Mưa Mùa Hạ
Tháng 5 , những cơn mưa đầu mùa đã về với Đà Lạt . Đà Lạt trở nên trầm mặc và buồn hơn trong mưa như làm tăng thêm sự quyến luyến của tuổi học trò lúc chia tay bạn bè , thầy cô , xa tuổi học trò để bước vào đời của những học sinh cuối Trung học . Mùa hè của tuổi học trò Đà Lạt không gắn với những cánh phượng đỏ rực , với tiếng ve kêu râm ran mà thay vào đó là những bức màn mưa bàng bạc .
Tuổi học trò cuối cấp Trung học Đà Lạt được báo hiệu bằng những dòng lưu bút với bạn bè , với bao ước mơ hoài bão cho tương lai . Rồi mai kia mỗi người một ngã , người tiếp tục bút nghiên , kẻ lên đường thực hiện nghĩa vụ của một thanh niên với Đất nước như bao lớp người đi trước . Những cô cậu học trò thư sinh hôm nào còn vô tư chưa thấu hiểu hết câu nói sâu sắc : CƠM CHA – ÁO MẸ - CÔNG THẦY sẽ phải tự trang bị cho mình một hành trang vào đời nhưng các em vẫn may mắn hơn lớp anh chị đi trước cách đây hơn ba mươi năm khi đất nước vừa đi qua cuộc chiến tranh với muôn vàn khó khăn .
Còn nhớ những ngày đầu thập niên 70 khi cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt và gay gắt nhất thì Đà Lạt vẫn được sống trong hoàn cảnh tương đối yên ổn nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng Đại bác từ xa xăm vọng về làm cho người lớn cảm thấy lo lắng cho sự bình yên đang bị đe dọa từng ngày . Rồi biến cố lịch sử tháng 4 – 1975 đã xáo trộn cuộc sống , có những cuộc chia ly ngoài mong muốn , kẻ ở người đi theo tình hình thời cuộc . Những cuộc di dân để ổn định nền kinh tế sau chiến tranh , những cuộc ra đi không hẹn ngày về và cả những cuộc chia ly của những người lớn có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm .
Viết những dòng miên man như trên để những người thuộc thế hệ sau hoặc những người chưa có mặt ở Đà lạt vào thời điểm ấy hình dung được phần nào về thế hệ học trò của những năm 70 – 80 vô cùng gian nan nhưng cũng lắm mộng mơ của tuổi học trò mà thời nào cũng có .
Ngót một phần ba thế kỷ rời xa tuổi học trò , xa mái trường thân yêu với thầy cô , bè bạn , xa gia đình để bước vào cuộc mưu sinh . Hôm nay nhìn mưa rơi đầu hạ chợt nhớ ngày xưa tuổi học trò lớn tồng ngồng còn chơi bi , đánh đáo , tuổi hoa niên mộng mơ khờ dại . Thương thầy , nhớ bạn khi tóc đã pha sương , những chai sạn cuộc đời cũng đã tạo nên vết hằn trên khóe mắt , trên trán của những đứa học trò dạo ấy . Bổng nhớ một bài thơ về nghĩa thầy trò Đà Lạt năm nào của Nhà thơ Trần Vấn Lệ . Chính xác tựa đề bài thơ là gì thì không nhớ rõ thôi thì tạm chép lại bài thơ với nội dung như sau :
NHỚ ĐÀ LẠT .
Nhìn các em ngồi đó
Một góc sân trường xưa
Thương quá thời nắng gió
Nhớ quá chiều, sáng mưa…
Đà Lạt, các em ở.
Đà Lạt, Thầy bỏ đi.
Các em thì vẫn nhỏ
Như vầng trăng núi kia…
Đà Lạt các em ở
Xanh biếc nhé bầu trời
Ngước lên nhìn nỗi nhớ
Thầy là áng mây trôi…
( Thơ : Trần Vấn Lệ )
Ở đây xin nói rõ một chút về các câu thơ nêu trên . Bài thơ gần như viết dưới dạng văn xuôi theo từng đoạn ngắn , người đọc tùy theo cảm nhận của cá nhân mà ngắt câu , xuống dòng theo vần điệu . Vì chỉ mượn một bài thơ trong những tập thơ của Trần Vấn Lệ nên không đi sâu vào thân thế và các tác phẩm của tác giả . Ở đây chi nhắc đến một chi tiết là Trần Vấn Lệ có một thời kỳ dạy Quốc văn ở Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân trước 1975 . Sau tháng 4 – 1975 vì những lý do khách quan nên ông không dạy học ở Bùi Thị Xuân nữa . Có lẽ do mảnh đất Đà Lạt vốn hiền hòa níu giữ mặc khách tao nhân chăng mà có nhiều những người thầy , người cô khi đã rời xa bục giảng , xa lũ học trò tinh nghịch nhưng trong sáng đáng yêu mà trong số họ đã có những người viết nên những vần thơ đây cảm xúc . Trần vấn Lệ cũng là một người thầy nằm trong số đó .
Nhìn các en ngồi đó .
Một góc sân trường xưa .
Một sự luyến tiếc trong tâm hồn người thầy khi phải bỏ giữa chừng tay chèo con thuyền chữ nghĩa cho lũ học trò thân yêu . Nỗi khắc khoải khi vì thời cuộc hay vì một lý do nào đó người những thầy , người cô buộc phải chia tay đám học trò Đà Lạt để đi về một nơi nào đó :
Đà Lạt các em ở .
Đà Lạt thầy bỏ đi .
Các em thì vẫn nhỏ .
Như vầng trăng núi kia .
Nỗi day dứt còn đó , lo lắng cho học trò bé nhỏ còn đó nhưng chia ly là điều không thể tránh khỏi đối với một số thầy cô giáo lúc bấy giờ . Ra đi bất đắc dĩ nhưng biết làm sao được khi con người ta buộc phải chấp nhận những sóng gió thời cuộc , những xô đẩy cuộc đời .
Người ra đi nhưng vẫn hy vọng một tương lai tốt đẹp cho những đứa học trò , hy vọng cho con đường tương lai sẽ rộng mở cho người ở lại :
Đà Lạt các em ở .
Xanh biếc nhé bầu trời .
Chất chứa nỗi niềm chia ly , người ra đi an ủi động viên người ở lại :
Ngước lên nhìn bầu trời .
Thầy là áng mây trôi .
“ Thầy là áng mây trôi “ – Đúng vậy , mây không thể không trôi . Cuộc đời mỗi con người cũng giống như những áng mây trên bầu trời kia . Những áng mây có thể trôi đi không theo môt quỹ đạo nhất định nào nhưng cũng có những áng mây chịu tác động của ngoại cảnh mà bay theo một quỹ đạo vạch sẵn . Suy cho cùng rồi cũng đến một lúc nào đó mây phải tan đi hoặc biến đổi thành một vật chất nào đó , cũng như thân xác con người sẽ hóa thành cát bụi khi trở về với lòng đất . Tất cả sẽ được xóa mờ theo bụi thời gian , duy chỉ có tâm hồn và tấm lòng con người là mãi mãi đọng lại trong cuộc sống đời người .
Ngồi viết đôi dòng tự tâm sự với chính mình và cũng là lời tri ân đến các thầy cô xưa đã hao hơi tốn sức để dạy dỗ mình làm người . Mãi mãi vẫn không bao giờ quên tuổi cắp sách đến trường với những trò nghịch ngợm bị thầy cô phạt roi đánh đòn đau quắn đít mà vẫn cứ nghịch như ma như quỷ . Sẽ mãi mãi không bao giờ được trở về thời thơ ấu , không bao giờ được trở về với cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới mà vẫn thích làm người lớn ngày xưa .
Cảm ơn những vần thơ của nhà thơ Trần Vấn Lệ . Những vần thơ nhẹ nhàng chan chứa tình nghĩa thầy trò làm xúc tác cho những dòng cảm xúc hôm nay . Và cũng xin xin lỗi nhà thơ nếu trong quá trình trích dẫn có gì sai sót hoặc diễn đạt chưa đúng thì Nhà thơ cũng rộng lòng thứ cho .
Sài Gòn , Đêm 29/05/2016 .
Hoàng Anh Toàn .