Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu Tương An Quận Vương.
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 09:03:02 PM, Mar 23, 2009 * Số lần xem: 2644
Hình ảnh
#1


Tương An Quận Vương tên Nguyễn Phúc Miên Bửu (30 tháng 5 năm 1820 –8 tháng 3 năm 1854), tự Duy Thiện và Sư Cổ, hiệu Khiêm Trai và Mai Hiên. Ông là con thứ mười hai của vua Minh Mạng, là anh em cùng cha khác mẹ với Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Miên Trinh (Tuy Lý Vương). Và cả ba vị hoàng tử này cùng ở Tùng Vân thi xã, cùng được người đời xưng tụng là Tam Đường thời nhà Nguyễn, Việt Nam.

Nguyễn Phúc Miên Bửu sinh tại kinh thành Huế, là con của An tần Hồ Thị Tùy.
Bà Tùy còn có tên là Khiên (1795 - 23 tháng 11 năm 1839) người tổng Bái Ân, thuộc huyện Do Linh, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bà là con của Hồ Văn Chiêm (mất sớm, được truy tặng Cẩm Y hiệu úy), được nạp cung năm 1810, đến năm 1836 thì được phong An tần, là bậc thứ năm trong chín bậc phi tần thời Nguyễn. 

Miên Bửu sinh ngày 30 tháng 5 năm 1820 (tức 19 tháng Tư năm Canh Thìn) tại Thái Tử cung sau Thanh Hòa điện trong hoàng thành Huế.
Không rõ lúc mới sinh tên gì, chỉ đến khi vua Minh Mạng định “đế hệ thi”, ông mới có tên là Miên Bửu.

Năm 1825, Miên Bửu, được đến Dưỡng Chính đường học tập cùng với các anh em khác, trong số đó có Miên Thẩm, Miên Trinh. Năm 1827, vua sai dựng thêm Minh Thiện đường cho ông và Miên Thẩm, Miên Trinh ở chung, vì thế ba người rất thân nhau.

Năm 1833, ông được phép lập phủ riêng, đến năm 1836, thì được nạp thiếp (cưới vợ). Năm 1839, ông được phong là Tương Quốc công. Năm 1842, ông hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc.

Năm 1843, ông được gia phong Tương An công, được cử làm giáo đạo dạy hai hoàng tử và cũng là hai cháu ruột của ông, đó là Nguyễn Phúc Hồng Bảo và Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Sau Hồng Nhậm được truyền ngôi, tức vua Tự Đức. Còn Hồng Bảo, người cháu được ông tương đắc và yêu mến hơn, vì âm mưu giành lại ngai vàng nên bị giam rồi chết thảm trong ngục năm 1854, khi mới 29 tuổi.

Vua Tự Đức nghi Miên Bửu có nhúng tay vào vụ việc trên, song không có chứng cứ buộc tội. Buồn vì bị theo dõi và vì xót thương cho số phận Hồng Bảo, ông đóng cửa ở lỳ trong phủ riêng, lấy thơ và rượu làm khuây. Ông qua đời ngày 8 tháng 3 năm 1854 (tức mồng 10 tháng Hai năm Giáp Dần) khi 34 tuổi.

Năm 1878, nhân dịp lễ tứ tuần đại khánh, Tự Đức sai quan đến nhà thờ truy tặng ông là Tương An quận vương.

Tác phẩm
Nguyễn Phúc Miên Bửu là người văn võ kiêm toàn: kinh sử, thi phú, đàn tỳ bà, cưỡi ngựa, bắn cung đều giỏi. Khi mất, ông có để lại:

-Khiêm Trai thi tập, do một người em là Nguyễn Phúc Miên Tuấn tập hợp và cho khắc in sau khi tác giả đã mất (khoảng năm 1878-1883). Thi tập gồm 14 quyển, 655 bài thơ chữ Hán, làm theo thể cổ phong hoặc Đường luật, lấy đề tài tả cảnh, tự tình, vịnh truyện, vịnh vật...

-Khiêm Trai văn tập gồm 2 quyển, 74 bài.

Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều thơ Nôm, song vì không khắc in, nên thất lạc nhiều, chỉ còn lại:

-Hoài Cổ dài 100 câu và Trăm thương dài 36 câu, cả hai khúc ngâm đều được làm theo thể lục bát phối hợp song thất lục bát, để tỏ bày mối tình tri kỷ cùng nỗi xót thương thầm kín của tác giả đối với Hồng Bảo.

-Thơ Đường luật thất ngôn bát cú còn truyền lại 13 bài.

-Hòa Lạc ca (Bài ca về chiếc thuyền Hòa Lạc): liên ngâm cùng với Miên Thẩm, Miên Trinh.

-Truyện Từ Thức, diễn Nôm theo truyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

Căn cứ nội dung, Nguyễn Khuê tạm chia thơ Miên Bửu thành mấy khuynh hướng, lược ghi:

-Mảng thơ nói đến nếp sống của giai cấp quí tộc, lòng tôn quân, ca ngợi các vua nhà Nguyễn, như: Cung họa ngự chế sơ chính nguyên vận (Kính họa nguyên vận bài ngự chế sơ chính), Tạ từ y cung ký nhất luật (Kính chép một bài thơ luật tạ ơn vua ban áo)...

-Mảng thơ chịu ảnh hưởng Nho, Phật và Lão, như: Thuật sự, Khiển hoài (Giải nỗi nhớ), Linh Hựu quán niệm hương hành chí đồ trung đắc cú (Bài thơ làm trên đường đi dâng hương chùa Linh Hựu), Nhân sự (Việc người đời), Đăng các (Lên các), Đề Lão tử thừa ngưu xa quá quan đồ (Đề tranh Lão tử cỡi xe trâu qua cửa ải)...

-Mảng thơ sầu vì cha mẹ mất, anh em, bạn bè xa cách, như: Hạ nhật cảm hoài ký trọng đệ Chất Uyển (Ngày hè cảm hoài gửi em Chất Uyển), Lưu biệt thứ vận xá đệ Trọng Chân (Lưu biệt, họa theo vần em Trọng Chân), Tống nhân chi Quảng Nam (Đưa người đi Quảng Nam)...

-Mảng thơ sầu tình, thương vay khóc mướn, sầu trước cảnh thiên nhiên, hoài cổ, như: Không đề, Trách tình nhân lỗi hẹn, Thu khuê (Phòng khuê mùa thu), Đãi nguyệt (Chờ trăng), Sầu tư, Đại nhân điếu kỹ (Thay người điếu kỹ nữ), Du Tây Hồ hành (Khúc hát dao chơi Hồ Tây), Văn cầm (Nghe đàn), Bi xuân (Thương xuân), Long Biên hoài cổ thứ vận phụng họa Minh Tĩnh chủ nhân (Long Biên hoài cổ, kính họa theo vần Minh Tĩnh chủ nhân)...

-Mảng thơ lo sợ bị vạ lây và liên quan đến Hồng Bảo, như: Trăm thương, Hoài cổ ngâm, Hoàng nhị tử…thư trai nguyên tịch hội ẩm (Rằm tháng Giêng hội ẩm tại phòng sách của Hoàng tử thứ hai…), Nguyệt dạ quan…độ xạ (Đêm trăng xem...bắn cung)...

Giá trị
Về tài văn chương của ông, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép (dịch):
“(Vương) nổi tiếng về thơ, rất  sở trường về quốc âm, đặt ra điền từ, thường có nhiều bài hay, sánh ngang với Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.”   (Nhị tập, quyển 6, tờ 10a)

Vua Tự Đức, trong bài Gửi Tuy Lý công có câu:

Ngã thúc tối hữu danh,
Thiền liên Tùng, Tuy, Tương...

Dịch:
Chú ta nổi tiếng nhất
Bộ ba Tùng, Tuy, Tương...

Trích thêm ba đánh giá, của:
Trần Thanh Mại:
“Tương An sở trường về thi quốc âm, chẳng những đứng về bậc nhất trong các hoàng thân thuở bấy giờ, mà đối với tất cả danh nhân trong làng thơ xưa của ta cũng đã chiếm một địa vị rất cao”. (Tuy Lý Vương, Huế, Ưng Linh xuất bản, 1938, tr. 54-55)

Hoàng Trọng Thược :
“Nói đến thi sĩ đất Thần kinh, trước hết phải kể đến ba anh em Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương và Tương An quận vương…họ chẳng những nổi tiếng ở Việt Nam, mà cả Trung Quốc thời bấy giờ cũng phải khâm phục.” (Hương Bình thi phẩm, Nhà in Thông tin, Sài Gòn, 1967, tr.11)

Và Từ điển Văn học (bộ mới):
“Thơ Miên Bửu có một số bài đề cập đến sinh hoạt nhàn nhã của những người trong hoàng phái, mô tả cuộc sống  dưới dạng thanh bình no đủ, đề cao công đức triều Nguyễn…phần này không có giá trị gì mấy.
Đáng chú ý là mảng thơ trữ tình, đa sầu, đa cảm. Như ông xót thương người kỹ nữ bạc mệnh (Đại nhân điếu kỹ - Thay người điếu kỹ nữ), buồn trước những dấu tích lịch sử hưng phế (Long Biên hoài cổ thứ vận phụng họa Minh Tĩnh chủ nhân - Long Biên hoài cổ, kính họa theo vần Minh Tĩnh chủ nhân) và ngậm ngùi với mọi đổi thay của cảnh sắc thiên nhiên (Thu khuê - ''Phòng khuê mùa thu'', Sầu tư - Nhớ sầu, Dạ tọa đối nguyệt vịnh sầu - Đêm ngồi ngắm trăng vịnh nỗi sầu, Xuân nhật khúc từ - Những lời trong buồng khuê ngày xuân...).
Ngoài ra, ông cũng làm một số bài thơ tình, tình cảm khá chân thật dù hình ảnh chỉ là ước lệ (Trách tình nhân lỗi hẹn, Không đề). Và từ khi ông bị nghi ngờ, thơ ông càng tăng chất u buồn, chứa đựng tâm sự của người lo “cháy thành vạ lây”, vọng về quá khứ, xót thương người tri kỷ, nói lên thói tình bạc bẽo, tráo trở...
Thơ ông giàu hình ảnh, âm điệu, cách dùng điển tích, sử dụng ngôn ngữ điêu luyện và mạnh bạo, nhiều khi không theo nếp mòn xưa cũ...”(Triêu Dương, Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1166)

Giới thiệu thơ

Thuật sự
Cận nhật thư trai nhất sự vô,
Bằng song ngột ngột tọa như ngu.
Ninh hưu lộng xảo thêm xà túc,
Bất cảm khoa hùng loát hổ tu.
Thủ chuyết tiện thành diên thọ thuật,
Thận ngôn tức thị hộ thân phù.
Thế gian tối thiểu tri cơ giả,
Tiếu ngã hành tàng thậm viễn vu.

Dịch thơ:
Phòng sách việc đời tránh bấy nay,
Nương song vò võ tựa đần ngây.
Trò thêm chân rắn đừng khoe khéo,
Chuyện vuốt râu hùm dám nói hay.
Giữ vụn lại thành thêm tuổi thọ,
Gìn lời ấy chính bớt ương tai.
Thế gian kẻ biết cơ trời ít,
Cười tớ hành tàng chuyện nước mây.

Văn cầm (Nghe đàn)
Cầm thị thùy gia lý,
Cung thương thanh trọc phân.
Viên đề Tam hiệp thính,
Hạc lệ cửu cao văn.
Điệu cấp tương hòa vũ,
Thanh cao tiệm nhập vân.
Khúc chung nan tái đắc,
Sầu tứ loạn phân phân.

Dịch thơ:
Đàn gảy nhà ai đó,
Cung thương điệu tuyệt vời.
Vượn kêu ba núi vẳng,
Hạc khóc chín đầm rơi.
Điệu gấp như mưa đổ,
Tiếng cao vút tận trời.
Đàn xong, nghe nữa khó,
Sầu khổ dạ bời bời.

Đãi nguyệt (Chờ trăng)
Dạ nguyệt sơ thăng bích hải đông,
Thùy giao vân tế phục mông lung.
Tường cao, thu cách, tình vô dĩ,
Chúc tận, lô khôi, hận mạc cùng.
Chinh nhạn nhất thanh thê thảm lý,
Kim phong kỷ trận tịch liêu trung.
Bất tri dĩ chiếu tây song hạ,
Trường đoạn thành lâu báo hiểu chung.

Dịch thơ:
Bóng nguyệt vừa lên ở biển đông,
Ai xui mây phủ lại mông lung.
Tường cao, cây cách, tình không dứt,
Đuốc hết, lò không, hận chẳng cùng.
Thê thảm xa nghe vài tiếng nhạn,
Tịch liêu thoảng thổi trận thu phong.
Cửa tây trăng chiếu nào hay biết,
Chuông sáng thành lâu khiến não lòng.

Và:
Trăm thương
(trích)
...Thương ôi! bóng ngả ngàn dâu,
Ngựa qua cửa hé, sao sầu ban mai.
Thương ôi! xuân bất tái lai,
Kẻ tài người sắc biết ai đó chừ?
Thương ôi! nay khóc người xưa,
Người xưa có biết bây giờ mà thương!
Dầu có thương, không thương cũng chớ,
Dầu không thương, không nhớ cũng thôi.
:...Thương là thương sinh ly, tử biệt,
Khiến người dưng thảm thiết lọ ta!
Thương thay con tạo khéo ngoa,
Thấy người nằm đó, biết ta đời nào?
Thương thay đổi vật dời sao,
Bể sâu cũng cạn, non cao cũng bằng.
Biết làm răng  oán chừ cho được?
Thương phản hồn không chước hồi sanh.
Thương thay một tấm Thôi thành,
Cỏ cao trăm thước, rêu doanh mấy màu.
Thương nhau xin nhớ lời nhau:
Đừng năng dây ngọc mà đau lòng vàng.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Tham khảo chính
-Nguyễn Khuê, Tâm trạng Tương An Quận Vương, Trung tâm sản xuất học liệu, Bộ Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974. (Phần giới thiệu thơ chép theo Nguyễn Khuê. Nguyên văn chữ Hán xem trong sách này)
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
-Lê Nguyễn Lưu và Phan Tấn Tô, Vua Minh Mạng với Thái y viện và ngự dược, Nxb Thuận Hóa, 2007

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.