Nov 23, 2024

Truyện dài

ÐÔI BẠN - từ chương 1 đến chương 5
Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam * đăng lúc 05:18:47 PM, Apr 19, 2009 * Số lần xem: 3445
Hình ảnh
#1

ĐÔI BẠN
Chương 1

Phần I

-Trời muốn trở rét…
Nói xong và nghe tiếng mình nói,Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần,năm nào cũng vậy.Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.
Ở ngoài,như ý mong ước của Trúc,trời bổng nắng to ;bóng mái nhà sẫm lại thành một mảng đen trên nền sàn trắng hẳn lên và ánh nắng làm lấp lánh sáng những mảnh sứ,mảnh chai nhỏ trong các luống đất mới xới.
Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu.
Trúc đặt chén nước,châm một điếu thuốc lá hút rồi bước vội ra sân.
Thấy Loan ở trong nhà đi ra,Trúc nói:
-Trời đẹp quá cô Loan nhỉ !
Loan đặt rổ bát phơi trên nắp chum rồi quay lại vừa vẩy mạnh hai bàn tay cho ráo nước vừa xuýt xoa nói:
-Sáng ngày sang đây,em sợ trời nóng chỉ mặc cái áo trắng phong phanh,nguy hiểm quá.
Cụ chánh Mạc ngừng tay giả cối trầu,nhìn ra nói:
-Cô đứng vào trong nầy không lạnh.Khổ quá em Hà đi vắng để cô phải rửa bát, đun nước,học trò không quen tay.
Loan mĩm cười vui vẻ và nói cao giọng cho cụ chánh nghe rõ:
-Đứng ngoài nầy nắng ấm hơn.Cháu không rửa thì bác lại phải rửa. Đằng nào cũng thế.
Từ sáng,Loan làm những việc lặt vặt ấy giúp cụ chánh một cách vui vẻ.Nàng tự nhiên thấy sung sướng vẩn vơ. Đời lúc đó đối với nàng đẹp quá,nên chưa chi nàng đã thấy cái lo sợ ngày chóng hết.Sáng ngày đi với Quỳnh sang bên Ý-Dương thăm cụ chánh Mạc và Cận,nàng không ngờ đâu một lúc sau Dũng cũng đến chơi đi với mấy người bạn nữa. Ở nhà được gặp Dũng luôn,nhưng nàng vui,vì cuộc gặp gỡ nầy đối với nàng dường như có ngầm một ý nghĩa.Loan ngẫm nghĩ:
-Sáng ngày hình như Dũng có biết mình sang chơi.
Cụ chánh nhìn Loan,rút khăn lau các chén uống nước,dáng dấp nhanh nhẹn,vui vẻ.Cụ nói:
-Trông cô Loan,tôi lại nhớ cái Phương.
Phương là con cụ chánh và là bạn của Loan,mới chết được hơn ba tháng.Cụ chánh chỉ có mỗi một người con trai là Cận và hai con gái là Phương và Hà.Nhờ có Phương buôn bán giỏi nên nhà cũng đủ tiêu dùng và Cận có thể học thêm được.Từ ngày Phương bị bắt vì tình nghi là có dự vào mấy cuộc phản động thì Cận phải về làng dạy học tư để lấy tiền nuôi mẹ và nuôi em.Phương được tha,về nhà ít lâu,nàng mắc bệnh lao rồi chết.Loan còn trẻ nên chỉ biết thương một người bạn gái mà nàng xem như một người chị,nàng không biết được rõ hơn về cái chết của Phương.
Câu nói của cụ chánh gợi trong óc Loan những ý nghĩ buồn nên nàng muốn xua đuổi ngay.
Nàng quay mặt nhìn về phía Trúc nói đùa,vì nàng biết tính Trúc hay nói pha trò nhất trong bọn:
-Không rửa bát,không đun nước, đợi mấy ông tướng kia thì còn lâu đời lắm.Các ngài chỉ ăn là giỏi.
Trúc đáp:
-Cái đó thì hẳn...Vả lại, đối với tôi đàn bà không rửa bát thì cũng không biết làm gì khác.
Loan mĩm cười:
-Đấy,anh Trúc lại sắp dở cái chứng khinh phụ nữ của anh ra đấy. Đàn bà chúng tôi cũng có người hơn đàn ông...những người đàn ông như anh Trúc.
-Cô Loan sao mà chua ngoa thế...
Lúc đó,Loan đứng dựa vào gốc cau,ngừng tay lau chén,tinh ngịch nhìn Trúc.Nội các bạn,Loan thân nhất với Trúc vì lẽ nàng thấy Dũng và Trúc yêu nhau như anh em ruột.Mà cũng vì lý do ấy nên Loan đối với Trúc rất tự nhiên.
Bỗng Trúc yên lặng nhìn Loan:chàng thấy Loan đẹp nên đăm đăm mãi.Rồi giật mình và lo sợ vẫn vơ.Trúc như mình nói với mình,lẩm bẩm:
-Đàn bà là xoàng,người nào cũng xoàng.
Chàng quay vào phía Dũng,hỏi to:
-Có phải không anh Dũng?
Dũng đương mãi nói chuyện với Xoàn và Thái ở trong nhà,nghe Trúc hỏi,giật mình không hiểu chuyện gì,nhưng cứ đáp liều:
-Chính thế.
Loan nói to:
-Các ngài bàn bạc cái gì đấy.Chắc hết việc cơm lại đến việc nước hẳn.
Cụ chánh Mạc ngửng đầu lên nhìn ngơ ngác.Từ ngày Phương bị bắt,hể thấy các bạn Cận ở tỉnh về chơi với Cận là cụ sinh ra lo sợ.Cụ đã già lại có mỗi một người con trai nên cụ không muốn con cụ có nhiều bạn.Nhất là hôm nay lại có Thái,một người mà cụ chánh chưa bao giờ thấy đến chơi lần nào.Song Thái cũng đến với Dũng nên cụ cũng hơi yên tâm; đối với cụ,Dũng là con một ông tuần nên bạn của Dũng cụ có thể tin được.
Dũng đã thoáng nhận thấy vẻ nghi ngại trên nét mặt của cụ chánh,nên vội đùa với Loan:
-Có mỗi việc quay máy hát cho anh em nghe mà các anh ấy bàn mãi chưa biết cử ai.
-Phải ấy,cử tôi cho.
Cận nói:
-Nhưng chỉ có một cái đĩa.
Loan nói:
-Chắc lại vẫn cái đĩa Nam-bằng ngày xửa ngày xưa chứ gì?
Nàng vừa quay máy vừa hát khe khẻ:
-Nước non ngàn dặm ra đi...
Một lúc tiếng hát nổi lên,trừ Dũng ra ,còn người nào cũng chú ý lắng tai nghe.Dũng đã được nghe nhiều đĩa hay nên rất khó chịu về tiếng hát rè rè ở cái dĩa đã mòn,vì dùng đã không biết đến bao nhiêu lần.Nhưng vì mọi người ra ý thích,nên Dũng không dám tỏ vẻ khó chịu.Chàng cảm động thấy những bạn nghèo của chàng đương bàn về một việc rất quan trọng mà bỗng chốc đã quên hết, đắm đuối ngồi nghe một cái đĩa hát chỉ đáng vứt đi.Nhà chàng giàu nên chàng hết sức giữ gìn đối với anh em bạn,vì chàng nơm nớp sợ sự giàu sang là cái hàng rào ngăn không cho các bạn dễ dàng yêu mình.Chàng ngẫm nghĩ:
-Sự giàu sang đối với mình bấy lâu như là một sự nhục...
Chàng không tìm được câu trả lời.Chàng chỉ biết rằng sự giàu cần cho chàng và cho các bạn.Nhờ có cái máy chụp ảnh đắt tiền của chàng,nên Tạo đã có cách sinh nhai trong khi đi đây đó.Chàng đã bao nhiêu lần giúp tiền nữa.Nhưng Dũng vẫn không khỏi tự bảo:
-Như thế vẫn chưa là đủ được.
Loan nói:
-Em thích cái đĩa hát nầy lạ.
Có lẽ vì nghe hát,nàng nhớ lại mấy năm trước sang chơi cụ chánh được Phương vặn cho nghe luôn.
Xuân vì muốn nói lại câu chuyện bỏ dở lúc nãy mà tránh được sự nghi ngờ của cụ chánh và Loan,nên bàn:
-Hay là ta ra ao câu cá,nhân tiện xem ngoài vưòn có quả gì ăn tráng miệng.
Ra ngoài,Xuân bảo Thái:
-Thôi đừng làm anh Cận đau khổ vô ích.Năm ngoái thì anh ấy đi được,nhưng bây giờ...
Xuân không nói hết câu.Nhưng Thái đã hiểu:chàng nghĩ ngay đến tình cảnh nghèo của Cận và bà mẹ già đầu tóc bạc phơ.Thái nghĩ đến mẹ chàng đã hai năm nay chưa gặp,giờ nầy có lẽ đương mong ngóng đợi con về.Chàn gnói:
-Tôi vẫn biết thế...Nhưng tôi đã hẹn rủ anh ấy đi thì tôi phải cho anh ấy biết.Vả lại không còn dịp nào tốt hơn,chắc chắn hơn,không nói để lỡ,sợ anh ấy trách.Ngày mai đã đi rồi.
-Cái đó tùy anh.Nhưng đã đủ tiền chưa?
-Cũng không cần bao nhiêu vì có người về đưa đi.
Thái và Xuân ra bờ ao ngồi câu.Thấy Cận đương đứng nói chuyện với Loan và Dũng,Thái gọi Cận lại để ngỏ cho biết:
-Anh Cận lại đây,chỗ nầy xem chừng nhiều cá,phao nhấp nháy luôn.
Chỉ còn Dũng và Loan đứng lại dưới gốc khế.Hai người thấy ngượng.Những câu chuyện thông thường nói trước mặt một người một cách rất dễ dàng,tự nhiên,thì lúc nầy hình như bạo dạn quá,không ai dám nói.Có tiếng máy hát trong nhà.Dũng được dịp làm tan sự yên lặng khó chịu,vội bảo Loan:
-Chắc là của Trúc vặn...Cái đĩa hát nầy nghe xa mới hay.
Chàng muốn nói như Loan lúc nãy:
-Tôi thích đĩa hát nầy lạ.
Nhưng chàng sợ Loan nhận thấy vẻ mặt khó chịu của chàng khi mới nghe đĩa hát và biết là chàng đã nói một câu không thực.Dũng ngâm theo đĩa hát:
-Thấy chim hồng nhạn...bay đi.
Loan không nói gì,vịn một cành khế đầy hoa hồng và lấm tấm những quả khế xanh non,ngước mắt nhìn ra vẻ tìm xem đã có quả nào to ăn được chưa.Mùi hoa khế đưa thoảng qua,thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một quãng thời khắc qua trong đời:Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau,thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ,nhớ đến phút chàng đương đứng với Loan ở đây.Cái phút không có gì lạ ấy,chàng thấy nó sẽ ghi mãi ở trong lòng chàng cũng như hương hoa khế hết mùa nầy sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ.
Những lúc tình cờ Dũng được đứng một mình gần Loan,chàng lấy làm quý hơn,nhưng không hiểu sao chính chàng lại muốn tìm cách để những lúc đó khỏi kéo dài ra.
Thấy Thái giựt được cá,Dũng vội bỏ chạy lại.Con cá săn sắt nhỏ quá khiến Thái cau mày tiếc cái mồi tép.Xuân ngấm nghía con cá hồi lâu rồi lắc đầu nói:
-Cơ sự nhường nầy thì đem cá có câu lấy lại cái mồi tép.
Trúc ở trong nhà thấy câu được cá,sung sướng kêu ầm lên:
-Trời rét thế nầy mà ăn cháo cá ám thì phải biết là ngon.
Cụ chánh thấy bọn trẻ cuời nói vui vẻ bàn tán mãi về một con cá nên cũng vui lây và hơi lo sợ.Cụ nói to,nhưng nói để chính mình nghe như thói thường các cụ già tai nghểnh ngãng:
-Cái ao ấy thế mà nhiều khi cũng câu được cá to.
Trong lúc đó,Cận đứng dựa má vào cành cây vối, đăm đăm nhìn gió thổi cong những sợi dây ở mấy chiếc cần câu.Cả đời chẳng xoay về ngã nào chỉ là ở những phút ngắm những giây cần câu đó.
Chàng không trả lời Thái,lúc tiẽn anh em ra về khi bắt tay Thái,chàng nắm mạnh lấy bàn tay bạn nói:
-Thôi,anh đi một mình.
Thái nhìn thẳng vào mặt Cận,yên lặng ngắm nghĩ.Chàng đã yên trí sẽ đi với Cận nên nghĩ đến cuộc đi xa không có bạn chàng thấy buồn chán lạ thường.Thái toan nói với Cận điều gì lại thôi,chàng kéo tay ra mĩm cười,rồi giơ tay lên cao chào Cận theo lối chào riêng của mấy người với nhau:
-Anh ở lại.
Hai người bạn cùng phảng phất có cái ý tưởng rằng không còn gặp mặt nhau nữa.
Cận quay trở lại đi vội vào trong lũy tre làng cho khuất gió.Lẫn với tiếng lá tre rào rào,thỉnh thoảng lạc vào tai chàng còn từng mẩu tiếng nói và tiếng cười của các bạn mà chàng còn thấy bóng đèn trăng thấp thoáng sau lũy tre.
Phía xa,con đê cạnh làng in thành một vệt thẳng trên nền trời như bức tường.
Một người đã đến vào con đường rẽ về tỉnh lỵ.Bà hàng nước thấy người khách quen đon đả mời:
-Cô Loan,cô vào đây uống nước, ăn trầu đã.
Loan nói:
-Uống nước thì uống,nhung ăn trầu thì chúng tôi răng trắng không biết ăn trầu.
Bà hàng quay lại nhìn mấy người nhà quê ngồi uống nước ở phản, đưa mắt bà nhìn Loan:
-Con cụ hai Hằng ở bên Xuân-lử đấy.Chóng lớn quá.Mới ngaỳ nào...Cô ấy đến nay dễ mười sáu.
Trúc vội chữa:
-Cô ấy mười bảy,bà hàng ạ.
Bà hàng mỜi Loan ngồi bên cạnh mình:
-Thế bao giờ cô mới nhuộm răng để lấy chồng cho chúng tôi mừng.
Thâý bà hàng chỉ chú ý đến hàm răng trắng của Loan,Trúc nói:
-Nhưng sao lại cứ nhuộm răng mới lấy chồng được,hở bà hàng?
Loan mĩm cười:
-Còn lâu lắm,bà hàng ạ.Có lẽ không bao giờ,vì răng trắng thế nầy thì ai người ta lấy.
Bà kia thân mật nói đùa:
-Đẹp như cô thiếu gì người.Cô thì cần gì phải học nữa.
Loan thốt nhiên nhìn ra chỗ Dũng đứng,rồi sợ ngượng,nàng đưa mắt nhìn cả mọi người.Không thấy Thái,Loan nói:
-Ông Thái đâu?
Dũng đáp:
-Ông ấy về đưòng khác.
Thực ra, đi khỏi làng Cận được ít lâu,Thái yên lặng rẽ xuống cánh đồng đi đường tắt về tỉnh không cho Loan và Quỳnh biết.Trước khi đi,chàng không muốn để có người trông thâý chàng đi với Dũng,Xuân và Trúc.
Loan hỏi:
-Mai ông ấy đi?
Dũng ngơ ngác nhìn Xuân và Trúc,lo sợ hỏi Loan:
-Sao cô biết?
-Anh Cận bảo thế.
Mấy người yên tâm vì nhớ câu Cận chào Thái lúc nãy.
Loan hỏi:
-Ông ấy đi đâu thế,nhỉ?
Dũng đáp:
-Anh ấy đi về thăm nhà.
Thấy ở quán có mấy người lạ mặt,sợ Loan cứ hỏi lôi thôi mãi,Dũng vội ngắt câu chuyện,hỏi các bạn:
-Có ai còn thuốc lá hút không?
Trúc rút bao thuốc lá đã nát ở trong túi ra, đếm rồi nói:
-Còn có hai điếu.Anh Dũng một,còn một...
Loan muốn nói: “còn một phần tôi”.
Nhưng nàng nhút nhát không dám ngỏ lời.Trúc đưa bao thuốc lá về phía Loan:
-Còn một về phần cô Loan...Còn tôi,tôi xin nhịn...Tôi bao giờ cũng xin giữ phần kém.Vì tôi đã...
Loan cầm lấy điếu thuốc lá tinh nghịch,nói tiếp lời Trúc,dùng ngay câu mà Trúc vẫn hay nói luôn miệng:
-Vì tôi đã nhất định thế rồi.
Trong lúc nói đùa với Trúc,Loan vẫn không quên nghĩ đến Thái,Loan cũng hơi sợ hãi,hơi khó chịu.Nàng không hiểu tại sao Dũng lại thân với Thái và nàng ngầm muốn Dũng không chơi với Thái nữa.
Ty không biết rõ hết,nhưng nàng cũng đoán là Thái về để rủ người đi.Nàng thấy mấy người quen Thái đi đâu biệt tăm biệt tích đã lâu và cách đây mấy tháng,một người vẫn hay về chơi Dũng bị bắt giải về quê quán vì đã có ý muốn trốn đi ngoại quốc.
-Hay là ông ấy rủ Dũng đi.
Loan lo sợ nhìn Dũng.
Dũng lúc đó vẫn đứng ở trên đê;chàng cầm thuốc lá để yên trước môi,không hút,hai con mắt nhìn ra xa.Gió thổi xỏa cả tóc xuống trán,xuống thái dương.Dũng cố tìm xem có thấy bóng Thái trên những con đường về tỉnh lỵ quanh co trong ruộng mía,ruộng ngô.
Trời về chiều.Mặt nước sông sáng hẳn lên sau những ruộng dâu cành đã tước hết lá.Tiến người gọi nhau ở dưới sông nghe vang động cả buổi chiều.Dũng ngẫm nghĩ:
-Anh Thái đi như vậy để làm gì:Chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh.
Thái đối với chàng là một người đã chán nản quá,gần như không thiết gì đến sống.
Chàng chỉ muốn thoảng trong một lúc được thấy bóng Thái ở xa.Dũng có cái cảm tưởng rằng Thái đi như là đi thay cho mình,hình như tất cả những nổi chán chường, đau khổ của một đời mình Thái đã đem theo đi hết.
Dũng thở dài,nhẹ nhõm và nhìn vào trong hàng nước đưa mắt tìm hai con mắt Loan.
Chàng sung sướng,cái sung sướng vẩn vơ của một người đón chờ những sự vui mừng rất êm ái chưa đến nhưng biết chắc thế nào cũng đến.Loan hơi ngạc nhiên và cũng nhìn Dũng lâu không chớp như muốn thầm hỏi Dũng.Nàng nói:
-Anh Dũng vào trong nầy. Đứng mãi ngoài ấy gió rét.
Dũng vào ngồi bên cạnh Loan.Bà hàng mở vung múc nước chè,một làn hơi nóng thoảng qua mặt Dũng.Dũng không nghĩ gì đến Thái nữa;những người bạn ngồi quanh chàng,người nào lúc đó nét mặt cũng lộ vẻ bình tỉnh.Dũng có cảm giác êm ả lạ lùng và cái quán hàng trong đó có Loan ngồi,chàng tưởng như một chốn ấm áp để chàng được cách biệt hẳn cuộc đời mà chàng thấy đầy phiền muộn,buồn bã như buổi chiều mờ sương thu ngoaì kia.

***

Chương 2

Phần I

Bên ông tuần có mở tiệc thọ mừng cụ Bang ,bà nội Dũng.Loan sang làm giúp từ sáng sớm ;nàng cũng rối rít vui vẻ,vì công việc nhà Dũng nàng coi không khác gì công việc nhà nàng.Trong một lúc rỗi tay,Loan chạy qua về thăm nhà để lấy cớ đi lại vì ngồi mỏi.
Cách mấy khu vườn rộng,Loan không nghe rõ tiếng ồn ào bên nhà ông tuần nữa.Nàng thấy nhà mình có vẻ yên tỉnh khác hẳn mọi ngày,nàng vui vẻ nhìn bà hai đương ngồi khâu trên phản rồi cất tiếng nói :
-Mẹ chưa sang ?
Bà hai ngửng lên nói :
-Sang làm gì bây giờ, cô nầy rõ ngớ ngẩn quá.
Loan mĩm cười vì cũng thấy câu hỏi của mình là ngớ ngẫn,chẳng qua trong lúc vui,nàng hỏi cho có câu mà hỏi:
-Nhưng thế nào me cũng sang chứ?Me sang sớm xem tế,vui lắm me ạ.
Bà hai yên lặng ngẫm nghĩ một lát lâu,rồi nói:
-Tao hơi mệt, không biết lát nữa,có sang được không.Nhưng thầy đi vắng thì mệt cũng phải sang.
Ông hai vì muốn lánh mặt nên hai hôm trước có người bạn ốm nặng cho về mời, ông đi ngay. Ông và ông tuần là hai người bạn học cũ, nhưng không bao giờ ông muốn nhờ vả ông tuần, và ông tuần cũng không hề tỏ ý muốn giúp đở ông. Vườn đất chung quanh nhà ông hai phải bán dần cho ông tuần, chỉ còn giữ lại hơn một mẫu làm chổ ở.
Loan nói:
-Tiếc quá thầy con lại vắng.Chắc thầy con chẳng về kịp.
Bà hai cau mày khó chịu, nhưng bà không muốn nói cho Loan rõ những điều tức tối ngầm của ông hai, trong việc bán đất cho ông tuần. Bà bảo Loan:
-Ở bên ấy đông khách lạ,cô sang làm giúp thì phải liệu giữ gìn.Cô chỉ được cái mau mồm mau miệng hão,người ta không ưa gì cô đâu.
Loan hiểu là bà hai muốn ám chỉ cô Ba, người vợ ba ông tuần. Nhưng đối với Loan thì ở bên nhà Dũng,ngoài Dũng và Hiền người chị ruột của Dũng ra,nàng không để ý đến ai nữa; nàng cũng không ngờ rằng ở đời lại có thể có được lắm sự rắc rối. Loan nhìn cái bàn học của Dũng trên đó có xếp những cuốn sách hầu hết là sách của Dũng. Những cuốn sách ấy,Loan biết rằng Dũng không bao giờ dùng tới chỉ mua về cốt để cho nàng mượn. Một tia nắng chiếu vào làm sáng những chữ thếp vàng trên gáy sách,Loan thấy ấm áp trong lòng.
Tiếng còi ô-tô làm Loan vui mừng reo:
-Khách trên tỉnh đã đến.Chắc là cụ thượng Đặng.
Loan ngắm nghía những chiếc ô-tô bóng loáng đến đỗ sau giậu duối. Mỗi chiếc đến,nàng lại rẽ là chú ý nhìn những ngưòi trong xe bước xuống. Dũng mấy ngày trước có nói đùa với nàng rằng hôm nay sẽ có cô Khánh con cụ thượng Đặng là bạn học cũ của chàng đến chơi.
Cứ mỗi lần có người hơi có tuổi và đeo thẻ bài ở xe xuống thì Loan lại chăm chú đến người xuống sau .Nàng không thấy cô nào có thể gọi là đẹp được:
-Chẳng có ngữ nào ra hồn. Sao mà đánh phấn nhiều thế,họ trát vôi.
Loan không chút ghen tỵ những thiếu nữ sang trọng lần lượt đi qua trước mặt nàng. Nàng tự cho nàng cũng ngang hàng với họ và cảnh đời ấy tất nhiên là cảnh đời của nàng về sau nầy.
Có tiếng chân bước sau lưng, Loan không quay lại chỉ nghe tiếng chân bước cũng biết ngay là Dũng đến.
-Anh Dũng sang có việc gì đấy?
Dũng cười đáp:
-Tài thật... Sao cô biết là tôi. Tôi sang xem những ai đến và cốt nhất là để nhìn trộm một người.
Loan quay lại:
-Em biết là ai rồi.
Dũng nhìn đôi má hồng tự nhiên của Loan và khen Loan:
-Cô vừa về nhà đánh má hồng phải không?
Loan sung sướng vì lời khen kín đáo,nhưng làm như không để ý đến:
-Má em đỏ lắm à? Chắc là vì lúc nãy ở gần lửa.
Dũng đột nhiên hỏi:
-Cô có thấy xe của cụ thượng Đặng đến không?
Loan nói:
-Em chả biết cụ thượng Đặng là ai thì làm sao biết được ô-tô. Nhưng anh hỏi để làm gì?
Dũng hỏi lại:
-Nhưng cô tò mò muốn biết điều đó làm gì?
Loan làm như đã quên câu chuyện Dũng nói về Khánh hôm nọ, tinh nghịch nói:
-Nhưng chắc có điều gì thật, nên khi em hỏi anh mới cho là tò mò.
-Có thế. Vậy cô có mấy ngưòi con gái nào ngồi trong ô-tô cụ thượng Đặng không?
Loan mĩm cười:
-Có,có một ngưòi con gaí rất xấu.
Dũng nói:
-Càng hay, nhưng người ấy đẹp thì sao?
Loan muốn tỏ cho Dũng biết mình đã rõ chuyện ông tuần định hỏi con gái ông thượng Đặng cho Dũng,liền đáp:
-Như thế càng hay cho anh.Vậy ta về xem người con gái ngồi trong ô-tô của cụ Đặng xấu hay đẹp.
Hai người,lúc đi qua trước mặt bà hai cùng đứng lại, Dũng mời:
-Bác sắm sửa sang thì vừa.
Bà hai nhìn ra chỗ Loan, Dũng đứng, và nhận thấy vẻ thân mật lưu luyến giữa hai người. Nhưng bà không một lúc nào có cái ý tưởng mong cho hai người thành vợ chồng. Một là,vì bà không dám ao ước tốt, hai là vì bà đã yên trí từ lâu gả Loan cho Thân, con bà phán Lợi. Bà chỉ biết là Dũng hay săn sóc đến nhà bà và bà cũng tự nhiên quý Dũng như một người con.
Loan bảo Dũng:
-Anh sang trước đi em đợi mẹ em sang một thể.
Bà hai nói:
-Đừng đợi tôi.Tôi sẽ sang nhưng lát nữa cơ.
Tới con đường lát sỏi trên có giàn cây, hai người tự nhiên cùng chậm bước lại, người nọ ý muốn nhường người kia tiến lên trước mình để khi ra đến sân nhà Dũng, người ta khỏi trông thấy hai người cùng đi với nhau. Nhưng vì không ai dám nói hẳn ra nên người nọ tưởng người kia muốn cùng đi chậm lại để nói một câu chuyện riêng, nhất là chỗ đó lại khuất, có cây che phủ kín.Loan cúi nhìn xuống, lấy mũi giầy ấn những hòn sỏi to nổi cao lên, đợi Dũng nói. Dũng cũng đợi Loan, nên hai người đi yên lặng như thế, không ai cất tiếng và cùng ngong ngóng đợi. Đến chỗ rẽ quặt ra sân, Dũng nói:
-Trông những hòn sỏi nầy tôi lại nhớ đến hồi năm ngoái ra Sầm-Sơn.
Chàng nghĩ đến những nổi buồn đầu tiên của chàng khi xa Loan, buổi chiều trong rừng phi lao hiu hắt và trên bãi biển vắng người. Chàng dịu giọng nói tiếp:
-Buổi chiều,những bải bể vắng người với tiếng sóng không bao giờ ngừng...Hôm nay tôi còn nhớ in...
Loan nói:
-Đã lâu lắm, khi em còn bé đi với thầy em qua Thụy-Anh được trông thấy bể ở xa. Năm ngoái hồi anh ra ngoài ấy...
Tiếng người nói gần đấy làm Loan ngừng lại. Hai người cùng đứng dừng lại.Dũng nói:
-Hình như tiếng cụ thượng Đặng.
Chàng hạ thấp giọng có vẻ bí mật:
-Và cả tiếng cô Khánh nữa.
Loan nói:
-Hai ta đứng tạm ở đây đợi cô ả đi qua đã.
Hai người đứng lẩn sau giậu găng ta dưới một cây bồ kết dại. Những cành đầy hoa vàng rủ xuống chạm vào tóc hai người. Loan và Dũng cùng yên lặng. Tiếng giầy trên sàn gạch một lúc một xa và nghe như ở một thế giới khác đưa lại. Trên cành bồ kết,một con bọ ngựa non giơ hai càng tìm chổ níu rồi đánh đu chuyền từ lá nầy sang lá khác. Mùi nước hoa và phấn ở đám người vừa đi qua thơm thoảng đến tận chổ Loan, Dũng đứng.
Dũng hỏi:
-Cô nhìn thấy rõ chứ?
Loan gật đầu luôn mấy cái, khen:
-Đẹp!
Dũng nhắc lại tiếng “đẹp” nhưng nói kéo dài ra có vẻ chế giễu. Nhưng thực ra chàng cũng vừa thốt nhiên cảm động về sắc đẹp lộng lẫy của Khánh mà chàng được thoáng trông thấy. Sau ba năm cách mặt, Khánh đã lớn hơn trước nhiều và đẹp khác hẳn trước.
Dũng giơ tay nâng cao mấy cành bồ kết dại,bảo Loan:
-Hai ta phải ra thôi.
Loan sờ lên tóc vì nàng thấy tóc Dũng vướng đầy nhị hoa vàng:
-Tóc em có vướng không?
Dũng nói:
-Có,ta phải phủi kỹ đi, lỡ...
Dũng không dám nói hết câu. Loan vô tình tiếp lời:
-Có ai biết thì nguy hiểm.Tình ngay lý gian.
Nói xong nàng mới biết là quá bạo. Nhưng nàng có cái thú ngầm của một người đã phạm tội, nhờ một sự vô tình đã nói được một câu có ngụ ý mà lúc thường không thể nào có can đãm nói ra. Lúc đó nàng mới thấy cái ngượng cùng đi với Dũng, nàng nói:
-Em đứng lại đây. Anh về trước đi.
Khách đã đứng đầy ở hiên, Dũng tiến lên thềm, cúi chào và bắt tay những người mới tới. Trúc giơ tay làm hiệu bảo Dũng lại gần: nội các bạn, Dũng chỉ mời có Trúc vì Trúc trông coi ấp của chàng bên Quỳnh-Nê, lui tới nhà chàng luôn luôn. Còn những bạn khác, biết là ông tuần không ưa gì họ, nên Dũng không cho ai biết tin. Cũng tại lẽ chàng thấy rằng tiệc thọ nầy mở ra không phải cốt mừng bà nội chàng, mà chỉ cốt để khoe sự giàu sang hãnh diện với mọi người, cho nên tự nhiên chàng thấy ngượng với các bạn và trong lúc mọi người vui vẻ tấp nập, một mình chàng khó chịu vô cùng.
Ông tuần thường luôn luôn nhắc chàng:
-Hôm ấy cụ thượng Đặng về, anh liệu mà giữ gìn ý tứ.
Ông lại cho Dũng biết hôm đó sẽ có bà tham Hiệu, người cô của Khánh cũng sang. Dũng hiểu là bà tham đến cốt để xem xét gia phong nhà chàng, và việc hôn nhân của Dũng với Khánh thành hay không là chỉ ở một lời nói của bà tham. Dũng nói chuyện ấy với Trúc vì chỉ có Trúc là hiểu chàng.
-Điều thứ nhất là tôi phải tỏ ý kính mến hai bà vợ lẽ của thầy tôi, như thế tỏ rằng cha đã biết phép dạy con, mà cha biết phép dạy con là mọi việc đều tốt cả mặc dầu các bà vợ lẽ ấy không tốt một tí nào với ai cả.
Trúc cười nói:
-Dễ dàng lắm. Hôm đó,anh cứ ngoan ngoãn như một cô con gái? Ai bảo sao làm vậy, ai bảo lễ đâu thì cúi đầu lễ đấy. Thế là thế nào cũng được vợ.
-Thế ngộ tôi không thích lấy vợ.
-Không thể được vì ông cụ đã nhất định thế rồi, mà ông cụ nhất định như thế thì phải như thế.
Hôm nay thấy Dũng ăn mặc quần áo ta, Trúc nhớ đến câu chuyện lấy vợ, mĩm cười. Chàng khẽ nói vào tai Dũng:
-Trông anh có vẻ chú rễ lắm rồi.
Lúc đó Loan vừa ở trong vườn đi ra. Trúc cúi chào và tự nhiên nghĩ thầm:
-Đáng lẽ kia là nàng dâu.
Đột nhiên hỏi Trúc:
-Anh có tin gì về Thái không?
-Không, nhưng hẵn là đi thoát vì đi đã hơn nữa tháng. Chắc qua khỏi biên giới rồi.
Dũng đưa mắt nhìn đám người chung quanh mình, những bộ mặt béo tốt, hồng hào như lộ vẻ vui sống, sống thỏa thuê mãn nguyện. Chàng thấy rằng chỉ có cảnh xán lạn trước mặt ấy là cảnh hiển nhiên có, là sự thực. Hình ảnh Thái đối với chàng mờ mờ như ở trong một giấc mộng xa xôi, giấc mộng ngao ngán đã qua hẳn từ lâu rồi.
Trúc hỏi Loan:
-Bây giờ cô mới sang?
Dũng quay qua phía Loan, chàng nhớ lại câu nói chưa hết của Loan lúc nãy khi nói đến chuyện ra Sầm Sơn:
-Năm ngoái hồi anh ra ngoài ấy...
Chàng vừa nhìn Loan vừa cố tưởng tượng ra đoạn sau của câu nói, tưởng tượng theo ý muốn của chàng. Mấy chấm vàng của nhị hoa trên mái tóc Loan khiến Dũng giật mình. Chàng quay đầu nhìn trong cái gương treo ở buồng khách: trong bóng tối, cái khung vuông của tấm gương in hình chàng và hình Loan với nền sân gạch nắng, chàng tưởng như là một cái cửa sổ mở ra một thế giới trong sáng.
Tiếng trống tế nổi lên, người nào cũng đứng ngay ngắn và nghiêm nét mặt lại như để chờ đón một sự gì rất quan trọng, hai người giả làm hạc chầu đứng hai bên hương án bắt đầu động đậy. Dũng nhìn bà nội mình ngồi trên sập và cơi trầu, khay rượu để ngay trước mặt. Khói trầm trong lư hương toả ra khiến Dũng có cái cảm tưởng rằng cụ như thể không phải là người còn sống nữa. Dũng không sao bỏ được cái ý tưởng so sánh cụ với một cây gỗ cỗi đem bày ra đấy chỉ để khoe khoang.
Dũng cúi lễ như cái máy; chàng thấy con cháu sụp lễ ở trên chiếu với cụ tổ mẫu ngồi ở trên sập không có liên lạc gì với nhau cả. Đối với hết thảy những người đứng xem tế thì lúc đó là lúc cụ Bang sung sướng nhất đời; cụ đương nhận cái phần thưởng quý hoá để tặng cụ đã có công dạy con nên người, làm rỡ ràng cả một họ. Dân làng đứng chung quanh, ai cũng hình như có vẻ thèm thuồng cái cảnh vinh dự ấy và nhận rằng đó là một cái phúc lớn nhờ ông tuần mới có.
Họ chăm chú đến ông tuần nhất, và nhìn vào bộ áo thêu rồng phượng của ông một cách kín cẩn. Xong một tuần tế,ông tuần về đứng chổ cũ thì chỗ ấy hình như sáng hẳn lên. Không ai để ý đến ông cả đứng bên cạnh; tự biết cái cảnh vinh dự nầy không phải ở mình nên ông cố hết sức đứng thu hình, mắt nhìn thẳng làm như để cả tâm hồn vào việc tế lễ nghiêm trọng, không nghĩ ngợi đến sự gì khác. Nhưng mỗi lần rời khỏi đám đông lên chuốc rượu, ông cả tự nhiên thấy lạnh ở hai vai và trên bộ áo tầm thường của ông, ông tưởng người ta trông thấy rõ cả cái tầm thường của đời ông.
Tế xong hai tuần, Dũng bắt đầu thấy chồn chân; chàng khoanh tay lại, nghiêng người và chống mũi giầy xuống nền gạch. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh thoáng hiện đến làm chàng mĩm cười một mình; chàng muốn ấn một gót chân xuống gạch và xoay mạnh người hẳn một vòng xem sao. Chàng ngẫm nghĩ:
-Chắc là họ sẽ nhìn mình dữ lắm. Nhất cụ thượng Đặng và cô ả Khánh.
Chàng cố nhịn cười, mím môi và đưa mắt nhìn lên. Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó có Loan và chàng; hai người cùng đi ngược lên chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng, và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào tay chàng êm như những cánh bướm.
Dũng giật mình vì có người chạm vào vai,khẽ nói:
-Cậu ra lễ đi chứ, đứng làm gì đấy?

***

Chương 3

Phần I

Dũng tung chăn ngồi dậy nhìn ra cửa sổ xem trời đã sáng chưa:
- Hôm nay chủ nhật đấy.
Chàng cố nghĩ đến điều đó nhưng không thấy cái vui khi còn đi học. Đã lâu không làm gì cả, chàng thấy ngày nào cũng là ngày chủ nhật, ngày nào cũng là ngày nghĩ ngơi rồi.
Từ ngày bãi khoá, rời khỏi nhà trường và được thư của ông tuần bắt về nhà quê đến nay đã hơn một năm.
Chàng nghĩ lại cũng không hiểu vì sao mình đã bãi khoá.
Sáng hôm ấy thấy Trúc và mấy người bạn rủ nhau nhảy qua hàng rào, chàng cũng nhảy theo. Suốt ngày đi lang thang, chàng thấy có một cái thú mới lạ. Lúc đó đương mùa hoa gạo nở. Lần đầu chàng thấy những cây gạo nở hoa lá đẹp và ngỏ ý ấy với Trúc:
- Anh có thấy thế không?
Trúc gật:
- Đích thị.
Rồi hai anh em nhặt những bông hoa thi nhau ném xuống hồ xem ai ném xa nhất. Bây giờ chàng còn như ngửi thấy mùi hăng và hơi ngọt của những bông hoa nhầu nát trong tay.Chiều đến, Trúc hỏi Dũng:
- Bây giờ chúng mình nghĩ sao?
Trúc bàn:
- Hay ta lại nhảy vào?
Dũng cho là phải:
- Ta lại nhảy vào như ta đã nhảy ra.
Nhưng ý kiến hay ho ấy không thể thi hành được, vì đã có lệnh của ông đốc đuổi hết những học trò nào đã nhảy qua hàng rào trốn ra.
Về nhà quê mới đầu chàng còn thấy vui và cho rằng học ở nhà cũng có thể đỗ được. Ông tuần cũng muốn chàng nghĩ ít lâu, khi nào câu chuyện bãi khoá đã quên đi rồi sẽ liệu cho chàng đi học nơi khác. Dẫu sao ông cũng buồn vì hai con đầu thi mãi không đỗ, ông chỉ còn hy vọng ở mỗi mình Dũng. Ông biết là Dũng thông minh hơn hai anh nhiều và ông quyết rằng Dũng, sau sẽ nối được chí ông.
Dũng mở cửa ra hiên đứng.
Trời chưa sáng rõ,trong sự yên tĩnh, những cái sân gạch chàng thấy rộng hẳn ra. Bóng giàn hoa in mờ mờ trên hiên ngay chỗ chàng đứng. Dũng nhìn lên,mảnh trăng hạ tuần mòn gần hẳn một nửa và trăng nhạt quá nên Dũng tưởng như đương chìm vào trong màu trời, có làn nước phủ qua. Dũng ngồi xuống bực cửa, bên chân chàng rải rác những đám đất vụn. Chàng để ý nhìn kỹ những con kiến đương tha đất đặt trên miệng tổ và ngẫm nghĩ:
- Tụi nầy dậy sớm và chăm làm việc ghê.
Chàng có ý tưởng so sánh công việc đặt những viên đất nhỏ và giống nhau của lũ kiến với cuộc sống của Trường và Đính, hai anh chàng, cuộc sống vô vị và ngày nọ tiếp theo ngày kia giống nhau như những viên đất kia. Hai anh chàng sống một cách bình tĩnh được, chắc vì không bao giờ nghĩ ngợi lôi thôi cũng như những con kiến kia chỉ biết đặt những viên đất và không bao giờ có ý đợi chờ ngày mai để lại làm những công việc đó. Dũng ngẫm nghĩ:
-Đ au khổ chỉ những nguời nào sống bao giờ cũng có ý chờ đợi một sự gì mới khác với ngày hôm qua. Nhưng có sống như thế mới là đáng sống.
Chàng đứng hẳn dậy và nói một mình bằng tiếng Pháp:
- Thế còn mình, mình đợi gì?
Chàng nhìn về phía nhà Loan và tự nhiên thấy đỡ băn khoăn.
Chàng sẽ cưới Loan làm vợ, về ở với Loan bên ấp Quỳnh-Nê rồi suốt đời hai người gần nhau, yêu nhau mãi mãi. Dũng không dám nghĩ qua nữa vì câu hỏi: “Thế rồi sau làm sao? Lại ngày nọ kế tiếp ngày kia...không chờ đợi” hình như đương quanh quẩn ở trong trí và sẽ làm mất hẳn cái vui của chàng. Dũng không dám nghĩ xa hơn,c ố tưởng tượng ra vẻ mặt vô tư lự của Loan và đôi môi của nàng lúc nào cũng như sắp sẳn một nụ cười.
- Chắc lúc nầy em tôi chưa dậy.
Một tiếng động làm chàng ngửng lên, chú ý. Bên kia vườn, Dũng thấy ông tuần đương đi vội vàng, nhưng rón rén như không muốn cho ai biết. Chàng vội cúi xuống, nhìn những con kiến.
Nhưng chàng vẫn khó chịu vì không thể nào không nghĩ rằng cha mình ban đêm đã trốn sang nhà cô Ba và phải trở về thật sớm để cho bà Hai không biết.
Một lúc sau, tiếng ông tuần gọi đầy tớ rầm rộ ở nhà trên, có vẻ một người mới thức dậy. Dũng mĩm cười nhưng lắc đầu tức bực vì thấy mình cứ nghĩ lẩn quẫn đến những chuyện đáng lẽ không nên nghĩ tới.
Chàng trở vào giở sách đọc cho đến khi người nhà xuống mời ăn sáng. Ông tuần và bà Hai đã ngồi ở sập bắt đầu ăn. Dũng múc cháo vào bát và vừa ăn vừa cố nghĩ một câu chuyện gì để nói cho đỡ khó chịu.
- Đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được.
Bà Hai nhìn ông tuần nói tiếp:
- Thầy đêm qua chắc ngủ cũng không yên.
Ông tuần vuốt râu thật nhanh luôn mấy cái. Bà Hai quay lại bảo đầy tớ lấy thêm bát đũa, tuy trên mâm đã đủ. Dũng lo ngại nhìn bà Hai đoán chắc bà sẽ sinh chuyện nói đay nghiến ông tuần như mọi lần. Dũng vừa ăn vừa đợi nhưng mãi không thấy bà Hai nói gì. Chàng ăn vội ăn vàng cho xong việc nên không có đủ can đảm gỡ con gà hôm ấy nấu không được nhừ. Ra ngoài Dũng nhẹ hẳn người.
Ánh nắng đã xuống đến giữa sân, trên những tấm khăn bàn treo ở dây thép, bóng lũy tre rung động, Dũng nhìn thấy mấy cái sàng cau phơi trên mặt bể nước, những miếng cau lòng đỏ thắm như có ánh nắng đọng lại nhắc Dũng tưởng lại những ngày đám cưới vui vẻ và những gò má đỏ hồng của các cô dâu.
Dũng nghĩ không gì hơn là lại chơi hai vợ chồng Lâm, Thảo. Chàng tư nhiên thấy buồn hộ hai vợ chồng ông giáo có lẽ lúc nầy cũng đương buồn vì không biết làm gì cho hết ngày chủ nhật.
Khi đi chợ huyện,một cái xe đạp để tựa vào gốc cây khiến Dũng ngừng lại. Xe ai như xe của Trúc. Dũng nhìn ngơ ngác.
- Anh Dũng.
Trúc ở trong một quán nước đi ra vừa gọi vừa lấy tay vẫy:
- Anh lại đây!
Dũng nhìn hai ống quần tây vàng lấm bùn của Trúc và tự nhiên thấy vui vẻ. Có lẽ vì tại chàng đoán thấy Trúc sáng nay cũng đã chịu qua nổi buồn như chàng, Dũng nói:
-Sao chịu khó thế, đường lầy lội mà cũng mầy mò lên được. Anh định đến thăm ai?
Trúc kéo Dũng vào ngồi ở ghế hàng:
- Anh vào đây đã. Không gì bằng đi mười cây số rồi tới nơi được uống một bát nước chè tươi nóng và ăn được một bát bún riêu hơi lên nghi ngút.
Chàng quay mặt vào trong:
- Cô hàng làm thêm một bát nữa. Nhớ riêu cho thật nóng như mọi lần và cho nhiều ớt, thật nhiều ớt cay vào... Trời lạnh quá.
Dũng ngắm nghía bạn hồi lâu rồi nói:
- Anh hình như không biết buồn là cái gì?
Trúc đáp:
- Vì tôi đã nhất định thế rồi...Bây giờ ăn đã.
Dũng nhìn những người qua lại,ngần ngừ:
- Lúc nãy đã ăn rồi.
- Ăn gì?
- Ăn cháo gà. Nhưng không ngon lắm.
Dũng nhớ lại vẻ mặt bà dì ghẻ. Trúc nói:
- Bún riêu nóng chắc ngon hơn.
- Ý thế.
- Thế thì ăn nữa. Cứ ngon là ăn, còn ngoài ra là hão huyền cả.
Ăn xong, Trúc dắt xe đạp đi bên cạnh Dũng.
Đoán là Dũng có sự gì buồn,Trúc hỏi:
- Anh hình như lúc nào cũng buồn. Có lẽ tại lúc nào cũng thấy mình không biết làm gì cả.
Trúc cười đáp:
- Ngỡ gì. Tôi cũng vậy. Sáng hôm nay,tôi vác xe đạp ra cổng ấp, không nghĩ ngợi, nhất định đi,b ất cứ đi đâu, miễn sao cho hết ngày. Ra đến ngã ba, thấy cái “ghi” xe đạp xoay về phía nầy.
Ngừng một lát,chàng nói tiếp:
- Có lẽ vì tại phía nầy có cô hàng xinh và có bún riêu ngon. Anh có thấy ngon không?
Dũng gật, nhưng thực ra chàng không để ý đến cô hàng và cũng không biết bún riêu có ngon hay không.
- Bây giờ ta lại anh chị Lâm.
- Tôi cũng định thế.

***

Chương 4

Phần I

Hai người đến trước cổng trường học.
Lâm và Thảo chạy ra mừng rỡ rối rít. Dũng biết là Lâm, Thảo đương mong mỏi khách đến chơi mà chàng đến tức là hợp với lòng mong mỏi ấy. Chàng ngẫm nghĩ:
- Chắc hai vợ chồng từ sáng đến giờ nói chuyện vui vẻ với nhau sắp đến lúc chán rồi thì có khách tới.
Dũng chọn một cái ghế bành, kéo ra phía có ánh nắng,rồi ngồi duổi hai chân có vẻ khoan khoái. Chàng châm điếu thuốc lá hút.
- Cứ ngồi như thế nầy suốt cả ngày hôm nay cũng được.
Chàng mỉm cười nghe hai vợ chồng Lâm và Thảo cãi nhau. Lâm nhất định pha nước chè tàu lấy cớ rằng cà-phê uống đau dạ dày, còn Thảo thì nhất định mời uống cà-phê lấy cớ rằng uống chè tầu đau bụng.
Dũng đưa mắt nhìn Trúc:
- Anh còn có thể uống gì được nữa không?
- No nê hết sức rồi. Nhưng nên uống cà-phê vì pha cà-phê lâu , mất được nhiều thì giờ hơn.
Dũng tự nhiên thích nói đùa vì trong óc chàng lúc đó không bận một ý nghĩ gì. Chàng nói:
- Muốn chiều cả anh lẫn chị, chúng tôi xin uống cà-phê lẫn chè tàu... Cà-phê trước chè tàu sau.
Chàng tiếp theo:
- Lưỡng cử, lưỡng tiện vi như thế vừa đau dạ dày vừa đau bụng.
Một lát sau,Trúc xoay về phía Dũng, đột ngột hỏi:
- Cô Loan độ nầy thế nào?
Dũng cúi xuống tìm chỗ gạt tàn thuốc lá thẩn thờ nói:
- Tôi cũng không biết rõ. Đã lâu lắm không sang...
Dũng thầm tính mới biết rằng đã hơn nửa tháng nay chưa gặp mặt Loan. Câu hỏi của Trúc gieo vào lòng chàng một ý muốn tha thiết; chàng mong Loan nhớ chàng hơn là chàng nhớ Loan và Loan sẽ đi tìm chàng để gặp mặt. Chàng tin chắc rằng thế nào Loan cũng đến chơi đây, tuy chàng biết rằng sự tin ấy là vô lý.
Những giọt cà phê rơi xuống làm sóng nước ở trong cốc. Thời giờ thong thả qua. Ánh nắng ở trên tường xuống thấp dần; ngoài hiên mấy con ruồi thỉnh thoảng bay vụt lên rồi lại đổ nguyên chỗ cũ. Mấy cây cải treo ngược trên dây thép còn thừa ít hoa vàng: Dũng nghĩ đến những ngày gần tết, ngoài sàn nhà phơi đầy cải để muối dưa nén và những con ong ở đâu bay về đầy sân. Vì thế mỗi lần hoa cải vàng, chàng lại có cái cảm tưởng ngộ nghĩnh rằng những bông hoa đó hình như đương tưởng nhớ những con ong.
Bốn người ngồi yên cùng đợi cho cà-phê xuống đầy cốc.Trúc nói:
- Chúng mình hình như đương đợi ai.
Lâm nói:
- Không nên đợi ai cả vì đợi bao giờ cũng buồn.
- Chính thế. Nếu sống mà lúc nào cũng đợi thì tự nhiên là chỉ đợi cái chết mà thôi.
Trúc mĩm cười cám ơn Thảo:
- Không nên triết lý cao xa. Ta nên đợi và hiện giờ đợi một việc gần đã, vì hình như chị Lâm muốn cho chúng mình ăn cơm.
Thảo vui vẻ đáp:
- Phải đấy.Nhưng ăn xong ta làm gì?
- Đấy,chị lại nghĩ lôi thôi rồi.Ta hãy thiết nghĩ đến ăn đã.
Thảo gọi người nhà rồi nói với Dũng:
- Hay cho sang mời cô Loan.
Dũng vội can:
- Thôi,tiện thì ăn, không nên mời.
Nhưng Thảo cứ bảo người nhà sang mời Loan. Dũng vội nói:
- Mời mọc thành ra có vẻ long trọng, mất cả tự nhiên.
Thảo có ý hơi ngạc nhiên:
- Mời chị Loan chứ mời ai đâu.
Dũng nói liền:
- Chắc cô ấy chả đi được vì bà Hai mệt.
- Chiều ý anh vậy.
Dũng nhìn Thảo xem nàng nói câu ấy vô tình hay cố ý.
Thảo giảng giải:
- Tại hôm nay tình cờ họp mặt. Thiếu một người thành ra chưa được vui toàn vẹn.
Dũng mở gói thuốc lá lấy một điếu châm tiếp vào điếu đang hút dở.Lâm nói:
- Dễ đã đến điếu thứ ba.
Dũng đếm những điếu thuốc lá còn lại ở trong gói:
- Còn đủ thì hút cho đến chiều.
Có tiếng động ở ngoài vườn: Lâm,Thảo và Trúc cùng nhìn ra.Dũng thốt nhiên thấy quả tim đập mạnh. Nhưng chàng không quay mặt lại, yên lặng nghe tiếng giầy lạo xạo trên đường. Tiếng giầy chàng nghe thấy rất nhẹ như tiếng giầy của người con gái.
Trúc đứng dậy nói:
- Chắc ông hỏi tôi?
Tiếng người khách hỏi lại:
- Ông có phải là ông Trúc không?
- Vâng,chính tôi là Trúc. Tôi trông ông hơi quen quen.
- Thưa ông,tôi là Minh. Lúc nãy tới Quỳnh-Nê, người nhà nói ông đi vắng. Tôi đoán là ông lên huyện chơi, nhân có việc phải qua huyện, tôi tìm ông để báo một tin.
Thảo mời:
- Ông vào chơi trong nhà xơi nước đã.
- Thưa bà,xin lỗi bà, tôi lại phải đi ngay.
Trúc xuống đường tiễn khách ra cổng.
Minh nói:
- Anh Thái bị bắt rồi. Mai giải về đến tỉnh.
- Tôi cứ tưởng anh ấy đi thoát. Các anh em đã biết tin chưa. Xuân đâu?
- Anh Xuân hiện đi Lao-Kay vắng. Mai anh lên tỉnh thật sớm và lại nhà anh Bằng. Việc cũng không quan trọng gì lắm, miễn là anh Thái đừng tố cáo ai?
Trúc nhìn Minh:
- Điều đó thì không phải lo đến.
Trúc quay trở vào đi chậm chậm để ngẫm nghĩ:
- Có nên cho Dũng biết tin không?
Trúc nghĩ nếu để Dũng biết tin chắc Dũng sẽ tìm hết cách giúp và thế nào cũng liên lụy đến Dũng và ông tuần.
- Mình thì không sao! Không nhà, không cửa, không vướng víu đến ai cả. Nhưng Dũng...
Chàng lưỡng lự nhắc lại:
- Có nên không.
Lúc bước lên hiên,Trúc tự nhiên thoáng nghĩ đến bạn.Dũng hỏi:
- Cái gì thế anh?
Trúc thản nhiên đáp:
- Một người bạn học cũ. Bây giờ nghèo muốn bán đất vì tưởng tôi làm chủ ấp. Quỳnh-Nê chắc sẳn tiền.
Rồi Trúc làm bộ tươi cười hỏi Thảo:
- Thế nào chị giáo?Bếp vẫn tro lạnh thế kia à?
Dũng nhìn Trúc biết Trúc muốn giấu mình việc gì, nhưng vì đoán là việc không hay sẽ đến làm mình bận bịu nên Dũng không muốn dò xét cho ra manh mối.
Chàng giơ tay rút một điếu thuốc lá châm tiếp điếu đương hút dỡ, mĩm cười nói:
- Điếu thứ tư. Chị giáo phải cấm tôi, chứ cứ để hút thế này thì nhức đầu mất.
Trúc nhìn bạn lo lắng vì thói thường hễ có việc gì buồn bực là chàng thấy Dũng hút thuốc lá không ngừng. Chàng nhìn ra vườn nói:
- Ít khi thấy một ngày đẹp như hôm nay. Mùa đông mà ấm áp lạ.
Dũng cũng nhìn ra nói:
- Trời trong không có hơi một đám mây nào.
Dũng vừa nói vừa nhìn về phía mái nhà Loan ngẫm nghĩ:
- Lúc này chắc Loan đương ngồi học, thỉnh thoảng lại nhìn ra và cũng như nhìn thấy cảnh trời đẹp, nghĩ đến mình và muốn bỏ đi chơi...
Chàng nói to với Lâm:
- Trời đẹp như thế này mà không đi chơi thật phí...
Trúc chỉ tay về phía làng:
- Kìa là mái nhà anh Dũng, mà chắc kia là mái nhà cô Loan. Chính rồi, trông thấy cả dãy soan ở cổng đi vào nhà anh...
Dũng đáp:
- Có lẽ.
Rồi chàng cầm chén nước chè uống để xoay mặt nhìn về phía khác cho được tự nhiên, Trúc khỏi để ý tới.
Một bóng trắng thoáng qua sau giậu tre. Dũng ngỡ là Loan nhưng lại mĩm cười thất vọng vì bóng đó đi thẳng về phía cánh đồng. Chàng lấy làm lạ rằng sao lại có thể mong Loan tha thiết như vậy, mong Loan như mong một người xa cách đã mấy năm. Muốn gặp Loan không khó gì cả, nhưng Loan phải tự ý đến và đến giữa lúc này thì gặp gỡ ấy mới quý. Mỗi một phút chờ đợi đối với Dũng là một phút hy vọng, cảnh trời đẹp quá mà lòng chàng lúc đó tự nhiên vui vẻ quá nên Dũng chắc rằng không thể thiếu được cái vui gặp mặt Loan. Nếu hết ngaỳ hôm nay mà Loan không đến thì chàng sẽ ghé qua nhà Loan và trách Loan vì cớ sao lại không đến. Chàng mĩm cười vì cái ý trách ấy thật là vô lý.
- Biết thế mình cứ để chị Thảo mời Loan sang có được không?
Trúc hỏi:
- Anh nghĩ gì mà tôi thấy anh cứ mĩm cười luôn.
Dũng đáp:
- Tôi nghĩ...tôi nghĩ đến một chuyện cổ tích thuở nhỏ vú già kể cho nghe.
Thảo nói đùa:
- Chắc là chuyện ngày xưa có một nàng tiên đẹp như tiên...
Bỗng nàng nhìn ra phía cổng reo lên:
- Kìa chị Loan... đương mong chị thì chị đến.
Dũng có cái cảm tưởng rằng thời khắc như ngừng hẳn lại; ánh sáng lấp lánh trên lá cây cũng thôi không lấp lánh nữa. Lòng chàng thốt nhiên êm ả lạ lùng, chàng và cả cảnh vật chung quanh như không có nữa, chỉ là một sự yên tĩnh mông mênh, trong đó có tiếng Loan vang lên như có một nàng tiên đương gieo những bông hoa nở.
- Sao lại đông đủ thế này! Anh Trúc và ai kìa...như anh Dũng...
Thảo nói:
- Chính đó...
Nàng tươi cười mừng rỡ và âu yếm nhìn Loan. Sao lúc đó Dũng thấy mình yêu Thảo thế, yêu Thảo như yêu một người có bụng rất tốt, nét mặt Thảo chàng thấy nhiễm đầy vẻ hiền từ.
- Lúc nãy định cho sang mời chị nhưng sau lại thôi vì chắc thế nào chị cũng đến.
Loan đáp:
- Thế à.
Nàng lên hiên, đứng dựa vào thành ghế, nói:
- Em có định sang đâu. Hôm nay phiên chợ, em ra mua mấy thứ lặt vặt. Đi mãi mỏi chân vào đây nghỉ uống chén nước.
- Nhưng chắc chị không mua được gì?
- Thứ gì cũng đắt cả.
Loan vội cúi xuống vì thấy Dũng nhìn mình như có ý dò xét. Hai má nàng nóng bừng:
- Hôm nay trời đổi gió nồm,em đi một lúc là nóng cả người.
Vẻ ngượng nghịu của Loan và những giọt mồ hôi lấm tấm ở trán khiến Dũng vừa thương hại vừa cảm động. Chắc Loan biết chàng ở đây và định ra đây; nàng ăn mặc trang điểm như thế kia không phải là đi ra chợ mua bán. Ở chợ, đường lầy bùn mà gót quần Loan, Dũng không thấy dính tí bùn nào. Đột ngột Dũng hỏi Loan:
- Ở chợ cô vào thẳng đây?
- Vâng.
Rồi Loan ngừng nhìn Dũng hơi lấy làm lạ vì câu hỏi. Dũng nhớ đến cái bóng trắng thoáng qua sau giậu lúc nãy. Chắc Loan không dám vào ngay, phải đi vượt qua nhà trường một lần để xem thật có mình ở trong này không, lúc đi quay trở lại mới quả quyết vào.
Thảo nói:
- Kìa,mỏi chân vào đây nghĩ mà cứ đứng mãi đấy à. Ngồi xuống cho đở mệt mỏi rồi ở đây ăn cơm cho vui.
Dũng thấy trên ống quần Loan lấm tấm những bông cỏ may, mà đường từ nhà ra trường học toàn lát gạch cả. Mấy bông cỏ may là cái chứng cớ hiển nhiên bảo cho Dũng biết rằng Loan đã một lần vượt qua cổng nhà trường, không vào, cứ đi thẳng về phía cánh đồng.
Loan nhắc chén trà uống thong thả, nàng không có vẻ nhanh nhẹn như mọi ngày. Mỗi lần Trúc hỏi chuyện, nàng đáp lại, tiếng khẽ và yếu ớt. Dũng không mong ước gì nữa; chàng cố ngồi thật yên lặng để hoàn toàn nghĩ đến cái vui sướng của lòng mình.
Trong đời chàng, chàng ước ao có nhiều lúc như lúc này, đương mong Loan lại được Loan đến với chàng, đến như một nàng tiên ở nơi xa xăm về an ủi chàng trong chốc lát rồi lại bay đi.
Nhưng sao trong cái vui của chàng vẫn phảng phất những lo lắng vẫn vơ, khác nào như những bông hoa phù dung về mùa thu đương độ nở đẹp lộng lẫy mà cái chết đã ngấm ngầm ở trong.
Ý nghĩ cưới Loan làm vợ rồi suốt đời hai người yêu nhau, sống vô vị, ngaỳ nọ nối tiếp ngày kia không chờ đợi, ý nghĩ chán nản ban sáng lại đến làm bận trí Dũng một cách ác nghiệt.
Dũng mong sao tấm ái tình của chàng với Loan và nỗi vui trong lòng chàng ngay lúc đó là hết hẳn không còn có phút sau nữa,thời gian ngay lúc đó sẽ ngừng lại mãi mãi để trong thế giới mông mênh, cũng như trong lòng hai người mới yêu nhau, cái phút sung sướng mong manh ấy còn mãi mãi.
Bổng Dũng thâý Loan đưa mắt nhìn mình như lấy làm lạ, chàng tưởng nghe thấy lời Loan trách :
- Anh muốn gì em mà từ nãy đến giờ anh yên lặng nhìn em không nói nửa lời.
Một sự thèm thuồng mới mẻ từ trước đến nay chàng chưa thấy bao giờ làm chàng hổ thẹn, không dám nhìn lâu vào đôi môi của Loan, đôi môi mà chàng ngây ngất thấy trước rằng sẽ mềm và thơm như hai cánh hoa hồng non. Chàng rùng mình ngẫm nghĩ:
-Thời gian sẽ ngừng lại...

***

Chương 5

Phần I

Cánh đồng chân rạ vắng người phẳng lì đến tận chân trời, các làng xa trông gần hẳn lại.
Trời lạnh quá nên Dũng tưởng như không khí trong hơn là vì lạnh.
Trúc nhìn hiểu rồi bảo Dũng rẽ xe đạp xuống con đường đất nhỏ. Đường gổ ghề lại ngược lên chiều gió nên hai người đạp bắt đầu nặng chân. Dũng gắng sức đạp. Gió thổi làm lạnh hai gò má và làm cay hai mắt, nhưng Dũng cứ ngửa mặt như muốn đón lấy gió lạnh. Chàng quay nhìn lại Trúc hỏi:
- Lạnh không?
Trúc mĩm cười cho xe tiến lại gần, đáp:
- Cũng kha khá. Nhưng đã cho anh che gió cho nên tôi lại thấy ấm...Nhưng chỉ ấm trong lòng thôi.
Trúc thốt nhiên cảm thấy tình bạn ấm áp của Dũng với chàng, hai người bạn sống trơ vơ giữa cuộc đời, như cùng đi giữa cánh đồng rộng bao la và lộng gió, Dũng nói:
- Mình càng không sợ lạnh, càng thích cái lạnh thì không thấy lạnh. Đối với những cái nguy hiểm cũng vậy.
Trúc cười hỏi:
- Anh mới nghĩ ra điều cao xa ấy từ bao giờ thế?
- Vừa mới nghĩ ra xong.
Hai người hôm nay tìm đến nhà một người bạn cũ là nơi mà Thái vẫn ẩn núp từ khi vượt ngục ra. Dũng phải đưa ít tiền đến giúp Thái để Thái có cách trốn đi nơi khác, xa, đợi dịp đi ngoại quốc lần nữa. Cuộc đi thăm bạn không có gì nguy hiểm cả. Dũng cũng biết thế, nhưng chàng tự nhiên có cái thú được làm một việc khác hẳn những việc chán nản hằng ngày. Mấy lần Trúc can, chàng nhất định không nghe.
Trúc nói:
- Nếu anh vừa mới nghĩ ra xong, thì bây giờ anh quay về cũng còn kịp. Tôi nghĩ lại mới biết cũng khá nguy hiểm cho anh. Mà nhất là không cần anh phải đi.
Nói vậy nhưng Trúc biết là không bao giờ Dũng quay về nữa. Dũng cũng không cần trả lời Trúc, chàng hỏi sang chuyện khác:
- Cần nhất là phải làm thế nào anh ấy đi ngoại quốc thoát chứ sống ở trong nước mà sống lẫn lút như vậy thì chịu sao nổi. Đến chúng mình đây còn không chịu nữa là.
Yên lặng một lát,rồi chàng lắc đầu tiếp theo:
- Anh ấy có tính liều lắm. Ngay từ trước đã thế, tôi ở trọ với anh ấy hai năm tôi biết. Tôi sợ lắm.
Trúc đáp:
- Tôi chỉ sợ cho anh vì biết đâu anh không phải liều như anh Thái.
- Tôi chẳng nóng đầu bao giờ cả.
Trúc cười:
- Tôi thí dụ việc bại lộ. Người ta tìm bắt anh là đồng đảng quấy rối đến cụ lớn, anh có yên ở nhà không?
Dũng đáp:
- Đến lúc đó thì liều vậy.
Trúc mĩm cười:
- Ấy đó...nhưng bây giờ hãy cứ liều thử xem sao đã. Chưa chết ai mà sợ.
Hai người lại vui vẻ dấn bước đạp. Trúc thoáng nghĩ đến Loan. Vẻ buồn bã của trời đông làm Trúc thấy rộn rạo cái ý muốn hỏi Dũng về Loan. Chàng quay mặt nhìn bạn và lưỡng lự không biết bắt đầu câu hỏi ra sao. Chàng ngẫm nghĩ.
-Hình như Dũng không thích cho ta có một ý nghi ngờ gì về việc ấy.
Dũng không quay lại nhưng đoán biết là Trúc đương nhìn mình một cách chăm chú. Chàng hơi lấy làm lạ, và tự nhiên thấy ngượng, cúi nhìn xuống rồi đưa lái cố theo vết bánh xe trên đường.
Trúc than thở nói:
- Tôi làm gì cứ tụ nhiên như không. Còn anh, bao nhiêu người lo cho anh.
Dũng đáp:
- Chẳng ai lo cho tôi cả. Nội nhà chẳng ai tội gì mà lo cho tôi. Anh đã biết đấy. Anh cả và anh ba tôi thì chỉ mong cho tôi đi đâu cho rảnh để lấy lại ấp Quỳnh-Nê, cô hai, cô ba toi thì chẳng phải ngôn...
Chàng càng nói càng chán nản.Trúc nói:
- Nhưng có một người lo cho anh, lo cho anh lắm.
Trúc nhìn Dũng dò ý tứ. Dũng cười đáp:
- À, có, thầy tôi, thầy tôi lo cho tôi ra làm quan và lấy cô Khánh. Cô ấy cũng khá đẹp, con quan, lại có ấp rộng, cò bay thẳng cánh, đời như thế chẳng là vui đẹp, hay sao?
Dũng cười mai mĩa vì chàng nghĩ đến lòng ghen tức ngấm ngầm nhưng đã nhiều lần lộ ra của Trường và Đính, nhất là Đính.
- Lắm lúc tôi muốn trả lại ấp Quỳnh-Nê. Nhưng nghĩ lại mới biết là vô lý. Ông cụ đã cho đâu. Ấp còn còn đứng tên thầy tôi. Bao nhiêu chuyện rắc rối.
Gió bổng thổi mạnh lên. Một chiếc buồm hiện ra in lên nền trời như cánh một con bướm nâu khổng lồ. Một ít nắng vàng nhạt rung động trên nếp cánh buồm.
- Đi, giá tôi có phải vì Thái trốn đi hay bị bắt càng hay. Ít ra cũng làm vui lòng được nhiều người. Hơn một năm trời tù hãm rồi còn gì. Lắm lúc tôi muốn đi cho khuất.
Trúc hơi lo lắng, biết là bạn hay có tính cố làm theo lời nói nên Trúc vờ như không nghe thấy lời bạn. Chàng nhìn ra phía sông bảo Dũng:
- Không thấy anh Bằng nó phải đi qua đó. Đường này tôi chưa tới bao giờ. Mình đi rất nhiều nơi, nhưng những vùng quanh quẩn đây thì đối với mình hình như xa lạ lắm.
Hai người xuống xe. Phà còn phía bên kia sông. Trúc bảo bạn:
- Ta vào hàng nuớc xem có cái gì ăn được không?
- Anh đã đói rồi à?
- Đói thì chưa, nhưng ăn thì muốn ăn...
Dũng đứng ngoài hỏi bà hàng:
- Bến đò gì đấy, bà hàng?
- Bến đò Gió, thầy ạ.
Trúc cười nói:
- Chắc ở đây nhiều gió. Thảo nào lạnh ghê. Nghe tên “bến đò Gió”, Dũng nghĩ ngay đến Loan. Chàng nhớ đã lâu lắm, một buổi chiều sang bên nhà Loan, Loan mời chàng ăn bánh gai và nói:
- Quà nhà quê của em. Bánh này em mua ở bến đò Gió, gần quê ngoại em.
Dũng nhìn ra phong cảnh bến đò nơi mà Loan đã nhiều lần đi qua. Chàng định khi về sẽ mua một ít bánh gai biếu bà Hai, chắc Loan vui lòng lắm.
Tiếng hát sẩm và tiếng nhị trên mặt sông vẳng đến tai Dũng. Trúc chạy ra, tay cầm chiếc bánh gai bóc dỡ. Chàng cắn một miếng to, gật đầu khen:
- Ngon lạ. Phải mua một chục chiếc làm quà cho anh Thái... Cảnh bến đò bao giờ cũng buồn, không hiểu tại sao?
Dũng đáp:
- Có lẽ tại nó gợi trí nghĩ đến sự biệt ly.
Nói vậy nhưng Dũng biết là không phải, nỗi buồn ấy có một duyên cớ sâu xa hơn mà chàng chưa tìm thấy. Dũng châm một điếu thuốc lá hút rồi đưa mắt ngắm nghía đám người nhà quê thảm đạm, quần áo xơ xác trước gió, đương đứng đợi bên bờ sông.
Họ đứng yên, không nói, vẻ mặt bình tỉnh, không nghĩ ngợi gì, chuyến đò mà họ đợi sang. Dũng thấy là hình ảnh của cả cuộc đời, họ sinh ra, sống thản nhiên ít lâu không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi như những người bộ hành một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.
Dũng ngẫm nghĩ:
- Buồn có lẽ vì tại trong thấy bến đò, mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời. Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn. Đã bao lâu, mình không làm gì cả nên mình không có cái gì để quên điều ấy đi...
Chàng mĩm cười nhìn mấy cái quán hàng trên vỉa hè và những khóm chuối lá xơ xác đương chải gió bấc:
- Bến đò không buồn lắm, buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.