NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ
THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ
(Kì 27)
Nguyễn Ngọc Kiên
(85) 狐假虎威 [hồ giả hổ uy] Phiên âm Bắc Kinh [hú jiǎ hǔ wēi ] (cáo mượn oai hùm). Dịch sang tiếng Anh Borrowing power to do evil
[Cáo mượn oai hùm - câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc. Chuyện này ngày xưa đã có và bây giờ cũng chẳng hiếm đâu]. Chuyện này có xuất xứ từ “Chiến quốc sách – Sở sách 1”
“Cáo mượn oai hùm” là một câu thành ngữ quen thuộc trong dân gian. Câu này dùng để ví một kẻ ranh ma nào đấy, luôn dựa vào thế lực của ai đó mà chèn ép hoặc lòe bịp những người cả tin, ngây thơ, hoặc mượn cái oai của ai đó để doạ dẫm người khác. Ví dụ: “Cứ mỗi lần về làng là lão Vấn lại đem chuyện lên triều đình gặp vua của mình ra dọa. Ai cũng sợ. Đúng là cáo mượn oai hùm”. (Tổng tập Văn học Việt Nam)
Chắc chúng ta từng nghe nói đến loài cáo. Đó là một loài thú ăn thịt, gần giống chó, sống ở rừng, chân thấp, tai to, mồm dài và nhọn. Còn hùm là tên gọi khác của hổ. Hổ (hay hùm) là một loại thú lớn, cùng họ với mèo, lông màu vàng hoặc trắng, có vằn đen. Hùm là con vật rất hung dữ, hay ăn thịt các con vật khác. Người ta hay nói “miệng hùm nọc rắn” để nói về sự nguy hiểm của nó. Nếu so sánh, rõ ràng, cáo là con vật dù khôn đến mấy cũng kém loài hùm (hổ) về tầm vóc, sức mạnh và sự hiểm độc.
Chuyện kể rằng, có một con hùm đói mồi đang lang thang kiếm ăn trong rừng thì gặp ngay chú cáo chạy qua. Hùm ta mừng lắm vì chắc mẩm sẽ có một bữa chén. Biết được điều nguy hiểm đang đến với mình, nhưng con cáo ranh mãnh kia bèn nói: “Này ông hùm ông hổ kia ơi. Ông đừng có mà ăn thịt tôi nhé. Thượng đế vừa ban lệnh cho tôi làm chúa tể của muôn loài rồi đó. Không tin, ông cứ thử đi đằng trước, tôi đi đằng sau xem có con vật nào trong rừng này trông thấy tôi mà không sợ nào?”. Hùm bán tin bán nghi nhưng cũng thử làm. Quả nhiên, hai con này đi đến đâu, các con vật khác trông thấy đều khiếp vía kinh hoàng, chạy tán loạn. Hùm thấy vậy cứ tin lời cáo là thực. Kì tình, mọi con vật sợ hãi chính vì khiếp cái oai hùm kia chứ sợ gì cáo đâu. Cáo đắc chí, bảo hùm: “Ngươi thấy chưa? Muôn loài đã biết lệnh của Thượng đế rồi mà ngươi không hay gì”. Hùm nghe vậy cúp đuôi lủi mất. Thế là cáo thoát nạn. Nó còn dương dương tự đắc, nhảy quàng vào rừng chộp một vài chú sóc con mà nhai ngấu nghiến.
Cáo mượn oai hùm chính là câu thành ngữ, chỉ sự khôn ngoan, nhanh trí của con cáo ranh ma. Bây giờ, trong cuộc sống, người ta dùng thành ngữ này để chỉ những ai cũng có thái độ như vậy. Họ chuyên mượn uy quyền người khác đi dọa dẫm, đe nẹt người khác để trục lợi:
Lấy hùm ra dọa muôn loài
Cáo kia khôn vặt, chẳng ai sánh bằng…
(Theo PGS- TS Phạm văn Tình FB Tinh Pham Van)
Yết hậu ngữ:狐狸跟着老虎走 [hồ li căn trước lão hổ tẩu] (cáo đi cùng hổ)
Phản nghĩa:独步天下 (Độc bộ thiên hạ).
Cận nghĩa:仗势欺人 (cậy thế nạt người), 狗仗人势 ( chó cậy gần nhà), 狐虎之威 [hồ hổ chi uy]。
Phân tích ngữ pháp: “狐” là chủ ngữ; “威” là vị ngữ; “假虎” là trạng ngữ của “威”.
(86) 白面书生 [Bạch diện thư sinh]
Đời nhà Tống, ở vùng Vũ Khang thuộc Ngô Quận, có 1 người tên là Trầm Khánh Chi, từ nhỏ đã ôm chí lớn, lại có sức mạnh và giỏi về bài binh bố trận.
Niên hiệu Nguyên gia thứ 27, Tống Văn đế muốn mở mang bờ cõi về phương Bắc, sai nhóm Vương Huyền Mô đem quân Bắc phạt. Trầm Khánh Chi hết lời can ngăn, lại đưa ra trường hợp của nhiều vị vua trước, đã nhiều lần Bắc phạt nhưng đều thất bạị Tống Văn đế liền cử 2 vị quan văn ra tranh luận với Trầm Khánh Chi. Trầm Khánh Chi nói :
- Giữ việc nước, cũng như lo việc nhà vậỵ Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với 1 nông phu nhiều kinh nghiệm. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay Bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không 1 chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được.
Tống Văn đế không nghe lời Trầm Khánh Chi, cứ cho đem quân đánh phương Bắc, và quả nhiên bại trận nặng nề.
Từ câu nói của Trầm Khánh Chi mà người đời sau rút ra thành ngữ "Bạch diện thư sinh" để chỉ người trẻ tuổi, chỉ có cái học sách vở, không có kinh nghiệm gì và không biết đối phó với thực tế ngoài đời.
Cận nghĩa với thành ngữ này là: 文弱书生 (thư sinh nho nhã yếu ớt)
Phản nghĩa với thành ngữ này là: 彪形大汉 (thân hình vạm vỡ)
(86) 改邪归正 [cải tà qui chính] (cải tà qui chính), phiên âm Bắc Kinh “gǎi xié guī zhèng”. 邪 [tà]: không chính đáng, không thuộc phái chính nghĩa, phi nghĩa, 归[ qui]: trở về. Từ con đường phi nghĩa trở về con đường chính, không làm việc xấu. Thành ngữ này có xuất xứ từ bộ tiểu thuyết “Thủy hử” của nhà văn Thi Nại Am thời Minh, chương 91: “Tướng quân hãy bỏ tà qui chính, hết mình cùng quốc gia, ắt sẽ được triều đình trọng dụng.”
Cận nghĩa với thành ngữ này là: 改过自新 [ cải qúa tự tân] (sửa chữa sai lầm tự đổi mới) 弃暗投明 (bỏ gian tà theo chính nghĩa).
Trái nghĩa với thành ngữ này là: 执迷不悟 (u mê không tỉnh ngộ) 死不改悔 (chết không thay đổi, hối hận)