|
Biên khảoSử Dụng Cường Điệu Và Bổ Ngữ Trình Độ...
#1 |
|
SỬ DỤNG CƯỜNG ĐIỆU VÀ BỔ NGỮ TRÌNH ĐỘ BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM CỦA MẠC NGÔN VÀ CÁCH DỊCH SANG TIẾNG VIỆT
Mạc Ngôn (莫言; bính âm: Mò Yán) (nghĩa là không nói) tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
NHÀ VĂN MẠC NGÔN (GIẢI NOBEN VĂN HỌC 2012)
Mạc Ngôn (莫言; bính âm: Mò Yán) (nghĩa là không nói) tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng truyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Ông đoạt giải Noben văn học 2012. Hiện nay, ông là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
(Theo Wikipedia mở)
1. Khái niệm về khoa trương
Khoa trương (hyperbole) là một từ có xuất xứ từ tiếng Hi Lạp, được giải thích trong từ điển Oxford: “Lời nói cường điệu nhằm một tác động đặc biệt và không để được hiểu theo đúng nghĩa đen. Ví dụ: I’ve invited millions of people to my party: Tôi đã mời hàng triệu người đến dự bữa tiệc tôi thết”.[7, 828]
2. Các quan điểm về khoa trương
2.1. Quan điểm của một số học giả về khoa trương
Theo các tác giả Hoàng Bá Vinh và Liêu Tự Đông thì: “Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, khi cần nhấn mạnh một ý nào đó, người ta cố ý nói quá sự thật; cái việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối người, sự vật hoặc hiện tượng, tức đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được gọi là khoa trương; nghĩa là, trên cơ sở hiện thực khách quan đối với đặc trưng của sự vật, hiện tượng, người ta tô vẽ một cách hợp tình hợp lí làm cho người đọc cảm thấy cái điều nói ra có một ấn tượng sâu sắc nhưng vẫn chân thực có thể tin cậy được”.[8,154]
Tác giả Vương Hy Kiệt thì cho rằng: “Khoa trương là cố ý nói quá sự thật, hoặc phóng to hoặc thu nhỏ sự thật. Mục đích của khoa trương là làm cho người nghe/ đọc có một ấn tượng càng thêm sâu sắc đối với nội dung biểu đạt của người nói/ viết. Chẳng hạn,“天无三日晴/地无三尺平” (Trời không có ba ngày nắng / Đất không có ba thước bằng phẳng) nói về đặc điểm thời tiết và địa hình của Qúy Châu, là lối nói khoa trương. ” [9, tr. 296]
Tác giả Trương Huy Chi thì cho rằng: “Khoa trương là nói quá sự thật, là phương thức biểu đạt mà vì một yêu cầu nào đó người ta cố ý phóng to hoặc thu nhỏ hình tượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ, số lượng của các sự vật. Khoa trương có vẻ như không phù hợp với thực tế, nhưng nếu vận dụng hợp lý có thể miêu tả sâu sắc bản chất sự vật, làm tăng thêm sức hấp dẫn của ngôn ngữ.” [10, tr.320]
Như vậy có thể thấy, quan điểm của các nhà Hán ngữ về khoa trương là tương đối thống nhất: nói quá sự thật trong đó có thể phóng to hoặc thu nhỏ sự vật, hiện tượng, tức là đối tượng cần miêu tả nhằm gây ấn tượng đối với người nghe, người đọc.
Tác giả Đào Thản cho rằng, phóng đại (còn gọi: khoa trương, thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu) là dùng từ ngữ hoặc cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Khác hẳn với nói điêu, nói khoác về tính chất, động cơ và mục đích, phóng đại không phải là xuyên tạc sự thật để lừa dối. Nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên. [2, tr. 2]
2.2. Quan điểm của người viết về khoa trương
Theo chúng tôi thì, khoa trương hay còn gọi là nói quá, là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Khoa trương có tác dụng làm nổi bật những ý cần diễn đạt. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, Mạc Ngôn viết:
(1) 女人们抱怨着, 弓着腰, 拉着大石磨, 轰隆轰隆, 急一阵慢一阵, 汗水滴落, 湿了磨道, 肚里噜噜响, 满腹的气体, 肚皮膨胀, 当着麻邦连屁都不敢放。麻邦的鼻子灵光如警犬, 嗅着屁味便能断定谁偷吃粮食。 《牛》
(Mồ hôi ròng ròng, bụng sôi ùng ục đầy những hơi là hơi, bụng trương lên, không dám đánh trung tiện nếu Mặt Rỗ có ở đấy. Mũi Mặt Rỗ thính như chó nghiệp vụ, ngửi mùi rắm là biết người nào ăn vụng thứ gì.) (Trâu thiến)
Trong số trước chúng tôi đã phân tích khoa trương trong một số tác phẩm của Mạc Ngôn. Trong số này chúng tôi tiếp tục giới thiệu khoa trương của Mạc Ngôn, tác giả đã dùng cường điệu và bổ ngữ trình độ để khoa trương ra sao.
3. Sử dụng cấu trúc cường điệu (nhấn mạnh) “连 … 也 / 都 …” (ngay cả… cũng…) biểu thị khoa trương
Trong tiếng Hán, người ta thường dùng cấu trúc cường điệu: “连…也/都...” để nhấn mạnh một hành vi, động tác hoặc một đối tượng nào đó. Bộ phận đặt giữa “连…也/都...” có thể là danh từ (ngữ danh từ), động từ (ngữ động từ) hoặc đại từ tạo thành đoản ngữ giới tân. Chức năng của 连 (ngay cả) là ngầm đưa ra tiêu điểm so sánh của chủ đề. Tân ngữ của连 (ngay cả), tức là tiêu điểm so sánh, nêu một ví dụ nổi bật, chẳng hạn như tốt nhất, xấu nhất, to nhất, nhỏ nhất, cần thiết nhất…, sau đó nói rõ một tình huống hoặc một kết luận chung. Hay nói cách khác là đưa ra một tình huống cực đoan nhất để nói rõ một sự thực, một lí lẽ, một tình huống thông thường. Cái ý ngầm so sánh của cấu trúc này là: đối tượng được nhấn mạnh mà còn như thế thì những cái khác đừng nói làm gì.
3.1. Vấn đề từ loại của连
Giới nghiên cứu tiếng Hán có rất nhiều người quan tâm đến từ loại của 连; âm Hán Việt đọc là “liên”, âm Bắc Kinh đọc là “lián”. Các học giả đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Chẳng hạn, Hoàng Thành (1956) cho rằng, 连 phải được qui về phó từ quan hệ; Trương Hữu Kiện (1957) cũng cho là như vậy. Lí Tĩnh Nguyên (1957) thì cho rằng 连 là liên từ tăng tiến, trong khi đó hai tác giả Nghê Bảo Nguyên và Lâm Sĩ Minh (1979) thì lại cho 连 là phó từ ngữ khí. Theo Paris (1979) thì 连 không phải là giới từ mà là chuẩn lượng từ (quasi-quantificateur); Gia Gia (1988) thì lại cho rằng, 连 là phó từ; trong khi đó theo Takahashi Mi won-yin (1993) thì 连 là giới từ. Ngoài ra, còn phải kể đến Hồng Ba (2001) cũng cho rằng 连 là giới từ. Tóm lại, mặc dù quan điểm có khác nhau, nhưng mọi người đều qui 连 vào hư từ. Chúng tôi cho rằng, 连 là một giới từ.
Cũng cần nói thêm rằng, trong tiếng Việt, cường điệu cũng có nghĩa là khoa trương, chẳng hạn: Cường điệu tính cách nhân vật. Còn trong tiếng Hán, cường điệu chỉ có nghĩa là nhấn mạnh. Trong bài viết này chúng tôi dùng chữ cường điệu với nghĩa như vậy. Hơn nữa, cường điệu không phải là cấu trúc “chuyên dụng” để biểu thị khoa trương. Nhưng dùng cường điệu để khoa trương sẽ có tính độc đáo và hiệu quả sẽ tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn, người Trung Quốc nói: 那房子连蚂蚁都进不去. (Căn nhà đó ngay cả con kiến cũng không chui vào được.)
Ý nghĩa của câu nhấn mạnh: ngôi nhà rất nhỏ, đến con kiến không chui vào được thì không còn cái nhà nào nhỏ hơn. Tiếng Hán có nhiều kiểu cường điệu; như đã trình bày, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu cách Mạc Ngôn dùng cường điệu với cấu trúc “连…都/也…” để biểu thị khoa trương.
3.2. Các thành phần sau连 (ngay cả)
(1) Thành phần sau 连 là chủ ngữ:
Trong câu, khi cần nhấn mạnh chủ ngữ, 连 (ngay cả) đặt trước chủ ngữ.
Biểu thức:
“连 S 也 / 都 V”
Cấu trúc này dịch sang tiếng Việt sẽ là biểu thức:
ngay cả / đến S cũng S - V
Các chữ viết tắt:
S: chủ ngữ
V: động từ
O: tân ngữ
P (phrase)
N (noun)
Predicat: vị ngữ
Idiom: thành ngữ
Ví dụ:
(2) 那时候我正处在爱热闹的青春前期,连村子里的狗都讨厌我。《牛》
Dịch giả Trần Trung Hỉ đã chuyển ngữ sang tiếng Việt:
(Thời ấy tôi còn là một đứa trẻ, chỉ thích xem những trò vui, thích tham gia vào những chuyện ồn ào, ngay cả chó trong thôn cũng chẳng ưa gì tôi.) (Trâu thiến)
Câu trên tác giả đã dùng hoán dụ để cường điệu và khoa trương (chó là thành phần trong cái toàn thể trong thôn). Ý nghĩa của câu là, đến chó trong thôn cũng không ưa gì tôi thì chẳng còn gì để nói nữa.
(3) 我的声音细得像蚊子嗡嗡一样,连我自己都听不清楚。 《美人冰雪》
Trong “Mĩ nhân băng tuyết” dịch giả Phạm Tú Châu khi dịch sang tiếng Việt đã thêm chữ “đến” thành cấu trúc “ngay cả đến” có chức năng đặc biệt nhấn mạnh; chính tôi chứ không phải ai khác.
(Tiếng tôi nhỏ đến mức như tiếng muỗi vo ve, ngay cả đến tôi cũng nghe không rõ.) (Mĩ nhân băng tuyết)
Như vậy, trong (1) và (2), 连 (ngay cả) nhấn mạnh 村子里的狗 (chó trong thôn) và 我自己 (bản thân tôi) là chủ ngữ trong câu.
(2) Thành phần sau 连 là tân ngữ:
Trong trường hợp nhấn mạnh tân ngữ, 连được đặt trước tân ngữ, sau chủ ngữ, trước động từ là vị ngữ trong câu.
Biểu thức: S连 O 也 / 都 V
Tương đương cấu trúc này trong tiếng Việt:
S连 O 也 / 都 V (là Predicat)
Ví dụ:
(4) 于是大喇叭里不停地广播,让各村的 贫下中农提高警惕,防止阶级敌人的破坏活动。各个村就把所有的“四类分子”关到一起看守起来,连大小便都有武装民兵跟随。 《牛》
Ví dụ này và các ví dụ sau trong Trâu thiến đều được dịch giả Trần Trung Hỉ chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:
(Loa phóng thanh trong trong toàn bộ công xã mở hết công suất suốt ngày đêm chỉ phát đi một nội dung duy nhất là yêu cầu bần hạ trung nông khắp các thôn trong toàn công xã phải đề cao âm mưu chống phá cách mạng của kẻ địch, yêu cầu các thôn phải quản thúc thật chặt bốn thành phần phản động trong thôn mình, ngay cả chuyện đi đái đi ỉa cũng phải có dân dân quân đi kèm.) (Trâu thiến)
(5) 我知道陈鼻这样说是出于对我的嫉妒,他生在我们 村长在我们村,连条苏联狗都没见着,如何知道苏联飞行员比中国飞行员技术好呢? 《牛》
(Tôi biết nó nói như vậy là vì nó đang đố kị với tôi. Nó sinh trong thôn, lớn lên trong thôn, ngay cả một con chó Liên Xô cũng chưa gặp thì làm thế nào mà biết được kĩ thuật của phi công Liên Xô hơn phi công Trung Quốc?) (Trâu thiến)
(6) 麻叔说:“看刚才那个吹劲儿,好像连老虎都能骟了,弄了半天连个小公牛都治不了!” 《牛》
(Nghe những lời ông nói, tôi đã cứ tưởng ngay cả hổ ông cũng thiến được, thế mà ngay cả một con trâu bé tẹo này mà ông cũng bó tay.!) (Trâu thiến)
Trong các ví dụ trên “大小便” (đại tiểu tiện), “条苏联狗” (con chó Liên Xô), “老虎” (con hổ) là các tân ngữ trong câu và đều đứng sau 连 .
(3) Mấy điểm cần chú ý
- Trong cấu trúc này ta có thể dùng 就是 để thay thế cho 连 với ý nghĩa 即使 (dù/ dù rằng/ dù… có đi chăng nữa), 哪怕 (dù là/ dẫu là/ dù cho), biểu thị giả thiết hoặc nhượng bộ.
就是có thể kết hợp với 别说đứng trước và phó từ 也đứng sau để tạo thành cấu trúc:
“别说… 就是 …也…”
Cấu trúc này dịch sang tiếng Việt hoàn toàn tương đương:
đừng nói… mà / ngay cả… cũng…
Mạc Ngôn cũng đã nhiều lần sử dụng cấu trúc này để biểu thị khoa trương. Các ví dụ sau đều trích trong Trâu thiến, bản dịch do Trần Trung Hỉ thực hiện. Cùng một cụm từ 就是六十个牛蛋子, chỗ thì ông dịch là mà sáu mươi hòn dái; có chỗ ông dịch là ngay cả sáu mươi hòn dái; như hai ví dụ dưới đây:
(7) 我说,你 回来得晚了,这会儿,别说六个牛蛋子,就是六十个牛蛋子也进了队长的肚子了! 《牛》
(Tôi bảo, mày về đây thì đã muộn, đừng nói sáu hòn dái mà sáu mươi hòn dái cũng đã chui tọt vào bụng của đội trưởng Quản rồi.) (Trâu thiến)
(8) 您老人家也不想想,麻叔像只饿狼,老董同志像只猛虎,别说六只牛蛋子,就是六十只牛蛋子,也不够他们吃的。 《牛》
(Sao ông không nghĩ mà xem, chú Mặt Rỗ của tôi có khác nào một con sói đói, lão đồng chí Đổng cũng chẳng khác nào một con hổ dữ, đừng nói sáu hòn dái mà ngay cả sáu mươi hòn dái cũng chưa chắc đã lấp đầy cái bụng không đáy của họ đâu.) (Trâu thiến)
(9) 别说是一头牛,就是一头大象、一只老虎,我今日也要做了它。”
(Đừng nói là một con trâu, mà ngay cả một con voi, con hổ, bữa nay tôi cũng phải xử lí nó.) (Trâu thiến)
Trong (8), “它” là đồng vị ngữ của “一头大象 / 一只老虎” (một con voi/ một con hổ) và làm tân ngữ trong câu.
Trong nhiều trường hợp, 连 có thể lược bỏ nhưng không thể lược bỏ phó từ都/ 也. Ví dụ:
(10) “退回20年去,别说它娘的几只臊乎乎的牛蛋子,(连) 成盘的肥猪肉摆在我的面前,我也不会馋!” 《牛》
(Lùi lại hai mươi năm trước, đừng nói là mấy hòn dái trâu tanh tưởi mà ngay cả một mâm thịt lợn thơm lừng đặt ở trước mặt, tao cũng không thèm liếc mắt.) (Trâu thiến)
(11) 袁腮你这张嘴呦,王胆细声细气地说,(连) 死人也能让你说得跳迪斯科。 《牛》
(Cậu câm bớt cái miệng đi! Nghe cái miệng cậu nói thì người ở dưới mồ cũng bật dậy mà nhảy disco thôi!) (Trâu thiến)
Trong các ví dụ trên, 连 đã bị lược bỏ, nhưng phải giữ lại也 (cũng) .
4. Sử dụng bổ ngữ trình độ biểu thị khoa trương
Bổ ngữ trình độ trong tiếng Hán là loại bổ ngữ nói lên mức độ đạt được của hành vi, động tác hoặc cảm giác, trạng thái . Tác giả Lưu Nguyệt Hoa trong “Ngữ pháp Tiếng Hán hiện đại” đã phân biệt giữa bổ ngữ trình độ và bổ ngữ tình thái. Nhưng chúng tôi vẫn theo quan điểm truyền thống; tức là gộp cả hai loại là bổ ngữ trình độ. Ví dụ:
(12) 我们指指点点地议论着那头棕色的疯骡。它瘦骨伶仃,眼睛上方有两个深得可放进一枚鸡卵的凹陷。《蛙》
(Chúng tôi vẫn không ngừng bàn tán về con la điên có bộ lông màu tro ấy. Nó hơi gầy, để lộ cả xương sườn ra ngoài, bên cạnh hai mắt có hai hốc lõm rất sâu đến nỗi có thể nhét cả một quả trứng gà vào đấy.) (Ếch)
Ở đây, “可放进一枚鸡卵” (có thể nhét cả một quả trứng gà vào) là bổ ngữ trình độ và nó còn làm định ngữ cho “凹陷” (hốc mắt). Trên thực tế, bổ ngữ trình độ cũng không phải là loại bổ ngữ “chuyên dụng” để biểu thị khoa trương; tuy nhiên, trong lối nói khoa trương có sự tham gia của bổ ngữ trình độ hiệu quả sẽ tăng lên rõ rệt. Trong câu thuộc loại này vị ngữ (có vị trí đứng trước bổ ngữ) thường do các động từ biểu thị tình cảm, cảm giác, hoạt động tâm lý, trạng thái tâm lý hoặc tính từ đảm nhiệm. Dưới đây là những trường hợp cụ thể.
+ Vị ngữ trong câu là động từ
Biểu thức: 得 S – V
Biểu thức này có thể dịch tương đương sang tiếng Việt:
đến nỗi (mà) / đến mức S – V
Trong loại câu này yếu tố khoa trương thường nằm ở thành phần sau得 (đến nỗi). Ví dụ:
(13) 杜大爷背靠着铁门,浑身哆嗦,哆嗦得很厉害,哆嗦得铁门都哆嗦。 《牛》
Câu trên Mạc Ngôn đã dùng thủ pháp nhân cách hóa, sau đó dùng bổ ngữ trình độ để khoa trương. Dịch giả Trần Trung Hỉ đã dịch như sau:
(Ông Đỗ vẫn ngồi im, dựa lưng vào cổng sắt, toàn thân đang run, không phải run nhẹ mà run lên bần bật, run đến nỗi cái cổng bằng sắt cũng run theo.) (Trâu thiến)
+ Vị ngữ trong câu là tính từ
得 S – Adj
đến nỗi (mà)/ đến mức / đến độ S - Adj
Ví dụ:
(14) 在黑屋子里关了不知道几天几夜,把我们挪到一 个独立小院里,院子里有一棵紫丁香,那个香啊,熏得我头晕。《牛》
(…trước sân có một cây tử đinh hương, hoa của nó thơm đến độ cô muốn ngất xỉu.) (Trâu thiến)
Trong các ví dụ trên, vị ngữ trong câu đều do các tính từ 熏 (nồng) và 香(thơm) đảm nhiệm.
Căn cứ vào ngữ liệu, có thể chia bổ ngữ trình độ biểu thị khoa trương trong văn Mạc Ngôn thành mấy loại sau:
(a) Sau 得là một ngữ động từ hoặc cụm chủ vị
得 – VP (hoặc S –V)
Dịch sang tiếng Việt ta có cấu trúc hoàn toàn tương đương:
đến nỗi (mà)/ đến mức / đến độ – VP (hoặc S –V)
Các ví dụ trích trong tiểu thuyết “Ếch” do dịch giả Nguyễn Trần dịch:
(15) 我们都是七八岁孩子,怎么还可能吃奶?即便我们还吃奶,但我们的母亲, 都饿得半死, 乳房紧贴在肋骨上, 哪里有奶 可吃?《蛙》
(Chúng tôi đều là những đứa trẻ từ bảy đến tám tuổi, lẽ nào còn bú mẹ? Cho dù chúng tôi còn muốn bú đi chăng nữa, thì mẹ chúng tôi đang đói đến độ dở sống dở chết, vú dính vào xương, lấy đâu ra sữa để chúng tôi bú.) (Ếch)
(16) 那时候,马桑镇的鱼市有三里长,槐花开放时,正是鳞刀鱼上市的季节,街两边白晃晃的,耀得人不敢睁眼。《蛙》
(Ngày ấy, chợ cá ở thị trấn Mã Tang dài đến hai cây số. Đúng mùa hoa hòe nở là cá hố biển tràn ngập chợ, hai bên đường trắng loa lóa, sáng lóa đến độ người đi đường không dám mở mắt.) (Ếch)
Trong ví dụ trên, 半死 (dở chết), 乳房紧贴在肋骨上(vú dính vào xương), 人不敢睁眼 (người không dám mở mắt) là ngữ động từ và kết cấu chủ vị làm bổ ngữ trình độ trong câu.
(b) Sau 得là một ngữ cố định / thành ngữ
Trong loại này, bổ ngữ do các ngữ cố định hoặc các thành ngữ đảm nhiệm.
得 – NP hay idiom
Cấu trúc tương đương trong tiếng Việt:
đến nỗi (mà) / đến độ – NP hay idiom
Ví dụ:
(17) 王肝更好王肝更好,地道一个农 民,却长了一个小资产阶级的脑袋,被那满脸粉刺的小狮子迷得魂不附体,基本上也是神经病。(莫言《蛙》)
(Dù sao Vương Can cũng là một nông dân nhưng đầu óc lại mang đầu óc của giai cấp tiểu tư sản, bị cô “Tiểu sư tử” có cái mặt đầy mụn đến độ làm cho hồn không nhập xác, về cơ bản là bệnh thần kinh.) (Ếch)
Trong ví dụ trên, các từ ngữ 魂不附体 (hồn không nhập xác) là thành ngữ làm bổ ngữ trong câu. Dịch giả NguyễnTrần đã chuyển ngữ như sau:
(Dù sao Vương Can cũng là một nông dân nhưng đầu óc lại mang đầu óc của giai cấp tiểu tư sản, bị cô “Tiểu sư tử” có cái mặt đầy mụn làm cho thất điên bát đảo, hồn không nhập xác, về cơ bản là bệnh thần kinh.) (Ếch)
5. Kết luận: Khoa trương trong các tác phẩm của Mạc Ngôn hết sức đa dạng và phong phú. Chính vì vậy nó làm tác phẩm của Mạc Ngôn thêm hấp dẫn lôi cuốn người đọc.
Do lượng tác phẩm của Mạc Ngôn hết sức đồ sộ nên bài viết này chỉ lấy ngữ liệu trong các cuốn đã dịch sang tiếng Việt. Đó là: “Êchs”, “ Trâu thiến”, “Mĩ nhân băng tuyết”.
Hầu hết các lớp từ loại cơ bản tạo nên từ vựng tiếng Hán như động từ, danh từ, số từ, đại từ và thành ngữ…. Mạc Ngôn đều có thể sử dụng để khoa trương.
Không chỉ ở cấp độ từ mà Mạc Ngôn còn khoa trương ở cấp độ câu. Ngoài bổ ngữ trình độ ông còn dùng câu có cấu trúc cường điệu và thủ thuật nhân cách hóa để khoa trương và tạo nên nét độc đáo trong văn chương. Bài viết này giới thiệu tổng quan về các cách khoa trương đó của ông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh Việt, NXB Khoa học Xã hội
8. 黄伯荣,廖序东 (2002)“现代汉语”,高等教育出版社。
9. 王希杰 (2007)“汉语修辞学”,商务印书馆。
10.张挥之(2002)“现代汉语” 高等教育出版社。
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
莫言作品集- 小说在线阅读- 努努书坊
Nguyễn Ngọc Kiên
|
|
|
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|