TỨ BẤT TỬ CỦA VIỆT NAM
( Ba bài viết I,II, III dưới đây được trích trong cuốn Văn Hiến Việt Nam của Việt Nhân,
Bài thứ IV thì trích trên internet )
Trải qua gần năm ngàn năm Văn Hiến, nền Văn Hoá Việt Nam đã để lại cho Dân tộc 4 gương mẫu Bất Tử, đó là 4 Vị đưọc Dân tộc tôn lên bậc Thánh, các Ngài chính là Hồn Thiêng Sông Núi để độ trì cho Dân tộc trong lúc nguy biến suốt dòng Lịch Tinh thần của các Ngài đã được lưu truyền cho Dân tộc Việt Nam, cho Con Cháu muôn đời về sau. Đó là Bốn Vị:
1.- Thần Tản Viên
2.- Chử Đồng Tư.
3.- Phú Đổng Thiên Vương
4.- Bà Chúa Mẫu Thượng ngàn
________________________________________________________________________
I.- THẦN TẢN VIÊN
Nguồn gốc của Sách Ước, Gậy Thần
( Cơ cấu Việt Nho: Sách Ước. . . Tr. 216 – 227. Kim Định )
Cơ Cấu Văn Hóa Việt Nam:
VIỆT NHO & TRIẾT LÝ AN VI
( 2 – 3, 5 )
Sách Ước Gậy Thần
“ Khi trở về nghiên cứu văn hóa nước nhà, chúng ta có thể lấy làm lạ lâu lâu lại nghe nói tới Sách Ước, gậy Thần, rồi tìm không thấy đâu bàn đến cách triệt để hay nói lên ý nghĩa thâm sâu, mà chỉ thấy xuất hiện trong bầu khí âm u của cõi tiên phi phàm. Sau khi nghiên cứu so đo, chúng tôi mới nhận ra đó cũng là một điển chương quý báu của tiền nhân giối lại, và vì thế hôm nay ghi lại đây một hai két quả trong việc tìm hiểu. Xin hãy khởi đầu bằng việc duyệt qua một số truyện có liên hệ tới hai báu vật trên, trước hết là gậy Thần được thấy xuất hiện nhiều lần trong tay Tiên, hoặc Tiên cho để làm phép, như :
Công chúa Tiên Dung dùng gậy mà biến ra thành quách. . .cũng như gậy trỏ vào xác chết làm cho sống lại.
Ngọc Tâm trong truyện con muỗi ( Văn học II. Tr. 95 ) gặp được Tiên để xin cứu sống cho vợ. . . thì Tiên cũng chống gậy trúc.
Từ Thức cũng chống gậy trúc trên đường gặp Tiên.
Tú Uyên cũng gặp ông già chống gậy.
Thần lúa hay là Thần Nông đi đâu cũng chống gậy ( Văn học I. Tr.73 ).
Cây tre được nhận làm tiêu biểu cho người lý tưởng.
Nhưng có lẽ không đâu có phép thần thông qua cái gậy được biểu lộ rõ cho bằng câu truyện Ra đê sau: “ Thuở ấy, người miền Thượng đang sống ở theo Duyên hải. Ngày kia, có một con cá voi bơi sát bờ, trên lưng cá rộng lớn như bãi cỏ mọc lên một cây xoài. Nhiều heo rừng đến ăn trái xoài rụng bởi gốc cây. Một thằng bé đi đến thấy trái ăn ngon, trèo lên cây, không biết là đang ở trên lưng con cá khổng lồ. Cá voi bổng chuyển mình bơi ra biển khơi, mang theo thằng bé cùng bầy heo rừng. Thằng bé vẫn ở trên câu xoài, ăn trái cây mà sống và làm rơi quả xuống nuôi bầy heo rừng. Cá voi mẹ làm mọc thêm nhiều cây xoài nữa ở trên lưng để nuôi sống người và thú đi theo nó. Thằng bé lấy chiếc mền đã mang theo mắc làm võng trên cành cây xoài, rồi ở luôn trên đó, nổi trôi trên mặt biển, sống bằng trái cây. Một hôm nó thấy một cây song mọc lên trên lưng cá voi, bèn nhổ lấy làm một chiếc gậy. . .Từ đó, phép tắc thần thông của cá voi đã truyền qua cho đứa bé. Con cá voi nghĩ rằng đứa bé có nhiệm vụ cứu giúp loài người khốn khổ trên mặt đất nên mới truyền phép thần thông cho. Đứa bé ngủ mơ nghe cá voi nói với nó rằng: Giờ đây mày đã thành người anh hùng có quyền phép nhiệm màu rồi, mày hãy bước xuống nước, nước sẽ đặc lại dưới chân mày đi, mày lên mặt đất mà trừ diệt hết thảy những kẻ oai quyền độc ác, chỉ một mình mày là hùng mạnh lớn lao. . . Thằng bé ở trên cây tuột xuống biển, đi đến đâu nước cứng đến đấy. Nó lạnh lùng bước đi, tất cả bầy heo theo như một lũ chó ( vì thế nên từ đó loài heo, mà thủy tổ là heo rừng, cứ chiều tối nghe tiếng gọi là kéo nhau về nhà ). Bấy giờ ở trên mặt đất Quạ, Rắn, Kên Kên và Cọp là lũ quyền thế độc ác vô cùng làm chủ loài người. Chúng buộc phải đem mạng người dâng cho chúng ăn thịt, nếu không thì chúng phá hại cả các làng. Đến ngày đã định vào đêm trăng rằm dân các làng phải tụ họp để dâng sinh vật cho chúng ngự ở trên cao. Mỗi gia đình phải đem đứa con đầu lòng, không hạn kể tuổi, miễn là khỏe mạnh cho ngon miệng các giống quyền thế . Những trai trẻ bị hy sinh, mặc áo quần tốt đẹp sặc sỡ, người ta ép chúng uống rượu say rồi đem quay đế cho lũ quái ác khoái trá trước khi ăn. Đúng lúc sắp dâng lễ vật cho lũ quái ác thì thằng bé cá voi đặt chân lên mặt đất, ngay chỗ đang sửa soạn quay sống đám trai trẻ. Nó liền cất tiếng bảo mọi người: “ Các người việc gì mà chịu hy sinh đám trai trẻ khôi ngô như thế kia? Này đây (nó trỏ vào bầy lũ heo rừng đi theo ) là một bầy heo, hãy làm một cái chuồng để nhốt chúng lại, các người học cách nuôi heo rồi dùng heo mà tế thay cho người ta “. Đám đông ngạc nhiên sửng sờ. Thằng bé cá voi nói lớn: “ Đem tôi ra mà cúng thay cho đám trẻ khôi ngô này! “. Lũ quái ác gạt đi: “ Chúng tao không muốn ăn thịt mày vì mầy gầy lắm, lũ trẻ kia béo tốt mới thích miệng chúng tao “
“ Thằng bé cá voi mình gầy trơ xương sau cuộc phiêu lưu ngoài biển khơi, nó cầm một miếng chăn tung về phía Tù trưởng Quạ: tức khắc đôi cánh mọc ngay lên mình, Quạ vôi vàng bay trốn. Tù trưởng Kên Kên cũng bị thằng bé làm cho mọc cánh, bay trốn luôn theo Quạ. Thằng bé thổi khói thuốc ở ống điếu vào Tù trưởng Cọp, lông mọc đầy khắp cả người, cọp xấu hổ lủi mất vào rừng. Còn lại Tù trưởng Rắn. Thằng bé dẫm lên làm cho nó mất cả tay cả chân, phải bò mà trốn. Dân chúng được giải thoát khỏi ách các tù trưởng độc ác, đồng thanh hoan hô thằng bé thần đồng, yêu cầu nó lên cầm đầu. Thằng bé không nhận, sống chung với mọi người như anh em. Nó không muốn lấy vợ và gọi đàn bà là “ Bà Nội “. Có xẩy ra việc gì khó khăn thì một mình nó đi dàn xếp là xong. Mọi người được sống một cuộc đời êm thắm. “ ( Trích trong Văn học )
“ Đọc xong truyện trên ta nhận ra gậy Thần chính là nền Minh triết nông nghiệp, giúp cho con Người đạt độ Tâm linh, và nhờ đó cứu gỡ khỏi những nanh vuốt của thời Bái vật và Ý hệ. Trong truyện nhắc tới Bái vật ở chỗ “ Quạ, Kên Kên, Cọp là lũ quyền thế độc ác vô cùng làm chủ loài người “. Đó là lúc con người còn bị các thế lực ngoại tại sai sử, và con người trở nên hùng mạnh có quyền phép nhiệm màu, khả dĩ trừ diệt hết thảy những kẻ oai quyền độc ác “ từ lúc “ có được cây gậy. Từ đó phép tắc thần thông của cá voi đã được truyền qua cho đứa bé. Quyền phép cá voi là những khả năng thuộc lý trí kỹ thuật, nếu ở lì lại thì ra Ý hệ , còn nếu vượt lên đợt Tâm linh thì nó thăng hoa lên cùng. Đó là đại để ý nghĩa câu truyện: Cũng nói lên quá trình tiến hóa của dân tộc. Bây giờ chúng ta đọc một câu truyện khác có tính cách tổng hợp văn minh Mẹ ( gậy Thần ) với văn minh Bố ( sách Ước ) “.
Sách Ước, gậy Thần
“ Sách Ước là sách huyền diệu có sức màu ban cho người gặp được quyền ước gì được nấy, giống cái đèn của Aladin. Tìm vế nguồn gốc chúng, ta chỉ gặp thấy có nói đến sách Ước có lẽ là câu truyện Thần núi Tản Viên sau đây: “ Thần xưa kia là một đứa con bị bỏ rơi giữa rừng được một người tiều phu gặp đem về nuôi, đặt tên là Kỳ Mạng. Sở dĩ Thần có tên này là vì trước khi gặp cha nuôi đứa bé mới lọt lòng đã được dê rừng cho bú, chim chóc ấp ủ cho khỏi chết. Kỳ Mạng chóng lớn khôn, theo nghề cha nuôi ngày ngày vác rìu vào rừng đốn củi. Một hôm Kỳ Mạng đốn một cây đại thọ. Cây to lớn quá chặt từ sáng tới chiều mà vẫn chưa hạ nổi. Bỏ dở ra về, đến sáng hôm sau trở vào rừng, Kỳ Mạng hết sức ngạc nhiên thấy những vết chặt đã dính liền lại khắp thân cây. Kỳ Mạng lại xách rìu chặt nữa, suốt ngày rang hết sức không xong, đến ngày thứ hai trở lại cũng thấy cây vẫn nguyên vẹn như chưa hề đụng tới. Không nản chí, Kỳ Mạng lại ra công chặt nữa, quyết hạ cho kỳ được, rồi đến tối ở lại nấp gần cây rình xem sự thế. Vào khoảng nửa đêm, Kỳ Mạng thấy một bà lão hiện ra, tay cầm gậy chỉ vào cây, đi một vòng quanh cây, tự nhiên những vết chặt lại liền như cũ, Kỳ Mạng nhảy ra khỏi chỗ nấp, tức giận hỏi bà lão sao lại phá công việc làm ăn của mình.
Bà lão nói: “ Ta là Thần Thái Bạch, ta không muốn cho cây này bị chặt, vì ta cứ nghỉ ngơi trên cây “. Không chặt cây thì tôi lấy gì mà nuôi sống ? Bà thần đưa cho Kỳ mạng cái gậy rồi biến mất. Được chiếc gậy Thần, đời sống của cha con Kỳ Mạng từ đấy có phần dễ chịu lắm, và chàng đem vật ra cứu giúp những người bệnh tật ốm đau. Một hôm Kỳ Mạng đi chơi gặp xác một con rắn nước bị trẻ chăn trâu đập chết vứt ở bờ sông, mới dùng gậy Thần chỉ cho con rắn sống lại, bò xuống nước. Vài ngày sau có một người lại tới tự xưng là Tiểu Long Hầu, đem nhiều châu báu tạ ơn Kỳ Mạng đã cứu sống hôm rồi, nhân lúc đi chơi bị trẻ đánh chết. Thần Tiểu Long lại mời Kỳ Mạng xuống chơi dưới thủy phủ. Kỳ Mạng nhận lời theo con Long Quân rẽ nước xuống biển chơi, được Long Quân mời ở lại 3 hôm, bày yến tiệc tiếp đãi nồng hậu và dẫn chàng đi xem khắp thế giới dưới nước.
Khi về Kỳ Mạng lại được Long Quân biếu cho một cuốn sách Ước, có thể nhờ sách mà cầu ước chuyện gì cũng đều được thực hiện cả. Kỳ Mạng sung sướng đem sách về trần.
Cuốn sách Ước chỉ gồm có 3 tờ bằng da cá, ngoài bọc vỏ rùa, 3 trang sách mỗi trang chứa một tính chất: Kim, Mộc, Hỏa. . ., chỉ thiếu một trang về Thủy mà Long Quân đã giữ lại. Kỳ Mạng mới bắt đầu thử xem linh nghiệm ra sao, mở sách ra, đặt tay vào trang Hỏa khấn khứa, được nghe thấy sấm sét giữa lúc trời quang mây tạnh. Tức thì chỉ trong nháy mắt trên trời vần vũ dày đặc, rồi chớp sáng, sấm sét nổi lên rung chuyển cả bầu trời. Kỳ Mạng mỉm cười đắc ý, đặt tay vào trang Mộc, ước ao thấy một rừng cây đi. Tức thì những cây ở trước mặt chàng tự nhiên bổng tiến bước lên như một đạo quân. Kỳ Mạng gấp sách lại, thấy mình từ đấy uy quyền, sức mạnh không còn ai sánh kịp. Rồi từ đấy lang thang đó đây, giúp đời. Cuối cùng chán cảnh trần tục, Kỳ Mạng lên núi Tản Viên ở luôn tại đấy. Với cuốn sách Ước, chàng dựng len những lâu đài cung điện nguy nga giữa chốn rừng hoang vu. Từ đó tiếng đồn đi rằng núi Tản Viên do một vị thần pháp thuật thần thông cai quản “ ( Văn Học )
3.- Giải nghĩa
“ Câu truyện trên cung cấp cho ta nền tảng giải nghĩa cả sách Ước lẫn gậy Thần, cả hai không là chi khác hơn là hai khía cạnh của Kinh Dịch.
Vì sách Ước giống Kinh Dịch ở chỗ không có chữ: Những chữ hiện nay chỉ là hệ từ thêm vào sau.
Còn gậy Thần chẳng qua là những con số của Kinh Dịch trong đó số 5 là quan trọng. Gậy Thần làm bằng cây trúc có 9 đốt chia hai đầu sinh tử (Âm Dương ), ai biết cầm trúng đốt 5 mà xoay thì tử sinh biến hoá: chết có thể làm cho sống lại v. v. . .
( 1 2 3 4 5 6 7 8 9:
Vòng Trong : 1 / 2 5 3 / 4
Vòng Ngoài: 6 / 7 - 5 - 8 / 9
của Ngũ hành )
Xem thế đủ biết đó là những con số của Lạc Thư, của Hồng Phạm. Sách Việt sử lược bảo Hùng vương biết dùng ảo thuật thì có nghĩa là biết ứng dụng nền Minh triết Lạc Thư: đem đạo ( Tròn ) Tản vào đời sống ( Vuông ) đó la Tản Viên, tức Tròn Vuông xoắn xuýt, Trời Đất tổng hợp.
Gậy Thần đi với Mẹ với nông nghiệp, nên gây ra được nhiều ơn ích thiết thực, còn sách Ước là do Bố , Lạc Long quân tuy cũng có thần thông nhưng mang nhiều tính vu nghiễn như khi Kỳ Mạng đặt tay vào trang Hỏa khấn được nghe thấy sấm sét giữa lúc trời quang mây tạnh tức thì có sấm sét nổi lên rung cả bầu trời, để tay vào trang Mộc, thì thấy cả một rừng cây đi. . ., đó toàn là những kiểu nói bóng về khả năng biến hoá của Kinh Dịch, nhưng về sau vì bị hiểu theo lối vu nghiễn, nên không ơn ích cho đời sống như gậy Thần. Gậy Thần biểu thị Minh triết nông nghiệp, nên mỗi lần chặt cây là biểu thị chối bỏ nền Minh triết đó.
4.- Ý nghĩa gậy Thần
“ Vậy gậy Thần không chi khác hơn là nền Minh triết nông nghiệp. Khi người nào đạt độ Minh triết đó thì không cần đến tôn giáo vu nghiễn nữa, còn khi chì có triết học duy niệm như trong văn minh Cha thì không đủ thỏa mãn Tâm linh nên cần đến vu nghiễn, như phần nào đã thấy xẩy ra trong Hán Nho có pha nhiều chất tai dị. Đã là Minh triết thì nó biểu lộ ra trong nét Nhất quán tức như sợi dây xỏ xuyên qua hai bờ Âm Dương, mà không Duy bên nào. Nói bóng là gậy Thần. Gậy là để xỏ qua, Thần là khắp hết, tức đem đạo ( tròn ) tản ra mọi việc ( vuông ). Vậy trong nền văn hoá Việt Nam ta thấy cái gì cũng Lưỡng nhất tính kể từ vật tổ trở đi là Tiên Rồng cho đến thể chế, làng nước, mẹ cha, cách tính tuổi, cách đặt tên. . ., và vì thế tiếng nước ta rất nhiều danh từ đi đôi: Mặt trời, chiếu chăn, non nước, bàng bạc, mênh mông. . Tưởng không ngôn ngữ nào trên thế giới diễn đạt nét gấp đôi rõ như vậy, tiếng ngoài rõ rệt, tiếng trong lờ mờ. Lối nói lại đặt chữ Kỳ tức lấy mình làm trung tâm: Ta nói xe chạy ngoài đường là quy chiếu vào mình tức con đường ở ngoài mình. Đó là hậu quả Tam tài, lấy con người làm trung tâm “ Trời che Đất chở ta thong thả “ và do đó hiện thực được sứ mạng của mình ( Kỳ Mạng ), tức là của con người đại ngã Tâm linh mà các nền văn minh khác chưa đâu thực hiện nổi ( xin xem Nhân chủ ) “
5.- Sách Ước gậy Thần với Dịch Kinh
“ Như trên đã nói cả hai là một, một trong nội dung cũng như trong lối bày tỏ. Nội dung của nền Minh triết hòa Âm Dương, còn trình bày là những gạch, đó là những gậy và chỉ có vậy chứ không có chữ, y như sách Ước không có chữ mà chỉ có những trang Thủy, Hỏa, Mộc, Kim. . . tức Ngũ hành: nghĩa là gồm hết mọi sự nên nói bóng là Ước gì được nấy. Như thế cả hai là một, nhưng tên gọi khác nhau, có lẽ vì đó là lối biến hóa nên thay đổi tên, để nói lên cái sức biến thông cần thiết phải có khi dùng tới, tức là phải đạt độ quyền biến (đợt thứ 4 sau Học, Thích, Lập ). Nếu không thì Dịch chẳng là cái chi cả, như sau này đã bị Hán Nho chiếm đoạt đánh mất tinh hoa, nên chỉ còn có chất “ bát quái “ mà không biết đến “ Cửu trù “, có sách biến mà thiếu sách hóa. Có số Phá mà không biết số Hoá. Sách Ước thiếu hai trang nhất là Thủy và Thổ, cho nên từ đấy Kinh Dịch trở thành đề tài tán dóc bằng biểu tượng đồ thị trong hơn 20 thế kỷ vừa qua. Có thể vì thế mà tiền nhân đã đặt ra tên khác để chỉ phần tinh hoa của Dịch đã được thiết lập từ đời Phục Hy. Lúc ấy chưa có chữ mà chỉ có gạch liền gạch đứt đẻ cái nhiệm màu của nó trong con người nên gọi là Kỳ Nhơn, Kỳ Dịch, y như cái hay của cây đàn Kinh nằm trọn vẹn trong người biết gảy đàn vậy. Thế nhưng ” Kỳ Nhơn “ quá hiếm, nên thánh hiền thêm vào ít lời ( Hệ từ ) để giúp nhiều người hơn nắm được then chốt, không may về sau nó rơi vào tay Hán học lấy Hệ từ làm trọng hơn cái tinh hoa.
Vì thế mà người ta cứ tưởng Kinh Dịch là của riêng Tàu. Tin như thế cho đúng chữ nghĩa Hệ từ, nhưng xét về cấu tố uyên nguyên thì là làm hư Kinh Dịch, biến nó thành sách có chữ, có nghĩa mà hết là một điển chương.
7.- Cây đàn Kinh
Tinh thần HÒA của nền Văn Hóa
“ Nếu hỏi trên hoàn cầu có cây đàn nào giàu chất triết nhất thì phải thưa là cây đàn bầu hay đôc huyền. Huyền có nghĩa là dây cũng có nghĩa là huyền bí, huyền nhiệm, nhiệm màu. Có rất nhiều lý do để gọi như vậy:
Trước hết chỉ có một dây mà làm nẩy ra đủ mọi cung trong âm giai.
Thứ đến lạ lùng hơn nữa là cung nào cũng là cung Hòa.
Các đàn khác chỉ có tiếng đơn ( Soni ), một hai cung là hòa ( harmonique ): một mình đàn Kinh thì cung nào cũng là hòa. Nói khác đi nó là âm thanh thứ ba phát sinh ra bởi “ Tiếng Sống “ và “ Tiếng Chết “. ( * ) Khi đánh thì dùng cái nạy gảy vào dây, đó là “ Tiếng Sống “, nhưng đồng thời cạnh bàn tay lại đè xuống dây, đó là “ Tiếng Chết “, cả hai tiếng phát ra một trật làm nên tiếng thứ ba “ không Sống , “không Chết “ mà là “ Tiếng Hòa “.
Thứ ba đây không phải là hòa thường mà là hoà cùng cực ở chỗ không tìm ra được kẽ hở, như trong các đàn khác, ở dương cầm thí dụ tự Do đến Re là một quảng cách có thể chia ra 9 hoặc 27 coma, nên nếu không kép cung vào để làm nên một âm thanh hòa thí dụ Do Mi Sol thì vẫn còn quảng cách giữa Do - Mi và Mi – Sol. Đàng này ở đàn huyền dù một coma cũng không thể có, vì tự đó lướt êm sang Re.
Thứ bốn nhờ cung nào cũng là âm hòa nên có thể diễn tả cả một bản nhạc toàn bằng âm hòa trọn vẹn. Đức tính hòa hợp là tính chất thâm sâu của triết lý Việt Nho có thể hàm ngụ trong những huyền thoại về quả bầu trăm hột hay cái bọc trăm trứng Âu Cơ. Đó là tính chất Tổng Hợp hay là Cơ cấu. Nhớ lại Cơ Cấu là Tổng Hợp. Càng có lý do nghĩ như vậy nên đàn bầu có nơi gọi là đàn Kinh, vì Kinh có nghĩa là sợi dây xâu tất cả yếu tố lẻ tẻ lại làm thành một nét nhất quán hay là mạch lạc nội tại, mà đó là dấu hiệu của Minh triết.
Cái bọc Âu Cơ cũng là nền Minh triết tổng hợp và được biểu lộ ra bằng những điển chương đầy chất tổng hợp. Vì thế mà đàn bầu quả là một trong những điển chương của nền MINH TRIẾT VIỆT NHO nằm trong sự hoà hợp giữa Âm và Dương: Đạo không phải nhất Âm, Đạo cũng không phải là nhất Dương. Nhưng là cả Âm lẫn Dương hòa hợp: Nhất Âm nhất Dương vị chi Đạo.
Tiếng Đàn chính cũng là tiếng Đạo vậy.
Và như thế còn một điểm cuối cùng cần được nhấn mạnh, đó là vai trò quan yếu của con người: mọi yếu tố khác như bị xoá nhòa đi để cho vai trò Người nổi bật. Vì rằng hay hay dở là ở nơi Người. Với các đàn khác thì Người không biết động tới ít ra cũng làm phát sinh được âm thanh chẳng hạn trên piano người nào cũng có thể kéo ra một âm giai. Còn với đàn Kinh mà không biết thì chẳng kéo ra được gì ngoài mấy tiếng phèng phèng vô duyên. Trái lại nếu giỏi thì làm nảy sinh ra những tiếng tuyệt vời u linh man mác. Vì thế có thể nói đàn bầu biểu lộ linh hồn người gảy hơn bất cứ cây đàn nào khác, nên có thể nói nó là cây đàn người hơn hết, cũng như biểu lộ nền triết lý nhân bản Tâm linh là một triết lý Người hơn bất cứ nền triết lý nào trên thế giới. Vậy mà cây đàn này lại là của Việt Nam, vì thế ta có thể coi là một di sản nhiệm màu và mong mỏi cho nó vẫn âm vang mãi mãi dưới bầu trời của Việt tộc. Và đấy là sứ mạng của Văn Triết, của Văn hoá Việt Nam. Hiện nay nền văn hoá này đang như con thuyền không lái xoay quanh tứ phía đấy hiểm nguy. Nếu các nhà làm văn hoá biết dùng triết Việt làm kim chỉ Nam thì rồi nó sẽ trở nên cây đàn bầu kinh nghiệm: quy tụ tất cả vào thống nhất.
Kinh Đức bỉnh Triết là vậy.”
( Kim Định )
__________________________________________________________________________
II.- CHỬ ĐỒNG TỬ
TRUYỆN ĐẦM NHẤT DẠ
hay
CHỬ ĐỒNG TỬ
MẪU GIA ĐÌNH VIỆT NAM
“ Hùng vương truyền ngôi đến vua cháu 3 đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng 2 tháng 3, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về. Lúc bấy giờ Chử Xá Lang ( 2 ) có người tên là Chử Vi Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cái khánh tận, chỉ còn cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng: “Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ ” Cha chết người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bây giờ thân hình trần truồng, lạnh đói khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng vào giữa nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bổng đến đó, nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa, có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để dấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát thuyền của Tiên Dung ghé vào đó, nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm; cát chảy làm thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai, Tiên Dung nói : “ Ta đã không thích lấy chồng, nay gặp người này ở trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng ? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi “.
Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng Tử nói sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót bảo làm vợ chồng, Đồng tử cố từ , Tiên Dung nói : “ Việc này tự Trời tác hợp, việc gì mà từ chối ”! Những người tháp tùng đem việc ấy tâu lên với Hùng vương, Hùng vương giận bảo rằng :
“ Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá ( 3 ) với người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa ” .
Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn ( nay là chợ Hà Lỗ ); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán; kính sự Tiên – Dung Đồng - Tử làm chủ; có một nhà đại thương nói với Tiên Dung rằng : “ Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi . ”
Tiên Dung bảo Chử Đồng Tử rằng : “ Vợ chồng ta do Trời định khiến, ăn mặc là của Trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai
” . Đồng Tử cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn, trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để chở Đồng Tử về. Nhà sư tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng : “ Linh thông tại đây đó ”
Đồng Tử trở về đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ bỏ chợ búa, nghề buôn bán đem nhau đi tìm thầy học đạo . Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem đến vật hoa hương ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.
Hùng vương hay tin,cho con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh, quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngự. Tiên Dung cười rằng : “ Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời dun dủi, sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết. Lúc bấy
giờ những người mới tập hợp sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn, bộ đảng thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày dân gian không thấy thành nữa, cho là linh dị, bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu ( hoặc gọi là Tự Nhiên châu ), chợ ấy là chợ Hà Lỗ Thị .”
( Lĩnh Nam chích quái : Trần Thế Pháp , bản dịch của Lê Hữu Mục , trang 51 – 53 )
Chú thích
( 1 ) : Đầm Một Đêm.
( 2 ) : Làng Chử Xá.
( 3 ) : Lấy một người dưới.
Chử Đồng Tử
Bổ di ( 1 ) còn chuyện trích Tiên ( 2 )
Có người họ Chử ở miền Khoái Châu ,
Ra vào nương náu Hà Châu, ( 3 )
Phong trần đã trải mấy thâu (4 ) cùng người.
Tiên Dung gặp buổi đi chơi,
Gió đua Đằng Các ( 5 ), buồm xuôi Nhị Hà,
Chử Đồng ẩn chốn bình sa ( 6 )
Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên ( 7 )
Thừa lương nàng mới dùng thuyền,
Vây màn tắm mát kế liền bên sông,
Người thục nữ, kẻ tiên đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.
Giận con ra thói mây mưa,
Hùng Vương truyền lệnh thuyền đua bắt về .
Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hoá về Bồng Châu ( 9 )
Đông An Dạ trạch đâu đâu,
Khói hương nghi ngút truyền sau muôn đời.
(Đại Nam Quốc sử diễn ca )
Chú thích
( 1 ) : Thêm vào chỗ thiếu.
( 2 ) : Tiên ở trên trời, vì có lỗi, nên phải đày xuống trần.
( 3 ) : Bãi cát ven sông.
( 4 ) : Mấy Thu là mấy năm, ý nói Chử Đồng vốn nghèo khó vất vả.
( 5 ) : Khoái Châu cũng là Đằng Châu, chỉ sự may mắn thành vợ chồng.
( 6 ) : Bãi cát.
( 7 ) : Duyên kiếp từ trước.
( 8 ) : Hóng mát.
( 9 ) : Cõi Tiên.
Kinh Chử Đồng
“ Thời vua Hùng, có nàng công chúa Tiên Dung, dầu đả tới tuổi cập kê, nhưng chỉ thích dùng thuyền du ngoạn đó đây. Cũng vào thời ấy, có chàng Chử Đồng sống vất vưởng bên bờ sông, nghèo đến nỗi không có cái khố che thân. Một hôm Chử Đồng thấy thuyền của Công chúa ghé vào nơi chàng ở, nên sợ hãi vuì mình dưới cát. Không ngờ đó là nơi Tiên Dung vây màn để tắm. Khi nước làm trôi cát, Tiên Dung phát giác ra Chử Đồng, và rồi hai người kết duyên với nhau . Từ đó Tiên Dung đem tiền của để lập phố xá. Chử Đồng thì ra biển đi buôn. Ở biển Chử Đồng học được phép thần thông, rồi trở về dạy lại cho dân chúng . Nhờ vậy đời sống vùng đó trở nên sung túc phồn thịnh . Nhưng cuộc sống phồn thịnh đó làm vua quan nghi ngại, đem quân đến đánh, nên hai người hoá phép đem cả dân chúng và làng mạc về trời.”
( Nam Thiên : Kinh Việt , Hoa Tiên Rồng , trang 47 – 48 )
Khai triển
1 .- Nòi giống Tiên Rồng
Tiên Dung là con vua Hùng ở trên núi cao hay trên đất liền, chắc chắn là thuộc dòng Tiên rồi
Còn Chử Đồng quanh năm lây lất ở ven sông, nên cũng thuộc nòi Rồng. Nòi Tiên đi tìm giống Rồng là đúng sách truyền rồi đó. “ Lấy vợ xem tông , lấy chồng xem giống ” là lời nhắn nhủ của Tổ tiên. Gái Tiên đi tìm trai Rồng là đúng cách Việt tộc!
2.- Ra công tìm chồng, kén vợ
Tiên Dung đến tuổi cập kê, không chịu ngồi trên lầu khuê các của vua cha tung quả cầu để vua cha kén Phò mã cho, mà nàng tự ý dùng thuyền ngao du trên lãnh hải của vương quốc Rồng để ngao du sơn thuỷ, tuy lòng dặn lòng không có ý định lấy chồng, nhưng trong thâm tâm không khỏi có tiếng réo gọi xa xôi của tuổi lứa đôi. Dầu không có ý, nhưng đến chốn ba quân của nước Rồng, tất phải gặp người ưng ý. Lại nữa trong lòng đã sẵn tư tưởng biết vâng mệnh trời, nên khó thoát cái giây của ông Tơ bà Nguyệt. Chử Đồng cũng vậy, tuy chẳng phải trèo non lội suối cho xa, vì không có khố, nên cũng chịu ra khỏi mặt nước, bèn chôn mình trong tùm lau sậy trên bãi cát, tức là lên đất liền là lãnh vực của Tiên mà may mắn gặp được người bạn vàng. Hai bên đều có thiện chí cất công đi tìm, và tìm đúng chỗ: “ Trai khôn tìm vợ chợ đông ( chợ của non Tiên ), gái khôn tìm chồng giũa chốn ba quân “( chỗ ba quân của nước Rồng ), nên mới xẩy ra cơ sự !
3.- Tìm hiểu chân tướng của nhau
Khi cập bến, Tiên Dung căng màn, tắm gội cho hết mùi gió biển trong mình. Những gáo nước Tiên Dung tắm cũng giúp Chử Đồng xói sạch hết cát bụi trong người.
Hai bên trần truồng trở nên sạch sẽ, trắng trong, không có một thứ gì để che lấp, nói một cách bóng bẩy là không có thứ gì che lấp chân tướng của nhau, như địa vị, giàu nghèo, giai cấp, nghề nghiệp . . , nhờ thế mà mỗi người đều thấy rõ được chân tướng của người kia. Chứ không phải để truồng để chỉ xem nhau có thân hình đẹp đẽ hay không. Có thấy rõ được như thế mới thực sự chấp nhận nhau, mới chắc chắn ăn đời ở kiếp với nhau được. Mặt khác cũng là duyên kỳ ngộ nữa, tại sao Tiên Dung không ghé chỗ khác, và không vây màn tắm chỗ khác, để phải cụng đầu với Chử Đồng, thật là Trời xui Đất khiến nên cái chuyện phận đẹp duyên ưa này rồi! Vì không giải thích được tại sao, cha ông ta gán cho đây là dây Tơ Hồng của ông Tơ bà Nguyệt xe tơ kết tóc chàng và nàng lại !
Nghĩ thân phận nghèo hèn, Chử Đồng nhất mực chối từ về đề nghị kết duyên táo bạo của nàng Tiên, nhưng Tiên Dung lại càng quyết chinh phục cho kỳ được con người kỳ ngộ. Thật là có Trời mà cũng có Ta. Đó là quyết định sáng suốt và chắc chắn.
Lối tự do kết hôn này là lối riêng của Việt tộc, vì cho là việc riêng của tôi ( my own business ), tôi lấy chồng lấy vợ cho riêng tôi, không cho ai khác, tôi lấy người tôi yêu, người thích hợp với tôi để mưu tìm hạnh phúc là đủ rồi. Người Tàu thì văn minh hơn, lễ nghĩa hơn, lễ nghi đủ thứ, có khi cha mẹ lại dành việc kén vợ kén chồng thay cho con cái nữa, và cho việc tự do kết hôn của Việt tộc là bôn, còn thêm chữ dâm nữa thành dâm bôn để hạ nhục! Nhất là thời này là thời mậu hệ mới chuyển qua phụ hệ, nên các bà còn nhiều quyền lắm, nên con gái các bà có đi ve trai cũng là sự thường.
4 .- Kết duyên vợ chồng : cuộc Hôn phối có một không hai !
Con vua “ giàu sang cao qúy, cành vàng lá ngọc ” dường ấy mà lại đi lấy thằng chồng “ không khố sống lây lất ven sông ” ! Không có lễ hỏi, không có lễ cưới, không chút tài sản, không có lễ nghi, không có sự chấp thuận của cha mẹ, Tiên Dung chỉ lấy vỏn vẹn được chàng Chử Đồng trần trụi, một xu dính tuí cũng không ! Còn Chử Đồng lấy được Tiên Dung là có tất cả những gì chưa bao giờ dám mơ tới. Bên Có bên Không nhập lại với nhau, hòa hợp với nhau, để xây dựng gia đình, xây dựng thị tứ, kỳ diệu thật. Đây là chỗ hoà hợp siêu việt giữa Giàu sang và nghèo hèn, giữa Hữu và Vô. Đây là lối sống mà Nho gọi là “ chấp kỳ lưỡng đoan “ của Tổ tiên Việt. Trời xui Đất khiến nên cảnh lạ lùng ! Điều này nghe ra hơi quá đáng, nhưng Tổ tiên ta muốn nhắn gởi cho con cháu rằng là: Lấy vợ lấy chồng là lấy người mình yêu, phải tìm cho được người có khả năng và tư cách xứng hợp với mình, để sống với nhau trọn đời, cùng nhau xây đắp gia đình và xã hội, sống một cuộc sống hạnh phúc, chứ không nên dựa vào những lý do phụ khác làm chính. Lương nhiều, nhà cao cửa rộng, xe đẹp, mà không hợp, cứ cắn xé nhau hàng ngày thì hạnh phúc ở nơi đâu?
5.- Xây dựng gia đình, xây dựng Thị tứ yên vui
Phát triển Thị trấn, thương nghiệp
Sau khi kết hôn, Chử Đồng ra biển đi buôn, học được phép thần thông, trở về dạy cho dân chúng cách lảm ăn. Ta nên nhớ, trước đó đã có nền văn hoá Hoà bình rực rỡ ở Thái Bình dương, đã có thuyền bè di chuyển khắp nơi, đi lên phía Bắc đến Trung hoa Đài Loan, Nhật Bản, đi về phía tây qua Ấn độ, qua Điạ trung hải, Tây Âu. . . ( xem cuồn Địa đàng Phương Đông của Stephen Oppenheimer ) Chử Đồng ra biển, tức là Chử Đồng phải tìm mọi cách để phát triển hết khả năng Rồng của mình trong công việc thương nghiệp, tìm cho ra kế sách làm ăn để hưng Gia đình , thịnh Thị tứ.
Khi đã tìm ra lối làm ăn rồi, thì không những làm cho nhà được giàu, mà đồng thời phải giúp dân làng xóm làm ăn chung cho được trù phú. Nhà, Làng xóm cũng như Thị tứ phải được thăng tiến cùng một trật.
Trong danh từ Gia Đình, thì Gia là nhà gồm cha mẹ con cái, còn Đình là nhà chung nghĩa gồm thêm cả bà con, họ hàng, và có lẽ cả hàng xóm nữa, vì cả dân tộc ta đều là anh em.
Chử Đồng đã đem hết khả năng tài cán của mình để làm phát triển thương nghiệp nơi vùng biển, để cho gia đình và xóm làng được trù phú. Là con người tác hành, Chử Đồng rất tự lực, tự cường , tìm
sáng kiến trong công việc làm ăn, Chử Đồng là trai hùng, đã đem khả năng và công sức ra mà xây nhà dựng làng. Vì xứng đôi vừa lứa, nếu Chử Đồng đã là trai hùng, thì Tiên Dung cũng là gái đảm. Chử Đồng góp công thì Tiên Dung cũng góp của và sáng kiến và công lao trong phạm vi của mình. Tiên Dung xuất tiền của ra lập phố xá, cùng nhân dân xóm làng ra sức làm ăn.
Công của Chử Đồng, Của của Tiên Dung, hai bên đều cùng sức đóng góp của mọi người trong thôn xóm đã làm cho các gia đình, thị tứ thăng tiến cùng một trật.
Sự đồng tiến này làm cho xóm làng yên vui, không gây ra cảnh ghen tuơng giàu nghèo sang hèn, cảnh đố kỵ trong thôn xóm. Cảnh lá lành đùm lá rách này làm cho mọi người yên vui.Sự yên vui bắt đầu từ cá nhân, hoà trong gia đình, hòa nhập vào làng xóm. Phe đảng làm gì, gangster làm gì có lý do mà ngóc đầu lên được?
6 .- Kẻ thù ngoại nhập
Tiên Dung, Chử Đồng, cùng nhân dân thị tứ lập nên một cảnh địa đàng nho nhỏ, mọi người đều được hạnh phúc, nhưng làm sao thoát khỏi được cảnh ghen tỵ của xung quanh, nhất là vua quan. Vua quan là người có quyền có thế, tự cho mình là hơn hết, sao có kẻ lại dám qua mặt mình trong công việc xây dựng gia làng xóm thị tứ, là thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Việc này làm thương tổn vua quan, nên bất cứ giá nào vua quan cũng phải dẹp. Việc này, nhắc chúng ta không những phải xây dựng nhà, làng xóm cho phồn vinh, mà còn phải làm cho nước cùng hưng thịnh một trật, thì khi đó lòng đố
kỵ, cảnh cướp dật tất không có đất dung thân . Cha ông chúng ta đã sớm biết lấp “ cái hố Giàu Nghèo ” từ đấy!
7.- Cả thị tứ về Trời : nơi vắng bóng đố kỵ
Vua quan có bắt tội thì bắt tội hai nhân vật chủ chốt là Tiên Dung và Chử Đồng. Tiên Dung có thể có cả hai lỗi: một là tội bất hiếu vì tự do kết hôn, không xin phép Cha mẹ, tuy thuở đó, có tục chơi hát Trống quân để cho trai gái có dịp gặp gỡ nhau để tự ý chọn vợ kén chồng, hai là cùng Chử Đồng xây dựng thị tứ qua mặt triều đình. Tội này to lắm đối với vua cha và triều đình, vì việc xây dựng thị tứ là công việc của triều đình, sao vợ chồng Tiên Dung lại dám qua mặt, làm thương tổn đến Vua cha và triều đinh, nhưng đối với các gia đình trong thị tứ thì công việc của Tiên Dung và Chử Đồng lại là công cực kỳ to lớn, là đem lại hạnh phúc và yên bình cho mọi người. Theo Tiên Dung và Chử Đồng thì công việc xây dựng xóm làng cũng như các thị tứ là công việc chính của dân cư nơi đó. Chấu chấu đâu đấu được với voi, thông thường thì hai vợ chồng Tiên Dung và Chử Đồng tìm cách lảnh trốn, nhưng Tiên Dung vẫn vui vẻ ở lại chịu tội, và một số dân chúng trong làng không chạy trốn mà ở lại với hai vợ chồng Tiên Dung, nhưng nhờ phép Tiên mà mọi người ở lại cùng hai vợ chồng được thiên di tới nơi mà không có cảnh ghen ghét tỵ hiềm, mà ta quen gọi là lên trời, là lên thiên đàng. Đây là cung cách thăng hoa đời sống, người Việt gọi là siêu việt.
Trong việc kết hôn, Tiên Dung bị đặt vào tình thế khó xử, hoặc vâng theo thiên ý ( duyên tao ngộ ) hoặc vâng thuận theo ý của vua cha ( mẹ ), Tiên Dung đã chọn vâng theo mệnh Trời trước, mà cái mệnh trời này lại không thể thoả đáng với ý của vua cha, mà thực lòng Tiên Dung không dám qua mặt vua cha. Đến lúc quân triều đình đến vây, Tiên Dung vẫn vui vẻ ở lại chịu hình phạt của vua cha của triều đình, để tỏ lòng hiếu thảo, để phục mạng, nhưng Tiên Phật lại cám cảnh giải thoát cho khỏi cảnh tai ương chém giết. Đó là cách ăn ở cho được “ mẹ tròn con vuông, có trời mà cũng có ta “.
Phải chăng đó cũng là ý tưởng mới chớm của “ Phép Vua thua lệ làng ”.
8 .- Tóm lại
a.- Trong việc kén vợ kén chồng, hai đương sự phải tự tìm lấy, để tìm cho ra con người trong mộng của mình, là người có tài đức tương xứng, để “nồi nào úp đúng vung ấy ” .
b.- Tiêu chuẩn kén chọn là chính con người phối ngẫu của mình, cái cốt cách của con người, cái tư cách, cái khả năng của người nào thích hợp với mình, còn tiền của, địa vị , . . . chỉ là thứ yếu.
c.- Mục tiêu của việc vợ chồng là ăn đời ở kiếp với nhau để xây dựng gia đình, làng nước cho được yên vui, hạnh phúc, chứ không phải là một thứ khế ước tạm bợ, muốn chấm dứt khi nào cũng được.
d- Công việc xây dựng Gia Đình, Làng, Nước phải được thăng tiến cùng một trật, để tránh cái cảnh bất công hiềm tỵ ghen ghét, gây bất ổn cho gia đình xã hội.
e .- Điểm nổi bật nhất là trong lúc khó khăn và nguy biến, Tiên Dung và Chử Đồng lúc nào cũng vững tin vào lòng Trời và tính chất tự lực tự cường của mình để dẫn dắt mọi người trong thị tứ vượt qua bước gian nan .
Còn phần cuối của câu truyện, có thêm vào chuyện Chử Đồng học được phép tiên với Phật Quang ngoài đảo Quỳnh Viên Sơn, được nhà sư tặng cho một cái cái gậy và một cái nón . Nhờ có gậy và nón đó mà chỗ hai vợ chồng khai phá đã trở thành thị tứ trù phú, rồi sau đó lại được biến vào Tiên cảnh. Có lẽ cái gậy đây là cái gậy Thần 9 đốt , mà ai biết cách bấm vào đốt thứ 5 thì biết được cả sự tử cũng như sự sinh. Số 9 là Lạc thư của Lạc Việt, là cốt tuỷ của Cửu trù Hồng phạm ( xem Gậy Thần ở chương lâu đài Văn hoa 5 tầng ).
Còn cái Nón chóp là một vật dụng để che đầu người sống, nên Nón chóp được tượng trưng cho Trời che .( Sứ điệp Trống Đồng. Cảnh Thái hoà trên mặt Trống. Trời Che . Kim Định )
9.- Tục ngữ , ca dao
Vừa đôi, phải lứa.
Nồi nào úp vung nấy.
Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn
Trai khôn kén vợ chợ đông
Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân .
Đó vàng đây cũng đồng đen,
Đó hoa thiên lý , đây sen nhi hồ,
Đấy em như tượng mới tô,
Đây anh như người ngọc hoạ đồ trong tranh.
Trai tứ chiếng, gái giang hồ,
Gặp nhau ta nổi cơ đồ từ đây.
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa , một đời không khê.
Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi?
Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho .
Con vua lấy thằng bán than,
Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo,
Con quan Đô Đốc, Đô Đài,
Lấy thằng thuyền chài cũng phải lụy mui.
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua .
Lên non em cũng lên theo,
Xuống thuyền, em cũng ngồi leo mạn thuyền.
Hai ta như rắn liu điu ( rắn nước ),
Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau .
Dầu ai nói ngả nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.
Tối trời chẳng quản chi ma,
Thương nhau chẳng quản hói ( suối ) hà ( sông ) cạn sâu .
Dầu mà trời đất phân chia,
Đôi ta như khoá với chìa đừng rơi,
Xa mình thở chẳng ra hơi,
Chồng Nam, vợ Bắc, trời ơi là trời !
Đưa tay phân chứng với trời,
Người này gá nghĩa ở đời với tôi,
Nước ròng ( rút ) sông cái chảy xuôi ,
Trời đà xây định : Mình với Tôi Vợ chồng.
( Hò cấy lúa )
Có con gầy dựng cho con,
Có chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Đã sinh ra kiếp đàn ông,
Đèo cao núi thẳm, sông cùng quản chi .
Trượng phu không nhiễm thói trần,
Không sợ nghèo khó, không phân sang giàu.
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Dầu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa , một đời không khê.
Thuyền ơi ! Có nhớ bến chăng?
Thuyền thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người !
Mua thịt thì chọn miếng mông,
Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.
Hoa sen mọc bãi cát dầm,
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục, lại vần than rơm .
Mạnh mà mềm dẻo mới nên,
Khác gì dòng nước chảy trên sông ngòi .
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo .
___________________________________________________________________
III.- TRUYỆN THÁNH DÓNG hay PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
TINH THẦN “BẢO QUỐC “ VỚI MẪU TRAI HÙNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
“ Đời Hùng Vương thứ 3, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Ân Vương lấy sự thiếu triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta. Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời nói rằng: Không gì bằng cầu Long Quân để xin âm phù. Hùng vương nghe theo, mới lập đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế 3 ngày thì trời cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn 6 thước, mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngả ba mà nói cười ca múa, người ta trông thấy, ngờ là người phi thường, mới tâu với Vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn, ông già không ăn uống, không nói năng gì cả. Hùng Vương đến trước hỏi rằng : Nay nhà Ân sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì, xin bày cáo cho. Ông già mò thẻ ra bói, thưa với Vua rằng: Sau 3 năm giặc mới qua đánh. Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng : Nếu có giặc đến,thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc, thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay. Nói đoạn bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân. Mới đến 3 năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang, Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.
Sứ giả đến làng Phù Đổng, huyện Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn 60 tuổi, mới sinh được một người con trai 3 tuổi, không biết nói, chỉ nằm ngửa, không ngồi dậy được. Bà Mẹ nghe sứ giả đến, nói bợn với con rằng : Sinh được thằng này chỉ biết ăn uống, chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình, mà đền ơn bú mớm.
Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng: Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì? Bà mẹ cả kinh, bảo với xóm làng, con tôi đã biết nói . Xóm làng lấy làm lạ, mới rước sứ giả về nhà. Sứ giả hỏi rằng : Mày là đứa trẻ mới biết nói, mà bảo kêu ta đến làm gì ?
Đứa trẻ mới ngồi dậy : Lập tức về tâu với Vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước, một gươm sắt dài 7 thước, một cái nón sắt, trẻ này cưỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc phải tan tành, nhà Vua việc gì phải lo. Sứ giả chạy về, trình cáo với Vua, Vua mừng bảo rằng : Thế thì ta không lo gì vậy. Quần thần đều tâu: Một người đánh giặc làm sao phá nổi.
Vua nói: Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là lới nói không, các ngươi không nên ngờ. Rồi sai người tìm sắt cho được 50 cân, luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt . Sứ giả đem tất cả đến, bà mẹ thấy cả kinh, sợ hoạ đến cho mình, lo sợ hỏi con.
Đứa trẻ cả cười nói rằng: Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ. Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng, vải lụa gấm vóc, mặc chẳng kín mình, đều phải lấy thêm hoa cây, hoa lau mà che nữa.
Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn 10 trượng, nghểnh mũi mà nhảy, nhảy mũi hơn 10 tiếng, rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng : Ta là Thiên Tướng
đây! Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát luỹ giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân Ân cả vỡ, trở giáo chạy lùi, Ân Vương chết ờ Trâu Sơn, còn dư đảng thì la liệt sụp lạy mà hô rằng : Thiến tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng. Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi mới cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi. Hùng Vương nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng 100 khoảnh, để làm lễ hưởng tế Xuân Thu.
Đời nhà Ân 27 vua, trải qua 640 năm, không dám đem binh sang đánh nữa . Man di bốn phương nghe được như vậy cũng đều thần phục, về phụ với vương. Sau Vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần vương, lập miếu tại làng Phù Đổng, nay ờ huyện Tiên Du, bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, Xuân Thu đều có lễ tế vậy .
Có bài thơ rằng :
Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn,
Muôn tía ngàn hồng chói thế gian,
Ngựa sắt ở trời, danh ở sử,
Uy linh lừng lẫy khắp giang san.
( Lĩnh Nam chích quái: Trần Thế Pháp ,bản dịch của Lê Hữu Mục ,trang 55 – 57 )
Phù Đổng Thiên Vương
Sáu đời Hùng vận vừa suy
Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài
Làng Phù Đổng có một người
Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ
Những ngờ oan trái bao giờ
Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân ( 1 )
Nghe Vua cầu tướng ra quân
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích ngang ( 2 )
Lời thưa mẹ : “ Dạ cần vương ( 3 )
Lấy trung làm hiếu , mọi đường phân minh
Sứ về tâu với triều đình
Gươm vàng ngựa sắt đề binh tiến vào ”
Trận mây theo ngọn cờ đào
Ra uy sấm sét nửa chiều giặc tan
Áo nhung cởi lại Linh San ( 4 )
Thoắt đề thoát nợ trần hoàn lên tiên
Miếu đình còn dấu cố viên ( 5 )
( Đại Nam quốc sử diễn ca )
Chú thích
( 1 ) Gió mây : Dịp tốt để thi thố tài đức
( 2 ) Khảng khái .
( 3 ) Đánh giặc giúp vua .
( 4 ) Núi Sóc Sơn , còn có tên là Vệ Linh Sơn , thuộc tỉnh Phúc Yên.
( 5 ) Vườn cũ : tức là làng Phù Đổng , tỉnh Bắc Ninh
Kinh Phù Đổng
“ Vào thời vua Hùng, có giặc Ân xâm lấn nước ta. Vua Hùng làm đủ cách nhưng vẫn không ngăn được giặc. Nhà vua liền lập đàn cầu Tổ về giúp. Trong một cơn mưa to gió lớn , bổng có một cụ già mặc áo đỏ, hình dung cổ quái, đến đùa dỡn với đám trẻ con ở ngả ba đường.
Dầu thấy lạ vua Hùng cũng đến xin Cụ chỉ cách để cứu nước. Cụ cười bảo: Nhà vua hãy sai sứ đi khắp nơi mà tìm. Theo lời Tổ dạy, vua Hùng liền sai người chia nhau đi khắp nơi để loan tin Tổ về và tìm người cứu nước. Đang khi đó, tại làng Phù Đổng có một em bé đã 3 tuổi mà không biết đi đứng nói cười gì cả. Nhưng khi nghe sứ vua rao tin. Cậu liền bật nói. Cậu xin sứ cho cậu một con ngựa sắt, một cái roi sắt để cậu phá giặc. Từ đó láng giềng đem gạo vải tới giúp cậu ăn mặc, và cậu lớn như thổi. Khi sứ vua đem ngựa và roi sắt tới, cậu bé Phù Đổng vươn vai thành người cao lớn. Khi cậu nhảy lên ngựa sắt, ngựa liền cử động và phun lửa. Với ngựa lửa roi sắt, cậu đánh giặc một trận tơi bời. Khi roi sắt gãy, cậu nhổ tre mà đánh. Ngựa cũng phun lửa cháy mất mấy làng. Giặc tan, cậu bỏ gốc tre lại, và cưỡi ngựa lên núi mà về trời. Cả một gốc tre bỏ lại sau hoá thành tre lá ngà. Vua Hùng phong cậu là Phù Đổng Thiên vương. “
( Nam Thiên : Kinh Việt, Hoa Tiên Rồng, trang 271 – 272 )
Khai triển
Đây là đề tài chống giặc giữ nước của Vua Hùng.
1.- Sự chuẩn bị xa
Khi phát hiện ra ý đồ xâm lược của giặc Ân, Vua Hùng liền triệu tập quần thần lại để thống nhất ý kiến của quần thần về việc chống giặc giữ nước.
2 .- Hội nghị triều đình
Đây một thứ hội nghị Diên Hồng cấp cao gồm những tay mưu sĩ, để tìm ra phương kế hay để chống giặc và trước hết để tìm cách huy động sự nhất trí của triều đình và nhân dân.
3.- Lập đàn cầu Tổ
Vua Hùng đắp đàn trai giới, dâng lễ vật và đốt hương cầu tế 3 ngày đêm. Tại sao phải cầu đảo Vua lạc Long và để làm gì? Vua Hùng còn nhớ rõ bên tai, khi Mẹ Tiên chia tay với Cha Rồng, đem con lên núi lập quốc, Cha Rồng đã căn dặn : “ khi cần thì gọi, Ta về ngay ”.
Cầu Tổ trước hết là vâng lời căn dặn của Tổ, vì Tổ chính là niềm tin, là Hồn thiêng Sông Núi, và là trụ bám của cả dân tộc. Tổ Lạc Long là loài Rồng, là Tổ tiên của việt tộc đã khai sáng ra nước Văn Lang, một nước rất thịnh trị .
Rồng là loại mưu trí biến hoá khôn lường, ẩn nhận vô song và hùng dũng khôn tả . Cầu xin Tổ là để được tiếp hợp với sức sống dũng mạnh của Tổ tiên, để làm tuôn trào mạch sống của dân tộc. Tổ là gốc, là khởi điểm và cũng là tụ điểm của toàn dân, có kết hợp được với sức sống Tổ thì mới quy tụ con dân về một mối, để có sức mạnh tổng hợp của toàn dân. “ Ba anh thợ dày làm thành một Gia cát Lượng ”, thì toàn con dân Việt nhất trí dưới sự phù trợ của Tổ tiên, chắc chắn sẽ có sự biến hoá khôn lường và hùng dũng khôn tả của Vua Lạc .
Làm được việc đó thì giặc nào cũng bị ta đánh bại. Cầu Tổ để được soi sáng để được phù trợ là vậy.
4.- Tổ hiện ra
Sự thành khẩn của Vua Hùng đã đem lại cảnh “ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ” giữa con cháu và Tổ tiên, lẽ nào Tổ chẳng hiển linh mà phù trợ . Quả nhiên, sau khi cầu đảo, trời chớp sấm mưa, Tổ mới hiện ra dưới dạng của một ông già, tướng mạo kỳ dị, ngồi ở ngả ba đường nói cười, ca múa. Tổ hiện ra trong lúc trời mưa sấm chớp là dấu chỉ cho Vua Rồng để cho con dân Việt nhận ra Tổ là Lạc Long đó, chứ không phải quỷ ma hiện hình. Tổ có hình giáng dị kỳ để cảnh tỉnh mọi người kể cả Vua, đây là việc hết sức nghiêm trọng, không được vì khiếp nhược hay vô trách nhiệm mà để mất nước cho giặc. Tổ không hiện ra nơi lập đàn, mà hiện ra nơi ngả ba đường, là nơi tụ họp của người dân, đó là lời nhắn nhủ với nhà Vua là phải đi ra vận động với toàn dân mà cứu nước. Tổ nói cười ca múa là dấu chỉ Tổ muốn an ủi con cháu là phải lạc quan, phải tin tưởng, vì có
ta phù trợ, mọi người đừng có lo sợ, mà quyết tâm cứu nước. Khi dạy bảo xong, Tổ lại biến mất vào không trung như Rồng.
5.- Lời dạy bảo của Tổ
Khi vấn kế, Tổ bảo với Vua Hùng: 3 năm nữa giặc mới tới đánh, nay phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt, tìm khắp trong thiên hạ cho ra người có tài cứu nước. Còn 3 năm nữa giặc mới tới đánh, thì Vua Hùng mới đủ thời gian để sắm sửa khí giới và huấn luyện binh sĩ. Điều này chứng tỏ Vua Hùng biết lo xa. Rảo khắp thiên hạ mà tìm người tài ba ra cứu nước. Thực ra là công cuộc vận động toàn dân, kẻ góp công người góp của, những thanh niên trai tráng, phải chuẩn bị sẵn sàng để chống giặc, khi cần, giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh.
6 .- Kế sách chống giặc của Vua Hùng
a.- Thống nhất ý chí chống giặc của các vua quan.
b.- Cầu xin Tổ để được soi sáng, phù trợ, để chuẩn bị kế sách sẵn sàng chống giặc, nhất là phương cách quy kết toàn dân về một mối.
c.-Vận động toàn dân, kẻ góp công người góp của, và các thanh niên trai tráng sung vào binh lực và sắm sanh khí giới mà chống giặc.
7.- Công việc chuẩn bị và tổng phản công giặc
a.- Kế sách Vua Hùng đã có, nay chỉ cho các sứ giả đi khắp thiên hạ trong nước vận động toàn dân góp công, góp của, mà nuôi sức người Phù Đổng.
b.- Đi tìm mỏ sắt đúc khí giới, đúc ngựa sắt, đúc nón sắt, tức là chuẩn bị quân nhu và quân cụ . Triều đình nhất trí, toàn dân kết thành một khối, binh sĩ đã được tôi luyện, khí giới đã sẵn sàng, thì tới giai đoan Tổng phản công.
8.- Lệnh tổng phản công
Khi đã nhập vào được nguồn sống qua Tổ, toàn dân đã lấy lại được niềm tin, toàn dân kết thành một khối, vua quan và quân dân một lòng, trăm người như một quyết tâm đuổi giặc, mọi người đem hết khả năng, phương tiện cho công cuộc cứu nước. Với sức mạnh tổng hợp của toàn dân, thì những đòn sấm sét đó không giặc nào chống đỡ nổi. Chỉ chờ quân giặc tới, nhà Vua ra lệnh tổng phản công là toàn quân toàn dân toàn diện vùng lên mà phản công giặc, đó là con nhà trời vùng lên tiêu diệt giặc. Toàn thắng đã nắm chắc trong tay nhân dân rồi.
9.- Con người Phù Đổng
a.- Em bé Phù Đổng đã 3 năm mà chỉ nằm ngửa, không nói, không cười, là hiện thân của Vua Lạc khi còn ẩn nhận nằm sâu dưới lòng biển khơi, còn đợi cho đến lúc được sung mãn về mọi mặt, nên chưa tỏ rõ mình ra. Đây là con người anh hùng còn “ khi ,gặp khúc lươn ”, nên đang ẩn nhận “ cuộn lại cho vắn ”. ( Số 3 chỉ con Người Nhân chủ: tự Chủ, tự Lực, tự Cường .)
b.- Gặp khi cần thiết, nhất là khi quốc gia lâm nạn, thì mới đến giai đoan “ Khi vươn thì dài ”. Thật ra con người Phù Đổng không chỉ là em bé lạ lùng, đến 3 tuổi mà không nói, không cười, không đi, rồi đột nhiên được cung cấp mọi thứ cần thiết là lớn lên như thổi, có sức mạnh phi thường, nên đó phải là một em bé dân tộc Việt, được toàn dân đóng góp mọi thứ để cho lớn lên, thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn dân Việt trở thành một Phù Đổng .
Phù Đổng là tập hợp của những con Người Nhân chủ ( sổ 3 ), hết sức tự Lực tự Cường. Để toàn dân trở thành Phù Đổng thì thời gian chuẩn bị ít nhất cũng 3 năm. Phù Đổng thật là con dân của Lạc Long và cũng miêu duệ của Bàn Cổ, nên có tài biến hóa :
Anh hùng khi gặp khúc lươn,
Khi cuộn thì vắn , khi vươn thì dài.
c.- Vì không là Phù Đổng cá nhân, mà là Phù Đổng tập thể, nên khi đã đánh xong giặc thì ai về nhà nấy, nào đâu phải là người đánh giặc thuê mà ngồi đợi chức tước và hưởng bổng lộc một mình . Nhưng tất cả Phù Đổng của dân việt đều chạy đến núi Việt Sóc, cởi áo ( làm xong nhiệm vụ ) mà siêu về miền An việt, tức là cuộc sống an bình hạnh phúc trong mọi xóm làng . Quả thật Phù Đổng là những trai hùng gái đảm của Việt tộc, những con người Nhân chủ, đầy nhân trí dũng, luôn luôn biết tự lực tự cường.
10.- Bộ Huyền số của việt tộc
“ Có bản chỉ nói Hùng Vương, có bản lại nói là Hùng Vương thứ 6, thế là sai với toàn bích nói đến số 3 năm lần: Cầu đảo 3 ngày,Ngồi ở ngả 3 đường, 3 năm giặc mới đến, 3 năm sau, Trẻ 3 năm mới nói . Như vậy thì ẩn ý trong số 3 đã quá rõ.
Có bản nói ông già cao hơn 9 thước thì đúng hơn, vì tự 3 tới 9 là bộ huyền số đi đôi.
50 cân sắt làm sao đủ để đúc ngựa , kiếm, mũ ? Trẻ đứng lên cao hơn 10 trượng, nhảy mũi hơn 10 tiếng: Ta có 2 lần: 10 = 2 . 5 . Vậy quả ta có bộ huyền số: 2 , 3 , 5 , 9 , đó là bộ số của văn hoá Việt tộc “ .
( Kim Định : Kinh Hùng khải triết, trang 186 )
11.- Ca dao tục ngữ
Gương Trai hùng
Trong dậy, ngoài lậy.
Lạt mềm buộc chặt hơn mây.
Anh hùng khi gặp khúc lươn
Khi cuộn thì vắn , khi vươn thì dài.
Đã sinh ra kiếp đàn ông,
Đèo cao núi thẳm sông cùng quản chi.
Mạnh mà mềm dẻo mới nên,
Khác gì dòng nước chảy trên sông ngòi.
Trượng phu không nhiễm thói trần,
Không sợ nghèo khó, không thân sang giàu.
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo,
Khi nên trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.
Trời sinh trời chẳng phụ nào,
Công danh gặp hội anh hào ra tay,
Trí khôn rắp để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Đã sinh ra ở trong Trời Đất,
Phải có danh gì với núi sông.
( Nguyễn Công Trứ )
Huyết khí chi Dũng, bất khả hữu.
Nghĩa khí chi Dũng, bất khả vô.
Cái Dũng của huyết khí, không nên có,
Cái Dũng của Đạo lý, không thể không ).
Mẫu gái đảm
Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm,
Canh tư bước sang canh năm.
Trình anh dậy học chớ nằm làm chi,
Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi, kìa đề tên anh
Bỏ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Xin chàng kinh sử học hành,
Để em cày cấy, cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi,
Ơn giời lộc nước, đời đời hiển vinh.
Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần, mai anh học xa,
Tiền gạo thì của mẹ cha,
Cái nghiên cái bút, thật là của em.
Em là con gái Phụng Thiên,
Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng,
Nữa mai chồng chiếm bảng vàng,
Bỏ công tẩm tưới vun trồng cho rau.
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa .
Đôi bên bác mẹ cùng già,
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông,
Mùa Hè cho chí mùa Đông,
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi,
Hết gạo thiếp lại gánh đi,
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao,
Hỏi thăm đến ngỏ thì vào,
Tay đặt gánh xuống, miệng chào thưa anh.
Từ khi em về làm dâu,
Anh thì dặn trước bảo sau mọi nhời,
Mẹ già dữ lắm em ơi,
Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha,
Nhịn cho nên cửa nên nhà,
Nên kèo nên cột, nên xà tầm vông
Nhịn cho nên vợ nên chồng ,
Thời em coi sóc, lấy trong cửa nhà,
Đi chợ thì chớ ăn quà,
Đi chợ thì chớ rề rà ở trưa.
Dù ai bảo đợi bảo chờ,
Thời em nói dối con thơ em về.
Anh ơi ! phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi,
Tháng chạp là tiết giồng khoai,
Tháng hai giồng đậu, tháng ba giồng cà ,
Tháng ba cày vở ruộng ra,
Tháng tư gieo mạ thuận hoà mọi nơi,
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Giời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng,
Anh ơi! giữ lấy việc công,
Để em cày cấy, mặc lòng em đây.
Anh đi, em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác, mẹ già con thơ,
Lầm than bao quản ( muối dưa ) nắng mưa,
Anh đi, anh lựa chen đua với đời .
Vì thế chúng ta cần xét tới như một điển chương tức một dấu hiệu tác động. Và chính trong ý đó mà tôi gọi Kinh Dịch là của Lạc Việt, tức Dịch đã xuất hiện như một điển chương ngày tự đời khuyết sử của Việt Nho và nước Việt đã thấm nhuần trong nền Minh triết của nó hơn là người Tàu ( tức có Lưỡng nhất tính phong phú hơn người Tàu ), nên bảo Dịch là của người Việt là theo ý đó. Người Việt đã thâu hóa nó và khi gọi là sách ước, khi là gậy Thần, khi là cột Trụ Trời. Đó là thứ cột chỉ có sức chống đỡ trời khi được vun tươi bới con người. Nếu để cột hư thì trời sụp làm chết cả muôn loài như kể trong tần hoại Rađê. ( Văn học I. 166 ).
Đó là một niềm tin chung, nên ta thấy trong truyện người đàn bà Việt chặt cây Cam xe của Chiêm Thành làm cho nước đó sụp, vì người Chiêm Thành đã không biết gìn giữ cột Trụ Trời. Đấy là biểu lộ niềm tin chung phát xuất từ tiềm thức cộng thông của Viêm Việt cổ đại. Biết đâu rằng chính vì đang vận hành trong bầu khí đó mà có truyện Mã Viện trồng cột với câu: “ Đồng Trụ chiết Giao Chỉ diệt “ Mã Viện hiểu theo vòng ngoài ý thức là nếu cây cột ông ấy dựng mà đồ thì nước Việt Nam sẽ mất, nhưng ý sâu trong tiềm thức cộng thông thì là lời Trời sai Mã Viện nhắc nhở cho người Việt rằng ngày nào họ không còn chăm sóc cho cây Trụ Trời nữa thì Giao Chỉ diệt, tức hai nét Trời Đất giao thoa, mà dân nước đi vào thứ Duy đấy phân hóa. Có lẽ vì thế mà Tổ tiên đã đặt lệ trồng “Cây Nêu “ ngày Tết để trong giờ trọng đại nhắc nhở tới bổn phận chăm sóc cây Trụ Trời . Đấy là những truyện không có thực, nhưng lại nói lên một sự thực lớn lao, to bằng cái chiến tranh huynh đệ tương tàn đã làm sụp đổ Việt Nam tự ngày cây Trụ Trời Việt Nho bị đốn ngã, làm cho Trời Đất hết giao hòa. Làm thế nào? Thưa cần đến cây đàn Kinh.”
______________________________________________________________________________
III.- BÀ CHÚA THƯỢNG NGÀN
Hay
Công Chúa Liễu Hạnh
TINH THẦN “ KIẾN QUỐC “ VỚI MẪU GÁI ĐẢM CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Liễu Hạnh là bà Chúa Thượng ngàn, bà là con gái của Thần Tản Viên tức là Sơn tinh, Bà là mẫu Gái đảm thuộc dòng Mẹ Âu Cơ của nền Văn Hoá Nông nghiệp, Bà Chúa rất thương yêu dân, dạy dỗ dân , lo cho đời sống của con dân Việt. Bà đã kế tục thể hiện Tinh thần Hồn Thiêng Sông Nui Từ Sách Ước gậy Thần của Thân phụ Thần Tản Viên.
Dưới đây là truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn
( Nguồn intenet )
Lâm Cung Thánh Mẫu (林 宮 聖 母) or Mẫu Thượng Ngàn or Bà Chúa Thượng Ngàn (Princess of the Forest) is ruler of the Forest Palace among the spirits of the Four Palaces in Vietnamese indigenous religion. In legend the Princess of the Forest was the daughter of prince Sơn Tinh and Mỵ Nương, công chúa Quế Mỵ Nương King Hung's daughter from the legend of the rivalry between Sơn Tinh and the sea god Thủy Tinh. Many natural features around Vietnam feature shrines to her, such as the Suối Mỡ thermal springs area near the town of Bắc Giang.
___________________________________________________________________________
Con ông Trời[sửa | sửa mã nguồn]
Mẫu Thượng Ngàn là người con gái đầu tiên của Ngọc Hoàng, vì tính tình thẳng thắn khó bảo nên bà được cha giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu, trái với Mẫu Thoải là người hay thay đổi nhưng rất nghe lời cha nên được cha giao cai quản vùng sông nước. Từ ngày Mẫu Thượng Ngàn về vùng núi cai quản thì người dân nơi đây đều được vụ mùa bội thu, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn cả. Ngoài ra bà còn dạy dân cách dùng lửa và nấu ra những món ngon làm say mê lòng người cũng vì thế dân trong vùng hết lòng tôn kính bà, những lời mà bà khuyên bảo đều được họ nhất mực nghe theo.
Thu phục Mộc Tinh[sửa | sửa mã nguồn]
Sự tích cây ngàn quả và con ruồi[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi bị Kinh Dương Vương đánh đuổi, Mộc Tinh sợ hãi chạy về hướng Tây Nam, tại đây nó vẫn giở trò cũ thường xuyên bắt người dân trong vùng làm lễ tế người. Mẫu Thượng Ngàn biết chuyện giận lắm, định dùng rìu để chặt đổ cây, nào ngờ thân cây quá cứng dù chặt bao nhiêu lần cũng không sứt mẻ tí nào. Mẫu Thượng Ngàn bèn dùng phép hóa thành một con sâu tinh rồi chui vào trong thân cây khiến Mộc Tinh đau đớn vô cùng vội vàng xin tha. Nó hứa rằng sẽ không ăn thịt người nữa và tặng bà một giống thần sau đó hóa thành một con hổ rồi chạy mất. Mẫu Thượng Ngàn đem hạt giống này về trồng, không lâu sau nó lớn thành một cái cây to thật là to, cành lá xum xuê che phủ một nửa bầu trời, hàng năm đều mọc ra hàng trăm thứ quả khác nhau. Bà thu hoạch tất cả và đem cho cha mình và các vị thần cùng ăn, ai nấy dùng xong đều tấm tắc khen ngon chỉ trừ một tiên nữ chê dở. Nghe vậy Mẫu Thượng Ngàn quyết định không bao giờ cho mọi người được ăn loại quả này nữa. Về phía cô gái kia thì bị các vị thần phạt hóa thành con ruồi để suốt phần đời còn lại chỉ được ăn đồ thừa của con người mà thôi.
Sự tích vua hóa hổ[sửa | sửa mã nguồn]
Hùng Vương thứ IX là một vị vua anh minh, thương dân như con, cũng vì vậy mà được trời phù hộ giúp cho con đàn cháu đống. Nào ngờ trong một lần đi săn, ông vô tình bị Quỷ Xương Cuồng ăn thịt. Nó nhân cơ hội này dùng phép hóa thành ông để trở thành vua. Từ ngày làm vua thì Quỷ Xương Cuồng không màng việc nước, chỉ đam mê rượu chè và gái đẹp, những người chống đối đều bị nó ăn thịt cả. Lần này Mẫu Thượng Ngàn quyết không để cho Quỷ Xương Cuồng có thể chạy thoát được nữa nên hóa thành một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo. Chẳng bao lâu danh tiếng của bà truyền tới tai nhà vua nên được mời vào cung giúp vui. Quỷ Xương Cuồng biết bà là Mẫu Thượng Ngàn bèn bảo một khi tiếng sáo mà dừng thì bà sẽ bị giết. Khi tiếng sáo của bà vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua lúc nào không hay. Tới đêm thứ bảy khi tiếng sáo vừa dứt thì Quỷ Xương Cuồng đã hiện nguyên hình thành một con hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mẫu Thượng Ngàn dùng phép nhốt con hổ vào lồng và luôn giữ nó bên mình. Từ đó về sau phàm những ai phạm tội phá rừng đều bị bà đem cho hổ ăn thịt cả.
Nhận nuôi Sơn Tinh[sửa | sửa mã nguồn]
Một lần khi đang đi dạo trong rừng, Mẫu Thượng Ngàn phát hiện thấy xác một đứa trẻ chỉ còn lại bộ xương khô bên gốc cây. Tiếc thương vì cậu bé đã chết khi còn quá nhỏ nên Mẫu Thương Ngàn đã dùng phép hòa lẫn xương cậu cùng gan hùm, tay gấu, ruột ngựa, mắt diều hầu, chân báo cùng quả tim của bà để hồi sinh cậu. Mẫu vốn không có con cái gì, lại thấy cậu bé lanh lợi nên đã quyết định nhận cậu làm con nuôi, đặt tên là Sơn Tinh, giao cai quản vùng núi Ba Vì.
Cái chết[sửa | sửa mã nguồn]
Một số truyện đề cập rằng bà mất trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sau khi mất thì bà trở lại Thiên Phủ sống cùng cha mình nhưng vì quá thương con nên bà đã cầu xin cha được phép trở lại trần gian. Ngọc Hoàng đồng ý bèn cho bà được đầu thai trở lại làm con gái của Sơn Tinh.
Con vua Hùng Định Vương[sửa | sửa mã nguồn]
Theo truyền thuyết này, bà vốn là con vua Đế Thích, lần đầu hạ phàm, bà là Mỵ Nương Quế Hoa, con vua Hùng Vương. Theo sự tích thì khi sinh bà ra, hoàng hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền. Nàng được ông Bụt ban cho phép thuật nên đã cùng mười hai thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành. Bà dạy người dân cách trồng trọt, làm nương rẫy, xây nhà, chăn nuôi và săn bắt thú dữ, còn mười hai thị nữ của bà thì trở thành các bà mụ chăm lo việc sanh đẻ của người dân để không ai phải chịu nỗi đau mất mẹ vì sanh khó giống như bà nữa. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Từ đó về sau bà được người dân tôn thờ làm Bà Chúa Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi còn mười hai thị nữ trở thành Mười hai Bà Mụ cai quản việc sanh đẻ của trần gian.
Con nhà họ Cao[sửa | sửa mã nguồn]
Lần thứ 2 bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là: ‘Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều’. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là ‘Lê Mại Đại Vương’. Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng:
‘Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên
Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông
Hình dung nhan sắc khác thường
Giá danh đổi một hoa vương khôn bì
Biết đâu lá thắm thơ bài
Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân.
Vợ Hà Văn Thiên[sửa | sửa mã nguồn]
Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng (trại chủ Quy Hóa) bị hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được 1 đứa con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm cùng con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bên tả ngạn, đối diện với miếu. Người mẹ Rừng chung chung, đến đây đã được lịch sử hóa, gắn với lai lịch cụ thể của một con người trần thế.
Con Sơn Tinh[sửa | sửa mã nguồn]
Bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và Mỵ Nương Ngọc Hoa (chữ Hán: 媚娘玉花) trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh (Mỵ Nương là danh hiệu gọi con gái của Hùng Vương, tương tự như "Hoàng Nữ" hoặc Công Chúa"). Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.
Học tập[sửa | sửa mã nguồn]
La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng. Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản, ông đã dạy dân không thiếu điều gì, từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước v.v. hay dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Ông cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. Do luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc.
Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc...
Cai quản[sửa | sửa mã nguồn]
Động tối ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn
Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.
Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét...
Bà dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, bà đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, bà cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là bà lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra mãi.
Bà cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, ở cha bà mới chỉ là bắt đầu. Làm nhà không những đã chắc chắn, lại còn phải biết chạm trổ cho thật đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng thế, có khắc cả hình hai đầu rồng chạm hẳn vào nhau. Cách nấu nướng thức ăn, chẳng những chỉ có kho, luộc mà còn chế thêm ra được nhiều món mới. Rồi công việc đồng áng, bà dạy mọi người cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống. Lại đi phân phát hạt giống, cho nên nơi nào cũng có cơm dẻo nếp thơm. Trong các con vật nuôi trong nhà, bà đem về thêm nhiều giống gia súc mới. Lại trồng xạo thêm nhiều giống cây ăn quả. Rồi trồng cả những hoa thơm cỏ lạ lấy từ trên rừng núi về...
Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn.
Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhiều người gọi bà là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.
Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của bà. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho bà là công chúa.
Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Thánh Mẫu Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhiều người tôn thờ, và chính là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập đền thờ phụng bà. Tuy nhiên, đại bản doanh của bà vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận. Đôi khi Mẫu Thượng Ngàn cũng được hiểu chính là người Mẹ của Đức Thánh Tản Viên, theo cách hiểu này thì Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Mẫu Đợi ở làng Dụ Đại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để tưởng nhớ công ơn của Mẫu Ma Thị Cao Sơn - người mẹ có công ơn nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên.
Tuy nhiên, có ba nơi được coi là trụ xứ chính của bà, gồm:
Thứ nhất là đền đông Cuông, xã đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Thứ hai là đền Bắc Lệ, xã Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Thứ ba là đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Thánh Mẫu Thượng Ngàn có nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc của Mẫu, địa danh đền của Mẫu, sắc phong của các triều đại phong kiến:
- Mẫu Đông Cuông được gọi theo địa danh Đông Cuông nơi ngôi đền Mẫu ngự.
- Lê Mại Đại Vương theo sắc phong của vua Lê lúc bà hoá phép giúp vua đánh giặc.
- Sơn Mẫu theo tên của mẹ hoặc con Sơn Tinh.
- Mỵ Nương Quế Hoa Công chúa, La Bình công Chúa theo tên gọi của nguồn gốc xuất thân lúc giáng trần.
- Lâm Cung Thánh Mẫu chính là tên gọi khi hiển thánh tại đền Đông Cuông, Yên Bái.
Nhạc Phủ mà Mẫu Thượng Ngàn cai quản vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ Sơn Trang của đồng bào miền núi phía Bắc. Vì vậy nên còn thấy sự xuất hiện của Tam tòa Sơn Trang. Có người cho rằng Mẫu Thượng Ngàn chính là vị đứng đầu Tam tòa Sơn Trang. Cũng có người cho rằng toàn bộ Tam tòa Sơn Trang nằm dưới quyền Mẫu. Hoặc cả ba vị Tam tòa Sơn Trang đều là những hóa thân của Mẫu.
Thanh Sơn Chính Phái Đệ Nhất Thượng Ngàn, sắc phong Lê Mại Đại Vương, hiệu viết Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa
Đệ Nhị Thượng Ngàn Cao Sơn Công Chúa Diệu Tín Thiền Sư
Đệ Tam Thượng Ngàn Sơn Trang Tàng Hình Diệu Nghĩa Thiền Sư
Tránh nhầm lẫn Tam tòa Sơn Trang với Tam tòa Thánh Mẫu và Tam vị Chúa Mường (bao gồm Chúa Đệ Nhất Tây Thiên, Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ và Chúa Đệ Tam Lâm Thao).
Khi sống Bà bôn ba lo mọi mặt cho đời sống con dân Việt Nam.
Khi chết Bà hiển linh về Trời phò trợ cho Dân tộc Việt Nam!
Bà chính là Quan Thầy Bổn Mạng ( God Mother ) của Dân tộc Việt Nam!
TÓM LẠI
Tứ Bất Tử là Bốn vị Thánh của Việt Nam, các Ngài đã để lại những gương Sống tạo nên Tinh thần Bất khuất của Dân tộc Việt Nam , đó là những Vị:
1.- Thần Tản Viên với Sách Ước và Gây Thần là Cơ cấu của nền Văn Hóa Thái Hòa mang tên Việt Nho và Triết lý An vi.
2.- Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung là Gương Mẫu xây dựng gia đình.
3.- Phù Đổng Thiên vưong:Mẫu người “ Trai hùng Cứu quốc “ với tinh thần Đoàn kết Dân tộc.( Nam ngoại )
4.- Bà Chúa Thượng ngàn: Mẫu người Gái đảm kiến quốc, cũng là Quan Thầy bổn mạng của Dân tộc, khi sống thì bôn la lo mọi mặt cho đời sống nhân dân, khi chết thì hiển linh bảo trợ cho Dân tộc. ( Nữ nội )
Tứ Bất Tử chính là “ Hồn Thiêng Sông Núi “, cũng là “ tinh thần Bất khuất của Dân tộc Việt Nam “.
Trên cùng còn có Quốc mẫu Âu Cơ, Quốc phụ Lạc long với Vua Hùng, sao còn có thứ con Dân Việt bỏ Tổ Tiên oai hùng, rước hồn ma vương quỷ sứ Mác Mao về thờ làm giáng cấp con người, rối ren Gia đình và nát tan Dân tộc !
Việt Nhân