Nỗi buồn trong thơ Tạ Ký
Người thích nhạc, mê giọng Ái Vân và Thế Sơn đã từng nghe một điệu buồn quen thuộc:
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu cho say
Buồncho ly rượu đầy
Không còn một người bạn
Buồn như đêm khuya vắng
Qua cửa sổ trông trăng
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng
Buồn như yêu không được
Dù người yêu có thừa
Buồn như mối tình xưa
Chỉ còn dòng lưu bút
Buồn như, buồn như thế
Buồn như một kiếp người
Đây nỗi lòng quạnh quẽ
Buồn như đoá hoa rơi.
Nhà văn Nguyễn Tường Tứ cho biết những vần thơ trên của nhà thơ Tạ Ký và trong một bài giới thiệu "Sầu ở lại" , một tác phẩm của nhà thơ xứ Quảng, Nguyễn Tường Tứ đã viết: Bài thơ 'Buồn như' đã được một nhạc sĩ phổ nhạc với tựa đề là 'Say' do ca sĩ Thế Sơn và Ái Vân hát rất hay. Tiếc thay tác giả phổ nhạc không nói rõ là bài này xuất xứ từ bài 'Buồn như' của Tạ Ký."
Hiện chưa có tác phẩm Sầu ở lại (của Tạ Ký xuất bản năm 1970 tại Sài-gòn) trong tay để xem lại nhưng cứ phong cách và tình điệu của bài thơ thì rõ ràng của Tạ Ký.
Tạ Ký là nhà thơ tài hoa bạc mệnh sinh năm 1929 tại Quế Sơn, Quảng Nam nhưng giấy tờ khai 16-05-1935, còn năm mất chưa rõ lắm.
Có tài liệu ghi rằng ông mất năm 1985, một tài liệu khác lại ghi năm 1979 là năm nhà thơ qua đời tại một tỉnh duyên hải miền Nam khi tham dự một chuyến vượt biển nhưng bị bỏ lại vì thuyền vội ra khơi và bị bắt rồi chết trong tù.
Giả thuyết Tạ Ký qua đời trong khoảng thời gian cuối năm 1979 tới năm đầu thập niên 1980 có thể đúng sự thực vì vào khoảng cuối năm 1979, người viết bài này còn được gặp Tạ Ký khi ông bị gửi về trường Hùng Vương, Q.5, coi học sinh "lao động". Ngày ấy ông cô đơn ngồi châm thuốc lá ngó lũ học trò ngây thơ quét trường hay xúc chai gia công cho một xí nghiệp dược phẩm, và lúc rảnh thì thầm đọc thơ của mình làm trong tù cho một số bạn cũ nghe chơi.
Cuộc đời Tạ Ký thực là kiếp sống của một nhà thơ sinh bất phùng thời, khiông 16 tuổi là lúc xảy ra biến cố lịch sử 1945 và sau này ông đả than thở về một thế hệ hy sinh rất nhiều mà cũng bị ruồng bỏ, quên lãng và bị lọc lừa không kém trong bài Thế hệ Bốn lăm mà chúng tôi đã từng giới thiệu trong mục Gìn vàng giữ ngọc.
Sau năm 1954, ông bỏ dĩ vãng ở Lê Khiết của Khu Năm vào Sài-gòn học lại ờ đại học Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, Sài-gòn và trở thành một giáo sư văn chương tại nhiều trường trung học đô thành. Đầu thập niên 60 ông bị động viên và về dạy Võ Bị Quốc Gia, Đà Lạt. Sau đó ít lâu được biệt phái nhưng 1975 lại nếm mùi cay đắng trong "cơn gió bụi".
Chí không thành, danh không toại, con đường tình ái của Tạ Ký lại buồn nhiều hơn vui với hình ảnh Người đẹp Quán tre, Mỹ nhân rạp Rex, nên ông đã từng tâm sự:
Có người thường hỏi thăm tôi,
Viết trang tình sử tới hồi chót chưa?
Có trăng vàng lọt song thưa,
Có đêm chăn gối nghe mưa ngoài trời?
Thưa rằng: " Không viết nữa rồi,
Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau!"
Bảo rằng không viết nhưng ông vẫn cầm bút và tìm cách quên qua rượu và thuốc lá và trở thành một nhà thơ say và mỗi khi say thường nổi cơn thịnh nộ, 'gây gổ với cuộc đời như gây gổ với người yêu' như một nhà thơ Tây phương từng nói, nen bạn bè còn có nhiều kỷ niệm về ông khi cùng ông thù tạc.
Bài thơ sau đây ghi lại tâm trạng của Tạ Ký về nhiều mặt, nó mang màu sắc buồn sầu của Thơ Mới trong thế hệ trước nhưng bi đát hơn nhiều, thống thiết hơn nhiều:
Thêm buồn
Tôi sẽ chết dễ dàng như đã sống,
Mắt không buồn vì nhắm đến muôn thu.
Con chim nào xanh, giấc mộng nào hư,
Lời bay bướm lặng dần vào dĩ vãng.
Ba mươi đến khỏi lo tiền cơm tháng!
Em mỉm cười, em có hiểu gì đâu!
Tôi từng nghe chó sủa suốt đêm thâu,
Và chim hót suốt mùa đông lạnh lẽo.
Ôi con chim hồng từng bay lạc nẻo,
Đường về trái tim hun hút thời gian.
Thuở xưa kia người ấy đẹp tuyệt trần,
Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc,
Anh đào môi, tóc trường giang quấn riết,
Tháp da ngà chưa một bóng du lang.
Anh đến bên em lời nói ngập ngừng ...
Ốc đảo chập chờn giữa trưa sa mạc,
Gót ngọc quay đi, một trời chết khát!
Thuở xưa kia thời mười tám, hai mươi,
Có chàng trai cười vẫn nở trên môi,
Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất,
Nhân ái, Công bằng, Yêu đương, Bất khuất,
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!
Nay ba mươi biết được chuyện xưa lầm,
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,
Và uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ,
Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội,
Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối,
Chúa thì xa, Phật cao vút từng không.
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng,
Tiếng chuông Cháu không ru hồn kẻ khổ,
(Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ)
Anh đến bên em quỳ gối nguyện cầu,
Em đẹp vô vàn như hạt trân châu,
Ai yêu mến mà không hề nói quá!
Nhưng than ôi! Em không là tượng đá,
Đội thời gian nhìn kẻ thế nhân qua.
Tôi làm thơ để mang tiếng tài hoa,
Mà vần điệu chỉ là châu ngọc hão
Yêu sai lỡ tự mình gây gió bão
Trách vu vơ mà chẳng trách mình ngu,
Thời loạn ly khởi sự tự bao giờ!
Tôi sẽ chết dễ dàng như đã sống,
Đất nghĩa trang có chắc chi còn rộng,
Không biết nằm đầu sẽ hướng phương nao?
Nghĩ thêm buồncho câu chuyện mai sau!
Trong bài Anh cho em mùa xuân, nổi buồn Tạ Ký cụ thể thêm một bước nữa, bên cạnh rượu, mỗi đêm một gói thuốc, đốt cho hết cuộc đời mình và cũng để "chỉ cần một chút lửa thôi là cả nguỵ đồ bốc cháy" vì nỗi buồn làm mái tóc bạc, ăn sâu vào tâm hồn và không thể nói ra lời:
Mỗi đêm một gói thuốc,
Hút nhiều nứt cả môi,
Nỗi buồn không nói được,
Nỗi buồn ăn vào tôi.
Trời mùa đông rừng núi,
Đời mùa đông vô cùng,
Bánh xe nào tung bụi,
Nhịp tim nào đã ngưng.
"Anh cho em mùa xuân"
Giọng ca buồn quá sức!
Cô gái đầu cúi gục:
- Anh cho em mùa xuân
Mớ tóc xanh đã bạc,
Mớ môi hồng đã phai,
Anh cho em gió lạc,
Anh cho em mưa dài!
Trời mùa đông rừng núi,
Đời mùa đông vô cùng!
Hút thuốc trong bóng tối,
Khói có bay lên không?
Sinh thời, Tạ Ký muốn tìm giải thoát cho con tim đa cảm, đa sầu nhưng không chổ phát tiết, cho lý tưởng lỡ làng và cuộc đời dang dở, ông đã hướng tới những đấn thiêng liêng nhưng lại ngờ rằng không được đoái hoài, nay ông đã nắhm mắt chắc hẳn đã tìm được nguồn an ủi mà một kẻ đa tài, đa luỵ và đa khổ như ông từng mong ước:
Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu,
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội,
Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối
Chúa thì xa, Phật cao vút từng không.
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng,
Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ,
(Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ)
Và khi sống, ông cũng như chúng ta đều đặt câu hỏi khi mình nằm xuống không biết đầu sẽ hướng phương nào, nay ông đã tìm được giải đáp chỉ có những người mến tài ông không biết ông nằm ở một nơi nào nơi quê hương mà nhiều kẻ sĩ gắn bó nhưng rồi phải lưu lạc.
( Sưu tầm)
ht sưu tầm