Ông Tăng Sâm ở đất Phì. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.
Một người hất hãi chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người.” Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Quốc Sách.
Giải nghĩa:
Tăng Sâm: Người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và rất có hiếu, học trò đức Khổng Tử và sau truyền được đạo của ngài.
Trùng danh: cùng giống tên nhau.
Điềm nhiên: biết mà cứ im lặng như không.
Lời bàn:
Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ là người trung tín, một bụng tin con. Thốt nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người.”Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn.
Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã cùng có một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến cho người ta nghi-nghi hoặc-hoặc, rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đĩa hóa ra rươi, trông con chó thành ra con cừu.
Đến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà môt người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài, giữ được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, như có thế được mới cao.
Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.
(Trích lại từ “Cổ Học Tinh Hoa”
của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân)
Góp ý của người chép lại
Năm 1949, khi tôi đang học lớp Nhì, có nghe một người từ vùng Việt Minh về kể lại ở trong vùng đó có một vở kịch khá phổ biến. Vở kịch nhan đề là “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu”.
Mấy năm sau, vào học Trung Học, đọc sách của “Tự Lực Văn Đoàn” tôi mới biết Nhất Linh là ai, và biết thêm Nguyễn Tường Tam là tên của ông. Nhiều năm sau nữa, nhất là năm học lớp Đệ Nhị, tôi kính phục Nhất Linh, về lãnh vực văn học, cũng như chính trị. Thật ra, ông là một nhà cách mạng, và là “thần tượng” của các học sinh như chúng tôi.
Sau năm 1982, đi “tù Cải Tạo” về, vì công việc, tôi gặp một ông là “Hiệu Phó Trường Đại Học Sư Phạm (dĩ nhiên Việt Cộng gọi là TP Hồ Chí Minh). Ông trí thức Việt Cộng nói với tôi chắc như đinh dóng cột rằng, “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu”. Hỏi tới nữa, ông ta nói có vở kịch nói như thế, “báo đài” cũng từng nói như thế.
Câu chuyện “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu” làm tôi nhớ câu chuyện “Tăng Sâm giết người”, tôi đã đọc lâu lắm, khi tôi học lớp Đệ Lục, trong “Cổ Học Tinh Hoa.”
Khi người ta nói một chuyện huyễn hoặc gì đó cho một trăm người. Lần thứ nhất, 99 người không tin, nhưng có một người tin. Lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, cứ thế mà nói hoài, người không tin sẽ giảm dần đi, người tin sẽ tăng dần lên.
Tổ tiên nói: “Biết con không ai bằng mẹ.” Bà mẹ thầy Tăng Sâm hiểu con mình, tức là hiểu cái tính con bà đức hạnh, chân thật, hiền hòa, Thầy lại là học trò của Đức Khổng Tử. Thành thử bà không thể tin con bà là kẻ giết người. Nhưng đến khi nghe nhiều người nó “Tăng Sâm giết người”, không tin rồi bà cũng phải tin.
Nói nhiều lần, nói mãi, có hoài, ban đầu người ta không tin, lâu dần người ta cũng phải tin.
Thủ đoạn tuyên truyền, nhất là về chính trị cũng như thế.
Về thủ đoạn nầy, Cộng Sản nói chung, và Cộng Sản Việt Nam áp dụng triệt để nhất, nhiều nhất. Nói, nói mãi, nói hoài, người dân không tin, rồi cũng tin.
Mấy chục năm, người Việt Nam phía Bắc vĩ tuyến 17, nghe Cộng Sản Vn tuyên truyền ra rả hằng ngày, “chính quyền Diệm – Thiệu là bán nước, tay sai đế quốc Mỹ”, “Quân đội miền Nam là “lính đánh thuê”, người miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột, không có cái chén để ăn cơm”, nghe mãi cũng tin là thiệt.
Học sinh, sinh viên miền Bắc, không biết gì tới “Tự Lực Văn Đoàn”, “Văn Học Miền Nam”, càng không biết Nguyễn Tường Tam là nhà cách mạng, lại cứ nghe tuyên truyền “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu” thì một trí thức Cộng Sản như ông Hiệu Phó Trường Đại Học (Tp HCM) cũng là một “trí thức mù”. Người miền Bắc không biết rằng Hồ Chí Minh sợ cái uy tín của ông Nguyễn Tường Tam nên bày đặt ra câu chuyện vu cáo nói trên, là hành động hạ cấp nhằm đánh phá kẻ thù.
Tệ hơn thế, lớn lên ở miền Nam, học hành ở miền Nam, từng biết “Tự Lực Văn Đoàn” vậy mà những năm dạy học ở Trường Quốc Học, Hoàng Phủ Ngọc Tường giảng về Nhất Linh và các nhà văn trong “Tự Lực Văn Đoàn” cũng nói cho học trò của y về câu chuyện ông Nguyễn Tường Tam như thế. Y phục vụ cho Cộng Sản bằng cái luận điệu tuyên truyền “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu”. Thù hận, ghét bỏ, tin tưởng một cách điên cuồng vào chủ nghĩa Cộng Sản, y đã đánh mất lương tâm của y.
Nguy hiểm nhất là định kiến. người ta không tin, nhưng cứ nói hoài, người ta sẽ tin. Điều tin trở thành định kiến.
Ngay như anh chị em trong gia đình. Ví dụ: Có người nói; “Thằng út tham ăn.” Một người nói, nhiều người nói khiến người ta cũng tin “Thàng út tham ăn” thực, nhưng có chắc gì nó tham ăn. Khi đã bị cái định kiến như thế thực, nhìn gì, thấy gì người ta cũng cho rằng “Thằng út tham ăn”. Thằng út có thanh minh gì, chưa chắc anh chị em trong nhà ai cũng nghe nó, khi đã có định kiến rồi.
Chân lý không phải bao giờ cũng sáng tỏ, cố gắng giải bày cũng chẳng ai nghe, khi ngưòi ta đã sẳn định kiến.
Con chim mỏ quắp là con chim ăn thịt. Miệng lưỡi vu cáo, chụp mũ cũng như cái định kiến, có khác gì cái mỏ của con chim ăn thịt.
hoànglonghải