VĨNH BIỆT PHONG VŨ LÊ XUÂN LỢI
Nhà thơ xứ Hoa Đào Lê Xuân Lợi, bút danh Phong Vũ
đã từ giã cõi đời ngày 27 tháng 5 năm 2020 tại Canada.
Các bạn thơ Đà Lạt thuở xa xưa xin ghi lại đây
chút kỷ niệm với người quá cố
(1) Thủ bút của Phong Vũ.
Hình nền là cành trúc vẽ bằng ngón tay, một tác phẩm xuất thần của Sư Lê Trung Trang (Đà Lạt).
(2) Đà Lạt tôi về giữa tháng năm
Đà Lạt tôi về giữa tháng năm,
Đây rồi hơi ấm của tình thâm.
Của bao năm tháng thời thơ ấu,
Vang dậy hồn tôi những tiếng thầm.
Đà Lạt tôi về nắng còn hanh,
Đèo Prenn uốn gió nắng thơm lành.
Mây bay đầu núi chiều đang xuống,
Thông biếc reo mừng khúc nhạc xanh.
Đà Lạt tôi về gặp chính tôi,
Với quê hương Mẹ thuở xa vời.
Với con đường đá qua thôn nhỏ,
Đỉnh tháp trường xưa mây trắng trôi.
Đà Lạt tôi về khắp nơi nơi,
Không đâu giống với cảnh quê người.
Mà tôi lại thấy thân thương quá,
Trăng nước mây trời đều của tôi.
Đà Lạt tôi không là kẻ lạ,
Sống vội cùng ngày tháng vô ưu.
Tôi yêu từng cành hoa ngọn cỏ,
Bên lối mòn sương gió hắt hiu.
Đả Lạt tôi về giữa tháng năm,
Hồ Hương còn sáng ánh trăng rằm,
Sao khuya lấp lánh đêm trăn trở,
Đà Lạt tôi về giữa tháng năm.
Phong Vũ
(3) Đà Lạt Tôi Về Giữa Tháng Năm
Thơ: Phong Vũ
Diễn ngâm: Lan Hương
6) “Poème à toi ”
PHONG VŨ lập nghiệp và cư ngụ tại thành phố sương mù đã bao năm nên cũng hồi tưởng lại những kỷ niệm dấu yêu cũ khi có dịp trở lại thành phố này và ghé lại bên gốc cây đào Đà Lạt, viết bài thơ nhớ về người em yêu thuở xa xưa.
PHONG VŨ với cõi lòng thổn thức như muốn gửi gấm tâm sự của riêng mình trong bài thơ “Poème à toi”:
“Ô Chemin d'antan
Perdu dans les grands bois,
Pourquoi ce silence
Pèse-t-il sur l'homme
Qui pense à toi.
Ô lac! ô chalet aux feux éteints
Où tout ce qui se passait
N'y laisse qu'un souvenir lointain
Ô cerisier jadis fleuri
Pourquoi restes-tu là
Frémi!
Sais-tu qu'à ton pied
Un homme vient
Désespéré!
Est-ce bien toi Chérie
Dont la voix m'appelle
Et dans le murmure du vent
J'ai trouvé ton âme
Immortelle...”
PHONG VŨ
TÂM MINH cùng chung nhịp đập con tim trong giai điệu nhung nhớ về Đà Lạt nên cảm hứng chuyển dịch những câu thơ sang tiếng Việt với tiêu đề là “Bài thơ gửi Em”. Hình ảnh hoa đào của thành phố Đà Lạt vẫn phảng phất mãi trong tâm hồn người :
“Ôi con đường thuở xa xưa
Uốn mình khuất bóng rừng mơ ngút ngàn,
Giờ sao tĩnh lặng vô vàn
Ru hồn người đứng mơ màng dáng Em.
Hồ ơi sóng nước im lìm!
Thảo trang tàn lửa, lặng yên ngậm ngùi
Chỉ còn kỷ niệm tuyệt vời
Dư âm dĩ vãng một thời vắng xa
Đào xưa khoe thắm muôn hoa
Nay run theo gió dáng nhòa trong sương!
Nào hay dưới gốc yêu thương
Một người tuyệt vọng bên đường dừng chân!
Phải chăng Em chợt hiện thân
Tên ta Em khẽ gọi thầm thiết tha
Thoảng trong lời gió vờn hoa
Hồn Em bất tử chan hòa tim ta...”
(Tâm Minh chuyển ngữ)
(7) Vĩnh Biệt Nhà Thơ Phong Vũ Lê Xuân Lợi
Thôi! Thế là thôi Bác Mãn Phần
Mồ Hôi Nước Mắt cũng Phù Vân
Người đi yên ả thời Covid
Kẻ ở thương hoài một Cố Nhân!
Tin đến sáng nay, Tin Cáo Phó
Nghẹn ngào. Không biết nói làm sao?
Làm sao cứu sống người đang chết?
Ba thập niên rồi không thấy nhau!
Lên máy bay rồi còn biểu xuống
"Thuế mày chưa đóng đủ chưa đi!"
Bác cùng với vợ nhìn ngơ ngác
Mà lệnh thì thôi, chẳng trách gì...
Trọn đời chỉ biết Làm Luơng Thiện
Có đất, có nhà: Thuế Cả Hai
Tay trắng, Bác làm nên Sự Nghiệp
Nghĩ đời... Mai Mốt Có Tương Lai!
Bác chưa mở miệng ra Đù Mẹ
Tranh Vị Ý cho cuốn gậm giường
Cứ nghĩ có duyên mình đóng nẹp
Treo tranh đỡ trống mấy khung tường...
Bác ơi Vị Ý không còn nữa
Tranh họa tồn lưu Cà Phê Tùng
Đà Lạt may ra còn chút đó
May ra còn một chút thương thương!
Nghe tin Bác mất trong nhà Dưỡng
Sống kiếp ăn xin ở cuối đời
Ở cả quê người như nhúm bụi
Tôi, từ bên Mỹ... ngó sang thôi!
Tất cả phù vân hay khói sóng?
Yên Ba Thâm Xứ Sử Nhân Sầu!
Cùng thuơng Đà Lạt cùng xa cách
Cùng đã bao nhiêu lần Cúi Đầu!
Không có hẹn gì trong kiếp khác
Không về đồi sim ngồi nhớ nhau!
Chim Hoàng Hạc đã bay và mất
Cái dấu thời gian vệt lệ lau...
Bác Phong Vũ ạ, tôi yêu Bác
Bác gái chắc mừng được có đôi...
Thôi nhé, từ nay mây trắng tụ
Ở đâu, có thể cuối chân trời...
Trần Vấn Lệ
(8) Ai vãn Lê công Phong Vũ
Lan viên tri ngộ , trấp tãi biệt ly thành ngã muộn,
Trà Lĩnh gia hương, nhất thời thi phú hướng thùy đàm?
Canh Tý niên, mạnh hạ nguyệt nhuận ư Duyệt Ứng hiên, Mỹ quốc.
Nguyễn Lan Hinh kính bút.
Khóc ông Lê Phong Vũ
Ơn tri ngộ chốn vườn lan xưa, ba mươi năm xa cách ông nay là nỗi buồn của tôi,
Chốn quê nhà Trà Lĩnh, một thời thi thư nhàn nhã, nay biết tìm ai mà thưa chuyện?!
Năm Canh Tý, tháng 4 nhuận. Viết ở hiện Duyệt Ứng. 05/27/2020.
Nguyễn Lan Hinh kính bút.
Khóc ông Lê Phong Vũ
Gặp nhau xưa chốn vườn lan
Thế mà thấm thoắt đôi đàng chia phôi
Ba mươi năm tựa mây trôi
Nỗi buồn riêng một mình tôi nghẹn ngào.
Quê nhà Trà Lĩnh thuở nào
Đôi ta nhàn nhã bên nhau một thời
Thú vui thi phú đẹp lời
Nay còn đâu nữa! Ai người tri âm?
(Tâm Minh phóng tác)
(9) CHỦ NHÂN LÊ NGUYỄN GIA TRANG PHONG VŨ
(Kính tưởng nhớ ba và bác Phong Vũ)
Cùng tha phương, xa Huế từ lâu
Phiêu lãng sông hồ mới gặp nhau
Em giữa đô thành quên cát bụi
Tôi trên phố núi lạnh hao hao
…..
Lá rụng thềm hiên chiều vắng lặng
Núi rừng Dalat tím vào đêm
Vọng qua sương gió tình Lê Nguyễn
Gởi tiếng thơ về với trái tim.
Việt Trang (1991)
Anh Lê Xuân Lợi là nhà thơ Phong Vũ. Anh từ Bình Định lên Dalat lập nghiệp bước đầu phải nhờ nhiều vào thân mẫu của mình.
Anh xây lò làm gạch, mở xưởng cưa dưới đèo Prenn. Ở vùng đất tranh tối tranh sáng, muốn công việc làm ăn yên ổn và tánh mạng bảo toàn, anh phải lén mua gạo, thuốc men cho những người mặc bộ đồ bà ba đen sống trong những hang đá trong núi Voi gần đó.
Anh thạo việc kinh doanh nên sau một thời gian trở nên giàu có. Anh dốc hết tiền của mình và mượn thêm của mẹ một ngàn cây vàng để xây một khách sạn tuyệt đẹp nằm ngay đầu đèo Prenn, mang tên Lê Nguyễn Gia Trang. Khách sạn như một dinh thự, phía trước hướng ra con đường về Sai gòn, mặt sau nhìn xuống thung lũng. Buổi sáng sương mù cảnh đẹp như chốn bồng lai.
Tuy nhiên con người dẫu có tài giỏi cũng không qua số mệnh. Tòa nhà vừa xây xong chưa kịp trang trí bên trong thì cuộc chiến năm 1975 xảy đến. Vật liệu trang trí nội thất, vật dụng trang bị cho khách sạn, anh chị cho xe tải chở về cất giữ trong một kho hàng ở Cam Ranh, dọc đường bị đạn pháo kích cháy trụi tiêu tan.
Khi Cộng Sản tiếp thu Dalat, anh không bị tịch thu nhà vì không chạy di tản, một phần anh không dính vào chế độ cũ và có công với Cách Mạng. Sau một thời gian, ông Ba Dư, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Dalat mời anh lên và yêu cầu :
- Ông là nhà đại tư bản. Ông bóc lột công nhân nên tài sản lớn như thế. Vì anh có công tiếp tế cho Cách Mạng nên Đảng và Nhà nước cân nhắc giữa công và tội bởi vậy khoan hồng không truy xét. Bây giờ nhà nước cần căn nhà của anh để làm việc
Anh Phong Vũ đáp :
-Nếu cần thì Đảng và Nhà nước cứ trưng dụng. Chúng tôi không có ý kiến gì.
Ông Ba Dư thẳng thừng :
- Đảng không tơ hào một cây kim, sợi chỉ nào của nhân dân nên không lấy không ngôi nhà của ông, mà sẽ mua lại với giá 5 cây vàng.
Từ một đại gia có căn nhà trên một ngàn cây vàng, anh gần như trắng tay. Anh về cuối đèo Prenn nơi xưởng cưa cũ dựng một ngôi nhà gỗ thấp lè tè, mỗi khi bước vào phải cúi người để khỏi bị đụng đầu. Căn nhà trở thành nơi lý tưởng cho nhóm Trà Sơn (*) ngâm vịnh và bàn chuyện mưu sinh.
Một hôm, tôi bảo với anh :
-Tôi có hai mảnh đất trong Quảng Thừa, hai anh em mình vào đó trồng trọt.
Chúng tôi đạp xe đạp vào tận Saint Jean, gần Tân Bình, tìm lại mảnh đất trồng légume ngày nào. Cả hai lặng người khi thấy đó một khu rừng với chằng chịt cây cối và nhìn lại mình với chiếc cuốc trên xe. Biêt sức mình không kham nổi, hai chúng tôi quay xe về.
Ngày qua ngày, dù có phải kiếm tiền nuôi con nhưng anh sáng tác thơ ngẫu hứng. Thời gian sau, gia đình anh được cháu Cam Ly bảo lãnh qua Canada.
Tuy cách nhau nửa vòng trái đất nhưng tình cảm giữa anh, tôi và nhóm Trà Sơn luôn vẫn đậm đà. Mỗi lần anh về, chúng tôi hội tụ lại khi ở nhà tôi, lúc nhà Duy Việt, Lan Hinh… cùng nhau ngâm vịnh với tiếng đàn, tiếng sáo, giọng ngâm Hồng Vân
Vẫn người bạn chìa cho ta điếu thuốc
Ngồi bên nhau vụn vặt chuyện đời thường
Phố côi cút mà ngựa xe xuôi ngược
Trôi về đâu như mây khói lang thang
(Việt Trang)
Phong Vũ tuổi con ngựa, thua tôi ba tuổi, sức khỏe không còn như xưa. Mùa đông ở xứ người khắc nghiệt, anh chị trốn cái lạnh về ở Nha Trang. Năm nay, anh bị mổ, phải về Việt Nam tĩnh dưỡng thời gian dài. Thật thương anh vô cùng.
Lòng ngưỡng mộ của tôi đối với anh được bày tỏ trong lời đề tựa tập thơ” Tiếp Bước Phiêu Hồng”
Thơ Phong Vũ còn phảng phất một triết lý nhân bản, vị tha mà không ưu thời mẫn thế, vương víu một nét bâng khuâng cố hữu mà không bi lụy, bao giờ cũng nhẹ nhàng như gió thoảng, than thản tợ mây bay.
Tất cả đều chảy xuôi dòng Chân Thiện Mỹ
Trong cuộc sống đời thường, anh thỉnh thoảng tiêu dao đây đó. Mỗi chuyến đi có một bài thơ để lại, đúng hơn, mỗi bài thơ là dấu ấn một chuyến nhàn du.
Những năm tháng còn ở quê hương, dấu chân anh từng in dọc chiều dài đất nước, qua những địa danh thân quen, dừng chân trên những dòng sông, từ cội nguồn chảy ngang về biển cả.
Cỏ cây, hoa bướm, trăng sao, thôn trang, thị thành, cảnh vật vô ngôn, tất cả tạo nguồn cảm hứng cho anh cầm bút thành thơ.
Từ Montréal, thành phố định cư, anh quay quắt từng đêm nhớ Huế, đan xen kỷ niệm buồn vui dâu bể. Đứng trên bờ sông Saint Laurent, thơ bồi hồi nhớ về cố lý xa xăm. Ở Sydney, nhân ngày vui của cháu, thơ không quên ngợi ca Đalạt, nồng nàng tình nghĩa, nhìn phượng tím kinh thành Úc Châu mà thương cảm màu tím nhớ nhung của cây phượng tím già đứng lẻ loi bên chợ Dalat, đông người qua lại.
Đang còn tiếp bước phiêu bồng, anh Phong Vũ – mẫu người “Đê đầu tư cố hương”(**) không như Giả Đào:
Tinh Châu đất khách mười năm
Hàm Dương hôm sớm khăng khăng mong về
Tàng kiền qua bến đê mê
Tinh Châu ngoảnh lại thành quê hương nhà (*)
Trái tim anh luôn luôn mang nặng hình ảnh phố núi Đalạt thơ mộng, cố đô Huế ngàn năm trầm mặc và cả non nước Việt Nam kỳ vỹ, yêu quý để mơ một ngày đẹp nhất: Đoàn viên
24 . 10 . 2008
Việt Trang và Phạm Mai Hương
(*) Hội thi hữu Trà Sơn khởi điểm có các vị: Phong Vũ Lê Xuân Lợi, Việt Trang Phạm Gia Triếp,Trần Vấn Lệ, Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Cam Lĩnh Nguyễn Thái Em, nhà sư Viên Ngộ Lê Trung Trang, nhà sư Thích Minh An, Xuân Đài Nguyễn Thị Nghĩa, Lan Hinh Nguyễn Ngọc Dĩnh, Duy Việt Huỳnh Chùm... họ trao nhau những bài thơ chép tay trên giấy vở học trò hay cầu kỳ hơn trên những trang pellure giấy mỏng còn sót lại của thời xa xưa. Những bài thơ của họ không đăng báo trong nước mà được bạn bè gởi qua hải ngoại đang vào những đặc san của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân - Trần Hưng Đạo, hoặc những tờ báo tiếng Việt bên đó. Những bài được đăng, bạn hữu lại cắt gởi về làm quà lại cho tác giả
(**) Độ tang điền
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Điền thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương