Tập Thơ "Thằng Khờ"_Số 3
Thằng Khờ_ # 16
Về… Em Ơi!
Đêm nay trăng đẹp như mơ
Anh ra ruộng vắng canh “lờ” dưới trăng
Mải xem hình bóng “chị Hằng”
Trợt chân anh té đạp văng cái “lờ”!
Đêm nay trăng sáng như tờ
Áo quần ướt nhẹp… cái “lờ” nằm lăn…
Nhìn mây đùa gió bên trăng
Mà nghe nỗi nhớ giăng giăng ngập lòng
Em còn nhớ nước hay không?
Tháng năm tàn phá… cho lòng tái tê!
Anh mong em sẽ trở về
Cùng anh tìm lại trời quê hương mình
Ra sông ngắm cánh lục bình
Kết thành dải lụa tím xinh dưới trời
Bên bờ soi bóng chung đôi
Tựa đầu âu yếm mình ngồi bên nhau
Khi trăng ôm bóng hàng cau
Choàng vòng tay ấm… anh trao nụ tình
Tô hồng đôi má em xinh
Gió trăng ngơ ngẩn lặng nhìn đôi ta
Bỏ đời phiêu lãng trời xa
Đường xưa lối cũ thiết tha vai kề
Yêu thương trọn vẹn ước thề
Về đi em nhé tình quê đợi chờ
Em thương anh bởi anh… "khờ"
Sống đời mộc mạc làm thơ tháng ngày
Những chiều gió cuốn mưa bay
Ngâm bài "Màu Tím Hoa Sim" não nề!
Chiều nay sao nhớ em ghê!
Mà mưa còn tưới lê thê giọt buồn
Nước non dậy sóng căm hờn
Nghe chừng tiếng kiếm Lam Sơn vọng về…
MINH SƠN LÊ 5.7.18
*********************
Thằng Khờ_# 17
Ghé Sài Gòn
Tháng Mười trời đậu heo may
Ôi thôi! nhậu nhẹt vui say đầy đường
Đã lâu xa vắng phố phường
Hôm nay thăm lại… chán chường còn hơn!
Mẹt ơi, cái đất Sài Gòn
Giờ đông như kiến bu hòn kẹo thơm
Rần rần cái cuộc áo cơm
Xe thì nhúc nhích chẳng còn đường đi!
Vậy mà đòi sánh Paris
Làm “Tây mũi lõ” cười khi trong lòng
Xót xa “hòn ngọc Viễn Đông”
Đem đi đập bỏ cho lòng dân đau!
Lại còn bày đặt lao nhao
Xây nhà hát lớn sang cao hơn người
Múa Ba Lê, nhạc không lời
“Thất trình Giao hưởng” mấy người biết nghe?
Thời nay lủ khủ “Ông Nghè”
Nói ra mấy chữ đã nghe… hết hồn!
Nè, “pha xê bốc… chấm com”
“Cờ-Lờ-Mờ” chắc mãi còn dư âm…
Sài Gòn lâu quá "dìa" thăm
Mà nghe sao nó tím bầm ruột gan
Thôi “dìa” quê cũ nghèo nàn
Ôm lờ đánh giấc mơ màng vu vơ
Có buồn… mắc võng "mần thơ"
Cho người tình mộng đôi bờ xa xôi
Lắng hồn nghe vận nước trôi
Bên bờ non nước vọng lời tiền nhân…
Tháng Mười mưa thấm lạnh thân
Gió mùa đông-bắc… vàng sân lá đầy
Ôm lờ nghe buốt bàn tay
Người xa xôi quá lòng này cô liêu…
MINH SƠN LÊ 14.10.18
-------------------------------
(*) “Ông Nghè” là tên dân gian dành cho những người học hành đi thi đỗ đạt cao thời phong kiến, có học vị Tiến sĩ và đậu qua kỳ Thi Hội.
Ngày xưa, các kỳ thi được tổ chức theo thứ tự từ thấp đến cao là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình
Thí sinh đậu ở các kỳ thi sẽ được gọi bằng danh xưng như sau:
Thi Hương: ông Đồ, ông Tú, ông Cống, ông Cử.
Thi Hội: Tiến sĩ tức Thái học sinh (dân gian gọi là ông Nghè). Người đậu cao nhất gọi là Hội Nguyên.
Thi Đình: Lần lượt từ cao xuống thấp là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Tiến sĩ. Người đậu cao nhất gọi là Đình Nguyên.
**********************
Thằng Khờ_# 18
Nhớ… Mình Ên
Nhìn mưa bay trắng khung trời
Mình ênh anh đứng, anh ngồi bơ vơ
Vợ ơi, có nhớ chồng khờ
Muốn đi câu cá đặt "lờ" với anh…
Nhớ đêm trăng chiếu lá cành
Có em ngồi tựa vai anh thật muồi
Anh đàn, em hát, trăng vui
Sao đêm cũng ngẩn ngơ cười với ta
Vợ ơi, anh nhớ thật mà
Ngoài trời mưa trút nên nhà lạnh thêm
Niềm yêu quay quắt trong tim
Có em anh sẽ ôm em bên "lờ"
Chiều nay mưa gió tràn bờ
Giữa trời quạnh quẽ ôm "lờ" nhớ em
Vợ ơi, em biết anh thèm
Có em anh sẽ dắt em đặt "lờ"
Theo anh ra mé bụi bờ
Cho em cùng thức canh “lờ” với anh
Nửa khuya đom đóm về quanh
Gió se sắt lạnh em, anh tựa đầu
Kề tai hỏi nhỏ một câu
Vợ ơi, em muốn hôn đâu anh chiều
Chắc em cũng hiểu anh nhiều
Yêu thương mới biết nuông chiều đó em!
Anh yêu bằng cả trái tim
Anh hôn môi thắm cho thêm mặn nồng
Hôn lên hai má hồng hồng
Cho em thêm đẹp bên chồng yêu thương
Anh xin vén cỏ thiên đường
Xem hoa nở cánh trong sương ướt mềm
Môi anh thầm khẽ hỏi em
Cho anh về lối ngõ tìm hương xưa…
MINH SƠN LÊ 30.5.19
-----------------------------
* “Cái lờ” là một dụng cụ dùng để bắt cá quen thuộc của người sống ở miền quê sông, ruộng.
************************
Thằng Khờ_# 19
Nghèo Mà Thơ
Buồn ra hứng giọt nắng chiều
Bâng khuâng trong dạ chờ yêu thương về
Tình nồng chín mộng đam mê
Đèn khuya soi bóng môi kềmắt trao
Hoa cau rụng trắng hàng cau
Dây trầu nguyên thủy một màu thủy chung
Nhớ thương em đến khôn cùng
Để đêm thấymộng tình nồng bên nhau
Nắm tay anh dắt qua cầu
Cầu tre mấy nhịp tình sâu mấy tầng
Đêm đêm trao hết ân cần
Trăng sao đến rủ ngại ngần đi xa…
Yêu em như một cành hoa
Tóc vờn mây trắng tình già vẫn thơ
Theo anh câu cá đặt “lờ”
Trồng ao bông súng, tưới bờ rau xanh
Yêu em, thương mái nhà tranh
Thương mùi khói rạ quanh quanh thôn nghèo
Yêu đêm đồng vắng trăng treo
Đặt “lờ” nghe ngóng em reo trong lòng!
Thương sao con cá rô đồng
Hương thơm vị ngọt như lòng anh yêu
Bên nhau những sớm cùng chiều
Tim hòa nhịp thở chắt chiu tình nồng…
MINH SƠN LÊ 10.6.19
***********************
Thằng Khờ_# 20
Cái Thời Ôn Dịch
Quê hương vào hội cúng đình
Gặp thời ôn dịch mình đành xa nhau
Những người năm cũ giờ đâu?
Cây xưa còn đó phía sau cổng đình...
Năm gì trời đất thất kinh
Giáo đường, Phật tự vắng tênh bóng người!
Hai từ “sinh - tử” trong đời
Mong manh như nhánh sương trời ban mai
Miền Tây chết giấc năm nay!
Đất đai nứt nẻ sông dài cạn vơi
Con chim bìm bịp nghẹn lời
Ghe xuồng úp mặt nằm phơi đôi bờ
Còn anh ôm mãi cái “lờ”
Đi đâu để đặt bây giờ hỡi em?
Nhiều khi thức giấc nửa đêm
Mưa ngoài hiên mà ướt nhèm mắt anh!
Đâu còn những sáng trời xanh
Tiếng đò khua nước thanh thanh giọng hò
Hoàng hôn trăng đến đứng chờ
Câu vọng cổ, tiếng đàn cò râm ran...
Năm nay mới thiệt gian nan
Mình ên một chỗ ngó sang cái “lờ”
Từ quê lên tỉnh bây giờ
Quán hàng đóng cửa, xe đò cũng ngưng!
Hoạ này ai nấy đều chung
Nghèo, giàu bất kể cũng đùng lăn ra!
Mấy thằng ăn cố, tham cha
Vàng muôn, bạc khẳm cũng ra “nhị tỳ”
Sống mà không có lương tri
Vòng tròn “nhân - quả” dễ gì thứ tha
Rồi ngày thế sự can qua
Anh yêu em nghĩa có ta có mình
Cái “lờ”, em với nhà xinh...
MINH SƠN LÊ 19.4.20
*******************
Thằng Khờ_# 21
30/4... Buồn Mình Ên!
Ngồi đau hai tiếng "sơn hà"
Sau cơn thành bại sử qua ngược dòng
Từng đoàn người Việt lưu vong
Chắt chiu thân phận giữa lòng nhân gian.
Ngồi đau hai chữ "giang san"
Bốn mươi năm lẻ tan hoang ngỡ ngàng!
Quê hương "biển bạc, rừng vàng"
Giờ đây rách nát cơ hàn... vì đâu?!
Từ Bến Hải đến Cà Mau
Sau ngày hiệp định chia màu nước non *
Hai mùa mưa nắng keo sơn
Dân tình thư thái áo cơm dư đầy
Hai mươi năm chiến chinh dài
Đời quê vẫn sống những ngày ấm no
Học hành không mất tiền lo
Nhà thương miễn phí hết cho mọi người.
Từ sau khi cuộc đổi đời
Thấm cơn nghèo đói phận người đảo điên!
Lên ngôi hai chữ "kim tiền"
Lương tri khánh tận để chìm bể dâu...
Bốn mươi lăm năm chưa lâu
Hai bờ thế kỷ một màu thời gian
Giờ đây trên đống điêu tàn
Nhìn đi ai có bẽ bàng lòng không?!
MINH SƠN LÊ 27.4.20
---------------------------
* Hiệp định Genève 20/7/1954 "chia đôi Đất nước"