Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Người làm việc nước
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương) * đăng lúc 03:22:42 AM, Dec 08, 2017 * Số lần xem: 1422
Hình ảnh
#1

 


Người làm việc nước

 

       Tôi biết  khoản năm quân Nhật tới đóng ở Đông Dương, năm 1941 hay 1942, tôi không rõ.

 

            Sự xuất hiện của người Nhật thời bấy giờ - sau cuộc chiến tranh ở eo biển Đối Mã năm 1905 là lần thứ nhứt - làm cho người Việt “thức tỉnh” hai lần, nhất là lần thứ hai nầy, quân đội Nhật đến tận nước ta, chủ trương “Đại Đông Á”, “Châu Á của người Á châu”… Trong khi đó, Tây đầu hàng Đức ở mẫu quốc, Tây ở Đông Dương yếu thế, lo sợ, Nhật yêu cầu gì phải làm theo nấy, như tay sai…

 

            Nói chung, trước tình hình thế giới đang có chiến tranh, thế lực thực dân Pháp hèn kém đi, nên các “đảng phái cách mạng” hoạt động mạnh hơn. Tây khủng bố cũng dữ dằn hơn, nhiều người bị Mật thám Tây bắt bỏ tù, tra khảo, đưa đi đày, v,v… Người “dân Quảng trị tôi” biết tới “nhà tù Lao Bảo” nhiều hơn. Không ít người trong số nầy là các “thầy trợ giáo” đồng nghiệp với “cậu” (tức là thân phụ) tôi, và một số người ở làng ngoại tôi, bà con xa hoặc gần.

 

            Người ta gọi những người nầy là “người làm cách mạng”, là “người làm việc nước”, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào: Cộng Sản, Đại Việt Quốc Dân Đảng, hay Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tôi không nghe nói về các đảng phái khác…

 

            Theo cách nhìn của cậu tôi, các bạn của ông hay bà con xa gần mà tôi biết, những người bị bắt, bị tù vì tội chống Tây là những người rất đáng kính trọng, đáng “sợ” nữa, nhất là những “người Cộng Sản”. Họ rất gan lì, không sợ, không khai khi bị Mật thám Tây tra khảo.

 

            Sau khi “Nhật đảo chánh Pháp”, Sở Học Chánh, “cơ quan” cậu tôi làm việc, dời vào trụ sở Sở Mật Thám Tây cũ, trong cổ thành, đã bị Nhật giải tán - vì cơ sở của Sở học Chánh đã bị Nhật chiếm làm nơi đóng quân - tôi được cậu tôi dẫn vào sở Mật Thám cũ, nhân khi cậu tôi vào đó lo việc chuẩn bị dời cơ quan -

 

            Lang thang qua những dãy phòng phía sau trụ sở nầy, tôi thấy nhiều dụng cụ của Mật Thám Tây còn để lại: Những sợi giây dừa to, một đầu cột lên sà nhà - có phải để treo ngược tù nhân lên đó, sau nầy người ta gọi là “đi tàu bay” - một bể nước, không phải để tắm - cũng sau nầy, người ta gọi là “đi tàu lặn”, nhiều hộp kính thủy tinh có hình người in vào đó, bằng một lớp cao-su mỏng. Đó là “phim” chụp hình tù nhân vì hồi đó chưa có phim nhựa như sau nầy. Tàn tích về sự độc ác của thực dân Pháp đấy.

 

            Dĩ nhiên, những “người làm việc nước” hay những “người làm cách mạng” khi bị mật thám bắt, đều bị cho đi tàu bay, tàu lặn, đủ cả, chưa kể những đòn đánh bằng dùi cui, bằng gậy, roi mây, roi “cặc bò”, v.v… Tôi không rõ hồi đó tù có bị đánh “đòn hội chợ hay đánh hội đồng” như sau nầy, bọn Công An ở trại tù cải tạo Z30A (tỉnh Long Khánh cũ) đánh bọn “tù Cải tạo” chúng tôi.

 

            Dĩ nhiên, xin nói lại một lần nữa, người ta thương và kính những “người làm việc nước” những người “làm cách mạng” nầy, trong Nam cũng như ngoài Bắc.

 

            Người làm việc nước không phải là những người làm quan trong chế độ quân chủ, hồi xưa kia cũng như ở triều đình Huế sau nầy, khi triều đình Huế trở thành bù nhìn cho Tây.

 

            Không ai gọi những người làm thượng thư, hồng lô, hàn lâm… ở tại triều đình hay tổng đốc, tuần vũ, án sát… tri phủ, tri huyện ở đia phương là người làm việc nước. Họ là người làm quan. Người dân nói là “bẩm quan”, “thưa quan” không ai nói là bẩm “người làm việc nước” hay thưa “ông quan cách mạng”. “Quan cách mạng” chỉ là danh từ mới nảy sinh sau nầy, khi Cộng Sản đã nắm chính quyền. Người dân còn “thưa Đội”, “thưa ông Đội”, “Chị Đội” trong “Cải Cách Ruộng Đất”. Đội đây là “đội cải cách ruộng đất” hoạt động ở mỗi làng.

 

            Như vậy thì các ông Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, Thái Văn Toản, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả, Ngô Dình Khôi, Ngô Đình Diệm… trên danh nghĩa, đều là những ông quan, cũng không thể là “ông quan cách mạng”.

 

            Một số người không chịu làm quan với triều đình Huế, có lẽ đồng ý với câu nói sau đây của cụ Phan Bội Châu: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ.” (Quan trường là nô lệ, trong cái nô lệ, nên nô lệ hơn). Ai chịu làm nô lệ mới chịu ra làm quan.  

 

            Vào thời kỳ các ông quan nói trên đang cầm quyền, thì ai

“làm cách mạng”?

 

            Bấy giờ, ở Huế và miền Trung, cũng có nhiều người thi đổ phó bảng, tiến sĩ, cử nhơn… nhưng không chịu ra làm quan, mặc dù trên nguyên tắc, ai thi đổ đều được bổ ra làm quan cả. Đọc “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố, độc giả thấy điều đó. Về việc nầy, cụ Phan Bội Châu cũng có lần nhắc lại câu thơ của Viên Mai:

 

 

                        Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
                        Lập thân tối hạ thị văn chương

                        (Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc,
                        Lập thân thấp (hèn) nhất ấy văn chương)

 

            “Lập thân tối hạ thị văn chương”. “Văn chương”, theo nghĩa thời bấy giờ, sĩ tử đi thi phải làm văn, thơ, chiếu, biểu… nên nó có nghĩa là con đường thi cử. Dùng thi cử mà “lập thân” là “hèn hạ”. Cụ Phan gọi là “tối hạ”.

 

 

            Những người thỉ đổ nhưng không ra làm quan, ở Huế hồi ấy, cũng khá đông: Cụ Võ Bá Hạp, cụ Ngô Đức Kế, cụ Huỳnh Thúc Kháng… Một số quan lại khác, sau khi hiệp ước 1885, Pháp cai trị nước ta thì họ xin cáo quan, về hưu. Họ “không muốn làm quan với Tây”

 

            Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng năm Tân Sửu (1901), nhưng không ra làm quan - như tinh thần giới sĩ phu thời bấy giờ - nhưng đến năm 1905, ông đổi tên là Huy (Nguyễn Sinh Huy) và xin triều đình bổ làm quan. Ông được chức “Thừa biện bộ Lễ”, sau được bổ đi tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định…

 

            Cụ Phan Chu Trinh đổ phó bảng cùng khoa với Nguyễn Sinh Sắc, làm quan được một năm thì lại “đi làm cách mạng”

 

            Khi cụ Phan Chu Trinh đậu phó bảng thì cụ Phan Bội Châu đậu giải nguyên ở trường Nghệ (đậu đầu cử nhơn). Sau đó cụ xin “vào Giám” (vào học Quốc Tử Giám) ở Huế, mục đích để tìm “đồng chí” chống Pháp. Nhưng Huế bây giờ rặt một lũ phản bội, bỏ vua “theo Tây” để kiếm bã vinh hóa. Trong bài thơ “Vào Thành” (thành Huế) cụ mô tả Huế như sau:

 

 

                                    Vào thành ra cửa Ðông
                                    Xe ngựa chạy tứ tung
                                    Vào thành ra cửa Tây
                                    Sa gấm rực như mây

                                    Vào thành ra cửa Nam
                                    Áo mũ đỏ pha chàm
                                    Vào thành ra cửa Bắc
                                    Mưa gió đen hơn mực

                                    Dạo khắp trong với ngoài
                                    Ðàn địch vang tai trời
                                    Ðau lòng có một người!
                                    Hỏi ai? Ai biết ai?

 

 

            Sau phong trào Duy Tân với các cụ Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, Nguyễn Thành… tình hình cách mạng Việt Nam chuyển sang một hướng mới với các đảng phái cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Cộng Sản… Tuy nhiên, thay vì chống Tây giành độc lập thì họ chống nhau và… giết nhau. Độc giả ai đã đọc “Dòng sông Thanh Thủy” của Nhất Linh tức biết chuyện nầy. Tới năm 1945 thì họ giết nhau “tận tình” hơn, trong Nam cũng như ngoài Bắc. Cuốn tiểu thuyết “Tương Tàn” của Nhị Lang cũng bàn tới vấn nạn nầy…

 

            Trước 1945, những người không hoạt động trong các đảng phái, hoặc “độc lập”, hoặc đảng không lớn (ít đảng viên) được dân chúng tôn kính vì phần đông họ là người “yêu nước”, làm “cách mạng”, “làm việc nước” cả. Những chữ tôi vừa viết trong ngoặc kép là danh từ hồi đó người dân thường dùng. Các nhân vật nổi tiếng thường ở trong nhiều lãnh vực khác nhau: quan trường thì có “chí sĩ” Ngô Đình Diệm, cụ Trần Trọng Kim (nhà giáo), đức Thầy Huỳnh Phú Sổ (tôn giáo), Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… (trong giới nhà văn), Trương Tử Anh, Lý Đông A (đảng phái cách mạng). Tôi không nói trới ông Hồ Chí Minh bởi vì khi ông ấy về Hà Nội, đọc tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, rất đông dân chúng không biết ông là ai. Về sau, dân chúng biết ông nhiều là vì… Cộng Sản tuyên truyền.

 

            Tại sao ở đây lại có “Chí sĩ Ngô Đình Diệm”?

            Trước hết, ông Diệm có cái “hào quang” “Đày vua không khả” của ông Ngô Đình Khả. Ông cũng được cái tiếng “từ quan” vì chống Tây. Kỳ Ngoại hầu Cường Để sang Nhựt từ năm 1906, là linh hồn của “Phong trào Đông Du”. Phong trào nầy dần dần yếu đi vì sự phản bội của Nhựt, cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải rồi bị giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Trong tình hình cách mạng suy thoái đó, qua mối liên hệ tay ba: Cường Để, Phân Bội Châu, Ngô Đình Diệm, Kỳ Ngoại hầu đã chọn ông Ngô Đình Diệm làm đại diện cho ông ở Việt Nam, bấy giờ ông Diệm đã “từ quan”. Hai tiếng “chí sĩ” mà người Huế trước 1955 thường dùng để gọi ông Ngô Đình Diệm là từ Cụ Phan ở Bến Ngự, chớ không phải từ những người theo “phò” ông Diệm như một số người viết đã hiểu lầm. Người Huế chỉ “chán” ông Diệm sau khi ông làm tổng thống và để cho anh em nhà ông làm nhiều việc tai tiếng. Thực ra, những người “hại” ông Diệm chính là anh em ông như giám mục Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân, bà cả Lễ…

 

            Nhìn chung, những người “làm cách mạng”, “làm việc nước” là những người có tâm huyết, có lý tưởng, yêu đất nước, yêu dân tộc và không tham quyền cố vị. Có thể gọi họ là những “người quân tử” theo cách nhìn của người xưa, theo văn hóa Tầu.

 

            Được thì họ tiếp tục làm quan, phục vụ vua - tức là phục vụ đất nước, dân tộc - “Trung quân ái quốc”. Không được thì “cáo quan” xin về dạy học trò. “Tiến vi quan, thối vi sư” là cách hành xử của người xưa.

 

            Ông Chu Văn An (Chu An), sinh năm 1292, mất năm 1370, làm quan đời nhà Trần. Khi vua Trần Dụ Tông đang ở ngôi, thế nước suy vi, vua quan ăn chơi sa đọa, ông dâng sớ - sử gọi là “Thất trảm sớ” - xin chém đầu 7 nịnh thần để cứu nước. Vua không nghe, ông bèn xin từ quan về nhà dạy học.

 

            Vào thế kỷ XV, nhà sử học Lê Tung viết “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỉ thần”. Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868), làm  quan đời nhà Nguyễn, đánh giá “Thất trảm sớ” là “Thất trảm vô vi tồn quốc luận, Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, nghĩa : Sớ Thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận. Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng). (1)

 

            Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), năm 44 tuổi thi đỗ Giải Nguyên đời nhà Mạc (1527-1592) giữ chức Ðông Các Ðại Học Sĩ; được 8 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần, không được vua nghe nên xin cáo quan năm 1542 về ở tại Bạch Vân Am,ng hiệu Bạch Vân Cư Sĩ, mở trường dạy học cạnh sông Hàn Giang, còn có tên Tuyết Giang nên học trò gọi ông “Tuyết giang Phu tử

 

            Thời đại chúng ta, ai có tinh thần sĩ phu như người xưa?

 

            Vẫn có đấy chứ! Dân tộc nào không có kẻ xấu người tốt, chỉ là nhiều ít tùy theo vận nước mà thôi.

 

            Cách đây không lâu, trong một cuộc phỏng vấn của KTG Nguyễn Xuân Nghĩa với ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH tại Mỹ trước 1945, vì là chỗ bà con - phu nhân cụ Trần Trọng Kim là em gái cụ Bùi Kỹ, là thân phụ ông Bùi Diễm; vả bấy giờ - khi Việt Minh nổi lên “cướp chính quyền”, ông Bùi Diễm đang ở Huế, cụ Trần Trọng Kim có “than phiền” Việt Minh - có nghĩa là “Việt Minh Cộng Sản”, đại khái: “Có gì mà phải “cướp chính quyền”. Nếu Việt Minh được dân chúng và quốc tế ủng hộ, cụ Trần Trọng Kim sẵn sàng giao chính quyền cho.

 

            Câu nói cho người ta thấy cụ Trần Trọng Kim không phải là người “tham quyền cố vị”, không tranh giành quyền lực. Thái độ ấy, khác gì ông Chu Văn An hoặc cụ Trạng Trình ngày xưa.

 

            Người ta cũng thấy thái độ cao cả ấy ở cụ Trần Văn Hương trước ngày 30 tháng Tư/ 1975. Nếu ông đại tướng Dương Văn Minh làm tổng thống mà cứu được miền Nam, thì cụ Hương sẽ trao chức tổng thống cho đại tướng Minh, trao một cách trịnh trọng, nghiêm chỉnh, bởi vì “Cái chức tổng thống đâu phải là cái “mùi xoa” trong túi mà muốn đưa cho ai thì đưa.”

 

            Đất nước chúng ta, trong tình hình từ 1945 tới giờ, cần những người làm cách mạng thực sự - thực tế người quân tử có thích ứng với thời thế hay không? Cách mạng thực sự, chớ không phải là “cách mạng Cộng Sản” như người Cộng Sản thường tự xưng là làm cách mạng. “Cách mạng cần cái nầy”, “Cách mạng muốn cái kia”, “Cách mạng làm cái nọ”. Đó chỉ là cái vỏ che đậy hành vi cướp bóc của những người làm chính trị Cộng Sản.

 

            Vốn dĩ, người dân không ưa hoặc ghét những người làm chính trị, nhất là người làm chính trị Cộng Sản. Người làm chính trị Cộng Sản tệ hơn những người “làm quan” thời đại quân chủ chuyên chế.

 

            Xưa, vua còn có nhiều bậc “minh quân”, quan có lắm người “thanh liêm”. Các lãnh tụ Việt Cộng có ai “minh”? mặc dù ông Hồ Chí Minh tự xưng ông là “minh”. Hàng ngũ cán bộ Việt Cộng có ai thanh liêm như các quan thời xưa?

 

            Người làm chính trị, dù bất cứ ở xứ nào trên thế giới, là người nói một đường làm một nẻo, là người nói đen là trắng, nói trắng là đen, sấp ngữa bàn tay không lường trước được, nhất là ở những nước độc tài chuyên chế như ở nước ta hiện nay.

 

            Dân tộc chúng ta đang hồi khốn khổ, đất nước chúng ta đang hồi nghiêng ngã, biết khi nào còn, biết khi nào mất. Người Việt Nam cần gì?

 

            Dân tộc chúng ta - nói cho thật đúng - là cần những cuộc cách mạng chân chính, những người “làm việc nước” vì dân vì nước, là những người làm cách mạng thực sự.

 

            Việc ấy khó như… mò kim đáy biển!     

 

hoànglonghải

 

           

 

 

 

 


Theo cuốn “Vương triều sụp đổ”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, như sau:

1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.

2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị.

Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.

4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.

5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

Lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

Vì vậy thầy giáo Chu Văn An sau khi vạch tôi đã viết, “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác”.


hoàng long hải

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.