Nov 21, 2024

Truyện ngắn

MỚ LÔNG VỊT
Tường Lam * đăng lúc 10:01:08 PM, Mar 20, 2009 * Số lần xem: 2376
Hình ảnh
#1


Tính từ bùng binh trước đình An Hội thị xã, tiệm nước Huê Liên, chạy qua c?u Cá Lóc đến miễu Ấp Phụ là đúng một cây số vì trước nhà ngoại, mấy mẹ con tôi tạm trú, bên kia đường, trên mô đất cao là trụ cây số có ghi: 1 km màu đen trên nền trắng và chóp bán nguyệt sơn màu xanh dương.
Cái trụ cây số chết tiệt nầy trước ngày đình chiến hai năm đã làm mẹ tôi kinh sợ muốn chết giấc. Lúc đó ba tôi vừa bị Tây bắt đi đày ở nhà tù Thủ Ðức, mẹ tôi bụng mang dạ chửa dẫn anh em tôi, bỏ nhà cửa ruộng vườn Vàm nước Trong, về tá túc bên ngoại xóm Cầu Cá Lóc.
Ðêm về ông bà ngoại, dì mười, cậu út tôi tản cư ra phố chợ ngủ. Mẹ tôi vừa mới sanh em trai, đong đưa ru con trên võng, anh em tôi cùng nằm ngủ ngang dọc trên bộ ván gõ, mun đen mát lạnh.
Ngoài đường lộ đá, tráng nhựa, lính “còm măn đô” đóng dưới lò gạch Bang Chanh, cách nhà độ ba trăm thước, đi uống rượu ngoài tỉnh về từng tốp, nện gót giày “Rô đơ canh” rôm rốp trên mặt đường khuya, thanh vắng.
Có tiếng giày đinh lẻ loi, đi ngang trước nhà bỗng nhiên dừng lại, mẹ tôi quơ tay, lay anh em tôi thức dậy và chùm nhum, mẹ tôi ôm hết đám con vào lòng như con gà mái xòe rộng đôi cánh bao bọc đàn con khi thấy diều, bồ cắc đang lượn vòng quanh trên trời, nín thở tôi nghe từ trong lồng ngực mẹ tôi, tiếng tim đập thình thịch liên hồi.
Bỗng ngoài lộ đá vang lên tiếng giày đinh nhảy dựng, dồn dập, chạy hối hả trên mặt đường hòa cùng tiếng rống của loại trâu bò nào đó đớn đau: ò! ó! ò! ó! ò!...
Năm phút sau tiếng rống, tiếng giày đinh xa dần và im bặt, buông anh em chúng tôi ra, mặt mẹ tôi mồ hôi đổ ra như tắm.
Sáng ra mới biết tên lính “com măn đô” đi uống rượu, chơi bời ngoài tỉnh về, mắc đi đại tiện, leo lên mô đất, trật quần, hai tay ôm trụ cây số xả bầu tâm sự. “Vas au champ et fait comme l' oiseau” giống như ở xứ anh ta: “hãy ra đồng và làm như chim”. Dưới mô đất là tổ ong lỗ lưu niên, dữ tợn hơn ong vò vẽ, anh em chúng tôi và trẻ con trong xóm không ai dám bén mảng đến gần, đứng nhìn ngẩn ngơ, tiếc rẻ chiếc cầu đá, trái banh chẳng may rơi rớt gần đó.
Bị động, đàn ong lỗ bay ra chơi vào “bộ chỉ huy” của tên lính Commando! Trâu sụp vào tổ ong lỗ bị đánh chết luôn theo truyền miệng của dân gian, vì không có kinh nghiệm nên không diễn tả được sự đau đớn tột cùng của nạn nhân. Chắc một điều sau khi mãn hạn làm lính viễn chinh, may mắn còn sống sót, trở về cố hương tên lính Commando nầy không thể nào quên sự đau đớn mà trâu còn phải rống huống chi là con người! Không biết bị trời đánh có đau đớn đến thế không?!
Cạnh nhà ông ngoại tôi, khuôn viên miễu Ấp Phụ, rộng độ một mẫu tây, có tên rất văn hóa: Hòa Tường Miếu, với cổng đồ sộ xây bằng gạch, quét vôi trắng, ba vòng tô nổi khắc ba đại tự, hai bên trụ to tả hữu có hai hàng câu đối, tất cả đều bằng chữ nho sơn đen.
Chính tại cổng nầy tôi bị bác ba thầy chùa, thầy tụng, ba của anh Tư, anh Tiếp bạn học cùng lớp, chửi một câu thậm tệ mà mãi tới bây giờ, trên nửa thế kỷ đã qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in.
Hôm đó tôi và Banh -thiếu tá hoa tiêu trực thăng- một tay có ngón đờn cổ nhạc đẳng cấp hiện ở thành phố Dallas, nhảy xuống cống trước nhà bác Bảy thợ bạc -chú của kỹ sư điện lạnh cao cấp Lạc Minh Châu hiện cư ngụ tại thành phố New York - tắm, chọi đất vào nhau đến lạnh run, xanh mặt, đánh bù cạp, miệng mọc râu, mới chịu trèo lên lộ về nhà. Cuối năm cổng miếu được quét vôi màu vàng nhạt và bác Ba thầy chùa đang đứng trên cây thang tre cao, nắn nót, kẽ, tô lại bằng sơn đen mấy chữ nho, đại tự trên cổng.
Chúng tôi đứng lại, tò mò nhìn bác Ba làm việc. Banh hỏi:
- Anh Ẩn biết đọc mấy chữ bác Ba đang vẽ không?
Tôi trả lời biết và đọc lớn:
- Sâm nhung hải cẩu bổ thận hoàn.
Bác Ba dừng tay trừng mắt ngó xuống chúng tôi và quát:
- Bổ thận má mầy, chứ bổ thận hoàn!
Banh bỏ chạy, còn tôi nhào tới rung mạnh cây thang rồi mới co giò phóng. Bác Ba hai tay bám chặt cây thang, tức giận chửi vói theo mấy câu tôi nghe không rõ, loáng thoáng có gọi tên ba tôi.
Sân miễu, một cảnh trí tuyệt đẹp, một công viên rộng cỡ hai công đất gồm nhiều hình tượng con công, con phượng, con hạc, đứng trên lưng rùa bằng cây bùm sụm, uốn, cắt xén một cách nghệ thuật, to gấp mấy lần hình tượng thật.
Nền miếu cao ngang ngực, lót gạch tàu lên nước đỏ au, mái lợp bằng ngói âm dương ngả màu đỏ xám, hình tháp hai tầng. Nhìn ra đường là hàng chuối thân to như thân dừa, lá to xòe rẻ quạt, hai bên góc trái phải cuối sân là cây sọp và cây đa lâu năm thân năm người ôm không giáp, cho bóng mát quanh năm, chim chóc tụ họp về nhiềợu vô kể, líu lo bốn mùa, giành nhau chí chóe những trái sọp chín màu nâu đen ngọt ngọt, bùi bùi...
Một điều huyền diệu lạ kỳ! Hằng năm mấy lần cúng miễu, toàn thể cư dân mang hoa quả, lễ vật đến tôn kính cúng bà để được phù hộ, quanh năm mua may bán đắc và phúc lộc đầy nhà. Cũng vào những dịp nầy không biết từ đâu suốt năm chẳng thấy hàng đàn qui -giống như con rùa- màu vàng trên lưng có khắc ba chữ nho “Hòa Tường Miếu” lũ lượt kéo nhau về tụ họp trên sân và chung quanh nền miếu. Chúng tôi bắt hai con cho đụng nhau cười khoái chí, người lớn đứng gần ai cũng rầy “Lính của bà về dự lễ, tụi bây đừng giỡn bậy, bà quở chết”.
Và cũng lần đầu tiên trong đời, đứng gần chảo đụng nấu nước đang sôi ùng ục, một đống rơm sẵn sàng để thui một con bò vàng đang bị gịt đầu vào sát thân cây vú sữa, một người cầm búa “tài xồi” đến, tôi thấy con bò nghiêng đầu cam chịu và từ đôi mắt mệt mỏi, hai hàng nước mắt tuôn thành giòng. Con người dã man quá đi thôi! Tôi bỏ về nhà leo lên giường trùm chăn kín đầu và trong bóng đen tôi vẫn thấy con bò vàng ràn rụa nước mắt.
Dưới gốc cây sọp bao quanh bởi nhiều bụi chùm lé. Một loại cây hoang có gai nhọn dài nhỏ như gai quít, vô ý, ai bị gai đâm nhức nhối vô cùng! Những lần đánh trổng, hòn rơi vào góc sọp chúng tôi vạch lá tìm, đứa nào cũng bị gai chùm lé đâm đau thấu trời.
Lần đó tới phiên tôi vào lượm hòn, gần mười phút không thấy bước ra, mấy thằng chơi chung đi vào phụ tìm mới khám phá ra tôi đã nhổ được một số lượng nấm mối quá lớn cởi áo ra bọc, còn một ít rơi ra ngoài.
Thỉnh thoảng cuối tuần thanh vắng, vì không có học trò, một vài họa sĩ với cọ, màu, giá vẽ, và khung vải trắng một vài giờ sau cảnh trí nên thơ, cổ kính lần lần hiện lên khung vải, mỗi người mỗi góc cạnh. Hòa Tường Miếu đẹp và uy-nghiêm.
Sân miễu là nơi tập họp đám choai choai cả trai lẫn gái, vì hậu liêu miễu và dãy nhà dọc là ba lớp: năm, tư, ba ngăn bằng mê bồ cao khỏi đầu, sĩ số học sinh trên dưới một trăm. Nơi đây cũng là trung tâm tập họp đủ thứ trò chơi: bắn đạn, nhảy dây, đá cầu, thảy lỗ, nhà cò và đá banh.
Năm tôi học lớp ba, kể như huynh trưởng của trường miễu Ấp Phụ, lớp có nửa trai nửa gái học chung. Giờ đây, bình tâm ngồi nhớ lại ngoại hình của chú bé mười tuổi sao thấy “bể” quá chừng. Bụng hơi to, má bắt hớt tóc “đờ mi cua“ cho mát, số dây thun chiến lợi phẩm xâu vào nhau quấn mấy vòng quanh cổ như con trăn, anh hai tôi về nói lại với má: “Vào trường thấy tướng nó mắc cỡ thấy mồ!” Sau nầy ra học trường tỉnh, đầu trường là sân đình An Hội, tài bắn đạn và thảy lỗ thần sầu của tôi, không có đối thủ, bạn bè đặt cho cái tên “bậc câu cơm” theo nhân vật tiểu thuyết của Nguyên Hồng.
Nhà anh em đông, bảy trai một gái, ba làm thợ Ty Công Chánh, má khổ tâm với đồng lương khiêm nhường của ba, lo cho gần mười miệng ăn và đàn con tươm tất, ngày hai buổi cắp sách đến trường, mới thấy tài quán xuyến gia đình của má tôi tuyệt vời cỡ nào. Riêng tôi nhờ tài bắn đạn và thảy lỗ ngoại hạng nên rất phong lưu: ăn hủ tiếu, uống sương sáo, mua tiểu thuyết của Phi Long như: Bàn Tay Máu, Ðảng Chữ Thập Máu, vài năm sau sách của Tự Lực Văn Ðoàn tôi không bỏ sót cuốn nào. Thời đó, đứa nào được mẹ cho năm cắc hay một đồng là phong lưu lắm rồi, riêng tôi những tờ giấy bạc năm đồng màu xanh có in hình Quốc trưởng Bảo Ðại, tờ mười đồng màu đỏ nằm kín trong hai bìa tập bao bằng báo thế giới tự do. Năm tôi học tiếp liên với thầy Sáu, chúng tôi gọi lén là “Robert Six”, ông bắt chúng tôi mang tất cả mười ba cuốn tập theo hết -tổng số tài chánh của tôi- không phụ thuộc vào thời khóa biểu, tùy hứng ông muốn dạy môn gì, nhứt là toán và Pháp văn, phải có tập ngay. Sau một ngày học với Robert Six chúng tôi rời trường trễ hơn bè bạn và đứa nào hai đầu gối cũng mốc thích vì cả lớp bị thầy phạt quì gối nhiều lần và những trận đòn nghiêm khắc chẳng thua gì môn sinh phải chịu ở Thiếu Lâm Tự.
Kết quả kỳ thi vào đệ thất năm 1956, số thí sinh tham dự trên ba ngàn, nhà trường nhận 300 và 30 thí sinh đậu dự khuyết. Lớp tôi với sĩ số 45, hai bạn Ðảng và Võ văn Vanh anh của nhà văn Tường Vi (Germany) không thi vì anh vào Mỹ nghệ Gia Ðịnh, còn lại 43 bạn đều trúng tuyển từ hạng 1 đến 100 mà thôi. Riêng tôi đậu hạng 5, còn nhớ tên ba bạn đậu trên tôi: Nguyễn văn Cao em của Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn văn Thơ, Nguyễn Khương Nhàn và Trương Quốc Hồng. Với kết quả nầy tôi dám tự hào nói rằng trên toàn quốc thuộc VNCH chưa có thành tích thứ hai, kết quả tuyệt vời, lối dạy của Robert Six và chúng tôi hiên ngang như “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” bước vào bậc trung học với đồng phục bà ba trắng mà nghe hai đầu gối mình còn chai ngắt. Với thứ hạng đó suốt 12 năm ở trung học tôi được học bổng 7.500 đồng một năm trong khi lương của ba tôi chỉ có 1.200 đồng một tháng. Tôi sẽ trở lại và ghi đầy đủ về thầy Sáu tức Robert Six, một lương sư mà những trận đòn và lời dạy của thầy còn thấm đến bây giờ trong khi học trò của thầy sắp bước vào tuổi “cổ lai hy” rồi. Tôi có về thăm mộ “Robert Six” và dựng bia tri ân thầy.
Trở lại năm học lớp ba ở trường miễu Ấp Phụ không có đứa bạn gái nào chung lớp ưa và có cảm tình với tôi nếu không muốn nói ghét cay đắng. Với sự ghét bỏ nầy tôi bị tố cáo về tội lỗi của mình và nhận mười lăm cây thước bảng vào mông từ tay thầy Thế, một thầy học khả kính, trong tư thế nằm cúi xuống nền gạch của lớp lạnh ngắt và bên tai đau muốn nổ con rái, còn nghe nhiều tiếng cười khúc khích, mãn nguyện của đám con gái.
Sân trường là của chung nhưng muốn đá banh, đám cầu thủ cốt đột chúng tôi phải dẹp hết mấy đám bắn đạn, nhảy dây nhứt là mấy đám nhảy nhà cò của tụi con gái, rải rác chiếm cả sân. Gặp đám hiền, cúi đầu miệng chửi lầm thầm rồi bỏ đi lên thềm miễu ngồi, còn đám sừng sỏ thì phản đối quyết liệt:
- Tụi tao giành trước! Muốn đá banh về nhà mà đá! Tụi tao vẫn nhảy nhà cò đó! Ðố tụi bay làm gì được?!
Gặp mấy ổ kháng cự quyết liệt như vậy, mấy thằng to khỏe, mặt có cô hồn lắm cũng chịu thua chạy đến cầu cứu tôi:
- Ẩn, mầy tính mấy con nhỏ nầy coi! Tụi nó sừng sỏ quá! Tụi tao chịu thua!
Tôi, với gương mặt hầm hầm, khệnh khạng bước đến, cái tướng mà bây giờ nhớ lại không có điểm nào nhìn cho vô, hất hàm nhai từng tiếng:
- Ê! Mấy con nhỏ cà chớn! Có dẹp đi nhường sân cho tụi tao đá banh không thì nói?
- Tụi bây cà chớn chớ ai cà chớn? Tụi tao vẫn tiếp tục nhảy nhà cò thử coi thằng nào dám làm gì?
Tôi chống nạnh, hiên ngang một mình ra tối hậu thư. Ðếm xong ba tiếng: một hai ba, nếu không chịu đi thì đừng trách tay tôi!
Ðám con gái ngoan cố, chống nạnh mím môi bất động, chờ và nhìn. Tôi bình tĩnh, khoan thai, trật quần xuống gần đầu gối, hai ngón tay kẹp chặt miếng da qui đầu, nước tràn ra bị ngăn lại, con cu tôi bây giờ trương nước phồng lên tròn vo như con cá nóc mít, tay phải bóp vào bong bóng, hành xử nhịp nhàng điệu nghệ. Trong tay tôi bây giờ là cái bơm nước tiểu, văng, bắn tưới lên quần đám con gái đang mắc cỡ đỏ mặt chạy tứ tung, đứa nào sừng sỏ tôi tặng nhiều nước hơn.
Trong nháy mắt, sân trường trở nên quang đãng và trận đá bóng bắt đầu. Cũng từ hôm đó, đám con gái biết tôi có loại vũ khí lợi hại, khai ngấy, lúc nào cũng mang theo giấu trong quần, sẵn sàng khai thủy nên tôi xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài tan. Riêng đám con gái thấy tôi từ xa quay mặt đi, chụm vào nhau cười khúc khích với gương mặt đỏ hồng.
Tài năng thường được phát hiện từ lúc nhỏ, mới học lớp ba tôi đã đủ khả năng giải tán bất cứ đám đông chống đối nào, nhứt là đám con gái, một cách hiên ngang và dễ dàng dù đơn thân độc mã chỉ với cây súng nước bé nhỏ trời cho. Bây giờ Trung úy Ẩn, với hàng ria đậm đen, chức vụ Ðại Ðội Trưởng, chỉ huy trên một trăm hai chục quân nhân, Ðại đội 4/139 hậu cứ Ðập Bà Lãnh thuộc quận Tiểu Cần, hành quân, nhảy trực thăng vào vùng lửa đạn. Xác thù rơi rụng như lá mùa thu.
Ðại đội đang vào vùng hành quân, được lệnh rời mục tiêu, trở về quận lỵ để giải tán đám biểu tình do sư sãi các chùa Miên trong quận phối họp với dân chúng bị bắt buộc do Cộng Sản trà trộn vào chỉ đạo đòi hỏi:
- Không được bắt quân dịch
- Không cho phi cơ, pháo binh, bộ binh... xạ kích, tấn công vào chùa.
- Không được khai hoang...
Trong khi Việt Cộng chiếm chùa, đặt đại liên 12 ly 8 bắn ra. Kỷ niệm chùa Trà Ðiêu thuộc quận Cầu Kè, tôi phải đợi đêm xuống cho lính thám báo bò vào chơi lựu đạn mới thanh toán được mục tiêu! Xác bạn thù loang máu cả khuôn viên chùa. Sáng hôm sau dùng cộ, chất xác bạn lên kéo ra lộ chính, giựt dây vàm cỡ nào, cặp trâu khịt mũi, quẹo đầu không đi, trâu kinh sợ xác chết trong khi con người mò mẫm ngày đêm giết nhau. Ai người hơn ai?
Ðoàn biểu tình với biểu ngữ Việt Miên, loa phóng thanh vang trời, khoảng trên ba trăm người tham dự áo vàng sư sãi hòa lẫn vào dân chúng, vung tay đả đảo chính quyền. Lực lượng cảnh sát không khống chế giải tán được, chỉ làm hàng rào cản thụ động.
Tôi cầm loa nói với đám biểu tình: hoan hô, đả đảo, phát biểu chỉ ở bên trong hàng rào chùa, không một ai được vượt ra khỏi cổng và binh sĩ cũng không vào chùa. Nếu có thỉnh nguyện thư, tôi sẽ nhận, chuyển về tỉnh, đoàn biểu tình phải giải tán trước năm giờ chiều.
Tôi cho ba trung đội làm hình cánh cung, đứng cách khoảng đều, thế thao diễn nghỉ, súng tựa hông, nòng hướng lên trời. Tuyệt đối không được nổ súng khi chưa có lịnh! Ðội hình bao quanh chùa.
Bố trí xong, tôi và đệ tử mang máy vào quán gọi mấy ly cà phê đá. Vừa cầm muỗng quậy cho tan đường, hớp một ngụm đã thấy hai người lính dìu đến một trung sĩ, băng trắng quấn ngang đầu, máu vẫn còn rịn ra ướt đẫm.
Trên đường tải đến bệnh xá hai người lính cho biết đám biểu tình mở cửa tràn ra, tụi em cản lại không cho, Trung sĩ Tấn bị đám biểu tình ném đá cục trúng đầu! Mấy sư sãi vỗ tay cười khoái trá.
Tôi chạy bay đến cổng chùa, sau khi xác nhận lời hai chú lính là đúng, tôi ra lịnh mà trong quân lực VNCH chưa từng có bao giờ:
- Nón sắt cầm tay! Xung phong!
Cả đơn vị gồm con số trăm, khí thế đằng đằng, xung phong chạy bay bụi, đầu trọc chạm vào nón sắt, mắt đổ hào quang tóe lửa! Ðoàn biểu tình bật về phía sau, tan hàng chạy như vịt, biểu ngữ, guốc, dép, loa phóng thanh... nằm vương vãi nếu gom lại, trên mấy cần xé.
Mười lăm phút sau, khuôn viên chùa vắng tanh, không một bóng người. Tất cả cửa chùa lớn nhỏ đều đóng kín mít.
Thiếu tá Sĩ, nhảy xuống xe Jeep đến niềm nỡ bắt tay tôi:
- Râu sao làm bạo quá vậy?
Tôi nhún vai, cười trả lời:
- Thiếu tá sợ đụng chạm mất chức quận trưởng chứ thứ tác chiến tụi nầy đổi đi đâu cũng bóp cò thôi. Suốt thời gian ở đây Thiếu tá thấy kỷ luật đơn vị tôi thế nào, nhứt là đối với dân chúng? Người nào làm lính tôi đổ máu tôi coi họ là kẻ thù.
Suốt mấy năm đồn trú ở Tiểu Cần, nghe rục rịch có biểu tình, đơn vị đang đi hành quân được lịnh trở về và đoàn biểu tình nhìn thấy đơn vị tôi và nhất là thấy mặt đại đội trưởng với hàng ria mép đậm đen đã từng đái ướt quần bạn gái trước khi nhập ngu,ờ từ từ giải tán trong vòng trật tự, vì ớn xương sống món nón sắt cầm tay của đơn vị.
Trở lại đoạn trước tôi có thưa, đám con gái cùng lớp luôn nhìn tôi với con mắt câm hờn, không một chút cảm tình và sau đó tôi bị trả thù một cách đớn đau, cay đắng.
Tôi vừa dẹp đám con gái xong, cất vũ khí vào quần, trận đá banh bắt đầu và trời đổ cơn mưa. Sân trơn trợt như trét mỡ, nhiều khi vừa dợm đưa chân lên đón bóng đã té lăn quay mình mẩy đứa nào đứa nấy sình bùn tùm lum, trông phát ớn.
Trống trường điểm ba tiếng, gọi là trống giục, còn khoảng mười lăm phút vào lớp. Tất cả cầu thủ ào xuống mương sau miếu tắm, riêng tôi chạy về nhà cách trường độ hai phút tắm và thay đồ. Nghe tiếng nước xối ào ào, má tôi bước ra giữ chặt tay tôi:
- Con cái gì trống trường đã giục mà mình mẩy bùn sình như người đi tát đìa vậy!
Má tôi phụ kì lưng, xoa xà bông gội đầu và khắp mình mẩy để tẩy đi mùi bùn đất, miệng mẹ tôi luôn la rầy thằng con trai quậy “quá cỡ thợ mộc” nầy, điệp khúc tôi nghe đã mòn tai, buổi tắm chấm dứt bằng mấy phát tay của má vào mông đít tôi.
Thay đồ xong, tôi chạy bay đến trường, sắp hàng vào lớp.
Nhìn thấy trên nền lớp học, dọc theo lối đi ướt nước và mấy đứa con gái đứng lên cho thầy biết đám đá banh trời mưa nhảy xuống mương tắm, đi vào làm ướt nền lớp học. Thầy xét đứa nào quần ướt tập trung hết lên đứng gần bảng đen. Tôi chưa thấy lúc nào mình khỏe bằng lúc nầy, áo quần khô ráo nghiêm chỉnh, đưa mắt thương hại nhìn đám cầu thủ bạn đang thọ hình: nằm cúi xuống nền lớp lạnh ngắt, bị thầy quất mỗi đứa năm cây về tội đá banh trời mưa mang nước vào làm mất vệ sinh lớp học.
Khi thằng cốt đột cuối cùng về chỗ ngồi, thầy cầm phấn về phía bảng đen, bỗng con nhỏ Mai Thúy Lan, sau nầy lớn lên trổ mã đẹp não nùng, được chọn đóng vai bà Trưng Trắc trong lễ hội phụ nữ tỉnh nhà, người lãnh nước đái của tôi nhiều nhứt và tên tôi còn nhớ mãi đến bây giờ, đứng lên tố cáo:
- Thưa thầy còn trò Ẩn có đá banh nữa đã chạy về nhà thay đồ, với lại trò Ẩn đái ướt quần em và mười mấy chị nữa.
Thầy bỏ mắt kiếng, gọi tôi lên bảng. Nguyễn văn Trỗi ra pháp trường với tâm trạng khiếp sợ thế nào không rõ, riêng tôi bước đi không vững, sợ hãi hơn cả lúc sau nầy vào lính đụng những trận dữ dội. Bản án của tôi được thầy phán quyết với sự đưa tay đồng tình của đám con gái: tội đá banh trời mưa năm cây, thay đồ khô để qua mặt thầy năm cây, đái ướt quần bạn gái năm cây.
Tôi quằn quại dưới mười lăm cây thước bảng chắt nịt không có cây nào lép cả, còn thêm mấy cây nhịp nhịp của thầy sao mà ê ẩm, tang thương quá đi thôi! Ðau thấu trời, tôi câm nín không khóc, đưa mắt căm hờn nhìn đám con gái cười vui, ăn mừng chiến thắng vì nhìn thấy thủ phạm thọ hình, tôi nghiến răng nói trong lòng:”Hãy đợi đấy!”
Sau nầy lớn lên vào lính, bạn gái trai sông hồ khắp nẻo, quân hành đến các địa danh: Trà Vinh, Sa Ðéc, Kiến Phong, Cai Lậy, Thất Sơn gặp lại một số bạn gái -nạn nhân của tôi ngày xưa- trời ơi! không ai còn giận hờn tôi cả, trái lại tay bắt mặt mừng mời về nhà đãi ăn, có cô gặp tôi lang thang một mình chiều ba mươi tết, dắt nhau về phố trọ đón giao thừa và cho phép ôm nhau hôn. Tôi mệt trước khi lăn quay ra ngủ còn nghe văng vẳng bên tai, tiếng cô bạn học xinh đẹp nói:
- Bây giờ hiên ngang quá! Hẳn bằng ngày xưa như con cá nóc mít!
Muôn vàn đội ơn những người bạn gái ngày xưa thân ái của tôi. Tôi thấy thật tình mình không xứng đáng trước sự bao dung trời biển đó.
Cách nhà một căn là nhà thằng Tâm, người bạn nhỏ “dặm trường” của tôi, cha làm thợ mộc ty Công Chánh, mẹ bán chè đậu, xôi vò ngon không tả. Chị Trầm lớn hơn tôi và thằng Tâm ba tuổi, chị Trầm thương tôi cũng gần bằng thằng Tâm. Ngày nào chị cũng để phần cho tôi một tô gồm: lớp chè dưới đáy và xôi vò ngả màu cháy, vàng ươm, bùi bùi, béo ngậy.
Chị Trầm có nước da trắng, thân hình tròn lẳn, gò má còn hồng chỉ máu, nhân trung lông măng phơn phớt xanh, cặp môi đỏ hơi dầy, tóc dài, đen huyền thường búi cao khoe chiếc cổ trắng ngần.
Nhà đơn chiết cộng với quan niệm cổ hủ của cha mẹ, con gái không cần học nhiều, chị Trầm học đến lớp đệ lục thì ở nhà phụ bếp, nấu chè xôi và chăm sóc đàn heo năm con, đã gần vào tạ. Tôi và Tâm đã biến nhà nó và nhà tôi thành hai địa điểm chúng tôi muốn ăn ngủ nơi nào cũng được. Những tối đi xem hát thuật Sơn Ðông của mấy ông Tàu bán thuốc, xem chớp bóng công cộng ở đình An Hội về khuya, gõ cửa nhà sợ má tôi giũa, hai đứa qua nhà Tâm, chị Trầm luôn vui vẻ mở cửa, chiêu đãi chè xôi còn nóng.
Hằng ngày, những chiều nước lớn không bận đá banh tôi và Tâm phụ xách nước cho chị Trầm tắm bầy heo, tôi khoái vô cùng dù hai tay xách hai thùng nước đầy, khá nặng mang đến cho chị. Tâm ngồi tại chỗ trên bậc thang cây cặp sát mé mương, nhận cho nước vào đầy hai thùng và nhiệm vụ tôi xách hai thùng nước đi một đoạn khá xa. Thấy tôi hơi mệt chị Trầm bảo Tâm đổi chỗ nhưng tôi vẫn khăng khăng tình nguyện xách nước đi xa vì làm như vậy tôi luôn được đứng cạnh chị Trầm.
Quần xăn quá gối, cặp giò chị như hai đòn chả trắng hồng, mủm mỉm và đàng sau nhượng những gân máu đỏ ngoằn ngoèo ẩn hiện dưới lớp da nõn nà; đàn heo lắc đầu khi nước được xối, văng tứ tung, làm ướt áo trắng mỏng, vuông ngực căng tròn đỏ au lồ lộ trông thật hấp dẫn với hai gò ngực phập phồng theo nhịp thở.
Tôi và Tâm ở cái tuổi khỉ khọt, chưa biết hoặc kinh nghiệm nào về giới tính nhưng nhìn chị Trầm tôi biết thân thể chị đẹp và hấp dẫn, chỗ nào nhìn hoài không thấy chán.
Vịt bán ngoài chợ thường là vịt hãng, nuôi từng bầy trên những cánh đồng sau mùa gặt, giá từ năm đến bảy đồng một con, tùy theo nhỏ lớn, riêng bộ lông bán được từ một đồng rưỡi đến hai đồng. Thịt vịt má tôi thường hầm với củ cải trắng, đầu, xương, cánh má tôi bằm nhỏ ướp gia vị, vo tròn như bò viên, ướp thêm bột nghệ chế thêm nước cốt dừa và trước khi nhắc xuống má tôi cho thêm lá cách, xắc nhỏ vào, ngon tuyệt cú mèo. Phần nạc và bộ lòng đều luôn để phần cho ba tôi vì má tôi nói rằng: “Ba làm cực phải được ăn phần ngon”.
Ngồi chực hờ khi má tôi nhổ lông vịt xong tôi xí phần liền, sợ anh hai tôi cuỗm trước.
Có lần ham đi đá banh, tôi giấu xề lông vịt trên nóc nhà dưới tàng cây mận xanh to trái, hôm sau còn lại cái xề không vì mớ lông vịt đã bị kiến vàng tha hết, đi xây tổ trên ngọn mận.
Thấy Anh Sáu mua ve chai lông vịt quảy cần xé đi tới, tôi mang xề lông vịt chạy ra và lần nào Anh Sáu cũng trả tôi một đồng rưỡi hoặc hai đồng tùy theo số lông vịt ít nhiều.
Thằng Tâm đứng kế bên vọt miệng:
- Anh Sáu qua nhà chị tôi bán lông cho anh. Anh Sáu cười chúm chím quảy gánh theo Tâm.
Ðứng ở hàng ba nhà nhìn sang, tôi thấy Anh Sáu tay xốc xốc mớ lông vịt, mắt cứ nhìn chị Trâm hoài. Anh Sáu quảy gánh đi rồi thằng Tâm chạy sang cười khoe với tôi:
- Lông của chị Trầm Anh Sáu trả bốn đồng.
Lần sau tôi phàn nàn về giá cả xề lông vịt của tôi và chị thằng Tâm, Anh Sáu cười ngất:
- Lông vịt của mầy tao mua giá đó còn lông của chị thằng Tâm tao phải mua giá khác chớ.
Nói xong anh đưa tay vò đầu tôi và quảy cần xé băng qua bên kia đường.
Suy nghĩ và mất ngủ cả tuần, tôi mừng húm vì vừa khám phá ra cách bán lông vịt được giá gấp đôi. Sau đó cứ mỗi lần có lông vịt tôi đều mang sang nhờ chị Trầm nhận là lông của chị, bán giùm. Tiền tăng gấp đôi, tôi và Tâm đèo nhau trên xe đạp đòn dông, ra ngã tư rạp hát Cộng Hòa ăn bò viên chấm với tương xay ngọt, cay cay, uống nước đá nhận chế xi-rô kèm thêm miếng chanh muối, tốn có đồng bạc, sướng và ngon quá chừng!
Có nhiều lần nhà tôi và Tâm không có mua vịt, nhưng Anh Sáu vẫn dừng chân đặt gánh xuống và chị Trầm niềm nở mang chè xôi ra đãi Anh Sáu kèm theo ly nước trà nóng, bốc khói.
Ðôi lần tôi và thằng Tâm đi bắn chim về bất chợt, dàn ná còn đeo lủng lẳng trước ngực, như mấy ông y tá vườn đeo ống nghe khám bịnh, cửa nhà thằng Tâm khóa cứng chốt bên trong, kêu một hồi chị Trâm vuốt vuốt mái tóc rối, bẽn lẽn mở cửa và Anh Sáu nằm trên võng đưa cọt kẹt. Sau đó cứ mỗi lần ghé ăn chè, anh thường cho tôi và thằng Tâm lúc năm đồng có khi mười đồng với ánh mắt ngầm bảo “Tụi bây đi chỗ khác chơi”.
Ðược tiền, để thằng Tâm ngồi trên đòn dông xe đạp, tôi choàng tay vịn “ghi đông”, lấy trớn bung giò nhảy lên yên xe ra ngã tư quốc tế dứt bò viên uống nước đá nhận chế xi-rô đỏ có dằn lên miếng chanh muối quá đã, mặc kệ Anh Sáu và chị Trầm muốn “đưa võng” kiểu nào thì đưa.
Lối “đề-pa” xe đạp của tôi Anh Sáu nói mấy lần:
- Thấy mầy nhảy xe, tao muốn kêu lính bắt! Ít lâu sau, Anh Sáu nhờ người đến hỏi, ba má chị Trầm không bằng lòng.
Nghe thằng Tâm thuật lại, ba má nó nói:
- Lấy thằng Sáu, con Trầm chắc phải ngủ suốt đời trong cần xé... ve chai lông vịt của nó.
Một tháng sau, sang nhà Tâm chơi, tôi thấy ba má Tâm ngồi khóc như nhà có tang. Chị Trầm đã bỏ nhà trốn đi với anh Sáu, hẹn bao giờ anh chị làm ăn giàu có, sẽ về làm lễ thú phạt với ba má.
Thời gian khá lâu, Tâm thi đậu vào sư phạm Long An, tôi lên Sàigòn, ba má Tâm bán nhà về quê mua đất gần cầu Cái Cấm quận Mỏ Cày, phía bên kia bờ bắc Hàm Luông, dưỡng già. Sau đó, tôi vào Thủ Ðức, sáng hôm sau đêm gắn “Alpha” tôi vội vã về thăm nhà. Xuống phà Rạch Miễu, tựa tay vào lan can, đưa mắt nhìn sông nước, sau lưng tôi một chiếc Peugeot 504 màu bạc mới toanh, một người đàn bà mặc mini jupe, tham lam phấn son, mở cửa bước xuống, nhận ra tôi cô ta mừng rỡ:
- Chú Ẩn đây phải không?
Tôi cũng vừa nhận ra:
- Ồ chị Trầm! Trông chị sang trọng và lạ quá!
Chị cho biết đã mua miếng vườn lớn năm mẫu ở gần cầu Cái Cấm, cây trái xum xuê. Ba má chị an nhàn, dưỡng già thoải mái, thằng Tâm đi dạy ở Cần Thơ và đã cưới vợ là cô học trò của nó.
Tôi hỏi về Anh Sáu, chị ngập ngừng:
- Chuyện dài lắm! Lên lầu chị kể cho em nghe.
Vừa ngồi xuống, chị Trầm vào chuyện ngay:
- Ngày đầu bỏ nhà ra đi với Anh Sáu, tụi chị vất vả lắm. Anh chị trốn ra Vũng Tàu, sống tá túc nhà Cậu của Anh Sáu, một ngư dân ngày ngày đi đánh cá ngoài biển khơi. Anh Sáu theo cậu ra biển, chị ở nhà phụ cơm nước với mợ, tối lãnh đồ may thêm. Anh chị sống đắp đổi qua ngày. Em gái của mợ là chủ một bar bán rượu cho Mỹ ở bãi Dâu, Vũng Tàu, bà nhờ chị ra giúp việc nhà, trả lương rất hậu. Thỉnh thoảng thiếu người chạy bàn, bà nhờ chị trang điểm mặc jupe ra tiếp khách phụ.
Khách đủ chủng tộc, Mỹ trắng, đen, Úc, thỉnh thoảng có Ðại Hàn, Phi Luật Tân
Lúc đầu chị mắc cỡ và ngại ngùng lắm vì mấy chuyện sàm sỡ của bọn đàn ông ngoại quốc say rượu. Sau quen dần vì được nhiều tiền lắm em.
Chị mua nhà, không cho anh Sáu đi biển nữa, ở nhà tà tà, nhàn hạ,ỳ vật chất đầy đủ như một ông vua con.
Qua ba năm chị có vốn, tự làm chủ một bar lớn đông khách. Ba má chị và gia đình thằng Tâm được chị chu cấp đầy đủ.
Một bữa nọ chị trở về đèn đuốc nhà cửa tối om, không thấy anh Sáu đâu cả. Mở tủ sắt, mấy chục ngàn đô la xanh không cánh mà bay đi đâu mất tiêu. Sau nầy chị mới biết, Anh Sáu ôm tiền trốn đi cùng con nhỏ làm trong bar của chị, đẹp và dâm lắm, ra Ðà Nẵng mở bar làm ăn.
Những ngày đầu chị buồn và hận vô cùng, bỏ cha, bỏ mẹ, lìa xa gia đình trốn theo không với ảnh. Vừa tạo được ít vốn, mơ trở về Bến Tre mở tiệm vàng sống bên nhau suốt đời. Bình tâm nghĩ lại, bây giờ không còn tình thì phải có tiền thật nhiều, xả láng đời chị! Còn chồng con gì nữa mà phải giữ gìn. Bây giờ chị có khá nhiều tiền, mua một căn phố lầu đường Nguyễn Thông quận ba Sàigòn. Bán kẹo, bánh, rượu, thuốc hút ngoại, một bên chị bán máy ảnh, đồng hồ, mắt kiếng loại đắc tiền, do thằng chồng đại tá hải quân Mỹ phụ trách về tiếp liệu cho quân đội đồng minh, đóng trong căn cứ Long Bình và tiền trạm ở Ðà Nẵng, chở ra, hàng xịn không bỏ vốn mua. Chị khỏe re. Làm vợ một tháng đôi ba ngày vì đại tá chồng chị phải ứng chiến ngày đêm trong căn cứ, ông ta có ý định mang chị về Mỹ sau khi mãn hạn.
Tôi cắt ngang câu chuyện:
- Chị nghĩ sao về ý định của chồng muốn mang chị về Mỹ?
Chị Trầm đưa mắt nhìn ra bờ sông, thở ra và thấp giọng:
- Dị chủng làm sao có tình yêu được em ơi! Vì vật chất đấy thôi. Giá bây giờ anh Sáu, quay về xin lỗi, chị tha thứ ngay, cho-cô-la, sewing gum làm sao bằng chén chè đậu nước cốt dừa béo ngậy thêm miếng xôi vò đậu xanh bùi bùi. Nằm trong vòng tay đầy lông lá của đại tá Mỹ chị thèm biết bao vòng tay của Anh Sáu, người mua ve chai, lông vịt, người tình đầu đời của chị và những lần ôm nhau hôn say đắm trên chiếc võng ngừng đưa ngày nào.
Chị đốt thuốc, hai ngón tay kẹp điệu nghệ, chu môi thổi từng vòng khói tròn nối đuôi bị gió sông cuốn đi. Tôi thất vọng về chị Trầm quá chừng! Một me Mỹ chuyên nghiệp.
Phà cập bến Tân Thạch, chị Trầm mời tôi lên xe. Chị khen tôi mặc đồ SVSQ Thủ Ðức coi đẹp trai và oai phong lắm! Chị trao tôi một tấm danh thiếp, căn dặn cuối tuần đi phép về nhà chị nghỉ, chị sẽ chuẩn bị sẵn cho tôi, bơ, phó mát, xúc xích, thịt hộp để vào trường bồi dưỡng vì ăn cơm nhà bàn làm sao tập luyện cho nổi.
Xe đã vào thị xã Bến Tre, chị cho tôi cây thuốc Pall Mall, một phong thư có tiền trong đó. Tôi từ chối cách nào cũng không được. Xe dừng tôi bước xuống, chị tắt máy xe xuống theo, nắm tay tôi, ân cần, căn dặn nhớ ghé thăm, nếu gọi chị sẽ lái xe đến cổng quân trường rước mỗi khi tôi đi phép. Khi chị bắt tay từ giã quay người bước vào xe, tôi đưa mắt nhanh nhìn xuống nhượng chị để tìm lại những lằn gân máu hồng hồng ngày xưa. Tôi vô cùng thất vọng vì chị Trầm đã mang vớ màu da người kéo lên tận đùi.
Chị Trầm bây giờ đã giàu có, sang trọng, nhưng phấn son, trang điểm lòe loẹt, diêm dúa quá, không còn giữ lại chút nào nét duyên dáng, da thịt thơm tho ngày nào, cái ngày tuổi nhỏ, tôi khệ nệ hai tay mang hai thùng nước, hân hoan mang đến đứng bên chị tắm heo và đâu nào bờ ngực thanh tân phập phồng theo hơi thở, mà tôi trông rõ mồn một mỗi lần bầy heo lắc đầu, quơ lỗ tai văng nước làm ướt áo chị Trầm. Hương đồng gió nội đã bay đi hết trơn rồi! Bỗng nhiên tôi bật cười. Giờ nầy nếu tôi nhờ chị nhận giùm mớ lông vịt của tôi là lông của chị chắc anh Sáu chẳng trả cao giá lắm đâu!

Tường Lâm


***

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.