Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Trump sẽ làm gì với Assad?
Ngô Nhân Dụng * đăng lúc 03:59:35 AM, Apr 16, 2018 * Số lần xem: 979
Hình ảnh
#1

 

           


Trump sẽ làm gì với Assad?

                             Ngô Nhân Dụng


 

Mỹ, Pháp và Á Rập Saudi tuyên bố sẽ trừng phạt Bashar Assad sau khi hơn 40 thường dân Syria bị giết bằng hơi độc tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus. Nga chối bỏ việc Assad dùng vũ khí hóa học, còn dọa sẽ bắn rơi các hỏa tiễn mà Mỹ và Pháp nếu đánh vào Syria. Tổng Thống Donald Trump bèn “tuýt” rằng ông “sẽ đánh hỏa tiễn mới, tinh khôn!” thách thức lại Nga. Nhưng hôm sau ông đã xác định rằng ông chưa hề nói bao giờ sẽ đánh, “Có thể sắp tới nơi rồi, có thể không!”
Dân Mỹ lâu nay vẫn nghĩ rằng các nước văn minh có bổn phận bảo vệ những người dân vô tội khỏi bị tàn sát bằng hơi ngạt; nếu cần thì dùng sức mạnh quân sự!
Năm 2013, cựu Tổng Thống Barack Obama đã dọa đánh nếu Assad dùng vũ khí hóa học. Lúc đó cuộc nội chiến mới bắt đầu hai năm. Dọa rồi, Obama lại không đánh, chấp nhận cho Assad phá hủy kho vũ khí hóa học, có Liên Hiệp Quốc làm chứng. Ông Obama bị chê cười, vì chỉ nói mà không dám làm. Năm nay, Tổng Thống Trump hứa sẽ ra tay.

Nhưng ông Trump đã ra tay một lần rồi, vào Tháng Tư, 2017. Lúc đó, dân chúng Mỹ vỗ tay hoan hô vị tân tổng thống. Nhưng, trước khi phóng 60 hỏa tiễn Tomahawk vào một phi trường quân sự ở Syria (giá rẻ nhất $60 triệu), Mỹ đã báo tin cho Nga biết, để họ đưa lính tráng người Nga đi nơi khác, khỏi rắc rối. Chắc hẳn là Nga phải báo tin cho Assad biết; và ông này cũng đem các máy bay, các vũ khí đắt tiền đi lánh nạn. Sau khi Mỹ phá nát phi đạo, tiêu diệt mấy nhà kho của Assad, chỉ vài hôm sau phi trường hoạt động trở lại. Và sau một năm, Bashar al-Assad lại đem vũ khí hóa học ra giết dân lần nữa!
Vậy, nếu tuần tới, các ông Tổng Thống Trump, Macron, được Anh Quốc và Á Rập Saudi đứng sau vỗ tay, cùng cho phóng hỏa tiễn trừng phạt Bashar al-Assad vì tội đem hơi ngạt giết dân, thì kết quả có khác gì 60 trái Tomahawk hồi Tháng Tư, 2017, hay không? Kết quả còn tùy họ chọn đánh thế nào.
Nếu Mỹ, và Pháp, chỉ “trừng phạt” Bashar al-Assad một lần cho biết tay, giống như năm ngoái – cũng giống như ông Obama có thể làm năm 2013 nếu ông ta không “nhát,” thì hậu quả sẽ không thay đổi gì được cách tính toán của Bashar al-Assad. Assad biết rằng Mỹ không muốn dính líu vào chuyện Syria! Obama chỉ hô hào suông phải lật đổ Assad, nhưng muốn Mỹ đứng ngoài, vì chẳng được lợi gì cả. Donald Trump mới tuyên bố tuần trước, ở tiểu bang Ohio, rằng ông sẽ rút nốt 2,000 quân Mỹ đang ở Syria về nước, “rất sớm, very soon!”
Nghe tin Mỹ sắp rút quân, Assad càng yên tâm, cho nên không ngần ngại đem hơi ngạt ra dùng lần nữa! Vì ông ta cần chiếm Douma, một thị xã với mươi ngàn dân, vẫn do quân nổi dậy làm chủ, từ khi bắt đầu cuộc nội chiến. Họ được Saudi, Mỹ và các nước Á Rập hỗ trợ.
Trong khi các lực lượng quá khích IS đang tàn và tìm cách rút vào bí mật, Assad đang cố tiêu diệt các nhóm dân nổi dậy chống mình mà không phải bọn IS. Nhiều toán quân này nổi lên trước khi IS ra đời, vừa chống Assad và vừa đánh IS. Douma là cứ điểm sau cùng, còn nằm ở trong vùng gần thủ đô, do một trong những toán quân này cố thủ. Douma là một cái gai trước mắt nhà độc tài và các cố vấn người Nga và Iran. Phải nhổ cái gai này! Máy bay Nga, dân quân gốc Shi A do Iran chỉ huy đánh mãi, cả năm qua chưa nhổ được.
Tối Thứ Bảy tuần qua, dân Douma đang ngủ thì nghe tiếng trực thăng bay quần, nghe tiếng những thùng bom thả xuống đất. Những người nằm ngủ dưới hầm vẫn chết, không một vết thương, chỉ sùi bọt mép, mặt mũi tím, xanh.
Sáng hôm sau, quân nổi dậy phải chấp nhận đề nghị của Assad: Ngưng chiến! Rút khỏi Douma! Hàng ngàn quân sĩ cùng gia đình lên xe, di chuyển tới một căn cứ địa khác của họ ở phía Đông, xa Damascus.
Chỉ dùng “một liều thuốc” hơi ngạt, Assad đã nhổ được cái gai cắm ngay trước mắt trong sáu năm nội chiến.
Khó lòng bảo được Bashar al-Assad ly dị vũ khí hóa học. Ông ta nhớ gương Muammar Gaddafi, nhà độc tài xứ Libya chịu ngưng không nghiên cứu làm bom nguyên tử theo các nước Âu, Mỹ yêu cầu. Mấy năm sau thì bị giết. Nếu Saddam Hussein có bom nguyên tử và hơi độc thật, thì có lẽ không bị bắt từ hầm chui lên như con chuột cống, rồi bị giảo hình.
Hơn nữa, đối với Assad, cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011 sắp kết thúc, mà ông ta đang thắng. Chế độ chuyên chế của gia đình Assad đã kéo dài hai đời, nay nhờ dựa và Nga và Iran, sẽ vững bền như chế độ họ Kim ở Bắc Hàn. Khi cần, Assad phải dùng hơi ngạt để bảo vệ ngai vàng. Ông ta chỉ từ bỏ vũ khí hóa học nếu không làm thì sẽ mất ngôi chúa tể! Mà điều này, theo Assad tính toán, khó xảy ra nếu Nga và Iran vẫn còn đóng quân ở Syria và hết lòng bảo vệ Assad.
Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Mỹ và Pháp, liên tiếp trong một tuần, một tháng, rồi ngưng, cũng sẽ không thay đổi cách tính toán của Assad. Nga sẽ báo cho Assad và Iran biết những địa điểm nào sẽ bị đánh. Thiệt hại sẽ không đáng kể, và Nga cùng Iran sẽ đền bù, có thể còn cho thêm.
Quan trọng nhất là, cho tới nay, Assad có thể thấy rằng nước Mỹ không có một kế hoạch nào lâu dài đối với Syria. Mới hôm trước, ông Trump nói sắp rút về. Hôm sau, ông nói chưa rút vội, nhưng sẽ rút. Rồi ông dọa đánh hỏa tiễn. Xong, ông lại nói còn khoan khoan, chưa biết ngày nào.
Hôm Thứ Năm, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis lại nói trước Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện rằng việc đánh trừng phạt Syria phải “cân bằng” với mối lo “chiến tranh mở rộng.” Mở rộng tới đâu? Rõ ràng, tới đụng độ với quân Nga và quân Iran. Ông Mattis cũng nói với Tòa Bạch Ốc rằng trước khi trừng phạt Assad, phải nghiên cứu xem chắc chắn có phải Assad đánh bom hơi ngạt ở Douma hay không. Đúng là một “kế hoãn binh!”
Bao giờ mới biết chắc chắn? Tổng thống Pháp quả quyết rằng chính Assad đã dùng hơi ngạt giết dân Douma, có tin được ông ta không?
Sự thật là, sau cuộc can thiệp vào Iraq năm 2003, giới lãnh đạo Mỹ đã rút được một kinh nghiệm, là không nên dính vào vùng Trung Đông nữa. Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, cả về vũ khí lẫn quân đội. Sức mạnh đó sẽ khiến các nước phải nể nang. Nhưng tốt nhất là không nên đem dùng trước khi suy nghĩ, tính toán. Cuộc chiến Iraq giúp Iran củng cố ảnh hưởng trên nước này, mà trước đó Saddam Hussein là kẻ thù số một của Iran. Cuộc nội chiến Syria, nước Mỹ khôn ngoan đứng ngoài, nhưng vì thế mà cả Nga và Iran nhân cơ hội nhảy vào chiếm chỗ.
Trong cả thời Chiến Tranh Lạnh, Nga không thể nào có một căn cứ hải quân trong vùng Địa Trung Hải. Hiện nay Nga đã ký hợp đồng dài hạn với chế độ Assad thuê được hai căn cứ, hải quân ở Tartus và không quân tại Hmeimim. Các lực lượng đó nằm sẵn phía Nam quân đội Khối NATO ở Châu Âu. Còn ở mặt Bắc, quân Nga đang đe dọa các nước Baltics.
Iran cũng bành trướng ảnh hưởng qua Iraq sang tới bờ biển Địa Trung Hải, Giáo Chủ Ali Khameini sẽ dùng Syria làm căn cứ địa nuôi đạo quân Hezbollah cho họ thao túng nước Lebanon, rồi nhòm ngó Israel.
Trong khi không biết nước Mỹ tính toán thế nào, Israel đã tự lo lấy thân mình. Phi cơ Israel liên tiếp tấn công các đội quân Hezbollah ở Syria, và các căn cứ quân của Assad, mà không cần báo cho ai biết trước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự tính đường riêng. Quân Thổ đánh cả các đồng minh của Mỹ, quân Syria gốc người Kurds vẫn được Mỹ viện trợ, để ngăn không cho họ liên kết với lực lượng người Kurds trong nước Thổ!
Nước nào cũng có sách lược của họ. Nhưng không ai biết Mỹ sẽ làm gì.
Chính phủ Mỹ có thể đánh hỏa tiễn trừng phạt Assad, như đã làm một năm trước đây. Rồi đâu lại vào đó.
Có thể kéo dài các cuộc không tập trừng phạt mà không hẹn ngày chấm dứt, phối hợp cùng với Pháp nếu Pháp đồng ý. Nhưng ông Macron khó thuyết phục được dư luận dân Pháp đồng ý. Vì mục đích vụ trừng phạt có lý do, là Assad dùng hơi ngạt giết dân. Nếu hắn ta ngưng, thì phạt thêm làm gì?
Nhiều người chỉ trích ông Donald Trump là năm ngoái ông chỉ phóng hỏa tiễn Tomahawk có một lần. Họ nói, như nhật báo Wall Street Journal mới viết, nếu ông Trump năm ngoái đánh thêm thì chắc đã “ngăn ngừa” không cho Assad làm bậy. Báo Wall Street nhấn mạnh, The word “deterrent” is key. Chìa khóa là “ngăn ngừa.”
Giả thử từ năm ngoái Mỹ tiếp tục đánh hỏa tiễn vào các căn cứ quân sự, để buộc Assad phải xóa bỏ hết kho vũ khí hóa học. Nhưng nếu Assad không chịu xóa, thì sẽ đánh đến bao giờ? Liệu Assad sau cùng có chịu thua hay không? Liệu Nga có chấp nhận cho Mỹ đánh Assad đến tơi tả hay không? Ông Mike Pompeo, nguyên giám đốc CIA, hôm Thứ Năm mới tiết lộ tại Thượng Viện Mỹ rằng hồi Tháng Hai đầu năm nay có lúc Không Quân Mỹ bỏ bom lên quân đội của Assad, để cứu quân nổi dậy thân Mỹ, đã vô tình giết chết hai trăm lính Nga. Vladimir Putin cho thấy biết nhịn nhục, chắc vì đám người chết đó chỉ là lính đánh thuê. Nhưng nếu Mỹ nhất định lật đổ Assad thì Putin còn nhịn nữa chăng?
Cuối cùng, dù ai làm tổng thống Mỹ cũng sẽ phải tính đến câu hỏi này: Khi nào chấp nhận đối đầu thẳng với Nga và Iran ở Syria? Nga và Iran ủng hộ Bashar al-Assad. Mỹ có sẵn lòng trả bất cứ giá nào để lật đổ Assad hay không?
Trước khi tính chuyện đó, cũng phải tính trước rằng nếu Assad đổ thì nước Syria có thể sẽ rơi lại vào một cuộc nổi chiến mới, hàng triệu người sẽ chết, và chính phủ Mỹ vẫn phải quyết định có dính vào hay không!
Trước những tính toán như trên, nếu Tổng Thống Donald Trump ngập ngừng, ông có thể sẽ chọn con đường dễ dàng nhất: Trừng phạt tượng trưng chế độ Assad vì tội giết dân bằng hơi ngạt. Chỉ đánh hỏa tiễn mấy căn cứ quân sự, cho biết tay, rồi thôi. Các cử tri ủng hộ ông sẽ vỗ tay hoan hô lần nữa, giống như năm ngoái. Trong năm nay, ông Trump có thể rút quân Mỹ về hết, nếu ông giữ lời hứa. Có thể sau này Assad sẽ không bao giờ còn dùng đến hơi ngạt, vì không có nhu cầu. Đến năm 2020, ông Trump có thể khoe rằng chính ông đã dạy cho Assad một bài học!

                                            Ngô Nhân Dụng

 

 

 
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.