Khi bước qua cái cửa xiêu của căn nhà xiêu, khi mắt chị còn chưa quen với cái không gian tối tăm bên trong nhà, cái mà chị nhìn rõ nhất là ánh mắt sáng quắc của thằng bé. Nó nằm cong queo trên giường, héo như một đứa trẻ lên năm. Xương nó nhô ra mẩu nào cũng bén ngót. Miệng liên tục đớp không khí, nước dãi ri rỉ chảy ra bên khóe môi sần sùi, thằng bé nối một sợi nhìn bền dai vào chị, hút chị đến ngồi với nó. Và từ đó, nó không buông tay chị ra nữa. Cứ níu lấy, cứ ghì chặt, mắt ầng ậc nước, cổ họng phát ra những âm thanh gru gru vô nghĩa… thằng bé tỏ ra quyến luyến không rời.
Bà mẹ xoắn quần ống cao ống thấp, chân rơi ra những mảng bùn khô, nói thằng nhỏ đã hai mươi mấy tuổi rồi, bà không nhớ rõ vì có nghĩa gì đâu, nó bao nhiêu tuổi thì mãi mãi như đứa trẻ như vầy thôi. Chị bỗng có cảm giác cách nắm tay này, cách nhìn da diết này là của một chàng trai. Máu mơ mộng trỗi dậy.
Nên chị nán thêm chút nữa trong khi những tình nguyện viên khác trong nhóm công tác xã hội đã lên xe ngồi chờ. Chị muốn biết thằng bé sẽ nói gì với chị. Cái sự chị sắp đi khiến nó kích động dữ dội, cơ thể co giật, mặt méo xệch, miệng há to và nước dãi chảy ra ròng ròng. Nó đang cố nói. Chị cố đợi một âm thanh khác với những tiếng gru gru tuyệt vọng. Chị ghé tai vào gần, rồi gần hơn nữa, đến nỗi tai chị gần như chạm môi nó.
Và nó nói bật thành tiếng. Bằng tất cả tinh lực.
Chị ra xe, quệt nước mắt chị gượng đùa, trời đất, tưởng đâu nó mê mình. Đùa, vì chị không mơ mộng đến vậy, chị mong nó nói “Ở chơi!”, nhưng suốt buổi ngồi với thằng bé, thấy nó nhìn mình khi dịu dàng khi rát bỏng, làm những cử chỉ khi trìu mến khi riết róng, chị không bao giờ tưởng tượng là nó nói “TIỀN!”.
Có người nghe chuyện nói đáng đời, ai biểu lãng mạn chi.
Nhớ hồi mới lấy chồng, chị mua tặng mẹ chồng ở quê cái nồi cơm điện. Mẹ đem cất vì “nấu cái này không có cơm cháy với nước cơm cho tụi nhỏ chan…”. Tặng mẹ mấy bộ đồ bà cũng khổ sở phân trần, “màu sáng quá má ra vườn sợ dính mủ chuối…”. Chị mua truyện tranh đem về cho bầy em, tụi nó háo hức cầm lên rồi hỏi bằng giọng háo hức hơn nữa, “chị hai có mua bánh mì không?”. Cứ trớt quớt vậy. Mỗi lần nhìn bình hoa vải chị mang về mẹ lấy túi ni lông bọc lại cho khỏi bụi, cho nó đỡ chói lên đơn độc giữa căn nhà vách lá, chị có chút mắc cỡ. Giờ thì chị chỉ mua đường, nước mắm… và chắc chắn chúng được hồ hởi đón nhận. Đôi lần chị thấy hơi cay đắng, đời người sao chỉ quẩn quanh với những thứ tầm thường bột ngọt, xà bông…
Trước hôm mẹ chồng qua đời, bà viết cái thư. Chị vừa đọc vừa khóc. Thư chỉ dặn chuyện tiền nong, đất đai. Lời cuối cùng, như chị vẫn thường quen đọc ở đâu đó, rằng “mẹ để lại muôn vàn tình yêu thương cho các con”, thì mẹ chồng chị viết “bỏ lỗi cho má, vì má mót được có nhiêu đó, chia cho tụi con hơi khó…”. Chị biết là mẹ thương con theo kiểu của mẹ, biết đâu còn nhiều hơn những bà mẹ kia, nhưng vẫn hơi bẽ bàng.
Biết là đời giờ ô trọc, nhưng chị thích mua vé đi tàu mơ mộng, không hay giờ tàu đó cũng chở vịt, gà… mất rồi. Lảo đảo xuống tàu mới biết tại mình hay tưởng mà ra nông nỗi. Có lần chồng chị dúi tiền vào túi kêu vợ đi mua kem dưỡng da tay. Chị sướng suốt buổi chiều, miệng tủm tỉm cười bâng quơ không đừng được. Sau đó anh còn khiến chị ràn rụa nước mắt khi bảo “nhìn cái tay nhăn nheo đi nhào trộn thức ăn là thấy hết ham, thấy mất ngon rồi…”
Chị ngồi ngắm mãi bàn tay, nghĩ, người ta nói yêu nó một câu thì có mất gì đâu. “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi…”, câu hát đã có thời chị ghét, sao giờ thấy đúng ý mình.
Nguyễn Ngọc Tư