|
Viết về tác giả & tác phẩmXé Thơ Rồi Lại Làm Thơ - bài viết: Cam Lĩnh & Hà Thượng Nhân Hà Thượng Nhân * đăng lúc 07:45:55 PM, Oct 04, 2023 * Số lần xem: 4268
* đăng lúc 05:28:28 PM, Apr 17, 2009 * Số lần xem: 1395
Xé Thơ
Rồi Lại Làm Thơ
Nửa đêm
xé một bài thơ,
thơ nguyên thì nát
đêm thừa cứ nguyên.
Giận gì ?
đâu dám giận anh.
yêu đâu dám giận
nhớ thêm lại buồn.
Ô kìa !
thơ đó lại tuôn,
thơ đau mà bút
không cùn cũng hay.
Gửi đi ?
biết gửi cho ai ?
để đây thì tủi,
xé hoài tiếc chăng?
Nửa đêm,
tròn một vầng trăng
phải chi trăng rớt
mình cầm đi chơi!
Tự nhiên
hết muốn làm người
kiếp sau làm đám
mây trời chắc vui...
Hỏi anh
gió đáp ngậm ngùi
tóc thơm lừng lựng
trong mùi dạ hương
Anh đâu rồi?
hỏi làn sương,
ta đưa tay vuốt
giữa đường anh tan...
Thơ ta
viết đã đầy trang.
cầm lên tính xé
thương chàng lại ngưng!
Biết đâu
mai mốt không chừng
ai đem mở đọc,
bỗng dưng thấy buồn...
Huệ Thu
Hà Thượng Nhân
Ðọc Một Bài Thơ Tình của Huệ Thu
“ Xé Thơ Rồi Lại Làm Thơ ” là một bài thơ lạ và hay. Huệ Thu nổi tiếng về thơ Lục Bát. Ở bài này, Huệ Thu càng chứng tỏ tài năng một cách thật rõ rệt.
Nửa đêm xé một bài thơ
Thơ nguyên thì nát, đêm thừa cứ nguyên.
Ðối với một người làm thơ thì không còn gì quý hơn thơ. Thế mà người làm thơ lại xé thơ. Không phải vì thơ dở. Thế thì vì lẽ gì nếu không phải vì một nỗi đau đớn cùng cực .
Thơ nguyên thì nát,
đêm thừa cứ nguyên.
Bài thơ mà người thơ trang trọng thì nát rồi, thì xé rồi, mất rồi nhưng cái đêm mà người thơ mong cho chóng tàn, chóng hết, chóng mất vẫn còn nguyên đó.
Chỉ là một cách chơi chữ. nhưng cách chơi chữ đau đớn, xé nát lòng người. Thi nhân đùa cợt với nỗi đau đớn của mình nhưng chính vì thế mà nỗi đau đớn càng thêm to lớn. Ðêm mà người thơ không muốn có vẫn còn nguyên đó, vẫn bất tận. Còn nguyên - không mất, không hết. Chữ nguyên như một nhát dao chém vào vết thương đang rỉ máu.
Giận gì ?
Ðến đây thì ta hiểu. Người thơ giận. Giận ai ?
Ðâu dám giận anh.
Người thơ đang nói “ lẫy ” đây ! Lại còn dùng chữ cay đắng - Ðâu dám - Giận anh, giận người yêu - nói không dám giận nhưng thật sự là giận. Rất giận . Giận đến không ngủ được, đến đêm dài cứ nguyên !
Yêu đâu dám giận
Lời thơ đầy nữ tính, mới đáng yêu làm sao ! Không dám giận có nghĩa là muốn giận mà không dám. Tình yêu của người thơ thật lớn.
Nhớ thêm lại buồn.
Lại hờn nữa, không giận. Chỉ nhớ thôi, chỉ buồn thôi, chỉ một mình em chịu đựng thôi.
Ô kìa !
Thơ đó lại tuôn.
Mới xé thơ đó, mới ghét thơ đó, người thơ lại làm thơ. Thi nhân lạ cho chính mình nên mới thốt ra hai tiếng “ ô kìa ”. Tưởng không làm thơ nữa mà vẫn làm. Cái đầu bảo đừng làm nhưng con tim vẫn thôi thúc phải làm. Bất bình tắc minh. Ðó là một định luật bất biến. Cây không kêu vì gió thổi nên kêu. Nước không kêu nhưng nước bị chặn lại phải kêu. Tôi không muốn làm thơ nữa nhưng lòng tôi đau đớn, tôi phải nói ra viết ra. Ðó là thơ ! Không phải làm thơ mà thơ tự tuôn ra, như một dòng suối, như những dòng lệ.
Vì giận người yêu - giận vì lẽ gì thì chỉ có người thơ biết với mình thôi - vì đau đớn nàng làm thơ. Dĩ nhiên lời thơ phải đau đớn. Nhưng ngòi bút vẫn không cùn. Ngoại vật thật vô tình. Ngòi bút không đau đớn với người thơ - Cũng hay. Cũng hay, hai chữ viết xuống như một lời nguyền rủa.
Viết rồi thì để đó hay sao ? Thơ viết phải có người đọc, lời nói phải có người nghe. Phải gửi đi. Nhưng gửi cho ai ? Chỉ có một người mà thi nhân muốn gửi. Là anh, là chàng. Nhưng giận anh rồi thì gửi làm sao ?
Ðể đây thì tủi.
Tủi quá đi chứ ! Tâm sự không được người yêu chia xẻ. Nỗi đau đớn của mình không được người yêu biết đến.
Thì xé. Nhưng :
Xé hoài tiếc chăng ?
Xé mãi lòng mình, xé mãi thơ mình thì dĩ nhiên là phải tiếc. Chữ chăng nghe thật tội nghiệp !
Mạch thơ tự nhiên chuyển:
Nửa đêm,
tròn một vầng trăng.
Bốn bề tĩnh mịch, đêm dài vô tận. Người thơ chỉ có một mình. Với trăng. Không còn ai cả. Nỗi cô đơn thật là thấm thía. Cho nên :
Phải chi trăng rớt
mình cầm đi chơi !
Cầm trăng đi chơi. Hình ảnh thật ngộ nghĩnh. Hồn nhiên như con trẻ. Cầm trăng như cầm một cái lồng đèn đi chơi Tết Trung Thu những ngày còn nhỏ dại.
Bất chợt người thơ lại nhớ đến hoàn cảnh mình.
Tự nhiên
Hết muốn làm người
Kiếp sau
làm đám mây trời chắc vui...
Ở trên người viết: cũng hay ( thơ đau mà bút không cùn cũng hay ) ở đây thì: chắc vui. Ngẩn ngơ lạ ! Bùi ngùi lạ. Muốn làm mây - chỉ là một ước vọng. Từ Thức có lên tiên đó. Nhưng lên tiên rồi cũng trở về. Người thơ cũng phải về. Về với anh:
Hỏi anh
gió đáp ngậm ngùi.
Gió làm sao trả lời ? Gió chỉ bay qua. Như một nỗi ngậm ngùi. Người yêu không có ở đó nhưng người yêu vẫn mãi hiện hữu trong thi nhân:
Tóc thơm lừng lựng
trong mùi dạ hương.
Lừng lựng là một chữ mới của riêng Huệ Thu. Nó xuất phát từ chữ lựng. Thơm lựng. Nhưng thơm lựng thì thơm quá. Chỉ lừng lựng thôi. Ngây ngất mà man mác. Thơm như mùi dạ hương quanh quất đâu đây. Câu thơ thật đẹp, thật tài tình.
Mùi thơm lừng lựng của tóc anh chỉ là một cơn mơ. Người thơ chợt tỉnh nên mới hỏi:
Anh đâu rồi ?
Hỏi làn sương.
Trước hỏi gió, bây giờ thì hỏi sương. Nghĩa là hỏi để chẳng hỏi gì cả.
Ta đưa tay vuốt,
giữa đường anh tan.
Giấc mộng tình không dài. Người thơ đưa tay vuốt. vuốt mặt mình, anh tan biến ngay ! Và người thơ tỉnh lại :
Thơ ta
viết đã đầy trang
Thơ viết đã đầy trang. Giận quá. Cầm lên tính xé. Lại tính xé một lần nữa.
Cầm lên tính xé
thương chàng lại ngưng.
Ðang là anh, ở đây chuyển thành chàng. Tại sao chàng ? Vì chàng là của nàng, vì nàng là thi nhân - Chàng là thơ là mộng, là “ anh ” nhưng một thứ anh xa vời.
Biết đâu
mai mốt không chừng
ai đem mở đọc
bỗng dưng thấy buồn...
Là anh, là chàng rồi là ai. Yêu đấy nhưng giận đấy, hờn đấy. Ở trên là giận, ở dưới cũng là giận. Xé thơ là giận. Ðầu đề bài thơ lẽ ra nên để là “ Giận ”. Giận cho nên mới “chàng”, mới “ai”. Cũng một người yêu nhưng mỗi lúc một thấy xa, một thấy lạ !
Lời thơ Lục Bát nhẹ nhàng và thấm thía. Từng chữ, từng chữ viết như trong một cơn mơ. Không phải Huệ Thu viết mà tấm lòng của người thơ viết. Tấm lòng yêu thương và nhẫn nhục. Của những bà Tú Xương của bây giờ: những người đàn bà Việt Nam. Tôi ít thấy một bài thơ tình kín đáo và hàm súc như vậy.
Hà Thượng Nhân
&&&&&&&&&&&&&&&&&
Nói Chuyện Với Nhà Thơ Huệ Thu
Tác Giả bài thơ Lục Bát :
Xé Thơ Rồi Lại Làm Thơ
Tôi đọc khá nhiều thơ Lục Bát của nữ sỹ Huệ Thu :
lời thơ nhẹ nhàng, man mác, ngậm ngùi, sâu thẳm, nhưng dễ dàng, gần gủi, gây thiện cảm với người đọc - còn nhớ một đoạn đầu của bài Tình Còn Ðể Lại :
Em về xe đậu anh đâu ?
Chỉ cây với cỏ ngước đầu nhìn em
Chỉ cây với cỏ nhìn lên
Khi em bước xuống đường quen lối vào.
Hình ảnh và tình ý của người thơ khi đi về nhà, vắng bóng anh được thể hiện qua bốn câu đầu bài, đọc, ai mà không cảm xúc nỗi cô đơn, quạnh vắng: Người thơ nói lên cho chính mình mà cũng làm cảm động lòng trắc ẩn cho những ai đồng cảnh ngộ. Dễ hiểu. Thơ lục bát của nữ sỹ Huệ Thu đại loại như thế cả.
Nhưng nay, qua bài Xé Thơ Rồi Lại Làm Thơ, tôi đọc đi đọc lại năm bảy lượt mà chưa nắm vững ý chính toàn bài. Ðề tài lạ. Thử đọc kỹ và chia làm từng thành phần: phần mở đầu, phần nội dung hay thân bài và phần kết luận; Phần nội dung có hai đoạn, đoạn một nói ý chính và đoạn hai nói nỗi lòng của người thơ liên quan đến đề tài.
Mở đề :
Nửa đêm xé một bài thơ
Thơ nguyên thì nát đêm thừa cứ nguyên
Chữ nguyên trước, nói bài thơ nguyên vẹn, tác phẩm đã hoàn thành, nay đã đem xé nát, chắc có một sự đau đớn, hờn giận nào đó, dằn lòng không nỗi: Chữ nguyên sau, vì không ngủ được, thấy đêm như cứ nguyên đêm, dài bất tận, câu tám này gần như gồm hai vế tiểu đối.
Giận gì ? Ðâu dám giận anh
Yêu đâu dám giận nhớ thêm lại buồn.
Bây giờ mới hiểu vì giận anh mà xé thơ. Nhưng giận gì ? Chữ gì thường dùng để đặt câu hỏi: nhưng ở đây, hai chữ giận gì có ý nói không giận đâu, câu :
Yêu đâu dám giận nhớ thêm lại buồn, giải thích giận gì là không giận, nói lẫy. Mãi mãi yêu anh. Yêu nên nhớ, nhớ thêm buồn.
Trở lại làm thơ:
Ô kìa thơ đó lại tuôn
Thơ đau mà bút không cùn cũng hay
Lời thơ vui làm sao được, khi lòng đầy dẫy nỗi buồn, nỗi nhớ: Ðáng lẽ lời thơ đau, nó chà nghiến cho ngòi bút cùn, nhưng đây không - thơ đau mà bút không cùn, thơ làm chóng lắm, chẳng mấy chốc đã xong bài, khỏi phải thảo đi thảo lại thì bút cùn làm sao được ! Chữ cùn có hai tác dụng.
Thơ viết đã xong, nhưng gửi cho ai ? Hai chữ gửi đi và biết gửi cho ai ? Nói lên nỗi giận hờn đến cùng cực. Xé thơ lại lại một lần nữa thì tiếc mà để đây thì tủi - Thôi cứ để vậy.
Gửi đi, Biết gửi cho ai ?
Ðể đây thì tủi, xé hoài tiếc chăng ?
Ðến đây bài thơ chuyển ý :
Nửa đêm tròn một vầng trăng
Phải chi trăng rớt mình cầm đi chơi !
Ðêm dài thao thức không ngủ được; nhìn ra ngoài trời, vầng trăng tròn vằng vặc; người thơ cũng muốn chơi ngông như Tản Ðà: Tản Ðà Tiên Sinh muốn chị Hằng xuống trần gian nhấc mình lên Cung Quảng cùng chơi, có chị có em cho vui, ở đây người thơ lại muốn trăng rớt xuống để mình cầm đi chơi :
Tự nhiên hết muốn làm người
Kiếp sau làm đám mây trời chắc vui !
Ðó là mộng, mộng thì đẹp. Người thơ trở về với thực tại, trở về với anh.
Hỏi anh gió đáp ngậm ngùi
Tóc thơm lừng lựng trong mùi dạ hương
Người thơ cứ tưởng tượng anh mãi lẩn quẩn đâu đây nên mới hỏi gió! Một thi sỹ thuở trước đã vịnh bài thơ gió với hai câu đầu như sau :
Chẳng biết hình dung gió thế nào
Trẻ già gầy béo thấp hay cao ?
Như thế làm sao gió có thể trả lời được nhưng người thơ biết trong gió có hương thơm của tóc anh ! Tóc thơm lừng lựng. Thường người ta chỉ dùng chữ thơm lừng hay thơm lựng; ở đây người thơ dùng chữ kép lừng lựng như nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã dùng chí mõm mòm để tả mảnh trăng Thu: Một mảnh trăng Thu chín mõm mòm hay như thi sỹ Nguyễn Bính dùng tầm tầm trong câu: tầm tầm trời cứ đổ mưa - Mõm mòm, tầm tâm, lừng lựng là chữ mới của mỗi nhà thơ. Hỏi gió, gió không đáp, hỏi sương, sương cũng chẳng trả lời:
Anh đâu rồi ? Hỏi làn sương
Ta đưa tay vuốt, giữa đường anh tan
Trí tưởng tượng của nhà thơ trong những câu này thật phong phú. Người thơ nhấn mạnh một lần nữa :
Thơ ta viết đã đầy trang
Cầm lên tính xé thương chàng lại ngưng
Vì:
Biết đâu mai mốt không chừng
Ai đem mở đọc bỗng dưng thấy buồn.
Chữ “ai” người thơ dùng trong câu chót làm tôi nhớ có một người kể chuyện: - có hai vợ chồng nhà nọ mới cưới đầu hôm, sáng mai chồng đi cày, trưa đến, vợ mang cơm ra đồng cho chồng ăn, chồng hỏi: - ai nấu cơm mà sớm thế ? Vợ, đáng lẽ nói là em nấu chứ ai, nhưng dùng tiếng “em” thì mắc cỡ, bèn trả lời ai nấu chứ ai ! Thật ngộ nghĩnh. Tản Ðà thường dùng chữ “ai” rất tài tình :
Chồng hư mang tiếng mang tai
Tiếng hư thiếp chịu hơn ai không chồng
Hoặc:
Dòng sông trắng, lá cây xanh
Xuân giang, Xuân thụ cho mình nhớ ai.
Ở đây, câu:
Ai đem mở đọc, bỗng dưng thấy buồn
Người thơ dùng chữ “ai” để chỉ chàng hay anh hay người yêu cũng thế ! Nhưng có vẻ hơi hờn mát. Ði đâu ? Hôm rày mới về ? Giận nhưng mừng vô cùng; Thương quá để em giủ áo phong sương cho ! Ở đây với em, em nhớ quá- Chàng mở bài thơ: “ Xé thơ rồi lại làm thơ” của nàng ra đọc. Hối hận - Buồn, dễ thương quá!
Liền ngâm, đối ẩm từng phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già
( Chinh Phụ Ngâm)
Ðể chấm dứt, xin thưa với nữ sỹ Huệ Thu là sau khi phân tích và quảng diễn bài thơ của nữ sỹ, tôi thấy bài nhất quán từ đầu đến cuối và như các cụ ta thường nói thơ có hậu. Tôi không dám đi sâu vào phê bình nghệ thuật; vì ngoài khả năng của tôi, nhưng biết rõ nữ sỹ Huệ Thu lúc còn là nữ sinh , mỗi năm đều được phần thưởng việt Văn toàn trường và nhất là cuối niên học lớp mười hai năm nào đã được phần thưởng ưu hạng về Việt Ngữ tại trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, trường trung học lớn nhất của thành Phố Ðà Lạt nói riêng và toàn tỉnh Lâm Ðồng nói chung.
Cam Lĩnh
Nashville, Tháng 11 năm 1998
***
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh. Nữ hoàng lục bát Nổi giữa thi đàn tiếng Huệ Thu
"Nữ hoàng lục bát" chẳng sai từ
TQP
|
|