Nov 23, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Dịch Đại thời Đại Dịch
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 03:59:15 AM, Apr 23, 2020 * Số lần xem: 854
Hình ảnh
#1

Dịch Đại thời Đại Dịch

trac nguyen

Sun, Mar 22, 11:15 PM
 
t
Inline image
 

DỊCH ĐẠI THỜI ĐẠI DỊCH
LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜi DỊCH: Tôi dịch thuật bài viết này với tâm trạng buồn bã và lưỡng lự. Một phần không muốn làm cho mọi người lo lắng thêm trong cơn dịch bệnh toàn cầu. Một phần lại thấy có nhu cầu viết và nhu cầu thông tin cho những bạn muốn tìm hiểu các sách lược đối phó với dịch bệnh, về các phản ứng và một số vấn đề liên hệ.

Nhan đề bài viết này nguyên văn là “Giám Đốc an ninh y tế tại Viện Sức Khỏe và Phúc Lợi Phần Lan không tin vào những khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và không sẵn sàng áp dụng ở Phần Lan”. Nhưng xem bài viết, thấy trường hợp Phần Lan có nhiều mặt cũng đang xẩy ra tương tự như ở một số quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, là nơi mà những người lãnh đạo đang lúng túng, các sách lược phòng chống dịch bệnh lung tung, nhân viên y tế vẫn còn thiếu cả dụng cụ, thiết bị, áo choàng và khẩu trang bảo vệ.

Rất đau lòng khi thấy con gái làm y tá ở Mỹ hôm nay 22/3/20 đã đăng lên FB tấm ảnh hai cái thùng giấy. Con tôi viết bằng Anh ngữ: “Thay mặt toàn thể nhân viên y tế của phòng Cấp Cứu thuộc bệnh viện Regional Medical Center, tôi xin cảm ơn những người đã đưa đến mấy thùng găng tay cho chúng tôi trong mấy ngày qua. Xin cảm ơn quý vị chia sẻ các dụng cụ bảo vệ cá nhân với chúng tôi” (“On the behalf of all healthcare workers at RMC / Emergency Room, I would like to thank those who have been dropping of boxes of gloves for us in the past few days . Thank you for sharing your PPE with us !!”).

Bệnh viện này ở Santa Clara là quận hạt có số người lây nhiễm COVID-19 cao nhất tiểu bang California (138 người nhiễm bệnh, 52 người đang điều trị trong bệnh viện, 4 người đã thiệt mạng – Trích nhật báo địa phương San Jose Mercury News 19/3/2020). Hiện nay 40 triệu dân California đang được lệnh không nên ra khỏi nhà.

Thời gian này bản thân tôi thường không muốn suy nghĩ về vấn đề dịch bệnh qua dạng chính trị hay kinh tế. Nhưng vẫn không khỏi bần thần khi theo dõi buổi họp báo của ông Donald Trump hai ngày trước. Với vẻ tự tin và trấn áp thường lệ, ông TT nói về các sách lược tuyệt vời để đối phó dịch bệnh ở Mỹ. Ông nói ông đã đặt làm rất nhiều khẩu trang ở Mễ Tây Cơ. Sẽ có ngay. Ông nói về thuốc chống sốt rét có tác dụng chống “Chinese Virus” rất hay. Cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Thuốc Men FDA sẽ chấp thuận thuốc nhanh, không cần xem xét lâu. Mọi thứ đều có. Rồi tiếp theo, lại thấy TV chiếu hình một bác sĩ đứng trong một bệnh viện Mỹ, nói rằng “Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có áo choàng và khẩu trang bảo vệ ”.

Trong trang FB của con gái tôi, dưới tấm ảnh hai thùng găng tay mà người hảo tâm vô danh gửi đến cho phòng Cấp Cứu, sáng nay, trong lúc đang dịch dở dang bài này, lại thấy con gái lớn, cô chị viết cho cô em mấy lời bình luận, cũng bằng Anh ngữ: “Thực hết sức vô lý. Các y tá và bác sĩ cứu cấp của chúng ta lại phải hy sinh mạng sống trong khi không được bảo vệ, không đủ khẩu trang, găng tay, áo choàng, để hàng ngày đối phó với thứ siêu khuẩn giết người. Trong cách thức này, nhà cầm quyền đang buộc họ phải tự ký bản án tử hình cho chính họ. Việc này làm tôi RẤT TỨC GIẬN! Gần đây mỗi lần gặp em, tôi không thể tránh khỏi cảm giác rằng đây có thể là lần cuối cùng mà chị gặp em”

Tiếp theo, thấy vợ tôi cũng vừa viết thêm mấy chữ tiếng Anh, nói: “Bằng cách nào tôi cũng không thể hiểu được tại sao một đất nước lãnh đạo và giầu có nhất về tài nguyên lại không cung ca…” Viết dở dang, rồi bỏ. Chắc là khóc. Mấy hôm nay vợ tôi đang bị sốt, nhưng không bị ho hay nghẹt thở.

Tôi gượng cười, quay lại bài viết mà thay đổi nhan đề. Rồi tiếp tục dịch đại bài viết trong thời đại dịch với các ý kiến và sự tức giận của một tác giả ở Phần Lan trước các sách lược đối phó dịch bệnh ở Phần Lan, là nước mà tôi đang định cư.

Xin chia sẻ với bạn hữu quan tâm khắp nơi.

Trong ngôn ngữ của nhiều vùng ở VN, “làm đại” là làm đại khái. Làm cho có chuyện. Làm cho xong. Nhưng nói “dịch đại” ở đây lại chỉ là chơi chữ để giải khuây, thú vị khi đảo nghịch với chữ “đại dịch” là dịch bệnh lớn, chứ nội dung vẫn cố dịch kỹ theo nguyên văn. Tuy nhiên nhiều lãnh vực khoa học tôi không thông thạo, có thể không diễn đạt chính xác, nếu sơ suất các bạn xem nguyên văn mà sửa hộ, cảm ơn.

Bài này đăng tải trên phần Bình Luận của tờ Helsinki Times 20 tháng Ba, 2020, được hiệu đính ngày 21 tháng Ba 2020.

Nguyên văn Anh ngữ cũng đã đưa lên FB cùng trang của tôi.

Helsinki Times là nhật báo Anh ngữ đầu tiên xuất bản trên mạng ở Phần Lan. Tờ báo có sự hợp tác của nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, như The New York Times, The Washington Post, CNN, Reuters, Inter Press Service.

Tác giả bài viết là ông Alexis Kouros, Chủ Bút Helsinki Times. Ông cũng là bác sĩ y khoa, chuyên ngành Y Tế Công Cộng và chuyên khoa Dịch Bệnh.

(Nguyễn Bá Trạc, Turku, Phần Lan 23/3/2020)
.

GIÁM ĐỐC Y TẾ TẠI VIỆN SỨC KHỎE VÀ PHÚC LỢI PHẦN LAN KHÔNG TIN VÀO NHỮNG KHUYẾN CÁO CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI VÀ KHÔNG SẴN SÀNG ÁP DỤNG Ở PHẦN LAN

Khi kiểm tra lại việc một con tầu đắm giữa đại dương hay một chiếc máy bay rớt, thì hầu hết những nguyên nhân của tai họa thường do lỗi lầm của con người. Chẳng hạn có ai đấy đã bấm nhầm một cái nút. Truyền đạt mà không thông. Không hiểu, sai lạc, thiếu sót. Ngủ quên. Mất tín hiệu. Hiểu lầm hoặc không tuân hành các chỉ dẫn.

Trong con tầu Titanic của chúng ta ngày nay, người cầm lái không tin vào bản đồ. Ông ta nghĩ rằng lối đi tốt nhất là cứ tiến thẳng qua những tảng băng sơn. Nhà hàng hải ấy dường như chính là ông Mika Salminen, Giám Đốc An Ninh Y Tế tại Viện Sức Khỏe và Phúc Lợi Phần Lan (THL).

Trong bài phỏng vấn xuất bản trên nhật báo Phần Lan Helsingin Sanomat ngày hôm qua, ông Salminen phát biểu: “Thành thực mà nói, chúng tôi không hiểu được các khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO về công tác thử nghiệm. Thế nào chăng nữa, chúng ta cũng không thể diệt trừ được hết căn bệnh này trên toàn cầu”

Tổng Giám Đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, từng tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng “Để kiềm chế và kiểm soát đại dịch bệnh, các nước phải cô lập, phải cách ly, phải thử nghiệm, phải chữa trị và theo dõi dấu tích của dịch bệnh.”
Nhưng ông Salminen, khi được hỏi tại sao sách lược ở Nam Hàn đã thành công để rút giảm con số nhiễm bệnh một cách mạnh mẽ với công tác thử nghiệm rộng rãi và cách ly mãnh liệt - lại không thể sử dụng ở Phần Lan? Thì ông Salminen trả lời: “Để tôi nói thẳng với quý vị, công thức ấy không áp dụng ở các nước Bắc Âu được.” Ông Salminen tin là việc thử nghiệm rộng rãi chỉ có ích khi chuỗi lây nhiễm hãy còn chận lại được. “Phần Lan sẽ không tiến hành các công tác thử nghiệm rộng .”

Nhưng giả thiết này đã được chứng minh là sai. Trung Quốc đã có thể hạ giảm các trường hợp lây nhiễm trong nước xuống con số 0, mặc dù tỉ số nhiễm bệnh ở Trung Quốc cao hơn Phần Lan rất nhiều. Nam Hàn đã kiểm soát được tình trạng dịch bệnh lan rộng bằng việc thử nghiệm 15,000 lần mỗi ngày. Vào lúc này trên toàn cầu ước lượng chỉ có 250,000 người nhiễm bệnh và 11,000 người chết, cả hai con số ấy hãy còn rất nhỏ so với tổng dân số toàn cầu (G.C của ND: 7.7 tỉ người, thống kê 2019).

Phần Lan mắc kẹt vào tình trạng không chuẩn bị cho đại dịch bệnh. Phản ứng ban đầu của Phần Lan bị chi phối bởi những trì hoãn chậm trễ, các quyết định sai lầm và thiếu hành động cho đến ngày thứ Hai vừa qua mới có những biện pháp tốt được đưa ra.

Giờ đây đã bộc lộ trước ánh sáng rằng nước này không có đủ thiết bị bảo vệ, không đủ khẩu trang, không đủ thuốc sát trùng và các thiết bị thử nghiệm siêu khuẩn Covid-19. Đáng lë tất cả những việc ấy đã phải được tiên liệu và giải quyết chậm nhất từ tháng Hai khi siêu khuẩn bắt đầu lan khỏi Trung Quốc, rồi từ Ý lây vào Phần Lan. Ngoài ra cũng vì sách lược thử nghiệm có những lầm lẫn tai hại và khá bảo thủ, chúng ta đã mất đi dấu vết để theo dõi xem có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh trong nước. Con số chính thức được công bố tính đến hôm nay là 450 người bị nhiễm bệnh ở Phần Lan. Con số thực sự được ước lượng cao hơn từ 20 đến 30 lần số người nhiễm bệnh chính thức được xác nhận.

Có vài dấu hiệu cho thấy ngay cả các nhân viên y tế cũng không được thử nghiệm, dù họ có các triệu chứng nhiễm bệnh. Có hai y tá với đủ các triệu chứng nhiễm bệnh, lại từ các khu dịch bệnh trầm trọng trở về, mà đã phải vật lộn khó khăn để xin được thử nghiệm.

Lý do nằm sau tình trạng thiếu chuẩn bị, hoặc những cách áp dụng việc thử nghiệm quá bảo thủ, cho tới nay không được người ta biết đến. Nhưng giờ đây ông Salminen mới tiết lộ ra trong cuộc phỏng vấn rằng: Mặc dù khả năng thử nghiệm của Phần Lan là 500 vụ mỗi ngày, nhưng toàn khả năng không sử dụng đến, việc thử nghiệm chỉ giới hạn cho lúc tuyệt đối cần thiết, là khi các bệnh nhân đã phải vào điều trị trong bệnh viện.

Hậu quả thảm khốc của sách lược này bộc lộ ra ánh sáng trong ngày hôm qua, khi một người y tá làm việc tại Khu Ung Thư và Cấy Ghép Cơ Phận của Viện Nhi Khoa thuộc Bệnh Viện Đại Học Helsinki (HUS) được xác nhận là đã bị nhiễm siêu khuẩn Covid-19. Hai mươi bốn nhân viên khác, trong đó có hai bác sĩ đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, hiện đang bị cách ly. HUS nói rằng người y tá bị nhiễm bệnh đã không giao dịch trực tiếp với trẻ con trong Khoa Nhi - là những em thường không đề kháng được và sẽ không sống sót được nếu bị nhiễm vi rút. Không có thông tin nào cho biết có những tiếp xúc gì với các bệnh nhân qua lớp thứ hai hay không, có xẩy ra không, có được theo dõi hay không.

Ông Salminen lập đi lập lại rẳng “Thử bệnh không phải là chữa bệnh”. Và công tác thử nghiệm không dễ, ta nên sử dụng dè xẻn. Mà ngay như nếu có dư dã các thiết bị thử nghiệm, dư khả năng, dư nhân viên và dụng cụ, thì cũng không thử nghiệm những người có triệu chứng nhẹ.

Trên căn bản những gì mà ông Salminen phát biểu, thì đó là ông nói thà ông vứt bỏ các thiết bị thử nghiệm, ném vào thùng rác còn hơn là dùng để chẩn bệnh cho những trường hợp không nghiêm trọng. Thật đáng kinh ngạc. Việc hiểu biết về sự truyền nhiễm siêu khuẩn là cực kỳ quan trọng để truy tầm dấu vết dịch bệnh. Trên mức độ cá nhân, sự thử nghiệm có lợi ích rõ rệt. Nếu kết quả thử nghiệm một người cho thấy là âm tính, thì người ấy có thể tiếp tục cuộc sống hữu ích, làm việc như thường. Còn nếu kết quả là dương tính, thì tất cả những tiếp xúc của người này với người khác mới có thể truy tầm được dấu tích và thử nghiệm, trong khi người này có thể bị cách ly để tránh lây nhiễm cho những người khác.

Vậy sách lược của ông Salminen để chiến đấu chống dịch bệnh là sách lược nào? Với những gì ông đề cập trong cuộc phỏng vấn, cho thấy đấy là một pha trộn giữa sách lược “làm bằng phẳng đường cong trong biểu đồ lây nhiễm ” (“flattening the curve”) với quan niệm “miễn dịch cộng đồng” (“herd immunity”, cũng có thể dịch là “kháng thể của bầy đoàn”).

“Miễn dịch cộng đồng” là ý tưởng từng được thủ tướng Anh Boris Johnson nêu lên rồi lập tức rút lại. Tuyệt đại đa số các chuyên gia đều bác bỏ việc sử dụng quan niệm này như một sách lược để chiến đấu với siêu khuẩn Covid-19. “Tôi đã nói chuyện suốt ngày nay với các học giả, các ký giả khoa học, các nhân vật trong chính phủ và các công ty tư nhân, họ đều vật vã tìm hiểu việc này,” Bà Devi Sridhar, Khoa Trưởng Y Tế Công Cộng Toàn Cầu của Đại Học Edinburg đề cập đến sách lược miễn dịch cộng đồng của Vương Quốc Anh, bà nói “Chính phủ Anh dường như đang đi theo một chiến lược sách vở để chữa bệnh dịch cúm. Nhưng đây không phải là bệnh cúm. COVID-19 tệ hại hơn rất nhiều và hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.”

Nhưng thử nhìn xem quan niệm miễn dịch cộng đồng sẽ xẩy ra như thế nào ở Phần Lan.

Với quan niệm miễn dịch cộng đồng, để cho kháng thể bầy đàn bắt đầu có tác dụng, thì ít nhất 60% dân số - mà đúng hơn là 80% - sẽ phải nhiễm siêu khuẩn, và trong trường hợp Phần Lan thì đấy là hơn 3 triệu người (G.C.N.D: Tổng dân số Phần Lan năm 2020 là 5.54 triệu).

Ước tính hiện tại về tỷ lệ tử vong của SARS-CoV-2 là khoảng 3,4% dựa trên 100 000 trường hợp được xác định. Vì chúngta không nhất thiết phải phát hiện tất cả các trường hợp, tỷ lệ thực tế có thể vào khoảng 1.7% (Tỷ lệ tử vong do dịch cúm Tây Ban Nha được ước tính trong khoảng 2,5 - 3,5%) Điều này có nghĩa là có tới 30,000 đến 51,000 người Phần Lan sẽ chết để cho lý thuyết của ông Salminen hoạt động có hiệu quả.

Để ước tính mức độ lan truyền của virus nhanh như thế nào, các nhà khoa học xem xét hai yếu tố của số lần sinh sản tức là có bao nhiêu người bị nhiễm virut và khoảng thời gian nối tiếp tức là thời gian giữa một người phát triển các triệu chứng và một người thứ hai bị nhiễm bệnh và phát triển các triệu chứng. Số lần sinh sản của SARS-CoV-2 là 2.2 và khoảng thời gian nối tiếp xuất hiện là khoảng 4 ngày. Điều này có nghĩa là nhiễm trùng tăng gấp đôi cứ sau 4 ngày.

Thông qua các biện pháp nhằm giữ khoảng cách trong sinh hoạt xã hội được áp dụng ở Phần Lan vào tuần trước, về cơ bản, chúng ta đã làm chậm thời gian nhân đôi và giảm số lần sinh sản xuống 1.4, điều đó có nghĩa là con số tăng gấp đôi cứ sau 6 ngày hoặc 16,66% mỗi ngày. Khi bệnh lây lan qua dân số theo hướng miễn dịch bầy đàn, số lượng sinh sản giảm, nhưng điều đó rất khó tính toán. Một trang web tương tác có tên là Máy tính Corona đưa ra ước tính về mức độ ảnh hưởng của xã hội ảnh hưởng đến tỷ lệ lây truyền và tỷ lệ tử vong ở mỗi quốc gia bao gồm Phần Lan.

Điều quan trọng cần lưu ý là khó ước tính chính xác nguy cơ tử vong, vì các trường hợp nhẹ hơn không được chẩn đoán và tử vong bị trì hoãn.

Một cuộc nghiên cứu ở Trung Quốc báo cáo rằng thời gian trung bình từ khi khởi phát triệu chứng đến khi xác nhận viêm phổi là 5 ngày; từ khi khởi phát triệu chứng đến nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) là 11 ngày; và từ khi nhập viện ICU đến khi chết là 7 ngày. Điều này cho chúng ta thời gian trung bình là 23 ngày từ khi có triệu chứng (hoặc khi có xác nhận nếu có thử nghiệm) cho đến khi chết.

Tỷ lệ tử vong đã thay đổi ở các quốc gia khác nhau, từ 0,9% ở Hàn Quốc đến 7,7% ở Ý. Tỷ lệ của dân số già là một yếu tố quan trọng trong trường hợp tử vong. Ngoài ra do độ trễ của 23 ngày, số liệu thống kê chưa được cập nhật cho các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm leo nhanh. Một bài tính được Viện Sức khỏe và Phúc lợi Phần Lan THL công bố, đã sử dụng tỷ lệ tử vong từ 0,05 đến 0,1%, điều này chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tính toán như thế là quá sức lạc quan. Mặc dù trường hợp tử vong ở Trung Quốc đối với bệnh nhân khởi phát triệu chứng sau ngày 1 tháng Hai có tỷ lệ giảm, chúng ta không nhìn thấy khuynh hướng tương tự như thế ở Ý hoặc Tây Ban Nha.

Kịch bản miễn dịch cộng đồng lý tưởng sẽ nhằm mục đích điều động việc lây lan để chủ yếu là những người bị nhiễm bệnh sẽ bị bệnh nhẹ, điều này gần như không thể thực hiện được. Nếu việc truyền bệnh không được theo dõi và kiểm soát, chúng ta cũng không kiểm soát được ai nhiễm virus. Kháng thể bầy đàn hay miễn dịch cộng đồng cũng không dễ duy trì; trong trường hợp bệnh sởi chẳng hạn, nó chỉ được bảo tồn thông qua những tỷ lệ tiêm chủng rất cao.

Không thử nghiệm các trường hợp nhẹ cũng khiến cho chúng ta không thể biết được khi nào xã hội đã đạt được miễn dịch bầy đàn, ngoại trừ việc suy đoán lùi ngược lại với tỷ lệ tử vong của các trường hợp coronavirus đã được xác nhận trong bệnh viện.

Nếu kháng thể bầy đàn hay miễn dịch cộng đồng là chiến lược chính, thì sẽ không cần phải đóng cửa rộng rãi ở Phần Lan. Chỉ cách ly và cách ly các nhóm có nguy cơ cao là nhanh và đủ.

Bằng cách làm phẳng đường cong trong biểu đồ lây nhiễm thông qua các biện pháp phân tán cách ly xã hội được thực hiện tại thời điểm này, chúng ta cũng đã làm chậm tốc độ truyền từ mức trung bình theo cấp số nhân là 2 xuống còn 1.4 . Bằng cách này, hy vọng khi dịch bệnh lên đến cao điểm cũng sẽ không áp đảo khả năng của bệnh viện. Đồng thời, nếu chúng ta không chủ động tìm kiếm và cách ly các trường hợp và để cho các tình trạng nhiễm trùng lây lan, chúng ta sẽ không dừng lại mà kéo dài dịch bệnh, và đất nước phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài hơn.

Dựa trên khả năng miễn dịch bầy đàn 60%, nếu chúng ta ước tính rằng chúng ta có khoảng 10,000 ca nhiễm bệnh hiện nay, sẽ mất khoảng 60 - 180 ngày để chúng ta đạt đến 3 triệu ca nhiễm. Điều này có nghĩa là nước này phải ngừng hoạt động ít nhất trong khoảng thời gian đó và chôn cất tới 850 người mỗi ngày. Đây là tỷ lệ tử vong mà nước Ý đang tiếp cận vào thời điểm này. Nước này đạt con số kỷ lục mỗi ngày có 627 người chết vì coronavirus.

Một vấn đề khác với khả năng miễn dịch bầy đàn là virus càng thay đổi vật chủ thì khả năng đột biến của nó càng cao. Một báo cáo gần đây đã xác định hai biến thể cho SARS-CoV-2, loại L và loại S. Ông Ralph Baric , Giáo sư Dịch Bệnh Học chuyên về coronavirus và các bệnh nhiễm trùng, nói: “Không có gì phải bàn cãi. Khi virus lây vào những loài vật chủ mới, nó thích nghi vào việc sao chép trong các loài vật chủ mới một cách hữu hiệu hơn, nhiều khả năng hơn, và việc lan truyền giữa các loại vật chủ mới cũng hữu hiệu hơn. Vì vậy, gần như chắc chắn là virus sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi, và sự tiến hóa đó sẽ thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh như thế nào, thực sự vẫn chưa biết được”.

Vì đây là một loại vi-rút mới, chúng ta cũng không đủ thông tin về những ảnh hưởng lâu dài của viêc nhiễm trùng sau khi phục hồi. Một cuộc nghiên cứu về 142 hành khách trên du thuyền Diamond Princess tại Nhật Bản cho thấy có tới 10% trường hợp nhiễm trùng hoàn toàn không có triệu chứng dẫn đến xơ hóa hoặc những thay đổi khác trong phổi của bệnh nhân.

Nếu ông Salminen chỉ là một loại học giả với những quan niệm đầy cãi cọ, chúng ta có thể bất chấp, ngoảnh mặt đi.

Nhưng dường như ông ta lại là người đang nắm giữ trọng trách, và là người đưa ra các quyết định quan trọng có thể phải trả giá bằng nhân mạng. Rất nhiều nhân mạng.

Chúng ta không được đặt một viên tướng chưa đánh đã chấp nhận thua vào nhiệm vụ phụ trách chiến trường.

Trừ khi Thủ tướng Sanna Marin hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế Aino-Kaisa Pekonen hành sử quyền lãnh đạo mà đặt trọng trách này cho người khác, còn không chúng ta sẽ phải bắt đầu mà đào huyệt.
 

- Alexis Kouros, Helsinki Times

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.