( Trung thần bất sự nhị quân).
Ai công hầu, ai khanh tướng, chốn trần ai ai dễ biết ai?( Ðặng Trần Thường).
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế.( Ngô Thì Nhậm)
( Thành Tây có cảnh Bích câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao.
Ðua chen thu cúc xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
Ngập ngừng lá rụng cành thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều...)
Ðào Nhi ngước mắt nhìn trời. Tiên nữ hồi tưởng một đoạn thơ ngắn tả bài giảng văn miêu tả một cảnh Bích câu thời trước. Bích câu ngày ấy vốn là một cảnh nên thơ hữu cảnh mà lại hữu tình ý thơ lai láng. Thành Tây cảnh trí thiên nhiên bốn mùa nào cũng xum xuê cây cỏ lá hoa, mùa xuân hé nụ hoa đào, mùa thu có hoa cúc trắng, tím vàng, mùa hạ có hoa lựu đỏ, có hoa mai tưng bừng trổ sắc chào đón đông phong từ miền xa thổi tới. Ðàng xa kia là một rừng thông quanh năm suốt tháng ngập xác lá vàng phủ tận gốc,ngập lấp lối đi của bầy mục tử và rêu phong phủ lấp lối mòn của người nhặt củi.
Tiên nữ mang tên Ðào Nhi, ông bà bố mẹ đặt cho cái tên từ thuở oa oa lọt lòng mẹ cất tiếng khóc đầu đời, cho tới giờ đây tiên nữ vẫn còn mang tên ấy. Ðối chiếu, so sánh, cân nhắc cái tên của tiên nữ cùng với một loài hoa, hoa đào, tiên nữ cảm nhận ý nghĩa hoa đào không đến nỗi... tệ.Ngày xửa ngày xưa, lúc tiên nữ Ðào Nhi còn là một cô bé còn để chỏm, ông bà cha mẹ hàng xóm láng giềng đặt cho một cái tên móc nôi Ðào, cái Ðào, con Ðào. Thế cũng xong! Thế cũng còn khá hơn đỡ tệ hơn mấy gia đình hàng xóm mỗi khi cho ra đứa con lọt lòng khoe oe oe là y như rằng cha mẹ đứa hài nhi vội vội vàng vàng gán đặt cho một cái tên, tốt cũng ... tốt mà không tốt cũng chẳng sao như thằng Cứt, thằng Cu, cái Hĩm, cái Sò, cái Ốc, cái Hến, con Tủn, con Ỉa. Mà nói cho cùng, có ma quỷ có ác thần La Sát nào chú tâm để ý tới mấy thằng mấy con mang tên xấu và dơ như hủi? Rồi, khi tới buổi lớn dậy thì, những đứa con trai con gái bắt đầu cảm thấy một tự ti mặc cảm bởi cái tên không lấy gì làm đẹp, mới tìm cách đổi tên. Ðổi họ thì dễ, đổi tên dễ hơn, như thò tay vào lấy vật dụng trong túi. Cứt đổi tên Kiết hay Khiết, Cu thay tên là Cư. Ðào Nhi còn nhớ, mấy phen khoa thi không đỗ, Nguyễn văn Thắng bèn đổi tên là Nguyễn Khuyến, về sau được lưu tên Tam nguyên Yên Ðổ. Trong sinh hoạt chính trị, vô số những kẻ hoạt đầu luôn luôn đổi tên, thậm chí đổi cả họ, như ngày trước khi mẹ đẻ cha sinh, hài nhi mang họ Nguyễn, sau trốn nước ngoài tìm đường cứu khổn phò nguy bèn đổi họ Nguyễn thành họ Lý, họ Hồ. Thật ra thì con thú hay con người, tên chỉ là tạm bợ, đổi thay tên gọi rất dễ, hôm nay con chó gọi là con Cún, con Vện, con Mực, ngày hôm sau Cún, Vện, Mực được đổi tên ( cho nó dễ gọi): con Vàng, con Ðen, con Kina. Một cái tên được đặt cho một cái tên sẽ không còn là một cái tên hằng cửu bất biến, như Lão Tử nói: danh khả danh, phi thường danh.
Ðào nhi lặng lẽ ngước mắt nhìn trời, lặng lẽ phóng tầm mắt nhìn xuống bãi cỏ xanh màu cỏ non; mấy cụm hoa thơm cỏ lạ vẫn tỏa mùi hương thoang thoảng, cúc đào lựu, mai. Tiên nữ chợt tự nêu câu hỏi, một nghi vấn: bây giờ là trời đất không gian thuộc vào mùa gì, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông? Không có câu trả lời, câu giải đáp. Mùa xuân? Ðúng. Mùa hạ? Phải. Mùa thu? Không sai. Mùa đông?- Vâng. Tiên nữ say mê vui chơi hưởng lạc nên quên bẵng tiêu dao ngày tháng, không ý thức thực chất thời gian nữa:
(Năm năm lần lữa vui cười,
Mãi trăng gió chẳng đoái hoài xuân thu).
Ðào nhi cúi nhìn, săm soi vẻ mặt người tiên lung linh dưới đáy mặt hồ như gương, tiên nữ nghĩ bụng: dung nhan vẫn vậy, vẫn yêu kiều diễm lệ, không biết mùi hương xuân sắc đương độ trăng tròn, tóc vẫn đen cặp mi thanh tú vẫn xanh và đôi môi hồng vẫn mọng, Ðào nhi kín đáo bằng lòng nhan sắc của mình. Mặt hồ tĩnh lặng không một bóng chim tăm cá: thế giới hồ ao không dành riêng cho loài chim cá ngoại trừ một nhánh hoa đào lả lơi nghiêng mình trong làn gió thoảng, khiến tiên nữ tưởng tượng mình là hoa đào trong một nhà thơ Thôi Hộ ngày xưa:
( Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong).
Khi sáng tác bài thơ ( Tái đáo Thiên Thai)( Trở lại Thiên Thai), Tào Ðường đã viết hai câu kết như sau:
( Ðào hoa lưu thủy y nhiên tại,
Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.)
Xin tạm dịch:
( Hoa đào, nước chảy còn nguyên đó,
Chẳng thấy người xưa chuốc chén nồng).
Tôi thiết nghĩ:Tái đáo Thiên Thai là cảnh trần gian hay cảnh tiên? Tôi đã thiết nghĩ và xin mạn phép trả lời: Tái đáo Thiên Thai là cảnh tiên. Chương đài là rêu xanh, bạch thạch là đá trắng, đào hoa là hoa đào, lưu thủy là nước chảy đều cảnh tiên cả.
Ðào nhi lên cõi tiên hóa thành tiên nữ không biết từ lúc nào, mà Ðào nhi cũng chẳng biết làm người từ thuở nào. Trong tác phẩm truyện dài Ðôi Bạn của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nhà văn đã viết ( dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh ván cờ thiên cổ(.Phải chăng hai ( ông lão( đã hóa thành tiên từ... từ...( thiên cổ(, từ lúc xa xưa ngàn vạn năm về trước? Tự bản thân, Ðào nhi mờ mờ mịt mịt kiếp làm người của tiên nữ, tiên nữ chỉ biết oe oe khóc mở mắt ngu ngơ chào đời làm một kiếp người, có bao giờ Ðào nhi tự vấn tiền kiếp của mình, ngoại trừ đức Như Lai giác ngộ thấy được tiền kiếp của ngài sau bốn mươi chín ngày khổ tu dưới gốc bồ đề. Tự cõi u u minh minh triền miên bất tận trong thập nhị nhân duyên, con người làm sao thấy được tiền kiếp của mình?
Ðào nhi mỉm cười vơ vẩn một mình khi bất chợt nghĩ tới mối tình lãng mạn và thơ mộng của người con gái mà nội dung bài thơ (Tình tự) của thi sĩ Huy Cận:
(Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ,
Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa.)
(Từ vạn kỷ), chắc đã nhớ từ lâu lắm, từ tiền kiếp, từ chuyển lưu trong kiếp luân hồi, chính Ðào nhi tiên nữ cũng không biết không nhớ tiền kiếp của nàng; Ðào nhi nhận thức ngoại cảnh, nhận thức tri giác như một sự hồi tưởng, một sự nhớ lại. (La perception finit par n'être que une occasion de se souvenir ).Theo trình độ kiến thức hạn chế, Ðào nhi quan niệm sự hồi tưởng chỉ là sống với một thế giới ý niệm( le monde des idées) của Platon tiên sinh ngày trước, và khi nhập định đêm khuya dưới gốc bồ đề, thái tử Tất Ðạt Ða tức bậc Giác Ngộ đã thấy được bao nhiêu tiền kiếp một sự hồi tưởng của Ngài:( La réminiscence de Siddharta finit par n'être que une occasion de se souvenir (.Riêng chúng sinh vốn ô trược u u minh minh không đủ trình độ kiến thức uyên thâm để hồi tưởng, để nhớ lại.)
Ấy là một thảo am, chốn quê mùa thô lậu gọi là một gian nhà cỏ. Nhà có ba gian, mái lợp lá gồi, mười năm một lần thay mái nên nom cũng khá kiên cố. Nền thảo am bằng đất nện nên khí hậu lúc nào cũng mát mẻ thông thoáng. Bên trong được dành cho phòng ngủ, gian giữa được dành cho thư phòng, cổ thư được sắp xếp cao tận mái, không có phòng tiếp khách chỉ hai ghế xích đu bện bằng mây vàng lên nước bóng lưởng ở chốn rừng cao núi cả thâm sơn cùng cốc. Thảo am được đặt tên nghe thoát tục lánh xa trần thế, làm bạn cùng chim muông dã thú gió mát trăng thanh,, sáng sáng chiều chiều ngắm nhìn mây trắng ngập ngừng ôm tận chân núi: Bạch Vân Am. Lúc này và bây giờ hiện ta đang ở đang sống đang vui hưởng cảnh nhàn tại Lĩnh Lại Hải Dương.
Tố Như ngồi trên ghế xích đu bằng mây lên nước tại núi rừng Việt Bắc. Trời đã sáng từ lâu nhưng chẳng thấy bóng người lai vãng ngoại trừ tiếng chim ca ríu rít ngoài nội. Tố Như trầm ngâm đưa tay mân mê vuốt chòm râu bạc, hồi tưởng lại Tố Như thấy mình thấm thoắt đã tuổi năm mươi hai, không may đột tử vì nạn dịch tả trong lúc triều đình nhà Nguyễn chuẩn bị tổ chức lên đường đi sứ Yên Kinh Bắc Quốc làn thứ hai. Lúc sinh tiền, Tố Như có cơ may duyên lành sáng tác tác phẩm chữ Hán là Bắc hành thi tập, Thanh Hiên tiền hậu tập, Long Thành cầm giả ca, Tiểu độc Thanh ký, riêng hai tác phẩm bằng thơ chữ Nôm có giá trị sâu sắc nhất là Truyện Kiều và Văn Tế Thập loại chúng sinh hay Chiêu Hồn ca. Thời còn trẻ, xung lực tràn đầy, lúc triều đại nhà Lê bắt đầu cáo chung, Tố Như liền nghĩ tới đương đầu chống đối nhà Nguyễn Tây Sơn hòng phục thù nhà vua vong quốc Lê Chiêu Thống. Tố Như định chạy theo vua tự quân những tưởng phò giá nhưng không kịp đành phải ở lại nước . Rồi một cuộc tình nẩy nở giữa Nguyễn và nữ sĩ Hồ xuân Hương qua lại tới lui quan hệ dan díu giữa hai người. Cuộc tình ấy được chính thức nhìn nhận hay không, người viết thiết nghĩ, không. Cuộc tình chỉ tạm bợ phù du, không thuận lẽ ông tơ bà Nguyệt, sớm muộn trước sau gì cũng phải tới hồi kết thúc.
Một biến cố, nói đúng hơn một sự kiện lịch sử xảy ra vào thời chúa Nguyễn Phúc Ánh bình định được nhà Tây Sơn. Chuyện xẩy ra vào lúc Ngô thì Nhậm còn gọi Ngô thời Nhiệm và Ðặng Trần Thường, hai nhân vật đồng thời. Ðặng Trần Thường lúc bấy giờ còn hàn vi, riêng Ngô Thì Nhậm thênh thang hoạn lộ vào thời Nguyễn Tây Sơn. Nhậm và Thường vốn chỗ quen biết nên Thường muốn cậy Nhậm tiến cử triều đại Tây Sơn nhưng Nhậm tỏ ra hống hách khinh khi Thường, dùng lời lẽ mạt sát mắng nhiếc thậm tệ. Thường tức giận bỏ theo Nguyễn Vương thề sẽ phục hận người gặp buổi công danh như diều gặp gió, chẳng khác chi Lưu Bình tới thăm bạn cũ Dương Lễ đóng vai bạc nghĩa bạc tình bằng hữu:
(Sai quân hầu sỉ nhục nhuốc nhơ
Dọn lưng cơm với một quả cà,
Ăn chẳng được anh liền phẫn chí).
Cơ hội trả thù nhục xưa đã đến. Ðặng Trần Thường ra làm quan triều nhà Nguyễn, bắt Ngô thì Nhậm ra quỳ trước công đường, Thường ra một câu đối, bảo Nhậm phải đối đáp:
(Ai công hầu, ai khanh tướng, chốn trần ai ai dễ biết ai)
Người viết thiển nghĩ: Ðặng Trần Thường cho ra câu đối hẳn có một hậu ý khá lộ liễu bộc bạch. Ngày trước ngươi ra làm quan cao chức trọng, áo mão xe ngựa xênh xang tiền hô hậu ủng; giờ đây người đời ai biết ai là kẻ chiến thắng, kẻ có thực lực chân tướng.
Kẻ thua cuộc Ngô Thì Nhậm vốn là người ứng đối sở trường không thua Án Tử nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc, ứng khẩu đáp lại rằng:
(Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế).
Hiển nhiên, lời đối đáp của Nhậm có một hậu ý vừa tiềm ẩn kín đáo, vừa minh thị rõ ràng khiến Ðặng Trần Thường tuy hiểu nhưng vẫn chẳng làm gì được: thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thiên thời địa lợi nhân hòa, gặp thời cơ thuận lợi thì cờ ai nấy phất thôi, cơ hội chủ nghĩa mà.
Hồi kết thúc: Thường sai quân sĩ căng nọc Nhậm đánh một trăm roi để trả thù mối nhục ngày trước nhưng Nhậm đã chết trước khi hoàn tất hình phạt.
Trời đột nhiên nổi gió, sương mù bao phủ cảnh vật núi non đồng nội, mới tiết xuân nhưng vẫn còn rất lạnh, rét tháng ba, rét nàng Bân, rét tháng ba bà già chết cóng.
Tố Như chồm khỏi ghế xích đu, xỏ dép bước hai chân xuống nền đất nện, cất bước ngoài thảo am có ý tìm Ðào nhi, tiên nữ lúc ấy đang đứng bên hồ mơ mộng.
- Nương tử ơi, nãy giờ nàng làm gì đó?
Ðào nhi giật mình đánh thót một cái, cố gắng lấy lại hoàn hồn:
- Tướng công làm thiếp giật mình, thiếp đang nhìn ảnh của thiếp dưới đáy hồ xem thiếp thật sự đã già, đã xấu xí đã tàn phai hương sắc chưa.
- Nương tử khỏi cần soi gương, đẹp lắm rồi, vẫn đậm đà hương sắc, vẫn chim sa cá lặn đó mà. Ta muốn uống trà buổi sáng, nương tử cho ta một nhúm trà ( trảm mã) nhé.
- Trà (trảm mã) ư, thưa tướng công, không có đâu, trà đã hết từ lâu không người cung ứng nữa, thời buổi kinh tế suy trầm, thưa tướng công...
- Trảm mã trà hết đã từ lâu, thế trong nhà nương tử còn những loại trà gì? Bạch mao hầu? Thiết quan Âm? Ô Long kỳ chưởng?
- Thưa tướng công trong thảo am chỉ còn độc nhất Bạch mao hầu, Lông khỉ trắng, tướng công chịu khó vui lòng dùng tạm, thiếp sẽ cố gắng pha trà thật ngon thật thơm hầu tướng công.
Ðào nhi chậm rãi uyển chuyển bước vô thảo am nhóm bếp, ngọn lửa cháy bập bùng, tiên nữ sửa soạn ấm chén, chén tống chén quân. Trong khi chờ đợi nước sôi, Tố Như hỏi, cốt để thì giờ trôi nhanh:
- Trảm mã trà là gì, tại sao người ta gọi là trà trảm mã, nương tử biết không?
- Theo chỗ thiếp biết, trà trảm mã chỉ nuôi ngựa trên núi thật cao, thời tiết thật lạnh, quanh năm toàn tuyết đóng băng. Người chăn ngựa chỉ cho ngựa sống toàn trà, suốt đời không phải làm công việc gì, sống bằng trà và chết cũng bằng trà. Mỗi khi cần giết ngựa, mã phu cho ngựa ăn trà, khi chúng no, đao phủ thủ hươi đao chém bay đầu con vật khốn nạn. Mổ bụng dùng dao rạch dạ dày, bên trong thấy trà gần như còn nguyên chưa kịp tiêu hóa, chuyên viên chế biến trà chỉ phải rửa sạch phơi khô ướp hương vị cho đến lúc trà hoàn tất và trà chỉ được cung phụng những bậc vua chúa ở chốn triều đình, trà đó gọi là trà trảm mã, trà chém đầu ngựa, thưa tướng công.
Nguyễn tấm tắc khen người đẹp:
- Khá lắm! Ngày trước ta phụng mệnh đi sứ nước Tàu sang Yên Kinh, lần đầu tiên ta được dự yến, lần đầu tiên ta được một ly trà trảm mã và một ly ngự tửu, thật khó mà thưởng thức được lần thứ hai.
- Nước trên bếp sôi, Ðào nhi
chế nước sôi trong ấm vào bình trà, hơi nóng ngào ngạt tỏa lên miệng bình nghe thơm phức, không khí thảo am giờ này bắt đầu ấm lại. Tố Như nhắc lại việc chuẩn bị chuyến sang sứ lần thư hai bên Tàu nhưng việc không thành.
- Lần thứ hai ta không thể qua Thiên triều được vì ta bị dịch tả mà mạng vong, lúc ấy ta mới năm mươi hai, thọ thì chưa được thọ chỉ đáng được hưởng dương. Lúc sinh tiền, ta cũng sáng tác một số công trình tác phẩm, nội dung chủ yếu thiên về Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo. Nhờ đấng Hóa công thương xót, ta được hóa thành kiếp tiên. Ta quyết định chọn đất Hải Dương dựng một thảo am làm thường trú, cho một tiên nữ rất mực khả ái Ðào nhi trong cuộc sống phù du đơn độc lấy đó làm niềm vui đôi lứa.
Sau ngày dẹp tan chế độ nhà Nguyễn Tây Sơn, vua Gia Long lên ngôi tìm lại những quan chức từng phục vụ nhà Lê ra tái thu dụng được ra làm quan trở lại, trong đó có tộc Nguyễn bản thân ta. Mấy lần ta đã từ chối bởi ngày trước ta đã từng nổi lên chiêu binh mãi mã chống lại Tây Sơn hòng phục hồi Lê triều ngày trước, nhưng hỡi ôi, lực bất tòng tâm, kết quả chẳng nên cơm cháo gì, ta đã bị nhà Tây Sơn tóm bắt, mãi gần hai tháng mới được thả cho về vườn vui thú điền viên rửa tay gác kiếm. Gia Long kêu gọi ta đến lần thứ ba ra phục vụ đất nước, biết người có chút tài vặt lại khẩn khoản triệu vời, ta không thể chối từ được nữa đành phải xuất chính ra làm tri huyện, rồi tri phủ Thường Tín, rồi phụng mệnh làm phó sứ triều yết thiên tử nước Tàu, công danh thăng tiến vùn vụt ( đường mây rộng thênh thênh cử bộ. Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như).Ba trăm năm lẽ đời sau, ai người nhỏ lệ khóc sầu Tố Như. Trung thần bất sự nhị quân. Tôi trung không thờ hai chúa. Ta đã phò vua Lê Chiêu Thống trung hưng khôi phục nhà Lê, nhưng giờ đây lại hợp tác với triều Nguyễn, thời nào Nho giáo cửa Khổng sân Trình có thể chấp nhận dễ dàng một nhân sinh quan cơ hội như thế? Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế. Có thể thấu hiểu và thông cảm hoàn cảnh và thời thế của Thì Nhậm lúc bấy giờ. Ði với bụt mặc cà sa, đi với ma, mặc áo giấy. Gặp đàn sói phải gào với sói. Kẻ hàng thần có thể gởi gấm tâm sự nỗi niềm của người anh hùng rủi thất thế lỡ bước sa cơ Từ Hải. Ngay từ lúc ban đầu Từ đã nhất định cương quyết không đầu hàng qui phục bởi
( Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu)
Rõ ràng là một cái nhục, nhưng rốt cục
( Thế công Từ mới đổi sang thế hàng) để đẹp lòng người tri âm tri kỷ: Thúy Kiều.
( Những kẻ thờ vua ấy thức thời.
Giờ này Thì Nhậm đã vui chơi.
Tôi trung có thể thờ hai chúa?
Biết trước thời cơ sống với đời).
Nãy giờ Ðào nhi ngồi yên trên ghế xích đu, nhâm nhi chung trà chừ đã cạn, lúc này tiên nữ cất tiếng thỏ thẻ:
- Xin phép tướng công, tướng công có thể cùng thiếp chơi một ván cờ khuây khỏa được không, thưa tướng công? Từ nãy đến giờ, thiếp thấy dung mạo hình sắc của tướng công có vẻ không vui.
Nguyễn vội vã tìm cách chống chế thanh minh:
- Ðâu có, nương tử trông gà hóa cuốc rồi, ta vẫn ngồi uống trà buổi sáng thường ngày đãy chứ. Ðánh cờ thì hiện giờ ta không thích, hẹn một lần khác, lần này thì ta thua một ván, nhé.
- Thiếp không dám, thiếp chỉ ngại tướng công buồn thôi. Từ nãy, thiếp vẫn kín đáo theo sát hành tung ý nghĩ tâm tư của tướng công, thiếp biết mà chẳng làm gì được. Nhờ thiên cơ, thiếp biết được những hành vi tướng công đã làm, đang làm và sẽ làm, nhưng thưa tướng công, tiên tri nhi bất khả lậu, biết trước mà chẳng có thể tiết lộ, tương tự những hồn ma những hồn người chết trong lúc cầu cơ hiện về.
Thiếp mạn phép được hỏi tướng công một câu hỏi lúc tướng công còn sinh tiền còn làm quan dưới bệ triều nghi, ngày ấy thời buổi ấy tướng công đã làm gì, đã đóng góp dâng tâu những gì cùng với sơn hà đất nước, thưa tướng công?
- Trầm ngâm trong phút chốc, Tố Như phân trần, lời hơn lẽ thiệt:
- Nói ra xấu hổ, ta chẳng có một lời khuyên lời tâu cùng thiên tử gì ráo trọi. Suốt mấy năm trường, khi nghe những lời thánh chỉ, ta chỉ biết cung cúc nghe lời vâng vâng dạ dạ, không dám có ý kiến gì, đúng thì bẩm, tâu, không đúng thì mũ ni che tai, ù ù cạc cạc, sớm vác lọng đi, trưa vác ô dù về, ta vì nương tử mà tâm sự (đồng thị thiên nhai luân lạc khách), một khi đã làm thân phận ( bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra đâu ) rồi. Chính vì vậy mà vua Minh Mệnh hơn một lần đã trách quở ta:( Sao khanh chẳng chịu nói năng bàn bạc gì cả vậy? Một vị quan giỏi không phải là người ít nói thận trọng như vậy đâu. Hễ biết việc gì đáng nói thì phải nói ra để làm sáng tỏ cái chức trách của mình, chớ lẽ đâu lại rụt rè sợ hãi như thế) ( Ý nhà vua muốn nói )người quân tử phải biết tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện?( Nhưng rồi ta vẫn bế ngôn, ngậm câm miệng hến, thầm nhủ lấy im lặng làm triết lý mưu sinh (dĩ bất ngôn phương), dùng chẳng nói làm phương kế sống còn.
Từ lúc còn sinh tiền, bàn mưu tính kế chiêu binh mãi mã mưu đồ chống Tây Sơn, nhưng hỡi ôi triều Tây Sơn bạo phát bạo tàn, Tố Như tuy ra làm quan nhưng vẫn một long canh cánh nhớ triều Lê thời buổi hoàng kim. Lịch sử đã lặng lẽ trôi vào quá khứ, sách vở chỉ ghi chép lại giờ ngày tháng năm của biên niên sử; Thăng Long giờ này đã thành hoang phế, dấu tích ngựa xe dập dìu chỉ còn dàu dàu ngọn cỏ tiết thu vô thường, thành quách lâu đài một thời vua chúa giờ đây chỉ còn nắng quái chiều hôm. Sử học dạy Tố Như một bài học đáng giá ý nghĩa sâu xa thâm thúy: lịch sử là chứng nhân một cuộc dâu bể vô thường nói theo duy vật biện chứng và theo duy vật lịch sử hay duy vật sử quan của Marx, nói theo duy tâm biện chứng và duy tâm lịch sử theo triết thuyết Hegel. Lịch sử còn dạy ta một đức tính: bài học về đức khiêm cung. Dù cho thiên hạ có mưu đồ tranh bá đồ vương xây mộng bình thiên hạ như Tần Thỉ Hoàng, Hốt tất Liệt, Thành Cát Tư Hãn, rốt cục cũng chỉ nằm yên trở về cùng cát bụi, làm cho lắm, tắm vẫn ở truồng.
Tố Như mang đôi dép cỏ, cất bước ra cửa bên ngoài thảo am. Ðào nhi đã đi tự lúc nào, đợi mãi thấy Tố Như tịnh khẩu chẳng nói năng gì nên người tiên cũng nản. Mối tình nam nữ thần tiên xưa nay ngàn đời vẫn thế, sẵn sàng mời mọc dâng hiến nhưng cũng rất sẵn sàng xa cách dửng dung. Post coitum alle animal triste. Tố Như ngước mắt nhìn xa lên không trung rồi đọng lại nhìn gần trên khóm hoa đào, tiết trời rét đậm nhưng hoa đào vẫn đơm bông hàm tiếu:
( Năm nay đào lại nở,
Chẳng thấy bóng người xưa.
Thăng Long Hà Nội cũ
Chiêm bao khách gọi đò).
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, lần lượt tháng ngày tiếp nối, hơn sáu mươi năm tưởng thế mà lâu, hóa ra như bóng câu qua cửa. Cuộc chiến nồi da nấu thịt đã tàn, bom đạn can qua chấm dứt. Ba thế hệ lần lượt tiếp nối theo đuôi hàng hàng lớp lớp. Thế hệ đầu tiên, thế hệ thứ nhất đã tàn, trở về cát bụi, nếu còn thoi thóp chỉ biết ngậm miệng làm thinh. Thế hệ thứ hai, tiếp theo thế hệ đầu tiên đến tuổi đã lớn trưởng thành, thành nhơn chi mỹ, xấp xỉ ngũ tuần, ( ngũ thập, tri thiên mệnh(.Thế hệ thứ ba đang tuổi lớn, cũng đang xấp xỉ ngấp nghé ( tam thập nhi lập(, tuổi còn tương đối nhỏ, chỉ biết vui chơi cặp sách đến trường. Thế hệ một, hai, ba gần như không biết gì về quá khứ, về lịch sử. Lịch sử nghe xa lạ như nghe về truyện huyền thoại như Thục Phán, Triệu Vũ Vương, Mỵ Ê, Nguyễn phúc Khoát, Ngô thời Nhiệm, Lý Thủy, Tôn Trung Sơn. Ðọc sách tham khảo tại thư viện Merlington, thế hệ thứ ba có nghe qua Lý Thủy đầu cơ chính trị bán thánh buôn thần nhưng thế hệ thứ ba không để ý, nghe qua rồi bỏ ngoài tai. Chuyện Ngô Thời Nhiệm thế hệ thứ ba nghe tựa nước đổ đầu vịt, chuyện tiếu lâm, chuyện ngày xửa ngày xưa có thể sánh như một dật sử, gặp thời cuộc phải biết sang suốt thức thời đợi cờ hãy phất, bỏ qua cơ hội rất uổng, làm chính trị chính em phải biết hoạt đầu mưu mẹo láu cá, khôn vặt. Ðã bảo la phin justifie les moyens , cứu cánh biện minh phương tiện mà lại. Tố Như trở thành đầu óc u mê lạc hậu ngẩn ngơ như kẻ lạc đường, thiên hạ tấp nập theo đuôi Ngô Thời Nhiệm tân thời cố đuổi kịp theo đợt sống mới.
( Năm tháng vô hình chồng chất
Mình ta cách trở muôn trùng.
Quá khứ hoang tàn đổ nát,
Vật vờ tuyệt lộ mê cung.
Nhắm mắt theo dòng lịch sử,
Trận đồ bát quái đông tây.
Mở mắt thấy toàn đao phủ,
Ngược dòng ắt chẳng toàn thây.
Kẻ đứng bên lề lịch sử
Làm người lữ khách dừng chân.
Mặt ngựa đầu trâu chụp mũ:
Mày thằng phản động lưng chừng.
Tiềm thức chiêm bao dỗ ngủ,
Thấy mình Phạm Thái Quỳnh Như,
Dung dẻ vào hang tiền sử
Chụm đầu viết bạt cổ thư.
Mấy triệu nghìn sau có Lão
Ðầu thai soạn Ðạo Ðức kinh:
Ðạo khả đạo phi thường đạo,
Danh khả danh phi thường danh.
Gã Phạm bút vung ào ạt,
Nàng Trương cầm chịch cổ thư.
Ác đấu khủng long hổ cáp;
Ngoài hang bằn bặt trăng hư)
Võ Doãn Nhẫn