Thư từ ngoài mặt trận Chiến dịch Desert Shield-Desert Storm
Ngày 8 tháng 11 năm 1990 N. đáp máy bay về lục địa Mỹ đi công tác cho Sư đoàn 1 Thiết Giáp Hoa Kỳ. Sau khi làm thủ tục nhập khách sạn N. lên phòng ngủ. Lúc đó là 9 giờ 45 tối rồi. Sau khi tắm xong, N. vặn Tivi lên xem tin tức tí ti trước khi ngủ, đang ngái ngủ, N. giật mình khi nghe tin Phát ngôn viên báo tin rằng Tổng Thống Bush quyết định gửi thêm 200.000 quân sang Trung Đông, sau đó là danh sách các sư đoàn sẽ di chuyển ra mặt trận. N. thấy sư đoàn của N. có tên trong đó. N. nghĩ thầm vì nếu cần đánh nhau với Thiết giáp Iraq, lẽ dĩ nhiên phải cần tới Sư đoàn của N. vì Sư đoàn 1 Thiết giáp được trang bị với thiết giáp tối tân nhất của Hoa Kỳ và là Sư đoàn “nặng” (heavy division) nhất trong Quân lực Hoa Kỳ. N. tuy vậy cũng hoang mang không biết là chừng nào phải di chuyển sang Saudi Arabia (S.A.) đây?
Hiện tại N. đang đi công tác, đúng ra là không cần phải liên lạc với cấp trên, nhưng sáng hôm sau N. thấy cần phải điện thoại cho Đại tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn để nhận lệnh. Khi gọi, N. được tin là cứ hoàn tất công tác sự vụ lệnh không phải về ngay. N. bèn yên chí tiếp tục công tác. Sau đó, N. gọi cho gia đình biết là không phải về lại Đức ngay. N. không lo gì lắm vì bận tâm với công tác, nhưng càng hoang mang vì điện thoại vợ con, cùng gia đình anh chị em tới tấp gọi lo lắng hộ cho N. Đúng ra thì N. cho chả có gì đáng ngại cả, nhưng ngày đêm qua những cú điện thoại nên N. cũng bị ảnh hưởng lo lắng không ít thì nhiều.
Sau một tuần công tác, N. như chương trình đã định trước được nghỉ thêm một tuần nữa để thăm gia đình con cái. Nghĩ rằng, lúc trước đã gọi về sở nhận lệnh cứ tiếp tục công tác, N. bèn tiếp tục bay sang Gia Nã Đại thăm mộ ông cụ và bạn bè ở Montréal. Đang hàn huyên với bạn cũ, thì con gái của N. gọi từ Hoa Kỳ sang báo là Đại Tá Tham Mưu Trưởng muốn nói chuyện với N., N. bèn gọi lại thì được biết là ông muốn N. về với đơn vị càng sớm càng tốt.
Thế là N. bèn cắt ngắn phép nghỉ và bỏ dở mục thăm viếng bạn bè và gia đình. Cũng may lúc đó tinh thần ái quốc của dân Mỹ cũng khá cao nên khi đổi vé máy bay về Mỹ và sang Đức, N. không gặp khó khăn gì cả. Đúng ra là vì đổi ngày giờ quá ngắn hạn phải trả một số tiền phạt, nhưng sau khi N. trình bày tình cảnh phải trở về đơn vị gấp, các hãng máy bay rất vui lòng đổi vé mà không bị phạt gì cả.
Về đến đơn vị ngay trưa hôm đó, N. đi vào sở trình diện ngay và được biết là có thể phải đi S.A. trong vòng hai hay ba tuần. Thường thường thì Bộ Tham Mưu chỉ họp một lần một tuần, nhưng nay vì tình hình khẩn trương, Bộ Tham Mưu họp một ngày hai lần, sáng lúc 8 giờ và chiều lúc 5 giờ. Công việc của N. là phải lo điều động quân số tăng gia, sửa soạn tài liệu y khoa phòng ngừa ngoài sa mạc, tổ chức nhóm chích ngừa bệnh, sửa soạn thuốc men cho sư đoàn và huấn luyện cấp tốc các quân nhân y tế mới bổ túc tới. Lúc hòa bình N. chỉ có bẩy bác sĩ quân y (kể cả N.) cho cả sư đoàn, nay được tăng lên tới 20 bác sĩ một cách đột ngột.
Ngay chuyện tăng thêm bác sĩ cũng đã rắc rối rồi. Y sĩ trưởng Quân đoàn cho danh sách và các đơn vị các tân bác sĩ, nhưng vì các vị tân bác sĩ này ở rải rác khắp Âu châu, nên liên lạc rất khó khăn. Có bác sĩ thì rất hăng hái nhận lệnh trình diện ngay, nhưng có vài ba anh chị thì cứ lờ đi như là không nhận lệnh điện thoại và kéo dài thời gian tới trình diện. Vì sau được biết, có một chị bác sĩ cố trốn tránh và gây chuyện phản đối với cấp trên, nhưng cuối cùng cũng không xong.
Sau đó là có màn chỉ định các vị tân bác sĩ này đi xuống đơn vị. Lẽ dĩ nhiên là bác sĩ ở Trung đoàn là khoẻ hơn và ít nhất an toàn hơn ở Tiểu đoàn, nên có một bác sĩ lên phản đối tại sao N. bắt hắn ta phải đi làm ở Tiểu đoàn. N. giữ lập trường và nhất định không thay đổi lại quyết định. Sau khi hắn ta đưa ra một vài lý do không được vững cho lắm, hắn ta bèn chịu thua rút lui trong hậm hực, không thuyết phục được những thay đổi thuyên chuyển.
Sau khi tập họp đủ bác sĩ, N. bèn gửi các bác sĩ này đi học khoá huấn luyện cấp tốc học cách chữa trị và chống vũ khí hoá học (Biochemical Warfare).
Từ ngày trở về Đức trở lại, đời sống N. quay cuồng với sư đoàn, họp lên, họp xuống, không còn ngày nghỉ cuối tuần gì cả. Lúc đó là gần lễ Giáng Sinh, nhưng ai nấy chả bận tâm ăn lễ gì hết.
Tuy vậy, khi gần tới ngày đáp máy bay sang S.A., sư đoàn cũng cho tất cả nhân viên nghỉ hai ngày để vui họp với gia đình. Lúc đầu, ai nấy cũng sẽ tưởng đi ngay trong vòng hai -ba tuần, nhưng thực tế, di chuyển cả Sư đoàn Thiết Giáp đâu có thể nhanh như vậy, nên phần đông sư đoàn được ở lại qua lễ Giáng Sinh mới đi.
Ngày 27 tháng 12, N. thực sự đáp máy bay, sau khi từ giã với vợ con. Chuyến đi ra phi trường Đức thì rất buồn thiu, trời thì tối mưa phùn ảm đạm lành lạnh, vẫn còn nhạc Giáng sinh phảng phất, đèn giáng sinh lẫn cây thông còn đó, ngoài cổng trại lính vài người biểu tình trăng biểu ngữ “Nicht Blut Fur Oil” (“Không đổ máu vì dầu xăng”).
Trên phi cơ binh lính hay sĩ quan cùng ở chung, phần nhiều im lặng không ai nói năng gì cả, chắc vì lo âu vì không biết tương lai sẽ ra sao. N. có gợi chuyện với một hạ sĩ quan da trắng thì anh ta nói là nước Mỹ đã đối xử với anh ta rất tốt nên khi nếu bị xui xẻo gì đó anh ta không ân hận gì cả cho là Tổ quốc trên hết, tinh thần ái quốc anh ta rất cao. N. cũng nói chuyện với luật sư trưởng của Sư Đoàn là Trung tá J.A. ông ta không lấy gì mà lo âu cả, ông ta đã từng phục vụ ở Việt nam rồi. (sau đó độ 5-6 năm sau ông ta được thăng chức Thiếu tướng). Ngược lại nữ Đại úy Y sĩ L.S. chuyên môn về thần kinh tâm lý dưới quyền của N. thì ngồi co rúm ở một góc ghế không nói năng gì cả.
N. tới phi trường Dahran vào khoảng 9 giờ sáng. Lúc rời khỏi Đức quốc, khí hậu rất lạnh, nên khi gần S.A., ai nấy đều cởi bỏ áo lạnh, và vén tay áo lên, vì nghĩ rằng ở sa mạc rất nóng. Máy bay không đáp xuống phi trường ngay được, vì có tin phi trường đang bị báo động vì hoả tiễn Scud, nên phải bay vòng ngoài xa tới hơn một giờ đồng hồ sau mới đáp xuống. Ai nấy chả bảo nhau gì cả nhưng gần như tất cả đều lấy áo jacket che đạn (gọi là flakjack) mặc vào.
Xuống phi trường thì có vài hạ sĩ quan tới đón tiếp, phát cho mỗi người một chai nước suối và chỉ dẫn đi ra xe buýt để tới trại đóng quân tạm ISA (Intermediate Staging Area). Trông thấy các Hạ sĩ quan đó mặc đồ ấm lạnh và không mặc áo flagjack, ai nấy đều ngạc nhiên, không hiểu tại sao. Chỉ một lúc sau đó, sau khi đứng chờ đợi đoàn xe buýt khởi hành, ai nấy đều lạnh run vì có một luồng gió lạnh thổi nhè nhẹ không ngừng. Thế là tất cả lại bèn lục ba lô ra, lấy áo lạnh ra mặc. Hỏi tại sao không mặc flakjack, thì họ trả lời đâu có đánh nhau gần đó gì đâu từ lâu rồi. 12 giờ trưa, đang chờ đợi khởi hành thì tiếng oang oang vọng từ loa phát thanh như là tiếng vọng cổ nhi nhô như của Ấn Độ hồi trước, quay nhìn chung quanh, N. thấy các tài xế xe buýt người Ả rập đang quỳ gối cúi rạp người hướng Mecca mà cúng khấn.
Khoảng 1 giờ trưa thì đoàn xe di chuyển ra ISA. Trên đường xa lộ đi qua thành phố Damman nhà cửa rất khang trang. Hầu như các nhà đều là villa tường trắng, có bốn bức tường bao chung quanh kín mít. Đúng là một xã hội kín mít và khe khắt như được kể là không bao giờ đàn bà dù chưa hay có chồng không được phép ra ngoài phố một mình mà không che mặt. Còn được nghe, nếu được mời vào một gia đình Ả rập thì chỉ được tiếp xúc với đàn ông chủ nhà và các con nhỏ mà thôi. Còn các phái nữ thì ở trong cung cấm. Trông thấy kiểu cách kiến trúc nhà cửa kín mít tường bao chung quanh, N. thầm nghĩ đời sống gia đình người Ả rập như vậy rất khó khăn, khe khắt, không ai biết chuyện gì xảy ra trong gia đình họ được. Nói là sa mạc, nhưng đường phố trong tỉnh có nhiều cây cỏ dọc theo bênđường. Có tiền là có cây mọc N. nghĩ vậy. S.A. có vài hãng lọc nước biển ra nước ngọt rất lớn, thành ra nước không khan hiếm lắm và có đủ nước mà tưới cây cỏ.
Qua khỏi tỉnh, đường xa lộ rất tốt như xa lộ ở bên Mỹ, cũng có bảng chỉ đường xanh trắng rất rõ rệt. Bên vệ đường thỉnh thoảng thấy vài cây palm và có vài con lạc đà thản nhiên ăn những bụi cây nhỏ ở sa mạc.
Độ hai tiếng đồng hồ sau, đoàn xe buýt tới ISA cách biên giới Iraq độ 300 cây số. Ngoài cổng có bảng đề “Desert Inn, Free Breakfast and Bed, Always Have Helping PPlace for a Few More”. Đó là một trại lính bao bọc chung quanh bởi dây kẽm gai.
Những vị nào lúc trước có ghé qua ở Guam thì cũng giống như vậy. Hàng hàng dẫy lều vải (tent) ngay ngắn với hai dọc nhà tắm (shower stands) gỗ và nhà vệ sinh. Bên kia sân cát -chỗ nào cũng toàn là cát cả- là vài tent dùng làm cơ sở hành chánh, chỉ huy, tent họp và field PX. Cũng có một chỗ rộng lớn có bàn ăn picnic ngoài trời mà xe vận tải đem đồ ăn nóng tới. Nữ quân nhân thì ở một tent riêng, độ 15-20 người một tent.
Mỗi ngày, ai nấy được phát ba chai nước suối (độ một lít rưỡi mỗi chai) và hai gói MRE (Meal Ready to Eat) để ăn sáng và ăn trưa. Tối thì xếp hàng ãn đồ nóng do nhà thầu đem tới. Ai muốn ãn hamburger thì đứng xếp hàng ra một quầy xe chờ mua hamburger và French fries đang nấu tại chỗ.
Ở ISA khoảng 10 ngày N. chẳng bao giờ có hơi thừa thời giờ đứng chờ cả một cho tới hai giờ để mua một miếng hamburger mà ăn. Chỗ nào cũng có hàng dài lính xếp hàng tới lượt vào PX mua đồ hay ra chỗ gọi điện thoại dã chiến.
Ngày ngày ở ISA, N. phải đi họp buổi chiều 5 giờ rồi sáng hôm sau đi tụ họp các bác sĩ ở Trung đoàn để ra chỉ thị sửa soạn hành quân. Ba ngày sau thì xe jeep của N. tới bến (gọi là xe CUCV), thế là N. có dịp đi cùng tài xế lái xe ra tỉnh Jubai và Damman thăm viếng các nhà thương dã chiến. Nhà thương 5th Fleet Hospital của Hải quân coi bộ là khá nhất. N. thăm bệnh của Sư đoàn bị đau ốm đang điều trị ở đó, và có trưa được mời ở lại ăn trưa khá tươm tất. N. cũng lo liên lạc với Quân y Quân đoàn về tin tức chống vũ khí sinh hoá học như nerve agent, mustard, anthrax và botulinism, sau đó N. lại phổ biến huấn luyện cho Bộ Tham Mưu và các đơn vị của Sư đoàn.
Sống trong cùng tent với N. có nhóm lính thuộc phòng vũ khí hoá học, nên N. cũng được chỉ dẫn thêm về cách phòng ngừa như pha chế nước rửa và quần áo mặt nạ (MOPP gear). Phần nhiều tinh thần của lính rất hăng hái, có rất ít phần tử sợ sệt. Có một anh Trung sĩ mà N. nhớ mãi tên là Badwin, da trắng, lực sĩ cao lớn, trẻ trung, mặt mũi sáng sủa. Hắn ta lúc nào cũng nói là sẵn sàng ra mặt trận. Hắn ta nói là cả họ Badwin của hắn đã sống rất đầy đủ nhiều thế hệ rồi, nên nếu có mệnh hệ gì cho hắn thì hắn thản nhiên chấp nhận hy sinh mặc dù hắn có vợ trẻ, con nhỏ. Quả là tinh thần ái quốc cao. Lại có một anh chàng da đen Mỹ nhưng theo đạo Muslim Hồi giáo, hắn ta lúc nào cũng trầm ngâm. Khi hỏi, hắn ta kể lể là hắn theo đạo Hồi giáo thì những người cùng đạo không được giết nhau, làm hắn ta rất phân vân không biết phải làm gì mặc dầu bao nhiêu lần cãi lý với Trung sĩ Badwin (như chẳng hạn, chẳng lẽ để Saddam Hussein cứ mỗi ngày lại xâm chiếm, hiếp đáp các xứ nhỏ bên cạnh, tự do hoành hành như vậy hay sao?).
Trong thời gian ở trại ISA, một anh chàng Đại uý Quân y sĩ bị trật khớp xương đầu gối khi tập khiêng băng ca. Hắn ta được chuyển qua Quân y viện về Đức, N. lại nhức đầu phải đi kiếm bác sĩ, nhất là về sau biết được là hắn ta có đau đầu gối lúc trước nhẹ, nhưng chạy chơi football thì bị trật khớp xương chứ có tập khiêng băng ca gì đâu? Thế là anh ta thoát khỏi phải ra mặt trận, bề ngoài mặt thì nói sorry sorry nhưng nét mặt thì mừng rỡ vì thoát khỏi chỗ hiểm nguy.
Ngày 5 tháng Giêng, cả sư đoàn di chuyển ra chỗ tập trung chiến thuật Tactical Assembly Area (TAA). Chỗ này cách biên giới 170 cây số, ngoài tầm tác xạ của pháo binh địch, nhưng cũng không tránh khỏi hoả tiễn Scud. Tuy vậy lệnh trên bắt buộc tất cả phải đội nón sắt (Kevlar) chứ không còn đội mũ vải như ở ISA nữa. Thành ra ai nấy có phần căng thẳng thêm không ít thì nhiều.
Ở TAA, đời sống hằng ngày bắt đầu khó khăn hơn, sáng 5 giờ 30 đã phải chỉnh tề quân phục tác chiến, rồi phải chia nhau ra canh gác ngoài vòng đai. Y tá và bác sĩ được miễn canh gác, còn tất cả từ đại úy trở xuống phải đứng gác tới 7 giờ sáng. Thiếu tá trở lên thì phải ra Bộ Tham Mưu dã chiến làm việc. Bộ Tham Mưu dã chiến gồm có từ phòng 1 cho tới phòng 5 và những phòng phụ thuộc như truyền tin, chiến tranh hoá học, liên lạc không quân, quân binh, phòng không, tiếp liệu v.v… những phòng này làm việc trên những xe van (5-ton expands van) sửa đổi thành phòng làm việc có máy nóng, lạnh và máy truyền tin. Quân y sư đoàn cũng có một xe van gọi là Med Ops (Medical Operation).
N. vì là Y sĩ Trưởng Sư đoàn, có một Y sĩ Trung tá trưởng Med Ops lo về tản thương và tiếp liệu quân y cùng những việc lặt vặt khác. Hắn ta 5 giờ 30 sáng phải ra xe van họp và làm việc. Còn N. và hai y tá ở lại tent trở thành một trại cấp cứu khi cần.
Sau thời gian “stand to” thì quân lính được trở về tent làm vệ sinh cá nhân hay ăn sáng. N. sau đó đi họp với Bộ Chỉ Huy đóng cách xa từ 10 cây số tới 50 cây số (dĩ nhiên khoảng cách thay đổi như vậy vì Bộ Chỉ Huy phải “nhảy” (jump) đổi chỗ cắm trại cho địch không biết chỗ nào xác thực).
Tuy khoảng cách có vẻ gần, nhưng lái xe ở sa mạc rất khó khăn. Ai nấy đều tưởng sa mạc toàn là cát, nhưng thật ra là đất trộn với cát. Nếu mưa nhiều thì cây cỏ sẽ dễ mọc. Nói về mưa thì trong thời gian N. ở TAA, N. bị năm trận mưa lớn, hai lần lều vải của N. bị ngập lụt. Vũng nước lầy thường xảy ra sau mỗi cơn mưa, thành ra đêm tối đi trong trại dễ dẵm phải bùn. Không hiểu năm nay mùa mưa có khác thường hay không? Mà chỉ một trận mưa đầu, mức nước mưa đã đủ mực cao nước mưa của vùng N. đóng cả năm rồi. Đó là chưa kể những trận mưa nhỏ phất phơ, nhưng cái được là chỉ ba-bốn ngày sau là đất lại khô nhưng lại khổ vì cát bụi. Hai lần xe HUMVV của N. bị lầy phải nhờ xe Thiết vận xa tới kéo lên.
Sẽ kể sau… Lái xe trên sa mạc phải dùng địa bàn (compass), không chính xác lắm, hay Loran. Máy Loran là một máy điện tử gắn trên xe để định hướng. Khi vặn máy lên, bấm nút, máy sẽ chỉ tọa độ hiện tại của xe đậu bằng cách phát làn sóng ra ba trạm antenne gần đó. Tọa độ bằng độ Lat Long (Latitude, Longitude), sau đó bấm tọa độ chỗ mình muốn tới và máy tính cho biết hướng nào sẽ đi và cách xa bao nhiêu dặm. Lúc mới tới TAA, N. chưa được phát máy Loran, vì số máy Loran lúc ban đầu rất khan hiếm, chỉ phát cho đơn vị cần thiết nhất như Bộ Chỉ Huy đơn vị tác chiến, xe tăng, xe cứu thương, trực thăng, nên N. và ba thầy trò gồm một tài xế và một Thượng sĩ Thường vụ phải dùng địa bàn.
Chỗ TAA rất rộng lớn chừng 100x150 cây số và có hai con đường chính mà thôi, gọi là đường, chính ra chỉ là một đường cát bụi do công binh cắt giữa sa mạc. Sau đó vì nhiều xe cộ đi lại kể cả xe tăng nên làm hỏng có nhiều lỗ sụp lên sụp xuống. Khi đi họp N. phải băng qua nhiều rãnh mà các xe tăng đi qua. Các rãnh đó vì là đất bùn trộn với cát nên khá cứng, đi ngang qua mà lái nhanh là sập bàn toạ là thường. Có vài lần đi họp chiều tối, khi tan họp lúc 6 giờ chiều, trời đã xẩm tối mà lệnh trên chỉ được dùng đèn mờ parking xe nên rất khó đi. Có hai lần, ba thầy trò N. bị lạc loanh quanh có 20 cây số mà không kiếm ra được trại N. ở. Lái một lúc là phải xuống xe ngắm lại địa bàn, nhưng cũng không xong vì ở sa mạc đâu có điểm cao để nhận diện đâu như nhà, cây cối chẳng hạn.
Ban đêm ở sa mạc, bốn phía đều giống nhau cả. Có lúc thấy một trại, nhưng khi dừng lại hỏi rất nguy hiểm vì không được dùng đèn sáng, chỉ được dùng đèn pin có kính lọc đỏ hay tím mà thôi. Lính gác nếu không cẩn thận hay hoảng hốt bất ngờ có thể bắn lầm lắm. Cứ tưởng tượng đang đứng canh gác tự nhiên có bóng đen từ từ đi tới giật mình thì có thể hoảng hốt bóp cò súng dễ như chơi, hóa ra là không phải trại N. đóng, hỏi hướng nào để đi, thì lính gác thường thường cấp kém nhất, đâu có biết gì đâu. Hỏi trưởng trại thì hắn cũng không biết gì luôn vì thường thường mỗi đại đội đóng một chỗ riêng và một sư đoàn thì có cả trăm đại đội nên ai cũng lắc đầu. Hỏi có thể nhờ điện thoại được không, thì hắn trả lời là tối đêm có lệnh cấm sử dụng truyền tin (signal silence) tuyệt đối.
Thành ra xe N. lại loanh quanh một hồi tới khi gặp được Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, may quá ở đó N. có quen với Tiểu đoàn trưởng, nên hắn biết hướng và tọa độ N. ở nên chỉ một chút sau là N. về đến trại được. Khoảng cách có 15 cây số mà đi mất bốn tiếng đồng hồ, thật là hú vía, vì nếu kiếm không ra, phải đậu xe ở ngoài sa mạc chờ đến sáng hẳn đi. Chứ cứ lái xe đi mãi có thể đi lạc sang đất địch, như chuyện hai anh lính Lê Dương Pháp lái xe làm sao đi lạc sang đất Iraq bị bắt làm tù binh, đã thế ngủ trên xe sẽ bị lạnh cóng. Khoảng lúc N. đóng ở TAA là mùa đông bên Saudi Arabia. Ban ngày thì mát nhưng ban tối thì rất lạnh, có lúc gần 0 độ Celsius, sáng ra ngoài đều thấy sương đóng đá trên xe.
Ngoài những trận mưa thì còn có những trận bão cát gọi là shamal. Các trận bão cát này thường xảy vào tháng Giêng và tháng hai, lâu lâu mới có một trận kéo dài độ một ngày thì hết. Nhưng từ tháng ba tới tháng bẩy thì thường xảy ra hơn cứ vài ba ngày lại có và có thể kéo dài cả tuần khi đến tháng bẩy. N. rất ghét những trận bão cát này, nếu đang lái xe thì cát mù mịt, buổi trưa lái xe mà lại không trông thấy năm thước đằng trước. Rồi bụi cát bay vào mắt làm cay, đau mắt, hít thở vào nguy hiểm cho sức khoẻ và quần áo, ghế bố, đồ vật rất bẩn vì bụi đóng cả đống. Lều vải không cách chi nào mà làm kín mít cho cát khỏi vào được. Lại còn nếu không mắc đóng lều vững chắc thì lều vãi bị sập tiệm bay đi dễ như không. N. tội nghiệp nhất là đang bão cát như vậy mà lính lại đang đứng gác mà không có khăn che mặt mũi thấy mà thương hại. Có vài lần N. dừng xe lại và phát cho lính gác khăn che mặt mà N. lấy từ trong túi cấp cứu (gọi là cravate dùng để làm sling khi trật tay hay cùi chỏ).
Nói về cát bụi bay vào mắt, năm ngày hôm sau khi tới TAA, N. đi thăm các nhà thương dã chiến chung quanh. Khi tới thăm bệnh viện tản thương số 12 (12th Evacuation Hospital) thì được biết một Đại úy Phòng 5 bị đau mắt, khi khám ra hắn ta bị trứng con ruồi của cừu nở ra thành larvae trên mắt hắn ta. Hắn kể là vài ngày hôm trước, hắn bị bụi cát vào mắt, sau đó khó chịu nên đi khám. N. được nhân viên phòng thí nghiệm cho xem con larvae đó ở kính hiển vi (sheep botfly). Cách chữa trị bệnh đó thì chỉ là gắp các con đó ra thì khỏi (đếm được gần 30 con).
Ở TAA thì đời sống không khá hơn ở ISA, vì ăn uống ở đây không còn có thầu khoán nấu đồ ăn nóng cho buổi sáng và buổi tối. Tuy vậy, thường thường (trừ những ngày không “jump” thì phải ăn đồ MRE) thì có một bữa ăn nóng do đầu bếp dã chiến nấu, ăn cũng tạm được. Bữa ăn nóng đó thì có thể là bữa ăn trưa hay tối (5-6 giờ chiều). Tắm thì tắm nhà tắm gỗ xây ba cái gộp một và đi vệ sinh cá nhân cũng vậy, chỉ có cái bất tiện là hơi xa chỗ ngủ (độ 300-500 thước), quần áo thì giặt lấy. Chủ nhật thì các Cha tuyên uý giảng đạo tại mỗi trại.
Về tinh thần quân lính thì sau khi mừng hụt là Saddam Hussein chịu cho Tổng trưởng Ngoại Giao Aziz họp với Tổng trưởng Ngoại Giao Baker ở Geneve, ai nấy đều thất vọng khi hay tin điều đình thất bại hoàn toàn. Tới ngày 15 tháng Giêng thì được biết chiến tranh sẽ xảy ra. Tin đồn là nếu nghe được trên đài phát thanh hay bất cứ đài vô tuyến nào có mật hiệu “Cow boy” thì là chiến tranh bắt đầu. Đêm 17 rạng 18 tháng Giêng, ai nấy đi ngủ, phập phồng chờ đợi. Nhưng sau đó tất cả đều ngủ đến sáng thức dậy mới biết là khoảng 2 giờ sáng, không quân Đồng minh đã thả bom rầm rộ khắp Iraq. Cả ngày hôm sau phần đông quân lính chú ý lắng nghe tin tức từng giờ một. Ai nấy đều vui mừng vì cả ngàn phi vụ mà không có máy bay đồng minh nào bị bắn rơi và kết quả oanh tạc rất tốt.
Khi đi họp hằng ngày vào buổi sáng thì được biết là tất cả phải đề cao cảnh giác vì khủng bố địch. Có tin là tụi khủng bố dùng xe Toyota 4 Wheels mầu vàng đi bắn vào các trại. Lính căn gác được lệnh bắn chỉ thiên trước rồi nếu xe nào không dừng lại thì bắn ngay.
Trong khoảng thời gian đó thì sư đoàn cho thầu được một trạm điện thoại ATT. Trạm này được dựng ngay giữa sa mạc gồm có một disc radar lớn để nhận làn sóng điện thoại và có từ 100 đến 150 cái điện thoại. Vì thư từ rất chậm, độ babốn tuần một chuyến mới là thường, nên điện thoại rất đắt hàng. Ban ngày mỗi người không được nói quá 15 phút, ban đêm thì tự do muốn nói bao lâu cũng được, điện thoại đó nhấc lên thì có operator hỏi gọi số nào và họ sẽ liên lạc với số đó và cho trả bằng ATT credit card (giá độ chừng $16.50 cho mười phút đầu tiên). Không thể gọi thẳng được hay người nhà không thể gọi tới chỗ đóng quân được. Giá khá mắc, nhưng ai nấy đều không quản ngại trả tiền vì khó mà có dịp gọi điện thoại vì tùy trại, có trại phải bay trực thăng mới tới nói được mà vì phải chờ đợi tới lượt gọi xếp hàng nhiều khi ba-bốn tiếng đồng hồ chờ đợi là thường. Được biết là mỗi ngày có chừng 5000 cú điện thoại thành ra N. thầm nghĩ ai mà có stock trong ATT lúc này là trúng số đỏ. Vì giá khá mắc nên thời gian sau trên đài phát thanh quân đội họ cảnh cáo lính đừng có lạm dụng điện thoại vì có người phải trả cả ngàn đồng điện thoại hết sạch tiền lương.
Vì thư từ chậm trễ khó khăn, N. cũng dùng điện thoại để cho gia đình biết tin cho đỡ lo âu. Về tin tức, ngoài thư từ, điện thoại, binh lính được phát báo Stars and Stripes mà đọc. Báo này thường trễ, sớm nhất là cũ ba ngày nhưng rất có giá trị vì có rất ít, phân phát không đều, nên ai nấy khi có là ngấu nghiến đọc lấy đọc để. Như đã nói ở trên, thêm vào đó, muốn biết tin tức phải chịu khó mở radio mà nghe. Phải mua shortway radio thì mới bắt đài BBC được, máy thường chỉ nghe được đài quân đội mà thôi. N. thì còn biết khá hơn vì phải đi họp với Bộ Tham Mưu hàng ngày nên biết tình hình cập nhật do Phòng Nhì và Phòng Ba báo cáo.
Khoảng lúc đó là vì có thể là thời tiết thay đổi có dịch cảm cúm, ho, nghẹt mũi và khan tiếng. Có thể nói một cách tổng quát là hơn nửa số quân lính ai nấy đều bị không nhiều thì ít các triệu chứng trên. N. sau khi chữa trị cho Tướng Chỉ huy trưởng một tuần sau cũng bị lây.
Nói về thư thì do Quốc Hội Mỹ chấp thuận thì gửi thư về Mỹ hay Đức thì miễn phí. Ngược trở lại Mỹ gửi sang S.A. chỉ trả giá bằng nội địa. Còn gửi đồ thì gửi về gia đình bên Đức hay ngược lại thì miễn phí. Nếu gửi về Mỹ thì phải trả giá như giá nội địa.
Sau khi hân hoan về các tin oanh tạc thành công do Không quân Đồng minh vào ngày đầu tiên thành công, thì có tin Iraq nào là bắn hoả tiễn Scud, lẫn đột kích qua đất Saudi Arabia, quân tình bắt đầu hơi nản chí vì ai nấy đều đếm ngày trở về với gia đình, mà nay thấy chiến dịch thả bom có lẽ sẽ kéo dài rất lâu mới thắng.
Ngoài những buổi họp hằng này với Bộ Chỉ Huy, N. phải lo điều động tiếp liệu y khoa tranh dành với xe cộ chuyên chở vũ khí, xăng nhớt và bom đạn, N. phải nhắc khéo cho Tướng chỉ huy chú ý thì mới khả quan. Cũng may là chiến dịch thả bom kéo dài hơn cả tháng nên tiếp liệu quân y gần như được đầy đủ khi tới ngày đánh bộ (Ground Day) N. cũng phải đi tiếp xúc với Quân y Quân đoàn, lo kế hoạch tản thương và liên lạc với các nhà thương MASH và CSH (Combat Support Hospital). Sư đoàn của N. cấp số được hai MASH và hai CSH hỗ trợ và một-hai Evacuation Hospital phụ thêm MASH có 60 giường bệnh và có thể di chuyển 100% với sư đoàn. CSH có 200 giường bệnh, to hơn nên khó di chuyển hơn. Còn Evacuation Hospital thì quá lớn 400 giường nên gần như hoàn toàn không di chuyển theo sư đoàn được.
MASH có hai phòng mổ và có độ 16 bác sĩ chuyên môn giải phẫu từ tổng quát cho tới chuyên về lồng ngực hay não khoa. MASH tuy di chuyển được, nhưng cũng mất phải ít nhất một-hai ngày mới dọn đi được, nên với tình thế chiến tranh tạm thời hiện nay của Mỹ (AirLand battle) MASH cũng khó mà đáp ứng nhanh chóng được. (Sau ngày tấn công trên bộ, Sư đoàn chiến xa của N. tràn qua Iraq như thế chẻ tre, đoàn xe MASH không kịp chạy theo, dựng lên chữa trị, lại chạy theo tiếp được).
Vì có tin là lính Iraq có thể dùng chất Thallium đầu độc vào nước do tin của phòng 2 Hành Quân Sư Đoàn (Tình báo do Trung tá K.A. chỉ huy –về sau được thăng chức Đại Tướng làm Giám Đốc Nha Quốc Gia An Ninh), N. cũng đi bắt liên lạc và tổ chức các buổi học thêm về chữa trị và phòng ngừa các bịnh sinh hoá như nerve agents, chất phóng xạ, anthrax, và bolulism.
Các nhà thương MASH và CSH (gọi nhanh là CASH) và Evac Hospital phần đông là các đơn vị trừ bị và National Guard. N. đi liên lạc thăm viếng các đơn vị đó và được biết các bác sĩ trừ bị đó đa số đều có phòng mạch tư đang làm ăn khá giả nay bị động viên bất ngờ. Có ông Trung tá bác sĩ than thở với N. là ông ta phải khai bankrupcy vì tiền sở phí overhead quá tốn vì mới trang bị phòng mạch tối tân. Ông bác sĩ nào, ông bác sĩ nấy đều than như bọng, nhưng lỡ ký hợp đồng với nhà binh rồi đành chịu vậy. Đâu có ông nào ngờ bị trưng tập phải sang đóng ở vùng sa mạc này đâu. Phần đông các bác sĩ trưng tập đó đều có làm cho nhà binh một số năm hiện dịch rồi xin ra khỏi nhà binh, nhưng vẫn muốn giữ cấp bậc và mong làm đủ năm cho có hưu trí về sau. Mấy ông lý lẽ là sau Việt Nam đâu còn đánh nhau to nữa, hoà bình cả đến 15-16 năm rồi, mà nếu có đánh nhau to là đánh với Nga sô thì ai nấy đều khủng hoảng hết mà các ông ấy có sẵn trong trừ bị thì khi bị trưng tập sẽ nhẩy lên lon cao ngồi trên, ngồi chốc ở mấy chỗ đỡ bị nguy hiểm hơn những bác sĩ tò te mới bị động viên.
Trong lúc đó, tình hình chiến sự thay đổi không ngừng. Đại tướng Schawarzkopf đã bí mật dàn trận đánh làm Iraq trở tay không kịp. Trước khi chiến dịch oanh tạc, Tướng S., bày mưu cho Iraq biết là ông ta tập trung cả bốn Quân đoàn: Quân đoàn XVIII gồm có Sư đoàn Nhảy Dù Hoa kỳ và Sư đoàn Lê Dương Pháp, Quân đoàn VII gồm có ba sư đoàn thiết giáp, trong đó có Sư đoàn 1 và 3 Thiết Giáp Hoa Kỳ, và một sư đoàn thiết giáp Anh quốc, Quân đoàn Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Quân đoàn Ả rập gồm có lính của Ai cập, Saudi Syria, Kuwait v.v… Tướng S. bầy trận như là Quân đoàn XVIII và Quân đoàn Thuỷ quân lục chiến sẽ đánh thẳng tràn từ Saudi sang Kuwait, Quân đoàn VII Thiết giáp và Quân đoàn Ả rập sẽ đánh ngay ở ngã ba biên giới Saudi Arabia, Iraq và Kuwait.
Tướng S. cũng làm như sẽ dùng Thủy quân lục chiến đổ bộ xung phong lên bờ biển trên tỉnh Kuwait city vào hậu cần địch. Ông ta quảng cáo Thủy quân lục chiến tập trận đổ bộ thành ra Iraq tập trung quân lính thật kiên cố ở ngã ba biên giới và biên giới giữa Kuwait và Saudi Arabia và ở bờ biển phía Bắc Kuwait. Iraq xây nhiều hàng rào kẽm gai chằng chịt với hố sâu cộng với mìn (nghe nói Iraq đã rải 10 triệu mìn trên biên giới ba nước). Đã thế còn có những rãnh sâu đổ đầy dầu để đốt lên ngăn cản chiến xa và có chiến xa Iraq nằm sẵn để bắn vào quân đội đồng minh (killing field). Chỗ đó Iraq cho là chỗ hướng tấn công của đồng minh khi đồng minh tưởng chỗ đó là chỗ yếu-soft spot-không có mìn hay hố sâu.
Đó là chưa kể chuyện mà tất cả quân đồng minh đều e sợ là vũ khí hoá học. Iraq lại có tụi Vệ binh cộng hoà (Republican Guards) gồm các đơn vị tinh tú nhất được trang bị với chiến xa và các vũ khí tối tân nhất gồm chừng 150.000 quân. Saddam Hussein dùng tụi Vệ binh cộng hoà này làm Tổng trừ bị đóng ở ngay biên giới Bắc Iraq và Kuwait để sẵn sàng đánh xuống thẳng chỗ biên giới nào bị chọc thủng.
Trong lúc không quân đồng minh oanh tạc ngày đêm không ngừng cắt đứt các trục lộ giao thông, tiếp tế cho các sư đoàn Iraq vùng Kuwait và tàn phá các não truyền tin cộng với sự “neutralize” không quân Iraq đó thì Tướng S. ra lệnh cho Quân đoàn XVIII Nhảy dù và Lê Dương Pháp thay đổi chỗ đóng quân đi về phía Tây rất xa khỏi biên giới ba nước. Quân đoàn VII Thiết giáp cũng đổi chỗ ra phía Tây ngoài khoảng biên giới được phòng vệ kiên cố. Quân đoàn Ả rập thay thế chỗ Quân đoàn Nhảy dù.
Trong khoảng thời gian từ ngày 17 tháng Giêng cho đến ngày tràn đánh bộ 27 tháng Hai, đường quốc lộ Tap Line song song với biên giới lúc nào cũng rầm rộ xe cộ di chuyển cả ngàn xe tăng lẫn đại bác cộng với xe vận tải chở bom đạn và xăng nước. Vì Iraq không có không quân và vệ tinh dọ thám nên quân địch không biết chiến trận mới. Đã thế, dù biết Iraq cũng trở tay không kịp, không thể nào đào hầm hố và gắn mìn thêm hai biên giới hơn vì không quân đồng minh tàn phá bất cứ xe cộ nào di chuyển cả ngày lẫn đêm.
Ngày ngày nghe thuyết trình tình hình đồng minh và địch, N. thấy tội nghiệp cho lính Iraq. Các lính biên giới phần đông ít học và bị miễn cưỡng phục vụ trong quân đội. Ăn uống thì thiếu thốn và chỉ được phát một bữa ăn rất thanh đạm, và ngày đêm lúc nào cũng mang máng sợ bom rớt ngay trên đầu. Tuy vậy, số lính Iraq trốn đầu hàng sang Quân đoàn VII của N. tương đối ít, vài trăm… Sở dĩ như vậy là vì chiến tranh tâm lý của Iraq rất tàn bạo và có tin có toán công an đi tới các đơn vị ngoài biên giới và xét trong túi ai có khăn trắng thì bị xử tử ngay.
Thêm nữa, cũng như hồi ở Việt Nam, không quân Mỹ dùng B52 thả bom truyền đơn xuống vùng địch rải rác các tờ chiêu hồi viết bằng tiếng Ả rập bảo là cầm các tờ chiêu hồi đó ra đầu hàng sẽ được đón tiếp tử tế. Các toán công an đó cũng sẽ giết ngay những người nào mà trong túi có những tờ chiêu hồi đó. Thêm vào đó khi B52 rải bom truyền đơn chiêu hồi, các sĩ quan Iraq cấm binh lính ra khỏi hầm hố mà chia nhau ra nhặt và thủ tiêu tất cả các truyền đơn đó. Rất đắc lực là địch quân nhồi sọ khá tốt vào các toán quân Iraq ít học là nếu bị bắt hay đầu hàng với Hoa Kỳ thì sẽ bị giết ngay (vì lính Hoa Kỳ không có đạo Hồi giáo). Thành ra, tin tình báo cho biết, nhiều lính Iraq đào ngũ không xuống phía Nam đầu hàng quân đội đồng minh mà trốn ngược lên phía Bắc về với gia đình ẩn nấp.
Có một lần, quân đoàn VII có bắt được một lính Iraq sang đầu quân. Khi tra vấn thì được biết, hắn ta là một bác sĩ bị động viên bổ xung đi lái chiến xa. Thảo nào khi đánh tràn đường bộ sang Iraq, lính địch đầu hàng nhanh chóng và tan rã khá nhanh.
Ngày 21 Febuary 1991 (hay Ground day minus 3), Sư đoàn 1 Thiếp giáp Hoa Kỳ 1st Armored Division (1AD), đóng ở Forward Assembly Area (FAA) Garcia gần biên giới Iraq bắt đầu bắn pháo binh sang đất địch hai ngày liền.
Ngày 23 Feb (G-1), Trung đoàn 4 Trực thăng thuộc 1AD, sai một Đại đội trực thăng Apache AH-64 tấn công thám thính sang Iraq trong vùng hành quân của 1AD.
Ngày hôm sau, 24 Feb. (G-Day), Tiểu đoàn 19 Công binh của 1AD chọc thủng 250 chỗ rộng tám thước qua mô đất phòng tuyết địch ở biên giới để sửa soạn cho 1AD tràn qua. Lúc 12 giờ trưa, Quân đoàn VII báo động cho 1AD biết là sửa soạn tấn công 18 giờ trước kế hoạch định trước. Đúng ra là ngày G-Day chỉ có Sư đoàn 1 Bộ binh (1ID) và Sư đoàn Thiết giáp Anh quốc (1AD-UK) tràn đánh sang mà thôi, để địch tin tưởng mà dồn quân vào chỗ ngã ba biên giới Kuwait, Iraq và Saudi Arabia. Sau đó ngày G+1, Sư đoàn 1AD và Sư đoàn 3 Thiết giáp Hoa Kỳ (3AD) mới đánh bọc hông sang Iraq. Nhưng vì thấy địch tan rã nhanh chóng ở mọi tuyến, nên Quân đoàn VII ra lệnh cho 1AD đánh sớm hơn 18 tiếng dự định, cũng vì vậy mà N. hỏng kế hoạch định trước nên bị cắt đứt liên lạc với Tổng Hành Dinh Tướng Sư đoàn trưởng 1AD. 1AD quá mạnh thế đánh như chẻ tre đi đến đâu thì địch (vì địch quân ở biên giới là đơn vị yếu, phần đông là tân binh quân dịch) mới bắn vài phút đã đầu hàng ngay.
Cơn hăng say chiến thắng làm quân Mỹ lăn xả tấn công luôn vào đơn vị thiện chiến Republican Guard của Iraq một cách hùng hổ, nên địch quân chỉ chống cự một chút lát rồi cũng bỏ chạy luôn.
1AD tiến quá nhanh đến nỗi các xe tăng và trực thăng sáng này G+3 thì hết nhiên liệu, phải cho tiếp tế mới đánh tiếp được.
Lúc 5 giờ chiều ngày G+3, có tin là sẽ ngưng chiến, Tướng Sư đoàn trưởng 1AD, Thiếu Tướng R. G. (về sau thăng chức Đại Tướng Tham Mưu Phó Lục Quân) bèn ra lệnh tập trung tất cả pháo binh, trực thăng Apache và chiến xe, dồn đánh mạnh mẽ để tiêu diệt tàn quân của Iraq Republican Guard càng nhiều càng tốt trước khi lệnh ngưng chiến được ban hành vào 8 giờ sáng ngày 28 Feb 1991. Đêm đó, suốt cả đêm, súng đạn, rockets bay ngợp trời như pháo bông thi đua tàn phá.
Chiều hôm đó, N. bay đi thăm trạm cứu thương của Tiểu đoàn 2-1 trực thăng tấn công Apache, khi đáp xuống thì y tá báo tin ngay cho N. biết coi chừng đáp nhầm phải các bom cluster chưa nổ mà Không quân Hoa Kỳ rải đầy rẫy vào chỗ địch quân đóng lúc trước. N. cũng được tin là xe của Đại tá Tham Mưu Trưởng cán phải bom bị nổ tung, nhưng hên là ông ta không bị sao cả, chỉ bị một cơn hú vía mà thôi.
Khi bay trên đất địch, N. trông thấy đằng xa ở giữa sa mạc lố nhố một đám đông lính đứng ngồi lổm xổm, bay lại gần thì hoá ra đó là lính tù binh Iraq đầu hàng. Thật là một cảnh tượng lạ, cả đến hơn trăm lính tù binh, người thì buộc khăn trắng trên cánh tay hay trên đầu, người thì cầm khăn trắng, mà chỉ có hai xe HMVV (jeep kiểu mới) với vài lính Quân cảnh Mỹ đứng gác mà thôi, chả có hàng rào kẽm gai gì cả. Trông thấy họ có vẻ sung sướng mà đầu hàng. Hỏi ra thì được biết, đám tù binh đó mới đầu hàng, đang được tập họp ở sa mạc để được di chuyển đến trại tập trung tù binh.
N. vào gặp Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Apache, Trung tá W. kể lại là 36 giờ đầu khi bắt đầu tấn công, ông ta không được nghỉ gì cả, lúc thì bay tấn công, lúc thì ở bộ chỉ huy lo điều động tấn công. Ông ta kể rằng có lúc ông ta bay tới gần chỗ có địch quân trú đóng, mới có bắn một vài tràng chỉ thiên thì bất thình lình cờ trắng bay phất phới tùm lum cả lên. Ông ta bèn ra lệnh cho các trực thăng dưới quyền ngưng bắn (on hold), ông ta chỉ sợ các trực thăng của các đơn vị khác hay pháo binh yểm trợ phía sau không biết là địch quân đã đầu hàng rồi mà vẫn bắn diệt thì đám quân đã đầu hàng rồi sẽ bị tàn sát một cách quá đáng. Trong một lúc tâm tình chân thật, ông ta kể là từ trước tới nay, ông ta rất hăng say chiến đấu bắn phá, nhưng lúc này, ông ta thấy chán nản vì sự phá hoại, khổ sở, tàn khốc của chiến tranh. Thêm vào đó, Trung đoàn 2 Thiết giáp Hoa kỳ có tiếng là rất hăng say tận diệt quân Iraq sẽ tiến tới sau máy bay trực thăng, ông ta không biết họ có nới tay cho đám tàn binh đã đầu hàng rồi hay không?
N. được Trung tá W. sai lính dẫn đi xem hầm trú ẩn của quân Iraq gần đó. Lúc đó, gió bão cát (shamal) đã bắt đầu thổi tới, N. từ chối không tránh bão cát mà vội lấy khăn che mặt mũi và đeo kính để đi xem nơi trú ẩn đóng quân của Iraq. Ngoài các xe vận tải bị cháy đen thui chỉ còn sườn xe mà thôi, có nhiều dụng cụ sửa xe kềm kẹp bỏ ngổn ngang, hỏi ra, hóa ra đó là một trạm quân cụ của Iraq. Tới một hầm trú ẩn của Iraq, N. cảm thấy tội nghiệp cho lính Iraq, phải sống quá thiếu thốn, bẩn thỉu (kém hơn cả Việt Nam lúc trước), vài đồ đạc, quần áo dơ dáy, nghèo nàn, vứt tung toé chung với một vài bãi phân. Chung quanh hầm hố vẫn còn phảng phất mùi thuốc súng lẫn với khói của các xe vận tải còn cháy. Thượng sĩ S. tỉnh bơ chui xuống một hố rãnh trú ẩn dưới đất, mặc dầu N. can ngăn coi chừng mìn bẫy hay là bị nhiễm bởi chất hoá học. N. chỉ đứng ngoài cửa hầm ngó vào và hét coi chừng mà thôi. Chắc Thượng sĩ S. nghĩ rằng tụi Iraq vì quá hoảng sợ đâu có tinh thần chiến đấu gì đâu, phải lo bỏ chạy trốn hay đầu hàng, nên đâu có thời giờ gài bẫy mìn mà sợ. Chuyện đó cũng đúng thật, vì sau đó chả có báo cáo nào về mìn bẫy cả. Nhưng theo N. cẩn tắc vô áy náy vẫn hơn. Sự thật thì chỉ có tin là quân đồng minh dẫm phải bom bi cluster của Mỹ hay đã tinh nghịch (hay dại dột) nhặt cất dấu bom bi làm kỷ niệm, rồi vì một lý do nào đó làm rớt ra nổ tung bị thương. Thượng sĩ S. có lấy được vài tách uống trà bằng nhôm rẻ tiền, và nhặt được một khăn chùm đầu mà dân Ả rập thường dùng, N. khuyên phải giặt kỹ vì coi chừng rận chấy hay có thể bị dính chất hoá học.
Sau đó N. trở lại lều của Trung tá W. và dùng cơm trưa ở đó (Meal Ready to Eat hay MRE). Vừa ăn, ai nấy tuy mệt nhưng nhẹ nhõm vì chiến tranh gần như đã xong. Radio kể là địch tan rã và đầu hàng cả chục ngàn người. Radio còn chế diễu là Saddam Hussein đang học bài “Mother of all battles”. Radio còn chế diễu là tự nhiên Không quân Iran lại được tăng cấp số quá nhanh vì cả trăm máy bay tối tân của Iraq khi bay sang Iran để lánh nạn, nay bị chính phủ Iran tịch thu.
Tới lúc này thì tinh thần chiến đấu của 1AD lên quá cao. Quân lính bàn tán là sẽ tới lúc Iraq được xem “Mother of all parades” ở ngay tại Baghdad. Thêm vào đó là nếu Iraq thua to như vậy, thì trong tương lai, đối như các nước bại trận như Đức quốc xã hay Nhật bản, thì chỉ trong vòng độ 20 năm sau, dân chúng Mỹ lại sẽ tranh nhau mua xe Iraq vừa rẻ lại vừa tốt tràn ngập thị trường Mỹ.
Đài phát thanh Mỹ, lúc này bắt đầu hàng ngày đề cao cảnh giác lính Mỹ đừng nhặt bom, lựu đạn chưa nổ để làm kỷ niệm vì đã nhiều lính Mỹ bị tử thương vì cố ý nhặt, dấu bom đạn chưa nổ đem về làm kỷ niệm. Có tin lúc đầu là có hai bác sĩ bị tử thương, như vậy về sau kiểm điểm thì Bộ Tư Lệnh Mỹ xác nhận chỉ có một bác sĩ chết như vậy mà thôi. (khi về lại Mỹ thăm gia đình, sau đó M. em vợ của N. ở New York City kể lại là M. có nhận được message long distance để lại trong recording machine, đúng lúc sau khi M. hay tin trên radio là có một bác sĩ bị tử thương, M. hoảng hốt vì sợ đó là tin gia đình báo cho biết có tang). Nhưng may quá, M. gọi lại thì được biết chỉ là một cú điện thoại liên lạc gia đình thường mà thôi. Sở dĩ như vậy là vì trên tivi hay trong radio họ có báo tin người bị tử thương nhưng không nói tên họ để cho họ báo tin cho gia đình biết trước.
Bây giờ là đầu tháng Ba, mùa Xuân ở sa mạc, gió bắt đầu thổi mạnh hơn, shamal (bão cát) xảy ra thường xuyên và kéo dài lâu hơn. Gần như là cứ hai, ba ngày lại có một shamal, kéo dài từ một đến ba ngày. Khi bão cát xảy ra thì lều vải dễ bị kéo sập như chơi nếu không đóng cọc cột chặt. Ban ngày lái xe phải đóng cửa kín mít. Đã nóng, lại nóng thêm. Đã thế, cát thổi lại cứ tung làm trời mặc dù bữa trưa cũng tối mịt không trông thấy gì cả nếu quá độ năm thước. Có lần N. lái xe Jeep Cherokee, đi từ trại này sang trại nọ chỉ cách có mấy cây số mà đi loanh quanh, lạc tùm lum cả lên, đến nỗi phải chịu thua mà lần mò lái xe trở về trại cũ! Sở dĩ như vậy là mặc dù lúc đó là giữa trưa, nhưng bão cát làm tối mịt, gió thổi quá mạnh, đường đi không thấy gì hết vì cát phủ bay che hết tất cả các dấu vết chỉ đường (như rãnh đất hay một vật làm chỉ điểm-một xác chết của một con cừu chẳng hạn). Mặc dầu trên xe có compass nhưng cũng không ích lợi cho lắm vì không có điểm ngắm mà tính toạ độ. Hơn nữa N. sợ cán lạc đà hay lái vào một hầm hố rãnh sâu thì còn khổ hơn. N. bèn đậu xe lại định tâm thì may thay có một xe HMMV từ từ xuất hiện tới, N. bèn lái theo sau thì buồn cười là xe này đi về Tổng Hành Dinh của N. nên N. lại trở về chỗ cũ.
Ở trong trại cũng rất khổ vì bão cát, dù có chăn bít bùng kỹ đến đâu, cát bụi vẫn lọt vào lều và phủ đều lên bàn ghế, ghế bố. Lúc đầu N. còn cố phủi giữ bụi thường xuyên hằng ngày, nhưng sau đó, N. chịu thua vì như công dã tràng, mới phủi xong thì cát lại bay tới phủ lên như cũ. Thôi đành sống với cát bụi vậy. Ban ngày thì đeo kính và che mặt, còn đêm thì choàng khăn mỏng lên che khắp mặt mũi mà ngủ. Nếu nóng quá vì hơi thở qua mũi làm nóng, thì N. phải nằm nghiêng cho khăn xoả xuống như thế hơi thở có chỗ thoát ra. Chứ nếu ngủ mà không che mặt thì phổi hít đầy cát dễ như chơi. Khi ăn uống cũng vậy làm sao che đồ ăn được. Lúc đầu N. còn chê không ăn khi có bão cát, nhưng sau đó cũng phải ăn tưới hạt sen, vì phải ăn để mà sống.
Lúc này quân lính bắt đầu bàn tán ngày trở về với gia đình. Trước hết vì phần lớn sư đoàn đóng ở biên giới Kuwait và Iraq, họ tiên đoán là ngày nào sẽ trở về Saudi. Không ai biết rõ ngày nào rút quân về Saudi cả. Ai nấy đều bồn chồn, hỏi cấp trên thì không có ai biết cả, người thì đồn đó là tùy Đại Tướng S., người lại bảo đó là tùy Tổng thống Bush, còn người thì nói đó là tùy Liên Hiệp Quốc, người thì kết án Saddam Hussein không chịu nhượng bộ đầu hàng v.v ..v.v
Tóm tắt ai nấy đểu sống trong một khung cảnh hoang mang, chán nản, vì đời sống càng ngày càng khổ cực, vì càng ngày càng nóng hơn và bị bão cát nhiều hơn.
Có nhóm sĩ quan và lính thuộc Sư đoàn Tiếp liệu thì tếu và thực tế hơn, họ chung tiền góp lại mỗi người đóng một số tiền bằng nhau và mỗi người sẽ chọn tiên đoán ngày nào sẽ trở về gia đình, người nào đoán trúng ngày trở về (hay ngày gần nhất) sẽ được thưởng số tiền đó để tổ chức một bữa nhậu nhẹt chung hay làm gì đó tùy người thắng cuộc.
Tình hình chiến tranh thì tương đối êm. Mặc dầu vậy mỗi ngày mật lệnh vẫn được áp dụng. Khi đi đến gần tới cổng, thì lính gác sẽ nói một câu trong đó có mật hiệu, người đi vào trại phải trả lời chữ mật hiệu đáp lại. Cũng chỉ vì vẫn có tin là Iraq và tụi Palestine đồng minh địch vẫn tìm cách khủng bố phá hoại.
Đám tàn quân Iraq ngày ngày khoảng từ 200 đến 300 người vẫn tới đầu hàng đều đều. Phần nhiều họ đầu hàng vì do lời đồn là sẽ được cho ăn uống tử tế. Lẽ dĩ nhiên là họ rất vui mừng được lĩnh MRE (Meal Ready to Eat) và các chai nước suối cho khỏi đói khát. Nhưng sau đó ăn mãi MRE (cả lính Mỹ cũng vậy) ai nấy đều chán phè nên lính bèn đổi MRE ra MRI (Meal Rejected by Iraqis).
Số tù binh càng ngày càng lên cao, nên N. phải lo thêm tiếp liệu thuốc men cho cấp số tăng gia. Thêm vào đó, khi đến gần thành phố thì không những có quân Iraq ra đầu hàng, mà lại còn có hàng trăm ngàn dân Iraq gồm cả ông già, bà cả lẫn con cái cũng tới xin quân đội Mỹ cho ăn uống và che chở cho khỏi bị tụi tàn quân Iraq phá nhiễu. Vì kho tiếp liệu thuốc men đâu có dự trữ thuốc con nít, nên N. lại phải chạy lên chạy xuống lo đi mua hay đặt lệnh phát thuốc đàn bà con nít như sữa, trụ sinh v.v…
Do những dân trú nạn và lính Iraq đầu hàng, Tướng Sư đoàn trưởng biết được rất nhiều chuyện dã man do lính của Saddam Hussein gây ra chẳng hạn như xử bắn bừa bãi, treo cổ cả dân lẫn lính nào mà có ý hay tư tưởng phản lại với hắn. Còn hiếp dâm hay đốt phá nhà thì xảy ra thường xuyên, ai nấy đều căm thù Saddam.
Bây giờ là lúc củng cố thu nhặt tất cả các thuốc kiểm soát (controlled substance) như Atropine, P, Valium, Cipro (để phòng ngờ chiến tranh hoá học và vi trùng), mà sư đoàn đã phát cho lính trước để dùng khi cần, N. cũng phải lo phổ biến và căn dặn lính phải uống Chloroquine để ngừa sốt rét.
Các bác sĩ lúc này cũng nóng lòng chờ lệnh về nhất là các bác sĩ reservist sẽ được về trước vì Quốc Hội Mỹ muốn đỡ tốn tiền phải trả lương phụ trội cho reservist. Thế là các bác sĩ đó nhao nhao lên chất vấn N. đòi biết ngày về. N. chả có tin nào cụ thể cả, toàn là tin đồn, nên N. chỉ trả lời yêu cầu của họ để đốc thúc Phòng 1 (Nhân viên) mà thôi.
Thêm vào đó N. lại phải xúc tiến và phổ biến chương trình phòng ngừa bệnh tâm thần để quân lính Mỹ khi trở về gia đình tránh bỡ ngỡ có thể gây phiền nhiễu trong đời sống gia đình hằng ngày. Sở dĩ như vậy là khi lính vắng mặt xa gia đình một thời gian khá lâu, thường thường lính là phái nam hay làm chủ gia đình, người vợ đương nhiên phải quyết định lấy một mình trong cuộc sống hằng ngày. Nay tự nhiên lại có người trở về đòi tước lại quyền chủ gia đình, thay đổi cách sắp đặt, hay nói cách nuôi con cái nên khó tránh phải xích mích trong gia đình. N. bèn lại phải bàn với Y sĩ Đại úy L.S. chuyên môn về thần kinh tâm trí làm một chương trình giảng dậy, khuyên bảo phòng ngừa cho binh lính. (Nữ Bác sĩ này hơn mười năm sau đó được thăng chức Chuẩn tướng).
Ngày 6 March 1991, sư đoàn N. được đề cử một số lính được trở về nhà trước, lẽ dĩ nhiên, đám lính này được chọn trong các đơn vị tới Saudi Arabia sớm nhất. Những lính may mắn này thật sự không may mắn lắm vì được lệnh trở về đã lại phải gấp rút mà lại còn phải sửa soạn quần áo chỉnh tề để diễn binh chiến thắng ngay ngày hôm sau tại phi trường Dharan mờ người.
Rồi sau đó, có lệnh sắp xếp các đơn vị để rút quân từ tiểu đoàn hay từ loại bệnh viện (Evacuation Hosp., Combat Support Hospital CSH hay MASH). Ai nấy đều vui mừng vì như vậy là chắc được về chứ không phải bị ở lại để yểm trợ cho Kuwait.
Tướng Sư đoàn trưởng ra lệnh cho hậu cứ sư đoàn hoàn tất cấp tốc một chỗ tạm trú tập trung quân trước khi trở về Đức quốc. Thế là cả hậu cứ điên đầu cả lên, dựng lều, lát sàn giữa sa mạc, lập PX, che dù làm một khu giải trí gồm có chỗ cho ban nhạc chơi, chỗ ăn hamburger miễn phí, chỗ xem ciné video và một lều lớn để điện thoại. Tội nghiệp cho Tiểu đoàn Công binh, lúc đánh nhau phải hốc hác đi đầu để phá các mô đất, chiến lũy, lấp rãnh tuyến sâu, phá mìn nay phải phá các kho đạn của Iraq và cộng thêm phải xây khu giải trí kể trên.
Nhưng rồi cũng xong trong vòng bốn tuần, một khu giải trí khang trang được hoàn thành. Lính khi tới đó được tự do ăn hamburger, hot dog và uống Coca, Sprite thả dàn, đó là một cái sướng ở sa mạc vì ở ngoài mặt trận nào có McDonald đâu mà ăn. Sau đó có ban nhạc của USO và của Sư đoàn 1AD chơi nhạc mỗi đêm. Ngoài ra có bốn “rạp xinê” với video với free popcorn mà thưởng thức. Chỉ tiếc là lính khi về tới đó đâu có thời giờ thưởng thức đâu. Ngoài vụ dựng lều hay dẹp lều lại đi rửa xe gấp rút cho hết cát bụi trong vòng có vài ba ngày để cho đúng kịp ngày chuyển vận lên tàu.
Trong lúc nôn nao sửa soạn ngày về thì bỗng nhiên thường dân Iraq lánh nạn lại lên cao quá nhiều vì tàn quân phản công trở lại đánh tụi Iraq Shiites nổi loạn gần thành phố Basra. Cả trăm ngàn thường dân bị thương tới tràn ngập các trại cứu thương của Mỹ. Thượng cấp bèn ra lệnh vài Evacuation Hospital, MASH trở lại vùng giao binh để giúp chữa trị. Có một Evacuation Hospital đã dọn về gần phi trường Dharan để chờ ngày trở về Mỹ, quân lính đang thu xếp quân nhu thì được lệnh phải trở lại Iraq. Đương nhiên thì tất cả sĩ quan và binh lính buồn ra mặt. Vài tên lính quá khích đã rạch lốp xe và phá máy xe vì như vậy sẽ khỏi phải lái xe trở lại Iraq. Lẽ dĩ nhiên các tên lính đó đã bị bắt và cho ra Toà án Quân sự Mặt trận xử án. Thật là tối dạ! Đã sống qua những lúc khó khăn, khổ nhất trong khi chiến đấu mà nay lại bị khổ vì một lúc bốc đồng.
Lúc này N. vẫn phải hằng ngày đi họp với Bộ chỉ huy và lo các công việc hành chánh như viết giấy ban khen, giấy phê bình điểm, giấy chứng minh xin ban huy chương cho các nhân viên dưới quyền. Cái khó là ở ngoài sa mạc N. đâu có thư ký đánh máy photocopy gì đâu. Thành ra N. lại có màn phải đi đề mẹc xin xỏ các trưởng phòng khác vì họ có xe expand-van đủ nhân viên, dụng cụ phòng làm việc. Tất cả các giấy tờ kể trên đều phải hoàn tất cho các binh lính trước khi họ bước lên máy bay trở về đơn vị cũ của họ.
Ngày 20 tháng Tư năm 1991, N. được tin nhóm quân y của Sư đoàn 1AD của N. sẽ được trở về Đức quốc trong vòng 10 ngày sắp tới. Tài xế của N. vui mừng ra mặt và ngày ngày gạch xoá những ngày còn lại trên tờ lịch hàng tháng.
Lúc này thời tiết càng ngày càng quá nóng. Buổi trưa nhiệt độ lên tới 110 độ là thường có khi lên tới 130 độ! Nóng nắng dã man, buổi trưa là lúc nóng nhất, N. ra chỉ thị của Tướng Sư Đoàn là từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều không ai được tập thể dục hay chơi bóng chuyền ngoài nắng gì cả. Sở dĩ như vậy là vì có một lính ở Quân đoàn VII chơi bóng chuyền giữa trưa bị xỉu rồi chết luôn. Hơn nữa N. đề nghị với Sư đoàn trưởng cho phép tất cả các binh lính làm việc trong khoảng thời gian đó được cởi áo ngoài, chỉ cần mặc áo thung mà thôi.
Nắng quá nóng đến nỗi N. phải quẹt qua mặt với khăn ướt nước để cho bốc hơi mát mỗi 15 phút phải làm lại. Như vậy gần như là lúc giữa trưa chả có ai làm việc được đắc lực gì cả. Lẽ nhiên ai nấy đều phải uống nước thường xuyên, mỗi ngày tám lít nước. Thượng sĩ Thường vụ của N. khuyên cho các chai nước suối vào bít tất dài thấm nước tránh để cho nước bốc đi, thì quả thật chai nước giữ như vậy thì uống mát hơn là không bọc chai. Đại đội Tổng hành dinh của N. được một tí xa hoa hơn là vì khi chiếm đóng một Câu lạc bộ sĩ quan của Iraq có xung công được một kho chứa đầy nước hộp và chai Perrier có nước chanh do đó uống nước dễ chịu hơn.
Ngày 24 tháng tư khoảng 9 giờ tối một trận bão cát khá mạnh thổi tới, vài lều bị thổi tung cả lên, cây chống lều đập vào đầu của vài người, máy bay trực thăng bị lật đổ.
May là lều N. được đóng rất vững chắc chỉ bị gió cát bay vào thôi, nhưng đêm đó vô cùng khổ cực, đã rất nóng (tuy là đêm nhưng vẫn nóng vì là gió nóng) lại bị cát bụi mù làm rất khó thở. Hôm sau N. phải đi vào các bệnh viện dã chiến thăm các thương binh, may là không có ai bị tử thương cả. Cũng may là nhờ có neurosurgeon sẵn tức trực mổ.
Ba ngày hôm sau thì có lệnh rút trại đi vào KKMC Hotel Kelly để làm thủ tục lên máy bay về Đức. Gọi là Hotel Kelly nhưng chính thực ra thật là một hangar lều lớn chứa tới 200 đến 300 người. Mỗi người chỉ có đủ chỗ cho một ghế bố nên rất ồn ào nóng bực khó chịu. Ai nấy đều nôn nao chờ về nên chả ai ngủ được mấy. Hôm sau cả ngày chỉ ngồi chờ lúc thì cho quan thuế tới khám xét rất khắt khe. Sở dĩ có sự khám xét kỹ càng là vì thượng cấp lo là có vài tên lính tối dạ đem theo đạn dược mìn chưa nổ làm chiến lợi phẩm để rồi vô ý làm nổ như vị bác sĩ quân y tử thương lúc trước. Thành ra tất cả quân trang đồ đạc ở trong Duffel bag phải đổ ra bầy trên ghế bố để được khám xét. Lệnh ban ra là nếu ai bị bắt tàng trữ đồ cấm đó thì cả đại đội đều bị ở lại. Thành ra không những quan thuế tới khám xét trước đó, Thượng sĩ Thường vụ Đại đội đã khám rồi. Ở ngoài lều có để vài thùng phuy xăng lớn trống để ai có tàng trữ đồ cấm đem đổ vào đó trước khi khám xét thì không có tội gì cả.
Ăn thì được tụi Ấn độ đấu thầu cho ăn gà quay, hamburger và trái cây tươi thành ra cũng tạm được. Binh lính đồn tếu là được ăn thả cửa như vậy cho béo để khi về nhà vợ con gia đình nhận ra được.
Ngày hôm sau thì được dời vào nhà tạm trú tại ngay phi trường ngủ qua đêm để trưa hôm sau tất cả bước lên máy bay phản lực Boeing 747 của hãng Towers Airlines do quân đội Mỹ thuê. Lính và sĩ quan cấp úy thì ngồi ở coach class, còn các tướng tá thì được ngồi ở first và business class. Khi máy bay thực sự cất cánh, tất cả đều mừng rỡ và vỗ tay. Ngó qua cửa sổ N. trông thấy các dãy lều vải trên sa mạc mà thấy bùi ngùi nhưng không có một tí luyến tiếc gì cả.
Bay độ năm giờ sau thì máy bay đáp xuống phi trường Nuremberg. Khi bước xuống cầu thang thì đã có thảm đỏ trải sẵn và có lính dàn cờ cùng Tướng Tư lệnh Phó sư đoàn hậu cứ đứng đón bắt tay từng người. Chả bù lúc đi xuất quân chả có ai đi tiễn cả. Đến nỗi thời tiết lúc đó rất đẹp mát như ở Dalat lúc trước không như lúc đi trời mưa dầm dã như là Trời cũng buồn cho lính phải đi chinh chiến. Thật là khác với nhiệt độ 130 độ ở sa mạc Saudi Arabia. Khi đi toilet được dùng toilet bowl với flush thì thấy sướng, thế mới thấy cái gì bị cấm hay không được dùng mặc dầu tầm thường cũng thấy sướng, cũng như ăn mặn mãi mà được ăn một bữa chay mà thấy thoải mái (hay là ăn cơm/ăn phở?). Sau đó tất cả lên xe buýt về trại ở Ansbach. Gần tới trại, N. ngó lên các building bên đường mà thấy bồi hồi, vài bà Đức mập ú vẫy tay chào mừng vui cười. Cũng chỉ vì một phần buôn bán ở tỉnh nhỏ Ansbach bị ế ẩm vì phần lớn binh lính đi xa nay họ được tin là lính trở về lại nên họ vui tươi chung.
Tới doanh trại thì đã có ban nhạc sư đoàn đã tề tựu chỉnh tề đánh nhạc hân hoan chào đón. Cờ xí và vải chăng Welcome Home thêu với yellow ribbon được gắn tùm lum ở cửa trại và ở các dãy nhà trong trại. Hơn nữa hàng trăm thân nhân với quần áo loè loẹt rực rỡ mặt mày hân hoan chờ đón thân nhân trên xe bước xuống. Vì quá đông người, nên N. không thấy bà xã đâu. Kiếm một lúc cũng không thấy, đang hơi buồn thì có một người vợ một người bạn nói là có trông thấy vợ N. cũng đang lùng kiếm. Lúc đó N. mới thấy nhẹ nhàng trong lòng.
Ngày hôm sau có tin trên báo là tỉnh Ansbach là tỉnh đêm qua có trận động đất nhỏ. (Vùng Ansbach cả tới mấy trăm năm nay, không có động đất gì cả). Ai nấy đều ngạc nhiên, về sau vỡ lẽ là nhịp lên xuống ân ái trong phòng the đêm qua của cả trăm ngàn binh lính đã synchronized đến nỗi làm rung chuyển động đất. Đó là chuyện tếu để chấm dứt bài thư ngoài mặt trận: Desert Shield/ Desert Storm.
Nguyễn Dương
Y sĩ Đại Úy QL VNCH
Cựu Y sĩ Đại Tá QL Hoa Kỳ
Cựu Y sĩ Trưởng Sư Đoàn 1 Thiết Giáp Hoa Kỳ
(bài này được cập nhật January 2021)