Nov 23, 2024

Truyện dài

ÐÔI BẠN - chương 9 đến 12
Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam * đăng lúc 05:34:32 PM, Apr 19, 2009 * Số lần xem: 3261
Hình ảnh
#1

Chương 9

Phần II

Dũng tới trước cổng sang vườn nhà Loan lúc nào không biết. Qua lá cây thấy thấp thoáng có bóng người mặc áo trắng, Dũng liền đi rẽ ra phía vườn sau nhà.
Bà Hai ngồi xới đất cạnh một luống cải. Ngay gần chỗ Dũng đứng, dưới giàn đậu ván, Loan đương mãi hái đậu cho vào rá. Loan biết là Dũng sang nhưng không quay lại. Dũng cũng làm như chưa trông thấy Loan,chàng đứng dựa vào hàng rào nứa yên lặng nhìn những luống cải, luống rau vuông vắn như những miếng thảm xanh, đất khô và trắng; chỗ nào mới tưới xong, đất màu sẫm lại, và trên lá cần, lá mùi, những giọt nước còn đọng long lanh. Một cơn gió nhẹ lướt qua mặt đất, các lá rau non, ướt nước rung động trước gió như muốn tỏ cái vui sướng được mát mẻ sau một ngày mong đợi khô khan.
Ánh sáng buổi chiều đều đều và êm dịu: Tiếng sáo diều ở đâu rất xa đưa lại, nhẹ như hơi gió. Dũng cảm thấy có một sự hòa hợp nhịp nhàng giữa cảnh chiều và lòng chàng lúc đó.Thấy bà Hai nhìn về phía mình, Dũng mỉm cười yên lặng cúi đầu chào, chàng không muốn cất tiếng nói to sợ làm tan mất sự hòa hợp rất mong manh của chàng và cảnh chiều êm ả.
Loan đặt rá đậu xuống đất, quay mặt về phía Dũng đứng, lấy tay rẽ những cành đậu rủ xuống, mỉm cười hỏi giọng tinh nghịch:
-Anh Dũng đấy à?
Nàng giơ hai tay ôm lấy gáy rồi ngửa mặt lên mỉm cười nói:
-Hái chưa được mấy mà mỏi cổ quá.
Bà Hai bảo Loan:
-Nếu cô hái xong rồi thì lại đây giúp tôi một tay.
Loan vội cúi xuống cầm rá lên, đáp lại:
-Thưa mẹ, chưa xong ạ.
Tay nàng lùa vào trong giàn đậu, nhanh nhẹn như con chim non tìm mồi nhưng qua lá cây, Dũng thấy hai con mắt nàng đương long lanh nhìn chàng cố xét. Loan hạ thấp giọng để bà Hai nghe không rõ, bảo Dũng:
-Lúc nào em cũng thấy anh buồn.
Rồi nàng vờ như không để ý đến câu hỏi của mình, kiễng chân với một cành cao, vui vẻ nói:
-Cành này vô số là quả nhưng cao quá, anh Dũng ạ.
Dũng hiểu ý, nói:
-Ý cô muốn tôi giúp cô.
Loan mỉm cười đáp:
-Ý thế.
Bà Hai nói
-Cô muốn ăn đậu ván mà có một việc hái cũng hết nhờ người nọ đến người kia.
Dũng giữ ý nên trước còn đứng ở xa, khi đã hái được một nắm đầy, chàng lại gần Loan để tiện vứt đậu vào rá Loan cầm. Một lúc sau, Loan nghỉ tay; nàng đợi mỗi lần Dũng hái được nhiều lá, nàng giơ tay gom lấy những quả đậu ở trong lòng bàn tay Dũng.
Dũng thốt nhiên đáp lại câu hỏi của Loan lúc nãy:
-Sao cô lại cho là tôi có sự gì buồn?
-Em trông anh, em đủ biết. Em đoán không sai bao giờ đâu. Có phải không anh?
Dũng yên lặng một lúc lâu rồi đáp:
-Cô đoán nửa phần đúng và nửa phần sai.
-Thế là anh nửa buồn và nửa vui. Em, em không muốn cho ai buồn cả. Vui vẻ có phải hơn không?
Dũng quay lại đặt những quả đậu vào lòng bàn tay Loan. Hai người đứng gần nhau quá; Loan ngượng cúi mặt xuống nhìn những quả đậu trong tay rồi đưa cho Dũng xem:
-Anh hái những quả nOn quá. Ăn làm sao được. Lại có lẫn cả lá, cả cành thế này à? Anh này lơ đãng quá.
Dũng mỉm cười âu yếm nhìn Loan:
-Xin lỗi cô.
Rồi Dũng nghiêm nét mặt lại vừa nhặt những cành lá vứt xuống đất vừa nói rất khẽ:
-Anh Thái vừa mới chết.
Loan thản nhiên nói:
-Em biết rồi. Em vừa đọc báo xong.
-Cô nên cẩn thận đừng nói với ai biết rằng cô đã gặp anh ta và đừng cho ai biết anh ta là bạn của tôi, nếu không sẽ lôi thôi đến cô và tôi ngay.
Loan đáp:
-Anh không cần phải dặn. Em phải giữ gìn cho anh vì em đã biết hết cả, tuy anh vẫn giấu em. Như hôm anh qua bến đò Gió là hôm anh đến thăm anh Thái.
Dũng ngạc nhiên và lo sợ nhìn Loan. Chàng nghĩ đến số tiền gần trăm bạc người ta khám thấy trong người Thái. Loan nhìn Dũng thương hại rồi nói như van lơn:
-Từ rày anh nên ở luôn nhà, xa dần họ ra. Em lo lắm. Anh và cả anh Trúc nữa, các anh có tính liều lĩnh quá.
Dũng yên lặng nghe Loan nói. Chung quanh chỗ hai người đứng, những chiếc lá xé vụn rơi lấm tấm xanh trên mặt đất. Dũng thấy trong lòng sung sướng chàng nói:
-Nếu cô biết được những nỗi khổ của tôi... Nếu tôi cũng được như cô, có một gia đình toàn người yêu...
Loan nói:
-Chị Hiền..
Dũng ngắt lời:
-Một người chị không bao giờ bằng một người mẹ.
Chàng thốt nhiên nhìn ra chỗ bà Hai ngồi. Loan nói:
-Tại lâu nay ở trong nhà có nhiều tin đồn về anh, bảo anh hay lên tỉnh cờ bạc và giao du với những bạn không được tốt. Em nghe tin rất khó chịu, nhưng em không biết nói sao.
Dũng nói:
-Tôi cũng không biết nói sao vì mình cũng có lỗi. Thật ra, những người không đáng trọng tí nào lại có quyền được khinh những người đã coi cái chết là thường vì không muốn sống đê hèn.
Loan nhắc lại:
-Sống đê hèn... em không hiểu
-Cô chẳng thể hiểu được.
Dũng nói giọng nửa đùa nửa thực:
-Như tôi sống bây giờ là sống đê hèn. Nhưng thôi, nói làm gì cho cô bận tâm, tôi muốn như cô lúc nào cũng cười luôn được. Loan mỉm cười nói:
-Cười luôn chưa hẳn là vui. Tại tính em thế.
Dũng tiếp theo:
-Tại tính, có lẽ nhưng có lẽ tại cô có cái núm đồng tiền ở má rất xinh mà khi cười mới trông thấy, mà càng cười càng xinh hơn.
Lần đầu chàng nói thẳng khen Loan; chàng cố giữ vẻ tự nhiên như nói một câu khen đùa chơi. Nhưng nói xong, Dũng lại ngượng với mình vì câu khen ấy Dũng thấy nó tầm thường quá, chàng muốn cứ để Loan nhìn chàng mà đoán ra được rằng chàng đang thầm khen Loan hơn là diễn ra bằng lời nói, không bao giờ ý vị bằng sự yên lặng của hai con mắt.
Bóng chiều sẫm dần dần, không khí mỗi lúc một trong hơn lên, trong như không có nữa, mong manh như sắp tan đi để biến thành bóng tối. Một mùi thơm nhẹ thoảng đưa hương thơm của tóc Loan hay hương thơm của buổi chiều? Mắt Loan lặng nhìn Dũng, nàng nói:
-Em nghe thấy tiếng sáo diều ở đâu
Dũng đặt tay vào rá đậu ván tìm mấy chiếc lá lẫn trong quả đậu.
-Tôi thích trước cửa buồng có một giàn đậu ván vì hoa đậu ván đẹp
Loan đáp:
-Hoa đậu ván màu tím tím...
Nàng nói câu ấy, tiếng khẽ quá như sợ hãi điều gì. Một bàn tay Loan rời cạnh rá, đặt gần tay Dũng. Mấy ngón tay thong thả cời những quả đậu lên lại bỏ xuống. Dũng nghĩ nếu lúc này đặt tay mình lên tay Loan và nắm lấy, Loan sẽ yên lặng; Loan, cũng như chàng, chắc sẽ phải cho thế là một sự tự nhiên. Một giây phút đợi chờ...
Dũng kéo tay ra. Loan ngửng về phía bà Hai nói to:
-Được lưng rá, mẹ ạ. Con tưởng cũng đủ rồi.
Dũng cười to nói tiếp:
-Vả lại trời tối quá. Trông quả lẫn với lá không sao hái được nữa.
Hai người vui vẻ bước ra khỏi giàn đậu ván nhìn nhau tự nhiên như không xảy ra chuyện gì. Dũng nghĩ thầm:
-Ý định của mình lúc nãy, Loan chưa nhận thấy.
Chàng chắc Loan cũng đương nghỉ như chàng.

hết: Chương 9, xem tiếp: Chương 10
Đánh máy : ThanhLoan & Chiều Nhạt Nắng
Nguồn: VNTQ - ThanhLoan
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 19 tháng 6 năm 2007

***

Chương 10

Phần II

Dũng đưa cho mọi gười trong nhà xem tờ cáo phó nói:
-May ra thì kịp
Rồi chàng móc túi lấy ra cuốn lịch, giở vội vàng đến trang kê giờ xe lửa. Chàng hỏi vú già:
-Đã sửa soạn va ly chưa?
Vú già đáp:
-Xong rồi cậu ạ. Tôi lấy cái va ly nhỏ vì cái va ly lớn bà Hai mượn.
-Bà Hai mượn làm gì? Sao không cho tôi biết...
-Bẩm cậu, bà Hai cùng đi Thanh thủy, bà Huyện là chị ruột bà Hai.
-Thế bà đi chưa?
-Bẩm cậu, bà Hai cũng sắp lên tỉnh để ra ga đi chuyến lần này.
Dũng bảo đầy tớ ra phố huyện gọi xe. Mọi người trong nhà đều cho việc Dũng phải đi ngay để kịp đưa đám bà Huyện là một việc rất tự nhiên vì từ lúc nhận được giấy cáo phó Dũng làm như Độ, con bà Huyện là người bạn rất thân của mình. Thật ra Độ đối với Dũng chỉ là một người bạn học cũ, từ ngày cách biệt ít khi Dũng nghĩ tới.
Vú già nói:
-Cả cô Loan cũng đi với bà Hai.
-Thế à?
Dũng tỏ vẻ hơi khó chịu. Chàng hỏi vú già:
-Thế cậu Quỳnh đâu?
-Cậu Quỳnh đã đi trước, từ khi bà Huyện ốm
Dũng mỉm cười:
-Các bà bao giờ cũng dềnh dàng nhưng chuyến này thì khó hòng thoát.
Vú già nói:
-Bà Hai vừa hỏi tôi xem cậu có đi thì để bà ấy cùng đi cho tiện.
Dũng nói:
-Biết ngay mà. Nhưng tiện thì không tiện tí nào... Thế vú sang thưa với bà Hai rằng tôi cũng có đi và nói với bà sửa soạn mau mau lên mới kịp tàu.
Từ sáng Dũng đã biết là bà Hai sẽ đi Thanh Thủy với Loan, nên khi nhận được giấy cáo phó, Dũng vui sướng như vừa được một tin mừng. Chàng chỉ mong có dịp rời khỏi nhà, nên tờ cáo phó ấy đối với chàng chẳng khác nào một tờ giấy thả một người tù đã lâu ngày. Nhất là chàng sẽ được cùng đi với Loan và trong mấy ngày được sống gần Loan ở một nơi phong cảnh đẹp.
Không ai nghi ngờ gì cả, thấy Dũng cuống quýt, ai cũng cho là tại chàng hấp tấp vì sợ lỡ giờ tầu không kịp tới đi đưa đám. Khi ra cổng Dũng đã thấy bà Hai và Loan ngồi trên xe đang đợi. Chàng không dám nhìn Loan, vì chàng không dám sung sướng vội. Tự nhiên chàng sinh ra gắt gỏng với người nhà.
-Sao không gọi những người kéo khỏe. Ngữ này thì bao giờ mới tới tỉnh.
Loan nói:
-Còn kịp chán, anh Dũng ạ
Khi xe ra khỏi cổng làng, Dũng thở dài. Chàng nghĩ thầm:
-Một cuộc du lịch thần tiên bắt đầu
Dũnb bảo xe đi lùi lại sau. Loan đối với chàng lúc đó có vẻ là lạ khác mọi ngày: Chiếc khăn mới làm cho nước da Loan trắng hơn và màu phớt hồng ở gò má rõ hơn. Thỉnh thoảng Loan đưa tay ra phía sau vuốt lại mớ tóc xõa xuống gáy. Dũng nói:
-Đã lâu lắm tôi không đi đâu xa
Loan vờ như chưa nghe rõ để lấy cớ quay lại hỏi Dũng và nhìn mặt Dũng được tự nhiên. Nàng nói:
-Em cũng thế.
Từ miệng nói cho đến vẻ mặt nhìn của Loan, Dũng thấy nàng như muốn thầm bảo Dũng:
-Em cũng như anh sung sướng được đi như thế này.

****
Bốn giờ chiều tới ga Hà Nội. Ra bến ô tô, hỏi mới biết là không còn xe đi Trung Hà nữa. Bà Hai bảo Dũng thuê hộ xe vào ấp Thái Hà để lại chơi bà phán Lợi. Loan nhất định không nghe, Dũng cũng một mực ngăn không nên lại nhà bà Phán. Bà Hai cười hỏi:
-Hai anh em chỉ được cái về hùa với nhau. Không lại bà phán thì ngủ ở đâu bây giờ?
Dũng đáp:
-Bác không lo. Cháu thuê buồng ở ô-ten bác nghỉ cho đỡ mệt.
Loan mừng rỡ:
-Phải đấy. Rồi ăn cơm xong, ta đi xem Hà Nội. Anh tính từ thuở bé tôi chưa xuống Hà Nội bao giờ.
Dũng ngạc nhiên:
-Thế à. Tôi không ngờ đâu. Ăn cơm xong, tôi sẽ đưa bác và cô đi xem.
Nhưng ăn xong,bà Hai kêu mệt và nhức đầu rồi bảo Loan đưa về phòng nằm nghĩ.Loan nhìn Dũng thất vọng.Bà Hai bảo Dũng:
-Bây giờ anh có cần đi đâu có việc thì cứ đi, cả đêm qua tôi thức thành thử buồn ngủ quá.
Loan nói:
-Con thì lạ nhà khó lòng mà ngủ được. Anh Dũng ở lại cho vui, chắc anh cũng chẳng có việc gì cần ở Hà Nội.
Nàng đứng dậy nói:
-Ra cửa đứng xem phố Hà Nội một lúc cho vui vậy.
Nửa giờ sau Dũng cũng ra cửa. Loan hỏi:
-Anh sắp đi đâu bây giờ?
Dũng đáp:
-Tôi lại đằng người anh em bạn, lâu ngày không gặp
Loan bỗng như chợt nhớ ra điều gì hỏi Dũng:
-Phố hàng bông thợ nhuộm có gần đây không nhỉ?
Dũng đáp liền:
-Gần đây, cô hỏi làm gì?
-Em có người chị em bạn, chị Lương, ở đấy. Em muốn lại chơi, nhưng sợ lạc đường.
Dũng nói:
-Tôi cũng đi qua phố ấy, để tôi đưa cô lại. Khi về, cô về một mình.
Loan nhìn vào trong nhà, ngần ngừ. Dũng nói:
-Chắc bác ngủ rồi.
Loan rón rén bước ra phố. Nàng thấy quả tim đập mạnh và sợ hãi toan trở về. Nàng tự hỏi:
-Có nên không?
Dũng nói:
-Cô đi mau lên chứ.
Không nghĩ ngợi, Loan bước liền tiến lên đi cạnh Dũng . Thấy hàng phố đông người qua lại, dần dần nàng trở nên mạnh bạo. Nàng nói:
-Vui quá nhỉ.
Tới đầu phố, Dũng bảo Loan đi rẽ sang một con đường lớn hơn, hai bên toàn cửa hàng sáng trưng. Hai người yên lặng đi, không nhìn ngang nhìn ngửa, hình như có việc gì vội vàng lắm.
Loan hỏi:
-Còn xa không anh?
-Còn xa lắm.
-Thế sao lúc nãy anh bảo gần đây
Dũng đi chậm lại:
-Cô có vội đến thăm cô Lương lắm không?
-Chẳng vội lắm.
-Thế thì cần gì gần với xa
Hai người yên lặng đi. Dũng thấy chân mình lúc đó bước một cách nhẹ nhàng và gót giầy nện mạnh bạo trên hè phố. Trong lòng vui sướng nên cứ tự nhiên chàng muốn bước một lúc một nhanh hơn. Loan cũng cố bước mau nhưng theo không kịp.
-Em đi không quen, đã thấy mỏi cả chân... Hay thôi, nếu xa thế thì chẳng cần lại đấy nữa.
Dũng đứng lại và dưới ánh đèn chàng thấy trán Loan lấm tấm mồ hôi:
-Chắc cô vừa mệt vừa bực.
Chàng cố lấy giọng tự nhiên nói:
-Hay ta vào hàng uống nước cho mát... rồi lại đi nữa.
Loan sẽ gật đầu mỉm cười. Nàng chỉ biết nghe theo Dũng không còn trí đâu để suy nghĩ về hành vi của mình. Trốn mẹ đi đôi với Dũng ở ngoài phố, rồi lại vào hàng ngồi uống nước với Dũng, Loan không biết được rằng thế là làm một việc tự nhiên hay liều lĩnh.
Hàng "cà phê" vắng khách. Chính Dũng cố ý chọn hàng đó, nơi mà trước kia khi còn học ở Hà Nội, chàng đã nhiều lần tới. Dũng nói:
-Vào đây tôi lại nghĩ đến hồi còn đi học. Mỗi lần nhớ nhà, tôi lại rủ anh em đến uống rượu cho đỡ buồn.
Hàng "cà phê" sang trọng quá khiến Loan bẽn lẽn ngồi yên. Dũng hỏi:
-Cô uống thứ gì?
-Tùy anh.
Dũng gọi hai cốc kem và bánh ngọt.
-Tù hãm hơn một năm trời. Bây giờ lại đến ngồi đây, không biết là mình tỉnh hay mê.
Hai người nhìn nhau bâng khuâng. Dũng cúi mặt xuống khẽ đáp:
-Có lẽ mê, nhưng là một giấc mơ đẹp.
Loan muốn cố tìm một câu nói nhưng không biết nên nói câu gì. Nàng không thể cười nói tự nhiên được mà cứ ngồi yên lặng, nàng lại sợ Dũng tưởng lầm rằng nàng không vui lòng.
Dũng nói:
-Bây giờ nghĩ đến nhà quê thật là xa lắc. Giá cứ thế này đi không về nữa thì hay đến đâu.
-Sao lúc nào em cũng thấy anh nói đến đi.
Dũng mỉm cười:
-Ở nhà tôi có nói đến đi bao giờ đâu?
Loan nói:
-Anh không nói đến đi nhưng trông nét mặt anh lúc nào em cũng thấy anh khó chịu, hình như chỉ có đi là thoát.
-Sao cô lại tưởng thế?
-Không phải tại anh, nhưng tại các anh em bạn anh. Hết anh Thái, lại đến anh Xuân, anh Bằng... Hôm em gặp anh ở nhà cụ Chánh là hôm anh Thái về rủ anh Cận đi. Em biết hết. Các anh đừng tưởng giấu được em.
-Chịu cô. Nhưng tôi có định giấu cô đâu. Ở nhà gần gũi nhưng cấm lúc nào được nói chuyện với cô. Gần mà hình như xa nhau lắm.
Ngẫm nghĩ một lúc rồi Dũng nói tiếp:
-Có lẽ phải xa nhau rồi mới gần được.
Bồi đem bánh và hai cốc kem lên. Dũng mời Loan ăn, rồi yên lặng nhìn Loan cầm thìa đưa lên môi. Loan cau mày, rùng mình rồi chép miệng nói:
-Ngon quá nhỉ... Sao anh không ăn đi?
-Ngồi nhìn cô ăn ngon hơn là ăn.
Loan lại nói:
-Lúc nãy ăn cơm cũng thế. Nhưng lúc nãy còn có lý vì em ăn cơm tây lần đầu đối với anh chắc là một thứ trò lạ mặt.
Nàng cười, hai má hơi nhuốm hồng và tinh nghịch nói tiếp:
-Cô em bé của anh quê mùa và trẻ con lắm phải không anh?
Dũng không biết hai tiếng xưng hô "cô em bé" của Loan là do ở thân mật tự nhiên hay cô ngụ ý âu yếm. Chàng nói:
-Lúc này tôi trông cô hơi là lạ, hình như trước mặt tôi có một người con gái mới gặp đã thân ngay, không phải là cô Loan mọi ngày nữa. Tôi mới gặp mà...
Dũng không nói hết câu vì thấy Loan nhìn chàng lộ vẻ suy nghĩ về câu nói có lẽ đã làm nàng ngạc nhiên. Chàng biết là mình quá lời và lấy làm ngượng vì cái ngầm ý muốn cám dỗ người con gái còn thơ ngây tin ở mình như tin ở một người anh. Dũng cầm miếng bánh ăn và cố lấy giọng tự nhiên xoay câu chuyện ra vẻ khác:
-Chẳng cứ gì tôi. Lúc nào tôi cũng thấy cô như nghĩ ngợi điều gì. Trong lúc miệng cô cười thì hai con mắt cô suy nghĩ, có vẻ lo buồn. Có đúng thế không?
-Chịu anh là tài. Nhưng anh đoán sai tất cả.
Loan chợt nghĩ đến việc nhân duyên của nàng và của Dũng. Nàng đã nhất quyết không lấy Thân, nhưng còn Dũng? Nàng không dám chắc, nàng không dám hy vọng nữa, vì nàng thấy thân phận mình đối với Khánh thấp kém quá. Loan nói:
-Thế là người nào cũng có những sự lo nghĩ, lo nghĩ ngấm ngầm không nói ra mà cũng biết rõ cả rồi.
Nàng nghĩ đến tương lai mù mịt và thấy một nỗi buồn hiu hắt thoáng qua tâm hồn. Nhưng nỗi buồn xa xôi ấy khiến Loan cảm thấy mạnh hơn cái vui sướng hiện thời được ngồi trước mặt Dũng không có gì ngăn cản. Loan nói:
-Lúc nào biết lúc ấy, ngày nào biết ngày ấy, lo nghĩ làm gì đến những chuyện xa xôi chưa đến.
Dũng cười, nói giọng bông đùa:
-Từ nãy đến giờ nói chuyện đến hay, chỉ nói nửa chừng mà hình như rõ ràng cả.
Vì cái tình thế rất mập mờ của Dũng và Loan lúc đó nên những lời nói ra thành rụt rè ý nhị quá, bóng gió xa xôi. Hai người đều khó chịu nhưng không thể nào xoay câu chuyện ra thẳng thắn tự nhiên được.
Mọi người đi ngang qua bàn thấy Dũng mỉm cười chào:
-Lâu mới gặp anh Dũng.
Dũng đứng dậy bắt tay. Thấy bạn đưa mắt nhìn Loan, Dũng giới thiệu:
-Cô Loan, em họ tôi.
Biết là không thể ngồi lâu được nữa và để người bạn Dũng khỏi nghi ngờ mình có ý vội vàng lánh mặt, nên Loan đứng ngay dậy làm như mình đã định về từ trước.
Ra đến ngoài, hai người cứ yên lặng đi, không dám hỏi nhau đi đâu vì nếu hỏi thì câu trả lời tất nhên sẽ chỉ là đi về khách sạn, điều mà không ai muốn cả.
Đến chỗ rẽ vì tắt mấy ngọn đèn điện nên dẫy phố Richaud trông trắng xóa dưới bóng trăng. Loan nói:
-Hôm nay mười sáu.
Dũng nhìn lên mặt trăng cao mà tròn khuất sau lá cây . Ở thành phố nên Dũng thấy mặt trăng có vẻ buồn bã hình như đương nhớ những quãng rộng rãi ở các vùng quê xa xôi, nhớ những con đường vắng gió thổi cát bay lên trắng mờ mờ như làn sương, nhớ những con đom đóm bay qua ao bèo, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức.... Chàng dịu dàng nói với Loan:
-Thế mà, mới độ nào, cô còn nhớ không những đêm sáng trăng chúng mình còn ngồi ở sân đợi có đom đóm bay qua rồi đứng lên reo: Đom đóm xuống đây ăn cơm với cá.
Loan nói:
-Hình như nó biết chúng mình đánh lừa hay sao nên nó lại càng bay cao già. Lạ thật, đến khi lớn thì mình không biết là có đom đóm đó nữa.
Dũng nói:
-Mình lại để ý đến những cái khác, đi tìm những con đom đóm khác và cũng đánh lừa cho nó xuống.
Loan mỉm cười:
-Mà nó lại càng bay cao.
Dũng nói:
-Có thế mình mới cố đuổi theo nó, mà có thế đời mới vui, mới đáng sống. Bắt được nó thì chán ngay, chỉ là một con bọ mùi hôi, ánh sáng ở bụng đục mờ mờ, chẳng có gì là đẹp nữa.
Dũng nhìn bóng hai người in trên đường; bỗng hai cái đầu theo nhịp bước lúc mau lúc chậm như đuổi nhau. Chàng nói:
-Chúng mình đâm ra bàn chuyện triết lý cao xa và khó hiểu.
Hai người đi ngang qua phố hàng Bông thợ nhuộm, nhưng Dũng không cho Loan biết gần đến cửa hội chợ. Dũng bảo Loan rẽ về tay trái. Đường vắng, bóng cây lưa thưa chạy trên tấm áo trắng của Loan. Hai người cùng nghĩ đến sự vô lý của một cuộc đi xem Hà Nội ở những phố vắng nhất, nhưng đều làm như mãi câu chuyện không để ý tới phố xá.
Đi ngang qua trước một dãy nhà cao lớn, Dũng bảo Loan:
-Mấy năm trước tôi ăn cơm trọ ở đây.
-Anh ở trọ sang thế này kia à?
-Chuyện, đây là nhà cụ thượng Đặng. Tôi biết cô Khánh từ độ ấy.
Thấy cửa mở và có đèn sáng, hai người chậm bước lại, tò mò nhìn vào trong, Loan nói:
-Họ sang ghê.
Dũng nói mỉa mai:
-Cùng thế cả. Nhà tôi không sang à?
Loan quay lại nhìn Dũng:
-Chỉ có nhà em là nghèo thôi
Nàng chép miệng tiếp theo:
-Kể giàu thì cũng dễ chịu hơn, có phải không anh?
Dũng nói:
-Cô tưởng thế.
Yên lặng một lúc rồi chàng nhắc lại:
-Trước tôi cũng tưởng thế hay nói cho đúng tôi không tưởng gì cả. Nhưng dần dần....
Chàng không biết có nên ngỏ cho Loan biết những ý nghĩ không hay gì của mình đối với chính người mà đáng lẽ mình phải yêu, phải trọng. Chàng nói một câu bình phẩm chung:
-Giàu một cách thẳng thắn cũng đã khó chịu rồi, huống hồ giàu một cách không xứng đáng.
Người ta ngoài cái ăn mặc còn cái liêm sĩ.
Loan hỏi:
-Thế ra những người làm qua mà gian là không có liêm sĩ.
-Tôi không định nói thế. Vả lại cũng chẳng biết thế nào mà nói. Tôi chỉ biết.... tôi chỉ thấy sự giàu sang của tôi, của cả nhà tôi... như là một cái nhục. Tôi thấy thế, nên tôi mới đau khổ.
Loan nhìn Dũng lo sợ:
-Sao anh hay nghĩ lôi thôi thế... Em cho cứ như anh thì một đời khổ. Lúc nào em cũng thấy anh băn khoăn về những chuyện không đâu. Sao không được mất như độ ngồi chờ bắt đom đóm.
Thật ra Dũng cũng không lấy điều đó làm đau khổ lắm như ý Loan tưởng, nhưng chàng muốn nói quá ra để gợi lòng thương của Loan, mong Loan để tâm đến chàng hơn.
-Nhưng khổ nhất là tôi sống trơ vơ ở trong gia đình. Bởi với tôi chỉ có tình bạn là quý nhất, thế mà các bạn tôi toàn ở xa cả... Gần tôi chỉ có...
Dũng ngập ngừng không dám nói hết câu. Loan đỡ lời:
-Em cũng thế. Gia đình em tuy êm ấm, nhưng chỉ có những người yêu mình mà không có người hiểu mình.
Câu nói của Loan phân tách người yêu với người hiểu khiến Dũng trở nên mạnh bạo. Chàng nói tiếp câu nói dở:
-Gần tôi chỉ có anh Trúc và cô. Nhưng anh Trúc thì ít khi được gặp, còn cô thì tuy gặp luôn nhưng gặp cũng như không. Giá cô đối với tôi cũng như một người bạn trai.
Loan nói:
-Cứ nói như thế.
Rồi Loan nói luôn thật mau để khỏi có một lúc yên lặng ngẫm nghĩ rất khó chịu sau mấy tiếng trơ trẻn ấy:
-Từ ngày bỏ học về, em hình như không có bạn nữa. Cũng may mà có chị thảo. Nếu không, em cũng như tù giam lỏng, quá anh nữa. Đấy, như hôm nay, giá không có bà bà mất thì cũng chẳng được sổng chân đi xem tỉnh Hà Nội.
Nàng cười nói tiếp:
-Thế mà mải vui chuyện nên quên cả xem nữa.
Ánh trăng đương mờ bỗng sáng hẳn lên. Gió đưa tà áo Loan kẽ chạm vào tay khiến Dũng sực nghĩ mình đi sát gần bên Loan quá. Chàng nhớ đến hôm lễ thọ và cái mơ ước được đi chơi với Loan trong vườn cỏ thơm, gió đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào bàn tay êm như một cánh bướm... Dũng không dám quay mặt nhìn Loan, chàng chỉ thấy bên chàng có một bóng trắng hoạt động nhẹ và thơm, lúc sáng hẳn lên dưới ánh trăng, lúc mờ đi trong bóng cây lưa thưa. Dũng nghe rõ tiếng chân bước của Loan nhịp nhàng xen với tiếng chân chàng bước.
quả tim chàng đập mạnh... Chàng trông thấy trước mặt bàn tay hơi run run của Loan, hôm nào, cời những quả đậu non trong rá, chàng nhớ đến cái cảm tưởng ngây ngất được thấy đôi môi Loan mềm và thơm như hai cánh hoa hồng, bao nhiêu thèm muốn ngấm ngầm bấy lâu trong một phút rạo rực trổi dậy. Bốn bàn chân vẫn bước đều đều... Chàng nghĩ nếu có lúc đó ngừng lại thì Loan sẽ cũng theo chàng ngừng lại; chàng sẽ đưa cánh tay đỡ lấy Loan và miệng chàng sẽ nói câu mà chàng vẫn thầm nhủ với Loan đã bao lần trong giấc mơ:
-Anh sẽ yêu em trọn đời.
Sự yên lặng của Dũng khiến Loan thốt nhiên giật mình lo sợ. Nàng nói:
-Ta phải nghĩ đến về thôi. Mẹ em mà thức dậy thì chắc mẹ em mong lắm đấy.
Ngừng một lát, nàng nói tiếp:
-Để khi về sẽ lại thăm chị Lương. Bây giờ khuya rồi, đến thăm không tiện.
Dũng nói:
-Anh cũng đương nghĩ như em.
Chàng vội đưa tay lên miệng:
-Chết chửa! Xin lỗi cô.
Loan sung sướng: Cứ gọi thế cho thân mật. Anh không là anh của em hay sao?
****
Về đến khách sạn, Loan hỏi người bồi:
-Có ai hỏi chúng tôi không?
-Bẩm, từ lúc cậu mợ đi đến giờ không ai hỏi cả.
Dũng và Loan nghe gọi hai tiếng cậu mợ, đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Dũng nói:
-Đừng gọi thế, chúng tôi là hai anh em... Trong buồng có hỏi không?
-Bẩm không.
Dũng đứng đợi ở ngoài cửa, nghe ngóng. Một lát sau tiếng bà Hai hỏi Loan:
-Con chưa đi ngủ? Tao mệt quá, ngủ được một giấc ngon.
-Thưa mẹ, còn sớm. Con đứng ở cổng xem phố vui quá mẹ ạ.
Bà Hai hỏi:
-Anh đâu?
Loan đáp:
-Thưa mẹ, anh con dễ cũng đi ngủ rồi.
Loan mở cửa gọi bồi. Thấy Dũng còn đứng đấy, nàng lấy ra ra hiệu bảo Dũng về buồng ngủ. Dũng để mấy ngón tay lên miệng làm như đã đoán được ý của Loan bảo không được cất tiếng nói; thực ra chàng muốn dùng cách kín đáo ấy để hôn vọng Loan, không cho Loan hiểu.
Dũng để nguyên cả quần áo, lên giường nằm. Chàng vắt tay lên trán mở mắt nhìn đỉnh màn rồi chép miệng, thở mạnh luôn mấy cái, sung sướng nhắc lại những câu Loan nói dối mẹ:
-Con xem phố vui quá mẹ ạ; anh con dễ đã đi ngủ rồi. 

***

Chương 11

Phần II

Thấy trong rá đã đủ lá ngót để nấu được bát canh, Loan quay trở vào. Nàng nghĩ bụng:
-Thầy vẫn thích ăn canh rau ngót. Hôm nay phải cố nấu thật ngon.
Nhưng nghĩ đến ba cái bánh trứng cáy còn lại, nàng không chắc canh có thể ngọt được. Thốt nhiên Loan thấy rạo rực, thổn thức; nàng thở dài luôn mấy cái và chớp mắt thật mau, nhưng không kịp giữ lại giọt nước mắt đã ứa ra từ từ chảy trên má.
Loan đưa tay áo lên lau mắt; chiếc áo trắng độc nhất của nàng vì cũ quá nên vải ở tay đã rách thành mấy khoảng vòng tròn để hở cả da.
Sáng hôm ấy ông Hai phải từ biệt bà Hai và Loan để lên Hà Giang dạy học ở nhà ông Bố, một người bạn học cũ; ông đi có lẽ vài năm mới về và có Quýnh đi theo để hầu hạ và giúp ông về việc bốc thuốc. Loan buồn khóc không phải vì cớ cha đi xa, mà buồn vì cuộc đi mưu kế sinh nhai ấy tỏ ra rằng nhà nàng thật đã đến lúc khánh kiệt rồi. Mấy hôm trước, ông Hai bà Hai gọi nàng vào phòng và cho biết tin ấy. Ông Hai nói nhẹ và ngượng ngập hình như rất lấy làm xấu hổ và có lỗi với con. Trong bóng tối mờ mờ, Loan thấy mẹ đưa vạt áo lên lau nước mắt. Ngay lúc đó thốt nhiên nàng nghĩ đến Dũng, đến cảnh giàu sang của nhà Dũng, đến ông Tuần thật không có lúc nào phải xấu hổ với con vì nghèo túng như cha nàng. Loan lại nhớ đến câu của Dũng khi nói chuyện về sự giàu sang của ông Tuần:
-"Tôi thấy sự giàu sang của tôi, của cả nhà tôi như là một cái nhục".
Loan không thể hiểu được câu của Dũng, ngay lúc đó thật tình nàng cũng đã như cha mẹ nàng, cảm thấy rõ ràng sự nghèo túng mới là một cái nhục nhã cần che đậy, chứ không phải cái giàu sang không chính đáng của nhà Dũng.
Loan tự an ủi rằng bà Hai vẫn ở bên cạnh nàng và cái ý nghĩ làm việc để nuôi mẹ khiến nàng trở nên vui vẻ và phấn khởi hơn trước.
Loan bưng mâm cơm lên nhà trên. Chợt nghe tiếng ông Hai nàng ngừng lại nghe ngóng. Ông Hai nói:
-Cái cậu hai Đỉnh có phần bủn xỉn hơn bố. Đã thừa cơ bắt bí mua rẻ lại còn trừ đi năm đồng bạc của thằng Quýnh vay năm ngoái. Cha nào con ấy, một lũ như nhau cả.
Giọng ông Hai nói vẫn đều đều vì ông không bao giờ gắt gỏng to tiếng, nhưng Loan biết là cha mình đã tức giận lắm. Loan vội tươi nét mặt bưng mâm cơm vào, vui vẻ cười nói:
-Cơm nóng, canh nóng, mời thầy, mời anh lại xơi ngay kẻo nguội thì hỏng hết. Sáng hôm nay lại mát trời như trời mùa thu...
Loan nhìn ra sân:
-Không khéo trời mưa mất... Mẹ xơi luôn thể để con lấy thêm đũa bát.
Loan ngồi bên cạnh nồi để xới cơm. Nàng nghĩ đến câu nói sau cùng của ông Hai và vẫn khó chịu vì cha mình đã bình phẩm một cách không công bằng, vơ đũa cả nắm coi Dũng cũng như Đình, Trường. Nhưng nàng không dám tỏ ý bênh Dũng.
Vùa lúc đó, Dũng sang chơi, Loan nhìn cha, dò ý và nàng sung sướng khi thấy cha mình vui nét mặt hỏi Dũng:
-Cậu sang chơi sớm thế?
Dũng nhìn cái hòm (rương) sơn quang dầu để trên phản mỉm cười nói:
-Cháu sang tiễn Bác. Bác đi lần này chắc vài năm bác mới về được.
-Sao cậu biết? Nhưng ở bên nhà...
-Không, ở bên nhà không ai biết cả, tưởng bác như mọi lần đi chữa bệnh các nơi xa.
Bà Hai nói giọng thân mật:
-Chỉ có anh Dũng là có tính ân cần...
Ông Hai tiếp theo:
-Bác đi vắng lâu, ở nhà có việc gì nhờ cậu lo liệu giúp...
Loan sung sướng nghe những lời nói chuyện và thầm cảm ơn cha mẹ. Lúc bấy giờ nàng mới ngửng lên mỉm cười chào Dũng.
Nàng nói với ông Hai:
-Thầy với anh đi, nhà lại vắng tanh. Mà lần này vắng đến mấy năm...
Nói xong nàng nhìn Dũng như có ý thầm bảo Dũng:
-Nhưng đã có anh.
Nàng chép miệng nói tiếp theo, mắt vẫn nhìn Dũng:
-Đi bao giờ cũng buồn. Nhưng người đi không buồn lắm, buồn nhất là người ở nhà.
Dũng hiểu ý Loan, chàng nói:
-Nhưng ở đời tránh thế nào được những sự biệt ly. Có buồn đi xa rồi mới có mừng được về, gần nhau mãi không biết rằng những lúc ở gần là quý...
Loan tiếp theo:
-Miễn là đừng đi xa mãi mãi cả đời.
Bà Hai không hiểu, vội ngắt lời Loan:
-Cô này chỉ được cái nói gở.
Lúc ông Hai và Quýnh sắp sửa ra xe thì trời vừa đổ mưa to. Dũng nói:
-Mấy hôm nay đổi tiết trời chắc là bão ở đâu về.
Loan tiếp theo lời Dũng:
-Hay thầy và anh ở lại hôm khác đi.
Bà Hai nói:
-Hôm nay được ngày, mưa bão cũng không sao.
Loan mỉm cười:
-Lúc nào mẹ cũng hy vọng hão huyền ở ngày lành, giờ tốt. Việc không ra gì thì dẫu giờ tốt cũng vẫn không ra làm sao.
Dũng nhìn ông Hai trên vẻ mặt hiền lành và lúc nào cũng buồn bã của ông, Dũng như thấy rõ hết cả những nỗi đau thương của các nhà nho lỡ vận chỉ còn sống để nhớ tiếc thời đại cũ và vẫn phải chật vật để mưu lấy cuộc sống thừa ấy. Loan đưa cho Quýnh một cái gói bọc vải đỏ và mỉm cười nói:
-Lên tới nơi, anh viết thư về ngay kẻo em mong.
Lúc ấy Dũng thấy mình hơi ngạc nhiên về đôi hàm răng trắng của Loan và tuy đã biết tại những cớ gì rồi, chàng không khỏi lấy làm lạ rằng ở trong một gia đình như thế, Loan đã đi học chữ Pháp được. Quýnh, người anh cùng bố khác mẹ của Loan thì rõ ra vẻ một bác học trò nho cắp gói theo hầu thầy học.
Hai chiếc xe đi khỏi, Loan còn đứng sững ở cửa trầm ngâm nhìn trời mưa. Dũng nói:
-Tôi cũng về thôi.
Loan giật mình quay lại, nói giọng khẩn khoản:
-Mưa thế kia anh về sao được. Anh ở lại đã.
Nàng nhìn bà Hai, chau mày nói:
-Mẹ đã lại khóc rồi, kìa. Anh Dũng, anh đừng vội về. Em lạy anh. Khổ quá, khóc lại càng buồn thêm chứ có ích lợi gì đâu!
Loan vừa nói vậy vừa cúi mặt kéo vạt áo lau nước mắt. Nàng lại ra đứng tựa vai vào thành cửa nhìn mưa rơi rồi thổn thức nói:
-Đời em chẳng được lúc nào là lúc vui.
Dũng ngồi xuống phản nói:
-Bác khóc, cô cũng khóc, rồi cô bắt tôi ở lại.
Loan nói:
-Tại mẹ em khóc trước, em cũng bắt chước.
Câu nói tự nhiên khiến Dũng và bà Hai mỉm cười .Bà bảo Loan:
-Con không lấy chè pha nước anh xơi.
Loan lau sạch nước mắt, quay lại nhìn Dũng:
-Còn nửa bao chè tàu, con gói đưa thầy con rồi.
Dũng nói:
-Sáng tôi chưa ăn gì, uống chè tàu cồn ruột ngay. Bác và cô ăn cơm chưa?
Loan lại nhìn ra ngoài mưa; Dũng mỉm cười vì thấy Loan luôn luôn nhìn trời mưa. Nàng hình như băn khoăn điều gì.
-Mưa này thì còn lâu lắm mới tạnh. Hay anh ở đây ăn cơm với mẹ em cho vui.
Bà Hai vội nói:
-Cô này hay quá. Cơm có gì mà dám mời anh xơi.
Loan hỏi Dũng:
-Chắc anh không từ chối.
Dũng nói:
-Tôi không từ chối.
Loan vui vẻ nói thật mau:
-Đấy, em biết mà. Chắc anh cũng đã đói rồi. Để em đi làm cơm ngay. Cơm sẽ rất nhiều đồ ăn, nhưng phiền một nỗi chỉ toàn những món rau cả.
Dũng đáp:
-Ăn rau mát ruột.
Loan mỉm cười:
-Em cũng nghĩ thế. Nhất là hôm nay lại mát trời.
Nàng bỏ guốc đi chân không, với cái nón lá che đầu rồi bước ra sân.
-Cô đi đâu thế?
Loan ngoáy lại rồi cứ đứng dưới mưa ngoảnh nhìn Dũng:
-Anh hỏi gì cơ?
Một cơn gió thổi mạnh; vẻ mặt tươi cười của Loan qua bức mành làm bắn những giọt mưa sáng long lanh và ngang dọc đua nhau trước gió, làm cho Dũng có một cảm tưởng mát dịu lạ lùng; chàng nghĩ đến những cây dành dành chàng đã được trông thấy nở đầy hoa trắng ở một góc nhỏ bên bờ ruộng, những buổi sáng sớm còn lạnh sương.
-Cô vào đã, kẻo mưa ướt hết. Cô đi đâu thế?
Loan ra đứng ngoài mưa, vui vẻ nói:
-Em cứ ngỡ là anh hỏi có việc gì quan trọng. Em ra vườn hái các thứ rau nấu ăn. Rau dền cơm này, rau ngót nấu canh và một ít hoa... hoa gì nhỉ?
Loan giơ bàn tay đưa đi đưa lại mấy vòng lung tung rồi mỉm cười nói tiếp:
-À, hoa bồng bồng, có thế mà cũng quên.
Dũng cũng bắt chước Loan giơ tay xoay xoay mấy vòng rồi nói:
-Thôi cô đi đi, đứng mãi ướt hết cả bây giờ.
Sự vui vẻ luống cuống và thơ ngây của Loan khiến Dũng cảm động. Chàng nghĩ đến cái vui của những đôi vợ chồng trẻ mới lấy nhau, một ngày mưa.
Bà Hai hỏi Dũng:
-Trên ấy nước có độc không?
-Thưa bác, bây giờ chẳng đâu nước độc nữa.
Bà Hai chép miệng nói:
-Tôi lo quá.
Nhưng thực tình bà không lo cho người đi bằng lo cho người ở nhà; bà không dám chắc ở số tiền ông Hai gửi về để nuôi sống hai mẹ con.
Đã từ lâu, Dũng muốn lo liệu cho Loan sang dạy học những trẻ ở bên nhà để được luôn luôn gần Loan, nhưng chàng vẫn giữ gìn không dám ngỏ ý ấy ra.
Lần này vì tình cảnh nhà Loan, Dũng không sợ ai nghi ngờ nữa. Chàng nói với bà Hai để cho Loan sang dạy bên nhà.
-Đấy bác xem, giá lúc trước bà huyện bảo giúp cho cô ấy đi học, bác không nghe cháu có phải thiệt thòi không? Bây giờ là lúc cô ấy dùng đến cái học.
Bà Hai không bao giờ nghĩ đến điều đó; những lúc khác chắc bà sẽ sợ Loan sang bên ấy dạy học có nhiều điều bất tiện nhưng lúc này thì việc đó làm cho bà mừng rỡ vô cùng. Bà cuống quýt gọi Loan, Loan chạy lên, ngơ ngác nhìn, tay còn cầm một bó rau dền; hai vai và vai cổ tay áo nàng ướt đẩm nước mưa. Bà Hai nói:
-Anh Dũng, bảo cô sang dạy học đám trẻ bên nhà.
Loan nhìn Dũng, yên lặng ngẫm nghĩ. Tuy sung sướng, nhưng cái ý tưởng sang dạy học bên nhà ông Tuần làm cho Loan khó chịu. Nàng đợi Dũng nói, Dũng cũng hơi đoán được nỗi khó chịu của Loan, chàng hối hận rằng vì kính trọng tấm ái tình của chàng với Loan quá, vì muốn Loan, chứ không phải vì đã chịu ơn huệ gì của chàng nên từ trước tới nay, chàng không giúp đỡ được Loan tí gì cả. Chỉ có một việc mượn giúp nàng mấy cuốn sách học, mà Dũng cũng loay hoay tìm đủ kế để cho mọi người và cả Loan nữa, không biết rằng chàng định tâm mua giúp . Lo liệu cho Loan sang dạy học bên ấy tức là giúp nàng mỗi tháng một số tiền chắc chắn, nhưng cũng là làm mất sự tự do của nàng, bắt nàng phụ thuộc những người mà Dũng biết chắc rằng họ không ưa gì Loan. Nhưng không lẽ lại cho Loan tiền hay cho bà Hai vay. Nếu nhà chàng cũng nghèo như nhà Loan thì việc giúp đỡ lẫn nhau còn có thể cho là tự nhiên được.
Không lúc nào bằng lúc ấy, Dũng cảm thấy rõ ràng sự giàu sang của chàng là cái hàng rào ngăn không cho chàng được dễ dàng gần gũi Loan. Loan cũng thấy nhà Dũng đối với nàng cao xa quá, nên nhận của Dũng một ân huệ gì, nàng cho là không tự nhiên và hình như là mình đã phải hạ mình.
Dũng nói:
-Việc đó còn để tùy cô. Đối với bên nhà tôi thì không có điều gì bất tiện cả. Thầy tôi đã định từ lâu mời chị giáo Lâm vào dạy, cô muốn thì tôi sẽ nói để cô thay chị giáo, việc đó không khó khăn gì.
Ngưng một lát, Dũng ngượng nghịu tiếp theo:
-Nếu có thể giúp được bác và cô là tôi vui lòng, tôi xin cố hết sức...
Loan ngồi xuống ghế, thong thả nói:
-Cám ơn anh, em cũng biết là phải kiếm việc làm để giúp đỡ thầy mẹ em, vì thế, nên em đã định buôn các thức lặt vặt ra phố huyện bán. Em sẽ học thêm chị giáo đã, chứ bây giờ em chưa đủ sức dạy học.
Loan táy máy tước những lá già ở bó rau dền. Nết mặt nghiêm trang và hai con mắt hơi buồn làm cho nàng có vẻ đẹp khác hẳn mọi ngày. Dũng đăm đăm nhìn Loan mãi và đợi cho Loan đưa mắt nhìn về phía mình. Bà Hai chợt thấy Dũng nhìn Loan một cách chăm chú quá, bà lấy làm ngượng và cất tiếng bảo Loan:
-Thôi cô xuống làm cơm đi.
Dũng giật mình, quay mặt nhìn bà Hai, chàng lấy giọng thân mật nói:
-Trông cô ấy độ này hơi gầy.
Bà Hai âu yếm nhìn Loan rồi lại nhìn Dũng. Lần đầu bà thấy nãy ra trong trí ý tưởng gả Loan cho Dũng. Bà có mỗi một người con gái, lúc nào bà cũng tha thiết mong cho con được sung sướng nên một cái hy vọng rất mong manh và không căn cứ cũng làm cho bà rạo rực, hồi hộp.
Nhưng cái hy vọng ấy chỉ thoáng qua rồi lại tan đi ngay trước sự thực; bà chắc rằng không bao giờ ông Tuần và bả cả ông Hai nữa bằng lòng cho hai người lấy nhau. Bà thất vọng nhưng cũng không lấy làm phiền lòng lắm vì việc Loan Thân thế nào rồi cũng thành; ông bà Phán Lợi giàu có lại chì có mình Thân là con trai, Loan về làm dâu nhà ấy chắc sẽ được sung sướng.
Bà Hai cũng không dám tin là Dũng yêu Loan.
Vì cứ như bà biết thì Dũng đã thuận lấy Khánh con cụ thượng Đặng. Bà Hai ngẫm nghĩ:
-Nhưng sao anh ấy lại săn sóc riêng đến nhà mình và Loan khác hẳn mọi người bên ông Tuần.
Bà không hiểu nên sự lưu luyến của hai người và vẻ mặt Dũng khi nhìn Loan khiến bà lo sợ. Bà muốn nói Dũng về việc Khánh để được yên tâm.
Mãi đến lúc ăn cơm, nhân dịp nói đến tên cụ thượng Đặng, bà Hai mới ngỏ lời nửa đùa nửa thật, hỏi Dũng về việc Khánh:
-Bao giờ cưới để tôi mừng?
Dũng nói:
-Cưới ai cơ ạ?
-Cô con cụ thượng chứ còn ai nữa.
-À bác nhắc cháu mới nhớ đến. Tí nữa quên đứt đi.
Ở ngoài nhà vẫn mưa to nên ngồi ăn bữa cơm rau với bà Hai và Loan, Dũng cho là một sự tự nhiên. Loan mỉm cười cảm động nhìn Dũng ăn ra dáng ngon lành, nàng nói:
-Tiệc cưới anh lấy cô Khánh chắc cũng chỉ sang như mâm cơm nhà em là cùng.
Dũng mỉm cười nói:
-Sang thì có lẽ sang hơn, nhưng vui thì không chắc vui bằng... Nếu có thực thì chắc là buồn, buồn lắm.
Chàng nói hai chữ "buồn" rất thong thả,cố cho Loan chú ý.Chàng quay mặt về phía bà Hai làm như chỉ chăm chú nói chuyện với bà Hai thôi,nhưng mỗi câu là một câu chí cốt nói để Loan nghe.
-Thầy con làm như con là cô con gái đặt đâu ngồi đấy.Hình như sắp cưới rồi mà không nói chuyện gì với con cả.
-Chuyện,nơi ấy thì còn đâu hơn được mà phải bằng lòng hay không bằng lòng.
-Con,con nghĩ khác,con chẳng bao giờ lấy vợ.
Chàng cười nói đùa:
-Giời sinh con ra không phải để lấy vợ mà là để không lấy vợ.Bác đã hiểu rõ chưa?
Bà Hai cũng cười đáp lại:
-Tôi hiểu rõ thế nào được.
Dũng nói:
-Nhưng có khi con lấy vợ cũng không biết chừng.
-Lúc thì lấy ,lúc thì không.
-Nhưng phải gặp người nào thực vừa ý,thực xinh đẹp,đẹp như...như thế này này.
Dũng lấy tay xoay mấy cái vòng tròn;chàng vừa nhớ đến lúc nầy cũng xoay mấy cái như thế.
Làm hiệu bảo Loan đi,chàng nói tiếp:
-Nghĩa là người nào thực đẹp,tuyệt trần đẹp...khó...khó nói ra quá.
Loan nhìn Dũng sung sướng;nàng mĩm cười và cũng giơ tay xoay mấy vòng nói đùa:
-Nghĩa là đẹp như thế này này.Có phải không anh?
Dũng gật:
-Chính đó.
Chàng ngẫm nghĩ một lát rồi nói với bà Hai
-Nhưng mà có lẽ con lại không lấy người ấy đâu
Bà Hai cười:
-Giờ lại không lấy.Đổi ý chóng thế?
-Vâng,vì đời con chắc khổ,sao chẳng lúc nào con thấy vui cả.Lấy người ấy chắc người ấy cũng khổ suốt đời,con chắc thế.Thế mà con lại chỉ muốn cho người ấy lúc nào cũng vui,lúc nào cũng sung sướng,lúc nào cũng cười...Thế cho nên con lại nhất định không lấy vợ.
Bà Hai bật cười nói:
-Anh nói có giời hiểu.
Laon nhìn Dũng tiếp theo lời mẹ:
-Giời không hiểu,nhưng người may hiểu chàng.
Loan yên lặng ngẫm nghĩ.Những câu của Dũng nói nàng vẫn biết là những câu nói đùa cho vui miệng,nhưng tự nhiên sao nàng lại thấy buồn bã lạ thường.Đã đành rằng tình thế rất khó khăn làm cho nàng không có hy vọng gì lấy được Dũng.Nàng chỉ biết yêu Dũng thôi,không nghĩ ngợi gì,nhưng sao nàng muốn cố hiểu Dũng mà lại ngày lại càng khó hiểu Dũng hơn,nàng yêu Dũng bao nhiêu thì lại thấy Dũng xa nàng bấy nhiêu,mà lạ thật,hình như chính vì thấy xa hơn nên mới yêu hơn.
Một cơn gió lùa qua cửa sổ chấn song chỗ Loan ngồi,trong gió Loan thoáng thấy mùi đất và mùi gỗ mục ở vườn sau đưa vào.Một cảm giác trơ trọi trước cuộc đời làm cho lòng nàng se lại,nàng nhìn Dũng nói:
-Gió lạnh như gío mùa đông.

***

Chương 12

Phần II

"Anh Dũng,
"Tôi hiện ốm nặng không biết là bệnh gì. Có lẽ là sốt rét rừng (cố nhiên vì tôi sốt nhiều lắm, và chắc bị từ hồi lên mạn ngược) mà có lẽ là lao vì tôi ho cũng kha khá, có lẽ cả hai thứ mà có lẽ ba bốn thứ bệnh cũng chưa biết chừng. Tôi sợ làm phiền lòng anh. Anh lên ngay thăm tôi được không? Ôi chắc lần này thì khó lòng thoát được. Thôi thế cũng xong. Tôi không sợ chết đâu, tôi cũng không buồn gì cả. Hình như lúc này tôi thấy đất mát lắm, già nhắm mắt nằm xuống, bốn bề đất mát mẻ, rồi chẳng biết gì nữa, cũng hay hay. Anh lên tới đây có lẽ tôi cũng không còn sống nữa, mà còn sống làm quái quỷ gì, vì nói không ra tiếng, nhưng thấy lúc này cần viết thư bảo anh lên. Chẳng biết để làm gì nhưng không thể đừng được. Dẫu sao tôi vẫn vui. Anh lên có lẽ tôi vui hơn nữa. Mà có lẽ vì thế mà tôi mong anh lên..."
Rồi đến mấy dòng chữ nguệch ngoạc chỉ chỗ ở và đường vào, dưới cùng ký tên "Tạo" thêm những chữ:"Cái máy ảnh của anh tôi còn giữ bên cạnh. Sắp phải trả lại anh, hơi tiếc đấy."
Lời thư pha giọng bông đùa khiến Dũng tưởng nghe lại lời nói chuyện của Tạo hơn một năm trước. Chàng không được giao thiệp với Tạo lâu, chỉ có trong vòng một tháng khi Thái mở hàng cao lâu ở trên tỉnh. Chàng cũng không biết đích là Tạo ở đâu đến, chỉ biết rằng Tạo cần gặp Thái vì một việc rất quan trọng. Hết một tháng, xong việc, Tạo lại đi nơi khác. Nhưng mới gặp Tạo, Dũng đã đem lòng mến ngay. Có lẽ vì Tạo có một vẻ mặt mà chàng ưa, vẻ mặt một người rất cương quyết nhưng hai con mắt thì êm dịu, lúc nào cũng tươi cười hình như đương vui về một điều không ai biết cả, mà chính Tạo cũng không biết. Dũng không hiểu Tạo gặp thái để bàn việc gì nhưng tình cảm riêng của Tạo thì chàng hỏi tường tận lắm và chàng thấy Tạo cũng muốn ngỏ cho chàng biết.
Dũng cầm bức thư táy máy gấp vào lại mở ra. Chàng như trông thấy trước mắt con đường trắng xóa dưới ánh trăng rằm trung thu và bóng hai người tiễn trên đường gặp hết bóng cột dây thép này đến cột dây thép khác. Tiếng nói chuyện nhanh nhẩu và có duyên của Tạo xen lẫn với tiếng trống múa sư tử ở trong phố mỗi lúc một nhỏ dần.
Tạo cho Dũng biết chàng mồ côi cha mẹ khi còn học năm thứ hai trường Bảo Hộ. Một ông cậu làm án sát vì mến chàng nuôi cho án thừa tự. Ông án mất đi, chàng chán dần cái cảnh ngồi bó gối giữ ngôi nhà thờ, làm cỗ cúng quanh năm và chìu chuộng các bà dì quanh năm hạch sách. Cỗ bàn làm không đủ lệ, không được; hễ túng thiếu cần đi vay mượn để lo cho tươm tất, các bà cũng đay nghiến hết tháng này sang tháng khác bảo chàng đã bêu dơ bêu xấu cả họ.
Bỗng một hôm các bà bàn nhau:
-Cần phải lấy một người vợ cho anh Tạo.
Thế rồi các bà đi chọn: Người này các bà chê cái ti mỏng, cái mũi nhòm mồm, có tính hay ăn vụng, người kia các bà chê cổ ngắn, tay thô và vẻ mặt khinh người; các bà chọn như khi đi chợ chọn một con lợn về bỏ lò quay. Chọn mãi được một người, các bà lấy làm vừa ý và cho Tạo biết:
-Anh lấy người ấy làm vợ.
Nể các bà, Tạo đi xem mặt thì thấy vợ mình vừa béo vừa rỗ, vừa đen. Các bà cho Tạo biết rằng người béo tướng bao giờ cũng phúc hậu, tuy rỗ nhưng rỗ hoa, tuy đen nhưng đen giòn.
Dũng mỉm cười nhớ đến giọng cười vui vẻ của Tạo khi kể đến chỗ ấy. Mấy hôm sau Tạo bỏ nhà, bỏ nhà thờ ra đi, bất kỳ đi đâu, tìm lấy một nghề nuôi thân. Chàng nói:
-Nhịn đói nhịn khát gầy hẳn đi, nhưng ở nhà nhìn vợ ấy với các bà dì ấy còn gầy hơn nhiều. Nước da đen hẳn lại vì nắng gió nhưng cũng chưa đen bằng nước da đen giòn của cô ả nhà tôi.
Thế rồi Tạo gặp Thái và mấy người khác, họ cho chàng làm những công việc hay hơn là công việc giữ nhà thờ và mả tổ, cho chàng hưởng những cái vui mới lạ của một cuộc đời đầy đủ và rộng rãi. Nay đây mai đó, chàng theo nghề hớt tóc để vừa dễ kiếm ăn vừa dễ làm phận sự.
Mấy hôm trước khi Tạo đi, Dũng đem biếu chàng cái máy ảnh của mình:
"Có cái máy ảnh này, anh kiếm ăn dễ hơn, dễ làm thân với mọi người và đi đâu cũng lọt. Anh có nói lỡ mấy câu tiếng Tây cũng không ai nghi ngờ".
Từ độ ấy Dũng không được tin gì về Tạo. Chính Thái cũng không biết chàng ở đâu. Độ Thái bị tù và ngày đưa đám Thái không ai gặp mặt Tạo cả. Dũng không nghĩ đến chàng nữa. Bức thư đột ngột gửi đến nhắc Dũng nhớ tới cả một thời kỳ mà chàng muốn quên đi. Trong lời thư pha giọng khôi hài vui vẻ. Dũng cảm thấy hết cả nỗi buồn của một người biết mình sắp chết, không có ai là bạn, không có một lời an ủi.
Đọc lại những chữ "già nhắm mắt nằm xuống bốn bề đất mát mẻ, rồi chẳng biết gì nữa, cũng hay hay", Dũng tưởng như trông thấy ở khóe hai con mắt lúc nào cũng tươi cười của Tạo, hai giọt lệ long lanh.
Những lời trong thư tại sao đối với Dũng lại như những lời trách móc oán hờn? Dũng cầm lá thư vẫy mạnh mấy cái, đứng dậy lẩm bẩm một cách tức bực:
-Mình có tội lỗi gì đâu? Sao thế?
Dũng ngầm oán Tạo đã yêu chàng, coi chàng như một người bạn thân và nhớ đến chàng lúc nhắm mắt. Dũng định bụng sẽ sang Quỳnh nê rủ Trúc cùng đi với mình hai người cùng đi, cái trách nhiệm vô cớ của chàng đối với cái chết của Tạo có lẽ sẽ nhẹ bớt đi ít nhiều
***
Dũng bảo tài xế đỗ xe vì chàng đoán là đã tới đồn điền. Một đám người đông tụ họp trước một căn nhà ở gần chợ làm cho Dũng biết rằng Tạo không còn sống nữa.
Trúc và Đặng rẽ xuống một con đường đất sét khô trắng đi ven sườn một đồi sỏi cỏ lơ thơ. Nhìn cái cảnh chán nản trước mặt, Dũng cảm thấy hết cả nỗi buồn của đời Tạo, một đời phiêu bạt bốn phương, rồi trôi giạt đến kết liễu ở xó chợ hẻo lánh này. Chàng buồn vì thấy mình như sống lại đời của Tạo chứ không phải buồn vì biết Tạo chết.
Một người mặc quần áo tây mà Dũng đoán là chủ đồn điền ở trong đám đông đi ra, tiến về phía Dũng.
-Chắc hai ông là bạn của ông Tạo, ông Dũng và ông...
-Vâng, chính tôi là Dũng
-Hai ông đến chậm quá. Ông ấy mất từ đêm qua.
Dũng nói:
-Chúng tôi cũng không có hy vọng đến kịp vì thư gửi phải ba hôm mới tới nơi. Lúc mất, ông ấy có đau đớn lắm không?
-Không, ông ấy chết một cách êm ái. Tôi lấy làm lạ nhất là đến lúc chết, ông ấy cũng vẫn vui vẻ như thường... có lẽ... hình như ông ấy mong mỏi cái chết.
Trúc nói:
-Chắc vì ốm lâu quá nên thế.
Dũng hỏi tiếp theo:
-Xem ý ông ấy có mong mỏi chúng tôi đến không?
-Không thấy ông ấy tỏ ý, có vẻ ông ấy biết chắc là các ông đến không kịp.
Dũng muốn lần khân hỏi chuyện để đứng lâu ở ngoài vì chàng sợ phải nhìn mặt Tạo:
-Mời hai ông vào. Tôi đã bảo khâm liệm sắp xong thì hai ông đến.
Trong buồng tối mờ mờ nên đứng một lúc lâu Dũng mới nhận rõ nét mặt của Tạo. Tạo gầy đi nhiều lắm, hai bên má lõm sâu vào và mấy vết râu mọc đen ở mép, ở cằm làm cho vẻ mặt Tạo thành ra dữ tợn và đau khổ. Dũng nghĩ đến hai con mắt nay đã nhắm hẳn, hai con mắt trước kia lúc nào cũng tự nhiên tươi cười, hình như được mở ra nhìn đời, mở ra thâu lấy ánh sáng mặt trời là đủ vui rồi.
Trúc lại gần đặt tay chàng lên tay Tạo và khẻ nói, giọng làm ra thản nhiên:
-Tay lạnh hơn đá. Hơi lạnh thấm qua cả làn vải.
Chàng vuốt tóc Tạo, kéo hai tay áo cho đều rồi thì thầm nói chuyện hỏi han mấy người nhà quê giữ việc khâm liệm.
Trong khi Trúc đi lại săn sóc để khỏi nghĩ ngợi thì Dũng vẫn đứng yên, hai tay buông thõng xuống, bàn tay nắm chặt lại, đương cố nghĩ xem vì cớ sao cảnh đời Tạo đối với chàng lại buồn hơn cái chết của Tạo, cái chết đường chết chợ, khốn nạn như cái chết của một kẻ ăn mày... Dũng nhớ đến cái câu ông chủ đồn điền nói lúc nãy:
-Đến lúc chết, ông ấy vẫn vui vẻ như thường.
Dũng ngẫm nghĩ:
-Thật trong lòng có vui không.
Chàng chợt nghĩ đến Thái và cuộc đời oằn oại của Thái một người đã chán cả sự sống, không tin ở công việc mình nhưng lúc nào cũng hoạt động để cố vượt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dầy đặc quanh mình.
Trúc đến gần chiếc bàn kê đầu giường và để tay lên, một cái hộp nhỏ buộc dây gai. Chủ đồn điền nói:
-Đây là cái máy ảnh, ông Tạo trước khi mất có nhờ tôi gửi trả ông Dũng.
Dũng hỏi:
-Trong ấy còn ảnh chưa rửa không?
-Không. Cuộn phim sau cũng là cuốn phim chụp cho tôi và các cháu. Hiện tôi cũng chưa trả tiền ông ấy.
Rồi ông chủ đồn điền quay lại phía mấy người nhà quê, nói:
-Hai ông đây là anh em chú bác với ông Tạo.
Rồi ông ta đưa mắt nhìn Dũng và Trúc. Dũng hiểu là ông ta đã biết rõ Tạo là người thế nào; chàng đoán rằng Tạo đã nhiều lần nói chuyện với ông chủ đồn điền và ông này đối với Tạo chắc có nhiều thiện cảm.
Lúc đưa Tạo ra huyệt, Dũng đi gần ông chủ đồn điền để hỏi chuyện về Tạo trong những ngày chàng mới đến đây, chưa ốm.
-Ông ấy đến đây là lần thứ hai. Tôi cũng có khuyên ông ta, nhưng xem chừng ông ấy không chuyển. Tôi, tôi cho ông ta đi đây đi đó như thế là rước khổ vào thân; tôi chịu là tài, nhưng tôi thấy sự hy sinh ấy không ích lợi gì. Tôi thực không hiểu được. Ông ấy thì bền chí lắm.
Dũng vừa nghe ông chủ đồn điền nói chuyện vừa đưa mắt nhìn phong cảnh. Chàng thấy đỡ bồn chồn hơn là lúc vừa ở ô tô bước chân xuống, phong cảnh buồn nản là chỉ buồn nản đối với chàng thôi, cũng như cả cảnh đời của Tạo. Chàng đã bắt Tạo có cái tâm hồn của chàng. Có lẽ Tạo vui vì Tạo đã tìm thấy một cách sống hợp với sở thích của mình. Chàng mất hẳn cái ý tưởng khó chịu buồn nộ Tạo vì cho là Tạo đã đem cả đời mình hy sinh một cách vô ích. Tạo không hy sinh gì cả, như chàng đã tưởng lầm. Tạo tin ở công việc mình và đã được đem đời mình dùng vào công việc ấy. Dũng ngẫm nghĩ:
-Khổ nhất là bắt buộc sống trong cảnh giàu sang ích kỳ mà lại có óc cách mệnh, hay tự bắt buộc phải sống một đời cách mệnh mà thật tình thâm tâm lại thích giàu sang. Chỉ khổ khi nào đã sống một đời không hòa nhịp với tâm trí.
Dũng thấy rằng khi buồn cho Tạo, là chính chàng đã buồn cho đời chàng. Phải sống một đời ngang trái nhưng chàng không có đủ can đảm để thoát ly, mà thoát ly rồi cái đời tương lai của chàng sẽ đại khái như đời của Thái và Tạo, hai cảnh đời mà trước kia mới nghĩ đến chàng đã thấy buồn nản vô cùng.
Biết là Tạo đã sống sung sướng nhưng vì cái chết của Tạo thảm thương quá nên lúc cầm mấy viên đất ném lên áo quan trước khi lấp huyệt, Dũng có cái cảm tưởng rằng Tạo vừa được thoát nợ, từ nay không phải băn khoăn đau khổ gì nữa, bình tĩnh ngủ một giấc ngàn năm. Có lẽ Tạo cũng đã mong mỏi như thế; chàng nhớ đến mấy câu Tạo viết trong thư "bốn bề đất mát mẻ, rồi chẳng biết gì nữa, cũng hay hay".
Phu gạt đất xuống huyệt; cái áo quan gỗ tạp bị đất phủ kín dần chỉ còn lộ ra một góc. Dũng ngửng nhìn trời vì chàng tức bực tưởng đến Tạo nằm trong áo quan tối om, chật hẹp. Chàng thốt nghĩ đến Loan và tự nhiên nhớ đến một hôm, đã lâu lắm, nhìn Loan mặc áo trắng đi qua vườn trong ánh nắng thu, lần đầu chàng cảm thấy cái vui thấy mình sống. Chàng không dám nghĩ đến một đời ở xa Loan, nay đây mai đó như Tạo, rồi một ngày kia cũng như Tạo chết một nơi xa lạ nào, nằm trong áo quan tối, trong khi Loan đứng bên mồ, dưới ánh nắng, tà áo trắng của nàng phấp phới trước gió.
Trúc ngửng nhìn Dũng và lấy làm ngạc nhiên thấy Dũng mắt có ngấn lệ.

hết: Chương 12, xem tiếp: Chương 13
Đánh máy : ThanhLoan & Chiều Nhạt Nắng
Nguồn: VNTQ - ThanhLoan

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.