Nov 23, 2024

Trường thiên song thất lục bát

Lệ Chi Hận Sử (Phần3) từ Chương 16 đến Chương 25
Nguyễn Gia Linh * đăng lúc 11:54:59 AM, Sep 24, 2009 * Số lần xem: 3657
Hình ảnh
#1

Chương 16

An Bang lánh nạn

Chim ca hót mừng xuân sáng sủa
Cùng vui đùa nhảy múa trên cây
Tô màu ngủ sắc vần mây
Ánh dương đánh dấu một ngày vinh quang

Vốn là chuyện thế gian thường sự
Nỗi hân hoan Thái tử chào đời (71)
Niềm vui chưa thốt ra lời
(1500) Đã lo nghĩ đến chuyện dời đi xa

Không thể để tiếng la tiếng khóc
Của trẻ thơ qua nóc nhà chùa
Mặc dầu Thái tử con vua
Trên đường lánh nạn phải chừa đường sinh

Càng thấm thía thâm tình dân dã
Trong đói nghèo hết dạ trung lương
Đưa con cùng mẹ lên đường
Ngày đi đêm nghỉ gió sương chẳng sờn

Thế mới biết trong cơn hoạn nạn
Mới hiểu ai là bạn cố tri

Đường đời cùng bước chân đi
Mới tường được nẻo, mới ghi được lòng

Cùng gian khổ qua sông qua núi
Băng rừng sâu vượt suối trèo non
Mấy ngày ròng rà sắt son
Đến nơi thì đã mỏi mòn thịt da

Thương thân trẻ vừa xa lòng mẹ
Nếm đủ mùi nặng nhẹ khổ đau
Đêm đêm tùng ngắm trăng sao
(1520) Ngày ngày phải tắm mưa rào đổi thay

Nghe chim hót, gió lay cành lá
Cùng qua đèo ghềnh đá cheo leo
Tâm tình những kẻ đói nghèo
Mà lòng không giống cánh bèo trôi sông

Bông hồng nở giữa vùng hiểm trở
Đem vui tươi đức độ ôn hòa
Biến vùng rừng biển bao la
Thành nơi ấm cúng chan hòa tin yêu

An Bang cảnh nắng chiều rực rỡ
Hay hừng đông sóng vỗ bờ xa
Sương khuya núp ánh trăng tà
Hỏi người cõi tục đâu là thần tiên

Ngọc Dao sống trên thuyền đánh cá
Thả thuyền trôi cảnh lạ trời hoang
Ngư ông thân tín dịu dàng
Ức Trai gởi gấm giúp nàng nuôi con

Dầu cực khổ lòng son yên trí
Đường quanh co hùng vĩ núi rừng
Dễ tìm đất lánh tạm dung
(1540) Tránh xa loài thú khuyển ưng kinh kỳ

Mời quý vị nhớ đón xem Thao Diễn Miền Đông - Phần 17

(71) Thái Tử Tự Thành ra đời ngày 20 tháng 7 d.l. năm Nhâm Tuất (1442)

 

Chương 17

Thao diễn miền Đông

Vua chưa biết Dao phi sinh nở
Cũng chưa hay Thái tử ra đời
Con vua sống giữa biển trời
Còn vua chễm chệ trên ngôi sang cùng
*
Lòng đã đặt lợi chung trước cả
Lo cho dân mọi ngả yên thân
Đã quên phi ái cung tần
Bao lời nhắn nhủ của lần chia ly
*
Sớm thấy rõ đường đi nước bước
Biết lo cho dân trước nhà sau
Luôn luôn nghĩ đến công lao
Của người dựng nước xiết bao nhọc nhằn
*
Nên thỉnh thoảng cải trang sửa dạng
Đến hang cùng ngỏ cạn tham quan
Hiểu rành cuộc sống dân gian
Kiếm người tài đức giúp an cõi bờ
*
Thái Tông rõ cuộc cờ đã điểm
Thi Hội Đình thỏa nguyện lòng vua
Những người văn học có thừa
(1560) Hết lòng vì nước tranh đua tài bồi
*
Vua lại nghĩ đến hồi khốn khổ
Cả quân tình trốn ở Chí Linh
Nguyện đem tất cả nhiệt tình
Đền ơn người đã quên mình giúp vua
*
Muốn quân sĩ say sưa chiến đấu
Muốn toàn dân theo dấu anh hùng
Hết lòng trọn dạ hiếu trung
Thân vua phải lấy thủy chung làm đầu
*
Ngài trở lại bến đầu trận tuyến
Nơi lùng danh, tham diễn hành quân
Chí Linh hội họp công thần
Trống dồn nhịp bước, lòng hân hoan chào
*
Dân sung sướng tô màu xa giá
Sáng tin sương rộn rã lên đường
Cùng nhau biểu trổ cờ giương
Nhớ ngày khởi điểm biên cương vững bền
*
Đoàn quân bước vang rền tiếng nhạc
Trống liên hồi ào ạt tiến quân
Hân hoan dân chúng reo mừng
(1580) Niềm vui bay vút tận cùng trời cao
*
Trước khí thế văn thao võ luyện
Thấy đoàn quân chí nguyện một lòng
Vui tươi thể hiện mặt rồng
Nghĩ rằng cá nước non sông hài hòa

*
Vua hớn hở, tay khoa miệng múa
Quyết thưởng ban gấm lụa vàng thau
Đoàn quân hùng dũng tự hào
Trước an quốc thể, sau đào hố sâu
*
Để chống giữ hoa mầu đất nước
Để kiện toàn chiến lược hành quân
Những người vì nước vì dân
Xã thân nhưng chẳng một lần thở than
*
Thế mới rõ giang san gấm vóc
Do những người ngang dọc chu toàn
Đừng quên những lúc tai nàn
Đừng quên khúc nhạc muôn ngàn lời ca

Nguyễn Gia Linh

Xin quý vị nhớ đón xem Lệ Chi Hận Sử-Phần 17, Ngự Giá Côn Sơn để thấy rõ lòng vua với đất nước và lòng của trung thần Nguyễn Trãi cùng với Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ

 

Chương 18

Ngự giá Côn Sơn

Lòng rộng mở muôn hoa ngàn lá
Cùng phô bày nét lạ đường nghiêng
Tin vui loan đến lâm tuyền
(1600) Ức Trai, Thị Lộ xuống thuyền rước vua
*
Vinh dự ấy người ưa kẻ muốn
Một lão thần được chuộng được yêu
Tránh sao cho khỏi búa rìu
Nh"ng người ganh tỵ, kiếm điều dèm pha
*
Thị Anh phi, nghĩ xa lo sớm
Vì con thơ quyết tóm uy quyền
Sợ người tạo thế ngửa nghiêng
Dành ngôi Hoàng tử, cướp thuyền Quân vương

*
Sau Đình Hội, hiền lương sơn thủy
Ngọc Dao phi nở nhụy khai hoa
Khôi ngô đúng thiệt con nhà
Sợ rằng Nguyễn Trãi nói xa nói gần
*
Chúng tìm cách rẻ phân tôi chúa
Cử Tạ Thanh, xe ngựa theo hầu
Trống kèn đón trước tiễn sau
Canh chừng theo dỏi lời chào tiếng thưa
*
Thêm Lương Dật chanh chua sâu hiểm (72)
Tung truyền thêm rắn điểm oan cừu
Tạo ra sương khói mịt mù
(1620) Chung quanh hai kẻ ngàn thu một lòng
*
Lòng Nguyễn Trãi trắng trong như ngọc
Nghĩa vua tôi, kẻ tóc đường tơ
Luôn luôn trọn chữ phụng thờ
Đường ngay nét thẳng như tờ giấy nguyên
*
Vua vẫn kính tôi hiền tài giỏi
Đạo làm vua biết đợi biết chờ
Biết ai vun quén cõi bờ
Biết người cương quyết vươn cờ nước Nam
*
Vốn mến chuộng non lam núi biếc
Vùng địa linh hào kiệt muôn đời
Tham quan phong cảnh tuyệt vời
Bạch vân am động, núi đồi thênh thang
*
Ngắm về phía An Bang hùng vĩ
Nơi uy linh, lăng vị nhà Trần
Vọng sang Kiếp Bạc mây tầng
Có đền Hung Đạo muôn phần trang nghiêm
*
Chung trà nóng, thâu đêm bàn bạc
Nghĩa vua tôi, tỏa ngát niềm thông
Nhà vua cởi mở tất lòng
(1640) Yêu cầu Nguyễn Trãi ra công tài bồi
*
Trước cố gắng phục hồi no ấm
Cho dân gian đầm thấm yên vui
Vườn xuân nụ liếc hoa cười
Líu lo chim hót, sáng ngời vầng dương
*
Sau sửa đổi con đường thi cử
Khuyến khích người kinh sử trau dồi
Những ai tài trí vun bồi
Tận tình tiến cử, trọn đời giúp vua
*
Ngoài gắng sức tranh đua kiến thiết
Nét phong quang, nhạc tiết tô thêm
Lễ nghi đạo đức chung thềm
Vui tưoi cùng kết, êm đềm cùng xây
*
Niềm thông cảm gió mây non nước
Giữa vua tôi đâm tược nẩy mầm
Hân hoan vua khẻ liên ngâm
Một bài ca tụng, tình thâm tôi hiền 
*
Sau buổi duyệt chiến thuyền đông chí (73)
Ghé Côn Sơn hậu hỉ tôi thần
Quân sư tài đức đương trần
(1660) Thua chi những kể oai thần xa xưa
*
Nhớ Lam Sơn gió mưa ngày trước
Phượng trổ tài giúp nước phò vua
Ngày nay tạo đất tạo mùa

Đan thanh nét vẽ, nô đùa liễu mai
*
Lòng Nguyễn Trãi, hoa khai cánh nở
Nguyện chép thơ vào vở bảo tàng
Giấy trong mực thắm ngay hàng
Tạ ơn thánh chúa, lưu ngàn năm sau
*
Nguồn xúc động tuôn trào lai láng
Họa khớp bài nguyên vận vua ban
Những mong đền đáp ơn vàng
Còn thương cỏ nội hoa ngàn đến thăm
*
Nguyên ước vọng trong tâm trong chí (74)
Được thánh hoàng xét nghĩ tôi thần
Dẫu thân đi hết đường trần
Cũng không dám nghĩ một lần nắng mưa
*
Chưa mong mỏi say sưa non nước
Chỉ ước mơ sau trước phò vua
Dám đâu trăng cợt non đùa
(1680) Ngẩn ngơ long phượng, thẹn thùa liễu mai
*
Mê bàn bạc sao mai lố dạng
Sáng hôm sau sửa soạn lên đường
Vua tôi hai ngã, hai phương
Bình Than bến đợi quân vương xuôi thuyền
*
Sau giây phút hàn huyên cùng vợ
Chức Lễ Nghi Thị Lộ hồi cung
Xa rời người bạn tình chung
Nước non dong ruổi chập chùng Bắc Đông
*

Nguyễn Gia Linh

(72) Lương Dật là em của Lương Đăng từng tranh với Nguyễn Trãi lo về Lễ nhạc
(73) Theo Bùi Văn Nguyên, trong Truyện Nguyễn Trãi, bài thơ của vua Lê Thái Tông tặng Nguyễn Trãi, nhan đề Cuộc Tao ngộ, viết bằng chữ hán do Vân Trình dịch như sau :
Thuyền trận duyệt xong buổi thoái hồi
Côn Sơn xe ngựa ruổi qua chơi
Thăm nền Lục Dã nhìn mây rỗi
Nhớ thuở Lam Sơn trổ phượng tài
Trong động riêng trời quên tuổi giáp
Bên non hiếm đất dựng lâu đài
Đan thanh nét vẽ nhờ ai tá
Tô điểm sông hồ cảnh liễu mai ?

(74) Theo Bùi Văn Nguyên, trong Truyện Nguyễn Trãi, bài thơ của Nguyễn Trãi, viết bằng chữ hán do Vân Trình dịch như sau :
Mộng tưởng trời cao những mấy hồi
Cả mừng xe ngọc kíp lên chơi
Đội ơn thánh đế thương tôi cũ
Muốn giúp triều cương thẹn bất tài
May được nhàn thân bên suối động
Dám đâu riêng đất dựng lâu đài
Nước non hội ngộ chào long giá
Mưa móc đầm đìa nhuận liễu mai
Nơi Nguyễn Trãi được phong Hành kiểm
Cùng chăm lo huấn luyện ba quân
Sá chi gian khổ nhọc nhằn

Miển sao nung đúc tinh thần hy sinh

Chương 19

Thảm án Lệ chi cung

Thuyền tách bến trong tình lưu luyến
Buổi tiễn đưa xao xuyến tâm can
Lá thu vừa trổ sắc vàng
Tả tơi rơi rắc, đường sang nẻo về
*
Sông uốn khúc bên lề liễu rủ
Nước lững lờ sương phủ đầu non
Quanh co mấy nẻo đường mòn
(1700) Phong quang mờ ảo như còn luyến thương
*
Buồn ly cách vấn vương tâm não
Đông cùng Tây mấy dạo chia xa
Người thương muôn dậm quan hà
Thân gầy tóc bạc, bóng tà đa đoan
*
Hàng liễu rủ nhịp nhàng sóng nước
Vỡ tan khi thuyền lướt trôi qua
Bóng người yêu dấu dần xa
Nhưng lời nhắn nhủ chan hòa nhịp tim
*
Thuyền vẫn lướt êm đềm trên sóng
Xuôi thời gian, khuấy động không gian
Dập dìu tiếng nhạc trong khoan
Hòa theo giọng hát điệu đàn nỉ non

*
Cung réo rắt ru hồn quân tử
Vũ điệu mừng tiên nữ khoan thai
Vạt tiên phe phẩy gót hài
Đưa hồn người đến non đài mê cung
*
Thuyền rẻ lối qua sông Thiên Đức (75)
Bóng hoàng hôn sáng rực trên sông
Muôn sao lấp lánh theo dòng
(1720) Như đưa người đến non bồng cảnh tiên
*
Chiều mùng bốn đến miền trại vải (76)
Lệ Chi cung tồn tại lâu đời
Dựng xây giữa khoảng núi đồi
Để cho vua chúa từ thời Trần hưng (77)
*
Đường kinh lý tạm dừng chân nghỉ
Yên thân vàng, tâm trí thảnh thơi
Cây xanh phong cảnh tuyệt vời
Gió đưa đẩy lá nghe lời thông reo
*
Thuyền cập bến thả neo buông chống
Vua hân hoan ngồi ngắm trời xanh
Nước non một dải yên lành
Nhân dân trù phú đậm tình thương yêu
*
Nâng chén ngọc, một chiều êm ả
Vua ngâm nga khúc lạ điều hay
Bỗng đâu trận gió cuồng quay
Hắt hơi mấy lượt, lăn ngay xuống sàn
*
Đám cung nữ kinh hoàng la hét
Đoàn vệ quân tức tốc ẵm vua
Đặt Ngài ngay ngắn giường thưa
(1740) Lương y đến trể vì chưa cập bờ
*
Nên Thị Lộ đứng chờ bên cạnh
Đấp chăn êm trong cảnh lo âu
Vành môi khóe mắt u sầu
Đắn đo không biết phải cầu nơi ai
*
Nhóm Tạ Thanh mặt mày chẳng thấy
Lương Dật vừa biệt phái về cung
Khải tâu Hoàng Hậu cửu trùng
Long xa bí mật đến vùng Chi cung
*
Ngự y đến tay chưn bủn rủn
Thánh hoàng đà mềm nhủn tứ chi
Nhắm nghiền như thể đang đi
Giữa vùng yên tỉnh không gì lắng lo
*
Cố tìm kiếm nguyên do chứng bịnh
Cùng thuốc thang định tỉnh Thánh hoàng
Thánh y cũng phải chịu hàng
Mệnh phần đã hết, Ngọc hoàng chờ tin
*
Trời hừng sáng sóng tình cố giữ
Trống với kèn vẫn đủ tiếng vang
Thánh hoàng xa giá hồi loan
(1760) Trở về cung nội chu toàn viễn kinh
*
Chiều mùng sáu ghập ghềnh xa giá
Qua cổng thành đèn đã nhóm lên
Một hồi chuông trống vang rền
Báo tin Thánh Thượng về miền Tây phương
*
Nhóm triều chánh thăng đường khẩn cấp
Do Hậu hoàng triệu tập trào trung
Nắm quyền Nhiếp chánh Cửu trùng

Bang Cơ Thái tử hai xuân đương nồng
*
Lên kế nghiệp Nhân Tông hoàng đế
Chuyện triều trung đành để Mẹ lo
Được thêm người cậu chung đò (78)
Tấn phong Cữu phụ theo phò một bên 79)
*
Việc trước nhứt ghi tên làm lễ
Phát tang xong điện tế vong linh
Khói hương quyện cả cung đình
Hồn vua phảng phất thấu tình tôi trung ?
*
Nguyễn Thị Lộ cùm gông tại chổ
Bị cáo gian thuốc đổ hại vua
Trời xanh chuyển nắng thành mưa
(1780) Ép người trung liệt còn thua tôi loàn
*
Chúng tra khảo hồng nhan chẳng tiếc
Trớ trêu thay, Đinh Liệt cầm đầu (80)
Hỏi rằng lòng dạ hiểm sâu
Hợp cùng Nguyễn Trãi mưu cầu lợi danh
*
Hỏi cặn kẻ : Bà canh bên cạnh
Khi Thánh hoàng bất tỉnh mê mang
Chính bà cầm chén thuốc thang
Chính tay đổ thuốc Thánh hoàng hồn thăng ?
*
Này Thị Lộ phải chăng Nguyễn Trãi
Đã xúi bà ám hại Quân vương ?
Thưa Ngài xét xử cho tường
Ức Trai đã được lòng thương Thánh hoàng
*
Chính Thánh thượng quá giang thăm viếng
Cùng luận bàn chọn tuyển nhân tài
Lòng nào đem đến nạn tai
Ý nào phản nghịch, voi dày ngựa phân (81)
*
Thần thiếp nghĩ nhân dân hạnh phúc
Cả thảy đều đem sức tài bồi
Nghĩa vua hiền, trọn phận tôi
(1800) Lòng nào lại dám lấy vôi tôi màu
*

Nguyễn Gia Linh


(75) Sông Thiên Đức là sông Đuống
(76) Ngày mùng 4 tháng 9 d.l. năm Nhâm Tuất (1442)
(77) Lệ Chi cung được xây từ đời nhà Trần để cho vua chúa dừng chân khi đi kinh lý
(78) Người anh của Hoàng Hậu Nguyễn Thị Anh là Nguyễn Phù Lộ
(79) Cậu vua
(80) Đinh Liệt giữ chức Đại đô đốc, được Hoàng Thái Hậu đề cử cùng Nguyễn Thiên Tích làm hình quan để xét xử và tra tấn. Đinh Liệt và Nguyễn Thiên Tích những trung thần vừa là bạn của Nguyễn Trãi, muốn cứu Nguyễn Trãi, nhưng trước thế lực của Hoàng thái hậu, không làm gì hơn được.
(81) Tứ mã phân thây

 

Kính mời quý vị đón xem chương 20
 

Chương 20

Chuyện rắn báo oán.

Hoàng Thái hậu gọi chầu khẩn cấp
Những tay chân cùng tập cùng đoàn
Anh em Lương Dật, Lương Đăng
Tạ Thanh, Thúc Huệ nói năng chung lời
*
Thêm nhiều kẻ xu thời theo thế
Quyết tận dùng quỷ kế hại người
Ức Trai, Thị Lộ suốt đời
Cái gai đâm mắt bọn người dèm pha
*
Chuyện thứ nhứt bắt tra bắt khảo
Bắt nhận nhìn tội cáo giết vua
Dầu cho biết rỏ lý do
Cũng là nguyên cớ hay ho nhứt đời
*
Để trừ khử những người ngăn trở
Để dọn đường nắm giữ uy quyền
Từ đây trên một con thuyền
Mủi rồng mui phượng xuôi miền vinh quang
*
Chuyện kế tiếp truyền loan tin huyển
Rắn trả thù tại huyện côn Sơn
''Ức Trai về giữa núi non
(1820) Khai quang phát rẩy, cất trường lập am
*
Đêm hoang vắng thảo lam đơn bạc
Bên đèn chong gió mát trăng thanh
Đọc xong mấy quyển Tứ kinh
Mỏi mòn ngủ thiếp giật mình chiêm bao
*
Thấy rắn mẹ xanh xao run rẩy
Cố van đừng cỏ vẩy cây cưa
Gia đình sum họp sớm trưa
Các con nhỏ dại 'nắng mưa' chưa tường
*
Nơi thôn vắng tình thương trọn vẹn
Cạnh bờ ao vun quén hang cùn
Gia đình một mảnh tình chung
'Mái nhà' nho nhỏ sống cùng với nhau
*
Giờ chưa biết nơi nào ẩn trú 
Các con thơ rừng rú khó qua
Xin Ngài mở lượng hải hà
Để cho con trẻ sống qua tháng ngày
*
Chợt thức giấc sao mai vừa ló
Tiếng van xin còn rỏ đâu đây
Bàng hoàng giữa giấc mơ say
(1840) Ánh trăng mờ tỏ, áng mây ngập ngừng
*
Lòng chưa biết nên dừng hay tiến
Một bên là mộng huyễn đêm khuya
Biết đâu hư thực phân chia
Làm sao nở để đoạn lìa tình thâm
*
Trong thực tế, hàng trăm em nhỏ
Đang đợi chờ trường sở khai trương
Hẹn nhau cắp sách đến trường
Trước lo thân thế, sau vươn màu cờ
*
Nặng với nhẹ không chờ không đợi
Trước tiền đồ chói rọi mai sau
Ai đâu ngăn giọt mưa rào
Để cho hoa cỏ úa xào sắc hương ?
*
Lòng đã chọn con đường tiến bước
Chỉ còn lo chuyện trước chuyện sau
Quên rồi cả giấc chiêm bao
Đến khi nhớ lại cỏ ao san bằng
*
Lòng chợt thấy băng khoăng tự nghĩ
Đi một vòng xem kỷ trước sau
Đến vùng bụi cỏ bờ ao
(1860) Giật mình chợt thấy máu đào thắm sâu
*
Thân rắn nhỏ đứt đầu lìa cổ
Đang còn nằm tại chổ phơi sương
Động lòng trước cảnh tang thương
Nhớ lời rắn mẹ sầu vương muôn ngàn
*
Trong tâm trí ngân vang tiếng nói
Tiếng khẩn cầu đau nhói tâm cang
'Xin Ngài mở lượng hà khoan
Xót thương con trẻ bên đàng đắng cay'

*Tiếng thỉnh cầu càng ray càng rứt
Tiếng van xin làm đứt ruột gan
Gió khuya, trăng lạnh đêm tàn
Bên đèn đọc sách ngổn ngang trăm đường
*
Bổng tâm trí như sương như khói
Bay lững lờ trong cõi hư vô
Lặng nghe tiếng độp mơ hồ
Giật mình chợt tỉnh thấy tờ máu loang
*
Vội ngẩng mặt lên trần nhìn thử
Thấy tia nhìn giận dữ câm gan
Rắn dài quấn trọn xà ngang
(1880) Cái đuôi đã đứt máu loang thân mình
*
Vội cúi xuống lén nhìn lên sách
Máu đã lần thấm rách trang đầu
Dở từng trang kế xem sao
Thấy ba tờ chẳn máu đào còn vươn
*
Lòng thấp thỏm như vương như vấn
Không hiểu rồi số phận ra sao
Điềm trên hung cát thể nào
Có liên quan với chiêm bao đau buồn
*
Rồi ngẩng mặt tìm luôn mấy lượt
Rắn mẹ sầu đã vượt hiên sau
Mây khuya che mất ngàn sao
Tiếng mưa thánh thót rót vào tâm tư
*
Nghe trĩu nặng âm u mấy ngả
Xót cảnh đời tơi tả gió mưa
Làm sao mặt mát lòng ưa
Xử sao cho vẹn cho vừa lòng nhau''.....
*
Một câu chuyện xáo xào mấy lượt
Tung tin ra dồn trước nén sau
Bảo rằng số kiếp trời cao
(1900) Ác lai ác báo trốn nào được đâu
*
Càng đanh ác thâm sâu hiểm độc
Máu ba trang tam tộc tru di
Rắn thần báo oán mấy khi
Mình làm mình chịu lấy gì kêu oan
*
Thế mới biết giàu sang chung đỉnh
Làm hoen mờ trí tỉnh hồn ngay
Những người đưa đến nạn tai
Sẽ cùng đón nhận một ngày thê lương...

Nguyễn Gia Linh

Kính mời quý vị đón xem chương 21

Chương 21

 

Nỗi oan khó giải

  

Đang kinh lý nơi vùng Đông Bắc
Được tin vua trọn giấc ngàn thu
Sãm gầm gió chuyển âm u
Mắt lòa tia chớp, tai ù tiếng vang
*
Hồn chới với giữa ngàn sao rụng
Nét đau thương lên đụng trời xanh
Tiếc thương người đã tạo thành
Nước non tươi tốt, dân lành yên vui
*
Còn nhớ kỷ tiếng cười tiếng pháo
Của mùa Xuân Hội khảo vừa qua
Nhân tài chen giữa lá hoa
(1920) Quyết đem sức mỏng tài ba giúp đời
*
Lòng muốn hỏi mệnh Trời sao nở
Không để Người chống đở phong ba ?
Đưa dân, đưa nước, đưa nhà
Đến nơi an lạc thái hòa phồn vinh
*
Đạt cao điểm tiến trình minh mẩn
Đã đến thời biết nhận nhìn xa
Tiếc thay dòng suối chan hòa
Ai đem đá lấp cho hoa chóng tàn
*
Rồi sửa soạn hành trang trở lại
Kinh thành xưa vọng bái quân vương
Trong đời dồn hết tình thương
Cùng ai bày tỏ khỏi vương vấn lòng
*
Người lảo bộc theo ông từ nhỏ
Vội khuyên can chờ rỏ ngọn ngành
Từ lâu nơi chốn kinh thành
Mưu sâu ké hiểm sẳn dành chờ ông
*
Sớm biết rỏ tấm lòng Thái hậu
Chỉ thích nghe hòa tấu điệu đàn
Do mình đặt nốt xê xang
(1940) Do tay mình khải khúc ngang, bổng, trầm
*
Ai làm tắt làm câm tiếng hát
Quên vần thơ lục bát gọi về
Thì nên sống ở sơn khê
Kinh thành là chổ khó bề dọc ngang
*
Nhưng Nguyễn Trãi sẳn sàng chấp nhận
Thà để người trái phận với ta
Ân vua ta vẫn chan hòa
Về kinh để tỏ lòng ta với Người
*
Hành lý sẳn thuyền xuôi bến cũ
Trở về kinh, lòng ủ rũ buồn
Nhưng đôi dòng lệ chưa tuôn
Thì ông đã được giải luôn vào tù
*
Trong khám lạnh tai ù chân mỏi
Nhìn vợ hiền sóng soải trên sân
Ruột đau như thể bị dần
Tâm can đoài đoạn muôn lần đớn đau
*
Rồi ngẫm nghĩ trước sau như một
Đến giờ đây không thốt nên lời
Bên ngoài các bạn không lơi
(1960) Cố tim mọi cách để dời núi non
*
Như Nguyễn Xí trung cang nghĩa dỏng
Quyết sẳn sàng bạo động dấy quân
Nhưng ngài Đinh Liệt cản ngăn
Sợ rằng sẽ hại đến thân tôi hiền
*
Nếu mãi sợ, đảo điên vẫn đến
Không quyết tâm đốt nến soi đường
Thì bao oan ức vấn vương
Phạm Văn, Nguyên Hãn, pháp trường kêu oan (82)
*
Buổi xét xử, hai hàng văn võ
Trong sân triều, lo sợ không an
Nhân Tông chễm chệ ngai vàng
Ngồi yên nhờ có hai nàng cung nhi (83)
*
Sau màn mỏng, uy nghi Thái hậu
Nhiếp chính quyền chờ tấu chờ thưa
Tia nhìn qua bức màn thưa
Tìm xem ai dám trốn vua không chầu 
*
Còn ai nữa, công hầu chẳng quản
Chỉ khóc than tình bạn lâu đời
Nỗi lòng không thể nào vơi
(1980) Mắt cay miệng đắng, một lời không ra
*
Củng không thể 'ra tòa' chứng giám
Để xem người nhủng lạm quyền uy
Nên đành cáo bệnh hồi quy
Vì không muốn thấy những gì ứa gan
*
Lòng Nguyễn Xí, chứa chan tình cảm
Oán hận mình không dám ra tay
Cùu người trung hậu thẳng ngay
Để giờ than khóc đêm ngày không quên
*
Buổi xét xử, không kèn không trống
Đúng vở tuồng, nhân chứng, vật tang
Lương y, cung nữ rỏ ràng
Người manh tâm giết Thánh hoàng là ai ?
*
Là Thị Lộ chính tay đổ thuốc
Do Ức Trai, mưu chước đoạt quyền
Nhẩn tâm giết chết vua hiền
Tội danh khó tránh nhản tiền tru di
*
Tạ Thanh bảo chồng ti vợ tiện
Bà đã khai hết chuyện nguồn cơn
Tại sao chuốc oán gây hờn
(2000) Giết vua tàn nhẩn mà còn kêu ca
*
Nay ông phải khai ra sự thật
Nghe xong rồi bổn chức xét sau
Nếu ông muốn tránh đòn đau
Thì ông quyết định mau mau khai rành

Đời lắm chuyện, Tạ Thanh lắm lưởi
Vừa chứng nhân, vừa hỏi cung người
Bao nhiêu nhân chứng một lời
Chính tay Thị Lộ, thuốc mời đức vua
*
Chứng cớ rỏ, thuốc vừa mới đổ
Thì nhà vua vừa trở trăn liền
Chắc rằng không phải thuốc tiên
Cùng người đổ thuốc không hiền gì đâu
*
Tuồng vu cáo từ đầu chí cuối
Chính Tạ Thanh vừa xúi vừa hâm
Đúng là cơ hội ngàn năm
Công danh quyền quý trong tầm tay thôi
*
Nhóm cung nữ biết đời ngắn ngủi
Thân phận mình kiến muổi ra chi
Mặc ai xử dụng quyền uy
(2020) Dám đâu hó hé xầm xì nhỏ to
*
Trước uy hiếp chỉ lo thân thế
Nào đắn đo suy nghĩ vạ tai
Hại người trung liệt thẳng ngay
Vô tình giết chết nhân tài nước non
*
Đinh Liệt thấu nỗi oan Nguyễn Trãi
Nên đã về Trại vải điều tra
Cố công tìm mãi chẳng ra
Nguyên nhân chứng cớ để mà biện phân
*
Vốn sớm biết tiền thân Thái hậu
Cùng cội nguồn dòng máu Bang Cơ (84)
Muốn đưa Nguyễn Trãi sang bờ
Hỏi bao yếu tố mập mờ trình ra
*
Trãi chán nản câu tra lời khảo
Không cảm thông ý hảo lòng lo
Một người bạn giữa dằn co
Bên trung bên nghĩa biết so nẻo nào
*
Vì trước mắt ngăn rào lấp ngỏ
Không làm sao bày tỏ nguồn cơn
Đành cam ôm oán nuốt hờn
(2040) Biện minh gì nữa khi đờn đùt giây
*
Thương vợ yếu thân gầy tan tác
Vẫn bền lòng dầu thác không than
Nhìn ai lệ đỗ hai hàng
Cùng nhau ta chịu hàm oan suốt đời
*
Người củng cố long ngôi tuyệt đỉnh
Cùng nắm quyền nhiếp chính trong tay
Diệt người ý thẳng lời ngay
Để không còn thấy cái gai quanh tròng
*
Lệnh phán quyết cuối cùng xuất hiện
Từ sau màn lay chuyển không gian
Tạ Thanh trình bức 'cẩm nan'
Thẩm hình Mật viện, ngổn ngang nỗi lòng
*
Nguyễn Thiện Tích, khòm lưng đứng dậy (85)
Nhiệm vụ mình chỉ bấy nhiêu thôi
Không can không tỏ một lời
Không đem tiếng nói của người cầm cân
*
Lời nghèn nghẹn, mấy lần không thốt
Giọng run run như đốt ruột gan
Tội danh đã quá rỏ ràng
(2060) Tru di tam tộc, làm gương cho đời
*
Lời phán quyết Đất Trời nổi sóng
Trận phong ba chuyện động tâm hồn
Bao dòng nước mắt rơi tuôn
Bao nhiêu uất hận khơi nguồn trào dâng
*
Vẫn giữ vững tinh thần khẳng khái
Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi nhìn nhau
Cố ngăn giọt lệ tuôn trào
Cố đem chánh đạo đi vào thiên thu
*
Bổng tiếng quát bay vù vô điện
Nguyễn Cạy vừa xuất hiện trước đền (86)
Đương kim Đại tổng vang rền
Quỳ tâu xin được ghi tên chung dòng
*
Nhưng Thái hậu vẫn không lay chuyển
Bảo đuổi ra khỏi điện tức thời
Cạy đành xử lý cuộc đời
Đập đầu vô cột tỏ lời nhớ ơn
*
Thi thể Cạy nằm yên trong điện
Tả Kim Quân vội tiến lên trình (87)
Thái hậu, Bệ hạ, anh minh
(2080) Xét suy bản án Thẩm hình đưa ra
*
Hạ thần nghĩ điều tra chưa rỏ
Những vật tang không tỏ được gì
Theo thần không phải Lễ Nghi
Vì chưng thuốc độc không di áo quần
*
Nhưng quần áo Tiên Vương không thấy
Không thể nào kết lấy tội người
Cầu mong Thái Hău sáng soi
Giảm khinh hình phạt, giữ lời công tâm
*
Nghe tâu rổi, hầm hầm nổi giận
Bản án kia đã phán quyết rồi
Nếu ông còn có nhiều lời
Chức quyền tước hết, xa rời thành đô
*
Đặng Hiếu Lộc không chờ không đợi
Nộp áo quan cùng với cân đai
Một lần sau cuối bái dài
Thụt lùi, quay gót ra ngoài triều trung
*
Quan văn võ run run hổ thẹn
Nhìn bóng người khuất dạng qua thềm
Củng cùng chân yếu tay mềm
(2100) Mà người đáng mặt bạn hiền tôi ngay
*
Bổng cung nữ từ ngoài đâm sổ
Chạy vô triều to nhỏ Tạ Thanh
Ngự Y treo cổ từ trần
Vì không chịu nổi nhục nhằn khai ngoa
*
Bao biến cố xảy ra cùng lúc
Nhưng Mẫu hoàng một mực không lui
Án kia dã xử xong rồi
Ta đây ra lệnh giải hồi lao cung

Nguyễn Gia Linh

(82) Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn đã chết oan dưới triều của Lê Thái Tổ
(83) Khi lên ngôi vua, Lê Nhân Tông mới vừa được 3 tuổi âm lịch
(84) Theo Hoàng Công Khanh trong Vằng vặc sao khuê, Đinh Liệt chỉ dám tiết ra những căm uất bằng những câu thơ nói lái như sau :
Nhung Tân sáu tháng đã ra hoa
Nòi giống ai đây quý lắm a ?
Dựa thế Tóng Thai làm thuốc thánh
Bình xưa rượu mới Thanh Y Khoa
Nhung Tân là Nhân Tông, Tóng Thai là Thái Tông và Thanh Y là Thị Anh
(85) Nguyễn Thiện Tích, Chánh sứ Thẩm hình nội Măt viện, là bạn thân của Nguyễn Trãi chỉ có bổn phận lo tuyên án mà thôi
(86) Nguyễn Cạy là Đại Tổng quàn bộ công, trước đây là học trò của Nguyễn Trãi, chớ không có họ với ông, xin được cùng chết với Người
(87) Đặng Hiếu Lộc, làm quan đến chức Tả Kim Ngô Đại tướng quân, đã trả áo mủ về quê làm thầy thuốc


Kính mời quý vị đón xem chương 22
 

Chương 22

 

Trời sầu đất thảm

 

Đèn thắp sáng tưng bừng náo nhiệt
Đêm hoa đăng xanh biếc đủ màu
Trẻ em rộn rả xôn xao
Càm đèn cá chép đón chào hằng nga
*
Cùng lủ lượt năm ba đám trẻ
Hát vang lên mừng lễ trăng rằm
Trung Thu, tháng tám mỗi năm
Đèn hoa đủ loại, tay cầm miệng ca 
*
Theo gió mát chan hòa cuộc sống
Ánh trăng vàng tỏa rộng trời cao
Trong đêm lấp lánh ngàn sao
(2120) Gởi theo tia sáng muôn hào quang xưa
*
Cùng hòa tấu, tiếng khua tiếng nhịp
Bước chân đều nối tiếp lời ca
Nếu ngồi ngẫm nghĩ suy ra
Thấy lời trẻ dại chan hòa hồn nhiên
*
'Rằm tháng tám gió hiền mây thảo
Đốt đèn hoa đi dạo khắp nơi
Ánh đèn cùng với trăng soi
Đem điều mong ước, đem lời khuyên răn'
*
Như dồn hết hào quang năm tháng
Cho đêm rằm tươi sáng năm nay
Trăng đầy vừa khuất rặng cây
Gió giông nổi dậy đón ngày âm u
*
Gió từng loạt, mây mù giăng khắp
Bao lá vàng tới tấp bay đi
Đau buồn trước phút chia ly
Tiếc thương giờ biết nói gì tiễn đưa
*
Tiếng gió hú như chưa thỏa hận 
Tiếng phượng hoàng căm phẩn bay xa
Đem theo giọt lệ chan hòa
(2140) Của người thương nước thương nhà đảo điên
*
Ba tiếng oác triền miên không dứt
Một kiếp người chính trực ra đi
Tiếp theo ba họ tru di
Ngàn năm lịch sử còn ghi hận nầy
*
Ôi phong kiến, độc tài gian ác
Sao quyền uy phó thác vào tay
Những người kém đức vô tài
Chỉ đem non nước đến ngày diệt vong
*
Ngày hôm ấy, trăng lồng máu đỏ (88)
Trăng không còn chiếu tỏ như xưa
Nam Đông Quan, khói nhang thừa (89)
Người dân tìm đến sớm trưa khẩn nguyền
*
Rồi lủ lượt bạn hiền dân quý
Từ xa xôi thành thị về thăm
Đốt lên một chiếc nhang trầm
Khói tan hương tỏa âm thầm lệ rơi
*
Gò mối vắng thành nơi linh hiển
Nơi dân lành cúng kiến vái xin
Thị Anh nghe nói bất bình
(2160) Truyền ra lệnh cấm dân tình tham quan
*
Ròi từ đó đem quân canh giữ
Không còn ai đến dự đến thăm
Bổng đâu một tối mưa dầm
Bài thơ năm chữ khai thầm tội ai (90)
*
Thơ được dán giữa ngay bảng cột
Chứng tỏ người bí mật vào đây
Đem ra ánh sáng phơi bày
Ẩn tình cung cấm, đến ngày tru di
*
Chuyện thứ nhứt loại đi Hoàng Tử
Rồi lần hồi bức tử Sát, Ngân
Đuổi Nguyên, Huệ khỏi long sàn
Trung thần đem giết, ngai vàng cho con 
*
Ai là kẻ chơi đòn bí hiểm ?
Dám chọc gan người chiếm uy quyền
Chắc rằng muốc chuốc lụy phiền
Vì chưng Thái Hậu khó quên tội nầy
*
Hõi Tạ Thanh ai bày quỷ kế
Thích chơi trò ném đá giấu tay ?
Hành văn có một không hai
(2180) Chuyên môn nói lái, chính ngài họ Đinh
*
Không chứng cớ, tội tình khó bỏ
Quyết bày trò bắt bớ giam cầm
Trước là làm tắt làm câm
Những lời chống đối, những mầm phản vong
*
Giờ Đinh Liệt thấy lòng ray rứt
Vì đã không bênh vực Ức Trai
Để người lảnh lấy nạn tai
Tru di ba họ không tài nào quên
*
Trong khám lạnh, không đèn không viết
Đêm hay ngày nào biết điều chi
Giận mình không kịp nghĩ suy
Đến khi sực tỉnh còn chi bạn hiền
*
Nhìn tổ quốc đảo điên biến đổi
Người nắm quyền nguồn cội chưa thông
Lại đem chánh sách cùm gông
Đưa dân đưa nước đến vòng khổ đau
*
Càng ngẩm nghĩ càng nao nóng dạ
Thẹn cho mình đã quá ngu si
Tưởng đi tùng bước chậm rì
(2200) Là tìm ra được nh"ng gì biện phân
*
Tưởng cứu bạn khỏi lằn sấm sét
Nào ngờ đâu gió thét mưa gào
Đại dương nổi sóng ba đào
Đẩy người trung liệt rơi vào trầm oan
*
Tiếc thương bạn bầm gan tím ruột
Hận cho mình quyền chước không thông
Từ nay mắt nhấm đừng trông
Miệng câm đừng nói cho lòng bình yên (91)
*
Tạm ẩn nhẩn neo thuyền đợi bến
Chờ đến khi gió chuyển mưa lành
Tránh qua cơn sốt hôi tanh
Giết người bịt miệng, tánh danh rõ ràng
*
Bốn cung nữ theo hàng phục dịch
Lệ Chi cung sử tích thương đau
Pháp trường máu hận sôi trào
Hoạn quan Thắng, Phúc bôn đào được đâu (92)
*
Đời cho thấy bể dâu lắm nẻo
Gây hận nhiều, họa lẻo đẻo sau
Tạ Thanh tưởng phúc quyền cao
(2220) Ngờ đâu rồi cũng qua cầu đắng cay
*
Gieo tiếng ác, lảnh ngay quả báo
Cố hại người, củi tháo được không ?
Ai đem danh lợi thay lòng ?
Mà mơ ngày sáng đêm trong suốt đời
*
Lê Nguyên Sơn một thời vênh váo
Ngở trọn đời núp áo hoàng gia
Cũng là quốc phẳm triều ca
Mà Hoàng Thái hậu chính là người yêu
*
Nào ai nhớ một chiều mưa gió
Những ấp ôm, lời tỏ mê say
Ngày nay để tránh tiếng tai
Sai người rạch mặt, đuổi ngay khỏi triều (93) 
*
Máu thẩm chảy theo nhiều năm tháng
Những oan hồn lảng vảng đâu đây
Từng đêm theo với ngàn mây
Trở về đòi mạng, kết giây oan cừu
*
Hoàng thái hậu đêm thâu kinh hoảng
Hét la xin tha mạng van cầu
Sợ rằng theo xuống vực sâu
(2240) Diêm vương trừng trị nấu dầu chẳng tha
*
Thuốc không chuyển, bệnh tà không giảm
Cứ đêm đêm hốt hoảng kêu than
Rước thầy về cúng giải oan
Số người chết thảm, chưa tan hận lòng
*
Muốn giải thoát khỏi vòng ám ảnh
Muốn tâm hồn như ánh thiều quang
Giò đây từ bỏ tham tàn
Thi ân bố đức hạt tràng lần xoay
*
Lời khuyên nhũ của Thầy Trần Mỗ (94)
Trước hãy lo cúng độ vong linh
Sau đem lượng cả dung tình
Thứ tha tội trạng không rành căn nguyên
*
Trăng vừa khuất giữa miền thôn dã
Nắng hồng mơ gốc rạ đồi hoang
Thấy ai xa lánh bạo tàn
Mà nghe réo rắt cung đàn đâu đây
*
Người gây oán không chầy cũng chóng
Trả tội mình khuấy động nhân tâm
Nếu còn nghĩ đến đức ân
(2260) Mới mong giảm được mấy phần nghiệp oan
*

Nguyễn Gia Linh

(88) Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và gia đình bị giết ngày 16-08-1442 (âm lịch) hay ngày 19-09-1442 (dương lịch)
(89) Pháp trường nằm ở phía Nam Đồng Quan
(90) Bài thơ năm chữ như sau (theo Vằng Vặc sao khuê của Hoàng Công Khanh và Nguyễn Trãi, bản hùng ca Đại cáo của Bùi văn Nguyên)
Đông cung tẩy dứt bóng
Phủ Tể tướng dọn quang
Nhổ cỏ triệt tận gốc
Nguyên, Huệ đuổi khỏi giường
Trung thần lôi ra giết
Thái tử vững ngai vàng
Triều Lê êm thấm đổi
Tuyên Từ kín mưu gian
Đông Cung là Lê Nghi Dân, phủ Tể tướng gồm Lê Sát và Lê Ngân, Nguyên Phi chỉ Lê Ngọc Dao, Huệ Phi là Lê Nhật Lệ, trung thần chỉ Nguyễn Trãi, Tuyên Từ chỉ Hoàng Thái Hậu
(91) Đinh Liệt bị giam cầm trong 8 năm, nhờ người của Hoàng gia cầu xin mới được thả
(92) Hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc bị giết vì trong phiên xử Nguyễn Trãi than là đã không nghe lời Thắng, Phúc . Bốn cung nữ theo hầu ở Lệ chi viên bị bắt uống thuốc độc.Tạ Thanh sau đó cũng bị xử tử
(93) Để cho người đời không nhìn thấy là vua Lê Nhân Tông có diện mạo giống Lê nguyên Sơn, bà Hoàng thái hậu cho người rạch mặt cắt lưởi Sơn và đuổi di xa.
(94) Trần Mỗ đã từ quan dưới triều Lê Thái Tổ, ngao du sơn thủy và đã khuyên Trần Nguyên Hãn nên trốn tránh nhưng Hãn không chịu nghe

 

Kính mời quý vị đón xem chương 23

 

Chương 23

 

Thuở ấu thơ

 

Tin sét đánh như làn sấm chớp
Vượt không gian và vượt thời gian
Lắng tai nghe tiếng kinh hoàng
Ruột đau đòi đoạn, hai hàng châu sa
*
Còn đâu nữa bút ngà ý thép
Người còn đâu làm đẹp non sông 
Từ đây mất một ân công
Trọn đời vì nước không lòng riêng tư
*
Trước hương án cúi đầu khấn lễ
Càu Phật Trời tế độ siêu thăng
Hồn thiêng ở chốn suối vàng
Mau mau tìm đến thiên đàng nghỉ ngơi
*
Ân nghĩa đó muôn đời ghi tạc
Tình sâu kia đến thác không quên
Kiếp nầy chưa kịp đáp đền
Dạy con đốt đuốc chong đèn kiếp sau
*
Kể từ đãy Ngọc Dao cương quyết
Dạy cho con điều thiệt lẽ hay
Đêm đêm kinh sử dồi mài
(2280) Ân sâu vẫn nhớ, nghĩa dày vẫn ghi
*
Sống trong cảnh rừng sâu biển rộng
Giúp hồn người hiển lộng ngàn khơi
Tư Thành từ lúc chào đời
Ghe thuyền là bạn, núi đồi là quê
*
Trong sương sớm tư bề lặng lẽ
Ánh dương hồng vừa hé hào quang
Lung linh sóng nước nhịp nhàng
Thuyền câu thấp thoáng giữa ngàn trùng khơi
*
Gom sức sống, mộng đời lay chuyển
Nếm gian lao, rèn luyện tâm hồn
Sương khuya, giông bão không sờn
Sá gì gió táp mưa đơn lạnh lùng
*
Trưa nắng dữ lên rừng hái trái
Vượt đồi non chạy nhảy tung tăng
Sớm quen biển rộng mây ngàn
Núi rừng không thể che hàng mi cong
*
Đêm đèn sách theo dòng tư tưởng
Mẹ cùng con chí hướng luyện rèn
Trước mong học hỏi thánh hiền
(2300) Sau đem tài sức đáp đền ân xưa
*
Đàn chim én thoi đưa mấy lượt
Đóa mai vàng cánh mượt đòi phen
Ngôi cao giờ đã xây nền
Trong yên ngoài ổn vững bền triều ca
*
Hoàng Thái hậu sợ ma sợ quỷ
Mở từ tâm bố thí dân lành
Rủ lòng nhìn nhận Tư Thành
Đem về cung điện học hành dưỡng nuôi
*
Từ thơ ấu buồn vui không tỏ
Mẹ vẫn thường to nhỏ khuyên răn
Chớ đem tâm sự phân trần
Phơi bày mộng ước, lảnh phần họa tai
*
Theo gió thoảng lời bay vạn nẻo
Từ phương xa mây kéo về gần
Tránh sao gió tạt mưa vần
Đêm ngày học hỏi, chẳng cần lợi danh
*
Về cung điện được canh được giữ
Được ấm no, giấc ngủ yên lành
Sương khuya, đèn sách, trăng thanh
(2320) Thiên nhiên bè bạn, học hành giải khuây
*
Một chiều xuân gió hây hây thổi
Ánh dương hồng le lói trên sông
Muôn 'sao' lấp lánh theo dòng
Soi miền thôn dã, suối lòng trào dâng
*
Một hình bóng chập chờn sóng nước 
Đang ngồi vo gạo vóc bên sông
Tóc dài phủ mái lưng ong
Bàn tay thon nhỏ, mày cong đen huyền
*
Thêm khóe miệng cười duyên mộng ảo
Làn mắt xanh như tháo lồng son
Cánh chim bay lượn đầu non
Lăn tăn sóng nước như còn luyến lưu
*
Tư Thành thấy tâm tư xao động
Cơ hồ như tiếng trống tình yêu
Ý thơ sóng nước thủy triều
Cuộn dâng theo nhịp bước đều con tim
*
Một ý nghĩ đang tìm lối mở
Buột miệng trêu tiên nữ bên sông
''Trời mơ, gạo trắng, nước trong
(2340) Mến người, mến cảnh, nghe lòng mến thêm...''(95)
*
Câu lơ lửng giữa thềm ướm hỏi
Trong mơ hồ, gió thổi mây bay
Càng thêm ngơ ngẩn ngất ngây
Khi cô gái nhỏ ngẩng mày nhìn ông
*
Trông ánh mắt, nghe lòng rung động
Chưa định hồn bổng lắng tai nghe :
''Cát lầm, gió bụi, bờ tre
Lo đời, lo nước, lo bè... luôn cho'' (96)
*
Câu đối đáp làm ngơ ngẩn dạ
Chứng tỏ người chí cả sâu xa
Lại thêm nhan sắc mặn mà
Nói năng nhỏ nhẹ, đúng là thiên kim
*
Nào ai biết lương duyên tiền định
Phượng với Rồng vỗ cánh bay xa
Đấp xây cho nước cho nhà
Thăng Long sáng rực một tòa nước Nam
*
Giờ còn nghĩ non Lam núi thẩm
Nhớ ngày xưa tay lấm chân bùn
Yêu thương giữ chặt trong lòng
(2360) Đợi khi nắng ấm mây hồng xe duyên


Nguyễn Gia Linh 


(95) Tư Thành đã ướm hỏi cô gái bằng câu : Gạo trắng, nước trong, mến cảnh, mến người cùng mến cả...
(96) Cô gái là Nguyễn Thị Huyền, con gái thứ hai của quan Thái Bảo Nguyễn Đức Trung, sau nầy là Hoàng Hậu của vua Lê Thánh Tông tức Tư Thành, trả lời như sau : Cát lầm gió bụi, lo đời lo nước hãy lo cho...

 

Kính mời quý vị đón xem chương 24

 

Chương 24

 

Ngày tàn bạo chúa

 

Cùng xuôi bến theo thuyền trở lại
Sau những năm sợ hãi kinh hoàng
Trốn chui giữa xóm cùng làng
Thành Đô giờ cũng huy hoàng như xưa
*
Nhờ Thái Hău sợ mưa sợ gió
Nên được về sống ở triều ca
Nghi Dân trong chốn phồn hoa
Nhớ năm tháng cũ, tưởng là chiêm bao
*
Lòng hận tủi không sao quên được
Đem niềm vui che mắt thế gian
Ngày rong ruổi ngựa đi săn
Đêm mê giọng hát, cung đàn nỉ non
*
Say đắm đuối, môi son mắt phượng
Bàn tay thon chiều chuộng đẩy đưa
Non cao, cao mấy cho vừa
Suối sâu, sâu thẩm như chưa tỉnh hồn
*
Hoàng Thái Hậu không còn theo dõi
Nên rảnh rang đi tối về khuya
Kiếm người mua nắng bán mưa
(2380) Tận tình giúp đở sớm trưa không màng
*
Đem danh lợi cao sang quyến dụ
Cùng vạch rành lối mở đường che
Biết đâu chốn ở nơi về
Bão giông chẳng ngại, chớp loè chẳng lo
*
Rồi một tối mưa to gió cuốn
Nghi Dân cùng đồng bọn leo thành
Theo vùng bóng tối vây quanh
Đến nơi tẩm điện riêng dành Nhân tôn
*
Đang mê mang thả hồn vào mộng
Bổng chợt nghe tiếng động đâu đây
Giật mình chưa tỉnh giấc say
Ánh gươm thoáng đã đưa ngoài trời mơ (97)
*
Một đời vua ! cuộc cờ đã chuyển
Sóng hoàng cung lại quyện liên hồi
Thị Anh chưa kịp tỉnh hồi
Cũng vừa đến lúc nếm mùi lao lung
*
Hồi trống lệnh trào trung triệu tập
Văn vò quan khẩn cấp vào chầu
Bàng hoàng, ngơ ngác nhìn nhau
(2400) Ngôi vua đã đổi, vàng thau khó lường 
*
Nghi Dân quyết trấn an thiên hạ
Vội thưởng khen những gã hết lòng
Những người chung sức góp công
Những ai tôn thất chung dòng hoàng gia
*
Khắc Xương được phong là hội chủ
Của Cung vương nắm giữ bên ngoài
Tư Thành, biệt đãi hơn ai
Huy Gia vương được đêm ngày lân la
*
Vì thông cảm ngày qua đau khổ
Sống trốn chui ngách ngỏ hang cùn
Lang thang gió biển hương rừng
Kết đời phiêu bạt theo từng mây trôi
*
Nhưng tội lỗi muôn đời không giảm
Của Thị Anh khi nắm quân quyền
Gió giông bão tố triền miên
Hồn oan vất vưởng trọn miền Đông Quan
*
Gây sóng hận lảnh phần bão lộng
Gieo oan cừu gặt giống thảm thương
Cung son đâu mãi xuôi đường
(2420) Giết người rồi cũng pháp trường phơi thây 
*
Nghi Dân quyết đổi thay quy chế
Đưa Đồn, Ban khống chế cựu thần (98)
Những người phản đối bất tuân
Quyết đem giết hại bất cần cản ngăn (99)
*
Các trung thần đến thăm Đinh Liệt
Sau những năm chôn chặt đáy lòng
Niềm đau cất dấu tận cùng
Bên trong khám lạnh, giữa vùng trời đen
*
Nay nhìn thấy bạn hiền xưa cũ
Sống giữa triều hội đủ thối tha
Quyết đem tâm huyết gọi là
Cùng nhau cất lại mái nhà ấm êm (100)
*
Vì không thể chong đèn mưu tính
Giữa thành đô vách thính tường xuyên
Mọi người đành phải ủy quyền
Dành cho Nguyễn Xí ''kéo thuyền ra khơi''
*
Kể từ lúc hận đời bạc bẻo
Khóc thương người lá héo cành khô (101)
Hơi sương che mí mắt mờ
(2440) Thoảng trông tìm đến sống nhờ Nhị Khê (102) 
*
Cùng cương quyết ăn thề kết nghĩa
Không thẹn cùng tiên đế thánh nhân
Ai người tùng bọn thí quân
Làm sao đáng mặt công thần nhà Lê ?
*
Mưu kế sẵn, chọn giờ khởi điểm
Khi bước vào nội điện chầu vua
Mỗi người giữ thế tranh đua
Kiếm người khống chế, ngăn ngừa phản gian
*
Trong nháy mắt, Phan Ban đồng bọn
Tất cả đều bị tóm bị đâm
Tướng tài kèm chặt cấm quân
Cửa thành đóng kín, đi lùng gian nhân
*
Giữa biến động Nghi Dân chạy trốn
Cho người tìm khắp chốn hoàng cung
Còn đâu một chúa lẫy lừng
Bên hòn non bộ, tránh từng dấu chân!!
*
Khi tìm thấy Nghi Dân chống cự
Đinh Liệt đành khuyên nhủ tạm giam
Ông vua dầu có tàn tham
(2460) Giết vua mang tiếng tôi hàm phản vong 
*
Ngày hôm sau giáng phong hầu tước
Giải lụa mềm tự giết đời vua (103)
Thương thay trong chốn mưa đùa
Quy quyền danh vọng đánh lừa thế nhân

Nguyễn Gia Linh

(97) Vua Lê Nhân Tông bị giết đêm mồng 3 tháng 10 năm Kỷ Mẽo (1459)
(98) Phạm Đồn, Phan Ban, Lê Đắc Ninh những tay chân đắc lực của Nghi Dân, nhứt là Lê Đắc Ninh nguyên là Đô chỉ huy đội cấm binh bảo vệ hoàng cung của vua Lê Nhân Tôn
(99) Những cựu thần chống sự độc đoán của Nghi Dân như Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ... đều bị giết
(100) Theo Hoàng Công Khanh trong Vằng Vặc Sao khuê, Đinh Liệt đã đọc bài thơ sau đây cho các trung thần nghe :
Ra ngục mây đen kín trời đất
Ánh chiều mờ nhạt khuất non bên
Đãm trung ai đó trăm vò võ
Dám kéo vừng dương dưới đáy lên ?
(101) Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc
(102) Đặng Hiếu Lộc sau khi trả áo mão về Nhị Khê làm thầy thuốc, thường chửa bệnh đau mắt cho Nguyễn Xí
(103) Nghi Dân chết vào tháng 6 năm 1460 sau 8 tháng trị vì.

 

 

Kính mời quý vị đón xem chương kết cuộc 25

 

 

Chương 25

 

 

Vằng vặc Sao khuê

 

 

Các công thần họp bàn chánh sự
Quyết chọn người nắm giữ triều ca
Nếu theo thứ bực trong nhà
Khắc Xương xứng đáng lên tòa long ngai
*
Nên được cử đến ngay Cung viện
Thỉnh Khắc Xương chấp chưởng quân quyền
Lê Lăng vừa thỉnh vừa khuyên
Cung Vương nhứt quyết xuôi thuyền trên sông
*
Vì tự biết tấm lòng phong nhã
Sống cuộc đời thư thả nho sinh
Không tài điều khiển cung đình
Thà làm dân sống thỏa tình ngao du
*
Quý quá thay ! Nhân từ hiếu tử
Không đổi dời quyết giữ lòng son
Mấy ai vẹn chữ sống còn ?
(2480) Coi thường danh lợi, xem lờn quyền uy ? 
*
Trước con người biết suy biết luận
Các công thần cẩn thận đề cao
Trong cơn giông tố rạt rào
Ngược theo làn gió cũng đào mồ chôn
*
Người hội đủ tâm hồn đất nước
Cả văn tài dũng lược điều binh
Còn ai nhân đức chí tình?
Thuộc dòng quý tộc, Tư Thành Huy Gia!
*
Được đề cữ đến nhà vương tử
Đinh Liệt mời nắm giữ nước non
Trước đem chí cả lòng son
Sau đem tài đức đúc hồn Thăng Long
*
Kể từ đãy Thánh Tông tức vị (104)
Quyết chăm lo cương kỷ nhà Lê
Tận dùng tài đức đôi bề
Đấp xây gìn giữ những lề lối xưa
*
Một tấc đất không thua không nhượng (105)
Một cõi lòng nhiều thưởng ít chê
Lấy câu tận sức làm lề
(2500) Học hành, công việc mọi bề lo toan 
*
Ngày với tháng trăng tròn lại khuyết
Gió đùa trăng biền biệt đưa xa
Bốn năm thầm lặng trôi qua
Mắt buồn theo bóng chiều tà lãng quên
*
Một màu xám trên nền xanh thẳm
Nhớ đến người lệ đẩm hoen mi
Ngày nay ngôi cả trị vì
Nhớ ai đã bị tru di thảm lòng
*
Hoàng Thái hậu mòn trông mỏi đợi
Đứa con yêu nghĩ tới người xưa
Quang Thục còn thấy thẹn thùa (106)
Tình oan chưa giải, lòng chưa hết buồn
*
Nhìn thấy Mẹ lệ tuôn lả chả
Thánh Tông quỳ xin tỏ nguồn cơn
-Tại sao giọt lệ tủi hờn
Phải chăng con trẻ không tròn đạo con ?
*
-Con có nhớ mẹ còn sống sót
Và con ngồi chót vót trên cao
Nhớ ngày hẩm hút cháo rau
(2520) Nhờ ai con, mẹ tại đào yên thân ?
*
-Con vẫn nhớ công thần Nguyễn Trãi
Bị hàm oan tội phải tru di !
-Thế con làm được nh"ng gì ?
Ngày qua tháng lại có chi vui lòng ?
*
-Bẩm thưa mẹ, con không quên lãng
Đã từ lâu, ngày tháng chí tâm
Người về quê nội viếng thăm
Trước tìm con cháu, sau tầm văn thư 
*
Nhưng rất tiếc văn từ thiêu hủy
Vì sợ rằng liên lụy vào thân
Đến nay góp được mấy phần
Chỉ mong tìm lại hai Vầng Mây xanh
*
Luật Thư trước tạo thành nề nếp
Nay không còn dấu vết người xưa
Bình Ngô Đại Cáo mới vừa
Tìm thu mấy quyển vẫn chưa hài lòng
*
Trong các sách chổ không chổ có
Nhiều câu thơ nghĩa đỏ nghĩa đen
Tiếc thay bảng khắc đầu tiên
(2540) Do Lê Thái tổ đặt nền quốc gia
*
Theo thảm án nay đà thiêu hủy
Không thể tìm nguyên ủy nguồn cơn
Chỉ mong văn kiện vẫn còn
Trong tay bè bạn, cháu con ruột rà
*
Con còn muốn ngay Tòa Văn Miếu
Trước bàn thờ truy điệu Quốc dân
" Mãy ai đáng mặt công thần "
"Phò vua, dựng nước, dạy dân, cứu đời"
*
Đôi câu liểng, sáng ngời công đức
Lời hịch truyền thúc giục hăng say
Nước non nào quản chông gai
Quyết đem chiến thắng dệt ngày vinh quang
*
-Mẹ nào biết, con ngoan của mẹ
Đã âm thầm lặng lẽ nghĩ suy
Hạo ơi ! đáng bậc tu mi (107)
Từ đây mẹ chẳng còn gì để lo
*
-Con đã soạn xong tờ chiếu nhỏ
Dâng giấy vàng, triệu đỏ mẹ xem
Sao khuê sáng rực trước rèm
(2560) Hương danh Vũ Mục quyết đem sánh tài (108)
*
Trong buổi hội với hai công tước
Đinh , Nguyễn bàn việc nước việc non (109)
Đến hồi luật pháp vuông tròn
Tiếc thay Thư Luật không còn nghiệm suy
*
Vừa lúc, đô chỉ huy bẩm tấu (110)
Một ông già chống gậy xin tâu
Nói rằng mắt kém tay đau
Muốn cùng Thánh thượng cạn bầu tâm tư
*
Người còn bảo văn từ quan trọng
Chỉ tỏ cùng Thánh thượng mà thôi
-Nhà ngươi có hỏi khúc nôi
Tánh danh quê quán, hiện thời ở đâu ?
*
-Bẩm Thánh thượng, người tâu họ Nguyễn
Làng Nội Duệ thuộc huyện Tiên Du
Thần xem gương mặt hiền từ
Nho phong, khả kính hình như gặp rồi
*
Nghe nói thế, đang ngồi bật dậy
Quan Chánh sứ ! người đãy phải chăng ?
Thần xin ra tiếp người thân
(2580) Họ Đinh vừa tấu vừa lần khỏi cung
*
Nguyễn Thiện Tích khòm lưng làm lễ
Vua đở người xin hãy bình thân
- Việc chi người cứ phân trần
Tuổi già sức yếu còn lần lên kinh
*
Trẩm sung sướng thấu tình tôi chúa
Ông tuổi già xin tựa hiên tây
Sai người đến bẩm nơi đây
Việc chi mà phải tự đày tấm thân ?
*
Tâu bệ hạ, biết thần sức yếu
Mắt đã lờ, còn hiểu bao nhiêu
Nào đâu dám tỏ đôi điều
Cùng người không giữ được nhiều âu lo
*
Theo lệnh chỉ đã dò mấy quyển
Thần nghĩ rằng khó kiếm Luật Thư
-Chánh Sứ còn giữ văn từ ?
Thánh hoàng mừng rở, thật hư thế nào ?
*
Thưa Thánh thượng, làm sao có đư(r)c
Luật Thư đà bị đốt từ lâu
Nhưng khi làm Thẩm hình hầu
(2600) Những khi xử án, đêm thâu sưu tầm
*
Qua mấy lượt, trong tâm nhớ rõ
Có thể tâu bày tỏ thật hư
Cho người ghi chép để lưu
Sau đem sửa đổi thành thư Luật hình (111)
*
Vua sung sướng trần tình mọi lẽ
Tiên Vương đà san sẻ niềm tin
Khen người đúng bậc anh minh
Nước non sẽ được yên lành, nhờ ngươi
*
Nguyễn Trãi được mĩm cười chín suối
Thanh danh cùng tên tuổi đề cao
Rồi đây sáng tựa ngàn sao
Sử xanh công đức đưa vào thiên thu
*
Một buổi sáng mùa thu nắng ấm
Vua đón mừng họ Phạm nên danh
Lãy tên Anh Vũ học hành (112)
Ngày nay đỗ đạt, công thành vẻ vang
*
Vua cho đổi họ sang thành Nguyễn
Rồi bổ làm tri huyện Phú Xuyên (113)
Mong sao xứng đáng tôi hiền
(2620) Cố công học tập theo truyền thống xưa
*
Sao cho xứng kế thừa họ Nguyễn
Đem danh thơm lay chuyển đất trơi
Sao Khuê vằng vặc muôn đời
Dầu trong bão tố còn ngời tuổi tên
*
Thưa bệ hạ, thần quên chưa tỏ
Có một người tên họ Thị Xoan (114)
Trao thần một bức cẩm nang
Chính tay dì Lộ gọn gàng chép ghi
*
Bình Ngô Đại cáo ! khi thừa thiếu
Đã có nhiều không hiểu đúng sai
-Nếu là chính thực do tay
Lễ Nghi học sĩ, Lan Đài trổ hoa
*
Vua vội vã kính bà Quang Thục
Mời người xem nét bút khoan thai
Thướt tha phượng múa rồng bay
Dịu dàng như ánh ban mai lững lờ
*
- Dòng chữ đó còn ngờ chi nữa
Bức thư nây còn tựa song thưa (114)
Nhớ thương gợi mấy cho vừa
(2640) Ảnh hình năm tháng vẫn chưa phai mờ
*
Lệ thấm ướt theo tờ thư cũ
Tám ngàn ngày chưa đủ hy sinh (115) 
Người còn gởi gấm chút tình
Để tìm cho được công trình ngươi xưa
*
Với Nguyễn Trãi, con thừa ân nghĩa
Với Lễ Nghi, thấm thía dường bao
Mẹ cùng chung phận má đào
Không đành lòng để rơi vào lãng quên
*
Đây dòng chữ nói lên cảm nghĩ
Về con người có thủy có chung
Sương khuya dù có lạnh lùng
(2652) Ánh hồng sẽ rực theo từng mây tan


Nguyễn Gia Linh

HẾT

(103) Nghi Dân chết vào tháng 6 năm 1460 sau 8 tháng trị vì
(104) Vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460 và trị vì đư(r)c 37 năm (1497)
(105) Thời vua Lê Thánh Tông thời đại thịnh hành dưới triều Lê về văn cũng như về võ
(106) Hoàng Thái Hậu
(107) Hạo là tên ngoài của Tư Thành (Lê Thánh Tông)
(108) Khi giải oan cho Nguyễn Trãi vua Lê Thánh Tôn đã viết : 
Ức Trai lòng sáng ánh sao khuê
Vũ Mục bụng bày muôn giáp sĩ
(109) Đinh Liệt và Nguyễn Xí điều có tước công
(110) Luật Thư được chép lại, sửa đổi, sau nầy Lê Thánh Tông ban ra luật Hòng Đức
(111) Phạm Anh Vũ, con bà Phạm Thị Mận, người vợ thứ ba của Nguyễn Trãi, bà có mang khi Nguyễn Trãi bị giết và khi sanh Anh Vũ ra đổi tên là Phạm Anh Vũ để dễ bề trốn tránh
(112) Phú Xuyên là quê của bà Phạm thị Mẫn
(113) Thị Xoan là con của Già Bát, người lão bộc trung tín của Nguyễn Trãi, cũng là vợ của Đặng Hiếu Lộc 
(114) Bà Quang Thục còn giữ những bức thư trao đổi cùng Lễ Nghi học sĩ
(115) Từ khi chết năm 1442 đến khi được giải oan năm 1465

Khóc Lễ Nghi Học Sĩ
(Nguyễn Thị Lộ)


Bên vầng dương sáng, bóng giai nhân
Tranh đấu xông pha lướt bụi trần
Kháng chiến bao năm nêu tích sử
Lễ Nghi một thuở giúp minh quân
Đông Triều manh chiếu hương thơm nhẹ
Trại vải ly cung tiếng lạnh dần
Khí tiết sắc tài ai dám sánh ?
Sao làm hoen ố kiếp hồng nhan !

Nguyễn Gia Linh

Tài liệu tham khảo :
1) Truyện Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên, Hà Nội (1980)
2) Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo của Bùi Văn Nguyên, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội (1999)
3) Vằng vặc sao khuê của Hoàng công Khanh, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội (1998)
4) Việt Nam danh nhân tự điển của Nguyễn Huyền Anh, nhà xuất bản Zieleks, Texas (1981)
5) Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, nhà xuất bản Sống Mới, in lần thứ 10 (1968)
6) Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Đại Nam, in lần thứ 1 bởi Trung Tâm học liệu Sài gòn (1971)
7) Các Triều đại Việt Nam của Quỳng Cư Đỗ Đức Hưng, nhà xuất bản Ban Thanh Niên (1995)
8) Di tích lịch sử-Danh thắng Côn Sơn, Ban quản lý Di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (1996)

 

***
Nguyễn Gia Linh sang Pháp du học năm 1974, đỗ Tiến sĩ quốc gia về Hóa học, hiện đang làm việc tại Trung Tâm nghiên cứu Paul Pascal (Bordeaux). Là một nhà khoa học, lại sống xa quê hương hơn một phần tư thế kỷ, nhưng Nguyễn Gia Linh lại yêu thơ và yêu sử. Lệ Chi hận sử là một tập truyện thơ lịch sử gồm 2652 câu song thất lục bát.
Tác giả ca ngợi Nguyễn Trãi, nhà yêu nước lỗi lạc góp phần to lớn vào sự nghiệp cứu nước và dựng nước đầu thế kỷ 15, đề cao Nguyễn Thị Lộ, người phụ nữ tài ba đức hạnh, có công cứu sống một vị anh quân, khi còn nằm trong bụng mẹ (vua Lê Thánh Tông) đồng thời lên án bà Hoàng hậu độc ác cùng các nịnh thần đã vu cáo vợ chồng Nguyễn Trãi dẫn đến bản án thảm khốc tru di tam tộc.

Tuy kể truyện lịch sử, nhưng ngòi bút Nguyễn Gia Linh không kém phần tài hoa.
Hoàng Anh (đọc sách giùm bạn)

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.