Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ
Cánh Đồng
Sau ba năm chung thủy
Với người chồng đi xa
Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ
Với người đàn ông xấu xí
Già hơn chị rất nhiều
Trong một buổi chiều bão tố
Khi chúng tôi đến đó
Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn lại trên đồng lúa
Vết xước của dĩa bay mà thôi
(Nguyễn Đức Tùng)
Cánh Đồng là bài thơ lạ; nói thế mà không ngại, vì nó là đứa con tinh thần của Nguyễn Đức Tùng, một người rất chú trọng đến lý thuyết thơ và đang có nỗ lực làm mới thơ. Nhưng muốn để phát biểu ấy có sức thuyết phục phải “nói có sách, mach có chứng”, phải đưa bài thơ ra ngắm nghía, xem xét.
Vóc Dáng
Trước hết, đây là bài thơ có vóc dáng mới: Tác giả thong dong dạo chơi trong khu vườn thi ca vì đã hoàn toàn thoát khỏi những trói buộc của thể thơ. Bài thơ thoát hẳn truyền thống, vượt qua Thơ Mới, kể cả Thơ Mới biến thể. Số chữ trong câu, sô câu trong bài không bị một quy luật nào chi phối. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài thơ Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước (1); cũng cái vóc dáng mới mẻ thu hút sự chú ý của tôi ngay lần đọc đầu tiên. Và khi xét kỹ thì cũng vượt qua cả Thơ Mới biến thể để đi vào “vùng trời tự do của thi ca”. Có điều theo tôi nhận xét thì Nguyễn Khắc Phước đưa Mắt Bồ Câu đến được vùng trời đó là do tình cờ (và một chút may mắn). Còn Nguyễn Đức Tùng thì ngoài Cánh Đồng còn một số bài thơ khác nữa cũng có vóc dáng tương tự (2) - nghĩa là nỗ lực làm mới thơ của anh đã có kết quả. Anh đã thấy đích và biết đường đi đến đích.
Vần
Năm câu của đoạn đầu không vần nhưng khi đọc lên, âm điệu nối kết các câu thơ với nhau, tuy không trơn tuột ngọt ngào, vẫn không bị khô cứng. Năm câu của đoạn sau thì hai câu 6 và 7 vần với nhau (tố, đó) rất tự nhiên. Câu 8 và 10 có âm hưởng của vần xa (rồi, thôi) nhưng hơi gượng. Nói chung, vị ngọt trong bài thơ 10 câu, 59 chữ như thế cũng tạm đủ, vần điệu của bài thơ tương đối thành công; dòng chảy của tứ thơ không mạnh, nhưng nhờ bài thơ ngắn, vẫn đưa người đọc tới bến.
Ngôn Ngữ Thơ
Nhiều người cho rằng “Ngôn ngữ thơ lung linh, trừu tượng, lại thường có ẩn dụ nên đa nghĩa, vì thế độc giả có quyền đến với tứ thơ theo cách hiểu, cảm nhận của riêng mình”. Nguyễn Đức Tùng không nói ra nhưng qua việc sử dụng ngôn ngữ và cách sắp xếp thế trận của Cánh Đồng (và mấy bài thơ khác tôi đọc được) (2), theo tôi, hình như anh không đồng ý với suy nghĩ đó. Việc anh tránh né những tĩnh từ, trạng từ lung linh, đa nghĩa, hoặc những câu dẫn người đọc đến ngã ba đường, là muốn người đọc vịn vào câu thơ để có thể dễ dàng đi đến đúng “bến bãi”. Anh muốn truyền đến họ tâm trạng, suy nghĩ của mình trước một cảnh đời (còn đồng cảm hay không lại là chuyện khác) chứ không muốn cho họ mượn bài thơ làm bệ phóng để thả hồn về những phương trời khác tít tắp mù khơi. Vì thế có thể nói từ câu đầu cho đến lúc vào “bến bãi”, tứ thơ của Cánh Đồng là con đường dễ đi. Nếu bạn đọc, vì lý do nào đó, đi lạc, không phải lỗi của tác giả.
Thế Trận - Mấy Câu Kết.
Có mấy bài toán hình học lớp Đệ Nhất B đề bài rất ngắn, chỉ vài dòng, nhưng khi giải toán phải vẽ thêm và chứng minh một số câu hỏi “trung gian” trước khi đi tới câu hỏi chính của bài toán. Giải được một bài toán như vậy “trần thân” nhưng khi hoàn thành sẽ có cảm giác khoan khoái, thích thú vì tự mình đã khám phá được lộ trình (khá dài) để đi đến kết quả cuối cùng.
Sau này đi dạy kèm tôi cũng gặp vài bài ở lớp dưới - giống y chang – nhưng được phân ra nhiều câu hỏi nhỏ. Lời giải của câu hỏi trước sẽ là chiếc cầu dẫn đường đến lời giải của câu hỏi sau và cứ thế cho đến câu hỏi chính của bài toán. Giải những bài toán phân mảnh ấy dễ dàng hơn nhiều.
Nguyễn Đức Tùng có lẽ cũng thấy điều tương tự như thế trong thơ. Anh rất chú ý đến cấu trúc của tứ thơ, đặc biệt là câu (hoặc mấy câu) cuối. Cây cầu liên tưởng ở đây thường bị cắt một (hoặc hai) nhịp nên độc giả không thể nhẹ nhàng bước qua như những bài thơ bình thường khác. Khoảng cầu bị cắt có lúc hẹp, có lúc rộng. Hẹp, độc giả có thể nhảy qua; rộng hơn một tý, phải xuống nước lội qua; có khi vừa rộng vừa sâu, phải cởi quần áo bỏ vô bọc ny lông - chỉ mặc quần lót – bơi qua. Đây là một cách “nâng tầm” bài thơ – đòi hỏi độc giả phải nâng khả năng liên tưởng cao hơn nữa để có thể nắm bắt tứ thơ. Dĩ nhiên, việc hiểu được ý tác giả từ bài thơ như thế, bù lại, sẽ trao tặng độc giả một phần thưỏng - một khoái cảm khó tả - thấy khả năng thưởng thức thơ của mình đã vươn tới một tầm cao mới.
Tuyệt chiêu của bài thơ nằm ở câu (hoặc mấy câu) kết. Giống như ván bài xì phé gay cấn, chỉ khi con bài tẩy lật lên mới biết kẻ thắng, người thua. Trong Cánh Đồng (và mấy bài thơ cùng loại) Nguyễn Đức Tùng đã khéo léo giữ kín con bài tẩy đến giây phút cuối cùng. Khi đọc xong câu kết độc giả ngẫm nghĩ một lát rồi “À” lên một tiếng ngạc nhiên, khoái trá. Có được tiếng “À” đó vị độc giả đã bước vào “bến bãi”. Ngừng ở đó hay thả hồn đi xa hơn nữa là tùy ý mỗi người.
Tứ Thơ
Tứ thơ của Cánh Đồng có thể tóm gọn trong một câu: Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác.
Điểm lạ nữa của Cánh Đồng là tứ thơ. Đối với thơ Việt thì cho đến thời điểm này tình dục trong thi ca, tuy không còn xa lạ nhưng thi sĩ khi tiếp cận đề tài vẫn còn nhiều phần kiêng dè, e ngại. Sau đây là mấy bài thơ được giới thiệu theo thứ tự từ “hiền hòa” đến sừng sỏ.
1/
CHỢT THỨC
Lão Trư Bát Giới đang ngủ yên
bỗng bật dậy phùng mang trợn mắt
là lúc lòng rạo rực
nhớ em.
(Phạm Đức Nhì)
Bài thơ tôi viết trong lúc xa nhà mấy ngày, “nổi hứng bất tử”. Tứ thơ đụng tới chuyện đó nhưng lại rất “hiền”. Với cánh đàn ông, đây là chuyện bình thường; thằng bé “vươn mình đứng dậy” làm lòng rạo rực nhớ vợ, rồi nghe chừng chẳng có cơm cháo gì đành lặng lẽ co vòi ngủ yên. Bài thơ ngắn, đơn giản, không được “bàn ra tán vào” nhiều nên đem ra lót đường để chuẩn bị giới thiệu những bài thơ sừng sỏ hơn.
2/
CHẠM
Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương, ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ
Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên
Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.
(Đậu Thị Thương)
Tác giả kể lại cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của mình trong một đêm được đắm đuối mê say dâng trọn cả linh hồn lẫn thể xác cho người yêu, nhưng bừng tỉnh mới biết đó chỉ là … mơ.
Màn ái ân trong bài thơ rất lãng mạn và “ấn tượng”. Cô giáo Đậu Thị Thương chỉ nói bóng gió rất xa nhưng do sức gợi cảm, sức khêu gợi tưởng tượng mạnh mẽ của ngôn ngữ khiến một người đọc tuổi xuân không còn phơi phới như tôi cũng hối hả chạy “tới bến” trước khi cô bừng tỉnh giấc mộng tình. (3) Tuy nhiên, xin bạn đọc ghi nhận một điều, màn yêu đương nồng thắm ấy tác giả dành cho nguời tình (chứ không phải ai khác). Chữ Dâm ở đây vẫn chưa dám vượt lằn ranh để bước qua vùng cấm.
3/
TRÁI TIM RAO BÁN
Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán
một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau – niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán
một ngày
mỏi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh…
(Đinh Thị Thu Vân)
Trong tận cùng của cô đơn và “mỏi mòn trong ảo vọng” Đinh Thị Thu Vân đã rao bán trái tim mình với giá rất đặc biệt: Cho không (4).
Vâng, chị cho biết chỉ cần:
nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh…
Ở đây không thấy cơn hứng tình như Chạm của Đậu Thị Thương. Đinh Thị Thu Vân đã khéo léo dấu tình dục trong vỏ bọc tình yêu. Nhưng khi đã trao trái tim thì chữ Dâm sẽ ngạo nghễ bước vào. Khác với tác giả của Chạm - chỉ Dâm với người yêu - chị (ĐTTV) “sẵn sàng trao trái tim cho bất cứ ai, không cần chọn lựa”. Để đòi quyền được Dâm ĐTTV đã sẵn sàng đi xa hơn, sẵn sàng trả giá cao hơn Đậu Thị Thương rất nhiều. Chính vì thế tứ thơ của Trái Tim Rao Bán được đánh giá cao hơn tứ thơ của Chạm.
4/
CÁNH ĐỒNG
Tứ thơ: Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác.
Vâng, tình dục – thỏa mãn chữ Dâm – là một nhu cầu thiết yếu của con người. Phong tục, tập quán, lề thói xã hội nhiều nơi vẫn còn ngăn trở việc thỏa mãn “cái khoái thứ ba” rất nhân bản ấy, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nguyễn Đức Tùng, qua bài thơ Cánh Đồng, đã đi xa hơn những thi sĩ cùng thời. Theo ông, “Khi cơn Dâm trỗi dậy thì làm tình – ngay cả với người từ tinh cầu khác – cũng là chuyện bình thường, không có gì phải mặc cảm, hổ thẹn hết”.
Tôi đã từng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước lòng dũng cảm của Đậu Thị Thương và Đinh Thị Thu Vân. Hai nhà thơ nữ đã đạp đổ cái hàng rào văn hóa, đòi lại quyền được tự do nói đến, và nếu cần, thỏa mãn cái nhu cầu nhân bản đó trong đìều kiện và hoàn cảnh của riêng mình, chứ không chịu gò bó trong những lề luật cứng ngắc, bất công của xã hội. Giờ đây - với tài thơ và tầm nhìn của Nguyễn Đức Tùng – các chị sẽ có một đồng minh đáng tin cậy.
Cảm Xúc
Cảm xúc ở tầng 1: Cảm xúc độc giả có được khi tiếp xúc với ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc câu của bài thơ (ngôn ngữ bóng đá là kỹ thuật cá nhân của cầu thủ). Vì tránh dùng những từ, hình tượng lung linh, bắt mắt nên ngôn ngữ thơ và cấu trúc câu thơ của Cánh Đồng đơn giản đến mức tối đa, không gây hứng thú cho người thưởng thức thơ quen thuộc. Cầu thủ của đội bóng Cánh Đồng không phô diễn tài nghệ cá nhân mà chỉ cố hoàn thành nhiệm vụ Huấn Luyện Viên giao phó cho mình trong đấu pháp toàn đội. Họ đá rất hiệu quả nhưng không đẹp.
Cảm xúc ở tầng 2: Cảm xúc có được khi nhận ra cái hay, cái đẹp trong thế trận của bài thơ. Cánh Đồng đã cho độc giả cái cảm giác ngạc nhiên thích thú khi đọc xong 2 câu kết và thấy được ẩn ý của tác giả. Với đấu pháp mạch lạc, ăn ý và bất ngờ đội Cánh Đồng đã tạo được bàn thắng đẹp, kết thúc trận đấu, tiếng reo hò, vỗ tay vang dậy cầu trường.
Cảm xúc ở tầng 3: Loại cảm xúc cao cấp nhất, cho người đọc cảm giác sảng khoái nhất. Nó là thứ hơi nóng không nằm trong câu chữ mà tỏa ra từ đâu đó giữa 2 hàng kẻ, không thể “bắt” được bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. Khi cảm xúc tầng 3 dâng cao ngất chúng ta có hồn thơ. Hồn thơ có được trong trường hợp tác giả viết lúc cao hứng, lúc lên cơn điên, cơn giận, cháy bỏng yêu thương, rực lửa căm thù … , lúc tâm hồn thoát khỏi sự điều khiển của lý trí. Cánh Đồng không có loại cảm xúc này. Lý do: Ý thơ có thể chợt đến nhưng thế trận của bài thơ được lý trí xen vào soạn thảo ngay sau đó, đặc biệt là đoạn kết. Hơn nữa, bài thơ lại ngắn, không có chỗ để “sóng sau dồn sóng trước” đẩy cơn hứng của tác giả đến cao trào. Chính vì thế, mặc dù nắm vững lý thuyết hơn, viết chắc tay hơn, Cánh Đồng so với Mắt Bồ Câu vẫn thiếu cái tươi mát đến từ một tâm hồn dạt dào cảm xúc.
Khuyết Điểm
Bài thơ, theo tôi, có 3 khuyết điểm:
1/ Có vài chữ dư thừa, không cần thiết.
a/ Chữ “Trong” ở câu 6.
b/ Hai chữ “mà thôi” ở câu cuối. Nguyễn Đức Tùng không bị trói buộc với quy luật của vần nên “mà thôi” không cần thiết. Tuy nhiên, nếu vì muốn có một chút âm hưởng của “vần xa” (rồi, thôi) mà đưa vào thì gượng quá.
2/ Kịch bản
Hãy cùng tôi đọc mấy câu đầu từ bài thơ Năm Mới của Nguyễn Đức Tùng:
Một kẻ nào đã khóa cánh cửa vào năm mới
Chúng ta không có năm mới
Tất cả chúng ta đứng ngoài hành lang
Đây là một điều rất phi lý. “Năm mới” chỉ là cái mốc thời gian, làm gì có cửa để đóng với mở. Nhưng đọc hết bài thơ (ở phần Phụ Lục) chúng ta sẽ thấy tác giả đã biến cái phi lý thành có lý (trong nghệ thuật) và đã tạo nên cái duyên dáng, cái đẹp trong thơ.
Trong Cánh Đồng, tác giả đã rất thành công trong cách tiết lộ “người đàn ông xấu xí” là từ tinh cầu khác. Nhưng thông tin “Chị đã thất tiết một cách rất lạ kỳ” – tiêu điểm của tứ thơ - thì lại xem như một tiền đề, bắt người đọc chấp nhận mà không giải thích. Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh hành động “thất tiết” đó đã làm bài thơ giảm sức thuyết phục.
3/ Không có cảm xúc ở tầng 3 – không có hồn thơ.
Kết Luận
Với tôi, Cánh Đồng là một bài thơ lạ. Lạ mà hay. Vì lạ nên bài thơ kén người đọc. Và dĩ nhiên, có những nhận xét trái chiều về giá trị nghệ thuật của nó. Những xao động như thế trong làng thơ, theo tôi, là lành mạnh. Trong một bình luận trên FB dưới bài Bình Thơ Nguyễn Đức Tùng - Thơ Tình: Những Con Rệp của Nguyên Lạc, Nguyễn Đức Tùng viết “Tác phẩm văn học người khen kẻ chê là chuyện thường, nhưng phê bình không chỉ là khen chê, mà cốt ý làm cho người đọc và người viết cùng nhau ngẫm nghĩ, phân tích, tự mình rút ra nhận xét riêng”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Mong rằng bài viết ngắn này sẽ là cái cớ để ngưòi viết và cả người đọc nhìn lại và tự rút ra (những) nhận xét hữu ích cho riêng mình. Được như thế tôi sẽ rất vui và cảm ơn cả người viết lẫn người đọc nhiều lắm lắm.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com
CHÚ THÍCH:
1/ Mắt Bồ Câu – Bài Thơ Mới Đọc Lần Đầu, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/05/mat-bo-cau-bai-tho-moi-oc-lan-au_31.html
2/ Phần Phụ Lục
3/ Bài Thơ “Chạm” & Mấy Lời Bình, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/05/bai-tho-cham-va-may-loi-binh.html
4/ Trái Tim Rao Bán – Bài Thơ Đầy Bản Sắc, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/10/trai-tim-rao-ban-bai-tho-ay-ban-sac.html
PHỤ LỤC: “Những Con Tương Cận” Với CÁNH ĐỒNG
NHỮNG CON RỆP
Ngày thứ hai của tuần trăng mật
Chúng ta ngủ trong một khách sạn rẻ tiền
Những con rệp cắn anh suốt đêm
Bây giờ đây anh nhớ chúng khôn xiết
Khi mỗi lần đi ngang mộ em
CHA VÀ CON
Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất
Tôi trở về nằm trên chiếc giường cưới của ông
Đọc cuốn Kiều để mở
Nửa đêm thức dậy ngồi đánh cờ một mình
Buổi sáng cạo râu bằng dao cạo của cha tôi
Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất
Tôi về bốc mộ ông
Cầm nắm đất trên tay
Gió thổi
Một chiếc xương cá mỏng
Buổi chiều tôi mang đôi ủng của cha tôi
Đi thăm cánh đồng nước lớn
Đứng trước hiên nhà
Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa
MẸ
Mẹ đã tám mươi
Người nhỏ lại
Hét lớn bên tai
Mẹ chỉ nghe rì rào gió thổi
Phá vỡ im lặng
Mẹ thu mình lên cây nhãn
Giữa những cái trứng
Của chim họa mi
Khi mẹ đi xa rồi
Mọi người trong nhà vẫn còn lớn tiếng
NĂM MỚI
Một kẻ nào đã khóa cánh cửa vào năm mới
Chúng ta không có năm mới
Tất cả chúng ta đứng ngoài hành lang
Một số người kiên nhẫn đợi chờ
Một số người lầu bầu chửi rủa
Một số người chán nản bỏ đi
Bỗng dưng cánh cửa bật mở
Quá nửa đêm, khi mọi người đã ngủ
Khi tất cả đã uống say mèm
Chỉ còn mưa, người đàn ông trước thềm, đứa trẻ ngủ trên vai
TÁM TUỔI
Những ngày buồn
Tôi ôm con trai ngủ
Lắng nghe mưa rơi rì rào
Nó bảo: con thích thế này
Nằm cong người lại
Trong lòng tôi, nhắm mắt
Tôi đã làm hết sức
Công việc càng nhiều thêm
Tôi đã khôn ngoan hơn mười năm trước
Vẫn không ngớt phạm lỗi lầm
Thế này là như thế nào? Tôi hỏi
Con tôi trả lời: là nằm im
Không làm toán, không chen lấn, không học bài, từ từ trôi về phía trước
|