27 bài thơ, trích từ 100 bài Quyển 3 –
Thơ Mặc Giang
1. Hư vô, một cõi riêng mình
2. Thú rừng cứ mãi đi hoang
3. Tiếng vọng ngục tù
4. Chuyện dài khùng điên
5. Đừng làm ô nhục quê hương !
6. Sẽ có ngày về
7. Bên bờ lau biển động
8. Mơ màng ôm vũ trụ
9. Tiếng gọi quê hương
10. Sắc thân Tam Thể Việt Nam
11. Ta nhủ mình nghe !
12. Âm vang Hồn Tử Sĩ !
13. Những nấm mồ không tên tuổi
14. Không biết sống, nghĩa là xuân đã chết !
15. Con người phiêu bạt
16. Ta cứ tưởng đời ta ghê gớm lắm !
17. Nếu một mai có về thăm quê mẹ
18. Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
19. Bình minh chưa ló dạng !
20. Vần thơ còn đó đẹp thay !
21. Là thi sĩ, nghĩa là … !!!
22. Thương những gia đình bất hạnh
23. Bịnh tham ô, nằm ụ, ù lì !!!
24. Cái nghề Bán Cái !
25. Lá rụng về cội
26. Uống nước nhớ nguồn
27. Tôi không có bán thơ đâu !
----------------------
Hư Vô, Một Cõi Riêng Mình !
Tháng 12-2004
Tôi nghe một cõi tâm tư
Rung lên tiếng vọng xa rồi thời gian
Tôi nghe một cõi âm vang
Rung lên cung điệu bên đàng chưa pha
Một thời dĩ vãng đi qua
Mờ mờ ẩn hiện nhường xa hóa gần
Phong trần mấy độ thương thân
Tang thương mấy độ cũng ngần ấy thôi
Khi cao cao vút lưng đồi
Khi sâu sâu thẳm lở bồi sương sa
Khi xao xuyến tận ngân hà
Khi tàn tạ bóng bóng tà tà dương
Chưa tan giấc mộng nghê thường
Chưa vơi biển động trùng dương gợn hồn
Đưa tay nắm bắt càn khôn
Thu mình góc nhỏ tựa hòn đảo xa
Lắng nghe một cõi ta bà
Ba ngàn thế giới chưa tà đầu sương
Lắng nghe giấc mộng bình thường
Ba sinh mòn mỏi chưa vương đăng trình
Mập mờ chiếc bóng lung linh
Hư vô một cõi riêng mình, thế a !!!
*****
Thú Rừng cứ mãi đi hoang !
Tháng 12-2004
Sao biết được khi ngày mai chưa nắng
Ngóng sao mờ xô đẩy vỡ bóng đêm
Cửa âm u là một trời câm lặng
Khi tan hoang còn lắm những gập ghềnh
Sao biết được khi ngày mai chưa tới
Đã hẳn chưa, còn luống những đêm dài
Cuối lằn mức, buổi giao thời chới với
Con đường nào dẫn đến lối thiên thai
Đứng núi nầy thế thường trông núi nọ
Sóng trường giang ao ước mộng hải hồ
Có nghĩa gì khi trời nghiêng bóng đổ
Trơ cội cành xác lá cũng tàn khô
Sao biết được con đường đi chưa tới
Vẽ chi nhiều ngõ ngách những dọc ngang
Mộng với thực lệch đôi đàng dịu vợi
Như trăng sao thổn thức nuốt mây ngàn
Có đi đêm mới thấy sương thấm lạnh
Có lên đèo mới biết vạn sơn khê
Có muôn trùng mới nghe chim mỏi cánh
Có tang thương mới thấu những ê chề
Chưa vào tròng đâu biết gì lẩn quẩn
Bước vào tròng mới thấy lộn vòng quanh
Chưa khuấy động nên chìm sâu cặn bẩn
Khuấy động rồi dòng nước hết trong xanh
Đừng xây mộng trên đồi cao ảo tưởng
Đừng ôm mơ ru giấc ngủ kinh hoàng
Trơ mắt ếch vẽ khung trời to tướng
Nên thú rừng cứ mãi mãi đi hoang.
*****
Tiếng Vọng Ngục Tù
Tháng 12-2004
Bóng tối chìm khe,
Ngưỡng cửa ngục tù
Nào ai có nghe
Tiếng kêu xiềng xích
Ngày còn không có
Hỏi chi cô tịch
Trời đất nào khép cửa ngục âm u
“Nhứt nhựt tại tù, tại ngoại thiên thu”
Lao lý hỡi, tiếng hò đưa lao lý
Tội vô tội, tội tình chi, lao lý
Lý hò đưa lao lý, lý lao tình
Chốn ngục tù như một cõi âm linh
Sống hết cựa, ê mình, nhưng khó chết
Ai có chết, và ai không có chết
Tôi chết đi, ai ở chốn lao tù
Bên ngoài kia, giành giựt, đá lăn cù
Chỗ tôi ở, một trời, ai dám động
Khung cửa sắt, đỡ tang bồng lương đống
Bốn vách tường, khép ngang dọc hùng anh
Trong với ngoài, cùng vũ trụ vờn quanh
Có khác chăng một chiếc vòng kềm tỏa
Cửa ngục lương tâm
Cửa lòng ai khóa
Tôi ngồi đây, ai có khóa được tôi
Tội tù tù tội, cả một đời tôi
Ai dám mở và ai không dám mở ???
*****
Chuyện Dài Khùng Điên
Tháng 12-2004
Người Khùng nói chuyện người Điên
Người điên nói chuyện người khùng mà chơi
Và kia người Mát nữa rồi
Cùng người Mất Trí đứng ngồi lom khom
Lại còn Anh Tửng om sòm
Ngất nga ngất ngưởng một vòm ngửa nghiêng
Khùng thì lên mặt đồ điên
Mát kia tửng tửng vang liền ỏm toi
Điên thì chỉ có riêng tôi
Ta ôm trời đất ta nhồi ta chơi
Khùng thì phách đốc lên ngồi
Vo tròn vũ trụ một trời của ta
Mát kia bổn biển là nhà
Đố ai hưởng được như ta mà tìm
Tửng thì đôi mắt lim dim
Ta tung cánh gió như chim đại bàng
Rồi cùng ngắt nghẽo vang vang
Nổi tan tán dóc, cười tan tán đường
Nhìn qua một lũ thương thương
Nên tôi viết vội mấy đường thành thơ
Thơ tôi gởi bụi gởi bờ
Gởi trăng cho gió hững hờ gió trăng
Biết làm sao được, cằng nhằng
Người điên người mát bò lăn ra kìa
Còn người mất trí nữa kia
Lại thêm anh tửng mang hia anh khùng
Hỏi trời còn chỗ để dung
Hỏi đất có trống cho chung sống nào
Tôi thì chân thấp chân cao
Hớt ha hớt hải quều quào mấy câu
Câu đuôi bỏ sót câu đầu
Câu tròng câu tréo xỏ xâu một bài
Một bài có một không hai
Mở ra dấu ngoặc chuyện dài khùng điên.
*****
Đừng Làm Ô Nhục Quê Hương !
(Cảm xúc về cái cảnh làm dâu thời đại,
đang xảy ra tại VN) * Tháng 12-2004
Những cô gái Việt Nam ơi !
Các em đã được lớn lên
Vì công sinh dưỡng đáp đền ?
Nên em đành phải quên mình
Đi về làm dâu thiên hạ !!!
Khi nghe cái cảnh làm dâu
Chưa mừng đã trông thấy lạ
Cái cảnh làm dâu, sao mà kỳ quá
Làm dâu cái gì, nhục nhã đắng cay
Cố đọc xem, vì đâu đưa đến nỗi này
Khi hiểu rõ, bức xúc trào dâng uất nghẹn
Cha ông vun vén
Lịch sử năm ngàn
Cái đẹp huy hoàng
Ngày nay xúc phạm
Sắc tô son chạm
Tuổi ngọc tuổi vàng
Cái đời con gái
Trong trắng em mang
Ô nhục phũ phàng
Em vùi thân phận
Tôi đã thấy rồi
Các em sắp hàng, lụa là son phấn
Xúng xa xúng xính, năm bảy chục cô
Một người đàn ông lạ hoắc
Ở đâu xa lắc xa lơ
Bước tới bước lui, dáng vẻ bơ phờ
Rồi chấm một cô, đưa tay điểm mặt
Bạc nghĩa bạc tình, không thêm không thắc
Gãy gọng sứt môi, chẳng ngại chẳng ngùng
Em liều nhắm mắt đưa chân, đi về làm dâu nhà họ
Khắp cùng thế giới, không biết nơi đâu, diễn ra thế đó
Chứ Việt Nam mình, lịch sử xưa nay, chưa có đâu em
Em nên biết rằng, con gái lớn lên,
Một lần làm dâu, trăm đường bó rọ
Một bước đi rồi, cột cả đời em
Nhưng hôm nay, đã bị đổ xuống thềm
Biết bao giờ và làm sao tìm lại
Từ ngàn xưa và ngàn sau còn mãi
Nét đan thanh, nét dung hạnh, nét trung trinh
Nét dễ thương, nét danh giá, nét lịch xinh
Thành những nét dịu dàng trên quê hương gấm vóc
Hoàn cảnh đẩy đưa, nhưng đâu đẩy đưa, con đường hiểm độc
Nhà dột cột xiêu, nhưng đâu có xiêu, đổ nát Tổ Tiên
Nếu là mẹ cha, hãy thắp nén hương, quỳ lạy cửu huyền
Nếu là các em, tôi không nghĩ thế, chận đứng ngay liền
Để các em, còn là những người con, trên quê hương nước Việt
Ai hay biết, ai người không hay biết
Có quyền uy, hay không có uy quyền
Cùng ra tay, chứ ô nhục Hồn Thiêng
Thời đại hôm nay, gây ra nông nỗi.
*****
Sẽ Có Ngày Về !
Tháng 12-2004
Ngày xưa tôi đi
Không ai lên tiếng gọi
Nhưng tôi thầm khẽ nói
Tôi ra đi, rồi sẽ có ngày về
Con đường đi, còn có kéo lê thê
Con đường về, không đâu làm điểm mốc
Hố sâu thẳm nên sâu dần xuống dốc
Đèo lên cao nên cao tít cheo leo
Chuyến ra đi đánh vút một cái lèo
Đi đi mãi cơ chừng chưa dừng được
Sông mòn bến nước
Thuyền đậu xa bờ
Đêm tối trăng mờ
Sao khuya chưa tỏ
Trong giấc ngủ ôm mơ về trước ngõ
Lối mòn xưa ghi dấu nét đầu thôn
Nghe ấm êm đang sống dậy tâm hồn
Chợt bừng tỉnh thì ra ru giấc mộng
Thuyền xa khơi, nên con thuyền vỗ sóng
Nước tràn bờ, nên nước ngập đại dương
Đời phiêu du xây xát gió sương
Sông bến cũ mành treo tuế nguyệt
Trăng gát đầu non
Trăng tròn hay khuyết
Núi ngủ rừng khuya
Núi trẻ hay già
Mơ từ giấc ngủ đêm qua
Tôi từ quê cũ chưa xa con thuyền
Suy tư ôm ấp niềm riêng
Giã từ một chuyến vĩnh niên miên trường
Tôi đi còn đó quê hương
Một mai thăm lại trên đường tôi đi.
*****
Bên bờ lau biển động !
Thơ Nhạc * Tháng 12-2004
Ta muốn nghe tiếng biển về đêm
Cho cứng cỏi mềm lòng sỏi đá
Ta muốn nghe tiếng biển về đêm
Cho lạnh lùng băng giá lên ngôi
Khi hoàng hôn đã khép lại khung trời
Ta lạc lõng vào mênh mông bất tận
Sóng từng đợt gầm gừ phẫn hận
Gió từng cơn lồng lộng lan xa
Ta ngồi đây như một bóng hồn ma
Nghe thăm thẳm reo trùng dương biển động
Ta mất hút vào hư vô trống rỗng
Ta rụng rơi vào bé nhỏ vô cùng
Một tiếng trượng phu
Một tiếng anh hùng
Trông vụn vỡ, có nghĩa gì đâu tá
Sóng vẫn lộng
hỡi trùng dương biển cả
Gió vẫn reo
hỡi gió rít hư vô
Ta ngồi đây như một nắm tàn khô
Trơ cát bụi bên bờ lau biển động
Ta muốn nghe tiếng biển về đêm
Cho tiếng vỗ trùng trùng ngọn sóng
Ta muốn nghe tiếng biển về đêm
Cho mềm lòng một cõi tâm tư
Năm mươi năm nửa kiếp còn dư
Trăm năm sau chưa tàn cát bụi.
******
Mơ Màng Ôm Vũ Trụ
Tháng 12-2004
Ta nhắm mắt mơ màng ôm vũ trụ
Ta lặng thinh cùng vần vũ trăng sao
Ta đan tay nghe ngọn gió rì rào
Ta đan tâm nghe con quay thôi động
Một cõi mênh mông
Đất trời lồng lộng
Một cõi diễm hằng
Mở cửa huyền vi
Nẻo hồng hoang lên tiếng thầm thì
Ngõ thiên hà dừng chân bỡ ngỡ
Bặt động châu thân
Bặt làn hơi thở
Từng sắc thanh xô đẩy tiếng âm ba
Từng li ti đến cùng tận bao la
Như bèo bọt tơ mành treo đầu gió
Ngàn xưa thế đó
Chuyển mạch khơi nguồn
Ngàn sau cũng rứa
Thỏng cánh tay buông
Mọi hư thực thực hư như huyễn mộng
Cát bụi nào vô tình ứ đọng
Mỗi tụ tan biến hóa hình hài
Cõi trần gian nào khác chốn thiên thai
Mỗi nhân tố đẩy xô đường độc đạo
Máy huyền cơ xảo
Chủ khách làm vì
Nơi ta đi, mà nào đã có đi
Nơi ta đến, mà nào đâu có đến.
*****
Tiếng Gọi Quê Hương
Tháng 12-2004
Người Việt Nam quê hương ta ơi
Tiếng Việt Nam tiếng nói vào đời
Giống Lạc Hồng cắt rốn nằm nôi
Từ quê nghèo gian khó mái tranh
Bếp hồng êm, sưởi ấm trong lành
Thuở đầu đời lứa tuổi còn xanh
Từ quê cha ta mới lớn lên
Từ đất mẹ chân cứng đá mềm
Nên muôn đời không thuở nào quên
Rồi ta đi trên quê hương ta
Bắc Nam Trung đâu cũng là nhà
Khi xa rồi ta nhớ thiết tha
Rồi ta đi trên khắp quê hương
Ta bước đi trên mọi nẻo đường
Mỗi một miền lưu lại vấn vương
Tình quê hương tiếng hát âm vang
Bông lúa thơm trên cánh đồng vàng
Cho người người gìn giữ cưu mang
Từ thị thành cho đến miền quê
Non nước ta ước vẹn câu thề
Như sông dài ôm ấp bờ đê
Người Việt Nam quê hương ta ơi
Tay trong tay gìn giữ muôn đời
Cho tình người không thuở nào vơi.
*****
Sắc Thân Tam Thể Việt Nam
Tháng 12-2004
Ta nói nhau nghe, chuyện quê hương ta
Từ thời lập quốc, của thuở Hồng Bàng
Quốc tổ Hùng Vương, đặt hiệu Văn Lang
Vùng đất phôi sinh, lưu vực sông Hồng
Một mảnh cơ ngơi, cái nôi Miền Bắc
Mở mang, kiến thiết
Đến tận Cà Mau
Đất nước ta, thành ba miền Nam Trung Bắc
Mỗi miền, mỗi màu, mỗi sắc
Cho quê hương gấm góc đặc thù
Sắc tô, son thắm, mãi mãi thiên thu
Chuyển hóa, truyền lưu, qua từng thời đại
Hai trăm năm trở lại
Đất nước mình, mang hai chữ Việt Nam
Dân tộc mình, gọi dân tộc Việt Nam
Hình thể quê hương như dáng con rồng
Lượn khúc, uốn quanh hình cong chữ S
Một dãy Trường Sơn, trấn thành nối kết
Tình nghĩa bao la, bát ngát biển Đông
Cho quê hương, núi liền núi sông liền sông
Cho dân tộc, mặn nồng tình sông nghĩa biển
Ngàn xưa không chuyển
Ngàn sau không sờn
Lịch sử huy hoàng
Như thiếp như son
Như bức tranh diễm ảo, không hai, chỉ một
Hôm nay, khởi đầu đi vào thế kỷ hai mươi mốt
Ngược dòng thời gian đằng đẵng, đã năm ngàn năm
Quê hương ta trong sáng tựa trăng rằm
Con Lạc, cháu Hồng lưu danh kim cổ
Ta nói nhau nghe
Quê hương, dù có trải qua thăng trầm, thịnh suy, cực khổ
Nhưng người Việt Nam, không bao giờ thay đổi, nghe không
Dù cho biến núi thành sông
Biến sông thành núi, giống giòng chẳng lay
Là người Việt Nam, mỗi người một tay
Chung sức đắp xây, chung nhau gìn giữ
Mỗi thời đại, đi theo dòng lịch sử
Cho Việt Nam, còn mãi mãi muôn đời
Và hôm nay, gần chín chục triệu người,
Ở khắp nơi nơi
Ở đâu đi nữa, vẫn là con dân nước Việt
Nói đến quê hương, là lòng ta tha thiết
Nói đến quê hương, là tình ta nặng tình
Như quê hương Ba Miền, đất nước quang vinh
Như Bắc Nam Trung một hình, trên tấm thân tam thể
Gìn giữ, chuyển trao qua từng thế hệ
Tự ngàn xưa cho đến tận mai sau
Non xanh nước biếc một màu
Sắc thân tam thể của người Việt Nam.
*****
Ta Nhủ Mình Nghe !
Tháng 12-2004
Một kiếp phong sương trên đường gió bụi
Quãng đường dài đã mấy chục năm qua
Bước nhiêu khê len lỏi bước trầm kha
Đi đi mãi giữa cuộc đời muôn mặt
Có những đêm về
Trăng sao vằng vặc
Thu mình góc nhỏ
Gát cửa cô liêu
Quãng đường đi, đã làm được gì, còn lại bao nhiêu
Tay vắt trán, dõi mắt nhìn đời, sức cùng lực kiệt
Ngày mai chưa đến
Một trời biền biệt
Quá khứ dần qua
Bỏ lại sau lưng
Đèo vi vu, gió hú nửa chừng
Chiều xuống dốc, cuối đời chưa thỏa
Trông đêm tối có những vì sao sáng tỏa
Bãi cát vàng có những hạt cát trắng tinh
Ngẫm gần xa rồi lại ngẫm tới mình
Gần hết một đời, không ra sao cả
Có những loài hoa, ươm hương hữu xạ
Cây cỏ bên đường cũng được thơm lây
Còn riêng ta, chẳng có chút mảy may
Vậy mà đứng giữa trời chi chật đất
Tiếng dế nỉ non, xa đưa lây lất
Đời ta vô hại, cũng có lợi mà
Cây cỏ điêu tàn mới nổi lá hoa
Sao lại bảo bùn đen không nghĩa lý
Ta phải sống cho đời còn ý vị
Khi nằm yên thì buông xả chẳng sao
Trời còn ông thấp ông cao
Đất còn lồi lõm chớ nào phẳng phiêu
Có thô mới quí mỹ miều
Có thiển mới thấu những điều cao xa
Có cửa thì mới có nhà
Có bờ lau sậy có phà qua sông
Đời ta, có, còn hơn không !!!
*****
Âm Vang Hồn Tử Sĩ !
Tháng 12-2004
Một buổi chiều, tôi viếng thăm nghĩa trang quân đội
Từ nghĩa trang, tôi thấy mặt mũi khắp mọi chiến trường
Từ nghĩa trang, tôi thấy trên mọi vùng đất quê hương
Nơi đâu cũng có cảnh chiến chinh
Nơi đâu cũng có người gục ngã
Một buổi chiều, tôi vẳng nghe hương hồn tượng đá
Nên biết được anh, qua hình ảnh mộ bia
Từ cuộc chiến nào, anh đã vội xa lìa
Bỏ bè bạn, bỏ những người thân yêu ở lại
Anh ra đi, vì một lằn đạn xuyên qua, tê tái
Nên anh đi, cùng những đồng đội đã hy sinh
Anh đi về một cõi âm linh
Gát tay súng, giã từ vũ khí
Từng hàng mộ bia, quên dần thế kỷ
Bỗng tôi nghe những âm vọng lạnh lùng
Anh nằm xuống, đời anh đã cáo chung
Đất ôm thân anh, một dấu nét rêu mờ chiến sử
Thịt xương nào, phơi chiến hào, chiến sự
Đạn bom nào, xuyên nát ruột, nát gan
Anh nằm yên khi cuộc chiến chưa tàn
Cho đến khi kết thúc, thêm bao người ngã gục
Nghĩa trang quân đội !
Tàn tích chiến tranh !
Ai vinh danh ?
Ai vinh nhục ?
Anh là thân trai, theo tiếng gọi quê hương
Anh là nam nhi, theo tiếng gọi lên đường
Tổ quốc lâm nguy, anh ra đầu chiến tuyến
Cờ bay, khói quyện
Anh nằm xuống, cho quê hương, chứ không phải cho ai
Tôi đến thăm anh, nghe tiếng nói tuyền đài
Hồn tử sĩ vi vu
Theo hồn thiêng dân tộc
Thịt da anh, trả về cho đất
Máu xương anh, trả lại núi sông
Tôi đến thăm anh
Một buổi chiều hè mà sao giống chiều đông
Trong lành lạnh tâm can
Trong tro bụi điêu tàn
Còn lại nét âm vang, hồn tử sĩ !
*****
Những Nấm Mồ Không Tên Tuổi !
Tháng 12-2004
Tôi chợt thấy giữa rừng già tiết đọng
Nấm mộ không tên, chôn đã bao lâu
Và chỉ vùi chôn, lấp vội, không sâu
Nên mưa gió đã xói mòn, ló dạng !
Trên tấm áo bị thủng nhiều vết đạn
Có lẽ người này chết không được yên lành
Khi quê hương mịt mù khói lửa chiến tranh
Bom nổ, đạn bay, vô tình xuyên phá
Chiến tranh nào, không trả giá !
Bom đạn nào, không nổ vang !
Khói lửa nào, không điêu tàn !
Thịt xương nào, không tan nát !
Người nằm đó, phong sương mờ gió cát
Hồn phiêu du, lạc lõng bụi mù bay
Cùng những hồn đơn vất vưởng đêm ngày
Chết và vùi lấp, không ai hay biết
Những nấm mồ hoang, kể sao cho xiết
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu
Từ đồi cao, cho đến hố thẳm, đồng sâu
Chết và lấp vội, lạnh lùng trong khói lửa
Chinh chiến dài, đằng đẵng, còn chi nữa
Nên biết bao người, lấp vội, không tên
Theo thời gian đi vào thế giới lãng quên
Những người thân bặt âm, nên cho rằng mất tích
Có những đêm cô tịch
Chợt nhớ nấm mồ hoang
Lòng thổn thức bàng hoàng
Xin chắp tay khấn nguyện
Người chết âm thầm, không họ không tên, không thân không quyến
Người chết lạnh lùng, chôn vội chôn vàng, không khói không hương
Hồn bơ vơ, lưu lạc chốn thê lương
Đếm cây cỏ bên rừng hoang quạnh quẽ
Quê hương mình biết bao nhiêu những kẻ
Chết nghẹn ngào, và lấp vội ai hay
Uï đất kia, ai biết được đêm ngày
Dần tan biến một hình hài cát bụi
Người chết đi, biết gì không, tiếc nuối
Người chết đi, biết gì không, kêu thương
Nhưng nơi đây, hồn ai đó vấn vương ?
Phảng phất mãi những nấm mồ không tên tuổi !!!
*****
Không biết sống, nghĩa là Xuân Đã Chết !
Tháng 12-2004
Không ai chờ mà sao xuân vẫn đến
Không ai tiễn mà sao xuân vẫn đi
Thử nhìn xem xuân có nghĩa là gì
Cho xuân đến, xuân đi, xuân tàn, xuân rụng
Trong ước vọng có nghĩa là xuân mộng
Trong tin yêu có nghĩa là xuân mơ
Trong xa xôi có nghĩa là xuân chờ
Trong ngóng trông có nghĩa là xuân đợi
Xuân đang đến cho người người khoe áo mới
Xuân đang về cho ai ai cũng dấu nụ cười khô
Cho cỏ cây, hoa lá đồng hẹn bao giờ
Cùng rực rỡ, khoe muôn màu muôn sắc
Cùng nhau đón khi xuân đang có mặt
Cùng nhau vui khi có sẵn xuân về
Cùng nhau mừng cho ước vẹn xuân thề
Cùng nhau chúc cho thềm xuân tươi đẹp
Thời gian hỡi, lòng xuân đâu có hẹp
Không gian ơi, nụ xuân đâu có tàn
Mỗi một mùa khi tuần tự băng ngang
Thì xuân đến, và xuân còn mãi mãi
Xuân còn đó, xuân đi, xuân trở lại
Cho lá hoa thay màu mới đeo cành
Cho khung trời cùng vần vũ tươi xanh
Cho nhân thế niềm tin yêu hy vọng
Xuân đang đến, gió xuân về lồng lộng
Xuân đang đi, mang hương sắc phai tàn
Cho muôn loài cùng sống cõi trần gian
Biết trân quý, ươm mầm cho nhựa sống
Xuân là xuân, cho thềm xuân hoa mộng
Xuân là xuân, cho xuân thắm hoa cười
Xuân là xuân, cho xuân của mọi người
Không biết sống, nghĩa là xuân đã chết !
*****
Con Người Phiêu Bạt
Tháng 01-2005
Hận một kiếp bốn phương trời ngang dọc
Cả cuộc đời chưa thỏa mộng Nam Kha
Đèo vi vu tàn cát bụi sương pha
Đồi heo hút mờ phong trần bạc trắng
Biển thăm thẳm đùa trời xanh tĩnh lặng
Núi thâm u cợt huyền bí hoang vu
Bỗng ta nghe một tiếng vọng mịt mù
Làm tan vỡ khoảng chân không ngái ngủ
Vẽ thành bóng một con người du thủ
Cỡi rong rêu cùng vũ trụ đi hoang
Giữa khung trời vạch một nét đường ngang
Cuối góc biển chắn một lằn lối dọc
Bóng thời gian tan chiều dài điểm mốc
Bóng không gian vỡ cát bụi truy phong
Bầu trời xanh, đâu phải mãi xanh trong
Làn mây trắng, chưa pha màu tiết đọng
Nẻo phiêu du bung đôi tay chèo chống
Chốn xa mờ dẫm sỏi đá bước chân
Đầu đội trời hình theo bóng nương thân
Chân đạp đất một đời đi chưa đủ
Chốn hồng hoang cành mai còn điểm nụ
Bãi tiêu ma rơi hạt bụi chưa tan
Giữa đất trời cao rộng quá, thênh thang
Nên ta mãi là con người phiêu bạt.
*****
Ta cứ tưởng, đời ta ghê gớm lắm !
Tháng 02-2005
Ta cứ tưởng đời ta ghê gớm lắm
Nhưng thật tình chẳng có nghĩa gì đâu
Nhớ những gian truân, bóp trán, vò đầu
Trông thảm não còn hơn con cóc lác
Ta cứ tưởng đời ta ghê gớm lắm
Làm cho nhiều nhưng có được bao nhiêu
Nhớ lúc co ro, cùng cực, hẩm hiu
Trông ủm thủm còn thua con khỉ mốc
Ta cứ tưởng đời ta ghê gớm lắm
Suy cho cùng chẳng có nghĩa ra sao
Nhớ thuở hàn vi đói rách, xanh xao
Trông dị hợm khác gì con chó ghẻ
Đừng biếm đời, biếm mình, cho ra vẻ
Thật bình thường, mà cứ nghĩ thanh cao
Chưa lên voi, đã huênh hoang, vênh váo, tự hào
Khi xuống chó, ôm lủi thủi, gục đầu, cúi mặt
Nhớ những trận, đau kinh hồn, quặn thắt
Thở không ra, miệng không nói, khò khè
Dáng buồn xo, trùm kín mít, im re
Nằm thim thíp, sự đời không muốn ngó
Đó là chỉ những cơn đau nho nhỏ
Chớ lỡ mang những tật bịnh nguy nan
Chết không xong, mà sống cũng không màng
Những vặt vãnh bản thân, còn lo không nổi
Nếu may mắn, thì tàn đời, mệt mỏi
Tay yếu, chân run, tai điếc, mắt mờ
Lú lẫn bèo nhèo, lẩm cẩm xác xơ
Nghĩ phát quải khi tuổi già xuống dốc
Ngay hôm nay, có những khi cô độc
Ngẫm riêng mình và ngẫm kiếp trần gian
Dài hơn thước mấy, rộng được mấy gang
Còn nếu chết, tan hoang theo cát bụi
Ngẫm như thế, đừng làm trời, làm cụi
Đừng khinh thường thiên hạ chẳng còn ai
Còn có bao lăm, mà cậy thế cậy tài
Mà cứ tưởng, đời ta ghê gớm lắm !!!
*****
Nếu một mai có về thăm Quê Mẹ!
Tháng 03-2005
Nếu một mai có về thăm quê mẹ
Tôi sẽ đi xem ngõ trước cửa sau
Để nhìn trông nơi cắt rốn chôn nhau
Những gì còn và những gì đã mất !
Nếu một mai có về thăm quê mẹ
Tôi sẽ thăm những nấm mộ họ hàng
Xin chân thành khấn nguyện ba nén nhang
Vờn vợn khói, xa rồi, xa xa mãi !
Nếu một mai có về thăm quê mẹ
Tôi sẽ đi thăm ngõ vắng đầu thôn
Để lắng nghe những âm vọng nỉ non
Còn đọng lại bên bờ rêu dĩ vãng !
Nếu một mai có về thăm quê mẹ
Tôi sẽ đi thăm bến vắng bờ sông
Để nhìn trông bong bóng nước trôi dòng
Còn vương vấn bóng hình xưa tích cũ !
Nếu một mai có về thăm quê mẹ
Nhìn mấy hàng cau rũ bóng lưa thưa
Ước gì còn bé nhỏ như ngày xưa
Để không thấm cuộc đời nhiều tan vỡ !
Thăm quê mẹ để trông về nỗi nhớ
Và trầm ngâm trong nỗi nhớ tìm quên
Những ngày qua, còn gì nữa, thênh thênh !!!
Những hôm nay, dấu mờ loang cát bụi !!!
*****
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng !
Tháng 03-2005
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Những gì đã qua, đã nhớ, đã quên
Những gì đã qua, chưa nhớ, chưa quên
Để lưu dấu một đời, đi đi mãi
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Những gì của ta, còn mất, đâu rồi
Dù có gần hay ở tận xa xôi
Gom góp lại làm hành trang dấn bước
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Những khổ đau có mặt mọi nẻo đường
Những thân thương như ngọn gió đầu sương
Dù ra sao, ta vẫn xin gìn giữ
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Dù tàn phai những dấu vết xa xưa
Dù phôi pha theo năm tháng nắng mưa
Nhưng đã khoét một đời ta loang lở
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Ngẫm cuộc đời đã từng bước đi qua
Khi bình thường khi vùi dập phong ba
Rồi tất cả cũng lùi về quá khứ
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Bụi Trường Sơn còn nhả khói bay bay
Cát Biển Đông còn bồi lở đêm ngày
Để góp nhặt chút tro tàn đã mất
Ta tìm lại rêu mờ trong dĩ vãng
Để nhìn ta và nhìn cả cuộc đời
Bãi tang thương còn dấu vết tơi bời
Như dấu ấn nhận chìm băng thế kỷ !
*****
Bình minh chưa ló dạng !
Tháng 03-2005
Đêm đã dài mà sao chưa được sáng
Ba mươi năm, đâu phải ít ỏi gì
Một phần ba thế kỷ, nhớ kỹ đi
Một phần ba đời người, còn chi nữa
Đâu có ngắn mà dằn co kèn cựa
Ba mươi năm đã quá đủ quá dài
Thế hệ già nua, rũ mục tuyền đài
Thế hệ tiếp theo, đã kề miệng lỗ
Thế hệ đàn em đã dài gian khổ
Con đường hầm vùi lấp ba mươi năm
Ánh sáng mịt mờ le lói xa xăm
Bồ hóng phủ mái tường rêu mấy lớp !
Thế hệ chúng ta, một đời bì bọp
Cũ cũng đeo mà mới cũng nửa vời
Ngả ba đường đều cuốn hút chơi vơi
Đẩy hai chiều xát xây mòn sông núi
Hoàng hôn xuống bóng đêm về tăm tối
Đã mù mờ mà lại thiếu trăng sao
Nghe vi vu thoang thoảng gió xạc xào
Đêm chưa hết màn đêm còn dày lắm
Nước Biển Đông vơi đi mùi muối mặn
Dãy Trường Sơn mờ sương khói sơn khê
Ba mươi năm đom đóm vẫn lập lòe
Ráng chớp nháy bình minh chưa ló dạng !!!
*****
Vầng thơ còn đó, đẹp thay !
Tháng 03-2005
“Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta kêu gió, gió đừng rung cây”
Đố ai đón hết vầng mây
Để ta chận lại, mây nầy thôi bay
Đố ai làm nước không lay
Để ta gọi sóng đừng đày gió sương
Đố ai quét sạch bụi đường
Để ta kêu bụi đừng vương vãi nhiều
Đố ai nhặt hết cô liêu
Để ta nhốt lại buồn hiu một nhà
Đố ai nhặt hết thơ ca
Để ta thôi động âm ba tao đàn
Đố ai nhặt hết trăng vàng
Để ta thôi bắt đường ngang lối về
Đố ai chận nước bờ đê
Để ta gọi nước vỗ về bên sông
Đố ai cắt giá mùa đông
Để ta kêu rét đừng trông lạnh lùng
Đố ai nhặt hết thu vàng
Để ta gọi lá đừng tan lìa cành
Đố ai sống hết xuân xanh
Để ta cho trẻ không thành già nua
Đố ai đếm hạ mấy mùa
Để ta gọi nóng chào thua oi nồng
Đố ai nhặt hết diêu bông
Để ta kêu én đừng hòng se tơ
Đố ai đón hết vầng thơ
Để ta gát bút trông chờ mà chơi
Nếu không, ta viết mấy lời
Thành câu thi phú cuộc đời của ta
Cho đời ý vị vậy mà
Như câu tục ngữ, như ca dao này
Vần thơ còn đó đẹp thay !
*****
Là thi sĩ, nghĩa là ...!
Tháng 03-2005
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Ôm bóng đêm nói chuyện với trăng sao
Tai có thể nghe ngàn vạn lý xạc xào
Mắt có thể thấy khuất muôn trùng vời vợi
Là thi sĩ không thấy mình trơ trọi
Cỡi sông ngân nói chuyện với thiên hà
Vượt cung trăng để thăm viếng Hằng Nga
Căn gác nhỏ nhưng nhìn trời đất hẹp
Nhìn vũ trụ như bàn tay mở khép
Nhìn huyễn sinh như một hớp cà phê
Nhìn công danh thấy mặt mũi ê chề
Nhìn phú quí bèo nhèo đôi dép bỏ
Là thi sĩ gom vòm trời nho nhỏ
Sống riêng mình như một ốc đảo hoang
Còn thì còn như vạn hữu càn khôn
Mất thì mất li ti hơn hạt bụi
Vụt một cái đưa hồn lên đỉnh núi
Biến cái vèo có mặt giữa biển khơi
Phóng cái nhìn có mặt khắp nơi nơi
Vò một cái nát tan không tụ điểm
Chợt quay lại, mệt mỏi rồi, ngưng chuyện
Ly cà phê còn mấy giọt sau cùng
Nghiên cái ly, quẹt một cái, sạch chung
Gác ngòi bút trở về trong thực tại.
*****
Thương những gia đình bất hạnh !
Tháng 03-2005
Căn nhà này, sao hoang tàn đổ nát
Từ ngoài vào trong, sao vắng vẻ lạnh tanh
Nơi bàn thờ, nhiều mạng nhện bao quanh
Nhện cũng bỏ đi, vì không còn ruồi muỗi
Nơi sau vườn, cỏ cao bằng đọt chuối
Chuối trỗ buồng, rồi chín, héo, đeo cây
Nơi cửa trước không cài, bao lớp bụi phủ dày
Khu xó bếp xác xơ, tro tàn bay muốn hết
Mái nhà tranh như rổ nang, đan kết
Đếm sao trời, không thiếu ánh sao thưa
Trên nền nhà lưu lại những vết mưa
Mùi ẩm thấp đóng rêu xanh mấy lớp
Bên bờ ao, cá ngậm tăm, không đớp
Súng chen bèo buồn ủ dột lặng thinh
Chim bay ngang vương theo bóng in hình
Vẽ thành nét “cửa nhà ai vô tự” !!!
Chợt ngẫm nghĩ rồi đâm ra tư lự
Căn nhà này nhớ có mấy anh em
Không lẽ nào thần sống đã gạch tên
Hay không lẽ loạn ly đều đi cả
Mấy ụ đất hơi nhô trông thấy lạ
Lại nghiêng nghiêng theo hàng lối bên hè
Đến gần trông, thấy lành lạnh hơi e
Đọc những chữ ngoằn ngoèo trên tấm gỗ
À, thì ra đây là những nấm mộ
Nào cha, nào mẹ, nào anh, nào chị, nào em
Hướng mắt về nơi nào đó buồn tênh
Để hình dung trên quê hương mình,
Còn bao nhiêu những gia đình bất hạnh !!!
*****
Bịnh tham ô, nằm ụ, ù lì !!!
Tháng 03-2005
Từ cơn quốc biến gia vong
Quê hương nổi trận cuồng phong
Sản sinh ra những loài đục khoét
Khoét từ thượng tầng đan kết
Đục từ trứng nước đục ra
Khoét, đục cho tan nát nước nhà
Mọi hang ổ, chỗ nào không có
Dù là đục to đục nhỏ
Dù là khoét ít khoét nhiều
Không qui, không sách, không chiêu
Dày chằng chịt nên khó bề cứu chữa !!!
Giây muốn bứt, nhưng động rừng, vướng nứa
Hang muốn vào, nhưng đụng ổ, hết ra
Nên chỉ bắt một vài con tép cho qua
Hay chỉ chụp một vài con chim gãy cánh
Đục và khoét có vây có cánh
Bịnh tham ô, cửa thế cửa quyền
Không những ăn vàng bạc của tiền
Mà ăn cả vật tư, động sản
Hỡi những kẻ leo đồi nhũng lạm !
Hãy nhìn kia, thế nước, lòng dân !
Hay lớn nhỏ đều cùng nhau can dự chia phần
Nên không thể mạnh tay tận diệt !!!
Muốn sửa sai, tái thiết
Phải chận đứng tham ô
Muốn xây dựng cơ đồ
Phải sạch trong pháp trị
Nếu che đậy, kết bè, thì cùng nhau chết dí !
Nếu tranh giành, chống chế, thì dãy dụa tiêu ma !
Đất, ngày thêm ũng thối xì ra
Nước, ngày thêm bùn lầy ứ đọng
Đã phóng mãi trên đường dài giải phóng !
Những quan liêu, nhũng lạm, trì trệ,
Hãy phóng giải sạch đi !!!
Hay bao che, bảo thủ, độc tôn
Nên nằm ụ, ù lì !!!
Thì đất nước không tròng trành sao được ???
*****
Cái nghề Bán Cái !
Tháng 03-2005
Có một cái nghề
Không được liệt kê
Và cũng không cần trải qua trường lớp
Vậy mà đua nhau nườm nượp
Có khi còn được cấp bằng
Cái nghề không lập thành văn
Ở đời, ai ai cũng có !
Hãy nói cho nghe nho nhỏ
Cái nghề bán cái, phải không ?
Ta đang mở chuyện lòng vòng
Lại kêu đích danh mà nói !
Nghề bán cái, xưa nay không học hỏi
Mà người người tự điêu luyện mới hay
Sự kiện diễn ra, vừa mới hiển bày
Là đã hiểu cái nghề bán cái
Con nít ranh, mũi còn nhỏ dãi
Đến cụ già tóc bạc hoa râm
Người thế, quyền, càng lớn càng thâm !
Người dân giả, hơi thô hơi thiển !
Cái nghề bán cái, xưa nay có tiếng
Không cấp bằng nhưng ăn đứt mọi nghề
Kẻ thuộc quyền, bị đì, hết chỗ chê
Kẻ nhẹ dạ, bị thường xuyên lợi dụng
Chuyện thơm tho, thì thi nhau tranh tụng
Chuyện cỏn con thì đem đẩy cho người
Chuyện ngon ăn thì rạng rỡ tươi cười
Nuốt không vô, thì dí cho thiên hạ
Còn con nít, bày trò mặc cả
Còn người lớn, rẻ rúng đãi bôi
Rồi ung dung hinh hỉnh ngạo đời
“Họ đang làm, do ta đó chớ !”
Có một chuyện vô tình làm duyên cớ
Cái nghề bán cái cảm thấy hay hay
Nói, thế nào, tôi cũng viết bài này
Chữ bán cái mà thành thơ chớ nị !!!
*****
Lá rụng về cội
Tháng 03-2005
Lá rụng về cội
Nghĩa là sao mà ta thường hay nói
Để cùng nhau nhắc nhở lại cho đời
Nghĩa thật gần và cũng thật xa xôi
Vừa nghĩa đen lại còn thêm nghĩa bóng
Này em nhé ! Ngồi đây chơi, đỡ nắng
Em coi kìa, chiếc lá rụng, về đâu
Còn đu đưa phơn phớt gió xanh màu
Khi rớt xuống, cho vàng bay chiếc lá
Rụng về cội, em nghe hơi thấy lạ
Rớt gốc cây, em thấy đó, phải không
Cây với cội cùng một nghĩa theo dòng
Xa hơn nữa, đó là nguồn lịch sử
Từ dưới đất, cây vươn lên đấy chứ
Qua thời gian, cây đâm lộc nẩy chồi
Dù cây non, hay đại thọ sống đời
Cỡi vô thường băng ngang dòng cát bụi
Lá rơi rụng, vàng vàng bay, mục, thúi
Từ đất lên, trả về đất, tốt tươi
Một ngày kia, khi em đứng tuổi rồi
Em mới nhớ, những gì xa xưa cũ !
Nhớ, nhớ mãi, không bao giờ biết đủ
Của những gì, xa xưa nữa, em ơi
Tục ngữ kia dù chỉ có mấy lời
Nhưng giải bày thì vô cùng thâm thúy
Nói ít hiểu nhiều, mới càng ý vị
Lá rụng về cội, là thế nghe em
Khi về chiều, em sẽ hiểu bóng đêm
Càng thấm thía, nhớ thương về nguồn cội !!!
*****
Uống nước nhớ nguồn
Tháng 03-2005
Uống nước nhớ nguồn
Mỗi một ngày, em thường uống luôn luôn
Hễ thấy khát, là em cần đến nước
Miễn là nước, dù nước gì cũng được
Khi uống vào, em sẽ hết khát ngay
Chỉ một câu ngắn gọn, nhưng thật hay
Vậy, uống nước nhớ nguồn, là sao nhĩ !!!
Ra bờ sông, nhìn dòng sông đang chảy
Nước ở đâu, mà cứ chảy tuôn hoài
Hãy hình dung một chút để thử coi
Nước chảy đó, tức có nơi xuất phát ?
Em hãy bước lên đầu non ca hát
Con suối reo róc rách đó, là nguồn
Đã là nguồn, thì nước mãi trào tuôn
Hễ có mưa là nước nguồn tuôn chảy
Và sao nữa, mà ông cha mình dạy
Uống nước nhớ nguồn, nghĩa lý cao siêu
Như hôm nay, em khôn lớn bao nhiêu
Nhờ công sức của mọi người mới có
Và kia nữa, như tấm thân em đó
Vương hình hài, nhờ cha mẹ sinh ra
Sống ở đời phải có cửa có nhà
Dù hơi tệ, thì nhà tranh, công viên, xó chợ
Và còn nữa, em ơi ! Luôn ghi nhớ
Phàm con người, phải có Tổ có Tiên
Có quê hương, dân tộc, đất nước mọi miền
Có lịch sử và những gì ông cha để lại
Uống nước nhớ nguồn, nhớ hoài nhớ mãi
Nhớ và trao nhau, từng thế hệ điểm tô
Nhớ và trao nhau, cùng gìn giữ cơ đồ
Chứ đừng sống vô tình,
Và chỉ biết mình em, em nhé !!!
*****
Tôi không có bán thơ đâu !
Tháng 03-2005
Nhớ Hàn Mặc Tử bán trăng
Nhớ người khố rách làm văn bán nghèo
Cơ cùng ai bán mốc meo
Sơn khê ai bán giữa đèo hoang vu
Còn tôi xin bán cái ngu
Bán luôn cái dốt mặc dù chẳng mua
Bán luôn những cái hơn thua
Chỉ xin giữ lại quê mùa mà chơi
Bán luôn phi thị cuộc đời
Chỉ xin giữ lại cơ ngơi an bình
Bán luôn danh lợi lưu linh
Chỉ xin giữ lại nguyên trinh độc hình
Có ai mua được chình ình
Để tôi bán nốt nhục vinh đã nhiều
Bán luôn trưởng giả quan liêu
Bán luôn cái lạnh cuối chiều mùa đông
Bán luôn bèo bọt trôi dòng
Chỉ xin giữ lại bờ sông lần về
Bán luôn những cái nhiêu khê
Để coi trong nỗi ê chề ra sao
Bán luôn đến cả trăng sao
Chỉ xin giữ lại cây đào trước sân
Bán luôn những cái phong trần
Cho luôn chiếc bóng phù vân trôi bờ
Nhưng tôi không bán vầng thơ
Để tôi nhìn nó hững hờ tôi chơi
Mang thơ đi khắp cuộc đời
Rải thơ cùng khắp chơi vơi trên ngàn
Dù ai đã bán trăng vàng
Còn tôi gõ tiếng tao đàn thân thương
Dù ai khép lại nẻo đường
Nhưng thơ tôi đó, vương vương vô cùng !
Mặc Giang