các cửa sông, cửa biển để cầu cho biển lặng sóng yên.
B. CHƯ VỊ TRẦN TRIỀU
Dân gian ta có câu
"Tháng tám hội Cha, tháng ba hội Mẹ"
Mẹ ở đây là Mẫu Liễu Hạnh, còn Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cùng với một số giá gọi là hàng Trần Triều. Tuy nhiên theo tín ngưỡng dân gian thì bên Đạo Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu) và bên Trần Triều rất kị nhau, vì thế phải là người đồng nào có căn mạng thì khi hầu đồng mới thỉnh và hầu về các giá Trần Triều sau giá Mẫu, còn không thì thông thường người ta không thỉnh về hàng Trần Triều.
Chư vị Trần Triều gồm:
1.Đức Thánh Ông Trần Triều: Hưng Đạo Đại Vương, được tín ngưỡng dân gian tôn làm Đức Thánh Trần, giúp dân sát quỷ trừ ma, trừ dịch bệnh, thế nên ở đâu có giặc dã dịch bệnh thì đều cầu đảo Ngài tất đựoc linh ứng. Khi hầu đồng về giá này, thanh đồng (người hầu đồng) mặc áo bào đỏ thêu rồng, tay cầm thanh đao, ngoài ra theo một tục cổ, khi hầu về giá Đức Thánh Trần Triều, người hầu đồng còn cầm dải lụa đỏ rồi mô phỏng động tác thắt cổ. Đền thờ Ngài cũng có ở rất nhiều nơi nhưng lớn nhất vẫn là đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương với hội mở ngày 20/8 âm lịch.
2. Đệ Nhất Vương Cô: Cô là con gái lớn của Hưng Đạo Đại Vương. Khi về đồng hay mặc áo đỏ thêu rồng, đội khăn đóng, vấn khăn đỏ phủ lên, tuy nhiên có ít người hầu giá này mà chỉ hay hầu về Đức Thánh Trần và Đệ Nhị Vương Cô.
3. Đệ Nhị Vương Cô: Cô là con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương. Khi về đồng hay mặc áo xanh thêu rồng, đội khăn đóng, vấn khăn xanh phủ lên, có kiếm cờ giắt sau lưng, hai tay cũng cầm kiếm và cờ, theo quan niệm, cô cũng là người có phép sát quỷ trừ tà, người hầu về giá này thường đốt một bó hương rồi cho vào miệng ngậm tắt lửa gọi là tiến lửa hay ăn lửa để tróc tà.
C. TAM VỊ CHÚA MƯỜNG
Trên Toà Sơn Lâm Sơn Trang có 18 Chúa Bói, 12 Chúa Chữa, nhưng khi hầu đồng, chỉ thỉnh ba vị tối thượng gọi là Tam Vị Chúa Mường, ba vị Chúa này là những người phụ nữ nhân đức, cả đời làm việc phúc giúp dân chúng và triều đình nên được người đời nhớ ơn và lập đền thờ.
Tam vị Chúa Mường gồm:
1. Chúa Đệ Nhất Thượng Thiên: Bà là người giúp vua trị quốc an dân, (Chúa Đệ Nhất Tây Thiên) hơn nữa theo quan niệm tín ngưỡng thì bà là người nắm giữ sổ Tam Tòa, trông coi mọi việc nên được tôn làm Chúa Thượng, ngoài ra thì những người có tài cúng lễ đều là do bà dạy và ban lộc nên đều phải do bà Chúa Thượng dạy đồng. Tuy nhiên Chúa Đệ Nhất rất ít khi ngự đồng. Thông thường, trong lễ khai đàn mở phủ mà có dâng đàn Chúa Bói thì người ta thường thỉnh bà về chứng tòa Chúa Đệ Nhất. Khi ngự đồng, chúa mặc áo đỏ (áo lụa thêu phượng hoặc áo gấm), cầm quạt khai quang. Chúa Tây Thiên không có đền thờ chính mà chỉ được thờ trên Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ và bà cũng được thờ cận bên Mẫu Tây Thiên ở Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ngày hội chính của Chúa Đệ Nhất Tây Thiên là ngày 10 tháng 05 âm lịch (tương truyền là ngày Chúa giáng hạ trần phàm).
2. Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ (Chúa Nguyệt Hồ): Bà là người có tài xem bói, tương truyền, mỗi khi đức vua ra trận đều nhờ người đến thỉnh bà bấm đốt tay xem xét. Trong Tam Vị Chúa Mường thì bà Chúa Nguyệt là bà Chúa Bói danh tiếng bậc nhất và rất hay ngự đồng. Thông thường, khi có mở đàn Chúa Bói mà không thỉnh được cả Tam Vị Chúa Mường về ngự thì người ta thường hay thỉnh bà về chứng cả ba tòa Chúa (màu đỏ, màu xanh và màu trắng) còn bình thường thì Chúa về chứng tòa Chúa Đệ Nhị. Khi ngự đồng, chúa mặc áo xanh, múa mồi. Đôi khi Chúa về ngự còn dùng lá trầu quả cau để xem bói, phán bảo trần gian. Chúa Nguyệt Hồ được thờ chính tại Đền Nguyệt Hồ ở gần ga Kép, chợ Bố Hạ, tỉnh Bắc Giang (tương truyền là nguyên quán của Bà Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ). Ngày hội chính của Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ là ngày 15 và 16 tháng 02 âm lịch.
3. Chúa Đệ Tam Lâm Thao: Dân gian thành kính gọi bà là Chúa Chữa, Chúa Ót: - Tương truyền, bà là công chúa, con gái ruột của Vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt. Tuy vậy bà vẫn một lòng giúp vua cha trị quốc, bà là người lo việc quân nhu quân lương trong các cuộc chiến trận, ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam. Bà đi khắp vùng đem tài năng của mình để cứu giúp dân lành. Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao cũng là một người có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm phật để cầu cho quốc thái dân an. Như hai vị chúa trên, khi người ta dâng đàn Chúa Bói thì thường thỉnh Chúa về chứng tòa Chúa Đệ Tam. Khi về đồng bà thường mặc áo trắng, có nơi khi hầu bà thì múa mồi như Chúa Bà Đệ Nhị Nguyệt Hồ, nhưng có nơi hầu Chúa lại chỉ dùng quạt khai quang. Chúa Lâm Thao được thờ chính tại Đền Lâm Thao ở Cao Mại, Việt Trì, Phú Thọ (tương truyền là nơi khi xưa chúa lập kho quân nhu quân lương và bốc thuốc cứu dân). Ngày hội chính của Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao tương truyền là 25 tháng 12 âm lịch.
D. NGŨ VỊ TÔN ÔNG - CÔNG ĐỒNG QUAN LỚN
Là các vị quan lớn trong Tứ Phủ, cai quan bốn phương và đều là các vị hoàng tử, danh tướng, có công với quốc gia. Gọi là Ngũ Vị Tôn Ông vì theo hàng chính là gồm 5 vị quan lớn, nhưng ở một số nơi khi hầu đồng người ta thỉnh 6 vị sau:
1. Quan Đệ Nhất: Tương truyền là Tôn Quan Đại Thần, sắc phong tước Công Hầu, ngôi Thượng Thiên. Khi ngự đồng mặc áo đỏ thêu rồng và chỉ làm lễ tế và chứng sớ điệp.
2. Quan Đệ Nhị: Quan Thanh Tra Giám Sát, sắc phong Thái Hoàng. Tương truyền là người cai quản sơn lâm thượng ngàn, thông tri thiên địa, có thể lệnh sai Hà Bá, Thủy Thần làm mưa làm gió. Khi ngự đồng mặc áo xanh thêu rồng. Đền thờ Quan Đệ Nhị là đền Quan Giám, Lạng Sơn. Chính hội là ngày 10 tháng 11 âm lịch.
3. Quan Đệ Tam: Quan Tam Phủ, Bơ Phủ Vương Quan, sắc phong Thái Tử Đệ Tam, con Vua Bát Hải Động Đình, là người nắm giữ kỉ cương nơi Long Cung, cai quản các con sông trên khắp nước Nam. Theo tương truyền thì ông giáng trần cứu dân, trở thành vị tướng thủy quân tài ba, trong một trận quyết chiến bên sông Lục Đầu, ông hy sinh, bị giặc chém mất đầu, chiếc đầu bay sang bờ bên kia con sông Lục Đầu, vì thế mới có hai đền thờ quan hai bên bờ sông Lục Đầu (Hưng Yên) là Đền Lảnh Giang - nơi thờ mình và Đền Xích Đằng - nơi thờ đầu. Chính hội là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Khi ngự đồng mặc áo trắng thêu rồng, tay cầm song kiếm.
4. Quan Đệ Tứ: Là Quan Khâm Sai, sắc phong Thái Tử Thiên Cung, là người cai quản Tam Giới Tứ Phủ, mười phương trời đất, kiêm cả đạo phật thiền gia.
Khi ngự đồng mặc áo vàng thêu rồng, cũng chỉ làm lễ và chứng điệp sớ. Tuy nhiên, ít người hầu đồng về giá này.
5. Quan Đệ Ngũ: Là Quan Tuần Tranh, sắc phong Công Hầu, là vị tướng tài dưới thời Hùng Vương 18 cai quản miền duyên hải sông Tranh, giúp vua dẹp giặc Triệu Đà, tuy nhiên do bị oan khuất nên Ông bị đày về vùng Kì Cùng, Lạng Sơn. Tương truyền, quan Tuần Tranh là người cai quản thiên binh nhà trời, được nhân dân thờ phụng ở khắp các cửa sông mà hai ngôi đền lớn nhất là Đền Quan Lớn Tuần Tranh tại Ninh Giang, Hưng Yên (là nơi quê nhà) ở bên bờ sông Tranh và Đền Kì Cùng, Lạng Sơn (là nơi ông bị đày) bên bờ sông Kì Cùng có cây cầu Kì Lừa. Khi ngự đồng mặc áo lam thêu rồng cầm long đao để giúp dân tróc quỷ trừ tinh, tế độ sinh linh. Ngày mở hội là ngày 25 tháng 5 âm lịch, là ngày Ông bị đi đày.
6. Quan Điều Thất: Là hàng Quan thứ 7, giá Quan này chỉ một số nơi mới thỉnh về ngự đồng (như Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh). Tương truyền, Ngài cũng là con vua Bát Hải Động Đình, giáng thế giúp dân. Khi ngự đồng mặc áo đỏ điều, thêu rồng.
E. TỨ PHỦ CHẦU BÀ
Các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ là những phụ nữ nhân đức hay các nữ tướng có công với dân với nước nên khi từ trần được nhân dân thờ phụng và được tôn thành các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ, được Vua Mẫu giao cho cai quản sông núi và mọi việc nhân gian.
Hàng Tứ Phủ Chầu Bà có 12 vị tuy nhiên cũng như ở một số nơi có sự khác nhau, thêm 2 vị nữa vào hàng thứ 3 và thứ 5.
Các vị Chầu Bà gồm:
1. Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất khi thỉnh đồng. Là vị Chầu tối thượng, đứng đầu hàng Chầu, ngự tại Ngọc Điện, Thượng Giới. Tuy nhiên cũng ít người mở khăn phủ diện để hầu Chầu Đệ Nhất.
2. Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị. Bà vốn là Công Chúa Thiên Thai, giáng hạ để cai quản thượng ngàn và tam thập lục châu. Khi ngự đồng Chầu mặc áo xanh thêu hoa, đầu vấn khăn xanh, cài trâm hoa, tay cầm mồi tượng trưng cho bó đuốc. Đặc biệt khi hầu về giá này còn có nghi thức Trình Trầu: Các đệ tử ai có căn mạng hoặc đã tôn nhang bản mệnh, vào ngày hầu đồng trong lễ Thượng Nguyên (đầu năm mới), ngồi phủ khăn đỏ, đầu đội mâm trầu cau để "trước trình Phật Thánh sau trình Vua Cha, trình lên Tứ Vị Vua Bà, trình đồng Tiên Thánh, trình tòa Sơn Trang, trình lên Thập Vị Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu chứng mâm trầu trình". Khi Trình Trầu người ngồi lễ phải đặt lên mâm trầu cau 12 tờ tiền đồng, tượng trưng dâng lên 12 giá chính của hàng Chầu Bà là những vị giúp mình được đội trầu. Đền thờ Chầu Đệ Nhị là Đền Đông Cuông, Tuần Quán, Yên Bái.
3. Chầu Đệ Tam Thoải Cung: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam, là Lân Nữ Công Chúa, Ngọc Hồ Thần Nữ, vốn là con vua Thủy Tề, ngự tại Thủy Phủ Thiên Thai chốn Thoải Cung, Tam Phủ. Bà được coi là người cai quản các sông suối biển hồ mạch nước trên đất Việt.
(Có nơi còn đưa Chúa Thác Bờ vào hàng Chầu Bà và người ta thỉnh Chúa Thác Bờ sau giá Chầu Đệ Tam hoặc không thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn Chúa Thác Bờ. Tương truyền Chúa Thác Bờ vốn là tiên nữ giáng sinh tại nơi thắng tích, dạy người Mường biết trồng trọt, đánh bắt cá dưới sông Đà. Khi ngự đồng có lúc Chúa mặc áo trắng và khăn choàng trắng, có khi lại mặc váy đen áo trắng đai xanh, bên hông có xà tích bạc, túi dao quai, một tay cầm mồi, một tay cầm mái chèo. Đền thờ Chúa Thác Bờ là Đền Thác Bờ ở Kim Bôi, Hoà Bình.)
4. Chầu Đệ Tứ Khâm Sai: Bà được phong danh là Chiêu Dung Công Chúa, giáng thế là Chầu Bà Khâm Sai giúp dân, có quyền tra sổ Thiên Đình để đổi số nhân sinh... Khi ngự đồng bà mặc áo vàng thêu rồng, một tay cầm kiếm, một tay cầm cờ để đi cứu dân. Đền thờ bà là Đền Khâm Sai hay Phủ Bà Đệ Tứ (đền Cây Thị) ở Quý Hương, An Thái, Vụ Bản, Nam Định.
5. Chầu Năm Suối Lân: Bà là vị Chầu trên Sơn Trang Thượng Ngàn, trấn cửa rừng Suối Lân dưới thời Lê Trung Hưng. Khi ngự đồng mặc áo xanh hoặc áo lam thêu hoa đỏ, đầu vấn khăn chàm tím. Đền Chầu là đền Suối Lân, ngay bên cầu Sông Hóa 2 ở Lạng Sơn, bên cạnh đền là suối Suối Lân.
(Chúa Bà Năm Phương thường đựoc hầu ở Hải Phòng và được thỉnh trước giá Chầu Năm Suối Lân. Tương truyền, Chúa vốn là Bạch Hoa Công Chúa, bị trích giáng vào nhà họ Vũ ở cửa Cấm Giang, được giao là người cai quản bản cảnh ngũ phương trong trời đất. Khi ngự đồng, có lúc mặc cả bộ trắng, có khi chỉ phủ chiếc khăn phủ diện đỏ làm khăn choàng... Người ta thường dâng Chúa bộ nón hài và đĩa hoa trắng, trong đàn mã mở phủ phải có một cỗ xe trắng dâng Chúa Bà. Đền Chúa bà là Đền Cấm, Phố Cấm, Lê Lợi, Hải Phòng.)
6. Chầu Lục Cung Nương: Bà là Lê Triều Lục Cung Công Chúa trên Thượng Ngàn, cũng như Chầu Năm, bà trấn cửa rừng Chín Tư. Tương truyền bà có phép hô thần chú làm cả núi rừng chuyển động, tà ma phách tán hồn xiêu, người trần gian ai không biết mà làm điều trái luân thường đạo lý, độc ác, sẽ bị Chầu hành cho điên dại. Khi ngự đồng Chầu thường mặc trang phục gần giống với Chầu Năm Suối Lân. Đền Chầu lập tại rừng Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn, gọi là đền Lũng, ngày mở hội là 20 tháng 9 âm lịch.
7. Chầu Bảy Kim Giao: Tương truyền bà cũng là vị Chầu Bà của dân tộc “Mọi”, bà giúp tộc “Mọi” biết làm ăn buôn bán nên được nhân dân nhớ ơn lập đền thờ. Khi ngự đồng Chầu mặc áo gấm tím. Đền Chầu là Đền Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên.
8. Chầu Tám Bát Nàn: Bà tên thật là Vũ Thục Nương, quê ở Tiên La, Đông Hưng, Thái Bình. Bà là Nữ Tướng dưới thời Hai Bà Trưng, phất cờ khởi nghĩa tại quê nhà để trả thù cho tướng công là Phạm Hương và cứu dân thoát khỏi Bát Nạn (8 nạn) nên nhân dân suy tôn làm Bát Nàn Đại Tướng Quân (Bát Nàn là đọc chệch đi của từ Bát Nạn), sau này (năm 43 SCN) bà hy sinh tại thị trấn Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Nhân dân thương tiếc và lập đền thờ bà ở 2 nơi là Đền Tiên La, Đông Hưng, Thái Bình và Đền Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Khi ngự đồng Chầu Bà mặc áo vàng, đội khăn đóng, sau lưng giắt kiếm cờ, hai tay cũng cầm kiếm và cờ lệnh xông pha một mình phá mấy vòng vây. Ngày mở hội lễ bà là ngày 17 tháng 3 âm lịch.
9. Chầu Chín Cửu Tỉnh: Bà là Chầu Cửu (âm Hán: Cửu Tỉnh là Chín Giếng) cai quản giếng âm dương điều hòa định thái. Khi ngự đồng Chầu mặc áo hồng, cầm quạt khai quang. Đền Chầu ngự cũng là đền Sòng ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
10. Chầu Mười Mỏ Ba: Bà là Nữ Tướng trấn giữ ải Chi Lăng, giúp vua Lê Thái Tổ giết được tướng giặc Liễu Thăng, sau lại giúp dân lập ấp lên vùng Mỏ Ba, được triều đình phong công, nhân dân nhớ ơn... Khi ngự đồng Chầu mặc áo vàng, đeo vòng bạc đai xanh mĩ miều, chân quấn xà cạp, tay cầm kiếm, tay cầm cờ hoặc mồi. Đền Chầu là Đền Mỏ Ba, lập ngay sát ải Chi Lăng, Lạng Sơn.
11. Chầu Bé Thượng Ngàn: Đây là tên gọi chung các vị Chầu Bà người Thổ Mường, hầu hàng thứ 11, được coi là các vị Chầu Bé đành hanh nhưng tài phép, cai quản Tòa Sơn Trang, có Thập Nhị Bộ Tiên Nàng hầu cận. Khi ngự đồng mặc quầy (váy) xám; áo (dân tộc thiểu số), đầu chít khăn thổ cẩm, chân quấn xà cạp, vai đeo gùi tay cầm mồi soi đường.
Có rất nhiều vị Chầu Bé ở các Đền khác nhau, nhưng người ta hay thỉnh nhất là các vị sau: Chầu Bé Bắc Lệ, Chầu Bé Đông Cuông, Chầu Bé Đồng Đăng và Chầu Bé Tam Cờ.
12. Chầu Bé Thoải Cung: Bà cũng là chầu Bé nhưng là ở dưới Thoải chứ không phải trên Thượng như các Chầu Bé ở hàng thứ 11 nên được thỉnh riêng đứng hàng thứ 12. Tuy nhiên cũng có rất ít người hầu về giá này.
G. TỨ PHỦ ÔNG HOÀNG
Cũng như hàng Quan Lớn, các Ông Hoàng cũng là những hoàng tử hay danh tướng có tài giúp dân giúp nước nên được nhân dân thờ phụng.
Hàng Ông Hoàng gồm:
1. Ông Hoàng Cả: Vốn là con Đức Vua Cha, giáng trần mang vẻ lịch sự tươi tốt, độ cho dân chúng ấm no, hạnh phúc. Khi ngự đồng ông mặc áo đỏ thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp, có phủ vỉ lép màu đỏ.
2. Ông Hoàng Đôi: Còn gọi là Quan Triệu Tường. Ông là danh tướng họ Nguyễn, thời phù Lê dẹp Mạc, có công lớn với nhà Lê. Khi ngự đồng mặc áo xanh thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp, có phủ vỉ lép xanh, tay cầm lá cờ lệnh to may bằng vải ngũ sắc. Đền thờ ông là Đền Quan Triệu ở Thanh Hóa.
3. Ông Hoàng Bơ: Vốn là con vua Bát Hải Động Đình, thường phù trợ cho người làm ăn buôn bán và những ngư dân đánh cá...
Khi ngự đồng ông mặc áo trắng thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đai vàng, đầu đội khăn xếp có phủ vỉ lép trắng, tay cầm đôi hèo hoa, cũng có khi một tay cầm quạt, một tay cầm mái chèo. Đền thờ ông thường được lập ở các cửa sông.
4. Ông Hoàng Bơ Bắc Quốc: Ông vốn là thương gia bên Trung Quốc, từ nước Đại Yên sang Nam Việt bán buôn và cứu giúp người nghèo khổ lên được suy tôn làm Ông Bơ nhưng là Ông Bơ Bắc Quốc để phân biệt với Ông Hoàng Bơ Thoải của Việt Nam. Khi ngự đồng ông mặc áo tàu đội mũ ô sa. Đền thờ ông là Đền Quan trên Bắc Giang.
5. Ông Hoàng Bảy Bảo Hà: Ông vốn là con vua Thượng Đế Ngọc Hoàng, giáng vào nhà họ Nguyễn, người Tày Nùng làm người con thứ 7. Ông là người có công giúp vua Lê dẹp giặc trên vùng biên giới và giúp dân chúng khai hoang lập ấp, nên sau khi ông hy sinh trôi dạt vào nơi bên phà Trái Hút, người dân lập đền thờ ông. Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp phủ vỉ lép xanh lam, tay cầm đôi hèo hoa phi ngựa đi chấm đồng, nếu người nào được ông ném cây hèo vào người thì coi như người đó đã được chấm đồng và phải ra hầu Tứ Phủ, khi ông ngồi ngự có điệu hát dâng trà, rồi cả điệu hát miểu tả khi thanh nhàn ông ngồi đánh tổ tôm, tam cúc. Đền thờ ông là Đền Bảo Hà, bên bến phà Trái Hút, thị xã Lào Cai.
6. Ông Hoàng Mười Nghệ An: Còn gọi là Ông Mười Củi, vốn là thần tiên trong chốn Đào Nguyên, giáng trần trở thành vị tướng tài dưới thời nhà Lê. Không chỉ giỏi cầm quân ông còn là người có tài năng về văn chương thơ phú ... Khi ngự đồng ông mặc áo vàng thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp có vỉ lép vàng trên đầu, các đệ tử thường lấy tờ tiền cài vào que hương tượng trưng cho việc dâng ông lá cờ. Những người muốn xuất ngoại, làm ăn buôn bán hoặc học hành thành công đều đến cửa ông để xin lộc. Đền ông là Đền Chợ Củi, qua cầu Bến Thủy, bên dòng sông Lam, Nghệ An.
H. TỨ PHỦ TIÊN CÔ
Tứ Phủ Tiên Cô là một hàng gồm các cô tiên nàng theo hầu cận các Thánh Mẫu, Chúa Mường, Chầu Bà. Các Tiên Cô là những cô gái đoan trang, liệt nữ, có công với giang sơn xã tắc nên được nhân dân lập đền thờ phụng.
Tứ Phủ Tiên Cô gồm:
1. Cô Nhất Thượng Thiên: Cô là Tiên Nữ trên Ngọc Điện, hầu Vua Mẫu, thường giúp trần gian có lời kêu cầu tấu thỉnh với các Tòa các giá trong Tứ Phủ. Có khi cô giáng trần làm phép hóa ra thuốc trị bách bệnh, cũng có Cô Nhất rong chơi khắp chốn từ Hà Nội, Hải Phòng đến Quảng Bình, Quảng Trị .... Khi ngự đồng cô mặc áo lụa đỏ thêu hoa phượng, đội khăn đóng phủ vỉ lép đỏ, cài hoa, tay cầm đôi quạt ngà như để quạt mát cho thế gian. Đền Cô Nhất thuộc tỉnh Nam Định.
2. Cô Đôi Thượng Ngàn: Cô là Công Chúa Sơn Tinh, là vị Tiên Cô hầu Vua Mẫu ba tòa. Cô đại tài, tiếng tăm lừng lẫy được Vua Bà yêu thương. Cô có rất nhiều đệ tử. Khi ngự đồng cô mặc áo lá xanh, đầu vấn khăn kết thành hình hoa, có vấn vỉ lép xanh, tay cầm mồi. Đền Cô nằm gần Đền Đông Cuông, trước cửa Đền Cô có giếng nước quanh năm trong vắt.
(Có nơi thờ Cô Đôi Cam Đường thay Cô Đôi Thượng Ngàn với truyền thuyết: Cô là tiên nữ xinh đẹp, giáng sinh ở đất Đình Bảng, Bắc Ninh, gia đình nối đời buôn bán vải tơ. Cô bán vải từ đường Quan Lộ, Chợ Dầu, Đình Bảng với đủ các loại tơ lụa, vải sồi, lĩnh tía, chàm xanh, nâu non. Khi ngự đồng cô mặc áo tứ thân xanh, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao (nón ba tầm), trên vai là chiếc đòn gánh cong với hai đầu là đôi túi đẫy đựng vải. Tuy cô quê ở Bắc Ninh nhưng lại hiển thánh tại thị xã Cam Đường, Lào Cai nên nhân dân nhớ ơn đã lập đến cô là Đền Cô Đôi Cam Đường.)
3. Cô Bơ Hàn Sơn: Còn gọi là Cô Bơ Bông. Cô là con Vua Thủy Tề hầu trong Cung Quảng Hàn,rất xinh đẹp, lại đàn hát cũng hay nên được Đức Vương Mẫu phong là Công Chúa Ba Bông hay Công Chúa Thủy Cung, cùng quan sứ giả chọn ngày lành để giáng hiện thần tôn thành cô thiếu nữ đất Hàn Sơn. Khi cô ngự đồng mặc áo trắng pha màu tuyết, đầu đội khăn đóng, vấn khăn ngang ba màu, tay cầm đôi mái chèo để vân du khắp nơi, cũng có khi cô cầm dải lụa để đi đo đất đo mây.
Đền thờ cô là Đền Cô Ba Bông ở Hà Trung, Thanh Hóa, ngay cửa sông. Mở hội vào ngày 12 tháng 6 âm lịch.
4.Cô Tư Ỷ La: Theo tài liệu cổ thì cô Tư là Tiên Nữ theo hầu Mẫu Thượng. Cô xinh đẹp dịu dàng, được Mẫu hết mực yêu quý. Khi thanh nhàn cô thường dạo chơi cảnh Tây Hồ với chiếc áo lụa vàng tha thướt thêu hoa lá. Cô được thờ trên đền Ỷ La (Tuyên Quang).
5. Cô Năm Suối Lân: Cô là Tiên Nàng người dân tộc theo hầu Chầu Năm Suối Lân. Cô ở Thượng Ngàn, là người cai quản con suối Suối Lân. Khi ngự đồng cô mặc áo xanh hoặc áo lam, đầu vấn khăn hình củ ấu và tay cầm đôi mồi lửa. Đền cô là ngôi đền nhỏ cạnh đền Chầu Năm, bên bờ sông Hóa ở Lạng Sơn.
6. Cô Sáu Sơn Trang: Cô là Tiên Nàng hầu cận Mẫu Thượng Trang Châu, cũng có nơi nói cô là người kề cận Chầu Lục Cung Nương và gọi cô là Cô Sáu Lục Cung, nhưng các tài liệu đều thống nhất cô Sáu là người có tài bốc thuốc cứu người, cô rất ghét người ăn nói quanh co, điêu ngoa. Khi giáng đồng cô mặc áo lam ngắn vạt, dài tay, chít khăn xanh, trâm cài, lược dắt, tay cầm bó mồi.
7. Cô Bảy Kim Giao: Cô theo hầu Chầu Bảy Kim Giao trên đất Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên, cũng là người dân tộc “Mọi”. Cô hiển ứng, đêm đêm mắc võng đào cùng các bạn tiên ngồi ca hát. Khi về đồng cô mặc áo lụa tím.
8. Cô Tám Đồi Chè: Cô là thiếu nữ hái chè đất Hà Trung, cũng một lòng giúp vua, tuy chưa được đền đáp nhưng cô được dân lập đền thờ là đền Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa, cách đền Cô Bơ Bông một con sông. Khi ngự đồng cô mặc áo xanh váy xanh, đầu kết khăn xanh, cô múa mồi rồi múa dáng điệu hái chè.
9. Cô Chín Sòng Sơn: Còn gọi là cô Chín Giếng, Chín Rồng, Chín Suối, theo hầu Mẫu Sòng, có tài xem bói và có phép thần thông quảng đại…. Nhân dân cầu đảo linh ứng liền lập đền thờ là Đền Cô Chín ở Thanh Hóa, cách đền Sòng Sơn khoảng 30km. Khi ngự đồng cô mặc áo hồng phớt màu đào phai, có khi cô múa quạt tiến Mẫu, múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên. Lễ vật dâng cô: Nón đỏ hài hoa vòng hồng...
(Có nơi thờ cô Chín Tít Mù thay cô Chín Giếng nhưng khác ở điểm: Cô Chín Tít Mù ở trên Thượng Ngàn, có tài trị bệnh bằng nước suối, tuy nhiên cũng rất ít người hầu về giá này. Đền cô Chín Tít Mù lập ở đường lên Chầu Mười Mỏ Ba, ngôi miếu nhỏ có suối nước thiêng, ai kêu cầu cô thì dâng cô nón đỏ hoặc nón xanh để xin thuốc chữa bách bệnh.)
10. Cô Mười Mỏ Ba: Cô theo hầu Chầu Mười Mỏ Ba, giúp vua đánh giặc Ngô. Khi ngự đồng cô mặc áo vàng cầm cung kiếm, cưỡi trên mình ngựa theo Chầu Bà xông pha trận mạc. Cô cũng được thờ tại đền Chầu Mười.
11. Cô Bé Thượng Ngàn: Cũng như Chầu Bé, các vị cô bé đều là những bộ nàng trên Tòa Sơn Trang, hầu Mẫu Thượng Ngàn. Có rất nhiều cô bé trên khắp các cửa rừng lớn nhỏ. Các cô về mặc quần áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi. Các cô bé gồm: Cô Bé Thượng Ngàn (Thị Xã Lạng Sơn), Cô Bé Suối Ngang (Hữu Lũng), Cô Bé Đèo Kẻng (Thất Khê), Cô Bé Đông Cuông (Yên Bái), Cô Bé Tân An(Lào Cai), Cô Bé Cây Xanh (Bắc Giang), Cô Bé Nguyệt Hồ (Bắc Giang), Cô Bé Minh Lương (Tuyên Quang), Cô Bé Cây Xanh (Tuyên Quang) và Cô Bé Thác Bờ (Hòa Bình)
12.Cô Bé Thoải Phủ: Cô Bé ngự dưới tòa Thoải Phủ, chỉ tráng bóng chứ không mở khăn, đứng hàng 12 trong các cô.
K. TỨ PHỦ THÁNH CẬU
Là các vị cậu chết trẻ, tinh nghịch, thường phù hộ cho các gia đình buôn bán cũng như những người muốn cầu học hành.
Tứ Phủ Thánh Cậu gồm:
1. Cậu Hoàng Cả
2. Cậu Hoàng Đôi
3. Cậu Hoàng Bơ
4. Cậu Bé
a, Cậu Bé Đồi Ngang (Cậu Hoàng Quận)
b, Cậu Bé Đồi Non
Ngoài ra ở mỗi bản đền lại có một cậu bé coi giữ gọi là cậu bé bản đền, trong đó thường hay ngự đồng như: Cậu Bé Phủ Bóng, Cậu Bé Đông Cuông....
Các cậu về (ngự đồng) thường mặc áo cánh các màu ứng với mỗi giá, đầu vấn khăn, hai bên tay thường có hoa cài, chân quấn xà cạp, đi giày thêu. Các cậu về thường làm lễ tấu rồi đi hèo hoặc múa lân.
THỜ NỮ THẦN MÂY Ở CHÙA THÁI LẠC (HƯNG YÊN)
Chùa Thái Lạc tọa lạc tại thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, phía Bắc quốc lộ 5, cách thị trấn Bần Yên Nhân chừng 7km. Chùa xây bằng gạch hoa đời Trần và bên trong có những tác phẩm chạm trổ rất đẹp. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thần Pháp Vân (Nữ thần Mây) nên còn có tên gọi là Pháp Vân tự, hay chùa Pháp Vân.
Kiến trúc chùa hiện nay gồm tiền đường năm gian, ba gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, và nhà tổ bẩy gian.
Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc từ thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau, hiện nay chùa “lưu giữ” 16 bức. Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Còn trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ: Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị; Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn; Có cả cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc.
Chùa Thái Lạc còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ và ba tấm bia đá ghi quá trình trùng tu tôn tạo chùa. Tất cả đều có niên đại thế kỷ 16, 17.
Năm 1964, chùa Thái Lạc được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt quan trọng.
THỜ TỨ BẤT TỬ GỒM NHỮNG VỊ THẦN NÀO
Ngoài việc thờ Thành Hoàng, thờ Phật, tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam còn tục thờ Tứ Bất Tử. Đó là các vị thần: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
1. Tản Viên
Tản Viên là thần núi Sơn Tinh dựa theo truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Là vị thần biểu thị cho sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam xưa, nhằm ứng phó với thiên tai như: lũ lụt, gió mưa…
Theo truyền thuyết thì Thục An Dương Vương là người đầu tiên lập đền thờ Thánh Tản Viên. Nhà Lý đã phong Thánh Tản Viên là "Thượng đẳng tối linh thần" và "Đệ nhất phúc thần". Đền chính thờ Ngài là Đền Thượng núi Ba Vì, ngoài ra ở các nơi khác đều có đền thờ Thánh Tản Viên và các bộ tướng, tập trung nhiều ở các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình...
Để tưởng nhớ công đức Thánh Tản Viên, ở Đền Và (Ba Vì) cứ ba năm một lần nhân dân mở hội lớn với lễ thức rước bài vị Thánh qua sông Hồng, lễ tắm ngai, đánh cá thờ... Đặc biệt ở lễ hội là tục làm cỗ thờ 99 đuôi cá...
Trong tâm thức dân gian thì Thánh Tản Viên là biểu tượng của sức mạnh liên kết giữa đất và núi, giữa các bộ lạc, giữa con người và thánh thần... đã tạo nên sức mạnh xẻ núi, khơi sông, dời non, lấp bể, khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ...
2. Thánh Gióng
Nhân vật Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng. Việc thờ cúng Thánh Gióng thể hiện mơ ước về một cuộc sống hoà bình của nhân dân ta.
Tương truyền từ thời Hùng Vương, để ghi nhớ công lao của “chàng trai làng Gióng”, nhà vua đã lập đền thờ Thánh Gióng và tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Đến thời nhà Lý, sau lần được chứng kiến Thánh Gióng linh ứng, vua Lý Công Uẩn đã cho tu bổ đền thờ, tạc tượng, truy phong Thánh là Xung Thiên Thần Vương.
Từ thời Nhà Trần trở về sau đều phong tặng sắc thần cho Thánh Gióng như: Thượng đẳng phúc thần, Nhất Vị Tế Cương Nghị, Hiểu Hựu Anh Linh...
Ngoài đền thờ chính ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội, còn có đền thờ ở Sóc Sơn, ở núi Vệ Linh nơi mà Thánh Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt treo lên cây, bay về trời.
Nhiều địa phương cũng thờ Thánh Gióng cùng với các vị anh hùng cứu nước khác như: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão...
Để tưởng nhớ công lao của Thánh Gióng, hàng năm nhân dân ta mở hội vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch. Trong những ngày hội có các nghi lễ như: rước nước, tập trận, săn hổ, cờ tướng, múa hát, chèo tuồng...
3. Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử là một nhân vật truyền thuyết biểu trưng cho người nông dân nghèo khó với hai bàn tay trắng đã tạo dựng nên cơ nghiệp.
Người Việt Nam ta thờ Thánh Chử Đồng Tử như ông tổ của đạo thờ tiên. Tiên, theo quan niệm dân gian là người ở cõi trời giáng trần, hoặc là người trần giới có đức độ tài ba, đạo cốt qua tu luyện thành tiên, sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế, được dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ.
Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân được thờ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hưng Yên như thôn Đa Hoà, thôn Dạ Trạch, đều thuộc huyện Khoái Châu ..., ngoài ra, Thánh Chử Đồng tử và Nhị vị phu nhân được dân gian thờ phụng ở xã Tự Nhiên, thuộc tỉnh Hà Tây.
4. Liễu Hạnh
Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là một trong Tứ Bất Tử, là vị Thánh của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Trong truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi nên bị đầy xuống trần gian. Bà được dân gian tôn là Nữ hoàng Công chúa, trở thành bậc siêu nhân, luôn ban ân đức cho mọi người, trừng phạt kẻ phản nghịch, góp phần đánh giặc ngoại xâm.... Bà được nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Đền thờ của bà được lập ở nhiều nơi, trong đó Phủ Giầy (Vụ Bản), Thạch Thành (phố Cát) và Hà Trung (Đền Sòng).
Trong tiềm thức của nhân dân, Mẫu Liễu Hạnh là một vị thần, là một nhân vật bình thường nhưng thật phi thường.
CHÙA TRẤN QUỐC - NGÔI CHÙA CỔ NHẤT HÀ NỘI
Chùa Trấn Quốc có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội, cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước).
Vị Quốc sư của triều Lê là Ngô Chân Lưu Khuông Việt đã tu hành ở đây một thời gian. Đến triều Lê Thái Tông (thế kỷ 15), chùa được đổi tên là chùa An Quốc.
Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở, chùa được di dời về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên thời Trần. Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.
Chùa được trùng tu quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
Đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc.
Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.
Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông cho đến ngày nay.
Chùa Trấn Quốc có kiến trúc thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông: Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường bên ngoài, cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nước, cây xanh. Ngay con đường dẫn vào cổng chùa là khu Vườn tháp, với nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Qua cổng chùa - có ba chữ “Phương tiện môn”, là đến nhà Bái đường, sau đến Tam bảo, sau nữa là hành cung thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.
Chùa Trấn Quốc có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích về việc trùng tu chùa sau một thời gian dài đổ nát. Đặc biệt, ở khuôn viên chùa có cây bồ đề, là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa).
CHÙA HÀ - LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Có hai truyền thuyết về chùa Hà.
Truyền thuyết thứ nhất:
Vào thời Lý, khi vua Lý Thánh Tông trị vì,lúc đã 42 tuổi mà vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này (chùa Hà) còn có tên là Thánh Đức tự.
Truyền thuyết thứ hai:
Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phế bỏ Lê Nghi Dân để phò tá ông lên ngôi vua vào năm 1460.
Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà.
Kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.
Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông
Chùa Hà nhìn ra hướng tây, kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế. Lớp thứ hai: là ba pho tượng Tam Thánh. Phía dưới tượng A Di Đà: tượng A Nan Đà, Đức Ông.
Phía ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích Ca sơ sinh. Lớp tượng ở nhà bái đường nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ Pháp cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt 8 vị Thần Vương Hộ Pháp.
Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng các cô, các cậu. Đặc biệt là bức phù điêu Bát Tiên treo bên trái hồi rất sống động.
Bàn thờ phía dưới cùng của Điện Mẫu là Ngũ Hổ thần quan, hay gọi nôm là Quan Năm Dinh, biểu tượng bằng 5 mãnh hổ với màu sắc khác nhau.
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ ông cụ bà, đến lễ bái, thì chùa Hà được đông đảo học sinh, sinh viên tìm đến để cầu tình yêu.
Dân gian tín rằng chùa Hà rất linh nghiệm với những cầu nguyện về thi cử, học hành và tình duyên. Rất nhiều nam thanh nữ tú (nhất là những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình) đầu xuân đến chùa Hà để cầu xin sớm gặp được người chồng (vợ) như ý, hoặc cầu xin tình yêu sớm đơm hoa kết trái, hạnh phúc gia đình được viên mãn.
Dân gian cũng tín rằng: Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.
CHÙA LÁNG (HÀ NỘI) THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH
Chùa Láng, hay còn gọi là Chiêu Thiền tự, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tọa lạc ở cuối phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo sách "Thiền Uyển tập anh", thiền sư Đạo Hạnh là con ông Từ Vinh và bà Tăng Thị ở làng Yên Lãng (tục gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn, tính tình phóng khoáng. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Tuy không đến được Ấn Độ nhưng ông đã học được những phép thuật ở phái Mật Tông của Phật giáo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (Hà Tây). Tại đây ông cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (còn gọi là chùa Thầy). Ông là người có kiến thức sâu rộng về đạo Phật, thường giảng đạo, làm thơ về cuộc sống, nay còn lại 4 bài in trong tập "Thơ văn Lý - Trần". Thiền sư còn được tôn là Tổ sư nghề hát chèo, nay còn lại bài giáo trò mà các vở chèo dân gian nào cũng hát ở phần mở đầu. Ông mất năm 1117 tại chùa Thiên Phúc, thân pháp còn được lưu giữ tại chùa và bị quân Minh đốt huỷ vào thế kỷ 15.
Theo truyền thuyết, sư Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 đến 1138).
Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa được trùng tu nhiều lần, nhất là vào các năm 1656, 1901 và năm 1989.
Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", tính đủ 100 gian. Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột. Mái giữa cao hơn hai mái bên, giống như kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa.
Qua cổng là sân gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan, có đường lát gạch dẫn đến cổng thứ ba. Qua cổng này có ngôi nhà bát giác là nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, tượng này có từ thời Lý, đến thời Lê (khoảng 1644 - 1646) được tu bổ cơ bản và đến tháng 01 năm 2005, bức tượng lần nữa được tu bổ toàn diện. Qua nhà bát giác mới đến các công trình chính trong chùa: Bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng...
Động thập điện Diêm Vương ở hai dãy hành lang, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục.
Hội chùa Láng cử hành vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội, kiệu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ bố mẹ ông.
Chùa Thầy ở Sơn Tây cũng thuộc hệ thống chùa thờ Từ Đạo Hạnh nên dân gian có câu rằng:
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.
CHÙA PHÚC KHÁNH - NGÔI CHÙA LINH THIẾNG ĐẤT HÀ THÀNH
Chùa Phúc Khánh thường được gọi là chùa Sở, tọa lạc tại số 382 Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Tương truyền chùa Phúc Khánh được xây dựng vào cuối thời Trần, trên nền đất làng Sở (ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ để dân làng thờ Phật, sau nhiều lần trùng tu, mở rộng, chùa mới có khuôn viên như ngày nay). Sang đến thời Lê sơ, nhất là vào thời Hậu Lê, chùa Sở trở thành một trường học, đào tạo tăng ni, phật tử cho cả nước. Sau đó, vào năm 1776, chùa Phúc Khánh bỗng nhiên gặp cơn binh hỏa, phật đài, tịnh xá, nền móng bị đổ nát. Có vị tăng đồ của chùa Trấn Quốc đi qua, được dân làng Sở ái mộ mời ở lại để trụ trì. Dân làng Sở đã bỏ công sức, cúng tiền, khuyến cáo thập phương hợp sức xây lại chùa. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hỗ trợ của Đô đốc Trần Văn Lễ (thời Tây Sơn).
Tam quan chùa Phúc Khánh được làm theo kiểu hai tầng, cửa giữa lớn, cửa bên nhỏ hơn, phía bên trên làm kiểu gác chuông. Hai bên tam quan xây hai trụ biểu, phía bên trên mỗi biểu đắp hình con sấu chầu vào nhau. Thân trụ trang trí ô hộc, đắp chữ Hán.
Chùa Phúc Khánh có kết cấu kiểu chữ Công không cân xứng. Qua tam quan đến sân chùa lát gạch và nơi thờ tự bao gồm tiền đường và hậu cung.
Tiền đường 5 gian làm theo kiểu “đầu hồi bít đốc”. Chính giữa bờ nóc đắp nổi một hình cuốn thư, bên kiếm, bên bút lông.
Hậu cung 3 gian.
Nhà tổ 4 gian.
Trong chùa hiện còn lưu giữ được hiện vật quý là quả chuông đúc từ thời Tây Sơn, do đô đốc Trần Văn Lễ cúng tiến. Ngoài ra còn có 20 pho tượng trong chùa, có nhiều pho được làm từ thời Tây Sơn có giá trị nghệ thuật cao.
Bên cạnh các pho tượng, chùa còn giữ được những hiện vât nghệ thuật giá trị như 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 14 bộ bao lam (cửa võng); 3 đại hồng chung và các đồ thờ rất quý khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án, chuông cổ (đúc năm 1796)...
Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 16 tháng 11 năm 1988
Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa linh thiêng có tiếng ở Hà Nội, năm nào người đến đây lễ cũng đông. Sau những lời cầu khấn cho một năm mới làm ăn sung túc, nhiều người đến ban thờ Đức ông để rút quẻ đầu năm. Nhiều người tín rằng, chùa Phúc Khánh rất linh thiêng, cầu gì được đấy, nên khách thập phương đến dâng lễ tại chùa Sở vào những ngày lễ, tết, sóc vọng năm nào cũng nườm nượp như trẩy hội.
Đặc biệt, những người trắc trở về tình duyên thường đến chùa Phúc Khánh nhờ nhà chùa làm lễ cắt tiền duyên (vì tin có người âm quá lưu luyến với mình không muốn mình được hạnh phúc bên người khác), cầu mong cắt được duyên âm để duyên phận sẽ sớm được tốt đẹp.
Loại hình sinh hoạt tâm linh tiêu biểu của chùa Phúc Khánh là lễ cầu an (tổ chức vào ngày rằm tháng giêng), lễ cầu siêu và lễ dâng sao giải hạn.
Lễ cầu an và lễ dâng sao giải hạn từ lâu đã trở thành một “thương hiệu” gắn liền với tên tuổi chùa Phúc Khánh. Nhiều người tin rằng các nghi lễ cầu an và dâng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh thật sự có hiệu quả.
Cùng với lễ cầu an đầu năm và lễ dâng sao giải hạn diễn ra hàng tháng, chùa Phúc Khánh còn là một điểm thu hút phật tử nhiều nơi đến làm lễ cầu siêu, đưa rước vong linh người thân của mình gửi lên chùa. Cầu siêu, nói một cách ngắn gọn là một khóa lễ mà ở đó người ta cầu cho các chân linh, vong hồn sau khi từ giã dương gian được siêu sinh tịnh độ.
Đối tượng người hành lễ tại chùa Phúc Khánh rất đa dạng, trong đó có một bộ phận là giới trí thức cũng như các quan chức từ trung ương tới địa phương. Có lẽ là do ngôi chùa này nổi tiếng là linh thiêng chăng?!
ĐỀN THỜ TỐNG TRÂN - CÚC HOA Ở PHÙ CỪ, HƯNG YÊN
Tục truyền rằng, vào thời nhà tiền Lý (bia Văn Miếu ở Hưng Yên ghi là thời Trần) ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có một người họ Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, lấy vợ người xã Phù Oanh cùng huyện Phù Dung, tên là Đào Thị Cuông. Vợ chồng sống rất nhân từ, hay làm điều thiện... nên nhà Trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Mang thai 11 tháng, bà Đào Thị Cuông mới sinh một cậu bé khôi ngô, tuấn tú vào ngày rằm tháng Tư năm Bính Ngọ.
Lên 3 tuổi, Tống Trân đã rất giỏi âm luật, cha mẹ rất yêu thương nên đặt tên là Trân. Lên 5 tuổi, Tống Trân đã có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười, trên từ thiên văn, dưới đến địa lý đều am hiểu tinh tường.
Khi Tống Trân cùng mẹ lang thang hành khất, đến Sơn Tây vào một gia đình trưởng giả giàu có ăn xin, được Cúc Hoa (con gái ông trưởng giả) đem lòng yêu mến vì tài đối đáp thông minh của Tống Trân. Ba người đưa nhau trở về quê hương làm ăn.
Đến năm Tống Trân 7 tuổi vua Lý Nam Đế mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài và đến ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, ông đỗ Trạng Nguyên. Vua khen rằng: Kẻ sĩ cả nước chỉ có một Tống Trân là tướng tài mà không có người thứ hai.
Ngày mồng 10 tháng 4, vua ban cho cờ biển, một nghìn vuông gấm và mười đĩnh vàng cho về vinh quy bái tổ.
Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng xã trong một tháng, rồi cưới nàng Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân làm nhà ở làng Phù Oanh, cho vợ trông coi rồi trở lại kinh thành. Được ba tháng, vua cử ngài đi sứ sang Bắc quốc. Vua Trung Quốc dùng đủ mọi cách để thử tài Tống Trân, nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí. Vua Trung Quốc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm "Lưỡng quốc trạng nguyên". Vua Tầu muốn gả con gái cho nhưng Ngài từ chối, vì thế bị giam vào chùa Linh Long trong một trăm ngày, không cho thức ăn, nước uống. Tại đây, ông đã nảy ra sáng kiến bẻ ăn tượng phật (được làm bằng chè lam để thử tài trạng nước Nam) và uống nước lã, nên một lần nữa, vua Tàu phục tài bèn phong làm "Phụ quốc thượng tể Đẩu Nam Tống đại vương".
Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đang bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn thủy chung với mình, khen Cúc Hoa đủ tam tòng, tứ đức, thực là nữ trung Nghiêu, Thuấn. Tống Trân đón vợ về, cùng nhau đoàn tụ. Vua biết chuyện, đã phong cho Cúc Hoa làm "Quận phu nhân".
Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương, có vời Tống Trân ra làm "Phụ chính đại thần". Được hơn mười năm, Tống Trân ngoài 60 tuổi, mới dâng biểu cao quan về quê dạy học. Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng bệnh đau bụng, ba hôm sau thì mất (ngày 3 tháng 3). Năm năm sau, Tống Trân bị chứng bệnh "mã đao" (hạch ở cổ) và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi.
Ngài được phong sắc "Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương" và về sau được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần".
Theo quy định hàng năm, lễ hội làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, trong đó ngày 13 và 14/4 là ngày hội chính. Ngày 13/4 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng. Trong ngày chính hội (tức ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi. Và đến ngày 16/4 lại rước kiệu về các đình, đền, chùa để an vị. Ngày 17/4 làm lễ bế hội. Lễ hội đền Tống Trân là một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ.
ĐỨC THÁNH CHỬ ĐỒNG TỬ VÀ LỄ HỘI ĐA HÒA
Cách Hà Nội chừng 25km dọc theo đê sông Hồng, có hai ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử. Một ngôi đền nằm ở địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự Nhiên nơi nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, con gái vua Hùng thứ 18 kỳ ngộ và nên duyên với chàng Chử Đồng Tử nghèo khó. Một ngôi đền nữa thuộc địa phận thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi chàng Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân hóa về trời.
Bài viết này giới thiệu ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân ở thôn Đa Hòa và những nghi thức cơ bản trong lễ hội Đa Hòa.
Ngôi đền Ða Hòa nằm trên một khu đất cao rộng, bằng phẳng, hình chữ nhật có diện tích 18.720m², mặt đền quay về hướng chính tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên. Tổng thể kiến trúc có 18 ngôi nhà mái ngói cổ như 18 con thuyền mũi cong, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
Ngọ Môn gồm 3 cửa. Cửa chính là tòa nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp Lưỡng Long Chầu Nguyệt, chỉ mở cửa vào ngày đại lễ. Hai cửa bên mở vào các ngày lễ hội, Sóc Vọng... để đón khách thập phương.
Qua sân Ðại là đến Ðại Tế, tòa Thiêu Hương, cung Ðệ Nhị, cung Ðệ Tam và cuối cùng là Hậu Cung. Tòa Thiêu Hương có kiến trúc cao, thoáng, trang nghiêm. Các đầu đao, bờ nóc chạm trổ tinh vi, đắp gọt tỉ mỉ, màu sắc rực rỡ với trang trí nhiều hình rồng, sư tử.
Cửa võng ở cung Ðệ Nhị được sơn son thiếp vàng, chạm hình chim phượng, hoa cúc và các loại quả.... Các pho tượng Đức Thánh Chử Ðồng Tử và Nhị vị phu nhân được đúc bằng đồng rất đẹp.
Đền Dạ Trạch nằm cạnh đầm Dạ Trạch với không gian thoáng đãng. Kết cấu chính từ ngoài vào trong gồm có lầu Chuông, hồ Bán Nguyệt, qua sân là đến điện thờ gồm ba tòa nhà. Trong đền thờ còn có ban thờ Triệu Việt Vương (Tương truyền do Triệu Việt Vương từng đóng quân ở đây). Toàn bộ nội, ngoại thất, kiến trúc ngôi đền toát lên nét cổ kính, linh thiêng.
Hằng năm vào ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử được diễn ra tại các đền Đa Hòa (xã Dạ Trach, Khoái Châu) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo, Khoái Châu) để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Tam vị với dân quanh vùng, đồng thời cũng để nhắc nhở tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của Tam vị Đức Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Hồng Vân.
Sáng ngày khai hội (mồng 10 tháng 2 âm lịch), từ sáng sớm các cụ phụ lão trong làng khăn áo chỉnh tề ra đền thắp hương làm lễ. Sau lễ khai mạc sẽ ôn lại truyền thuyết về cuộc đời và những hoạt động của Đức Thánh Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân, rồi thực hành nghi lễ rước nước.
Đúng giờ quy định, đoàn rước kiệu khởi hành ra bến sông Hồng lấy nước. Ði đầu là 2 con rồng vàng lộng lẫy do 10 người điều khiển uốn lượn theo nhịp trống phách. Đoàn rước kiệu là đội tế nữ với xiêm y đủ màu sắc. Ðám rước có ban nhạc lễ, kiệu thánh, bát bửu, kíp chấp, ché đựng nước. Ðoàn rước nước ngồi trên hàng chục chiếc thuyền bơi ra giữa sông Hồng múc nước đổ vào ché rồi quay về đền để làm lễ tắm tượng.
Theo sau là đoàn “rước du”, đưa kiệu thờ các Đức Thánh lên thuyền rồng dạo trên sông với nhiều nghi thức tế lễ, múa hát trên thuyền. Dọc bờ sông có các đội múa hát, chiêng trống, cờ quạt, võng lọng theo hầu.
Sau khi nghi lễ rước nước, rước du kết thúc, chóe nước thiêng và kiệu Thánh được rước trở lại đền thì tổ chức lễ dâng hương và khai hội.
Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Sau khai hội, diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian, nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ truyền thống như: hát ca trù, hát trống quân; các trò chơi đi cầu kiều, bắt vịt, đánh đu…
Đặc biệt, lễ hội Ða Hòa được gọi là Lễ Hàng Tổng Mễ, với thông lệ cứ 3 năm diễn ra một lần với sự tham gia của nhân dân hai xã Bình Minh (huyện Khoái Châu) và Mễ Sở (huyện Văn Giang): Sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, 8 làng thuộc tổng Mễ (tức 8 làng của 2 xã Bình Minh và Mễ Sở) đồng loạt tiến hành lễ rước kiệu về đền Đa Hòa.
Khi vào đền, ở mỗi đám kiệu lại diễn ra các trò khác nhau như múa rồng, múa phượng, múa sinh tiền…
Các đoàn rước khi gặp nhau còn có nghi thức chào hỏi độc đáo. Khi đã rước đủ 8 kiệu về đền thì tổ chức đại lễ dâng hương và khai hội.
CHÙA TÂY PHƯƠNG - NGÔI CHÙA THỜ TỰ NHIỀU VỊ PHẬT TỔ NHẤT Ở VIỆT NAM
Chùa Tây Phương được xây dựng lần đầu vào đời Cao Biền (865-875). Sang niên hiệu Chính Hòa (1680-1705), Tây Vương Trịnh Tạc cho sửa lại chùa và xây thêm tam quan. Sau lần trùng tu này chùa bị phá. Đến triều Tây Sơn, vào 2 năm 1788, 1789, chùa được xây dựng lại trên nền cũ, tọa lạc tại núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ).
Chùa được xây hình chữ Tam với 3 tòa, mỗi tòa có 2 tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút, trong đó tòa ở giữa cao hơn nhưng lại nhỏ hơn so với tòa thượng và tòa hạ. Nội thất của các tòa nhà đều được chiếu sáng vì thềm của các tòa cách nhau tới 1,6m. Các tòa nhà được xây bằng gạch theo hình chữ Công, còn các cửa được chạm trổ theo kiểu bán âm bán dương. Các kèo, cột, xà trong chùa đều được trang trí hình rồng, phượng, hoa, lá bằng kỹ thuật chạm bẹt hoặc còn gọi là chạm nông.
Chùa có 72 pho tượng, được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Nhiều pho tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:
Bộ tượng Tam Thế Phật: với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi là Tam Thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể.
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan Đà và Ca Diếp đứng hầu.
Tượng đức Phật Di Lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng.
Tượng Văn Thù Bồ Tát: đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.
Tượng Phổ Hiền Bồ Tát: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục.
Tượng Bát bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.
Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương Na Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa. Theo một danh sách tên các nhân vật được tạc tượng trong một tài liệu còn lưu truyền ở chùa thì đây là tượng các vị tổ Ấn Độ trong quan niệm của Thiền tông Trung Quốc.
CHÙA BÁI ĐÍNH, QUẦN THỂ CHÙA LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa được báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa Bái Đính cũng chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh... Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.
Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003.
Khu chùa Bái Đính cổ tự, nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang động sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến hang động tối thờ mẫu.
Hang sáng, hang tối
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Mẫu. Phía trên cửa động Phật có 4 chữ đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do Lê Thánh Tông ban tặng.
Động dài 25m, rộng 15m, cao chừng 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới hang Tối.
Hang Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng...
Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống...
Đền thờ thần Cao Sơn
Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây xưa là đền thờ thần Cao Sơn.
Theo như thần phả của đền Núi Hầu (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang. Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ.
Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.
Đền thờ thánh Nguyễn
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không gần 5 km.
Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.
Giếng ngọc
Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền cách đây gần 1.000 năm Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n¬ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Thái tử Dương Hoán. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n¬ước là 6 m, không bao giờ cạn n¬ước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác.
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân diễn ra từ ngày mùng 6 tết đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Về phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra tương đối trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Lý Quốc Sư, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Như vậy, phần lễ gồm tổng hòa toàn thể hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho.
Trẩy hội chùa Bái Đính là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
ĐỀN PHÙ ỦNG VÀ TƯỚNG QUÂN PHẠM NGŨ LÃO
Đền Phù Ủng toạ lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Là đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão - danh tướng đời Trần - người có công lớn, giúp Trần Hưng Đạo trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và Ai Lao.
Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh.
Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Trong trận này. quân nhà Trần bắt sống các tướng giặc Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Sau đó, Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Phạm Ngũ Lão đã bốn lần theo lệnh vua Trần, cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành, buộc vua Chiêm Thành là Chế Chí phải xin hàng.
Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái nuôi là quận chúa Anh Nguyên.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ Lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Nhân dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Đáng tiếc ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hoại năm 1948, chỉ còn lại dấu vết nền móng xưa và hai cột đồng trụ ở hai bên. Từ năm 1990, nhân dân phục hồi lại ngôi đền, kiến trúc gồm năm gian tiền bái, ba gian hậu cung. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.
Trong quần thể di tích thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão tại Phù Ủng, có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh ra danh nhân Phạm Ngũ Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi tướng quân Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão), theo lối kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có lăng Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê (thế kỷ 17).
Hàng năm, từ 11 - 15 tháng Giêng âm lịch, dân làng thường mở hội, để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng yêu nước. Đây cũng là lễ kỉ niệm ngày ra quân của tướng quân Phạm Ngũ Lão năm xưa.
Khu vực ngoài đền, trước đây thường được tổ chức vật cù, nhưng những năm gần đây, ban tổ chức lễ hội không đưa vật cù vào hoạt động trong lễ hội. Tương truyền vật cù được Phạm Ngũ Lão dùng để quân sỹ rèn luyện sức khỏe và vui chơi. Cù hình tròn, làm bằng gỗ vuông sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm quả cầu đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.
Ngày 11 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, là ngày tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc, là ngày khai hội, dân làng tổ chức lễ tế Phạm Tiên Công - thân sinh tướng quân Phạm Ngũ Lão rồi mới tế tướng quân Phạm Ngũ Lão. Đến tối mọi người tập trung tại đền thờ công chúa Thủy Tiên (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão và là cung phi của vua Trần Anh Tông) để làm lễ Mộc Dục.
Sang ngày 12 người ta tổ chức lễ tế ở đền công chúa.
Đặc sắc nhất trong hội, là đám rước quận chúa Thủy Tiên - con gái duy nhất của Ông với những nghi thức đặc biệt. Buổi sáng ngày 13 tượng công chúa được rước về đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Tham gia cuộc rước là các chàng trai cô gái áo quần chỉnh tề. Người ta quan niệm rằng các cô gái đội quần áo, mũ, giầy của công chúa sẽ được Bà phù hộ.
Vào các ngày hội, mọi người sắm lễ vào dâng hương, cầu xin tướng quân phù hộ cho gia đình có được may mắn, sức khỏe. Người ta tin rằng mọi lời khấn cầu sẽ được linh nghiệm. Người ta cũng thành tâm xin thẻ để biết được cửa nhà, gia sự trong một năm như thế nào. Thường thì người ta hay xin thẻ ở gian thờ Mẫu, hy vọng sẽ được Mẫu linh ứng, chở che cho cả năm được tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, tài lộc sung túc...
Một nét đặc sắc ở lễ hội đền Phù Ủng là khi rước, nhân dân thường chen nhau chui qua gầm kiệu với ý nghĩa cầu mong sẽ thực hiện được những điều mong muốn lớn lao trong đời.
Các ngày hội chính kéo dài đến hết ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Đến tối ngày 15 những người trên 50 tuổi trong làng tổ chức 1 lễ tế...
Ngoài ra còn có đền thờ Ông ở 25 phố Lý Quốc Sư - Quận Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội. Đền do dân làng Phù Ủng từ Hưng Yên ra làm ăn tại Hà Nội lập nên để thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, gọi là Phù Ủng vọng. Đồng thời để tôn vinh người đã thu dụng và đào tạo tướng quân Phạm Ngũ Lão thành một tướng giỏi nên đền Phù Ủng vọng còn thờ cả danh tướng Trần Hưng Đạo.
ĐỀN KIẾP BẠC THỜ ĐỨC VUA CHA TRẦN HƯNG ĐẠO
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Vào thế kỷ 13, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Sang thế kỷ 14, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc, người có công lớn với đất nước, được nhân dân tôn sùng, thành kính là Đức vua cha, Đức Thánh Trần.
Khu vực đền Kiếp Bạc có dãy núi Rồng và Lục Đầu Giang bao bọc, tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, lại được sông tạo thành minh đường rộng rãi. Đây đúng là thế đất linh kiệt!
Phía trước đền có cổng lớn, có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ, được khắc phía trên trán cổng mặt ngoài bốn chữ "Hưng thiên vô cực", và dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ".
Tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Vương, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Hưng Đạo Vương là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô.
Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, tượng công chúa Thiên Thành, tượng Nhị vị Vương cô, tượng con rể là Phạm Ngũ Lão, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Gần đền là một quả núi nhỏ cây cối mọc um tùm, có tên là Viên Lăng. Một số người cho rằng đây là nơi an táng Trần Hưng Đạo.
Lễ hội chính được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch. Do tính chất địa và lịch sử, lễ hội Côn Sơn (gắn liền với Nguyễn Trãi) và lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn liền với Trần Hưng Đạo) thường được tổ chức trùng nhau để nhân dân tưởng nhớ tới hai vị anh hùng dân tộc. Ngoài ra, tại đền Kiếp Bạc, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng diễn ra thường xuyên.
Lễ hội được tổ chức rất long trọng vào ngày 20/8 âm lịch. Sau lễ dâng hương là đại lễ với nghi thức tế uy nghiêm. Sau lễ tế là đến lễ rước. Bài vị Ðức Thánh Trần được rước trên Kiệu sơn son thiếp vàng, đi qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu được rước lên thuyền rồng. Cuộc rước kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ, đồng thời kết thúc ngày hội lớn.
ĐỀN KIẾP BẠC VÀ NIỀM TIN CẦU PHÚC, TRỪ TÀ, BAN CON, BAN CHỨC
Trong tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại Vương được vinh danh là đức Thánh Trần và đồng nhất Ngài với Ngọc Hoàng thượng đế, từ đó tạo nên một dòng Đạo Nội - đạo Thanh Đồng, mà đức Thánh Trần là giáo chủ.
Suốt mấy trăm năm qua, Đức Thánh Trần đã thực sự có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống tâm linh của người dân Việt. Nhất là tín ngưỡng hầu đồng, ban ấn... ở đền Kiếp Bạc.
Hầu đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "Cậu", nữ giới được gọi là "Cô hoặc Bà đồng".
Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam còn tin rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống.
Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào Đồng Cô, Đồng Cậu để trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân đã quá cố và người sống cũng biết được vận mạng tương lai của mình.
Trong ngày hội, những người đàn bà mắc chứng vô sinh, hiếm muộn hoặc mắc các chứng bệnh của phụ nữ... đến Đền cúng bái. Thầy cúng sẽ dùng roi dâu đánh vào người “bệnh nhân” và “bệnh nhân” ấy lăn lộn, thậm chí lăn xuống sông, thì coi như tà ma đã được diệt trừ (xuất phát từ truyền thuyết Hưng Đạo Đại vương chém Phạm Nhan). Người ta tin rằng, với uy danh của đức Thánh Trần trừ diệt được Phạm Nhan thì mọi tà ma đều được trừ diệt.
Ngoài ra, trong hội đền Kiếp Bạc, nhân dân còn đến Đền mua thuốc ở Nam Tào (Dược Sơn) về uống rất là hiệu nghiệm.
Dân trong vùng có tục lệ đầu năm đến đền Kiếp Bạc để cầu được bình an, học hành hiển đạt, làm ăn phát tài, tránh được mọi điều xui xẻo và phổ biến nhất là việc cầu được có con nối dài hương hỏa.
Tục truyền, người đến cầu con khi đến Đền, phải tuân thủ: "Vào cửa cha, ra cửa mẹ" (Dưới pho tượng đồng của Đức Thánh Trần và Đức Quốc mẫu có cửa chui qua) hay xin một ít đất ở mô cao sau Đền thì thế nào cũng sẽ được thỏa nguyện. Dân gian còn tín: nhà nào "hữu sinh vô dưỡng" hoặc con sinh phạm vào giờ quan sát, thiết tỏa... khó nuôi thì làm lễ bán khoán vào Đền. Đến năm đứa trẻ 12 tuổi thì gia đình biện lễ chuộc con về, làm như thế đứa trẻ sẽ được bình yên vô sự.
Theo lệ cổ, đêm 18 tháng 8 (Âm lịch), trước ngày ngày giỗ Đức Thánh Trần, chính quyền sở tại cùng với thủ từ làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng để đến hội ban cho khách thập phương.
- Ấn thứ nhất, kích thước 10cm x 10cm, khắc chữ Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn (ấn của Hưng Đạo vương triều Trần).
- Ấn thứ hai, kích thước 5,5cm x 5,5cm, khắc 4 chữ Quốc pháp Đại vương (Đại vương nắm (giữ) phép nước).
- Ấn thứ ba, kích thước 4,3cm x 4,3cm, khắc 4 chữ Vạn Dược linh phù (Bùa thiêng Vạn Dược).
- Ấn thứ tư, kích thước 5,2cm x 7,8cm, khắc 6 chữ Phi thiên thần kiếm linh phù (Bùa thiêng phi thiên thần kiếm).
Muốn cầu được thăng quan tiến chức thì xin ấn Triều triều Hưng Đạo vương chi ấn, hoặc Quốc pháp Đại vương; cầu được sinh con, cầu xin việc trừ tà sát quỷ, diệt giặc dã, giữa bệnh, thì xin ấn Phi thiên thần kiếm linh phù.
Sau khi làm lễ ban ấn, nhân dân xin ấn về treo ở nhà để gặp nhiều may mắn.
ĐỀN CỬA ÔNG - NƠI THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG VỀ CÔNG DANH, SỰ NGHIỆP
Đền Cửa Ông là nơi thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, một tướng lĩnh thời Trần đã lập nhiều công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ông là con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa.
Tương truyền, trước khi thờ tướng Hưng Nhượng vương quân Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là miếu thờ ông Hoàng Cần, người địa phương có nhiều công đánh phá giặc cướp, được các triều đại phong kiến phong "Khâm sai Đông Đạo Tiết chế".
Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100 mét, thuộc phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long hơn 40 km về phía đông bắc, nhìn xuống vịnh Bái Tử Long ở phía nam, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương.
Đền được xây dựng thành ba khu, đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, nhưng đền Hạ và đền Trung đã bị bom Mỹ phá hủy.
Phía trước đền Thượng có một tam quan, bên trái là khu nhà để khách thập phương sắp lễ vào đền, bên phải là một ngôi chùa, phía sau là lăng Trần Quốc Tảng. Bên trong đền Thượng có rất nhiều tượng thờ các nhân vật nối tiếng của triều Trần, được phân bổ làm 3 lớp:
- Tiền đường: có Đỗ Khắc Chung, Lê Phụ Trần, Nguyễn Địa Lô.
- Bái Đường: có Trần Quốc Tảng, Trần Thì Kiến, Hà Đặc, Phạm Ngộ, Trần Khánh Dư.
- Hậu Cung: có Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Nguyễn Quyên, Nguyễn Tiễn, Huyền Du, Quyên Thánh Công Chúa, Đỗ Hành.
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức 2 năm một lần vào năm chẵn, nhằm tôn vinh công đức của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (Thần chủ đền Cửa Ông, là con trai thứ 3 của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) và nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh thắng giặc Nguyên Mông, bảo vệ biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Hội đền Cửa Ông chính thức mở vào ngày 3 tháng 2 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 3 nhưng thường thì từ đêm 30 và sáng Mồng Một Tết đã nườm nượp du khách từ khắp mọi miền đã đến lễ đền.
Đền Cửa Ông nổi tiếng về tín ngưỡng tâm linh như cầu công danh, tài lộc... Mỗi khi xuân về, không chỉ người dân Quảng Ninh mà khách thập phương náo nức hành hương về dự lễ hội đền Cửa Ông để du xuân, để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc và thực hành tín ngưỡng tâm linh, cầu xin Đức Ông phù hộ cho con đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, phát đạt.
PHỦ GIÀY VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Phủ Giầy là tên gọi của quần thể di tích tín ngưỡng truyền thống của người Việt thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Phủ Giầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy, cho tới khi bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.
Trong quần thể di tích Phủ Giầy có 2 đền (Phủ) lớn, gắn chặt với tín ngưỡng thờ Mẫu là: Phủ Tiên Hương (Chính phủ) và phủ Vân Cát.
- Đền (Phủ) Tiên Hương:
Trước Phủ là một giếng tròn ở giữa có cột cờ, rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá.
Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (trời) ớ giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.
Theo tầm phả thì Tiên Hương là quê chồng của bà chúa Liễu Hạnh.
- Đền (Phủ) Vân Cát:
Phía trước Phủ Vân Cát là hồ bán nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.
Ngoài hai phủ chính trên, còn một loạt đền miếu khác như đền Khâm Sai, đền Thượng, đền Đức Vua. đền Công Đồng, đền Giếng Gàng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng, Phủ Tổ, làng Mẫu…
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo. Theo thần tích hay các gia phả, tầm phả còn chép thì bà Chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557 tại làng Vân Cát, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là con của ông Lê Công Chính và bà Trần Thị Phúc. Năm 18 tuổi bà lấy ông Đào Long ở làng Tiên Hương gần kề với làng Vân Cát. Bà mất năm 1577, không rõ lý do, để lại một con thơ.
Miếu thờ bà hiện nay được lập ở hai làng Vân Cát và Tiên Hương thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Theo truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm, hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần. Ở đời này mẫu luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu. Mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473). Đời thứ hai, mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng. Thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành, Mẫu được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này, Mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577). Đời thứ ba, Mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm, Mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh trong hệ thống tứ bất tử, được thờ ở rất nhiều nơi như phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Dâu Tam Điệp (Ninh Bình), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (Thành phố Hồ Chí Minh) ... trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng nhất.
Lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác thì lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Giầy nói riêng còn có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng).
Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Giầy. Người ta quan niệm rằng một số người thuộc số “căn” sẽ có khả năng giao tiếp với thần linh, có thể được Thánh nhập vào thân xác của họ để trừ tà, ban lộc, ban phúc hoặc phán truyền cho “con nhang đệ tử” những lời giáo huấn, răn dạy... Để chuẩn bị cho một buổi hầu đồng, họ phải chuẩn bị khá kỹ và khá tốn kém từ việc chọn ngày tốt chọn người hầu dâng và cung văn đến việc mua sắm trang phục, mua đồ lễ... Tùy điều kiện kinh tế mà quần áo, đồ lễ sang trọng hay bình dân, nhiều hay ít.
Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi nổi trong các ngày hội.
Trong những ngày lễ hội Phủ Giầy, những hoạt động như: Rước kiệu Mẫu Liễu, kéo chữ, hát chầu văn (là một nghi thức không thể thiếu trong các nghi lễ chính của tục thờ Mẫu, phục vụ cho lễ lên đồng).... thu hút được rất nhiều tham gia và cổ vũ tán thưởng.
Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự tham gia của các nam nữ thanh đồng. Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng, đầy nhiệt tình của dòng người náo nhiệt trải dài. Trong đám rước còn có sự xuất hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Đặc biệt, trong đám rước từ Phủ Tiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu trông rất sinh động.
Ngày 7 tháng 3 (âm lịch) là ngày chính hội Phủ Giầy, cũng là ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
CHÙA CHUÔNG, ĐỆ NHẤT DANH LAM PHỐ HIẾN
Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung Tự, được xây dựng từ thời Hậu Lê và trùng tu quy mô lớn vào năm 1707, được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh thắng".
Theo truyền thuyết, vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên. Dân làng cho là trời Phật giúp bèn góp công góp của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng), tên thường gọi là chùa Chuông.
Chùa Chuông có kết cấu: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang.
Mặt tiền chùa quay hướng Nam. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao (mắt rồng). Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn đến nhà tiền đường.
Nhà Tiền đường có quy mô năm gian hai chái, kết cấu kiểu con chồng đấu sen.
Nối giữa tiền đường và Thượng điện là khoảng sân, giữa sân có cây hương đá còn gọi là "Thạch trụ", bốn mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa.
Thượng điện cũng kết cấu gồm năm gian hai chái, mang đậm nét kiến trúc thời Hậu Lê. Hệ thống tượng ở thượng điện được bài trí theo thứ tự: trên cùng là 3 pho Tam Thế; tiếp đến là A-di-đà và tứ Bồ-tát; lớp dưới là Văn Thù và Phổ Hiền; tiếp theo là Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu; tiếp nữa là Địa Tạng Vương và Phạm Thiên, Đế Thích; sau cùng là tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh.
Nối nhà Tiền đường và nhà Mẫu là hai dãy hành lang, kiến trúc kiểu kèo cầu quá giang đơn giản. Hai dãy hành lang được bài trí đối xứng các lớp tượng khác nhau. Đầu tiên là động "Thập điện Diêm Vương", diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới. Tiếp đến là tượng Bát Bộ Kim Cương, sau đó là 18 pho "Thập Bát La Hán", 18 vị được tạo tác trong tư thế ngồi rất sinh động, rất đời thường. Cuối dãy hành lang là tượng Đức Ông đứng cạnh có Già Lan - Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên - Đại Sỹ.
Hằng năm, vào dịp đại lễ Phật Đản, dịp xuân về, Chùa Chuông lại tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương. Chùa Chuông cùng các danh thắng khác trong quần thể di tích Phố Hiến là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách đến Hưng Yên.
MẪU ĐÀO NƯƠNG: VỊ SƯ TỔ CỦA MÔN HÁT CHÈO
Đền Mẫu hay còn gọi là đền Đào Nương, nằm bên đường 39B, thuộc địa phận xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, nay là làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên.
Sự tích kể rằng, vào cuối đời nhà Hồ, khoảng cuối thế kỷ XV, ở làng Đào Đặng có một ca nữ họ Đào tên Huệ, nổi tiếng khắp vùng là người xinh đẹp, hát hay múa khéo. Năm ả Đào 18 tuổi, quân giặc phương Bắc (nhà Minh) lúc bấy giờ đã mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta. Khi giặc kéo đến làng Đào Đặng, nàng ca nữ họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nữ nhi làng Đào Đặng đã biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi của bọn giặc. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng tin tưởng giao cho việc thắt và mở túi.
Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc. Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya khi giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông Mai Nguyên. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này "động", "nghịch", "linh thiêng".. không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.
Sau khi bà Đào Nương mất, dân làng đã lập đền thờ Bà ngay trước chợ làng Đào Đặng (nay là làng Đào Xá) để bà con qua lại hàng ngày tưởng nhớ công lao to lớn của người liệt nữ tài hoa, mưu trí.
Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ xét công trạng dùng mưu giết giặc cứu dân giữ nước của bà đã phong bà làm "Phúc thần", sai trích tiền kho, tu tạo lại đền thờ cho thêm tráng lệ và ban ruộng Tự Điền để dân làng đèn hương cúng tế hàng năm.
Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, nhộn nhịp với nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.
Bà được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng "tom, chát" của tiếng trống đế chèo.
ĐỀN MẪU HOA DƯƠNG - LINH THIÊNG VỀ CẦU DUYÊN, CẦU CON
Đền Mẫu, còn gọi là đền Hoa Dương, toạ lạc ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279), được dân gian tín là linh thiêng có tiếng.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc nhà Tống (Trung Quốc) xuống thuyền tháo chạy về phương Nam lánh nạn. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được người dân nước Việt Nam chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập nên làng Hoa Dương. Khi thái giám họ Du mất, dân làng tôn làm Thành Hoàng làng, mộ ông được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.
Tam quan của đền được xây theo kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, xây cửa vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ triện: “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán: “Thiên Hạ Mẫu Nghi”.
Đền Mẫu có năm cung thờ. Cung thứ nhất là cung thờ Phật, được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ XX do yêu cầu của người dân muốn bái Phật. Cung thứ hai thờ Quan lớn Đệ Nhất. Cung thứ ba thờ vọng Quan lớn Đệ Tam cùng với ban thờ Công Đồng. Cung thứ tư thờ Mẫu, tại cung này có bức hoành phi Mẫu Nghi Thiên Hạ. Cung thứ năm là cung cấm, còn gọi là hậu cung, cung này thờ Dương phi, một bà phi nhà Tống, cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là “rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Bên trái trục dọc này có ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, bên phải có ban Cô, ban Cậu.
Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18, 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Dương Quý Phi.
Giữa sân đền có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền. Đây là cây cổ thụ độc đáo nhất ở Bắc Bộ, đã có tuổi gần bảy trăm năm.
Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi ở thành phố Hưng Yên được dân gian ca tụng là một trong những ngôi đền linh thiêng ở miền Bắc về cầu tình duyên, cầu con cái và cầu của cải.
Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, thi đấu tổ tôm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn, hầu đồng.
ĐỀN CỜN - NGÔI ĐỀN LINH THIÊNG BẬC NHẤT ĐẤT NGHỆ AN
Đền Cờn được dân gian truyền tụng là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở đất Nghệ An. Đền tọa lạc tại làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 75km.
Đền được dựng từ thế kỷ thứ XIII, thờ đức Thánh Mẫu và tứ vị thánh Nương - Nữ thần bảo vệ, phù hộ những người làm ăn trên sông nước, đã từng ngầm giúp quân đội nhà Trần rồi nhà Lê vượt biển bình an, chiến thắng Chiêm Thành.
Truyền thuyết vùng Phố Hiến (Hưng Yên) kể rằng, sau khi nhà Tống thất thủ bởi nhà Nguyên thì thái hậu, phi cùng công chúa và thị nữ đã nhảy xuống sông tự tận. Xác của thái hậu, công chúa và thị nữ trôi dạt vào vùng Cửa Càn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Người dân xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vớt xác thái hậu, công chúa và thị nữ lên lập đền thờ, gọi là đền Cờn. Còn xác của phi trôi ngược ra bắc, dạt về vùng cửa sông Phố Hiến (nay thuộc thành phố Hưng Yên), được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng - Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần, các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”. Tỉnh mộng, viên thái giám tìm đến hai nơi thì quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông ta trở lại Phố Hiến tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ Mẫu và lập nên làng Hoa Dương.
Tương truyền, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần và năm 1312, đền được vua Trần Anh Tông cho xây dựng lại và ban sắc chỉ hàng năm tổ chức quốc tế.
Dưới triều nhà Lê, rồi đến triều nhà Nguyễn, ngôi đền được nhiều lần trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới nên mặc dù đền được xây dựng từ thời nhà Trần nhưng kiểu dáng kiến trúc, cách bài trí đồ tế khí, chạm hoa văn rồng, phượng... mang phong cách văn hoá cuối Lê đầu Nguyễn.
Hiện nay đền còn lưu giữ 142 hiện vật quý hiếm, đặc biệt có 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ cùng đồ tế khí là những tác phẩm nghệ thuật có niên đại thừ thời Lê, có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng.
Đền Cờn với những mẩu chuyện huyền thoại linh thiêng được lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, đang ngày càng thu hút du khách thập phương về đây tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng.
Trước đây, lễ hội mở từ ngày 15 tháng chạp đến 30 tháng giêng âm lịch hàng năm. Nay lễ hội được tổ chức trong ba ngày 19, 20 v à 21 tháng giêng (âm lịch) hàng năm.
ĐỀN BẠCH MÃ - THÀNH HOÀNG CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Đền Bạch Mã tọa lạc tại phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay thuộc phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX, thờ thần Long Đỗ - vị thần gốc của Hà Nội cổ.
Theo Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên, viết về sự tích đền Bạch Mã như sau:
“Vào đời Đường Hàm Thông, quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: - Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?
Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần là Long Đỗ.
Đến đời Lý Thái Tổ (húy là Lý Công Uẩn, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành tại đó, và cuối cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Đền Bạch Mã được tu bổ lớn vào đời Lê Chính Hòa (1680-1705), đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) lại được tu bổ thêm: sửa lại đền, dựng riêng văn chỉ, xây Phương đình, qui mô rộng rãi, cảnh quan tôn nghiêm, nổi tiếng ở chốn đất thiêng.
Đền được xây dựng theo hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và có hơn 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo.
Hiện nay đền vẫn giữ nguyên cấu trúc, gồm: Nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau... Tất cả đều bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín, chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn nhưng được sắp xếp theo cấu trúc "tam nguyên đồng hoá" tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu
Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, có giá trị cao về nghệ thuật như: nhà vàng, nhà bạc, bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng...
Lễ hội đền Bạch Mã hàng năm được tổ chức vào hai kỳ: lễ tế Bạch thần vào ngày 15 tháng 3 âm lịch và lễ tế Điển vào ngày 13 tháng 6 âm lịch.
PHÚC ĐỨC CÓ PHẢI LÀ BIẾN THỂ CỦA THUYẾT LUÂN HỒI - NHÂN QUẢ
Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, từ những năm đầu công nguyên, Phật Giáo đã được tín ngưỡng truyền thống của người Việt tiếp nhận, dung hòa và uyển chuyển phát triển qua thời gian, trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống dân tộc.
Xưa tới nay, không ít người Việt Nam ta quan niệm Phúc Đức được hình thành từ thuyết Luân Hồi - Nhân Quả của Phật giáo. Nhiều người cho rằng Phật khuyên chúng sinh sống nhân đức để phúc ấm truyền đời cho con cháu, vì thế, người Việt ta mới thường nói: Gieo nhân nào gặt quả ấy.
Thực ra, quan niệm Phúc Đức đã manh nha hình thành từ thời An Tiêm với bãi An Tiêm ở Thanh Hóa. Người Việt xưa tin như bây giờ chúng ta tin là có nhân có quả nhưng nhân quả chỉ được hiểu đơn giản là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “ác giả ác báo” và quan niệm Nhân - Quả chỉ được xem như là một lời khuyên về luân thường đạo lý.
Chúng ta đều biết phúc và đức là hai phạm trù khác nhau: Phúc là cái ta đang được hưởng, đức là những điều tốt đẹp ta đang làm để (sẽ) được hưởng phúc ở mai sau. Phúc lớn có thể ảnh hưởng tích cực tới số phận của con người, thậm chí tới nhiều đời, đến khi phúc cạn thì cuộc sống sẽ sảy ra những họa hoạn liên tiếp, bất khả kháng trên nhiều lĩnh vực.
Mối quan hệ giữa phúc và đức như một quy luật tất yếu nên nhiều khi người ta gộp hai khái niệm này vào làm một mà đương nhiên hiểu nôm na rằng: Nếu anh sống có đức thì đời anh sẽ được hưởng phúc. Quan niệm như thế rất đúng về giá trị giáo dục đạo đức, nhưng có những trường hợp nếu quan niệm như vậy sẽ “lý giải” không được thỏa đáng. Chảng hạn, có người gian tham, độc ác mà cả đời vẫn gặp may mắn, hạnh phúc, trong khi có người suốt đời chỉ lo làm việc thiện lại gặp nhiều oan trái, cơ cực. Trong những trường hợp như thế, người ta lại tách phúc và đức ra làm hai phạm trù để thốt lên câu than: “Ông ấy sống có đức mà không được hưởng phúc” hoặc “Bà ấy ăn ở thất đức nhưng được hưởng phúc nên đời sướng vậy.”... Những câu than kiểu giải thích như thế nghe vẫn chưa được “hợp lý”, chưa được “thỏa đáng”, nên cổ nhân mới chua thêm rằng:
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để phúc cho con”
Hay:
“Phúc đức tại Mẫu”
“Mồ mả làm khá người ta.”
Khi Nho Giáo thâm nhập vào nền văn hóa Việt Nam (Nho giáo là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử (Trung Quốc) phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị, du nhập vào Việt Nam những năm Bắc thuộc.), đứng trước những trường hợp trên đã không đưa ra một lời giải thích, lại “đổ tuột” là do ông Trời đã an bài số mệnh nên con người mới gặp phải những nghịch cảnh trớ trêu như vậy. Nếu căn cứ vào thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo thì “Ông Trời” đã được đẩy lên vị trí toàn năng, có quyền chi phối và quyết định mọi diễn biến của cuộc đời. Con người chỉ là “đồ chơi” trong bàn tay của tạo hóa: Phải chịu sự sắp đặt của ông Trời, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất, con người cũng phải “y án tuân theo số mệnh”, không được tự do hành động, càng không được phép “cãi lại Mệnh Trời”:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Nho giáo đã không đi tìm căn nguyên của sự “bất công” đó mà dùng thuyết Thiên Mệnh để trốn trách trách nhiệm, cho rằng Trời đã quyết định mọi sự thành công hay thất bại của con người, dù cố gắng đến đâu, muốn “cải số” thế nào thì con người cũng không thể vượt ra ngoài “khuôn thiên của số mệnh.”. Tất tật mọi chuyện, dù là sức khỏe, tuổi thọ hay hạnh phúc gia đình, công danh, tài lộc.... đều do ông Trời cầm cân nảy mực.
Quan điểm “tại Trời” của Nho giáo đã làm “tê liệt” ý chí phấn đấu vươn lên của con người, “ru ngủ” con người trong tư tưởng an phận, trông chờ sự đổi thay của số mệnh vào đấng thần linh tối cao là thượng đê (ông Trời). Đây là quan điểm tiêu cực, thụ động, triệt tiêu mọi nỗ lực phấn đấu của con người, gián tiếp làm nhụt tính hướng thiện, tiến thủ trong bản tính của con người. Và đấy cũng là điều trái ngược với nếp sống tình cảm của người Việt, đối lập với quan niệm về phúc - đức trong tín điều của người Việt, vì thế ông cha ta mới có câu: “Đức năng thắng số” hay “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Nguyễn Du) để gián tiếp phủ định phần nào tư tưởng Thiên Mệnh của Nho giáo.
Trong khi Nho giáo đề cao yếu tố Trời và khẳng định con người bị chi phối tuyệt đối bởi số mệnh, thì Phật giáo lại không chấp nhận việc con người chịu sự an bài của số phận, mà cho rằng sự chuyển hóa của con người đều do Nghiệp mà ra: “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp...” (Kinh Tiểu Nghiệp phân biệt - Trung Bộ III), nên đương nhiên con người sẽ không thể và không bao giờ thoát được những Nghiệp do mình tạo ra.
Lý giải về sự khác biệt giữa quan niệm Nghiệp - Báo của Phật giáo với quan điểm Thiên Mệnh của Nho giáo, sách Phật giáo viết: “Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số mệnh ở chỗ, Nghiệp do chính con người tạo tác, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên Nghiệp có thể chuyển hóa được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại.”. Như thế, quan điểm về Phúc - Báo của Phật giáo là do tự mình làm tự mình chịu, dẫu là cha con cũng không ai chịu thay cho ai được, càng không liên quan gì đến tổ đức (Kinh Nê Hoàn). Việc tích đức của tổ tiên chỉ có thể tạo được nghiệp đồng cảm khiến cho người có phúc sẽ sinh làm quyến thuộc chứ không truyền được phúc đức cho con cháu mà con cháu muốn được hưởng lâu dài cái phúc của mình thì phải tự chăm lo, gieo trồng nhân thiện, luôn tạo nghiệp lành, từ bi, hỉ xả...
Luật Nhân Quả của Phật giáo không bị thời gian hạn chế, có khi đời trước gieo nhân, đến đời này gặp đủ nhân duyên thì kết thành quả, có khi gieo nhân ở đời này nhưng phải tới mấy kiếp sau, khi hội đủ nhân duyên mới kết thành quả (Kinh Nhân Quả). Đây chính là câu trả lời, là cách lý giải cho những nghịch cảnh: “Ông ấy ăn ở hiền lành, đức độ nhưng toàn gặp phải chuyện oan trái” hoặc “Bà ấy gian tham, độc ác mà cuộc đời lại toàn may mắn, hạnh phúc”...
Như vậy, thuyết Luân Hồi - Nhân Quả của Phật giáo ngoài việc đã đáp ứng được bản tính hướng thiện của người Việt, lý giải những “bế tắc” mà văn hóa bản địa “bất lực”, còn khúc xạ và hóa thân vào với tín điều của người Việt nên không ít người mới tin rằng Phúc - Đức là một biến thể của thuyết Luân Hồi - Nhân Quả.
Xét về giá trị giáo dục đạo đức thì quan niệm Phúc - Đức của người Việt và thuyết Luân Hồi - Nhân Quả của Phật giáo xem ra khá gần gũi, tương đồng và cả 2 đều đề cao tính hướng thiện của con người, nhưng không vì thế mà cho rằng: Phúc Đức là biến thể của thuyết Luân Hồi - Nhân Quả. Bởi lẽ quan niệm “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “mồ mả làm khá người ta” là nếp nghĩ truyền thống của người Việt, và phúc đức ấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhiều mối quan hệ, trong khi thuyết Luân Hồi - Nhân Quả của Phật giáo khẳng định Phúc - Báo là do tự mình làm, tự mình chịu.
Do đặc tính nổi bật của Phật giáo là tính tổng hợp và tính linh hoạt nên khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, được các thiền sư người Việt bản địa hóa, Phật giáo đã sớm uyển chuyển hòa quyện vào văn hóa truyền thống của người Việt, cùng song hành với sự phát triển của dân tộc, nhưng vẻ tinh khiết vốn có của kinh điển Phật giáo vẫn giữ được và chưa từng gián đoạn trong việc truyền thừa nên Phật giáo (Việt Nam) ngày càng cắm rễ sâu chắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt và trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam.
Phải chăng chính vì thế mà không ít người mới cho rằng Phúc Đức là một biến thể của thuyết Luân Hồi - Nhân Quả.
PHẬT GIÁO VỚI QUAN NIỆM PHÙ HỘ ĐỘ TRÌ
Việt Nam là một dân tộc lấy đạo hiếu làm đầu nên tín ngưỡng thờ cúng, nhất là thờ cúng gia tiên được dân gian tín trọng.
Với người Việt, cái chết chỉ chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của thể xác con người còn linh hồn người chết sẽ luôn hiện hữu và có “mối liên hệ vô hình” với các thành viên trong gia đình, theo dõi và bảo trợ cho người thân tránh rủi ro, bất trắc, gặp được điều may mắn. Vì quan niệm như thế nên người Việt lập bàn thờ để cúng lễ tổ tiên, làm nơi trú ngụ cho linh hồn người chết, đồng thời cũng cầu mong sự phù hộ độ trì của người đã chết cho những người còn sống; coi đấy như là thước đo về đức hiếu - nghĩa của con người.
Tín ngưỡng trong văn hóa của người Việt là như vậy, còn quan điểm của Phật giáo thì sao? Phật giáo có cho rằng người đã chết sẽ phù hộ độ trì cho người còn sống gặp điều may mắn, “thoát khỏi bể khổ trần ai” như tín ngưỡng của người Việt?
Chúng ta đều biết: Tư tưởng của Phật giáo là tư tưởng vô thần, phủ nhận hoàn toàn thuyết Thiên mệnh, hơn nữa, Phật giáo chủ trương: Con người và chỉ có con người mới thực sự là người ban phúc giáng họa cho chính mình. Sự cầu cạnh, van xin ở người khác hoặc nơi thần linh, nếu có được cũng chỉ là phần không đáng kể, chỉ có tâm niệm, hành động hướng thiện mới mang lại hạnh phúc cho bản thân. Ngược lại, một tâm niệm ác, một hành động xấu sẽ tự chuốc lấy kết quả đau khổ về cho mình. Chính với quan điểm con người làm chủ mọi quả báo của mình nên Phật giáo không chấp nhận quan điểm cho rằng linh hồn người đã chết vẫn còn tồn tại, vẫn giữ “mối liên hệ vô hình” và phù hộ độ trì cho quyến thuộc hiện tại (những người còn sống) được bình an, hưởng lạc.
Phật giáo cho rằng đã là chúng sinh thì phải trải qua vòng luân - hồi - sinh - tử và cái sự “chết” kia không phải là sự “sống gửi thác về” như quan niệm dân gian của người Việt, mà là bước kế tiếp của sự chuyển kiếp. Sau khi chết, tùy theo nhân thiện, nghiệp ác lúc còn sống và nhân duyên của các kiếp trước mà người đã chết sẽ được sinh vào cõi người, cõi trời hay bị đọa vào địa ngục. Nếu bị đọa vào địa ngục thì phải chịu quả báo của nghiệp ác khi còn sống, sự quả báo (bị trừng phạt) ấy nặng hay nhẹ, nhanh hay lâu phụ thuộc vào nghiệp ác tạo ra lúc còn sống ở kiếp người. Do vậy, người đã chết dù thế nào cũng không thể trở về “dương gian” để phù hộ độ trì cho người đang sống.
Trái với quan điểm của khá nhiều tôn giáo và đạo giáo khác (trong đó có tín ngưỡng của người Việt) là tin vào chuyện người chết sẽ có những tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người trần tục, Phật giáo đưa ra quan điểm: Người đã chết không thể phù hộ độ trì cho quyến thuộc còn sống mà chính những quyến thuộc (hiện tại) còn sống, bằng nhân thiện, hành thiện của mình đang làm sẽ ảnh hưởng tới “quả báo” của người đã khuất.
Trong Kinh Địa Tạng, khi nói về Lợi ích người còn kẻ mất, có đoạn viết:
“Các chúng sinh đã làm ác, lúc sắp chết cha mẹ bà con nên vì những người đó mà tu tạo Phúc Đức để giúp cho đời sau của họ. Như treo tràng phan, bảo cái và đốt đèn, hoặc tôn kính tượng đọc kinh trang, hoặc cúng dường tượng Phật, lại trì niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát.
(...) Sau khi người đó chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, lại vì người đó làm nhiều việc thiện thì có thể làm cho người ấy thoát hẳn đường ác, được sinh lên cõi trời (...) quyến thuộc hiện tại cũng được lợi ích vô cùng.
(...) Trong ngày có người thân sắp chết phải hết sức thận trọng, chớ sát hại sinh vật và làm những chuyện ác như: Lễ quỷ thần, cầu cúng yêu quái. Tại sao vậy? Vì những sự sát hại và cúng tế đó không có một mảy may năng lực nào lợi ích cho ngwời sắp chết mà lại còn kết thêm tội duyên sâu nặng hơn. Giả sử người sắp chết kia, đời nay lúc này còn sống hoặc ngay đời sau có được những nhân duyên thánh thiện, đáng sinh vào cõi người hay vào cõi trời, nhưng vì trong lúc sắp chết, bị quyến thuộc làm những nhân ác nói trên, nên khiến cho người ấy vạ lây, phải biện bạch đối chứng mãi, thành chậm trễ sinh vào chỗ tốt lành. Huống chi người sắp chết kia, lúc sống chưa từng có chút thiện căn thì cứ theo nghiệp dữ đã làm mà tự chịu lấy quả khổ ở đường ác. Vậy nỡ nào mà quyến thuộc lại làm tăng thêm tội cho họ nữa.”.
Có thể nói ở điểm này, Phật giáo hơn hẳn nhiều tôn giáo khác về tính nhân văn và đạo lý làm người, phù hợp với nếp sống tình cảm của người Việt. Ai trong chúng ta cũng vài lần trong đời từng được nghe những lời ca thán: “Rõ khổ, ông ấy chết rồi mà chẳng được yên” hay “người sống làm nhục vong linh người chết” khi thấy cảnh đau lòng: Người còn sống làm mất gia phong do tổ tiên để lại.
Giáo lý nhà Phật không chấp nhận việc phù hộ độ trì cho những người còn sống của những người đã khuất mà đi vào đề cao việc người còn sống phải lo làm việc thiện, tạo ra những duyên thiện để trước hết tạo ra thiện căn cho chính bản thân mình, sau đó làm giảm bớt nghiệp ác mà người thân khi còn sống vướng phải. Phật giáo chỉ thừa nhận ở một chừng mực nào đó, Phật tử sẽ nhận được sự phù hộ độ trì của Trời, Phật, Bồ Tát... khi Phật tử là người có thiện căn.
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề này, dù có khắt khe đến mấy chúng ta cũng phải thừa nhận đây là quan điểm đầy tính nhân bản. Quan điểm đó giáo dục mọi người phải không ngừng vươn tới Chân - Thiện - Mỹ để hoàn thiện và làm đẹp thêm nhân cách của mình. Quan điểm đó nhắc nhở mọi người không chỉ sống xứng đáng với truyền thống của cha ông mà còn phải “phát tiết” những giá trị đạo đức, những tinh hoa mà cha ông đã xây dựng, gìn giữ, để người đương thời phải thừa nhận: Con hơn cha vì nhà có phúc.
Đặng Xuân Xuyến
2006