*
LÊ MẠNH THÁT & THÍCH TUỆ SỸ

              HAI VỊ THIỀN SƯ

Phạm Công Thiện

 

thich tue sy
Tuệ Sỹ (Ảnh: Hạnh Viên)

Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943).

Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc và lại cũng là Anh Hùng Dân Tộc của Lịch Sử Việt nam hiện đại. Tại sao “gọi là Anh Hùng Dân Tộc” thì rất dễ nhận thấy (mà cụ thể nhất là cái án tử hình về tội “phản cách mạngbạo động vũ khí lật đổ chế độ”, vân vân).

Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là “hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay”? “Thiền sư” à? Chỉ nội cái danh hiệu “thiền sư” đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như “lỗi lạc nhất, thông minh nhất..”? Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọngsuy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị.

Tại sao là “thiền sư”? Và “thiền sư”: Là thế nào? Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáotâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất thường trên. Chỉ có những kẻ bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi là “Bồ Đề tâm” hay “Phát Bồ Đề Tâm” thì may ra mới trực nhận đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của “nghịch hành thiền”.

Mấy chữ “thiền sư” đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ “kiêu ngạo khác thường” một chút là có những hành động cử chỉ “ngược đời trái đạo” một chút thì tự gán hay bị gán là “thiền sư’.

Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời “thiền sư” và cũng không bao giờ nghĩ mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ “hạ mình” với ý đồ kín đáo chà đạp lên trên kẻ khác.

Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên và một cách “vô công dụng hạnh” từ đời sống thường nhật và tinh thần “diệu nhập” của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là “thiền sư” với tất cả đắn đo thận trọng và với tất cả ý nghĩa cao đẹp và “như thực” của một danh xưng “xung thiên chí”…

Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi Hòa Thượng Trí Thủ (người đã bị Cộng sản Hà Nội thủ tiêu ngay lập tức sau khi Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt giam vào ngày 1 tháng 4 năm 1984, vì “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”).

Đối với tôi, từ lúc nào cho đến lúc nào thì Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát cũng như và hơn cả “những đứa em ruột thịt” (mang vị thế “đàn anh” thì chỉ thực sự là “anh” khi mình có đủ sức mạnh và sở kiến xô đẩy cho những đứa em vượt xa hơn mình, và sự thực hiện nay là Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã vượt xa hẳn tôi đến nghìn trùng biên tế trong việc cưu mang trọn vẹn Tính Mệnh Việt Namhậu quả bi đát là cái án tử hình do Hà Nội tàn nhẫn thực hiện bao nhiêu lần đối với bao nhiêu bộ óc siêu việt và bao nhiêu Anh hùng Liệt sĩ bất khuất của Dân Tộc.)

Cả ba anh em đều lớn lên, trưởng thành và làm việc với Viện Đại Học Vạn Hạnhchúng tôi coi như mái nhà gia đình trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng; chúng tôi đều là thành phần chính yếu nhất của Ban Biên Tập Tạp chí Tư Tưởng do tôi chủ trương thành lập, cùng với Ngô Trọng Anh, Tuệ Sỹ, Trí Hải (Phùng Khánh), Chân Hạnh, Lê Mạnh Thát.

le manh that
Trí Siêu Lê Mạnh Thát

Tất cả ý thức dẫn đạo cho cả Viện Đại Học Vạn Hạnh là do chính tất cả anh em chúng tôi quyết định (vị Viện Trưởng đương thời chỉ có thế lực về mặt hành chánh quản trị đại học, còn tất cả đường hướng tư tưởng triết lý dẫn đạo đều do chúng tôi khai thông và thể hiện trong những năm từ 1966 đến 1970, sau đó, tôi xa lìa Việt Nam cho đến nay và tôi không còn biết rõ tinh thần Vạn Hạnh như thế nào từ 1970 cho đến khi bị Cộng sản đóng cửa vào khoảng sau năm 1975.

Thực sự từ những năm 1966 cho đến 1970, Lê Mạnh Thát đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ tại Viện Đại Học Wisconsin, Madison, hình như mãi đến năm 1973 mới về Đại Học Vạn Hạnh nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên, nhất là qua bài vở của tạp chí Tư Tưởng.

Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại Lào). Tên thực của Tuệ Sỹ là Phạm Văn Thương và pháp hiệu Tuệ Sỹ do chính mình tự đặt ra, có lẽ vì muốn theo gương của vị Đại Thiền sư đời Trần Tuệ Trung Thượng Sỹ? Cũng như Lê Mạnh Thát đã tự đặt pháp hiệu là Trí Siêu để gợi lại tên tuổi của hai vị Trưởng lão Thiền sư có tài và có đức nhất thời hiện đại?

Tuệ Sỹ và Trí Siêu đều tu ở chùa từ lúc rất bé nhỏ; cả hai đều rất giỏi chữ Hán, và rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc hiểu chữ Đức, đọc được chữ Pali và chữ Phạn (Lê Mạnh Thát cũng biết đôi chút chữ Tây Tạng); cả hai đều có kiến thức uyên bác về những kinh luận chính yếu của Phật giáo Nguyên ThủyĐại Thừa.

 
 

Ít có nhà Phật học nào ở Việt nam có thể am hiểu tường tận về tư tưởng Vasubandhu và cả tư tưởng Asanga cho bằng Lê Mạnh Thát; cũng như có ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng Nagarjuna một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ.

Chẳng những thế, Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đều có kiến thức sâu rộng về Triết học Tây Phương (Tuệ Sỹ đọc rất kỹ Heidegger và Michel Foucault; bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Đại Học Vạn Hạnh; còn Lê Mạnh Thát rất thông thạo về Marxism, đọc cặn kẽ bộ Recherches logiques của Husserl, hiểu biết rành rọt Wittgenstein và Bertrand Russell và Merleau-Ponty.

Tuệ Sỹ thì có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Đức Hoelderlin, đọc hết toàn tập đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề “Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”; còn Lê Mạnh Thát thì không biết làm thơ và chẳng hề để ý đến nghiên cứu văn chương nghệ thuật, mà chỉ say mê luận lý học, khoa học và toán học, nghiên cứu sâu rộng về kinh tế, chính trị, và quân sự nhất là lịch sử thế giới, đặc biệt nhất là lịch sử những cuộc cách mạngthế giới (trong thư viện của tôi ngày xưa tặng cho Phật Học Viện Nha Trang có bộ sách Révolution Russe của Trotski).

Hồi đó vào khoảng năm 1962 hay 1963, tôi thấy Lê Mạnh Thát thường mượn đi mượn lại bộ sách ấy. Lê Mạmh Thát rất nặng tính thực nghiệm duy lý khoa học. Tôi còn nhớ vào năm 1968, nhân dịp được US State Department mời qua thăm viếng một số trường đại học Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp Lê Mạnh Thát tại Wisconsin và không ngờ đó là lần cuối cùng và mãi đến bây giờ là 20 năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa gặp nhau lại; đêm cuối cùng ấy, chúng tôi đã thức suốt đêm nói chuyện, và Thát đã làm tôi tức cười một cách khó quên khi Thát đề nghị xử dụng computer để hệ thống hóa tư tưởng bao la của Bát Nhã Ba La Mật. Còn nói riêng về mặt lịch sử Phật giáo bộ Chân Nguyên toàn tập (2 cuốn) và bộ Sơ thảo Lịch Sử Phật giáo Việt Nam (mới in được 2 cuốn) của Lê Mạnh Thát là những sử liệu quý báu nhất chưa từng thấy xuất hiện tại Việt Nam từ cả thế kỷ nay.

Chính Thát là người đầu tiên đã phát hiện ra “Sáu Bức Thư” quan trọng ở thế kỷ thứ V ở Việt Nam giữa Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu. Trong Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1981 ở Việt Nam. Trần Văn Giầu đã trích dẫn tài liệu của Lê Mạnh Thát về “bằng chứng sáng tỏ của một số sinh hoạt văn hóa của nhân dân Giao Châu hồi thế kỷ thứ V… rằng sinh hoạt văn hóa đó đã phát triển đến một trình độ đáng tự hào, mang nhiều đặc sắc dân tộc, yêu nước. “cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác.”

Lý thuyết gia cộng sản Trần Văn Giầu đã tận lực khai thác sự phát hiện của Lê Mạnh Thát để xuyên tạc một cách ngu xuẩn tất cả nội dung tư tưởng cao siêu của Việt Nam ở vào thế kỷ thứ V. Cộng sản Việt Nam cũng sử dụng và khai thác triệt để những công trình nghiên cứu độc đáo của Lê Mạnh Thát về Nguyễn Trãi, nhân dịp UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 600 ngày sinh nhật của Nguyên Trãi. Điều này ít ai biết.

Nếu không bị giam từ ngày 1 tháng 4 năm 1984 thì chắc chắn Lê Mạnh Thát còn tiếp tục phát hiện biết bao điều bí ẩn dấu kín “đã chôn vùi trong bóng tối ngàn năm” như lời của Trần Văn Giầu nói về sự phát hiện tư liệu lịch sử về thế kỷ thứ V ở Việt Nam do Lê Mạnh Thát khai quật ra từ “Hoàng Minh Tập” và sau cùng mới đây khi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ bị Hà Nội kết án tử hình thì đó chính là sự phát hiện lỗi lạc nhất của nhị vị để cho cả thế giới thấy rằng Cộng sản Việt Nam đã lạnh lùng tàn phá tiêu diệt tất cả những gì là tinh ba, là trí tuệ thượng đẳng tâm linh siêu việt của dân tộc.

Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.

Trong lòng nhị vị vẫn thường trực hừng hực thệ nguyện vô biên đến Giác ngộ vì lợi cho tất cả và giải thoát cho tất cả, mà bước đi hùng dũng đã dược thể hiện oanh liệt nhất hiện nay là dâng hiến cả sinh mệnh mình để giải phóng quê hương thoát khỏi cái chủ nghĩa ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất và vô minh nhất của thế kỷ XX.

Chúng ta chỉ đủ sức nhìn thấy được những Thiền sư đúng nghĩa mỗi khi nào chúng tađủ sức mạnh tâm linh để tự quên mình, cũng như Đại sư Đạo Cao đã dạy thống thiết trong sách “Sáu Bức Thư ở thế kỷ thứ V” mà Lê Mạnh Thát đã phát hiện cho toàn dân tộc:

“Nếu quên mìnhhết lòng thành thì tất có cảm và có cảm thì tất có thấy: không cảm thì không thấy. Thánh nhân đâu phải không thường ở với quần sinh, đâu phải là ta không thường thấy”.

Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đã quên mìnhhết lòng thành thì tất nhiên nhị vị cảm được tất cả những đổ vỡ bi đát của quê hương và kiếp người: Hai người đã được hết tất cả tính mệnh của Việt Nam thì tất nhiên nhìn thấy được những gì vẫn giữ lại Việt tính, và họ đã lên đường trở thành những Đạo sư dẫn đường cho cả dân tộc. Lúc Hà Nội kết án tử hình Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát hay bất cứ kẻ nào khác vô danh đã tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam thì chính Hà Nội đã kết án tử hình toàn thể dân tộc.

Khi mà toàn thể dân tộc Việt nam bị một chế độ tàn bạo kết án tử hình thì đó cũng là lúc chế độ ấy đang tự hủy diệt trong lòng địa chấn linh diệu của Đại mệnh Việt Nam

Phạm Công Thiện

California ngày 18.10.1988


 

 

*

THƠ TÌNH TUỆ SỸ

Vĩnh Đào

 

Trong số những sáng tác của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, một số lớn được sáng tác trong thời gian một năm tác giả rút về sống cô độc làm rẫy trong rừng Vạn Giã từ 1976 đến 1977. Những bài thơ này được gom lại trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”. Ngoài những bài thơ về núi rừng, về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, còn có một số không ít bài về tình yêu, rất tha thiết và truyền cảm, là một điều khá ngạc nhiên khi tác giả là một thiền sư.

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc

Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng

Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút

Ðến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Hồn tôi đi trong rừng lang thang

Vọng lời ru từ ánh trăng tàn

Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa

Nghe tình ca trên giọt sương tan

Bóng tôi xa đêm dài phố thị

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Ơi là máu, tủi hờn nô lệ

Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố

Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim

Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ

Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim.

Bài thơ có bốn đoạn, mỗi đoạn bốn câu, tổng cộng chỉ có 16 câu. Cũng như các bài tình ca khác trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”, bài thơ này là những lời tâm tình của tác giả đang sống một thời gian trong rừng vì một lý do nào đó, nói rõ hơn là rừng Trường Sơn, gởi gắm tâm sự mình đến một người con gái đang ở lại thị thành, hay là một thị trấn nào đó. Người thiếu nữ không tên hẳn là người yêu, hay cũng có thể chỉ là một người mà tác giả thầm thương nhớ.

Tác phẩm được sáng tác theo thể thơ mới, bắt đầu bằng một đoạn thơ 8 chữ, tiếp đến là hai đoạn thơ 7 chữ và cuối cùng chấm dứt bằng một đoạn thơ trở về 8 chữ.

Trong bài thơ, tác giả nói về mình, hoàn cảnh và nơi chốn mình đang ở, nói về người thiếu nữ, và nói lên niềm nhung nhớ của mình. Trong bài thơ 16 câu thì tác giả dành 5 câu nói về mình, 6 câu nói về người con gái ở xa, và 5 câu nói lên tâm trạng nhớ nhung. Một sự phân phối không thể nào sòng phẳng, đồng đều hơn.

Về chàng trai

Trong năm câu, tác giả cho biết nơi chốn mình đang ở và những chi tiết chung quanh khung cảnh sống của mình, một khu rừng hoang vắng ở một nơi xa xôi: “Hồn tôi đi trong rừng lang thang”, và: “Bóng tôi xa đêm dài phố thị”

Trong khung cảnh đó, có những nét thơ mộng: “Vọng lời ru từ ánh trăng tàn”

Nhưng quan trọng hơn là những nét đau thương, bi đát đáng ngại, chìm trong một bầu không khí buồn ảm đạm, nhưng tác giả không nói rõ thêm vì sao:

Ơi là máu, tủi hờn nô lệ

Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm.

Chúng ta hình dung một khung cảnh âm u bí hiểm, đầy bất trắc. Mặc dù có ánh trăng yếu ớt chiếu trên cao nhưng cảnh vật dưới đất chìm trong bóng tối, dưới những tàn lá dày. Một con suối giữa khu rừng hoang vắng và một bóng người lẻ loi. Người đọc không biết gì hơn về hành động của nhân vật này và hình như anh cũng không có một mục đích gì rõ rệt, vì hồn tôi đi trong rừng lang thang.

Nói tóm lại, chúng ta không biết gì nhiều về chàng trai trong rừng, chỉ biết chắc chắn rằng ngày đêm anh bị ám ảnh bởi hình ảnh một người con gái ở nơi phố thị.

Về nàng thiếu nữ

Tác giả bắt đầu bài thơ bằng hai câu nhắc đến kỷ niệm người con gái ở miền xa. Và hình ảnh đầu tiên về trong ký ức nhà thơ là mái tóc nàng:

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc

Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng

Khung cảnh hiện ra mang đậm màu sắc lãng mạn: “sương chiều khói biếc”. Hình ảnh không có gì mới nhưng vẫn giữ một sức gợi cảm cao. Một cuộc lên đường, một buổi chia tay xảy ra vào một chiều sương xuống bao giờ cũng làm cho cuộc chia ly thêm nặng sầu thương, hoặc thêm bi hùng, tùy theo hoàn cảnh, như hai câu trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.

Ngoài “sương chiều” còn thêm “khói biếc” làm cho khung cảnh mang thêm một nỗi buồn vời vợi, khi ta nhớ rằng cảnh khói sóng trên sông vào lúc hoàng hôn trong những tác phẩm cổ điển bao giờ cũng gây nên một nỗi buồn man mác.

Tiếp theo là một hình ảnh rất mới: tóc em “dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng”. Tác giả trình bày ở đây một hình ảnh siêu thực, là một kỹ thuật rất mới trong thi ca. Đừng tìm hiểu tính cách “hợp lý” trong hình ảnh này. Vì thi ca siêu thực ép buộc ta nhìn thực tại dưới một góc cạnh hoàn toàn mới, khác lạ so với những gì các giác quan của ta cảm thấy trong điều kiện bình thường. Nhưng không phải muốn viết gì cũng được để tạo ra một hình ảnh “siêu thực”. Chúng ta biết chất liệu của thơ là ngôn ngữ. Đối với thi ca siêu thực thì điều này lại càng hết sức quan trọng. Hình ảnh siêu thực trước hết là một sự kết hợp ngôn ngữ thật hài hoà, tạo ra một chuỗi âm thanh quyến rũ, chiếm được sự đồng tình của người đọc. Việc này hoàn toàn không dễ. Ở đây chúng ta có thể thấy dấu ấn của một thi sĩ nhiều tài năng. Trong tay một người thợ xoàng, chúng ta chỉ có những kết hợp vụng về, ngây ngô.

Chữ bâng khuâng cũng giúp nhiều cho sức gợi cảm của hình ảnh. Tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác, có một số từ rất khó tìm một từ với ý nghĩa hoàn toàn tương đương trong một ngôn ngữ khác, như bâng khuâng, xao xuyến, bồi hồi, băn khoăn… có khả năng biểu lộ những ngỏ ngách sâu kín nhất của tình cảm con người. Điều này chứng tỏ mức độ tinh tế của một ngôn ngữ.

Hai câu tiếp theo:

Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa

Nghe tình ca trên giọt sương tan

Tác giả tiếp tục dùng phép đề dụ khi nhắc đến người con gái, tức là nói đến một phần thân thể để chỉ toàn người: từ mái tóc đến mắt em, và tiếp theo sẽ là gót chân em.

Hình ảnh người con gái bên song cửa không có gì mới, còn có tính cách ước lệ. Lưu Trọng Lư đã viết:

Em là gái trong song cửa

Anh là mây bốn phương trời.

(“Một mùa đông”)

Cũng như hình ảnh cổ điển của người chinh phụ:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

(Chinh phụ ngâm)

Nhưng Tuệ Sỹ bổ túc chân dung người con gái bằng “mắt em nhỏ ngại ngùng” và một chi tiết rất lãng mạn: “nghe tình ca trên giọt sương tan” để vẽ lên bức tranh một người thiếu nữ ngây thơ trong trắng chưa phải va chạm với cuộc đời, yêu thích mộng mơ và lãng mạn cùng những thú vui giản dị.

Và hai câu sau cùng:

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố

Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim

Chân dung người thiếu nữ bên song cửa được hoàn tất với “gót chân em” và “những ngón hồng”. Tính ngây thơ của nàng lại được nhắc lại với “Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim”, tăng thêm cảm giác nàng còn là một người trẻ tuổi trinh trắng, một con chim nhỏ hay một con gà con chưa đủ sức để tự vệ giữa bầy quạ ác.

Đoạn thơ trước là một đoạn thơ 7 chữ, chấm dứt bằng câu “Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm” gieo một không khí buồn tẻ, bi quan và ảm đạm cho bài thơ. Qua đoạn cuối cùng, với sự xuất hiện trở lại của người thiếu nữ, là những câu thơ 8 chữ, mở đầu bằng: “Gót chân em nắng vàng xua viễn phố”

Việc đầu tiên mà sự xuất hiện của nàng xua đi chính là bóng đêm và bầu không khí thê lương, nặng trĩu trước đó. Câu thơ chỉ có thêm một chữ mà chúng ta có cảm tưởng như câu dài ra nhiều, không gian như mở rộng ra. Cùng lúc với người thiếu nữ hiện ra, ánh nắng chói chan cũng tràn vào.

Bài thơ có bốn đoạn. Đoạn 1 và đoạn 4 là những đoạn thơ 8 chữ, bắt đầu bằng: “Tóc em tung bay…” (đoạn 1) và “Gót chân em…” (đoạn 4). Ở giữa là hai đoạn thơ 7 chữ, bắt đầu bằng: “Hồn tôi đi…” (đoạn 2) và “Bóng tôi xa…” (đoạn 3). Những đoạn này chủ yếu nói về chàng trai, có vẻ như chìm trong bóng tối nặng nề, u ám. Hai đoạn mở đầu và kết thúc bài thơ là những đoạn thơ 8 chữ, trùng hợp với kỷ niệm và hình ảnh người thiếu nữ, với những câu thơ rộng thênh thang giữa ánh sáng, thơ nhạc và niềm lạc quan.

Nhà thơ dùng những từ xưa như viễn phố, hay phố thị trên đây, và thượng cổ trong đoạn chót, cho bài thơ những nét hoài cổ, kín đáo và trang trọng, cộng thêm với những hình ảnh cổ điển tản mát trong bài thơ, khiến chúng ta hình như nghe phảng phất đâu đó giọng thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Gác mái ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

Nỗi niềm thương nhớ

Sau khi cho biết về mình, vẽ lên chân dung người con gái trong tâm tưởng, là những câu thơ tỏ bày niềm nhung nhớ day dứt của nhà thơ. Ngay trong đoạn đầu tác giả đã chỉ ra khung cảnh của niềm nhung nhớ:

Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút

Ðến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Tác giả và nàng thơ như ở hai phương trời cách biệt, không có một phương cách liên lạc nào. Nếu người xưa trông vào tin nhạn thì nhà thơ chỉ có thể nhìn mây trời tìm một dấu hiệu nào đó, nhưng mây đâu có chuyển được tin mà nhìn mây lại làm cho lòng thương nhớ thêm nặng trĩu.

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Đây là cách hành văn tiêu biểu của ngôn ngữ thơ. Trên thực tế, không có con đường nào giữ lại được mùi thơm của môi em. Chàng thi sĩ chỉ có thể nhớ con đường của những kỷ niệm, con đường xưa em đi, rồi từ đó tưởng tượng ra bóng dáng em và nhớ lại mùi thơm ngọt môi em. Lời thơ rất vắn tắt, cô đọng, để cho cảm xúc và trí tưởng của người thưởng thức thơ lấp vào những khoảng trống bằng những kỷ niệm của riêng mình.

Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ

Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim

Bài thơ chấm dứt bằng hai câu biểu lộ lòng nhung nhớ không nguôi. Bài thơ chấm dứt nhưng lòng nhớ thương còn kéo dài triền miên không dứt. Từ thượng cổ ở đây không phải hiểu theo nghĩa đen mà với tất cả hàm ý của nó. Thượng cổ là một khoảng thời gian dài đăng đẵng, còn hoang sơ, tăm tối, trong lịch sử loài người. Niềm nhớ nhung cũng dài hun hút, man sơ và hoang dại, bắt nguồn từ những vùng sâu thăm thẳm của tâm tư.

Bài thơ đã bắt đầu với một hình ảnh siêu thực với những sợi tóc và một khúc ca: dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng, thì nay cũng chấm dứt bằng một hình ảnh siêu thực với cùng những yếu tố đó, những sợi tóc và một khúc ca: sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim. Dòng tư tưởng của tác giả trở về mức khởi đầu, làm thành một vòng tròn khép kín. Nếu tác giả phân phối đồng đều số câu nói về mình, về người con gái phương xa và về tình cảm nhớ nhung, chúng ta thấy là những gì tác giả cho biết về mình rất ít, rất vắn tắt, và tác giả đã dành những hình ảnh giàu gợi cảm, giàu tính thơ nhất khi nói về người tình xa vắng và những tình cảm nhớ nhung của mình.

Thiền sư và tình yêu

Trong tập Giấc mơ Trường Sơn, ngoài bài thơ “Nhớ con đường thơm ngọt môi em” chúng ta còn được đọc những câu thơ về tình yêu giàu tình cảm, giàu hình ảnh thơ, chứng tỏ một bút pháp cực kỳ điêu luyện của nhà thơ đạo sĩ:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

(“Một thoáng chiêm bao”)

Hay:

Anh đem giấc mộng đi hoang

Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em?

Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy

Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai.

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy.

Ôi hạnh phúc, anh thấy mình nhỏ bé,

Chép tình yêu trên trang giấy trắng thơ ngây.

(“Ác mộng”)

Và còn nữa:

Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lỏng,

Môi em hồng ta ước một vì sao.

(“Tiếng gà gáy trưa”)

Anh vẫn nhớ những con đường bụi đỏ

Và tình yêu trong ánh mắt rã rời.

(Anh sẽ về thăm phố cũ)

Toàn là những lời thơ trau chuốt, và thiết tha, chân thật, phần lớn nhuộm màu sắc lãng mạn.

Tác giả Thích Tuệ Sỹ và đã giữ những trách nhiệm quan trọng trong Giáo Hội Phật Giáo và kể từ sau khi Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời vào tháng 2-2020, Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ được ủy thác đảm nhận trách nhiệm xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Sau khi đọc những dòng thơ trữ tình với lời thơ thật tha thiết, ta có thể hỏi: một nhà sư có thể viết một bài thơ tuyệt diệu về tình yêu như vậy sao? Hay là thiền sư vẫn chưa thoát khỏi vòng tục lụy? Vẫn còn mắc phải những vấn vương tình ái?

Trong một bài viết năm 1988 về Tuệ Sĩ và Lê Mạnh Thát, học giả Phạm Công Thiện nhận xét: “Tuệ Sỹ có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Ðức Hoelderlin, đọc hết toàn tập Đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề Tô Ðông Pha, Những phương trời viễn mộng. […] Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.” (1)

Thiết nghĩ, chúng ta có thể nhìn vấn đề như sau: Hoà thượng Tuệ Sỹ là một học giả đa tài, một chuyên gia về Phật học, một nhà lý luận về tư tưởng Đông Tây, và một nhà thơ xuất sắc hiếm có. Từ xưa đến nay, tình yêu là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ. Không một nhà thơ lớn nào có thể bỏ qua lãnh vực đó, và Tuệ Sỹ đã chứng tỏ ông cũng là một nhà thơ lớn trong chính lãnh vực dồi dào xúc cảm nhất của thơ.

Ông biết rất rõ tâm lý con người để có thể diễn tả một cách thuyết phục những lối đi thơ mộng của tình yêu, những tâm tư thầm kín của lòng người, mà không nhất thiết biểu lộ những tình cảm của riêng mình.

Mặt khác, trong những câu thơ nói về tình yêu, chúng ta nghĩ là tình yêu thơ mộng nam-nữ, nhưng thật ra có thể đó chỉ là biểu hiện trong thi ca của một tình rộng lớn hơn là tình người. Trong tập Giấc mơ Trường Sơn chúng tôi có trích dẫn trên đây một bài thơ ngắn tựa là “Một thoáng chiêm bao”:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Chúng ta hiểu là nhà thơ nói về một người thiếu nữ do các chi tiết “mắt biếc ngây thơ”, “khoé môi cười”… Tác giả Tuệ Sỹ hay lập lại một số ý tưởng, dùng lại những câu văn, ngôn từ cũ trong một sáng tác mới. Thì đây, khoảng 30 năm sau những sáng tác gom trong tập Giấc mơ Trường Sơn, trong một tập thơ mới, Những điệp khúc cho dương cầm xuất bản năm 2009 (2), bài thơ mang số 22 lập lại những tình cảm tha thiết với cùng những ngôn từ quen thuộc:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,

Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

Cũng những lời lẽ đó nhưng chúng ta lại nhận thấy tình cảm ở đây chính là tình người bao la, vẫn bàng bạc trong một số lớn thi phẩm của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ.

Chính tác giả Tuệ Sỹ đã quan niệm rằng cuộc đời của nhà thơ không phải là sống với mộng mơ mà thật là một cuộc đời khổ hạnh: “Người làm thơ, cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn. Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đọa thân tâm, đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đọa đó mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ lụy lao đao, nhưng không là khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?” (3).

Vĩnh Đào

(1) Phạm Công Thiện, “Hai vị thiền sư”, Báo Nguồn Sống số 16-17, San Jose, California, 1989.

(2) Những điệp khúc cho dương cầm – Refrains pour piano, NXB Phương Đông, 2009. Gồm 23 bài thơ ngắn, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do nữ họa sĩ Pháp Dominique de Miscault chuyển ngữ và trình bày.

(3) Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng, nxb Ca Dao, Sài Gòn, 1973.

 

 
Nguồn : ST Trên Net