Vào tiền bán thế kỷ 20, nhà thơ Tản Đà sáng tác 3 bài thơ Vịnh Bức Dư Đồ Rách, gần một thế kỷ mà hiện nay hình ảnh đó lại hiện ra trong tâm hồn người Việt yêu quê hương.
Về cội nguồn 3 bài thơ nầy, trích trong bài viết “Tản Đà: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi?” của Lê Xuân Quang ở Đức Quốc trước đây.
“Bước vào thế kỷ 20, nền Thi Ca Việt Nam xuất hiện nhiều Thi nhân chói ngời hào quang bởi các tác phẩm của họ. Trưóc hết phải kể ngôi sao của miền núi Tản, sông Đà: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà là bút danh của nhà thơ, thể hiện lòng yêu quê hương)…
Riêng về Thơ, Tản Đà có: Khối tình (lớn, con) - 3 tập I, II, III (1916 - 1918, 1932); Giấc mộng (lớn, con) - 3 tập 1917, 1929, 1932); Còn chơi (1924,1925) và rất nhiều tác phẩm đủ thể loại bao gồm: Thơ, Văn, Nghiên cứu, Tạp luận, Dịch thuật... Nếu đem con số 23 năm từ lúc bắt đầu công bố tác phẩm (1916) đến lúc về với cát bụi (1939), người đọc sửng sốt vì khối lượng tác phẩm đồ sộ của tác gỉa. Trung bình mỗi năm Tản Đả công bố đều đặn hơn 1,5 đầu sách cùng hàng chục bài viết đăng trên sách báo, tạp chí...
… “Bức Dư Đồ Rách” là một sự kiện văn học, nổi tiếng thời kỳ Tản Đà sung sức. Để tìm hiểu thấu đáo về sự kiện BĐDR chúng ta đi ngườc thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20: Sau khi đánh chiếm Hà thành, Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, thực dân Pháp tạm thời bình ổn được tình hình. Thực hiện chính sách Chia để Trị bằng cách: Chia Việt Nam thành 3 Kỳ (vùng): Bắc Kỳ - Trung Kỳ - Nam Kỳ. Bắc và Trung Kỳ đặt dưới chế độ Bảo Hộ của Pháp. Chính quyền do chính phủ Nam Triều - Vua quan nhà Nguyễn - trực tiếp điều hành. Nhưng thực chất Pháp vẫn gían tiếp lãnh đạo. Ngay đến việc để vua nào lên ngôi… phế truất vua nào (như trường hợp các vua Duy Tân, Hàm Nghi) cũng do chính quyền Pháp quyết định.
Còn Nam Kỳ (…) coi như Pháp chiếm trọn, thiết lập chế độ Thuộc địa. Nam Kỳ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Ở mỗi vùng, miền, mỗi địa phương lại có những quan quân đặt ra luật riêng… “lệ làng” khiến đất nước không còn là đất nước thống nhất. Tấm bản đồ vẽ trên mặt giấy thể hiện chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, chỉ là bức vẽ, còn trên thực tế, Bức Dư Đồ - thực chất đã “Rách” nhiều chỗ, nhiều khoảng cách, nhiều lỗ hổng…
Cám cảnh, Tản Đà viết bài thơ đầu tiên diễn tả tâm trạng mình trước đất nước bị họa xâm lăng: Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 1 ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ in lần đầu năm 1921, trong tập thơ Còn Chơi. Đến năm 1925 được tuyển chọn in trong tập Thơ Tản Đà:
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con chắu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.
Các nhà văn, nhà thơ đương thời cảm tác cùng tác gỉa, lên tiếng hưởng ứng, ủng hộ tư tưởng của Tản Đà bằng cách có nhiều bài họa lại… Tản Đà đồng cảm liền viết bài họa lại thứ 2 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 2, đăng trên ĐPTB (Đông Phương Thời Báo), số 635,- năm 1927:
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
Ta bồi cho chúng chị em coi
Giận cho con chắu đà hư thế
Nghĩ đến ông cha dám bỏ hoài.
Còn núi còn sông: Nhìn vẫn rõ
Có hồ có giấy dễ mà chơi.
Bởi chưng hồ giấy ta chưa có
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi.
Như được chắp thêm cánh, đồng hành bay bổng cùng Tản Đà, các nhà nho, nhà văn có tâm huyết, yêu đất nưóc, dân tộc cùng tham gia họa lại BDĐR… Tản Đà viết tiếp bài thứ 3 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 3, đăng trên ĐPTB số 636 - 1927:
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi
Buồn chăng? Hỡi các chị em ơi!
Nghĩ cho lúc trước thương người vẽ
Ngó lại xung quanh hiếm kẻ bồi
Hồ giấy bây giờ mua kiếm khó
Non sông ai hỡi đợi chờ ai?
Còn núi còn sông còn ta đó
Có lúc ta bồi chúng bạn coi.
Cuối cùng Tản Đà tổng kết cuộc họa thơ do ông khởi xướng bằng bài Vịnh BDĐR - 4, đăng trên ĐPTB số 643 - năm 1927:
Có lúc ta bồi chúng bạn coi
Chị em nay hãy tạm tin lời
Dẫu cho tài có cao là thánh
Chưa dễ tay không vá nổi trời
Hồ giấy muốn mua, tiền chẳng sẵn
Non sông đứng ngắm lệ nhường rơi
Việc nhà chung cả ai ai đó
Ai có cùng ta sẽ liệu bồi?
Đây chỉ là vài trong số rất nhiều thi phẩm trác tuyệt của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Không phải dễ đâu người đời yêu qúy, tôn vinh nhà thơ, như nhà phê bình có uy tín - Hoài Thanh, đại diện những cây bút, viết - vinh danh nhà thơ Núi Tản - Sông Đà (như trích dẫn ở trên).
Có thể khẳng định dứt khoát: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu , là thi hào của dân tộc là nhà thơ lớn, hàng đầu - của nền văn học Việt Nam đầu thế kỳ 20!
Lê Xuân Quang
Berlin
Trong số những bài họa, có hai bài của Cụ Phan Bội Châu, cũng cùng năm 1927.
I
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi,
Ta bồi cho chúng chị em coi.
Giận cho con cái đà hư thế,
Nhớ đến ông cha dám bỏ hoài.
Còn núi, còn sông nhìn vẫn rõ,
Có hồ, có giấy dễ như chơi,
Vì chưng hồ giấy ta chưa có
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi.
II
Hóa rách ra lành thế mới hay
Trời giăng giấy khắp, đất hồ đầy,
Non sông sẵn vóc thêu hoa gấm,
Gan óc ghe phen trổ gió mây.
Trắng úa, hồng tươi tùy thợ ý,
Bột rền, keo dẻo cốt thầy tay.
Người đà mới mới ta nên mới,
Bồi vá mà chi, kéo khuấy rầy.
Phan Bội Châu
1927
Có ai nối gót tiền nhân để vịnh?
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
|