CHUNG QUỲ BẮT QUỶ
Thời Khai Nguyên 开元 nhà Đường, Hoàng đế Huyền Tông玄宗khi đến Li sơn 骊山 thị sát binh lính thao luyện, nhân vì tướng sĩ luyện tập không tốt nên khi về lại cung trong lòng buồn bực sinh bệnh.
Ngày nọ, Huyền Tông nằm trên giường chợt thiếp đi, mơ thấy gặp một tiểu quỷ. Tiểu quỷ này mặc y phục màu đỏ sậm, một chân để trần, một chân mang giày, chiếc giày còn lại đeo bên người, tay cầm chiếc quạt trúc. Tiểu quỷ lấy đi túi thơm của Dương Quý Phi 杨贵妃 và chiếc sáo ngọc của Huyền Tông, đồng thời gây náo loạn trong cung, cố ý trêu chọc Huyền Tông. Huyền Tông giận dữ lớn tiếng mắng rằng:
Tiểu quỷ từ đâu đến, dám động thổ trên đầu Thái tuế?
Tiểu quỷ cười nói rằng:
Đừng giận, ta tên là Hư Hao 虚耗, lấy trộm đồ của người khác dễ như diễn trò, chuyên quấy rối chuyện thế gian, làm cho mọi người lo sợ.
Huyền Tông nghe qua càng giận, định gọi võ sĩ đến bắt, bỗng thấy một con quỷ to lớn, đầu đội chiếc mũ rách, thân mặc áo bào lam, thắt dây lưng, chân đi hia, chẳng cần phí sức, chộp được tiểu quỷ. Trước tiên móc cặp mắt tiểu quỷ, sau đó xé tiểu quỷ ra làm hai mảnh, nhai từ phần đầu nhai tới. Huyền Tông trông thấy cả kinh, liền hỏi:
Nhà ngươi là ai?
Con quỷ to lớn liền đáp:
Thần là Tiến sĩ Chung Quỳ 钟馗 ở núi Chung Nam 钟南. Niên hiệu Vũ Đức 武德tham gia điện thí bị rớt, không mặt mũi nào về gặp lại phụ lão ở Giang Đông 江东, nên đã đâm đầu vào trụ đá trước điện mà chết. Cao Tổ nghe tin, ban cho lục bào và hậu táng. Thần ghi ơn trong dạ, nên nhân đây đến giúp thánh thượng trừ khử yêu nghiệt.
Huyền Tông liền tỉnh giấc, bệnh cũng không biết khỏi từ lúc nào, vui mừng cực kì, cho gọi hoạ gia Ngô Đạo Tử (1) đến, bảo Ngô Đạo Tử vẽ lại Chung Quỳ theo hình tượng mà Huyền Tông nằm mộng. Ngô Đạo Tử quả không thẹn là “Hoạ thánh”, hình Chung Quỳ mà Ngô Đạo Tử vẽ rất giống Chung Quỳ mà Huyền Tông mộng thấy. Huyền Tông xem qua bức hoạ, luôn miệng ngợi khen, ngay lập tức hạ chỉ, chiếu cáo thiên hạ: Chung Quỳ sức mạnh vô biên, có thể xua đuổi ma quỷ, trấn được yêu khí, vào đêm Trừ tịch, bách tính trong cả nước phải dán hình Chung Quỳ để xua đuổi tà ma.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- NGÔ ĐẠO TỬ 吴道子 (khoảng 680 – 759): hoạ gia đời Đường, trong lịch sử hội hoạ tôn xưng là Ngô Sinh 吴生, còn có tên là Đạo Huyền 道玄, người Dương Địch 阳翟(nay là huyện Vũ 禹 tỉnh Hà Nam 河南. Ông sinh vào khoảng năm thứ 1 niên hiệu Vĩnh Long 永隆 (680), mất vào khoảng trước sau năm thứ nhất niên hiệu Càn Nguyên 乾元(758). Lúc nhỏ mồ côi, nhà nghèo, thời gian đầu làm hoạ công dân gian. Đến khi trẻ rất nổi tiếng, từng giữ chức Huyện uý, chẳng bao lâu từ chức, sau đến Lạc Dương 洛阳 vẽ bích hoạ. Khoảng thời Khai Nguyên 开元 được triệu vào cung đình, giữ qua các chức Cung phụng, Nội giáo bác sĩ, Ninh Vương Hữu; từng theo Trương Húc 张旭, Hạ Tri Chương 贺知章 học tập thư pháp. Ngô Đạo Tử chuyên vẽ nhân vật Đạo giáo, Phật giáo, điểu thú, thảo mộc, lâu các.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/8/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CHUNG QUỲ TRÓC QUỶ
钟馗捉鬼
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002