Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Đọc Odyssey Homer Đỗ Khánh Hoan dịch
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 02:26:18 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 1899
Hình ảnh
#1

ĐỌC  ODYSSÊY BẢN DỊCH ĐỖ KHÁNH HOAN

PHẠM TRỌNG CHÁNH

                Odysssée và Iliade của thi hào Homère, hai sử thi  kiệt tác văn chương của Hy Lạp , là tác phẩm văn chương hàng đầu của nhân loại, sáng tác cách chúng ta 3000 năm vẫn còn làm say mê nhân loại, hai tác phẩm gần 30000 câu thơ  10 lần truyện Kiều. Cùng một thời gian có ba người Việt Nam từ ba phương trời khác nhau dịch tác phẩm này : Ông Hoàng Hữu Đản tại Việt Nam dịch thơ xuôi, ông Đỗ Khánh Hoan từ Canada dịch văn xuôi và bản dịch của tôi thơ lục bát. Là người đồng hành, hơn 10 năm trong việc dịch và nghiên cứu thơ Homère tôi xin điểm qua những sơ sót bản dịch  Odyssée của ông Đỗ Khánh Hoan, sau khi đã nhận xét về bản dịch Iliade. Việc làm này hệ trọng đây là một tác phẩm dành cho sinh viên đại học, một kiệt tác thế giới, những sai lầm sẽ gây nên những hậu quả trầm trọng, tác phẩm dịch sai, ngây ngô, phản nghĩa quả là một bôi bác cho kiệt tác văn chương, sự sai lầm này sẽ nhân lên cấp số nhân vì những vị thầy tương lai học những sai lầm, nếu không ai chỉ điểm những sai lầm thảm hại thì thật là một đại họa cho giáo dục Việt Nam. Tôi thử lấy  ba đoạn tình cờ trong quyển sách phần đầu, phần giữa, phần cuối, đem ra phân tích.

                Từng trang dịch ông Đỗ Khánh Hoan, ta bắt gặp đầy những câu  ông tán ra, thêm vào ngạo ngược, chẳng phải là văn chương kiệt tác tí nào ! Đoạn Ulysse trần truồng gặp gỡ công chúa Nausica thật thi vị,  được xem là thi ca khúc tuyệt đẹp nhất, ông lại  lẫn lộn vào một đoạn ví  Ulysse như con sư tử đánh nhau với bọn cầu hôn ông có dịch ở tr 589. Tượng thần Apollon đẹp thanh tú, ông dịch thành cây chà là ?  Công chúa và các nữ tỳ giặt quần áo xong  chơi bên suối trong có đồng cỏ xanh mát, ông dịch thành chơi nơi hố sâu, nước xoáy cuồn cuộn. Ông đã nghĩ mình đến ôm đầu gối thiếu nữ sẽ thất kinh, mà còn ngỏ lời ôm đầu gối. Toàn quyển sách như thế người dịch không  hiểu  chuyện nên tán phét lung tung.

Trang 223,224 kể chuyện cuộc gặp gỡ giữa Ulysse và công chúa Nausica ông Đỗ Khánh Hoan dịch như sau :

« Nàng vất quả banh cho tỳ nữ, song không vứt trúng, quả banh rơi xuống hố sâu, nước xoáy cuộn. Thấy vậy các cô hét in ỏi !. Odysseus thức giấc, nhỏm dậy, ngơ ngác, vừa nói vừa rên : « Khốn nạn thân ta !  Lần này lạc đến xứ nào ? Dân ở đây ra sao ? Dã man, hung dữ, văn minh, hiền lành, tử tế, hiếu khách, tôn kính thần linh ?  Tiếng la lanh lãnh bên tai. Phải chăng tiếng con gái hay tiếng nữ thần sống trên đỉnh núi chót vót , dưới lòng sông cuồn cuộn, đồng cỏ rậm rạp ? Hay do ngẫu nhiên ta lạc vào nơi thế nhân nói tiếng nói như ta ? Ờ, phải đi, nhìn tận mắt xem sao ?

Dứt lời đưa bàn tay cường tráng với bụi cây bẻ cành rậm lá để phủ tấm thân trần trụi, che chỗ kín hở hang, Odysseus từ dưới lách khỏi lùm cây chui ra. Sau đó Odysseus như sư tử bước đi trên núi xông thẳng, tự hào cường tráng, bất kể gió mưa, cặp mắt nẩy lửa, quật ngã bò, cừu hay rượt đuổi nai rừng. Bị đói dày vò, sư tử tấn công cả gia súc bảo vệ kín đáo trong chuồng. Bởi thế, mặc dù trần như nhộng, do nhu cầu cần thiết đòi hỏi Odysseus tiến tới gặp mấy cô gái tóc kết lọn. Da thịt đầy muối Odysseus trông gớm ghiếc. Mấy cô gái chạy tứ tán tới cồn cát nhấp nhô tìm chỗ nấp. Chỉ còn Nausikaa ái nữ Alkinoos bình tỉnh ở lại, vì Athena phả can đảm vào tim, bứt sợ hãi khỏi tứ chi. Nàng đứng im nhìn chăm chăm. Odysseus luốn cuốn, lúng túng không biết nên vung tay ôm đầu gối thiếu nữ xinh đẹp van xin cứu giúp hay dừng lại, đứng xa nhã nhặn, lịch sự ngỏ lời xin quần áo, chỉ đường về thành phố. Thầm nghĩ nếu ôm đầu gối thiếu nữ sẽ thất kinh, Odysseus quyết định đứng xa lễ độ trình bày hoàn cảnh. Rồi nhanh như chớp Odysseus  nói vừa tao nhã gợi cảm: “Ô  giai nhân ! bỉ nhân đến bên đầu gối van xin. Chẳng hay là nữ thần hay thế nhân ? Nếu là nữ thần sống trên bầu trời bao la, bỉ phu nghĩ chắc hẵn giai nhân là Artemis, ái nữ Chúa tể siêu phàm, vóc dáng, nhan sắc, cử chỉ y hệt !  Nếu là thế nhân sống trên mặt đất mênh mông, bỉ phu nghĩ chắc hẵn thân phụ, thân mẫu diễm phúc vô cùng; bào huynh bào đệ cũng may mắn chẳng kém. Lòng thân phụ, thân mẫu, bào huynh, bào đệ dạt dào nguồn vui khôn tả mỗi lần thấy hoa khôi gia đình tham gia vũ khúc. Nhưng người vui hơn hết, vui thực sự, là người với tặng phẩm phong phú bày tỏ tình yêu đủ khả năng chinh phục đưa trái tim giai nhân về nhà ! Bình sinh bỉ phu chưa thấy người nào, nam hay nữ, như giai nhân. Để mắt nhìn lòng bỉ phu tràn ngập nể sợ. Trước kia trên đảo Delos, bên đền thờ Apollo, bỉ phu thấy hình ảnh tươi đẹp tương tự: cây chà là mơn mởn vượt lên không gian. Bỉ phu cũng tới đó, nhiêu người nuờm nượp theo sau, bước vào hành trình ai ngờ gây ra biết bao kinh hãi. Nhìn hình ảnh bỉ phu đứng như trời trồng, mê mẫn hồi lâu, bởi không có cây nào bao giờ nhô lên khỏi mặt đất ngoạn mục như thế. Bây giờ ngước mắt nhìn,  ô  giai nhân lòng cũng ngạc nhiên, nể vì tương tự, mặc dù đau khổ đã nhiều, gian truân đã lắm, bỉ phu không dám ôm đầu gối. Thấu chăng nỗi buồn ngang trái xâm lấn, đè nặng cõi lòng.

Bản dịch của tôi trang 21, 22: Nhất Uyên. Truyện thơ Odyssée. Khuê Văn Paris xb 2005

Tiệc tàn trên bãi nắng vàng,

Cầu vui một trận cười vang suối rừng.

Quán Trí Tuệ đến bên chàng (Athéné)

Lay Uy Lĩnh dậy về cùng trinh nương.(Ulysse)

Trái cầu rơi cạnh bờ mương,

Tiếng vui đánh thức, mơ màng chiều phai.

Giật mình sau giấc mộng dài,

Chàng thầm tự hỏi, rằng : Ai chốn này ?

Chẳng là tiên nữ đâu đây ?

Hay thần tiên lạc chốn này cùng ta.

Vén chăn lá biếc bước ra,

Bẻ cành ngâu dại bên bờ che thân.

Hoảng hồn thị nữ nhanh chân,

Còn Nam Chi đứng một mình hỏi han.(Nausicaa)

Trong mơ dường đã thấy chàng,

Giờ đây gặp lại chẳng màng thị phi.

Mơ màng chàng thốt lời thi :

Phải nàng tiên nữ, duyên gì hay chăng ?

Nàng Đạt Thế Mỹ giáng trần, (Artémis)

Hay người dương thế trời ban phúc đầy.

Mẹ cha vinh dự lắm thay,

Sinh trang tuyệt sắc còn gì vui hơn.

Phúc thay ai cưới được nàng,

Dâng bao sính lễ ngọc vàng nghi gia.

Tôi chưa từng thấy bao giờ,

Một lần Đề Lộc, điện thờ An Long. (Delos, Apollon)

Lòng ta xúc động tượng thần,

Giờ đây xúc động trước nàng mỹ nhân.

Bên nàng chiêm ngưỡng tỏ lòng

Xin nàng cứu giúp tấm thân cơ hàn,

Đầu tiên kỳ ngộ gặp nàng,

Ô Chi rời đảo, đắm thuyền nơi đây. (Ogygie)

Bơ vơ góc bể chân mây,

Xin nàng cho biết nơi này là đâu ?

Xin nàng thương kẻ cơ cầu,

Ban cho chút vải để hầu che thân,

Xin cho chút bánh lót lòng,

Qua cơn hoạn nạn, tạ ơn, xót tình.

Cầu xin thần phúc cho nàng,

Trọn nguyền ước nguyện mơ lành mai sau,

Thần tiên phép lạ nhiệm mầu,

Cho nàng hạnh phúc duyên trao vững bền. “

 

Trang 484. Antinoos nóng mặt quay sang xẵng giọng nặng lời hỏi đầu mục : « Mục phu chăn heo nổi tiếng lừng danh, tại sao mang tên này vào thành phố ? Ngoài ăn mày liếm dĩa ghê tởm ngô bối còn thiếu hành khất hay sao ?  Số lượng tụ tập ở đây ngốn nuốt thực phẩm của chủ nhân vẫn chưa thỏa mãn, người phải rước thêm thực khách tới nữa phải không ? . 

Nhưng Eumaios, nô bộc chăn heo, nô bộc đáp: “Antinoos» quý ông thuộc gia đình quý phái, song ngôn từ chẳng quý phái tí nào. Ai hơi đâu tự nhiên đi mời người lạ không biết từ đâu vào nhà, trừ phi người đó là nghệ nhân phục vụ cộng đồng, thấy đoán, thầy lang, thợ mộc hoặc thi sĩ thiên phú qua bài ca khúc hát đem lại nguồn vui ? Người như thế là người đáng mời khắp nơi trên trần gian bao la. Không ai bỗng dưng rước ăn mày vào nhà ăn cho hết của cải !  Nhưng so với cầu hôn khác ngô bối thấy quý ông sỗ sàng hơn hết đối với gia nhân Odysseus, nhất là phàm phu. Dẫu vậy phàm phu chẳng bận tâm chừng nào Penelope chung thủy, Telamachos chửng chạc vẫn ở trong đại sảnh cùng ngô bối.”

                Antinoos đã lên giọng mắng người coi trại lợn, mà còn gọi là nổi tiếng lừng danh thật là buồn cười. Ông Đỗ Khánh Hoan tán ra thêm chữ liếm dĩa ghê tởm, ngốn nuốt thực phẩm thật là bôi bác cho kiệt tác văn chương. Người cai quản trại chăng lợn, mỉa mai dạy cho Antinoos bài học về lòng thương người, cho rằng tấy cả mọi người trên đời này đều xin  kẻ khác, ông lại viết rằng trừ phi những người nghệ nhân, thầy đoán, thầy lang..  ông Đỗ Khánh Hoan lại hiểu trật hết cả đoạn.

 Bản dịch của tôi. Nhất Uyên Truyện thơ Odyssée câu 8083 đến 8106 tr 271, 272

« Án Tinh Lộc hỏi chủ chăn (Antinoos)

Hỡi tên quản lợn, ai cần mà mang,

Kẻ ăn mày đến phố phường,

Đến làm rối loạn tiệc tùng chúng ta.

Đám này ăn đủ sập nhà,

Mày còn muốn phá thêm ra nên mời.

Âu Mê mai mỉa đáp lời:

 Câu Án Tinh Lộc nói lời gấm hoa.

Xứng danh dòng dõi con nhà !

Thế gian này có ai là chẳng xin ?

Người thầy thuốc, kẻ bán buôn,

Kẻ xây nhà, kẻ ca ngâm đẹp đời,

Người đem sức, kẻ đem lời,

Mua vui bán sức cũng người kiếm ăn ;

Kẻ già nua chẳng cháu con,

Không ai phụng dưỡng, xin ăn mọi người,

Lòng thương liên đới trên đời,

Đến khi hoạn nạn, người thời giúp cho.

Chẳng ai mời ăn mày vô,

Lòng thương giúp kẻ chẳng no hằng ngày.

Ông là một kẻ khinh người,

Gia nhân Uy Lĩnh ông thời xem khinh.

Riêng tôi hãnh diện ơn lành,

Dưới nhà Uy Lĩnh ân tình chỡ che

            Thi ca khúc XXIV. Thần Hermes dẫn hồn bọn cầu hôn xuống địa ngục, gặp hai Phán Quan là Achille và Agamemnon, hai người được Thần Vương Zeus yêu thương làm Phán Quan xử kiện, có Patrocle, Ajax, Antilochos đứng hầu, xét tội bọn cầu hôn;  so sánh, ca ngợi tấm lòng kiên trinh của Pénélope so với Clytemmètre, hoàng hậu của Agamemnon đã thông dâm với Egistre giết chồng, bản dịch Đỗ Khánh Hoan lại cho rằng bọn cẩu hôn chịu chung số phận vào Địa Ngục với Achille và Agamemnon, hai người ngồi trong dinh thự Aigisthos  (nơi Địa Ngục) nói chuyện. Vua Agamemnon bị vợ giết, khi trở về cung Clytemnestre lừa  tiếp đãi ân cần mời đi tắm rồi cho mặc áo hai ống tay bít bùng lại, đang lúc lúng túng bị bà dùng dao mổ bò chém chết, tướng lĩnh hầu cận được mời vào tiệc bị phục binh giết hết, thì lại viết Agamemnon tử trận nơi thành Troa ?

            “Tới nơi họ gặp vong linh Achilleus, vong linh Patroklos, vong linh Antilochos hào hùng, vong linh Aias vóng dáng thanh tao, khuôn mặt tuấn tú trong hàng quân Danaen, chỉ kém công tử Peleus tuyệt vời. Họ xúm quanh vong linh Achilleus lúc vong linh Agamemnon buồn ủ rũ bước dẫn đầu đoàn vong linh cùng gục chết, cùng chịu chung số phận với nguyên soái trong dinh thự Aigisthos. Vong linh Achilleus cất tiếng trước tiên: “Ô, công tử Atreus, ngô bối cứ tưởng trong hàng ngũ chiến binh nguyên soái là thế nhân chúa tể thần sấm yêu thương hơn cả, và chỉ huy binh sĩ gan dạ, can trường trên đất Troad bao la, nơi người Achaian ngô bối chịu đựng lâu dài, tổn thất nặng nề. Nào ngờ nguyên soái cũng bị  số phận tàn ác, không ai ra đời thoát khỏi vòng tay, tới thăm giữa tuổi thanh xuân phơi phới. Bản nhân ước mơ, vinh quang lừng lẫy đã đạt, điều binh khiển tướng đã nhuyễn, nguyên soái đón nhận số phận gục chết trước thành Troa. Quân lính Achaian sẽ hiệp lực xây gò mộ, nguyên soái sẽ để lại danh thơm cho con cháu mãi mãi về sau.  Nhưng than ôi, thay vì thế số phận run rủi, đẩy đưa, nguyên soái chết cái chết vô cùng thảm thương. “

Bản dịch của tôi trang 384 từ câu 11565  đến 11590

Nơi đây tạm nghỉ hồn vừa,

Mới lìa trần thế đợi chờ Phán Quan.

Phán Quan đây hồn An Sinh,

Pê Lê tôn tử lẫy lừng thành Troa.

Ban Tuấn, Tinh Lộc hầu kề,(Patrocle, Antiloque)

Dũng tướng An Bắc cũng về gần bên.(Ajax)

Quan mới An Gia Đại Vương,(Agamemnon)

An Trê tôn tử chết cùng đớn đau.(Atrée)

Về đây cũng được ngôi cao.

Xét hồn kẻ chết mới vào cõi âm.

Hồn An Sinh mới hỏi rằng :

An Trê tôn tử, lạ chăng chốn này,

Nghĩ rằng ngài chẳng về đây,

Mà về cõi Dớt trời mây sấm rền,

Biết bao dũng tướng can trường,

Hịch truyền dưới trướng công thành vua Troa.

An Kinh gian khổ vô bờ,

Danh ngài mang chiến công to hàng đầu.

Vì đâu ngài chết thương đau,

Chẳng nơi chiến trận thành Troa kiêu hùng.

Chết ngày về giữa quang vinh,

Than ôi ! số phận đã dành đớn đau.

Quân  An Kinh xây mộ cao,

Con ngài tận hưởng biết bao gia tài,

Nhớ thương minh đế tuyệt vời,

Mà riêng định mệnh về nơi cõi này.”

            Lấy bất cứ đoạn nào ra cũng đầy những sai lầm, sai nhiều quá không thể nêu lên hết được.

                Cũng như bài phê bình quyển Iliad Homer bản dịch Đỗ Khánh Hoan, tôi không tin đây là bản dịch của ông, một Giáo sư tốt nghiệp Đại Học Úc và Mỹ, Trưởng ban Anh Văn Đại Học Văn Khoa Sài Gòn từ năm 1964, đạo đức một vị thầy Đại học không thể cho phép tác phẩm như thế này ra đời: vì trình độ dịch thuật chỉ là trình độ người mới học tiếng  Pháp, tiếng Anh. Tôi cho rằng đây chỉ là việc “Treo đầu dê bán thịt chó “ của một học trò hay con cháu ông, mượn tên thầy nhưng làm việc cẩu thả, ông đã lớn tuổi mắt mờ không kiểm soát được việc làm của học trò.  Trong bài phê bình Odyssée này tôi còn tìm thấy dấu vết làm việc của người học trò ông, núp dưới danh nghĩa tên ông, sao bản tiếng Anh hay Pháp ra nhiều mảnh cho học trò mới học, tập dịch rồi gom lại, chẳng may mảnh này lộn vào mảnh kia. Đoạn Ulysse như con sư tử đánh giết bọn cầu hôn lại lẫn vào đoạn Ulysse trần truồng gặp gỡ công chúa Nausica khiến thi ca khúc  sử thi tuyệt đẹp  thành ra chuyện hài hước.

                Văn chương tiếng Việt trong văn bản dịch ông Đỗ Khánh Hoan trộn lẫn với những chữ Hán của người dịch truyện Tàu ngày xưa: ngô bối, lão hủ, tiện thiếp, tiện nhân, bản nhân.. ngày nay không ai còn dùng, danh hiệu nhân vật lẫn vào câu chuyện, dịch sai lầm ngược ngạo. thành ra truyện Tây, không ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu, Việt chẳng ra Việt, người đọc trông quyển sách in đẹp đẽ tưởng rằng sẽ được thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn, món ngon vật quý, tuyệt tác Hy Lạp của một người dịch có tiếng, hóa ra một “nồi cháo heo”, chữ nghĩa câu này choảng với câu kia, dịch sai, dịch lộn xộn  bừa bãi..  ngồn ngộn những món  người  đọc không thể tiêu hóa. Bản dịch Odyssêy và Iliad, thi hào Homer không làm danh tiếng ông tăng lên, mà chỉ dìm tiếng tăm ông vào chuồng lợn thảm hại. Tôi nghĩ rằng ông đã lớn tuổi, nên kính trọng ông, ông đã nghỉ hưu, bệnh hoạn hết dịch đã lâu, nay lại thấy tên ông được đưa trở lại,  người núp dưới tên ông chớ nên phá hoại danh tiếng của ông.

Paris ngày 3-11-2017

PHẠM TRỌNG CHÁNH

*Tiến sĩ  Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

Tài liệu tham khảo:

Odyssêy Homer bản dịch Đỗ Khánh Hoan. Nxb Thế Giới. Hà Nội 2013

Odyssée thi hào Homère. bản dịch thơ lục bát Nhất Uyên. Khuê Văn Paris. 2005

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.