Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Chán Thuốc.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 01:37:15 AM, Apr 17, 2009 * Số lần xem: 2205
Hình ảnh
#1


Ngỗi trở mình, quấn trọn tấm chăn đắp kín trên người, hé mở cặp mắt. Bên ngoài, trời còn tối, không có vẻ gì sắp sáng. Mới bốn giờ, chùa trên núi xa vẳng tiếng công phu, chuông ngân nga gióng điểm. Ngỗi hết ngủ, thấy trong người tỉnh táo sau một giấc ngủ dài. Tiếng xe hơi trên đường phố máy nổ máy rầm rì ngoài đường phố Ngỗi định thần cặp mắt mở thao láo trừng trừng nhìn lên trần nhà sơn trắng, nhạt nhòa tranh tối tranh sáng. Lại một ngày trôi qua,sáng trưa chiều tối, Ngỗi chờ đợi mà không biết mình đang chờ đợi điều gì sắp xảy ra. Từ ngày vợ Ngỗi mất vì bệnh tiểu đường, Ngỗi không còn tha thiết bất cứ điều gì, Ngỗi sinh chán, chán tất cả. Ngày ngày nối tiếp. Có lẽ Ngỗi đợi chờ cái chết nói theo câu nói của triết gia Martin Heidegger “sein ist sein dum Tode” và theo câu thơ của Apollinaire “et souviens -toi que gie t'ờattends”. Khi chứng kiến cái chết của vợ, Ngỗi đã ôm thi hài người mới hắt hơi cuối cùng khóc ngất, tưởng rằng sẽ ôm huyệt người chết cùng vào lòng đất lạnh, tương tự Thu, người bạn học cạnh hàng xóm ngày trước, khi người vợ tên Mây mới mất còn rất trẻ, đã nhảy xuống quan tài trước khi hạ huyệt.. Nhưng vợ mất không lâu chưa tới một năm, Thu đã tục huyền, có lẽ vì quá “ chăn đơn gối lẻ”. Riêng Ngỗi thì vẫn sống vậy không tục huyền, bởi Ngỗi nghĩ rằng mặc dù vẫn sống cô độc nhưng Ngỗi thấy mình tuổi đã lớn chẳng còn xuân sắc gì nữa. Chuyện tình tạm bợ của Ngỗi thì nhiều,đếm đầu ngón tay không xuể. Cuộc tình tạm bợ chắp vá nối tiếp nhau, Ngỗi cứ thế tiếp tục mua vui, chấm dứt không tiếc nuối. Những kỷ niệm tưởng chừng khó quên không thể quên, mỗi lần được kín đáo nhắc đến, Ngỗi vội vàng lảng tránh. Vào cuối thu, trời mau tối, khiến cảnh vật cảnh người càng thêm thê lương ảm đạm. Tự nhiên, Ngỗi nghĩ đến nhạc bản Hoài Cảm của nhạc sĩ Cung Tiến: “Chiều buồn, len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa, dạt dào, tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa. Quạnh hiu về thấm không gian, âm thầm như lấn vào hồn; buổi chiều chợt nhớ cố nhân lúc sương lắng qua hoàng hôn.” Ba giờ sáng, tiếng gà eo óc gáy thôn xa, Ngỗi vừa chợp mắt thiếp ngủ trong ba tiếng đồng hồ không thể ngủ tiếp. Ðêm nay là đêm cuối mùa, đêm mười tám, trăng hạ tuần sáng soi vằng vặc, chênh chếch mái Tây như nắng xế, im bóng cây mận, gốc cam, Ngỗi có cảm tưởng cỏ cây đang im lặng sống trong khung trời tĩnh mịch.” Có một lối liên lạc bằng im lặng”, nhà triết học hiện sinh Kierkegaard đã nói. Ngày là đời sống của muôn loài, đêm là đời sống của vạn vật. Le jour, c' est la vie des êtres, mais la nuit, c'est la vie des choses (Alphonse Daudet - Les Étoiles).
“Một chiều ái ân, say hồn ta bao lần. Một trời đắm duyên thơ, cho đời bao phút ơ thờ. Ngạt ngào sắc hương, tay cầm tay luyến thương. Ðôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng nào thấy đâu sầu vương.” Cơm chiều xong, Ngỗi nằm nghỉ trong phút chốc, một phần ăn no, một phần vì phải tập physical therapy và phải chờ đợi suốt cceả buổi chiều vì chỉ có mỗi một tài xế độc nhất, Ngỗi nằm nghỉ mơ màng rồi ngủ quên chỉ trong vài phút đồng hồ rồi thức tỉnh hẳn. Ðó là bài hát Bóng Chiều Xưa của nhạc sĩ quá cố Dương thiệu Tước, lời hát do Minh Trang soạn. Ngỗi như sống lại một thời quá khứ vàng son, một thời hoa bướm nồng ngát hương thơm chim ca véo von thánh thót dìu dặt, nắng hồng choáng ngợp cả không gian trời đất, thế giới hoàng kim là thế giới hiện thực của tình yêu trai tài gái sắc, chẳng khác chi trong đoản truyện trữ tình triết lý Mùi Hương Xuân Sắc của Bùi Giáng, giờ này gã cuồng sĩ đã hóa ra thiên cổ.
Tối hôm trước, khi đài phát thanh Tiếng Nước Tôi loan chương trình Ðố Vui mỗi tuần, Ngỗi lơ đãng nghe một nữ thính giả xin được góp vui một câu đố. Ngỗi nghe nữ thính giả ấy đọc một câu đố như sau:
“ Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng,
Bắc cầu thiên lý nằm ngang giữa trời,”đố là cái gì?
Rồi Ngỗi nghe chỉ một vài phút sau có một nữ thính giả khác, từ tiểu bang Arizona, xin đáp lại câu đố vừa mới loan, rằng câu đố ấy là cái cầu vồng, tức có bốn màu, xanh đỏ tím vàng. Nhưng cũng lập tức ngay sau đó, một nữ thính giả khác cãi lại cầu vồng có không phải bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng mà là những bảy màu. Nữ thính giả từ Arizona hỏi bảy màu của cầu vồng là những màu gì thì người ấy bảo là không biết, không nhớ. Một nam xướng ngôn viên bổ túc màu sắc của cầu vồng, nói rằng theo sách giáo khoa của Mỹ thì cầu vồng chỉ có sáu màu mà thôi, những màu gì người xướng ngôn viên lại không nói. Riêng nữ thính giả lại khăng khăng bảo rằng trước sau như một, cầu vồng chỉ có 4 màu xanh, đỏ, tím vàng. Hồi tưởng lại bốn mươi năm trước, khi còn học lớp đệ nhị bậc trung học, Ngỗi nhớ như in về Quang học, trong sách giáo khoa, soạn giả Bùi Phượng Chì nói rằng cầu vồng có bảy màu. Ðó là màu đỏ, da cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Ngày nay, có lẽ vì khoa học tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc nên cầu vồng chỉ còn có 6 màu! Ngỗi nghĩ bụng:
- Theo câu đố trên, nội dung chỉ có ba màu xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng, mà cầu vồng có những 6 màu hoặc 7 màu. Vậy thì nên chọn bánh da lợn chỉ có mỗi một 3 màu. Từ trước tới giờ, mẹ mình đổ bánh da lợn chỉ 3 màu.
Ngỗi nhớ vào năm thứ nhất bậc đại học, khi giảng dạy môn Tâm-lý-học về khuynh-hướng(thích gọi xu hướng hơn khuynh hướng), giáo sư Bửu Dưỡng phân làm 2 loại xu hướng cơ bản: xu hướng bảo tồn kiên trì, tendance de conservation, và xu hướng bảo tồn bành trướng, tendance de développement. Xu hướng bảo tồn kiên trì gồm xu hướng ăn, uống, ngủ nghỉ. Xu hướng bảo tồn bành trướng gồm bản năng truyền giống, nhu cầu tôn giáo và nhu cầu sáng tác nghệ thuật. Khi tốt nghiệp ra trường lên bục giảng, Ngỗi vẫn theo các sách giáo khoa Triết, nói về những lời giáo sư Bửu Dưỡng đã giảng tại lớp học. Ngỗi dạy Khuynh hướng thay vì Xu hướng,mặc dù giáo sư Bửu Dưỡng bảo là Xu hướng nằm trong vô thức,Từ ngày Thư, vợ Ngỗi, mất, Ngỗi lại sinh thêm một bệnh mới là bệnh tim và bệnh tiểu đường.Cứ mỗi tháng, Ngỗi vô Sài Gòn khám bệnh, mục đích mua thuốc ngăn ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim. Những lúc ở nhà, Ngỗi thường xuyên bị mệt và khó thở, uống thuốc do bác sĩ từ Sài Gòn cho toa, Ngỗi thấy bớt. Mỗi lần hết thuốc, Ngỗi lấy vé tàu hỏa ngồi tuyến đường Nha Trang Sài gòn( thay vì Nha Trang thành phố Hồ Chí Minh) lấy thêm thuốc mang về uống tiếp. Thật tình, Ngỗi không biết tại sao thành phố Nha Trang, một thành phố hiền hòa ít chiến tranh tang tóc, có gió biển quê hương miền cát trắng, vẫn thói quen tên gọi Sài Gòn thủ đô ngày trước thay vì thành phố Hồ chí Minh, một thành phố được mang tên mới sau năm 1976., một thành phố bị xóa tên là thủ đô. Ấy vậy mà trải hơn ba mươi năm sau tại miền hải ngoại, nhiều người muốn lấy lại tên gọi thủ đô Sài Gòn ngày trước. Ngỗi tự hỏi nếu gửi thư mang địa chỉ thành phố Sài Gòn thay vì thành phố Hồ chí Minh, liệu nhân viên bưu điện có đủ trình độ hiểu biết mà giao thư đúng địa chỉ đúng người hay không? Sau năm 75, non sông đất nước được thống nhất, các tỉnh trong cả nước được quan trên tự nhiên nổi hứng, bèn gộp lại, từ những tỉnh nhỏ được đổi thành một tỉnh lớn, nói là để quản lý cho tiện việc sổ sách và nhất là tiện việc sản xuất, điển hình là hai tỉnh Vĩnh Phú trước đây gồm hai tỉnh là Vĩnh Yên Phú Thọ; ba tỉnh bé tí Nam Ðịnh, Sơn Tây, Ninh Bình gộp lại thành một tỉnh Hà Sơn Bình, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh gộp lại thành một Thanh Nghệ Tĩnh; ba tỉnh cỏn con ngày trước là Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên nay gom lại thành một Bình Trị Thiên và gần đây, cách nay hơn ba mươi mốt năm, bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên được gọi tắt cho gọn là Nam Ngãi Bình Phú.
Vào năm 1980, Ngỗi lục tục nộp hồ sơ và gia đình xin đi Mỹ theo diện ODP, thuộc diện gia đình đoàn tụ; hồ sơ phải điền tên địa phương tỉnh Phú Khánh, thuộc tỉnh mới , tức tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa ngày trước.
Cơ trời dun dủi! Chỉ sau hơn năm năm, nhà nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam coi bộ kết quả làm ăn không khấm khá, chỉ tiêu nhà nước không đạt, không thấy chính sách của nhà nước chỉ đạo là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” chi cả, đảng bèn ra sắc lệnh rằng cả nước, toàn tỉnh hãy mau mau trở lại tình trạng tỉnh cũ , xóa bỏ ngay những tỉnh mới, Phú Khánh không còn Phú Khánh nữa, mà từ nay là tỉnh Khánh Hòa! Thì ra, ngạn ngữ có câu “ cái gì của César hãy trả lại cho César!” cổ kim vẫn đúng.
Mấy ngày nay, cả nước rộn ràng về cái chuyện nhà cầm quyền lo tổ chức hội nghị quốc tế APEC, có đến 21 nước khổng lồ, nước to, nước bé bé , được mời từ vị nguyên thủ tới chức vị thủ tướng tới tham dự, chấm dứt thời kỳ Việt Nam một nước chậm tiến lạc hậu nghèo nàn đói khổ vào bậc nhất thế giới. Từ nay, Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam có thể sánh vai với các nước trên thế giới ngang hàng buôn bán kinh doanh, không còn canh cánh bên hông tự ti mặc cảm. Nước khổng lồ độc nhất là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, kẻ thù của ta không đội trời chung suốt mấy ngàn năm lịch sử; nước to là nước Mỹ mà tổng thống đương nhiệm là George W. Bush, còn nước Nga tuy to nhưng ... không lớn vì đã sụp đổ chế độ Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Xô viết từ ngót hai mươi năm nay mà tổng thống đương nhiệm là Vladimir Putin, một nước luôn luôn lăm le muốn được vào tổ chức Mậu Dịch thế Giới WTO nhưng không dễ dàng chút nào, trong khi bọn tép riu nhưng rất mực anh hùng trong màn đấm đá Việt Nam, cạy cục hơn mười lăm năm xin nộp gia nhập vào WTO thì lại chấp nhận cho vào.Nhưng Việt Nam được chấp nhận qua cửa ải WTO lại là một chuyện khác, rủi may tốt xấu lợi hại chưa biết. Tổ chức đó là một con dao hai lưỡi. Lợi bất cập hại. Tái ông thất mã.” Nói gì thì nói, làm gì thì làm, đuốc Bác về là phải có chuyển biến”. Cách nay dễ đã ngót hai mươi lăm năm, tại trường Trung học Hà Huy Tập tổ chức chung cả nước “Rước Ðuốc Bác Hồ”, toàn lớp, toàn học sinh cấp Ba, hiệu trưởng đương nhiệm là ông Nguyễn Ngô Tùng, người Bắc được điều vô Nam, được gọi nhà văn Nguyễn Tuân là cậu ruột. Thì cũng phải tổ chức một ngày đẹp trời nào đó, cán bộ nhân viên không biết phải làm gì cho lấp thì giờ khoảng trống, bèn nghĩ ra một sáng kiến độc đáo tân kỳ giàu khả năng tưởng tượng sáng tạo đầy ấn tượng.
Thế là cả tổ chức lo làm một bàn bày biện trang hoàng nhà cửa sân khấu. Trung Hoa có một nơi tiếp khách hội họp nổi tiếng là Nhân Dân Ðại Sảnh, có thể tiếp nhận cả người trong lẫn khách ngoài mười ngàn người. Riêng đất nước ta còn nghèo, lạc hậu, chưa có thể tổ chức một nơi tiếp khách có bề thế, có khả năng tiếp nhận trên dưới mười ngàn. Nhưng dù gì thì ta không nên tổ chức luộm thuộm, quan trên trông xuống, người ta trông vào cười cho. Vẫn biết nước nhà cần nên tiết kiệm, chi tiêu đừng quá hoang phí, nợ chồng chất cao như núi, nhiều hơn chúa chổm. Hiện giờ quốc trái của ta quá nhiều, chính phủ và nhà nước ta chưa hoàn trả chỉ sơ sơ vài tỉ đô la. Ngày trước, lúc còn sinh tiền, bà mẹ Phương đã chẳng bảo đã hơn một lần rằng “tùy gia phong, kiệm” đó sao? Thôi kệ, tốn kém thì đã tốn kém rồi, nhưng lâu lâu mới có một lần, nếu bủn xỉn quá luộm thuộm e không những người ta còn cười vào mũi mà còn thiên hạ đàm tiếu về sau, nếu có một tổ chức thế giới, Việt Nam không dám chai lì tiếp tục đăng cai nữa. Nhưng tuyệt đối không được mượn đầu heo nấu cháo, mượn hoa cúng Phật à nghen, mang tội chết. Sự thực không ai biết được nhà nước đã phải bỏ tiền tốn kém bao nhiêu trăm triệu đô la, từ việc huy động bộ chỉ huy công an cảnh sát mau mau thanh toán hàng trăm nông dân từ Bắc chí Nam nộp đơn khiếu kiện nhà đất ở vườn hoa Mai xuân Thưởng hằng mấy năm trời vẫn chưa giải quyết ổn thỏa, đến việc vẫn các nhóm công an càn quét đám trẻ con bụi đời vô gia cư về một nơi tập trung bắt nhốt, lại ra lệnh nhà nhà quét dọn sạch sẽ, đóng kín cửa sổ, cấm người bàng quan tò mò dòm ngó, mua bán hàng rong và điều này cực kỳ quan trọng:những nhà lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, tự do dân chủ thì tuyệt đối cấm cửa nội bất xuất, ngoại bất nhập, huy động bọn côn đồ, bọn du côn, bọn xã hội đen đâm thuê chém mướn tận tay trấn áp, vì thế cho nên các ông Hoàng minh Chính, Ðoàn Khuê, luật sư Nguyễn văn Ðài, kỹ sư Bạch ngọc Dương, luật sư Lê thị Công Nhân, nhà văn Hoàng Tiến vân vân, đều bị bó tay thất thủ, thậm chí phải nhờ người nhà ra chợ mua hàng về nhà nấu ăn qua bữa.
Trong khi hội nghị, thủ tướng Nguyễn tấn Dũng tuyên bố khai mạc hội nghị WTO, thành quả vĩ đại sau mười lăm năm nộp hồ sơ xin gia nhập tổ chức Mậu Dịch thế giới, hội viên trở thành thứ 150,tốn bao giấy tờ và công sức thì giờ,(tiếc rằng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR vẫn chưa được quốc hội Mỹ thông qua, lý do việc tham gia nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam chưa tốt). Việc yến tiệc đãi đằng vui chơi giải trí các quan chức nước ngoài không được nhắc đến, chỉ biết sau khi bế mạc, việc tổ chức được xem là thành công rực rỡ.
Sau 75, Ngỗi có thói quen hút thuốc, uống cà phê mỗi sáng. Trước 75, Ngỗi vẫn hút hiệu Mélia, nhưng sau, Ngỗi đành chọn loại thuốc vừa rẻ vừa thiếu chất lượng, đốt thuốc như đốt đuốc khói bốc bay mù mịt, có vị đắng khiến Ngỗi phải thường xuyên đánh răng súc miệng bởi khói thuốc có mùi nặng. Hău quả là vì hút thuốc quá nhiều khiến Ngỗi có bộ răng hơi vàng xỉn. Vì thuốc lá quốc doanh nên thuốc lá điện Biên, Lao Ðộng sản xuất hàng loạt chẳng cần biết ngon hay dở, riết rồi một ngày nọ, Ngỗi quyết định bỏ, không tiếp tục hút thuốc, chỉ uống cà phê. Ban đầu, Ngỗi cảm thấy nhớ,buồn ngủ , ngáp vặt, chảy nước dãi, lười suy nghĩ. Ngày đầu tiên vắng thuốc, Ngỗi cảm thấy khó chịu; vài ngày sau, Phương thấy sự khó chịu, buồn ngủ dường như giảm bớt. Ðến ngày thứ ba, Phương thấy hút thuốc đối với Ngỗi thật sự không còn cần thiết nữa. Ngày nay, hút thuốc đối với Ngỗi là một sự dửng dưng.
Có hai sự kiện Ngỗi suýt quên kỳ thực không nên quên. Lẽ đương nhiên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và nước Huê kỳ không thể thiếu không thể vắng khi được mời vào ngày 18 và ngày 19 tháng 11. Tiếp theo sau là những nước khác như thái Lan, một nước sau ngày đảo chính cũng vào tháng 11, nước Mã Lai, Phi luật Tân trong tổ chức ASIAN cũng được mời tham dự, nhưng đặc biệt Ðài Loan bị Trung Quốc cấm cửa. Ngày hội nghị APEC được tổ chức, chủ tịch nhà nước Trung quốc Hồ cẩm Ðào cũng tới dự, mục đích thứ hai là theo dõi, kiểm tra Ðài Loan thực sự có dự hay không.Việt Nam đâu dám cãi lời và Ðài Loan rất cay cú tức giận bởi không được cùng ngồi chung bàn tiệc khoản đãi. Sự kiện tiếp theo là sau khi từ giã hội nghị APEC về lại nước Mỹ, tổng thống Bush ra lệnh“tha chết” chú gà tây, một tập tục truyền thống như cựu tổng thống Bill Clinton vào dịp lễ Thanksgiving vào mấy năm trước.
Ngồi một mình nhâm nhi tách cà phê, nghĩ ngợi vế tổ chức Mậu Dịch thế giới, Ngỗi có cảm khái làm được bài thơ Ðường luật trắc liên hệ mật thiết với WTO như sau:
WTO.
Rót tách cà phê ngồi độc ẩm
Tâm tư đầy ắp trong suy gẫm.
Ven phòng gió bấc thổi vì vèo,
Cạnh cửa mưa phùn rơi lấm tấm.
Khiếu kiện bà con chạy hớt hơ,
Cha già dân tộc xây lăng tẩm.
Chuột sa hũ nếp đúp tê ô.
Lịch sử hai ngàn năm đánh đấm.
Mấy lúc gần đây bệnh tiểu đường và bệnh tim- hậu quả tất yếu của bệnh tiểu đường-cứ tiếp tục dằng dai khiến Ngỗi đâm chán. Mà bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính, bệnh kinh niên, không bao giờ chấm dứt tuyệt nọc; bệnh có thể tạm ngưng không tiến triển nữa nhưng vẫn tiềm tàng nằm yên tại chỗ chờ cơ hội tựa con sư tử mùa đông ngủ yên. Mà hơn nữa Ngỗi thấy vô lại Sài Gòn tái khám bệnh trạng, rồi bác sĩ cho toa, tiếp tục mua thuốc về uống, không cơ hội gặp lại cố nhân như ngày trước, Ngỗi thấy vô ích không còn hứng thú gì nữa, hãy để quá khứ là quá khứ. Từ ngày mất liên lạc với Hà, người tình cũ, một thời say mê gắn bó hoan lạc ái ân tràn đầy nhục cảm, Ngỗi thấy dửng dưng xa lạ, thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ tựa chiếc lá bên hồ Hoàn Kiếm một chiều cuối đông sắc trời vàng úa. Ngỗi không bao giờ không thấy lá rụng. Khi tiết trời chuyển sang thu, lá bắt đầu đổi màu vàng nhạt, vàng tươi rồi vàng sậm vàng úa, lúc này trời đã sang đông, lá lìa cành vãi rơi trên mặt đất.Từ lá bàng, lá sấu,lá vông, lá bạch đàn, lá bạc hà, lá muồng, đến lá đu đủ, lá dừa, lá chuối. Nhưng có bao giờ cây trường sanh, một cày có dây leo sống trên ô nhỏ, tên gọi sống lâu, đổi sang lá vàng rồi lá rụng? Không ai thấy và chẳng bao giờ thấy. Ngỗi nhớ rõ khi còn trẻ, lúc đi chơi cùng người bạn gái Q. T., lúc lên dốc chùa Hải Ðức, hai người cùng trông thấy một cây thiên tuế,cây nghìn năm, một loại cọ tương tự cây cau, nhưng thân cây và lá rất xanh. Lúc đó vì mải vui chơi nên Ngỗi không để ý cảnh vật cây cỏ chung quanh, Ngỗi không thắc mắc tự vấn. Thiên tuế có bao giờ vàng lá và rụng cành khô xuống đất? Ðã mấy mươi năm, Ngỗi không biết liệu ngày nay vẫn có những cây thiên tuế chắc giờ này đã lớn , thi gan cùng tuế nguyệt? (Ðường xưa dốc cũ hồn thiên tuế, cổng cũ chùa xưa bóng tịch dương(.Riêng Bà Huyện Thanh Quan chỉ nhớ thành Thăng Long cũ. Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo, ngõ cũ lâu đài, bóng tịch dương. Lối xưa xe ngựa dập dìu tấp nập rộn rịp qua lại, ngựa xe như nước, giờ đây chỉ còn linh hồn cây cỏ mùa thu. Ngày trước, dinh thự nhà cao cửa rộng lầu son gác tía nhà ngói bát úp, giờ này nhà cửa điêu tàn đổ nát, còn chăng chỉ mặt trời ngả bóng hoàng hôn. Tất cả đều đã trôi theo thời gian quá khứ, một thời điểm, một dấu mốc không bao giờ trở lại. Quá khứ đã hiện hữu và không bao giờ hiện hữu nữa. Ngỗi nhớ lại quãng đời còn lại của Tây Thi lúc giai nhân còn sống, lúc chiến cuộc giữa Ngô Vương Phù Sai và nước Việt Vương Câu Tiễn tới hồi kết thúc, người đẹp và người hùng Phạm Lãi dắt nhau chung sống ở Ðộng Ðình Hồ, nơi Phạm Lãi đã từng nằm gai nếm mật cùng Việt Câu Tiễn thu hồi lại giang sơn đất nước, đã vội vàng bỏ trốn Việt vương, sau khi giết được kẻ thù không đội trời chung Ngô Phù Sai, hối hả tìm cách tận diệt Phạm Lãi để trừ hậu hoạn về sau, một nơi cuộc đời đầy lụy thảm, cuộc đời đầy chông gai, hiểm ác, lọc lừa. Về sau, lúc vợ chồng Tây Thi Phạm Lãi ăn nên làm ra, chẳng bao lâu trở nên giàu có nhờ tài kinh doanh tháo vát của người chồng. Nhân dịp rảnh rang, vợ chồng cùng đi một chuyến du lịch, trở lại cảnh cũ nơi Ngô Vương ngày xưa đã cho xây cung điện đền đài cùng Ngô Vương và Tây Thi chung sống. nơi thành phố ngày trước Tây Thi, Ngô Vương đã cùng sống chung một giai đoạn, một thời kỳ trước khi chấm dứt , kết thúc một cuộc tình duyên khá khác thường. Lúc đầu, Tây Thi được tuyển chọn làm kẻ nội gián mỹ nhân kế mua chuộc Ngô Phù Sai, không ngờ ngay từ phút ban đầu, Phù Sai đã yêu say mê gái nước Việt, lạnh nhạt dửng dưng cùng một giai nhân khác là Trịnh Ðán, khiến Trịnh Ðán nổi ghen, tự ái, buồn giận sinh bệnh mà chết. Sau cùng rồi Tây Thi cũng không nỡ phụ tấm tình yêu chân thật của Ngô Vương.
Gặp lại dinh thự lâu đài ngày trước, hai người chứng kiến sự đổ nát điêu tàn. Nhà cao cửa rộng chỉ còn là đống gạch vụn bỏ mặc thời gian tàn phá. Một thời quá khứ dẫy đầy kỷ niệm sống lại trong con người từng yêu, từng giận, từng ghét, từng hờn. (Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo, ngõ cũ lâu đài, bóng tịch dương(.Như người vô hồn, Tây Thi bước đi trên đống gạch vụn tan, ngói vỡ nát. Thẫn thờ, Tây Thi cúi xuống nhặt lấy một miếng ngói cũ, cầm tay săm soi, ngắm nghía như nâng niu một bảo vật. Phải chăng mảnh vật vô tri là loài đất đá cũng có một linh hồn?
Phạm Lãi chậm rãi theo sau gái nước Việt im lặng không nói lời nào, có lẽ để tôn trọng nỗi niềm xót xa của người đang sống một thời của dĩ vãng. Ngắm nghía mảnh ngói bể hồi lâu, Tây Thi đưa mảnh vật vô tri vào túi không nói lời nào. Giả dụ Tây Thi thả mảnh ngói vỡ rơi trên nền đất thản nhiên, không một thương tiếc, không do dự vẩn vơ, đã hẳn Tây Thi có một tâm hồn vô cảm tựa kẻ bàng quan tựa khách qua đường, vô tư tựa trẻ con tâm hồn còn ngây thơ trong trắng?
Trong tâm lý học thường có một hạng người thường xuyên không chịu uống thuốc khi mắc phải bệnh. Theo môn tính tình học của Le Senne, đó là loại nEAS,loại flegmatique, không cảm tính, hoạt tính, trường cảm. Lúc còn trẻ tuổi, người thuộc loại này thường xuyên bướng bỉnh, ương ngạnh, cứng đầu, nếu không muốn nói là ngoan cố bảo thủ. Từ ngày thấy thuốc trị bệnh tim và bệnh tiểu đường không còn hoặc ít thấy hiệu nghiệm nữa, Ngỗi đâm chán, muốn bỏ cuộc và Ngỗi bỏ cuộc thật. Ngỗi đâm lì, nhất định bỏ thuốc, muốn ra sao thì ra và Ngỗi sẵn sàng chấp nhận cái chết. Ngỗi có một người bạn trẻ, lớp tuổi học trò thuở trước. Mỗi lần tới lớp học, người bạn thường ho sù sụ. Thấy vậy, Ngỗi đề nghị:
- Sao toa không chịu uống thuốc, để ho hoài vậy?
- Ðể tự nhiên hết, khỏi cần uống thuốc, tốn tiền vô ích.
Nửa đêm, ngủ được vài tiếng, Ngỗi trở mình thức giấc, trăn qua trở lại không sao tiếp tục ngủ lại được nữa, Ngỗi mở rađiô tìm đài nước ngoài. Ngỗi nghe loáng thoáng về việc thanh toán rác rưởi trong thành phố Sài Gòn, v. Việc thanh toán rác trong thành phố, hiện nay thành phố Sài Gòn phải giải quyết mười ngàn tấn rác và những vật liệu phế thải cao ngất ngưởng, mùi hôi thối xông lên nồng nặc bay đi dài hằng mấy cây số. Vấn đề ô nhiễm môi sinh khiến ủy ban thành phố Sài Gòn vẫn vô phương không sao giải quyết. Ngỗi liên tưởng đến tác phẩm Bụi và Rác của nhà văn N.X. H. hoàn thành sau năm 75. Rác là truyện dài của nhân dân tự vệ.
Nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới, buồn tình Ngỗi không biết làm gì qua thì giờ, sáng tác một bài thất ngôn bát cú, nhan đề Tuổi Hạc:
Tuổi Hạc.
Về già, nhớ mấy chục năm xưa,
Học tập quên ngày tháng sớm trưa.
Vanh vách đòi xôi kinh nấu sử,
Làu làu đọc sớm nắng chiều mưa.
Lung linh nguyệt sáng soi vằng vặc,
Lộp độp sương chiều rụng nhặt thưa.
Sinh lão, nhân gian giai bệnh tử.
Thầm mong sống đủ, chết không thừa.
Ngỗi thấy cần làm sáng tỏ thêm những cụm từ “sống đủ” và “chết không thừa”. Xét về mặt sinh lý thể lý,”sống đủ”có nghĩa là sống đủ lâu, sống thọ, không chết yểu, không mắc bạo bệnh, không có ý định tự tử. Nhân sinh thất thập cổ lai hi, sống bảy mươi tuổi được coi như thọ. Ông Cát Hồng là nhà đạo sĩ biết thuật dưỡng sinh nên lúc nào cũng khỏe mạnh, tinh thần lúc nào cũng sáng suốt.Nguyễn Du mất khi ông ngoài năm mươi tuổi, Tiểu Thanh, Ngỗi không rõ bệnh và mất lúc nào, chỉ biết nàng mất khi còn rất trẻ. Nguyễn Du và Tiểu Thanh không đáng được hưởng thọ mà chỉ đáng được hưởng dương. Chu Mạnh Trinh chỉ được hưởng dương mất ngoài bốn mươi tuổi vì mắc bệnh mã đao(?);Vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng chỉ được hưởng dương, mất bốn mươi vì bị chứng đột quỵ. Nàng Mỵ Ê chết khi nhảy xuống sông tự tử, lúc đó nàng còn quá trẻ, chỉ được hưởng... dương hay ... hưởng âm?
“Chết không thừa”là chết có một ý nghĩa, một giá trị xét về mặt lịch sử. Lê Lai “chết không thừa” khi hi sinh liều mình cứu chúa. Nguyễn thái Học “chết không thừa”chút nào khi cùng mười ba đồng chí lên đoạn đầu đài. “Không thành công thì thành nhân”. Victor Hugo, Goethe, Schiller, Nguyễn Du, Van Gogh, Renoir, Picasso, đã “chết không thừa“khi để lại hậu thế những áng thi ca, những tuyệt tác phẩm bất hủ. Ðến như Lê Ðà, Ðinh cũng Viên, sứ thần của nhà Trần sang thương nghị giặc Nguyên bị Nguyên chúa ngược đãi, không biết sống chết thế nào, và sứ giả Nguyễn Biểu, sang thương nghị cùng Trương Phụ tướng nhà Minh bị Trương Phụ tức giận sai trói tại chân cầu Lam cho đến chết, quả thật là một cái chết, một sự xả thân hi sinh để “chết không thừa”.
Khi ca ngợi về những cái”chết không thừa “ ấy, một thầy dạy ngày xưa của Phương vào bậc tiểu học, thầy gọi một học sinh đứng lên, hỏi:
- Trò hãy nêu một ví dụ một người đã từng chấp nhận một cái chết xứng đáng, chết thơm chết tho, lưu danh muôn thuở, người người đều ngợi khen nức nở về cái chết ấy, trò cho biết tên một vị anh hùng.
- Dạ thưa, cái chết đó là cái chết của một con heo quay.
Ðến đây thì cái gọi là “chết thừa” ai cũng biết, cũng rõ rồi. Phạm Quỳnh khi đề cập Hai con đường, ông phận biệt rõ ràng minh bạch về hai cách sống.” Ðường dưới là đường của những kẻ bạo ngược hung tàn, độc ác còn ô danh để lại. Phàm những kẻ bất nhân bất nghĩa, văn dốt vũ nát, u mê hủ lậu, sống ăn hại xã hội, chết không có tên để lại hậu thế cũng đều do đường ấy mà ra. Con đường tốt là con đường tinh hoa của nhân loại; con đường xấu là con đường cặn bã trong nhân loại, những tính xấu đã có và là những dấu vết di truyền từ thời thượng cổ.”
Ðể kết thúc bài viết tùy bút, bài Chán thuốc, Ngỗi xin kể một bài thơ thất ngôn bát cú, bài Ðiểm Canh của thi sĩ Quách Tấn. Trong câu kết, thi sĩ có viết theo nhận xét của Ngỗi rất tâm đắc:
Tìm về núi cũ xem mai nở.
Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh.
Tiểu Thanh, một người con gái Trung Hoa, chấp nhận lấy chồng, làm lẽ một người đàn ông đã có vợ. Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, chế độ đa thê thời Trung Hoa ngày trước tưởng chẳng có gì lạ. Tiểu Thanh người vợ nhỏ bị người vợ lớn ghen tuông hành hạ, đánh đập , khiến nàng đau khổ, buồn rầu, sinh bệnh, rồi chết. Vài trăm năm sau, một người nghe kể lại câu chuyện thương tâm, bèn tìm mộ cải táng người đàn bà mệnh bạc, đem chôn trên một ngọn đồi có trồng mai chung quanh mộ làm nơi trang điểm người đã khuất. Phải chăng thi sĩ Quách Tấn lúc sinh thời đã cảm khái tình cảnh của Tiểu Thanh, lãng mạn thầm mong được cùng nàng hương lửa”lửa hương đành phụ giá liên thành”, mà sáng tác bài thơ “ Tìm về núi cũ xem mai nở” trong câu kết?
Ðộ nọ nhân dịp về Việt Nam tôi có ghé thăm một ít bạn ngày trước, trong số đó có Hữu Ðạo và Tùng Phong. Tôi cũng có đem theo một tác phẩm đầu tay Rừng Phong, Thu Ðã đến tận nhà ở Tùng Phong để biếu bạn một. Nhân câu chuyện văn chương văn thơ đưa đẩy, tôi có nói câu thơ mà Quách Tấn đã gửi gấm tâm sự trong bài thất ngôn bát cú “ Ðiểm canh”. Phải chăng tác giả đã mong ước được trở về ngôi mộ cũ ngày xưa của người bạc mệnh Tiểu Thanh để nhìn ngắm lại người đã vì lòng hâm mộ thương tiếc xem mai nở? Nhưng đáng tiếc, Tùng Phong đã trả lời rằng không có một mảy may liên hệ nào giữa câu chuyện ngày xưa Tiểu Thanh với ngày nay cả!
Ngỗi cùng với người viết vốn là hai bạn đồng nghiệp, trước dạy hai nơi khác nhau, sau về cùng dạy một trường sau ba mươi tháng tư; ba mươi tháng tư được xem như một cái mốc lịch sử, một quyển vở sang trang. Từ lúc hai bạn xa nhau, kẻ ở biển Ðông người sống ở trời Tây nghìn trùng xa cách. Nhưng từ lúc phương tiện truyền thông được sử dụng bằng máy vi tính, hai người có thể liên lạc với nhau qua điện thư.Ðộ nọ Ngỗi có gửi điện thư cho người chấp bút, than thở rằng uống thuốc trị bệnh tiểu đường hằng ngày như thể uống thuốc... birth control, xin lỗi(!)như thể uống thuốc ngừa thai khiến người viết không thể nhịn cười. Không thể nhịn cười bởi tính chất u mặc. Không thể nhịn cười vì tính chất mỉa mai chua chát. Và không thể nhịn cười được vì tính chất lạc quan ngây thơ đến tếu của liều thuốc ngừa thai. Hãy yên chí hai năm rõ mười không thể thụ thai không thể có chửa chẳng thể mang bầu sau khi giao hợp sau lần mây mưa sau lần khoái cảm cực độ.
“ Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ.” Lưỡi sẽ tê và sẽ mất cảm giác cay và đắng, tương tự “ thực nhi bất tri kỳ vị.” Ban đầu lúc mới chập chững bước chân vào đời, trẻ con lần đầu tiên tiếp xúc với sự vật hoàn toàn mới mẻ xa lạ, cái gì vật gì cũng cay cũng chua cũng đắng cũng ngọt. Một giọt nhỏ nước chanh, một chút giọt giấm thanh trẻ con cũng nhăn mặt rùng mình; một miếng bã xác ớt chín đỏ trẻ con cắn phải cũng lập tức ràn rụa chảy nước mắt hít hà xuýt xoa chắc lưỡi. Phần đông trẻ con đất Bắc không thể..” ăn cay nuốt đắng” được. Người chấp bút còn nhớ độ năm mươi năm về trước lúc còn là một sinh viên nội trú tại đại học Ðà Lạt, nhà thầu chịu lãnh cơm ăn nước uống cho đám sinh viên ghi tên nội trú ấy, chả là một bữa nọ nhà thầu cho nấu một món ăn cho sinh viên, lấy khổ qua nhồi thịt ( thịt nạc heo à nghen), nhà thầu đinh ninh món ăn trúng tủ, không ngờ đám sinh viên nội trú Bắc Kỳ la ó rùm beng không thể ăn được, rốt cục người chấp bút đành phải chịu bóp bụng ăn thay một bữa ngon lành no nê, lâu lâu mới được một lần.
Nấu canh khổ qua giã tôm tươi ăn cũng không kém ngon miệng. Ăn cơm mới nói chuyện cũ- ấy chết, xin lỗi- ăn cơm cũ, nói chuyện cũ. Những kỷ niệm ấu thời thường nhắc nhớ mẹ tôi thích xắt từng lát mỏng sau khi mổ bụng cạy hột khổ qua ra nấu. Mẹ phát ngôn rằng thì là khổ qua không nên nấu chín quá bởi chất đắng sẽ mất vị đăng đắng như thế mất ngon, mất tính chất đậm đà. Thỉnh thoảng mẹ thường trồng giặm một khóm cây khổ qua treo lủng lẳng trên giàn, cốt để nấu một nồi canh sung túc thêm bữa cơm, chẳng hạn nấu thêm một bát canh rau má: trời càng nắng to, rau càng đắng, canh càng mát.
Bao giờ cũng vậy, luật tự nhiên là luật thừa trừ. Tới một lúc nào đó, cảm giác về vị giác sẽ chai lì và một ngày không xa, cảm giác sẽ mất cảm giác. Ăn cay sẽ không còn cảm giác cay như ngày nào, cảm giác ngọt từ nay sẽ chai lì cảm giác ngọt ngày trước. Bản thân tôi cũng không còn cảm giác hương vị của mỗi cữ cà phê buổi sáng và kinh nghiệm hút thuốc Mélia của Ngỗi sẽ trở thành chất đắng sau năm 75. Những con bệnh ghiền xì ke ma túy hằng ngày sử dụng chất ma túy để qua cơn hành hạ dằn vật. Như vào mỗi sáng tôi pha nửa tách cà phê đun sôi sau khi bỏ một ít đường, tôi lấy một muỗng đầy bột cà phê instant, số lượng cà phê này càng ngày tôi pha càng đậm, càng ngày càng mất cảm giác vị giác, không khác chi tôi phải lấy đủ số lượng thuốc 7 viên tôi phải uống hằng ngày bắt buộc: từ thuốc aspirin 81 mg, thuốc Vytorin10 /20, thuốc lisinopril 10mg, thuốc allopurinol 100mg, thuốc Norvasc 2,5 mg đến thuốc Plavix 75 mg. Cũng vào mỗi sáng sớm tôi phải lấy một một phần ba oatmeal trộn với nước sôi coi như phần điểm tâm của tôi không thể thiếu. Suốt gần mười năm từ khi tôi ngã bệnh, gần một bát oatmeal điểm tâm không đường như thế, tôi ăn mà không biết tôi phải ăn những gì nữa. Tập quán thói quen làm chùn nhụt cảm giác. Thi ra một nhà giáo dục Jean - Jacques Rousseau đã nói một câu khá chí lý: “ Hãy tập cho trẻ con một tập quán là đừng nên tập cho chúng nó một tập quán nào.”
Ðể kết thúc bài viếtờ Chán Thuốc, kẻ chấp bút xin kể một truyện dài, tác giả là nhà văn nổi tiếng Cung Giũ Nguyên. Thầy Nguyên là thầy học của tôi, ngày trước cũng như hôm nay. Nhan đề tác phẩm truyện dài là Le Boujoum. Xin nhắc lại cho rõ: tác phẩm Le Boujoum được viết sau năm 75, nguyên tác bằng tiếng Pháp, môn sở trường của tác giả. Thực tình tôi không rõ ẩn ý thâm sâu của thầy Nguyên. Tại sao thầy lại viết Le Boujoum? Tôi hiểu một cách đại cương: thầy muốn tránh sự động chạm văn hóa và nhất là động chạm tới chính trị và về sau, thầy chuyển dịch sang tiếng Việt và Le Boujoum được chuyển dịch sang tiếng Việt: THÁI HUYỀN, một nhan đề cũng tối tăm khó hiểu không kém gì ÐẠO ÐỨC KINH của Lão Ðam. Tôi cố gắng đọc suốt từ chương Một đến chương Ba, rốt cuộc như lạc vào trong mê hồn trận, đành bỏ cuộc, đầu hàng.Ấy thế mà có một nhóm học giả vô cùng uyên bác đã không ngần ngại tổ chức một buổi gọi là... ra mắt sách, giới thiệu tác phẩm THÁI HUYỀN, nôm na là tác phẩm LE BOUJOUM. Buổi ra mắt ấy, buổi giới thiệu tác phẩm ấy rốt cục chìm vào quên lãng, không dám nói đến, không dám nhắc đến nữa. Mỗi khi đề cập đến Le Boujoum, tôi hằng ngày hằng đêm sẽ giải thích tường tận uyên áo ý nghĩa của tác phẩm. Mong thay!
Mấy năm trôi qua, tình trạng sức khỏe thị giác của tôi ngày càng kém, nhất là lúc tôi bị chứng đột quỵ. Cặp mắt tôi thường chảy nước mắt, đi ra đường mắt cứ phải hấp háy thường xuyên, nhất là khi ánh mặt trời chiếu thẳng. Tới phòng khám bệnh nhãn khoa, bác sĩ cho tôi biết mắt tôi bị chứng loạn thị, tôi không ngạc nhiên khi biết hiện trạng của mắt tôi: thị quan của mắt sẽ tạo ảnh không rõ vì chiết suất ở thủy tinh thể không đều, ảnh sẽ biến dạng. Bác sĩ cũng đề nghị tôi nên mổ cả hai mắt vì chúng đều có cườm. Trước ngày mổ mắt, bác sĩ cũng báo trước tôi sẽ phải ngưng dùng thuốc một tuần trị huyết áp cao, điển hình là thuốc aspirin 81mg và thuốc này còn có tác dụng làm loãng máu.
Sau hai tuần lễ, tôi tiếp tục vô bệnh viện Sharp mổ mắt trái sau lần giải phẫu mổ mắt phải. Sau lần mổ mắt, tôi thấy mắt tôi cảm thấy bình thường, cả hai mắt tôi đều nhìn rõ hơn, sáng hơn, nhưng... hơi chói lòa. Tôi nói sự cố ấy với bác sĩ nhãn khoa và tôi được cấp free một bộ kính nhựa đen, mỗi khi mang vào tôi thấy khung trời sầm tối lại. Tôi an ủi tự nhủ: đâu phải kính nào cũng đều màu hồng cả! Kính màu hồng đã đổi màu từ lâu.
Rồi Ngỗi cũng than phiền độ rày mắt Ngỗi kém trông thấy rõ. Sau năm 75, mắt Ngỗi cũng đã có vấn đề: thường xuyên chảy nước mắt. Vào độ ấy, mỗi lần muốn đọc sách, bắt buộc Ngỗi phải mang kính. Không mang kính, không đọc được sách. Thấy trường hợp mắt của Ngỗi ngày càng tồi tệ, lắm lúc Ngỗi muốn tới nhà thương chữa mắt tại Nha Trang xem tình huống ra sao như thế nào, mà rồi Ngỗi không dám đi, lý do giản dị: không tiền! Kể từ khi bị mất việc làm tại một trường trung học phổ thông, Ngỗi đâm lo sợ vẩn vơ sau năm 75, bởi ăn không ngồi rồi. Ấy thế mà thực dân Pháp lại dám bảo những ai bị thất nghiệp không công ăn việc làm là thành phần du đãng đấy. Anh làm gì?- Bẩm, không làm gì cả. - Không làm gì cả? Ba tháng một ngày nhà pha.- Anh làm nghề gì?- Bẩm, chẻ nứa ạ.- Chẻ nứa không phải là nghề. Ba tháng một ngày nhà pha. Xin nói rõ: nhà pha đây là nhà tù, nơi nghỉ dưỡng sức, tu tâm dưỡng tánh. Ngỗi lo ngay ngáy sẽ vào một ngày không đẹp trời chính quyền địa phương ra thông báo Ngỗi được vinh dự đi lên khu kinh tế mới. Cẩn tắc vô áy náy, Ngỗi bèn tìm kiếm bất cứ công tác gì ngoài phường khóm. Có công việc là đủ mừng dỡ lo rồi. Ngỗi tìm cách kiếm công ăn việc làm tủn mủn vụn vặt chẳng hạn dạy đàn violon mấy đứa con nít, dạy Anh văn cho lũ học trò ở cấp Một, chế biến cà phê đem giao tại mấy quán giải khát và điều này ê chề chua xót nhất là Ngỗi chịu khó ngồi cầm đinh đục lỗ ốc ruốc dùng làm rèm sáo xuất khẩu ra nước ngoài, lao động gia công rẻ mạt, Ngỗi nghĩ đến câu ứng đối của ông Ngô thì Nhậm lúc giang sơn nhà Nguyễn bị chúa Nguyễn phúc Ánh tóm thu một mối:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế.
Nhưng rồi cuộc đổi đời đã lắng dịu tạm yên, Ngỗi đã có được một nghề ổn định môn Anh văn tại một trung tâm sinh ngữ; hai người con cũng đã có được hai nghề sinh sống: người con lớn hiện đang dạy học môn vi tính, người con thứ hai làm nghề xây dựng cơ ngơi nhà cửa.
Thấy không thể kéo dài tình trạng ngày càng xấu đi của hai con mắt, Ngỗi quyết định cùng người con thứ hai vô Sài gòn xin khám mắt. Bác sĩ nhãn khoa đề nghị mổ mắt bên phải trước. Nếu không có vấn đề gì, lần sau mổ mắt tiếp theo, mắt thứ hai, mắt bên trái. Lần này bác sĩ hoãn lại không thể thực hiện ca mổ mắt lần thứ hai. Lý do: huyết áp cao 170/85. Về Nha Trang tiếp tục uống thuốc giảm huyết áp là aspirin 81mg, Plavix 75mg. Ngỗi đi đi về về Nha Trang- Sài Gòn Sài Gòn- Nha Trang như đi buôn hàng chuyến vậy mà tình trạng huyết áp vẫn cao! Thị lực những lúc gần đây của Ngỗi càng kém, càng không thấy rõ, mà khả năng hiểu biết về mắt của tôi chẳng có gì tường tận thấu đáo cả. Biết thân phận bản thân bệnh hoạn chưa xong đã vội ôm lấy lo toan bệnh tình người khác.
Cách nay ngót hai năm, Ngỗi bị tai biến mạch máu não, nôm na gọi là trúng phong, giới bình dân kêu là đột quỵ, khoa chuyên môn gọi là stroke, hậu quả của bệnh cao huyết áp từ ngày còn trẻ của Ngỗi. Huyết áp rất cao nhưng Ngỗi không chết xin lỗi vẫn chưa chết cho tới ngày hôm nay cộng thêm mắc chứng bệnh tiểu đường, hậu quả cái chết của vợ Ngỗi. Bây giờ Ngỗi đã biết sợ, đã thấy sợ: sợ chết. Ngỗi phải uống thuốc hằng ngày mỗi buổi sáng. Tôi cũng hằng ngày phải uống thuốc như bất cứ ai còn khỏe còn mạnh. Này nhé: Aspirin 81 mg trị huyết áp cao và loãng máu; Norvasc 2,5 mg trị bệnh gout hay còn gọi trị bệnh thống phong. Tôi còn nhớ chứng bệnh thống phong quái ác này: bàn chân trái của tôi sưng tấy lên không thể bước đi được, chỉ bò, đau không thể tả. Nữ bác sĩ chuyên khoa trị bệnh gout Katherine lấy một ống kim chích bên trong đầu gối rút nước ra, tôi thấy nước trong ống kim xanh dờn như mực! Nữ bác sĩ cho tôi một bảng chỉ dẫn trị bệnh gout. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh gout là do uric acid, một căn bệnh do ăn quá nhiều thịt đỏ, đặc biệt thịt bò, khiến tạo nhiều uric acid, một dạng thức muối mặn do tinh thể tích tụ lâu ngày đọng lại thành muối trong khớp xương đầu gối khiến đầu gối không thể vận động đi lại được. Khi hút hết chat nước xanh như mực ra, cảm giác đau đớn của tôi vẫn còn và rất khó chịu. Nữ bác sĩ buộc tôi phải uống thuốc và cảnh giác: không được tiếp tục ăn thịt đỏ nữa. Riêng đối với tôi thì ( mộng ăn thịt đỏ từ nay xin chừa (.Tôi hỏi thêm:
- Ăn thịt trắng được không bác sĩ?
Nữ bác sĩ Katherine hỏi lại:
- Thịt trắng là những loại thịt gì?
- - Thịt gà chicken.
- Ăn được.
Ngoài những loại thuốc không thể thiếu hằng ngày còn có thuốc Plavix 75 mg, cũng trị bệnh cao huyết áp, thuốc allopurinol 100 mg trị bệnh cholesterol cao đường trong máu, thuốc lisinopril 10 mg cũng trị bệnh cao huyết áp. Mỗi khi uống cà phê xong, tôi phải lấy thuốc hằng ngày uống vào giữa bữa điểm tâm. Kinh nghiệm cho tôi biết đừng bao giờ lấy kết quả huyết áp sau khi ngồi vào bàn: chắc chắn huyết áp sẽ cao. Sau khi tập vật lý trị liệu độ một giờ, huyết áp sẽ trở lại bình thường.
Tôi nghĩ bệnh tật nói chung, bệnh già nói riêng hóa trở nên bình thường không còn khiến tôi lo lắng sợ hãi nữa. Ra đi ngoài tuổi bảy mươi âu cũng là sự kiện bình thường, không phải là phi thường cũng chẳng phải là khác thường, như vào một đêm vừa có trăng sáng vằng vặc, con người tôi đột ngột ra đi không một giã từ trăn trối.
( Ta đi trăng lạnh ngoài sông núi,
Sông núi non này dậy lửa binh.
Khi thấy hồn về ta chẳng lạ:
Một tay xâm thực đổi Sài Thành.
Thế lại hóa hay!/.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.