Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ) tại Vỹ Dạ, Huế, một địa danh nổi tiếng có nhiều danh gia vọng tộc cũng như nhiều danh nhân văn hóa, văn học nghệ thuật.
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Vàng Sao tham gia các phong trào đấu tranh, yêu nước của tuổi trẻ học đường miền Nam.
Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và được tổ chức bố trí công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết cho báo Cờ Giải Phóng với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Ông còn viết Cương lĩnh Diễn ca rất tài hoa, được đồng đội, chiến hữu đánh giá cao.
Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng. Thời gian này, với tất cả sự trung thực và dũng khí, ông đã viết nên những trang nhật ký rất thật về cảnh và người ở hậu phương miền Bắc.
Khi cuốn nhật ký bị đánh cắp, ông đã bị cô lập và trải qua những ngày tháng khổ đau trong khi tác phẩm "Bài thơ của một người yêu nước mình" được ông sáng tác năm 1967 đã đi vào lòng công chúng miền Bắc đang khát vọng thống nhất đất nước:
đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật
Sau ngày đất nước thống nhất, ông cho ra đời thi phẩm Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (1984) rất nổi tiếng.
Nhìn lại sự mất mát tàn khốc một thời chiến tranh với sự giằng xé, tiếc thương đau đáu về sự hy sinh quá lớn của đồng đội mình, ông đã viết Gọi tìm xác đồng đội, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2012.
Nhà thơ Trần Vàng Sao đã từ giã cõi đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người. Lòng trung thực và dũng khí của ông là nguồn sáng tạo giàu chất nhân văn; và đọng lại trong hồn người là tình yêu đất nước với khát vọng thống nhất lòng dân mới là điều cốt yếu, như đoạn thơ trích dẫn ở trên!
Võ Quê
Huế 9.5.2018.