Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Bóng Đè Của Văn Hóa Pannô - Đèn Lồng
Trần Kiêm Đoàn * đăng lúc 06:47:51 PM, Apr 20, 2018 * Số lần xem: 1037
Hình ảnh
#1

            Bóng Đè Của Văn Hóa Pannô - Đèn Lồng 
           
            Kỳ Đài Huế Bị Biến Thành Pháo Đài Phú Văn Lâu
 

 

 

 “Xấu thì hãy bôi son trát phấn dày vào cho đẹp.”
Lời khuyên cổ điển cho một nàng kỷ nữ Thiên Tân thiếu nhan sắc mặn mà trời cho.
“Thiếu hấp dẫn thì treo đèn lên, đốt đuốc lên cho tăng thêm phần rực rỡ, lôi cuốn.”
 

 

Lời khuyên truyền thống cho những chốn ăn chơi, lấu xanh, lầu hồng trà đình tửu điếm Trung Quốc.
Đó là những khái niệm cổ xưa thể hiện quan niệm “xấu che, tốt khoe” ở các nước Á Châu mà đậm nét nhất là ở Trung Quốc.

 

Một thói quen xuất phát từ xã hội ưa chuộng phô diễn màu sắc lòe loẹt, trưng bày hình ảnh chói chang, lập lại những nội dung sáo mòn thành nghèo nàn vô cảm của Trung Quốc xưa và nay đã biến thành một loại VĂN HÓA PANÔ – ĐÈN LỒNG đè bẹp nghệ thuật và mỹ thuật chân chính. Sự phô bày diêm dúa màu sắc, trưng diễn hình ảnh và khẩu hiệu thiếu nghệ thuật về nội dung và sự thể hiện rập khuôn cạn cợt về hình thức trong một quy mô lớn cả nước sẽ làm cho văn hóa truyền thống dân tộc cùng sự phát triển tự nhiên và uyển chuyển của văn hóa địa phương bị thoái trào và xuống cấp.
Đầu Xuân năm Mậu Tuất 2018, tôi về lại quê nhà sau 5 năm cách xa.

 

Có dịp về thăm lại quê hương, tôi tự ví von những bánh xe lăn trên đường chở tôi đi như tấm lòng mình trải dài trên đó. Gã “trai làng U-80” mà được đi xe máy hai bánh chen chúc trong rừng xe trên những đường phố Sài Gòn hay tiếp tay lái xe bốn bánh với Trần Kiêm Hạ, tác giả Cuộc Đời Sau Tay Lái, để đi thăm nhiều thành phố miền Nam quả là một hạnh phúc tuyệt vời mà bao năm đi trên đường xứ người tôi chỉ ngắm nhìn mà không cảm nhận.

 

Điều làm tôi ngạc nhiên đầu tiên đập vào mắt là hiện tượng giăng đèn, kết hoa quá tầm cỡ bình thường, gần như “đồng phục”, trên các thành phố Việt Nam mà năm bảy năm về trước tôi chưa hề thấy. Đêm thì như pháo bông được bắn lên rồi vì trở ngại tác xạ, pháo bông đứng sững trên đầu. Ngày thì như những đám rơm rạ che khuất tàng cây xanh mùa xuân đang trổ lá. Hình ảnh nầy làm tôi liên tưởng ngay tới khung cảnh Hồng Kông, Đài Loan, China Town (Phố Tàu) và những thành phố Trung Hoa nội địa mà tôi đã đi qua. Có vẻ như Văn Hóa Panô – Đèn Lồng bản chính kiểu Tàu đang nở rộ trên quê hương Việt Nam mình!
Buổi tối chúng tôi đi dạo Đà Lạt, quanh hồ Xuân Hương, một người bạn đã nói một câu là tôi cúi đầu suy nghĩ:

 

“Tui muốn khóc cho Đà Lạt khi nhìn những giàn đèn quái lạ che khuất sương khói và hình ảnh những hàng thông kỳ tú của xứ đầy mộng mơ nầy!”

 

Mấy hôm sau về Huế, tôi cũng nhìn thấy cảnh đèn đuốc… rỡ ràng tương tự.

 

So với Đà Nẵng đã hóa thân thành một xứ mới thì Huế còn đang la đà chưa vượt khỏi ga Huế, phi trường Phù Bài để tiến bước xa hơn hay bay lên tầm cao một chút.

 

Khung cảnh Huế được khai thác như một đối cực với Đà Nẵng. Trong khi Huế cần một tiến trình thiết kế và xây dựng trung dung giữa hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ như Hội An.

 

Thật vậy, Huế là một thành phố hiếm hoi ở Việt Nam còn giữ được những nét thiên nhiên “rất Huế”. Nhưng nếu cứ giữ mãi những nét hoang sơ không vươn lên cùng sông núi thì Huế sẽ là một bà già trầu ngồi lại bên cầu tiễn những chuyến xe về chân trời mới. Một dẫn chứng cụ thể là như bãi cỏ xanh chạy dài từ cầu Bạch Hổ lên tới tận chùa Thiên Mụ bên bờ Bắc sông Hương thì Huế như đang chạy ngược dòng tiến hóa. Năm sáu năm trước khi tôi về đây và mãi cho đến bây giờ chẳng có gì thay đổi. Vẫn là bãi cỏ mọc tự nhiên pha thêm rều rác khiến bờ sông đẹp dịu hiền như cô thiếu nữ mặc nguyên một bộ áo quần ngủ hoài không dậy.

 

Thế nhưng, Huế có những thay đổi “cách mạng” ngoài dự tưởng của các nhà kỹ thuật và mỹ thuật. Tôi cho đó là một sản phẩm “đoản hậu” vì vẽ rắn thêm chân; tạo những vết sẹo vụng về trên những gia tài cổ tích.

 

Đó là sáng kiến dị kỳ biến KỲ ĐÀI THÀNH PHÁO ĐÀI. Biến một di tích lịch sử có tầm cỡ quốc tế thành một nơi bị xâm phạm, vá víu thiếu đẳng cấp lịch sử và du lịch.

 

Kỳ Đài Huế hay như tên người dân thường gọi là Cột Cờ Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành.

 

Kỳ Đài nằm ở giữa mặt Nam của Kinh thành. Kỳ Đài gồm hai phần: đài cờ ba tầng cao khoảng 17,5m và cột cờ cao 37m.

 

Tối ngày 12/2/2018, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ khánh thành gọi là “thắp sáng mỹ thuật Kỳ Đài” với1000 đèn Led bố trí bao bọc xung quanh và chạy ngang dọc khắp Kỳ Đài.

 

Cột cờ Phu Văn Lâu là nơi chứng kiến nhiều biến cố thiên nhiên và lịch sử quan trọng. Theo National Geography thì Cột Cờ Phu Văn Lâu là một trong 5 kỳ đài có tính chất lịch sử và xã hội cổ xưa nhất thế giới (?)

 

Chuyện chưng bày biểu diễn đèn đóm chỉ là những sinh hoạt màu mè tạm thời không đáng quan tâm. Nhưng điều quan tâm tập trung nhiều nhất là việc thiết lập có tính cách cố định và trường kỳ những khẩu súng đại bác phun lửa với họng súng đặt nhô ra các phía của kỳ đài.

 

Ngày 10-4-2018, chúng tôi đến viếng kỳ đài và ai nấy phái há hốc mồm kinh ngạc khi nhìn thấy các khẩu đại bác trông giống như đồ chơi trẻ con Disneyland đặt trên các bức tường rêu phong, cổ kính của Kỳ Đài. Đây là một sự chắp đặt vá víu thiếu nghiên cứu và thiếu thận trọng làm hư cảnh quang uy nghi của một kỳ đài lịch sử.

 

Ai là người chịu trách nhiệm về những việc làm tuỳ tiện, biến những di sản kiến trúc quý hiếm của Huế thành những sản phẩm thô thiển như thế này?

 

Xin trân trọng kính nhường lời lại cho những nhà Huế học và những hội đồng kiến trúc tôn tạo của Huế. Tại hạ xin cáo từ vì lý do bất khả kháng là phải về lại... làm dâu nhà người !

 

Sáng từ giã Huế về sân bay Phù Bài tôi cảm thấy lòng rộn lên niềm vui mới. Cháu Dương Phước Đan Thanh lái xe riêng của cháu chở chúng tôi về phi trường. Hình ảnh cô gái Huế lái xe trên đường rộn ràng xe cộ sao lại có vẻ như hơi lạ lùng đối với một đầu óc U-80 như tôi khi từ trong sâu thẳm của cảm nhận riêng mình, tôi cứ ích kỷ cột Huế với áo dài, tóc thề và xe đạp.

 

Thì Huế đang đi vào tương lai. Nhưng những ai bán Huế thì lại đang đi vào bóng tối của tham vọng và tự hủy chính mình. Huế nhỏ mà sâu nên một câu thơ của Hàn Mạc Tử cũng là gia tài muôn thuở. Và, hình ảnh kẻ tạo ra “nhất giang lưỡng quốc” cũng là tội phạm muôn đời.

 

Làm du khách Huế thì dễ. Nhưng làm văn hóa Huế thì khó lắm. Huế ơi!

Sacramento, một tuần sau ngày xa Huế 19-4-18
Trần Kiêm Đoàn

kỳ đài Huế.jpgẢnh (Lê chụp)
Kỳ đài Phu Văn Lâu đang bị biến thành Pháo Đài Đại Nội.

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.