Nov 23, 2024

Truyện ngắn

THƯƠNG HOÀI NGHỈN NĂM
Tường Lam * đăng lúc 09:45:49 PM, Mar 20, 2009 * Số lần xem: 2127
Hình ảnh
#1

 

Sau nửa năm bị còng chân, cùm vào song sắt xuyên ngang, còng tay, đêm ngày ăn ngủ tại chỗ, trên chiếc chiếu lác bề ngang tám tấc, nằm trên nền đất, sắp lớp như cá mòi đóng hộp và hằng ngày dân chúng thuộc mật khu Dừa Ðỏ, lũ lượt đi vòng quanh vách trại chỉ chỏ, nhìn ngắm chúng tôi như đàn khỉ bị nhốt trong chuồng sở thú.
Tôi và tất cả các sĩ quan cấp đại úy thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phục vụ và trình diện tại Quân Khu 4, sau ngày 30 tháng 4-1975 đổi là Quân Khu 9, đều bị tập trung vào hậu cứ Trung đoàn 33 Sư đoàn 21 cũ thuộc tỉnh Cần Thơ, gần sân bay Trà Nóc để tiếp tục học tập cải tạo, một ma thuật của ngôn từ.
Nhóm tù gồm 123 người, cấp đại úy thuộc tỉnh Trà Vinh, hai tay bị trói thúc ké sau lưng, mỗi toán mười người lần lượt trèo lên đoàn xe GMC có vệ binh ôm AK giương lưỡi lê, ngồi đàng sau áp giải. Trước đó một tuần, tòa án nhân dân mở ra ở sân banh thị xã, đã tuyên án tử hình Ðại úy Lương văn Kiệu, Trưởng phòng 3 Tiểu khu, để trả thù cho 9 Hải, tỉnh đội trưởng đã nằm lại bên lề đường trước khi ra lệnh xung phong đánh vào sân bay.
Ngày tôi đi tù, vợ và hai con trai nhỏ về trú ngụ với gia đình bên ngoại mấy cháu. Nhà nằm sát lộ cách quận lỵ Càng Long 500 mét, trên lộ trình đoàn xe chở tù đi qua, trong đêm mưa lất phất. Ðể báo cho gia đình biết, lúc xe lăn bánh tôi xin phép tên bộ đội áp giải rằng tôi bị suyễn nặng, lát nữa đây đoàn xe chạy ngang nhà, tôi quăng chai nầy xuống trong đó có ghi dặn gia đình mua thuốc gởi cho tôi trong lần thăm tới. Tên bộ đội đồng ý, trong lúc đoàn xe nối đuôi nhau dưới cơn mưa lạnh buốt nửa khuya.
Ngày xưa Mỵ Châu bứt áo lông ngỗng của mình rải dọc đường vua cha An Dương Vương và mình bôn tẩu để Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng kiếm tìm. Ngày nay, khi trời vừa sáng, vợ tôi lượm được chai thuốc suyễn, đọc thơ, chạy thông báo cho mấy bà đồng cảnh, cùng đón xe đi tìm đến trại tù. Cổng trại khép kín, đứng khóc vài giờ, chị em cùng lủi thủi ra về, thỉnh thoảng quay mặt lại nhìn bên trong mấy hàng rào kẽm gai, chồng mình và bè bạn trang lứa sinh hoạt như một trại súc vật, ăn ngủ, lao động theo tiếng kẻng.
Mấy tháng trước đây, bạn tôi đại úy cảnh sát T.B.X. ra tòa án nhân dân, đặc biệt nhóm ở sân banh, chánh quyền mới bắt buộc dân thị xã mỗi gia đình phải cử một người đi tham dự phiên tòa xét xử những sĩ quan ngụy (!)ác ôn, mang nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng. Trước một ngày phiên tòa khai mạc, chi T.B.X. cùng đứa con trai duy nhứt, hai mẹ con đến phòng giam, bịt khăn tang quỳ lạy, tế sống chồng mình vì ngày mai ra tòa thế nào cũng lãnh án tử hình. Một phép lạ, anh chỉ lãnh mười lăm năm khổ sai, mãn hạn tù, anh trở về sum hợp gia đình và mang theo chứng bịnh mãn tính chửi đời không mệt mỏi. Ðại úy K. Trưởng Phòng 3 và Thiếu úy P. Phân chi khu Trưởng lãnh án tử hình.
Sau năm 1975 nỗi khổ ải, đọa đày, chết chóc, đòn thù nghiệt ngã của người xâm lăng chiến thắng phương Bắc, giáng xuống toàn thể dân miền Nam không bút mực nào tả xiết, đôi khi cứ tưởng tượng như trong tiểu thuyết hoặc các tuồng cải lương. Nợ máu, nợ mủ nào khi chiến đấu bảo vệ miền Nam đối với kẻ thù xâm lược phương Bắc, câm nín, nuốt hận vào lòng!
Gần một năm ở trại tù nầy, chúng tôi học tập mười bài căn bản, do Ba Song, chính ủy sư đoàn, lên lớp. Trong đó tôi còn nhớ tên một bài học “Ðế Quốc Mỹ -con đỉa hai vòi- một vòi hút máu dân bản xứ, một vòi hút máu dân thuộc địa”. Ngôn ngữ đấu tố tuyên truyền hoàn chỉnh tuyệt vời với những tội ác tưởng tượng.
Ngày xưa, nàng Kiều đã học gẫy khúc “Ðoạn Trường” báo hiệu nỗi bi-lụy vào thân với mười lăm năm lưu lạc, thanh y hai lượt thanh lâu ba lần.
Ðọc trong rừng danh tác văn chương quốc tế, lãng đãng triền miên trong tôi, nhứt là trong những năm tháng tù đày, cuốn “Papillon”, người tù khổ sai, cuộc đời thật của Henry Charrière, những đày ải, nghiệt ngã khổ đau trên bước đường vượt ngục, lênh đênh trên biển nắng mưa, gió bão một mình, đói khát trên chiếc bè bằng nhiều bao bột mì khâu lại, đựng những trái dừa khô... đã tố cáo cho thế giới biết rằng những trại tù khổ sai trên quần đảo Saint Joseph, với những phòng giam cấm cố cực kỳ dã man, ít người tù nào sống sót sau khi thọ án quá 6 tháng ở thuộc địa xứ Guyane của Pháp. Quần đảo ngục tù man rợ nầy đã làm cho nước Pháp và nhân dân của họ phải cúi đầu xấu hổ.
Nhập trại được ba tháng, đại úy Tến, quê Long Xuyên vượt trại bị bắt lại. Sau mấy ngày nhục hình, được mớm cung, anh Tến đã ký nhận mục đích vượt trại về hợp tác với lực lượng Hòa Hảo chống lại chính quyền Cộng Sản. Phiên tòa quân sự quân Khu 9 mở ra trong trại đã tuyên án tử hình, anh Tến bị trói thúc ké, dẫn ra khu vườn cách trại hai trăm thước, mấy loạt AK giòn tan đã kết liễu đời anh Tến và đồng thời những loạt đạn đó cũng bắn thẳng vào tâm can trên hai ngàn trại viên chúng tôi bị giam cầm chẳng biết ngày nào ra với rào kẽm gai và họng súng canh giữ đêm ngày.
Ðoàn tù các tỉnh miền Tây, tập trung về đây, biên chế, xáo trộn. Tôi nằm cạnh Hoài, tiểu đoàn phó thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh. Hoài nhỏ hơn tôi ba tuổi, ngoại hình dễ nhìn, tánh tình vui vẻ, từ tốn và lịch sự. Hoài độc thân, người mẹ ngoài thất tuần, tóc trắng phau, không vắng mặt một lần thăm nuôi nào.
Trong nỗi khổ đau khốn cùng, con người dễ gần gũi nhau hơn. Tôi và Hoài trở nên đôi bạn thân không mấy chốc, ăn ngủ, lao động, đêm ngày đều có nhau. Duy có một điều Hoài rất kín đáo. Ít nói về mình. Thân nhau là thế, gần nửa năm bên nhau tôi chỉ biết láng máng Hoài có người yêu Công Tằng Tôn Nữ Diễm Phượng, em gái tiểu đoàn trưởng của Hoài, Tôn Thất Long, gia đình gốc Huế vào Sàigòn sống đã lâu.
Tết đến, buồn thân phận tù đày xa nhà. Lần lên lớp cuối năm trong hội trường lớn, cựu huấn luyện viên đại học chiến tranh chính trị Ðà Lạt đại diện tù nhân chúc tết cán bộ chỉ huy trại với câu kết: “Hy vọng những ngày tới: Nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân” chớ đừng như những ngày đã qua, “Tà huy, tà tà huy, hựu tà huy”. Hơn ba năm sau anh bị siết cổ chết trong connex nửa đêm về sáng tại trại Vườn Ðào Cai Lậy.
Anh bị bức tử vì có bạn tù ăng-ten báo lại với Hai Sanh, sĩ quan an ninh, trại trưởng Trung tá Trần Thâu: ”Nếu lấy được chánh quyền trở lại, phải giết hết một triệu đảng viên Cộng Sản”. Câu nói để đời khí phách của anh hùng Ðại úy Quách Dược Thanh.
Sau đó là ngày trọng đại, đám tù ôm nhau rơi nước mắt chia tay, vì số lớn tù nhân lùa xuống tàu đày ra Bắc. Cả ngàn người ngồi sắp lớp khít nhau như cá mòi hộp, ăn sống mì gói và tiêu tiểu tại chỗ vào những thùng ny -lon. Tắm thì một vòi nước cứu hỏa từ trên nắp sàn tàu xịt xuống. Ðàn tù lốp ngốp như một lũ chuột chù, loi ngoi trong cống rãnh.
Biến một người thường trở thành người có tư cách đàng hoàng, thật khó khăn vá cần khoảng thời gian lâu dài, nhiều năm, nhưng biến con người xuống hàng súc vật thì thật dễ dàng chỉ cần đôi ba ngày. Người cộng sản có biệt tài nầy, chỉ cần sinh hoạt đôi ba ngày trên chuyến tàu, đày tù biệt xứ không biết ngày về. Cách đối xử cùng hung cực ác mà Thủ tướng Phạm văn Ðồng, người làm thủ tướng lâu đời nhứt trên thế giới, với hàm răng vẩu như hàng cừ sạt lở bên bờ đê sông Hồng, đã vỗ ngực tự xưng” lương tri của loài người“
Tôi và Hoài may mắn còn ở lại, sau đó bị chuyển xuống Cà Mau vùng Hòn Ðá Bạc, sông Ðốc Vàm phát sậy, đào đất, làm trại, cất nhà, phá rừng, làm ruộng, đốn tràm cung cấp cho các nơi xây dựng, làm chất đốt và cán bộ kiểm lâm tha hồ buôn bán, tiền bỏ vào túi riêng.
Dân chúng cho biết từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa có dấu chân người đặt tới bờ lung Ngọc Hoàng, không biết Ngọc Hoàng có xót thương hay không mà đoàn tù mỗi khi đi phát sậy làm ruộng trở về, mâm cơm trải tấm ny -lon trên nền đất, ê hề cá lóc, cá trê, cá rô đôi khi có cả rùa, rắn, canh chua cá chiên, kho, rùa rang muối và cháo rắn hổ nấu đậu xanh. Trời đẻ trời nuôi và đoàn tù chúng tôi khỏe mạnh. Ðặc biệt, không ai bị rắn cắn dù rắn chui dưới gầm giường và làm ổ trong túi quần áo treo trên đầu nằm.
Chúng tôi câu được một con cá rô mề đóng phèn vàng nghín, cân nặng một ký rưỡi, không ăn, rọng đến kỳ thăm nuôi mang ra cho thân nhân làm tin và anh bạn của tôi Nghê Thành Thân, đại úy thiết giáp, cắm câu một đêm trúng gần một phần ba thùng phuy cá trê vàng.
Một đoàn khoảng một trăm tù di chuyển bằng mấy chiếc “pon -tong” làm đà cầu nổi công binh, xuống xã Khánh Hưng ở dọc bờ kinh để hằng ngày vào rừng ngập nước đốn tràm gom thành đống to như trấu ở các nhà máy xay lúa. Chúng tôi chia thành tổ mười người xin vào tạm trú nhà dân do cán bộ chỉ định. 
- Thưa bác, do cán bộ chỉ định, chúng cháu xin phép tạm trú nhà bác để đi lao động.
Nhổ một bãi cỗ trầu vào cái gáo dừa đã lên nước mun ô, quay mặt đi hướng khác. Bác chủ nhà nói giọng lạnh lùng: 
 - Nhà tôi nhỏ hẹp lắm! Không có chỗ cho mấy chú ở đâu! Phải chi ngày xưa lính Sư đoàn 21 trong chiến dịch Làm Cỏ U-Minh đừng đốt nhà tôi sáu lần thì gia đình tôi đâu có ở trong căn nhà trống trước trống sau như chuồng vịt nầy. Tùy mấy chú, tôi không đuổi xua ai hết!
Ðêm đó chúng tôi trùm ny -lon, ngủ ngồi ngoài sân dưới cơn mưa rỉ rả trọn đêm. Sáng ra ai cũng mặt mũi bơ phờ vì thiếu ngủ và truyền miệng cho nhau nghe đừng bao giờ cho cư dân đây biết lý lịch trước đây đã phục vụ Sư đoàn 21.
Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi hồi làm tư lịnh Sư đoàn 21 với chiến dịch Làm Cỏ U-Minh, lập nhiều căn cứ hỏa lực để từ đây bung quân ra tiêu diệt lực lượng cũng như hậu cần của Việt Cộng đồng thời gom dân ở trong vùng do quốc gia kiểm soát, cắt đứt mọi liên lạc, tiếp tế, tách rời cá (Việt Cộng) ra khỏi nước (dân chúng). Trên đường bình định đã đốt nhà dân nhiều lần gây căm phẫn trong lòng dân cao độ.
Trên “sạt” thuyết trình chiến dịch Làm Cỏ U-Minh thành công, trình diễn bằng cách mời Tổng Thống Thiệu dự tiệc đêm Giáng Sinh ở căn cứ Hòa Bình. Ðêm đó binh sĩ Sư đoàn 21 đã thấm thía bài hát “đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời” run rẩy bên gốc đước, bờ tràm... Lực lượng bung ra bán kính trên 20 km ngừa pháo kích, để Tổng Thống, Tư Lịnh cùng số lớn quan chức Sàigòn lả lướt trên sàn nhảy, rượu mềm môi và gái đẹp, biệt đoàn văn nghệ trung ương đã được hàng đoàn trực thăng UH -1B không vận đầy đủ và hoàn tất từ ngày hôm trước. Một sao được gắn thêm lên bâu áo trận, chức tư lịnh quân đoàn đi kèm với mồ hôi, bệnh tật, tử sĩ... của sư đoàn và hàng ngàn nhà dân U-Minh bị đốt đi, dựng lại nhiều lần. Tiếng pháo đêm đêm từ mấy căn cứ hỏa lực bắn đi cũng là nhịp đập đau lòng của con tim người dân trong vùng lửa đạn chiến tranh tàn khốc mà mạng người tựa như cỏ rác ngoài đồng.
Toán lao động của chúng tôi đã hội ý trước, sau khi số tràm đốn, nạp đủ chỉ tiêu, anh em chúng tôi ai cũng bè về một bó tràm khô lớn. Tắm rửa, cơm nước xong, chúng tôi cưa gần hai thước khối củi tràm, chất thành cự bên đầu song nhà, để gia đình bác Ba và chúng tôi cùng dùng. Hôm sau, toán chúng tôi được phép vào nằm ở hàng ba nhà trú mưa.
Còn ở chung với bác Ba chủ nhà, cô con gái thứ sáu tuổi ngoài hai mươi, đảng viên, thơ ký văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Xã Khánh Hưng, mỗi ngày sáng đi chiều về bằng xuồng ba lá. Cậu con trai mười bốn tuổi đẹt ngắt, không có trường đi học, mỗi sáng ra đồng với mẹ. Hôm nào trời mưa dầm, đi ruộng về, cậu vắt áo cho ráo, mặc quần đùi còn rỏ nước, leo lên giàn bếp ngồi hơ cho ấm và hong cho đồ khô vì bộ thứ hai có nhiều chỗ vá còn ướt, phải vắt ngang qua cây sào trúc.
Tôi mở ba-lô lấy ra một quần tây dài, vải “sạt-kin”, li còn bén ngót, một áo sơ mi dài tay màu xám của nhạc gia tôi gởi cho trong chuyến thăm nuôi vừa rồi, mặc đi lao động, tôi biếu cho cậu ta. Mặc bộ đồ mới, cậu chạy vào buồng, mừng rỡ khoe với mẹ. Bác Ba bước ra, tay lau nước mắt, khóc ngỏ lời cám ơn tôi. Ðêm đó cả toán mừng vui phơi phới, chúng tôi được phép vào nhà ngủ không còn sợ những cơn mưa nửa đêm mà mấy ngày qua chúng tôi ngồi bó gối, co ro, ướt mẹp như chuột lột.
Sáu chiếc võng ny -lon được giăng chằn qua mấy hàng cột, một bạn nằm dưới khuôn bếp. Be và Châu Rép nằm trên tấm đệm phủ lên bồ lúa, tôi với chiếc chiếu hẹp khổ, trải lên mặt đất có lót tấm ny -lon màu bánh lá rau mơ, khoảng cách giữa bộ ván và tấm vách ngăn, bằng gỗ còng non. Ðược chỗ ngủ yên bề, anh em nói cười mừng vui ra mặt. Ðêm ấy tôi ngủ sớm, nửa đêm nằm mơ thấy mình được thả, dang tay ôm cả vợ và hai con trai vào lòng. Trong mơ màng tôi nghe trời đang mưa, giựt mình thức dậy ướt sũng một bên đầu... mông con heo nái chủ nhà đang sề vào mùng tôi, nước tuôn xối xả một trận mưa to, khai ngấy, gần năm phút mới tạnh. Tôi không giận, áo quần mùng mền ướt nhẹp khai mùi nước đái heo, chỉ tiếc một điều trong mơ chưa hôn được vợ con.
Châu Rép, người quận Tịnh Biên, gốc Khờ Me, hư một mắt, vết thương lớn ở quai hàm dưới, hủng vào vì mất xương, đại đội trưởng biệt kích, trận mạc gan lì, tánh tình hiền hòa, chất phác. Buổi chiều cơm nước xong, cả toán đứng ngồi trước hiên nhà tán gẫu, bỗng hai con chó chạy bám, đuổi nhau và đứng lại làm tình vội vã trước sân. Anh chó đực hơi nhỏ con, hai chân trước phủ lên mông người bạn tình, đít lắc hùng hổ liên hồi, lia lịa nhưng không trúng mục tiêu, giá nếu chị chó biết rùn thấp xuống một tí giúp đỡ... sự đời sẽ đẹp như mơ.
Châu Rép giậm cẳng, tức mình phán một câu:
- Rặp tao là rrồi rrồi! (gặp tao là rồi rồi)
Anh em cười bò lăn, Cô Sáu đỏ mặt, nguýt một cái, ngoe ngoảy bước nhanh vào trong. Câu chuyện trên, chiều hôm đó được phổ biến đi khắp đội và cũng từ hôm đó Châu Rép đi đâu, gặp bất cứ anh em nào trong đội, đều được chào bằng câu: “Răp tao là rrồi rrồi”.
Châu Rép và Be là cặp bài trùng, ăn ngủ đi đứng tâm tình luôn ở bên nhau. Be là sĩ quan tùy viên của Ðại tá Hoàng Ðức Ninh, anh ruột Hoàng Ðức Nhã bà con cô cậu với Tổng Thống Thiệu, Tư lệnh Biệt khu 44. Giữ chức vụ nầy để sẵn sàng được vinh thăng cấp tướng.
Be cho biết, trước đây thường dùng trực thăng sang Nam Vang ăn sáng với tư lịnh, lúc về đầy “sam-so- nite” vàng lá! Buôn lậu kiểu nầy đố cha thằng nào dám đến gần, ký giả nào dám hó hé nói chi đến an-ninh quân đội, quân cảnh nữa, tất cả chỉ như quân khuyển thôi, có dám ngửi được gì đâu!
Qua kẽ hở của “bân-cơ”-hầm làm việc và chốn ăn ngủ của tư lịnh. Ðắp bằng bao cát chống pháo kích, Be rình xem đã đời cảnh tư lịnh “vũ đuôi múa lân” với cô đào nhan sắc, có nghệ danh “cải lương chi bảo”, mông quay về phía sau.
Những trận đánh ghen đập bể kiếng xe, khói súng mù trời của bà vợ lai Pháp, may mắn lần nào vị tư lịnh biệt khu 44 cũng đều an toàn thoát nạn vì nắm vững binh pháp Tôn Tử: “dĩ đào vi thượng“
Cô Sáu, đảng viên, thơ ký ủy ban xã, khoái Be ra mặt. Theo lời Châu Rép tường thuật với điều kiện chúng tôi phải thề không ai được nói lại cho Be biết, mỗi đêm Châu Rép vén mùng... mặc kệ muỗi cắn, để nghe ngóng và quan sát vì Be vừa rón rén mò vào buồng cô Sáu, cố gắng nhiều nhưng chẳng thấy được gì, một phần vì đêm tối, một phần vì mắt bị thương tật. Riêng tiếng chuyển mình của giường ngủ Cô Sáu bện bằng những cây tràm suông, kết lại với nhau, tiếng râm ran kẽo kẹt nhiều lần trong đêm và có lúc vẫn “chuyển mình lên hăm hở”, cho đến khi gà vỗ cánh, cất đầu, rộn ràng gáy sáng.
Ngày đoàn tù chúng tôi rời khu rừng tràm, rời xóm dân nghèo đáng thương tội nghiệp, cả hai chế độ làm cho đời sống khốn đốn cơ hàn, cái xã Khánh Hưng quanh năm ngập nước đỏ bầm, màu lá tràm mục lưu lại nhiều đời, chia tay trong cảm động và nước mắt. Nhà có ba con vịt xiêm mái, mập ú bước theo điệu Limbo rock không muốn nổi, bác Ba chủ nhà ra lịnh mần thịt hết, đãi đoàn tù tình nghĩa, tạm trú trong nhà mấy tháng qua, với đôi mắt đỏ hoe vì khóc suốt ngày hôm đó.
Riêng tôi cảm động và còn nhớ mãi đến bây giờ vì tình cảm yêu thương, mến phục người tù cùng mấy miếng huyết vịt hòa với nếp, to tròn, day, bùi bùi, béo ngậy trong nồi cà- ry, khoai lang tím, nước cốt dừa... ngon không tả thế nào được.
Xin gởi đến bác Ba lời tri ơn tận đáy lòng, kéo tay ra phía sau hè, bác nói với tôi:
- Nếu lúc nào được thả, chú Ba không chê xóm nghèo nàn nầy, chú dẫn thím và mấy đứa nhỏ về đây ở, tôi kêu sắp nhỏ cất cho chú thím một cái nhà và cho không chú năm công ruộng để sống.
Bị lính quốc gia đốt nhà nhiều lần, bây giờ cho đất cất nhà cho người tù-lính quốc gia- để tối lửa tắt đèn có nhau trong tình chòm xóm. Bác Ba ơi! Người đàn bà nghèo của xã Khánh Hưng, khu rừng tràm quanh năm ngập nước màu đỏ bầm, tôi biết tìm đâu hơn tấm lòng bao la nhân ái sánh cho bằng.
Chúng tôi nối đuôi nhau đi bộ thảnh thơi dọc theo bờ kinh, ba-lô, nồi niêu, xoong chảo, len cuốc, dao rừng... tôi để trên xuồng do cô Sáu bơi lái, Be ngồi trước mũi xuồng quay mặt nhìn cô Sáu vừa bơi vừa cầm chéo khăn rằn lên lau nước mắt.
Bọn chúng tôi di trong yên lặng, cảm động thật tình trước cảnh chia tay của Be và cô Sáu, “tình không biên giới”. Chúng tôi cùng cười ồ lên, khi phía sau, tiếng Châu Rép, giọng người Miên lơ lớ :
 - Dớ! Cô Sáu khóc vì khuya nay không có đồ chơi quay!
Sau nầy Be dẫn Châu Rép trốn trại qua Miên đi đường núi Trầu Hà Tiên. Châu Rép bị bắt lại, cùm chân ngày đêm. Biệt giam trong nhà kỷ luật rào bằng nhiều lớp kẽm gai, ăn độn khoai mì chấm nước muối. Cách ly với bạn tù. Riêng Be, nghe mấy vệ binh nói lại, ngoan cố bỏ chạy nên bị bắn chìm xuống dòng sông.
Bè bạn, nhất là bạn tù cùng trại, đã định cư trên các quốc gia khắp thế giới, cả bạn bè còn lại trong nước, ai biết được tin tức gì về Ðại úy Be, sĩ quan tùy viên của Tư lịnh Biệt Khu 44, người tình của cô Sáu, đảng viên, thơ ký Ủy Ban Nhân Dân Xã Khánh Hưng-Cà Mau sống chết thế nào xin liên lạc với tác giả, số điện thoại, email có ghi sau bìa sách, muôn vàn cảm tạ!
Riêng Châu Rép, tác giả chúc mừng anh cùng gia đình đã định cư tại Hoa Kỳ và có một thắc mắc: không biết sức khỏe anh thế nào, khi hồi tưởng lại ngày tháng tù đày năm xưa anh từng hiên ngang tuyên bố “gặp tao là rồi rồi “.Ðồng thời tôi còn giữ chữ tín với anh, lời thề năm xưa bên bồ lúa, chúng mình từng ngồi rình, tay se sẽ đập muỗi liên tục, lúc Be vừa rón rén bò vào buồng cô Sáu. Tôi chưa hề nói lại với Be vì cho tới bây giờ gần ba chục năm qua, tôi có gặp Be lần nào đâu! Châu Rép ơi!
Sáng hôm đó, đoàn tù tập hợp đi đốn tràm, dao rừng giắt bên hông, hai lon gô thức ăn và nước trà đựng trong túi, mang hông bên kia, lội xuống kinh, nước ngập bụng với “nỗi buồn ướt dái” mang vào rừng lạnh run lẩy bẩy.
Trước giờ xuất phát, có lịnh mỗi toán để lại nhà hai người, nhận công việc khác. Tôi và Hoài ở lại, nhập với mấy toán kia, chúng tôi gồm mười người mang theo len đào đất và một cần xé vôi bột, một cán bộ địa phương và hai du kích mang súng đi kèm. Chúng tôi đi trên bờ đê, qua cánh đồng, xuyên qua mép rừng đước mỏng, ngập nước đến đầu gối. Nửa giờ sau, tập hợp lại trên bãi cát bùn xám, cạnh mé biển nghe tên cán bộ lên lớp:
ố Sáng sớm hôm nay có hai chục xác chết thuộc thành phần phản động vượt biên để ăn bơ thừa sữa cặn của bọn tư bản, đế quốc. Các anh được phân công đào huyệt chôn mấy xác nầy, mỗi người đào hai hố, chôn hai xác, nhớ rải vôi bột lên xác chết trước khi lấp đất, khỏa bằng mặt, tuyệt đối không đắp núm.
Chúng tôi nhìn thấy mấy chục xác chết nằm rải rác, áo quần tả tơi, da đã căn bóng, mùi tanh hôi phảng phất, đàn ruồi nhặn vo ve bay lên đáp xuống.
Tôi và Hoài nhận bốn xác cuối cùng đàng xa, gần con lạch nhỏ, mở từ nguồn nước trong rừng đước mỏng chảy ra. Hoài nhận hai xác đàn ông quay ngược đầu, phần tôi một xác đàn ông và một xác phu nữ. Xác đàn ông được sóng biển đưa xa lên bãi cát, xác phụ nữ mặc áo trắng đã bật nút lòi một bên vai còn mang áo nịt ngực, quần đen với tư thế nằm ngửa chân còn liếm làn nước biển. Kéo xác thiếu nữ lên cạnh bìa rừng, cài lại nút áo cho người chết, tôi bỗng thấy bên vai phải có hình xâm con chim phượng màu tím thẩm, đuôi xòe, sắc nét rõ ràng dù da đã ngả màu trắng xanh, trơn bóng. Tôi đỡ xác chết, cài khuy áo kín đáo, vuốt lại mái tóc chấm ngang lưng gọn gàng.
Suốt thời gian nhìn thấy mấy chục xác chết của đồng bào mình, chạy trốn, để tìm tự do, thoát kiếp đọa đày cộng sản. Trên đường đi tìm sinh lộ chẳng may gặp tai nạn chết, xác trôi dạt vào đây, biết bao con tàu lớn nhỏ chìm đắm ngoài biển khơi với nhung nhúc xác người, làm mồi cho cá. Nào ai kiểm kê được? Hàng hàng lớp lớp người chịu cảnh xiềng gông, ngục tù trong những trại khổ sai rừng thiêng nước độc, chết lặng lẽ âm thầm như đá núi cây rừng.
Tôi mở nắp lon gô hớp một ngụm nước lá tràm sấy khô thay trà, còn âm ấm. Tôi bắt đầu đào hố, nửa giờ sau, tôi đã chôn xong xác người đàn ông. Ngồi trên rể đước, lấy nón lau mồ hôi trán, Hoài vác xẻng tới, ngồi xuống cạnh bên tôi và hỏi:
 - Xong chưa đại ca?
Tôi lấy trong túi áo miếng đường thẻ nhỏ, bẻ nửa chia cho Hoài và nói:
 - Mới chôn được một xác thôi. Hoài xong chưa?
Vừa nhai đường thẻ vừa trả lời:
- Xong rồi. Lại giúp đại ca đây.
Tôi đưa gô nước tràm cho Hoài:
- Tội nghiệp xác đàng kia là thiếu nữ còn trẻ, tóc ngang lưng và trên vai có xâm hình con chim phượng màu tím.
Lon nước tràm trên tay Hoài rơi xuống, đổ tràn ra mặt cát xám đen. Hoài thét lớn:
- Cái gì?
Rồi bật dậy, phóng mình, chân giẫm lên lớp bùn nhão văng tung tóe, cắm đầu chạy như bay về phía xác chết. Tôi chạy theo. Hoài lòn tay nâng đầu thiếu nữ lên nhìn trân trối vào mặt, mở nút, vạch áo xác chết trễ xuống vai. Hình con chim phượng màu tím hiện ra, Hoài gục đầu vào ngực tử thi và rống lên:
- Trời ơi! Phượng ơi !
Nước biển xanh màu bọt trắng, vô tình vẫn trườn lên nhởn nhơ, liếm nhẹ lên bãi cát, tiếp nối mãi hoài. Ngàn con sóng bạc đầu, lãnh đạm bỏ bờ ra khơi.
Tôi đứng chết trân như trời trồng, vô cảm, trước cảnh Hoài ôm xác chết! Khóc ngất, tôi không chuẩn bị để chứng kiến bi kịch nầy. Cả dân tộc đâu có ai ngờ để chuẩn bị những thảm kịch đổ ập lên số phận mình, số phận người Việt Nam nghiệt ngã đau thương.
Ðôi vai run từng hồi theo nhịp khóc, ấm ức, một lúc sau Hoài ngước nhìn tôi với ràn rụa nước mắt, đôi môi run run như mếu, Hoài chậm rãi:
- Diễm Phượng! Người yêu cũng là người vợ sắp cưới của Hoài đó anh, nếu không “đứt phim” tụi nầy đã cưới nhau rồi!
Nói xong, Hoài cúi xuống hôn Phượng thật lâu. Tôi phụ Hoài một tay, khiêng xác Phượng đặt trên mô đất bìa rừng, khô ráo hơn.
Hoài cởi áo thun chạy xuống mé biển, giặt sạch, vắt khô làm khăn lau mặt, tóc, tay chân; lấy áo trận lao động của mình Hoài mặc cho Phượng. Hoài vỗ vào vai tôi và nói một cách nghiêm trang:
- Anh ngồi nghỉ. Muốn một mình đào huyệt chôn Phượng, chôn cất người vợ chưa cưới đầu đời của mình.
Tôi ngồi lặng lẽ trên rể gốc cây đước, nhìn Hoài nhẫn nhục, gục đầu xắn từng len, hất bùn sang hai bên, thỉnh thoảng đưa cánh tay trần lên quẹt nước mắt hòa cùng mồ hôi chảy thành dòng trên trán.
Ðộ sâu và chiều ngang, dọc tương đối chỉnh, Hoài chạy đi gom lá rừng khô, trải một lớp phủ đáy mồ. Câu chuyện bi ai, cổ tích nào đây? Công chúa ngủ trong rừng. Em nằm trên lá khô. Khi rừng mới sang thu. Cho dù kịch bản nào cũng đong đầy nước mắt thôi. Tôi đứng đây nhìn Hoài, nhìn xác Phượng nằm im lìm trên lớp lá khô dưới hố, tôi không còn biết mình là ai, nếu làm người? Tại sao con người phải cưu mang những nỗi muộn phiền quá đỗi! Chúa ơi! Phật ơi! Xin đừng bỏ quên chúng con -những người tù- mà đôi khi bị “quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”.
Hoài nhảy xuống sửa lại tư thế Phượng nằm, áo quần ngay ngắn. Hoài cúi xuống, hai tay ôm mặt Phượng. Một trận mưa hôn rơi nước mắt hòa lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào...
Từ trên, tôi đứng lặng nhìn cảnh quá đỗi thương tâm người bạn tù ôm hôn người vợ chưa cưới của mình lần cuối dưới đáy mộ sâu. Một lớp vôi trắng phủ lên xác Phượng càng đậm màu tang thương.
Hoài tuôn từ len đất phủ dần lên thân thể người tình và tôi bỏ đi không muốn nhìn thấy cảnh nát lòng nầy một phút giây nào nữa. Tôi vác len, men theo làn sóng biển, đàn hải âu chao lượn rồi cũng biệt tăm cuối nẻo trời xa. Giữa cảnh trời đất bao la, đại dương muôn trùng sóng vỗ, con sóng nào rồi cũng bạc đầu, thân phận tù đày nghiệt ngã, tôi mới cảm nhận được sự nhỏ bé và phi lý của cuộc đời tục lụy nầy. Làm kiếp người sao khốn khó và nhiêu khê quá đỗi, chỉ có con người, một sinh vật tự hào thông minh trí tuệ hơn muôn loài mới tạo dựng được địa ngục cho nhau một cách hoàn chỉnh. Tìm tòi, khám phá không mệt mỏi, nhiều loại vũ khí gây tử vong cho con người càng nhiều càng tốt. Ðôi khi con người ban sơ giá trị đạo đức hơn con người hiện tại.
Tuần lễ sau tôi ngồi trên đống tràm vừa đốn và bó lại xong, Hoài lội nước ngập tới ngực, mang đến một ổ ong ruồi to bằng bắp chuối xiêm, mật tươm ra ngoài vàng óng ướt tay. Như thần dược, hai đứa chia đôi tổ ong, một lúc sau người thấy khỏe ra và sảng khoái vô cùng.
Mồi thuốc, nhìn thấy mắt Hoài thâm quầng, tôi từ tốn:
- Cả tuần nay, tôn trọng nỗi đau của Hoài, mình để bạn yên. Hôm nay, mới có lời chia xẻ, cầu chúc hương hồn Phượng yên vui trên cõi vĩnh hằng! Làm sao quên được Hoài ơi! Nghiệp chúng mình còn nặng lắm!
Ðầu hơi cúi xuống, nhìn mặt nước lềnh bềnh vỏ tràm, Hoài hít nhả khói liên hồi, búng tàn thuốc bay xa Hoài mở lời:
- Phượng gốc Huế, em gái duy nhứt của Tiểu đoàn trưởng Tôn Thất Long, tôi làm đại đội trưởng. Thiếu tá Long và tôi rất thương quí nhau, trong những trận hãi hùng phản phục kích, trực thăng vận, nhảy diều hâu... thừa sống thiếu chết trên chiến trường U-Minh, Chương Thiện, Vườn Khóm, Bà Ðầm, Thác Lác. Cứ mỗi lần gia đình xuống thăm, Thiếu tá Long đều gọi tôi đến coi như người em. Tôi và Phượng quen nhau từ đó và lần nào về phép, Thiếu tá Long đều nhờ tôi mang quà về cho gia đình với hảo ý tạo cơ hội cho tôi và Phượng thân nhau.
Sau một bữa nhậu khao quân tưng bừng, trong trạng thái ngà ngà say, Thiếu tá Long vạch vai áo trái cho tôi xem hình xăm con rồng đỏ, đường nét nghệ thuật và đồng thời bên vai phải em gái ông xâm hình con chim phượng xòe đuôi màu tím. Theo lời cha mẹ -công chức cao cấp trong phủ Tổng Thống- Thiếu Tá Long cho biết: trong đất nước loạn ly hai hình xăm cho anh em để nhìn nhau khi thất lạc. Nhờ chi tiết nầy, lần về phép sau đó, Hoài đã được hôn Phượng lần đầu tiên sau khi vỗ ngực tự xưng mình là một chiêm tinh gia đại tài, bói đâu trúng đó. Phượng ngoéo tay bằng lòng cho Hoài hôn nếu nói trúng điều bí mật về nàng. Hoài nhào đến hôn say đắm sau khi nói cho Phượng biết bên vai phải nàng có xăm hình con chim phượng, màu tím. Buông nhau ra, Phượng vẩu môi phụng phịu:
- Anh xạo thấy mồ! Nhờ anh Long tiết lộ chứ có tài ba gì đâu! Chiêm Phượng thì có chứ chiêm tinh gia nỗi gì!
Phượng siêng xuống thăm anh nhiều hơn, riêng tôi dành tất cả ngày phép về Sàigòn thăm Phượng. Thế rồi ngày miền Nam bại trận đến, tất cả đều sụp đổ, Thiếu tá Long bị đày ra Bắc, gia đình Phượng bị cưỡng chế đi vùng kinh tế mới, nhà cửa tài sản bị tịch thu, trôi nổi phương nào tôi không rõ. Hai kỷ vật mà tôi rất trân quí luôn mang theo bên mình, sợi dây chuyền vàng với mặt hai chữ P và H đan vào nhau, bản nhạc “Thương Hoài ngàn năm” mà chữ Hoài được Phượng dùng mực tím kẻ lên thành chữ H hoa “Hoài”- Thương Hoài ngàn năm”. Tất cả hai kỷ vật trên đều bị cán bộ quản giáo tịch thu.
Tính đến nay tôi và Phượng yêu nhau được năm năm, trên hai năm chúng tôi thỉnh thoảng được năm ba ngày phép trăng mật. Còn hơn hai năm nay tôi đi tù mất liên lạc. Tuần rồi gặp lại Phượng nằm chết trên bãi cát và tôi, một kẻ tình si đang bị tù đày, xắn từng len đất đắp mồ người yêu đầu đời của mình. chôn Phượng đồng thời cũng chôn theo tình tôi xuống mộ sâu.
Có lịnh trở về sau một ngày đốn tràm, tôi và Hoài nhảy xuống nước, chân bơi tay kéo bó tràm, di động lềnh bềnh như cá sấu trên mặt nước đỏ sậm của rừng tràm lá mục lưu lại bao đời. Ít lâu sau chúng tôi bị tập trung về trại Vườn Ðào, tên trại rất ư thơ nhạc, cách quận lỵ Cai Lậy trên năm cây số nằm dọc theo dòng sông trên con lộ đi Mộc Hóa. Tôi và Hoài biên chế ở khác láng cùng chung một liên trại. Hoài cho tôi biết trước khi rời xã Khánh Hưng đã lén đặt tấm bia bằng đá chẻ mài láng có đục tên Phượng và ngày tháng chôn cất. Cố bôi xóa, nhưng theo ngày tháng hình bóng Phượng luôn hiện hữu trong lòng Hoài...
Nâng tách trà, cử chỉ cũng chẳng duyên dáng gì, giả giọng lè nhè của người quá chén, tôi ngâm nhại hai câu thơ Vũ Hoàng Chương:
Em i, lửa tắt bình khô rượu,
Ðời vắng Phượng rồi say với ai?
Hoài nói trong khói thuốc:
- Trí nhớ anh còn tốt quá! Bao nhiêu đổi thay mà vẫn còn nhớ vanh vách văn chương thi phú. Tôi thì chịu! Ngày xưa đi học tôi luôn đội sổ môn văn.
Sau đó trại tù Vườn Ðào giải tán, tù giao cho công an quản lý. Hoài chuyển trại ra Trung, tôi bị đưa lên trại Xuyên Mộc, khu C thuộc tỉnh Ðồng Nai. Cuối năm 1981 tôi được thả, hai năm sau, Hoài được tha. Ra trại, ít lâu Hoài xuống thăm, chúng tôi -những thằng tù cải tạo đều giữ kỹ địa chỉ của nhau- để dễ bề liên lạc khi ra trại. Ba năm sau Hoài vượt biên, lênh đênh trên biển khơi nửa tháng, may mắn được tàu buôn vớt và định cư tại Vương Quốc Na Uy.
Năm 1991 tôi và gia đình đi diện H.O. định cư ở tiểu bang thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ. Dịp Noel, Hoài gởi cho tôi tấm thiếp lớn màu xám trắng bạc, hình ông già Noel áo đỏ viền bông gòn trắng, vai mang túi quà đứng trên xe trượt băng do đàn nai kéo chạy bay bổng về phía triền núi, rừng thông bạt ngàn chạy tít về cuối trời xa, thiệp phát tiếng nhạc mỗi lần mở ra. Trong thư, Hoài viết cho tôi biết, tháng rồi về Việt Nam có xuống xã Khánh Hưng Cà Mau thăm mộ Phượng. Hoài buồn và thất vọng vô cùng, cảnh vật và khu rừng đước mỏng năm xưa, mộ Phượng... đều bị san bằng, xóa dấu hoàn toàn. Rừng bị đốn sạch, xáng thổi cát biển phủ cao lên khỏi đầu người, mộ bia và xác Phượng bị vùi sâu trong lòng đất biệt tăm, mất hướng. Ở đây, bây giờ người ta xây nhà cửa, cơ quan, khách sạn, quán bia ôm, cà phê nhạc, massage... không thiếu món giải trí ăn chơi nào. Thị trấn du lịch dưới mé biển, tàu, ca nô đậu san sát, sẵn sàng rẽ sóng ra khơi đưa du khách thăm Hòn Khoai, Hòn Heo, Phú Quốc, Côn Sơn...
Hoài cho biết tim mình se thắt, quặn đau trước cảnh vật đổi sao dời nầy. Hoài mướn phòng trọ qua đêm. Trằn trọc mãi, cả đêm không hề chợp mắt, sóng biển rì rào mà nghĩ rằng Phượng ở đâu đây, đang quấn quýt bên cạnh Hoài.
Sớm mai thức dậy, Hoài làm được bài thơ, nét chữ viết tay nắn nót, đẹp, trang nhã, chép gởi tặng tôi:

Kính gởi Anh Ẩn,
người đã chứng kiến tôi chôn cất Phượng.

Phượng Hát

Rừng kia giờ đã thành làng
Chỗ xây nhà cửa, nơi làm massage.
Ðêm nằm, sóng vỗ bên tai,
Ngỡ như Phượng hát “Thương Hoài ngàn năm”

Vương Quốc Na-Uy ngày...
Vũ Tấn Hoài
Ðọc đôi lần, tôi thuộc lòng bài thơ, một kẻ lúc còn đi học đội sổ môn văn. Tình yêu Phượng đã biến Hoài thành thi sĩ và bài thơ thật hay.
Ngoài kia tuyết vẫn rơi mù trời, phủ lên cỏ cây, phố thị một màu ảm đạm, bỗng dưng hiện rõ trong tôi lớp vôi bột phủ lên xác Phượng, nằm trên lớp lá rừng khô, bên bờ biển sóng vỗ năm nào, giống như lớp tuyết bên kia đường, cùng một màu tang trắng xóa.

Tường Lâm

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.