Nhà phê bình Hoài Thanh trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca đã ân cần mệnh danh thi sĩ Quách Tấn là “sứ giả đời Đường” bởi phong cách thơ cổ điển trước sau như nhất của ông. Quách Tấn (1910 – 1992) tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, nhà văn Việt Nam, thi sĩ thuộc phong trào Thơ Mới.
Khi Thơ Mới đi một chặng đường vừa chẵn mười năm, Hoài Thanh trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca đã khái quát Thơ Mới gồm ba dòng: thơ Pháp, thơ Đường, thơ Việt. Nhìn sâu vào nội tại, phong trào Thơ Mới là sản phẩm của sức ảnh hưởng của thơ phương Tây, nhất là thơ Pháp lên khát vọng muốn cách tân thơ Việt hồi đầu thế kỷ XX. Bởi thế, nói đến Thơ Mới là nói đến tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, sau đó là chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực – những trào lưu hiện đại chủ nghĩa – đến thơ ca Việt Nam. Năm 1932 là cột mốc quan trọng: phong trào Thơ Mới chính thức trình làng, chính thức chuyển tải tiếng lòng của cái tôi cá nhân-cá thể muốn bộc bạch, giãi bày những tình cảm, cảm xúc chân thực, chân thành nhất. Đây là giai đoạn của sức ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn. Đến năm 1936, Thơ Mới lại chuyển mình một lần nữa, ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Mỗi một giai đoạn, Thơ Mới đạt được những thành tựu rực rỡ, độc đáo riêng, biểu hiện bằng những phong cách nghệ thuật, đưa thơ Việt hoà nhập vào quỹ đạo hiện đại của thơ thế giới.
Riêng thi sĩ Quách Tấn là một hiện tượng. Từ tập Một tấm lòng (1939, với lời tựa của Tản Đà, lời bạt của Hàn Mặc Tử) đến Mùa cổ điển (1941, với lời tựa của Chế Lan Viên) và cả sau này, Quách Tấn vẫn nhất quán một phong cách. Hình thức vẫn là thơ luật Đường, nhà thơ thể hiện hàm súc một tình yêu dạt dào với quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè, thế sự… Dù thi nhân là một thành viên của nhóm Bàn thành tứ hữu (gồm Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn) hay còn gọi là nhóm Cổ Bàn tứ linh (long là Hàn Mặc Tử, lân là Yến Lan, quy là Quách Tấn, phụng là Chế Lan Viên) nhưng khi Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Khai (tức Yến Lan) thành lập Trường thơ Loạn nổi đình nổi đám thì ông vẫn chung thuỷ với thơ cổ điển. Ngay người bạn thơ chí cốt họ Hàn chuyển dòng thơ liên tục (từ thơ Đường luật sang lãng mạn, rồi tượng trưng, siêu thực) thì thi sĩ họ Quách vẫn một mạch thơ thẳng băng. Đó gọi là bản lĩnh cũng đúng mà gọi là sở trường, tài năng thì đúng hơn. Bởi thế, nhà phê bình Hoài Thanh nhận định: “Cảm được lòng người đàn bà khó chiều kia, hoạ chỉ có Quách Tấn. Mối lương duyên gây nên từ Một tấm lòng, đến Mùa cổ điển thì thực đằm thắm.”([1]
Quách Tấn tập làm thơ văn từ năm 1929 lúc học lớp đệ nhất niên trường Trung học Quy Nhơn. Năm 1932, nhờ thi sĩ Tản Đà dìu dắt và Sào Nam tiên sinh nâng đỡ, ông chính thức bước vào làng văn. (Trong tư gia của nhà văn Quách Tấn, nay do trưởng nam của ông là nhà văn Quách Giao thừa tự, hiện vẫn còn bàn thờ sư phụ Tản Đà). Khi tập Một tấm lòng xuất hiện, Tản Đà đã đặt thơ Quách Tấn ngang với thơ Yên Đổ, thơ Hồ Xuân Hương,.. thì Hoài Thanh lại cho rằng nó “lạt lạt”. Để rồi khi “người cho ra một tập nữa, chúng ta (những nhà thơ mới – CDT chú) hết sức hoan nghênh, thì trong những nhà thơ cũ chính tông lại ít có người thích”. Hiện tượng khen-chê đó cho thấy vấn đề cốt tuỷ của thơ Quách Tấn chính là ở chỗ: y phục thì cũ nhưng tinh thần đổi mới, người đời thường ví von là “bình cũ rượu mới”. Vì thế, Quách Tấn chính là chiếc cầu nối giữa Tản Đà tiên sinh và thi phái thơ Đường trong phong trào Thơ Mới, chiếc cầu nối giữa Thơ Mới và thơ cổ điển.
Nói như Hoài Thanh: “Tình chúng ta đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”, thơ tiền chiến của Quách Tấn cũng viết về đề tài tình bạn nhưng tình bạn ở đây được bộc bạch qua nỗi nhớ hoà trong nỗi đau không kiềm toả:
Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh!
Một giấc trưa nay lại gặp mình.
Nhan sắc châu pha màu phú quý,
Tài ba bút trổ nét tinh anh.
Rượu tàn thu cũ say sưa chuyện,
Hương tạ trời cao bát ngát tình.
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng...
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành.
(Mộng thấy Hàn Mặc Tử, 24/4/1940)
Hàn Mặc Tử tạ thế tháng 11/1940. Lúc này (tháng 4/1940), thi sĩ đã lâm ác bệnh (bệnh phong, một trong tứ chứng nan y). Bài thơ vì vậy là nỗi nhớ bạn trong xa cách, không chỉ là khoảng cách địa lý Nha Trang – Quy Nhơn mà còn là sự cách trở giữa thế giới “đau thương” (tên tập thơ của Hàn Mặc Tử) và thế giới loài người. Khi Hàn Mặc Tử “nước mắt giọng cười chen nhau” trong đau thương quằn quại thì Quách Tấn đồng cảm-đồng điệu với nỗi đau của bạn, khóc cười kinh động cả giấc mộng trưa “Tôi khóc tôi cười vang cả mộng”. Câu đầu tiên từ bảy chữ rút xuống thành một câu lục ngôn, ngắt ra thành hai câu “Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh!” là tiếng kêu thảng thốt cả trong mơ, cả khi giật mình tỉnh giấc.
Với đề tài thiên nhiên, thơ Quách Tấn cũng thường xoay quanh hai mùa đẹp nhất trong năm, cũng là hai mùa gây nhiều cảm hứng cho thi nhân: mùa xuân và mùa thu. Trong thế giới nghệ thuật thơ Quách Tấn, chủ thể trữ tình phần nhiều là lặng lẽ thụ cảm thế giới trong vẻ đẹp mùa thu. Mùa xuân vẫn hiện hữu trong thơ Quách Tấn (Dưới liễu chờ xuân, Đêm mơ, Chiều xuân,…) nhưng nàng xuân không lộ diện xuất thần như nàng thu:
Gầy úa rừng sương đeo giọt sầu,
Đây lòng ta đó một trời thu.
Gió vàng cợt sóng sông châu mặt,
Mây trắng vờn cây núi bạc đầu.
Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đấy,
Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu?
Hỡi người chinh phụ nương rèm liễu
Sùi sụt chi thêm bận vó câu!
(Cảm thu)
Thâu canh tầm tã giọt mưa thu,
Tin tức nàng Trăng những biệt mù!
Chiếc gối lơ làng duyên phấn điệp,
Cung cầm lểnh loảng giọng hà mô.
Thơ dầm mực lạnh thương khôn nén!
Nến xót tình chi lệ chẳng khô?
Nghìn dặm nước mây đêm quạnh quẽ,
Có thuyền ai ghé bến Huỳnh cô?
(Một đêm mưa mùa thu)
Lạnh lẽo sông thu tiễn lá ngàn,
Mây thu vờn vẽ khói trần gian.
Có tơ ai nhớ công tằm khổ!
Không mật đành chê kiếp bướm nhàn!
Gió bấc mỉa mai lòng bạch nhạn,
Bóng chiều ngao ngán phận hồng nhan.
Con thuyền bến lách không tri kỷ,
Để lẻ trong sương mấy điệu đàn.
(Lẻ điệu)
Một thi phẩm nổi tiếng nhất, nhiều độc giả yêu thích và cũng tự hài lòng nhất của thi nhân là bài Đêm thu nghe quạ kêu:
Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...
Bài thơ ra đời nhân dịp tác giả đi bốc thuốc cho mẹ một đêm có trăng và bước chân ông giẫm lên những chiếc mo nang khô gây nên tiếng sột soạt khiến bầy quạ đang ngủ trên cây bỗng giật mình vỗ cánh kêu vang dậy. Bài thơ này tác giả thai nghén một giáp tròn, viết xong trong nửa đêm rồi hai năm sau mới sửa lại.([2])
Một lần, đọc bài Quá trình sáng tác bài thơ Đêm thu nghe quạ kêu của tác giả Đào Văn Khởi([3]), trích dẫn cả thư của Quách Tấn gửi Nguyễn Hiến Lê (viết ngày 4/8/1963) cả bình giải của tác giả Nguyễn Hiến Lê, chúng ta có thể hiểu rõ hơn hoàn cảnh cảm hứng, ý tưởng nằm trong tiềm thức (consent) đến khi bài thơ ra đời, cộng thêm hai năm sửa đổi vài ý thơ, lời thơ, tổng cộng là mười bốn năm (1927 – 1941). Mười hai năm một âm thanh cứ ám ảnh và bài thơ hoàn thành trong một đêm, sau đó có thay đổi hai câu chứ thực tế không phải là sự khổ công “thôi xao từ điệu” vầy vò câu chữ suốt mười bốn năm trường. Lời bình của học giả Nguyễn Hiến Lê rất công tâm:
“Ông nhiều khi “làm thơ rất nhanh”, điều đó tất đúng, có vậy ông mới làm được 1500 bài; vả lại nhà thơ nào khi hứng tới thì cũng như thế cả. Ông không “khổ công phu” như Giả Đảo trong phái quái đản đời Đường, điều này tôi chắc cũng đúng; nhưng bài “Đêm thu…” làm xong rồi, hai năm sau ông mới sửa câu 6 và câu 8 thì ông cũng không khác Giả Đảo mấy. Giả Đảo “Lưỡng cú tam niên đắc” ông thì lưỡng cú nhị niên đắc, và tôi nghĩ viết kỹ thì phải vậy. Ông “không moi óc để tìm điển” mà điển tự nhiên tới. Điều đó cũng dễ hiểu. Điển thường là do một ý, một vần hoặc một vài chữ trong câu trên gợi nên, ít ai vô cớ mà đưa điển vào thơ. “Sự thai nghén có phần lâu” như bài “Đêm thu… ” mất 14 năm. Phải, nhưng chúng ta phải phân biệt tiềm thức ông đã thai nghén chứ ông không suy nghĩ, tìm ý, tìm lời suốt 14 năm. Mà chuyện đó thì rất thường.”
Bài thơ quả có nhiều điển tích cho thấy kiến văn sâu rộng và thiên phú liên tưởng nhạy bén của tác giả. Một đêm cuối thu Đinh Mão (1927), trăng mờ mờ, nhà thơ đi hốt thuốc cho mẹ, đi ngang qua bờ sông An Vinh, bàn chân dẫm lên những mo nang khô làm cho bầy quạ đang ngủ, giật mình chớp cánh bay và kêu inh ỏi. Tiếng kêu thình lình giữa đêm vắng, nghe vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Ba tháng sau thân mẫu nhà thơ mất, tiếng quạ lại xuất hiện thật não nùng. Từ đó tiếng quạ ám ảnh ông. Đến năm Kỷ Mão (1939), tiếng quạ năm xưa tình cờ vụt thức dậy.
Từ tiếng quạ kêu đêm mà liên tưởng đến màu đen (ô), rồi lại liên tưởng đến “Ô Y hạng” (Ngõ Ô Y) là bài thơ của Lưu Vũ Tích. Từ bến đò An Thái bên dòng sông Côn (tỉnh Bình Định, quê hương của nhà thơ) mà liên tưởng bến Phong Kiều trong Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, rồi lại liên tưởng đến sông Xích Bích trong Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha,… Tất cả điển ấy đến trong bài thơ Đêm thu nghe quạ kêu thật tự nhiên để diễn tả tình cảnh đơn chiếc, sầu lẻ của những chinh phụ khi chồng đi chinh chiến (Năm 1941, Việt Nam bị quân Nhật chiếm đóng, nhiều người phải đi lính, những người vợ phải chịu cảnh đơn lẻ).
Văn học lãng mạn là tiếng nói của cái tôi đòi giải phóng, một cái tôi bất hoà với thực tại nhưng không tìm thấy đường hướng nên phải ký thác mơ tưởng, mộng tưởng vào thế giới tưởng tượng: thiên nhiên, tình yêu, tôn giáo,…Thơ Mới, căn cốt là thơ lãng mạn nên chủ yếu là giọng điệu buồn. Nỗi buồn trong Thơ Mới ngoài nỗi sầu thời thế, nỗi sầu thân thế thì nỗi sầu nhân thế chiếm ưu thế. Con người khi đối diện với vũ trụ vô biên thường thấy mình nhỏ bé, lạc lõng từ đó mà nảy sinh nỗi sầu buồn. Thơ cổ điển Quách Tấn cũng vậy. Giọng điệu buồn thương xuyên suốt từ Một tấm lòng sang Mùa cổ điển:
Con thuyền bến lách không tri kỷ,
Để lẻ trong sương mấy điệu đàn.
(Lẻ điệu)
Thân gầy với nguyệt bao phân nữa?
Tóc rụng theo sương mấy lớp rồi!
Dòng cũ Ngân hà sâu bến đợi,
Muốn đem sầu gởi nước trôi xuôi...
(Dưới liễu chờ xuân)
Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ!
Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ!
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ,
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ!
Mưa gió canh dài ngăn lối mộng,
Bèo mây bến cũ quyện lòng tơ...
Hỏi thăm tin tức bao giờ lại?
Con thước qua song lại ỡm ờ!
(Trơ trọi)
Nỗi buồn của cái tôi cô đơn không thể chia sẻ và không người sẻ chia là dấu hiệu nhận diện của của thơ lãng mạn. Thơ Quách Tấn bàng bạc nỗi buồn cô đơn thành thực và mạnh dạn bày tỏ. Tuy nhiên, với bản tính trầm tĩnh và khuôn khổ thơ luật, nên nỗi buồn trong thơ ông chọn cách để tự giải phóng: thông qua tâm cảnh, bằng tâm cảnh. Vì thế, Hoài Thanh đã tinh tế nhận diện thơ Quách Tấn mang hồn Đường chứ không phải hồn Tống: “Tôi lắng lòng tôi để đón một sứ giả đời Đường, đời Tống. Đời Đường có lẽ đúng hơn. Đời Đường mới có cái âm u ấy. Thơ Tống dầu xem được ít, tôi nhớ hình như quang đãng và bình yên, không như thế.”
Năm 1960, Quách Tấn tái bản Mùa cổ điển. Lần tái bản này ngoài thơ từ năm 1941 trở về trước, tác giả còn tinh tuyển thêm một số bài sáng tác từ 1946 đến 1954, làm trong khi tản cư ở quê nhà (tỉnh Bình Định). Ngoài ra, lần tái bản này, nhà thơ lọc hết thơ thất tuyệt và lục bát, chỉ thuần tuý loại thơ thất luật. Tập cũ gồm 39 bài, lần tái bản thành 59 bài. Vẫn là nỗi cô lẻ, cộng chút ngập ngừng như muốn trải lòng, lại thêm nỗi niềm nước non:
Từ phen biển mộng khép trăng song,
Nửa mẫu vườn quê tạm náu lòng.
Đi đứng luống thương đường lối hẹp,
Ăn nằm dám phụ nước non chung.
Mười phương tin tức mây hờ hững,
Ba kiếp văn chương bút ngại ngùng!
Bạn tác ví thương tình gặp gỡ,
Đừng đem mây ráng đọ nghi dung.
(Chút lòng)
Dạy học không xong bị thải hồi,
Nuôi gà thắt gióng kế sinh nhai.
Biết rằng tội ấy rằng công ấy ?
Miễn khỏi cầu ai khỏi lụy ai.
Tình bận nước non canh đỗ vũ,
Đời riêng thơ mộng gác liêu trai.
Mơ màng bốn bể duyên tri ngộ,
Hiu hắt vườn quê một nhánh mai.
(Vườn quê)
Ngay từ tập thơ đầu tay của Quách Tấn – tập Một tấm lòng, thi sĩ Tản Đà đã có nhận xét trong lời tựa: “Thơ ông Quách rất là có công phu, nếu không nhận kỹ chỗ dụng công, thời không thấy bổn sắc của tác giả.” Quách Tấn từng bộc bạch rằng việc làm thơ với ông rất nhanh, dụng điển tuy không ít nhưng là điển tự tìm đến tác giả để “phò tá”, không cần phải cầu kỳ đẽo gọt. Thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét rằng: “Thơ Quách Tấn điêu luyện thì có điêu luyện, nhưng thành thực thì không.” (Nhà văn hiện đại, quyển ba, 1943). Song, về điểm này, Hoài Thanh lại nhận định ngược lại: “Quách Tấn đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn lối chơi chữ nó vẫn là món sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ.”
Công bằng mà nói, chọn thể thơ cổ điển để đứng chân trong phong trào Thơ Mới (thơ hiện đại), Quách Tấn đã chọn một con đường khá gập ghềnh nhưng ngắn gọn để mau chóng đạt tới đích: khẳng định một phong cách thơ, đứng đầu cả một phái thơ trong phong trào Thơ Mới (như J.Leiba, Thái Can, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan, Đông Hồ, Mộng Tuyết,…). Sâu xa, lối thơ hàm súc ấy khắc chế được hạn chế cũng là đặc trưng của thơ lãng mạn. Đó là trong thơ lãng mạn, cảm xúc cứ được thổ lộ tự nhiên, tràn trề, có khi thành sự kể lể. Thơ tượng trưng ra đời cũng chính là để thay thế lối thơ lãng mạn “dễ dãi” (từ dùng của Baudelaire) đó. Vì lẽ đó mà Chế Lan Viên, năm 1941, đã đề tựa cho Mùa cổ điển như tri âm, không, cao hơn tri âm, như lời của một tri kỷ: “Quách Tấn đã đi gần cái thể đọng của thơ thuần tuý (…) Tưởng là khô khan của Cao đạo, nhưng thật ra trong suốt của Tượng trưng. Cũng không đáng lấy làm lạ, khi người ta bước ra từ địa hạt của thơ Đường, nguồn tượng trưng thuần túy nhất.”
Học giả Nguyễn Hiến Lê trong những bức thư cuối cùng gửi thi sĩ Quách Tấn mà nhà văn Quách Giao vừa công bố([4]), có nhiều đoạn nhắc đến công lao của “sứ giả đời Đường”. Chẳng hạn, thư Nguyễn Hiến Lê viết tại Long Xuyên ngày 14/2/1984 có đoạn:
“Tôi nghĩ Nguyễn Thuyên là người đầu tiên làm thơ luật bằng tiếng Việt, mà anh là người cuối cùng làm thơ luật bằng tiếng Việt. Trên năm thế kỷ chưa nhỉ? Sau anh chắc còn vài người nữa dùng thơ luật, nhưng không chuyên, không đáng kể.
Tôi đọc thơ ít, nhưng đoán rằng ở nước mình, từ Nguyễn Thuyên tới nay, anh là nhà thơ luật dùng nhiều điển nhất, vô địch đấy. Giản Chi, Đông Xuyên, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương về điểm đó không bằng 1/10 anh đâu, một phần vì anh làm nhiều nữa.
Như tôi đã có lần thưa, những bài tôi thích là những bài giản dị, tự nhiên mà cảm xúc mạnh. Như bài Về thăm nhà cảm tác, Canh khuya tỉnh giấc, Đá vọng phu, Lữ cảm, Đêm thu nghe quạ kêu, Trời đông, Trơ trọi,...”
Thư đề ngày 22/4/1984 có đoạn: “Anh có công với nó (thơ luật – CDT chú) cũng như Trần Trọng Kim có công với Nho giáo. Và tôi viết cho anh Giản Chi, bảo thơ Nôm luật của mình bắt đầu từ Nguyễn Thuyên, tận cùng với Trường Xuyên.”
Thư ngày 6/7/1984 (viết tại Sài Gòn) Nguyễn Hiến Lê cũng lặp lại công của Quách Tấn với thơ luật: “Anh là người có công cuối cùng với nó.”
Tưởng như thế cũng là quá đủ khi bàn về thơ tiền chiến của thi sĩ Quách Tấn, nhất là vị trí không ai thay thế được ông với vai trò là người bắc cầu cho nguồn thơ cổ điển tiến vào và chiếm lĩnh một khuôn viên xinh xẻo trong vườn Thơ Mới. Nói cách khác, qua thơ Quách Tấn, có thể thấy rõ sức sáng tạo không giới hạn của thơ Việt Nam trên con đường cách tân những truyền thống sẵn có hằng mấy thế kỷ.
*
[1] Tất cả nhận định của Hoài Thanh đều rút từ Một thời đại trong thi ca/ Sách Thi nhân Việt Nam.
[2] Xem http://Thi viện/Quách Tấn – Đêm thu nghe quạ kêu
[3] Xem Đào Văn Khởi, Quá trình sáng tác Đêm thu nghe quạ kêu/ http://www.saimonthidan.com
[4] Quách Giao (sưu tầm và biên soạn), Quách Tấn – buồn vui cuối đời,
NXB Hội Nhà văn, 2022.