Cây tre – biểu tượng của làng quê Việt Nam
Hình ảnh những lũy tre xanh cao ngút tầm mắt, thân tròn vững chãi đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của làng quê Việt Nam hàng ngàn năm qua. Đối với người Việt, cây tre là loài cây “đa công dụng” đã trở thành một phần không thể tách rời khỏi đời sống thường ngày cũng như nền văn hóa của cả dân tộc.
Tre thuộc Bộ Hòa thảo, phân họ Tre, tông Tre (Bambuseae), là một nhóm thực vật thân xanh, thẳng, bên trong rỗng, phân thành nhiều đốt, trên thân có các mấu mắt. Lá tre nhỏ, thon dẹp, thuôn nhọn về phía đầu, sắc. Tre rất dễ sống, thường mọc thành từng quần thể chứ không mọc thành các cá thể riêng biệt.
Lũy tre làng thân thuộc.
Cây tre gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt, từ các đồ vật gia dụng (cột, kèo, rào), đũa, máng nước, rổ rá, vật dụng nông nghiệp (gầu, cán cuốc, cán xẻng). Cây tre non làm thức ăn rất ngon (măng), còn tre khô kể cả rễ cũng được tận dụng làm củi đun. Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm vũ khí rất lợi hại (chông tre, gậy, cung tên). Tre còn là cây cho nhiều vị thuốc quý, có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Bí ẩn những bông hoa tre “trăm năm nở một lần”
Cây tre gần gũi là vậy nhưng lại tồn tại một bí ẩn lớn mà chắc chắn nhiều người không hề biết đến, đó chính là những bông hoa tre. Sự ra hoa của cây tre là một hiện tượng thú vị và rất hiếm gặp trong giới thực vật. Nếu như tre là loài cây phát triển nhanh nhất trên Trái Đất khi mỗi ngày thân cây có thể cao thêm tới 10cm, thì với hoa tre, cây lại cho hoa chậm nhất thế giới.
Cận cảnh hoa tre.
Chu kì nở kì lạ chính là một bí ẩn của hoa tre. Theo kinh nghiệm truyền lại từ nhiều thế hệ, phải từ 60 đến 100 năm, tre mới nở hoa một lần. Một khoảng thời gian dài bằng cả một đời người, thế nên có những người cả đời không biết đến bông hoa tre không phải là chuyện xa lạ.
Bụi tre ra hoa.
Điều thứ hai, hoa tre có một hành vi nở khá lạ, đó là nếu các cây tre được nhân giống từ cùng một cây mẹ, chúng sẽ nở hoa đồng loạt ở tất cả các nơi trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý và khí hậu, cho dù 60 -100 năm mới nở một lần. Nguyên nhân của hiện tượng này là do những cây tre con sinh ra từ cây tre mẹ đều mang cấu trúc gene tương tự nhau. Khi một cây tre ở Bắc Mỹ nở hoa thì những cây ở châu Á cũng đồng loạt nở hoa trong khoảng thời gian tương tự. Đây gọi là hiện tượng trổ hoa theo bầy.
Hoa tre.
Điều bí ẩn thứ ba: thời điểm tre nở hoa cũng là thời điểm tre bắt đầu giã từ cuộc sống. Sau mỗi vụ nở hoa, những cây tre sẽ khô kiệt, tàn úa và không bao giờ tự hồi sinh, mà phải nhờ đến bàn tay con người trồng lại. Một giả thuyết cho rằng, việc “dốc sức” cho quá trình sinh sản này đòi hỏi ở cây tre sự tổng hợp năng lượng khổng lồ, khiến cây không còn sức sống sau khi trổ hoa. Giả thuyết khác lại cho rằng, các cây mẹ chết để nhường chỗ cho các cây con.
Tre ra hoa vào mùa xuân trong một khu vườn ở Roskilde, Đan Mạch.
Ý nghĩa đẹp đẽ của cây tre
Theo quan niệm Á Đông, tre trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử bởi loài cây này tuy cứng mà vẫn mềm mại, đổ mà không gãy, lòng rỗng như tinh thần an nhiên tự tại, không mê đắm quyền vị, vật chất. Và cũng như một người quân tử, tre và hoa tre chết đứng chứ không rũ xuống như những loài hoa khác. Đó quả là một hình ảnh hiên ngang hiếm thấy giữa đất trời.
Hoa tre và quả tre.
Còn trong phong thủy, cây tre là một trong những biểu tượng mạnh mẽ của sự trường thọ, tính kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh và khả năng chống chọi với sóng gió của cuộc đời. Không những thế, cây tre còn là biểu tượng của tài lộc, hạnh phúc, tình yêu và sự thịnh vượng. Ngày nay, tre không chỉ được dùng để trang trí trong gia đình, mà còn được sử dụng tại công sở, văn phòng làm việc…