ĐỌC ILIADE HOMER
BẢN DỊCH ĐỖ KHÁNH HOAN nxb Thế Giới. 2013
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Dịch sử thi Iliade và Odyssée kiệt tác văn chương hàng đầu của nhân loại gần 30 000 câu thơ, 10 lần Truyện Kiều là một việc làm kiên trì, phải bỏ ra công sức 10, 20 năm làm việc đều đặn liên tục Thơ Homère nổi tiếng là một kiệt tác văn chương, hoàn hảo đến mức được so sánh như một chuổi ngọc thi ca tuyệt đẹp, không thể thế một câu, không thể thay một chữ. Ngày nay khó tìm ra người Việt thông thạo tiếng Hy Lạp Cổ Điển để dịch, tiếng Pháp, tiếng Anh có nhiều bản dịch tốt của các, giáo sư Đại học uy tín, nhà xuất bản danh tiếng. Việc dịch lại hay tham khảo các bản dịch Anh Pháp là chuyện bình thường cho các ngôn ngữ ít người dùng.
Trong hàng trăm người, thử sức mình bắt đầu dịch, phần lớn đều bỏ cuộc, chỉ hai ba người đạt đến mục đích cuối cùng. Không hẹn mà ba bản dịch tiếng Việt ba người cùng làm công việc này cùng một thời gian ở ba phương trời khác nhau, cả ba đều dựa trên văn bản tiếng Pháp, tiếng Anh : Bản dịch của ông Hoàng Hữu Đản tại Việt Nam, bản dịch của ông Đỗ Khánh Hoan tại Canada và bản dịch của tôi bằng thơ lục bát tại Paris. Dịch xong tìm một người làm công việc phê bình, điểm những lỗi lầm sơ sót không phải là chuyện dễ dàng. Nếu không chỉ rõ những sai lầm thì để lại những tai hại không thể đo lường được. Đây là những tác phẩm dành cho sinh viên đại học, sẽ trở thành những vị thầy trong tương lai, nếu học những điều sai lầm, thì sự sai lầm sẽ nhân cấp số trăm, số ngàn. Đây là những kiệt tác văn học thế giới mà người đọc thấy ngô nghê, buồn ngủ, chán nản, không hiểu gì cả, thì quả là một sự bôi nhọ cho kiệt tác văn học thế giới, làm sao có thể nâng tầm kiến thức các thế hệ tương lai Việt Nam ngang tầm với thế giới. Là người đồng hành với ông Đỗ Khánh Hoan tôi xin góp vài nhận xét về bản dịch Iliade của ông.
Ông Đỗ Khánh Hoan tốt nghiệp Đại Học Sài Gòn, Đại Học Sdney (Úc) Đại Học Columbia (Mỹ) chuyên về văn học Anh Mỹ, nguyên giáo sư và trưởng ban Anh Văn Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1964-1979). Trước kia khi còn trong nước, ngoài việc giảng dạy văn học Anh Mỹ, ông thường chuyển dịch các tác phẩm văn chương hai xứ này. Từ ngày ra nước ngoài định cư ở Canada, ông dành thì giờ tìm hiểu văn học xứ tuyết rừng phong, ông giới thiệu một số cây bút sáng giá, chuyển ngữ nhiều truyện ngắn giá trị. Ông chuyển ngữ nhiều sách văn học Châu Mỹ La Tinh, cộng tác với Nguyễn Tường Minh chuyển ngữ tiểu thuyết Nhật Bản.
Iliade là một Sử thi, một tác phẩm thi ca, ông Đỗ Khánh Hoan dịch theo một tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết. Thi ca khác tiểu thuyết, thơ ngắn gọn súc tích, dùng ít chữ nhưng dùng nhiều hình ảnh , điển tích gợi ý, âm thanh, vần điệu nối nhau từ câu này đến câu kia. Một bài thơ ngắn có thể viết ra thành hằng trang, do đó dịch thi ca ra tiểu thuyết thì mất đi những đặc sắc của thi ca.
Nhiều tác giả các nước khi dịch một tác phẩm trước khi thăm viếng quốc gia xứ sở nguyên tác, khi được đi thăm viếng trở về thường dịch lại tác phẩm vì thấy mình đã “như con cá tả cảnh đất liền theo lời kể một con rùa “. Tôi đã dịch hai Sử thi của Thi hào Homère sau nhiều lần thăm viếng quê hương Hy Lạp, đến thăm từng di tích, thăm các bảo tàng viện nơi lưu trử các cổ vật đã tả trong thơ Homère, đọc các sách và xem các phim ảnh, tài liệu liên hệ, lấy cảm hứng từ những thực tế để tái tạo lại bằng thơ lục bát cho người Việt ai đọc cũng hiểu được và thưởng thức được tuyệt tác văn chương thế giới qua ngôn ngữ Việt Nam.
Nhiều danh từ trong tự điển Việt Nam không có, vì các tự điển các cụ viết thời Pháp thuộc, chưa ai có dịp nghiên cứu thơ Homère. Do đó việc sáng tạo ra các danh từ là việc cần thiết.
Tên các nhân vật: Các nhân vật trong thơ Homère được gọi bằng nhiều tên, danh hiệu khác nhau, nếu không cho người đọc thấy đó là danh hiệu, cứ dịch lẫn lộn với câu chuyện thì người đọc hoa cả mắt không hiểu gì cả. Dùng danh từ Hán Việt làm nổi bật cái danh hiệu, lại ngắn gọn trở nên cần thiết.
Zeus (Dớt): là nguồn gốc chữ Dieu của Tây Phương. Vua cõi Thần và cõi Người. Dịch là Chúa Tể thì không đúng, vì Chúa Tể cũng chỉ là vua cõi Người. Thượng đế là vua cõi Trên Trời. Lẽ ra phải dùng chữ Thần Đế, nhưng âm hưởng chữ đế vần trắc khó đọc cho thơ, tôi chọn chữ Thần Vương để gọi Zeus. Zeus còn có nhiều tên gọi : ông ĐKH không xem đó là danh hiệu nên dịch bằng những câu dài dòng : Chúa tể thu thập mây trời : tôi dịch là Đấng Hội Vân, ông Hoàng Hữu Đản dịch là Tích Mây. Chúa tể tư tưởng bao la thâm thúy vô tận tôi dịch là Đấng Siêu Thần. Ông ĐKH cho rằng quân vương là con nuôi của thần linh tối cao Zeus điều này không đúng, các vị vua Hy Lạp đều xưng mình là con của Zeus, trùng hợp với các nước Đông Á vua là thiên tử, con trời. Do địa lý cách trở nhiều đảo, mỗi vùng có một vị vua, trong chiến tranh thành Troa họ hợp binh lại dưới sự điều khiển của vị vua mạnh nhất lá Agamemnon.
Nhiều danh hiệu Hy Lạp có nguồn gốc từ các nền văn minh khác như Ai Cập. Tại Ai Cập thờ bò, đến Hy Lạp chỉ còn đôi mắt bò cái của Thần nữ Héra. Dịch là ‘Héra mắt bò nái tơ ’ thì thật là buồn cười nên dịch Héra Ngưu Mục. Thần Cú Vọ đến Hy Lạp chỉ còn đôi mắt Thần nữ Athéné Mắt Cú, dịch sang ‘Athéné mắt xanh lam lục ‘ thì không phù hợp.
Héra : Cánh tay trắng ngần nên dịch danh hiệu là Bạch Thủ.
Posséidon: Hải Long Vương, Thần Rung Chuyển Đất, Thần Tóc Xanh.
Iris: Thần Nữ Cầu Vòng, chân như gió thổi nên dịch Iris Phi Phong
Hermès: Thần của Thương mại, người giang hồ,của kẻ trộm, là Sứ thần Truyền tin của thiên đình và dẫn các linh hồn xuống địa ngục. ông ĐKH dịch là : Sứ giả đắc lực dáng vẽ rạng rỡ hộ tống dẫn đường nên dịch thành danh hiệu: Thần Sáng Láng Dung Nhan.
Apollon có danh hiệu Thần bắn tên từ xa tôi dịch Thần Viễn Kích
Achilleus (Achille- An Sinh ) có danh hiệu là Phi Túc có đôi chân chạy nhanh.
Nestor là vua, là quân sư không thể dịch Nestor là mã phu, lẫn lộn với người lái xe ngựa tầm thường, nhà vua giỏi tài lái xe chiến, đóng chiến xa tối tân, đẹp nhất thời bấy giờ nên danh hiệu tôi dịch là Chiến Xa Công Lão Vương
Người Hy Lạp ngày xưa chưa có họ, khi gọi tên họ thường thêm chữ “con ông” và tên người cha, dùng chữ “con ông” khi gọi tên một người trong văn chương tiếng Việt thì không mấy thanh tao, ta có thể dùng chữ công tử thay chữ con ông, nhưng đối với bậc thần thánh như Thần Zeus mà gọi là công tử Kronos, thì thật là buồn cười. Chữ công tử dùng trong sách Đông Châu Liệt Quốc, chỉ các hoàng tử trước khi lên ngôi. Công tử Tiểu Bạch khi lên ngôi thành vua Tề Hoàn Công thì không ai còn gọi là công tử Tiểu Bạch nữa. Dùng danh từ công tử Atreus cho vua Agamemnon, công tử Dardanos cho vua Priam, công tử Laerte cho Ulysse thì không hợp. Tôi chỉ dùng chữ công tử cho người thường, dùng chữ ”thần tử” cho bậc Thần, ”tôn tử” cho bậc vua chúa lớn tuổi và ”nương tử” dành cho phụ nữ. Khi khinh khi ai người Hy Lạp họ gọi tên con ví dụ gọi “cha Télémaque” cho Ulysse là hổn xược điều này nên tránh.
Người thi sĩ lang thang, ca công hát dạo, vừa đánh đàn Lyre vừa hát vừa kể chuyện và ngâm để khán giả thưởng thức trong bàn tiệc cộng đồng tổ chức trong nhà trưởng giả hay nhà quý tộc thay vì dài dòng như thế nên gọi là du tử hay thi sĩ du tử.
Các danh từ ngô bối, hay lão hủ, bản nhân: nghe buồn cười và cổ lổ không thích hợp còn làm rối trí thêm người đọc. Danh từ lửa bất nọa hỏa thiêu người quá cố(tr.692). Lửa bất nọa không biết ông lấy từ đâu ra.
Trong bản dịch ông Đỗ Khánh Hoan nhiều câu đọc nghe ngược ngạo, câu chẳng ra câu, nghĩa chẳng ra nghĩa:
tr 626: “Thần linh hạnh phúc cứ thế thúc đẩy, dẫn dắt hai bên vào cuộc tàn sát, đồng thời bắt đầu gây gỗ, cải lộn gay gắt.”
HaI câu này tôi dịch đơn giản:
Hai bên, kích động các thần,
Đẩy nhau, một cuộc đấu tranh tương tàn. ( PTC câu 12941)
Tr 37. Con lừa kiên cường khỏi cánh đồng ngô… tóp tép nhai bắp ngô. Trái Ngô, hay bắp du nhập từ Châu Mỹ La Tinh sau thế kỷ 15, Hy Lạp thời Cố Đại làm gì có bắp ngô mà ngựa lừa nhai tóp tép.
Tr 132: Agamemnon, công tử Atreus, nguyên soái, mọi việc diễn ra lúc này, bỉ nhân thấy binh sĩ Achaian dường như có ý hạ nhục nguyên soái trước mặt thế nhân; họ không giữ lời hứa khi rời Argos, ngựa tung tăng gặm cỏ, vượt đại dương tới nơi này, họ sẽ không bao giờ dong buồm trở về chừng nào nguyên soái chưa hạ thành Troa tường cao kiên cố.. “
Bản dịch của tôi : câu 855-862
Ulysse cất giọng hùng trầm:
Vua An Trích muốn thử lòng toàn quân,
Cho nên nói ngược rút quân,
Ý là vua muốn nhục vinh khích lòng.
Nào ngờ quân sĩ tưởng lầm,
Lấy điều nhục nhã bại vong tức thì,
Chúng ta chưa thể rút đi,
Ngày chưa phá được thành Y Long này.
Ông ĐKH hiểu trật cả: làm sao quân sĩ Achaian có thể hạ nhục vị nguyên soái vua các vị vua ?
Tr 141: “Đám đông binh lính dù có mười lưỡi, mười mồm”, thật ra câu này ý nghĩa là quân đội Hy Lạp nói bằng 10 ngôn ngữ khác nhau, truyền qua 10 miệng thông dịch.
Tr 346: “Agamemnon, nguyên soái không hề chợp mắt, đầu óc lo lắng khôn xiết. Ông liên tục rền rỉ, tiếng rền rĩ dâng lên tự đáy lòng, ông liên miên lo sợ, nỗi lo sợ khiến tim hồi hộp, đầu óc bấn loạn, lúc nhìn bầu trời bỗng dưng sáng lòe, phu quân Héra mái tóc diễm kiều sửa soạn mưa lũ, mưa đá hoạc bão tuyết bao phủ cánh đồng, hay dường như sắp sửa cởi xích ác thú chiến tranh trên vùng đất bất hạnh.
Tôi dịch : Câu 5960
Vua An Trích thức trở trăn,
Nỗi lòng nặng trĩu, rốl răm tâm hồn.
Vài cơn chớp sáng đêm đen,
Mưa rơi nặng hạt bên thềm biển lam.
Rồi cơn giá lạnh đêm tàn,
Tuyết rơi trắng xóa sa trường mênh mông. “
Chỉ mấy câu đơn giản ông ĐKH dịch sao thấy như vua Agamemnon rên rỉ như đau tim sắp chết .
Trang phục nhân vật:
Do không tìm hiểu về cách ăn mặc, các dũng sĩ người Hy Lạp thời cổ đại mặc giáp trụ khi ra trận, giáp là phân kim loại che thân, trụ là phần kim loại che chân, ông ĐKH dịch thành “chân quấn xà cạp” như lính khố xanh khố đỏ nước ta ngày xưa. Các bức ảnh minh họa hình các chiến sĩ Hy Lạp in trong sách không thấy ai chân quấn xà cạp cả.
Lời nói có cánh bay xa: tiếng Việt không ai nói thế, nên dịch lời nói bay bổng.
Chiếc thuyền rỗng không. “Hector phái đi do thám nghe ngóng tình hình quanh dãy thuyền trống không chứ gì.” Tr 356. Nếu thuyền rỗng không do thám làm gì ? Nếu không ai ở đó thì Hector chỉ cần cho người đến đốt cháy hết là quân Hy Lạp tiêu tan ngay ?
Tôi dịch câu 6238 : “Hay Hải Tô gửi mi đi thăm dò, Chiến thuyền binh đóng quân cơ.”
Hương khí bất tử: tr 740 tràn đầy sát khí, ông ĐKH dịch thành hương khí bất tử. “Trong khi mọi người ngon giấc, đêm trường ngạt ngào hương khí bất tử, cha đánh ngựa đi đâu thế ?”
Tr742: “Chém phạt như chẻ tre với thương đồng sắt nhọn” Thương chỉ đâm, phóng lao chứ không chém phạt như chẻ tre. Hy Lạp thời Cổ Đại đâu có tre mà chặt. Tôi dịch câu 16396 : “Xông lên lao kiếm hiên ngang chiến trường.”.
Chúng ta thử so sánh vài đoạn bản dịch ông Đỗ Khánh Hoan và bản dịch bằng thơ lục bát của tôi:
KHÚC I (bản Đỗ Khánh Hoan.) trang 93,94.
“Hỡi Thi Thần, xin cất lời ca phẩn nộ dâng lên trong lòng Achilleus, phẩn nộ tai hại đem lại muôn vàn đau khổ cho binh sĩ Achaian, đưa biết bao linh hồn anh hùng, quả cảm xuống âm ty, biến thân xác thành mồi cho chó và chim, như vậy mới thoả mãn ý định Chúa tể. Xin bắt đầu hỡi Thi Thần, ngày công tử Atreus hục hặc với tướng quân lừng danh Achilleus, công tử Peleus. Thần linh nào khiến hai người cải lộn sau đó đi đến bất hòa ?
Công tử Chúa tể và Leto chứ ai. Tức giận vì quân vương khiếm nhã với Chryses, tu sĩ thần linh bao che, Apollo gieo rắc bệnh dịch khủng kiếp sát hại đoàn quân. Chryses tới dãy thuyền lướt sóng quân Achaian chuộc ái nữ bị bắt. Lão nhân mang theo nhiều tiền bạc, tay cầm quyền trượng bằng vàng của thần linh Apollo, xạ thủ từ xa, trên đầu cuốn giải len thiêng liêng. Lão nhân kêu gọi toàn thể quân lính Achaian, nhất là hai chỉ huy, công tử Atreus.
“Hỡi công tử Atreus và binh sĩ Achaian chân cuốn xà cạp gọn gàng. Cầu mong thần linh trên núi Olympos trợ giúp để quý vị đột nhập, cướp phá thành phố quân vương Priam, rồi trở về an toàn Nhưng trước khi làm vậy, xin vui lòng thả ái nhi yêu quý của lão hủ, và để tỏ lòng tôn kính thần linh xạ thủ từ xa Apollo, công tử Chúa tể, xin hoan hỉ đón nhận tiền chuộc.”
Hoan hô ầm ỉ, quân lính đồng thanh tuyên bố phải kính trọng tu sĩ và chấp nhận tiền chuộc hậu hĩ. Phần riêng trong lòng Agamemnon, công tử Atreus, không muốn tí nào. Nghiêm khắc cảnh cáo, nặng lời xua đuổi, quân vương dằn giọng : “Lão già, đừng để ta bắt gặp bữa nay lảng vảng quanh quẩn chiến thuyền rỗng không, và trong tương lai cũng chớ vác mặt trở lại nơi này kẻo lão già sẽ thấy quyền trượng lẫn giải len thiêng liêng đều bất lực không đủ bảo vệ tấm thân. Thay vì thả con gái lão già ta sẽ giữ nàng sống tới khi đầu bạc răng long trong tư thất trên đất Argos, rất xa quê hương nơi nàng chào đời, ngày dệt vải trong khung cửi, tối lên giường chia chăn sẻ gối với ta. Cút khỏi mắt ta ngay lập tức, chẳng nên ỉ eo quấy rầy ta nữa, nếu muốn trở về an toàn. “
THI CA KHÚC I Trận Dịch. Cơn giận dũng tướng Achille. Trang 15, 16 bản dịch Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh
Hát lên, Thần nữ Thi Ca,
An Sinh dũng tướng bất hòa, gát gươm. (Achille)
Mặc bao thảm hại vô cùng,
Xuống hàng quân tướng vây thành, An Kinh. (Achéen)
Hồn tử sĩ về cõi âm,
Xác thân sói xé, diều ăn chiến trường.
Ý Thần Vương Dớt định phần. (Zeus)
Gây nên chia rẽ, tương tàn Vua, tôi,
An Trích, vua cõi người. (Atride)
Gây hờn dũng tướng thần trời An Sinh.
Thần nào gieo nỗi bất bình,
An Long con Dớt và nàng Lã Tiên.(Apollon, Zeus, Latone)
Cung vàng tên rãi trận tiền,
Dịch thần gieo bóng thê lương tội tình.
Vì vua An Trích lỗi lầm,
Mắng Sĩ Tiết, tế tự thần An Long;(Chrysès)
Sĩ Tiết đã đến van xin,
Anh em An Trích, quân hùng An Kinh:
Tôi người tế tự An Long,
Trượng vàng, khăn trắng xin dâng vật quà.
Thiên đình chứng giám lòng ta,
Giúp Ngài phá được thành vua Biam này, (Priam)
Chiến công phúc lộc cao dày,
Tạ Ngài nhận lễ, tỏ bày cầu xin,
Tha con tôi chẳng tội tình,
Chiến tranh loạn lạc, lỡ lầm sắc hương.
Bị người bắt giải tiến cung,
Xin Ngài kính Dớt, An Long tha giùm.
Quần hùng dưới trướng sẵn sàng,
Nhận quà hậu hĩ, thả nàng cho cha.
An Gia Vương mặt tối sa, (Agamemnon)
Mất nàng Sĩ Tuyết, phần quà chiến công. (Chryséis)
Chẳng vui đuổi kẻ tế thần :
Lão già chớ dọa trượng vàng tối cao,
Lễ người ta chẳng nhận đâu,
Con người ta chẳng khi nào thả ra,
Nàng hầu ta mãi đến già,
Về Đạt Gô Lịch xa nhà quê hương ;(Argolide)
Bên ta cung phụng chiếu giường,
Bên ta dệt vải sớm hôm cung phòng.
Về đi nếu muốn yên thân.
Từ nay chớ đến lăng nhăng quấy rầy. »
Chúng ta thử so sánh bản dịch cảnh làm tình của Thần Vương Zeus với vợ Thần Nữ Héra :
Bản dịch Đỗ Khánh Hoan trang 472
« Vừa suy ngẩm mưu mẹo đánh lừa, Héra khả ái, vừa đon đả đáp lời : « Thưa công tử Kronos oai phong, Thánh thượng nói thế nghĩa là thế nào ? bây giờ trong lòng thèm khát Thánh thượng muốn lên giường trao đổi yêu đương trên đỉnh núi Ida trống trải ai cũng nhìn thấy ! Sự thế sẽ ra sao nếu nom thấy chúng mình ăn nằm với nhau, có thần linh trong hàng bất tử chạy đi kháo chuyện ? Phần riêng do xấu hổ vì điều ong tiếng ve, thần thiếp chẳng mặt mũi nào quay lại cung điện sau khi rời long sàn. Tuy nhiên nếu thực sự muốn làm như vậy, nếu quyết tâm định xoa dịu tơ lòng, hãy về tư phòng đóng cửa then cài, hoàng nhi Hepaitos xây cất cho Thánh thượng. Mình nên tới đó lên giường nếu quả thực là điều Thánh thượng mong muốn. Chúa tể thu thập mây trời trấn an : Héra ái khanh chẳng nên sợ thần linh hay thế nhân nhòm thấy đôi ta. Trẩm sẽ dấu kín ái khanh trong mây vàng dày đặc, ngay cả mặt trời, tia sáng tỏa khắp nơi cũng không nhìn thấy chúng mình. Vừa dứt lời quý tử Kronos vòng tay ôm phu nhân dắt đi. Mặt đất thiêng liêng dưới gót sen, gót ngọc bừng nở cỏ non mơn mởn, sen long lanh trĩu nặng sương mai, nghệ vàng, lan trắng thân mềm mại chen chúc san sát bên nhau nâng hai vị trên mặt đất. Hai vị nằm ngủ bên nhau, mây vàng ngoạn mục buông phủ sương mai óng lánh rơi nhẹ chung quanh. »
Bản dịch của tôi câu 8648 đến 8674
Hạ Cơ mưu trí khôn ngoan : (Héra)
Cồ Nốt Thần tử, ông còn nói chi ?
Hứng tình chi lúc dị kỳ,
Nằm ngay trên đỉnh non này Y Đa,
Các Thần Bất Tử vào ra,
Tò mò tọc mạch ba hoa họ hàng.
Tôi còn mặt mũi nào nhìn,
Về trong cung điện với lòng hổ ngươi.
Nếu ông ưng ý đẹp lời,
Vào phòng Hỏa Thái vẻ vời vừa xong. (Héphaistos)
Cài then khóa kín cửa phòng,
Mặc tình ông muốn thỏa lòng mây mưa.
Đấng Hội Vân đáp Hạ Cơ :
Chẳng thần nào thấy chúng ta làm tình.
Ta sẽ phủ lớp mây vàng,
Mặt trời cũng khó thấy nhìn chúng ta,
Dù cho ánh sáng chan hòa,
Cũng không soi thấu chuyện ta với nàng.
Nói rồi bế vợ tay êm,
Từ trên đất mọc cỏ mềm non tơ.
Sen mai ngậm đóa sương mơ,
Thủy tiên vàng một bến bờ dịu êm,
Nâng lên mặt đất nhẹ nhàng,
Hai Thần nằm xuống mây vàng long lanh.
Giọt sương thánh thót lìa cành
Giấc nồng trên đỉnh non thần Nam kha.
Giấc say tình ái mặn mà,
Trong tay ôm ấp thiết tha nồng nàn.”
Thử so sánh một đoạn tả cảnh chiến tranh: Khúc 11 trang 380
“Hai bên tiến gần nhau, công tử Atreus tấn công, lao thương, song thương bay xa. Phản công Iphidamas lao thương trúng thắt lưng Agamemnon dưới trấn thủ. Mặc dù nắm thương đẩy mạnh hết sức, chiến binh cũng không thể đâm thủng thắt lưng óng ánh, vì chạm mặt bạc mũi thương cong như chì. Đưa tay nắm cán thương như sư tử hóa điên, Agamemnon quyền uy rộng rãi lên gồng kéo về phía mình, giật khỏi tay chiến binh. Tiếp theo Agamemnon vung kiếm chém trúng gáy, cắt đứt cuộc đời. Gục ngã tại chổ, Iphidamas rơi vào giấc ngủ triền miên.. Thanh niên đáng thương ! Chiến đấu bảo vệ đồng bào, xa cách hiền thê trẻ đẹp mới kết hôn, song chưa đón nhận thiên ân, mặc dù tốn khá nhiều tiền để chinh phục. Mới đầu nộp trăm bò, sau đó hứa nộp ngàn gia súc gồm cừu dê bắt từ đàn khổng lồ ngoài bãi cỏ. Vậy mà chiến binh chết dưới tay công tử Atreus. Lật thi thể lột giáp y, quân vương đem chiến phẩm ngoạn mục qua hàng quân Achaian đông đảo.
Nhìn cảnh tượng, mắt mờ lệ, lòng đau xót vì bào đệ nằm xuống, Koon chiến binh lừng danh, trưởng nam Antenor, kín đáo xông tới bên sườn giơ thương tấn công. Agamemnon hùng hổ không hay. Koon đâm dưới khủy, mũi nhọn bóng loáng xuyên cánh tay. Quân vương rùng mình kinh hoàng. Tuy nhiên thay vì bỏ cuộc rút lui, quân vương vẫn vung thương lao tới tấn công như vũ bão. Nắm chân Iphidamas, bào đệ cùng cha cùng mẹ, Koon vội vàng vừa kéo về đám đông, vừa gọi binh sĩ tinh nhuệ giúp một tay. Trong lúc chiến binh hì hục lôi điệu quý tử thân phụ, quân vương lao thương, mũ đồng trúng thương nhiều gù, chiến binh lăn kềnh. Quân vương xổ tới nắm đầu kê trên xác Iphidamas giơ kiếm chặt mạnh. Kết quả dưới tay quân vương, công tử Atreus, công tử Antenor làm tròn số phận, theo tiếng định mệnh réo gọi đi xuống địa ngục. “
bản dịch của tôi:
THI CA KHÚC XI. Chiến công vua Agamemnon tr 197
Xuất quân giáp mặt Đại Vương, 6565
Ngọn lao An Trích phóng gần hụt trên. (Atride)
Anh Phi đâm trúng đai vàng, (Iphidamas)
Ngọn lao toan ấn sâu tràn bên thêm,
Nhưng lao như mũi chì mềm,
Uốn cong trên lớp bạc vàng dây đai.
An Trích giận tuốt gươm dài,
Vờn như sư tử, con mồi kề bên,
Chém tung đứt cổ địch quân,
Anh Phi Đa Mạc đầu lăn ngã đùng,
Xót xa vợ trẻ khuê phòng,
Chinh phu vĩnh biệt lên đường xa nhau.
Chẳng còn về nữa thương đau,
Trăm bò sính lễ, nghìn cừu mà chi.
An Trích toan cướp tử thi
Mang về vũ khí uy nghi giáp đồng. 6580
Bổng đâu xông đến tướng Công (Coon)
An Thế con trưởng anh hùng vinh danh, (Anténor)
Đau thương trước mắt sự tình,
Thấy em bị hạ dưới thanh kiếm thù,
Xông lên phóng thẳng ngọn lao,
Trúng tay An Trích, xuyến xao rùng mình,
Nhà vua xông chẳng sờn lòng,
Ngọn lao bay thẳng như giông gió tràn,
Tướng Công thương tích ngã lăn,
Rút gươm An Trích chém phăng đứt đầu.
Hai con An Thế còn đâu,
Dưới tay An Trích thương đau số phần,
Về chầu Diêm Chúa đau thương. “ 6593
Bản dịch Đỗ Khánh Hoan tán rộng ra, nhưng nhiều chổ lại phản nghĩa, vô lý ví dụ nếu ngọn lao bóng loáng đâm xuyên được cánh tay Agamemnon thì làm sao nhà vua còn sức để chặt đầu tướng Coon. Agamemnon toan lột giáp y Iphidamas, thì bản dịch Đỗ Khánh Hoan lại dịch thành đã cởi được giáp binh và đem trình diễn trước quân Achéen, nếu đã đứng trước quân Achéen đông đảo thì làm sao tướng Coon có thể đâm lén trúng cánh tay.
Đọc xong bản dịch ông Đỗ Khánh Hoan tôi hoảng hồn, bản dịch sai nhiều quá , ngây ngô, sai từng trang như một học trò mới học tiếng Anh, tiếng Pháp tập dịch. Người dịch mới tra tự điển rồi sắp các chữ ngây ngô lại, không đọc lại để tìm hiểu câu văn nói gì, nhiều chổ chỉ hiểu lõm bõm rồi đoán bừa, tán láo, không so sánh các bản dịch Anh Pháp khác nhau để tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện, rồi diễn tả lại bằng văn chương tiếng Việt cho thích hợp với người Việt. Không thể nào ông Đỗ Khánh Hoan dạy Đại học Văn Khoa Sài Gòn mà dịch ra thế này, tôi có đọc quyển Don Quijote của Miquel Cervantes, năm 2003 của ông đọc hấp dẫn không đến nỗi nào, dù tôi chưa so sánh với nguyên tác hay bản dịch Anh, Pháp mà nay bản dịch Iliade thảm hại nỗi này, tôi tự nêu lên giả thuyết có lẽ là “chuyện treo đầu dê bán thịt chó” đây ! ông cho mượn tên một học trò nào đó tập dịch, ông mắt mũi chắc đã lem nhem, mệt mõi không đủ sức kiểm soát việc làm học trò. Giao cho nhà xuất bản, nhà xuất bản cũng không có người đủ sức kiểm soát chỉ thấy tên ông và tên tác phẩm rồi lên kế hoạch in ấn phát hành. Kết quả một bản dịch đại họa cho người đọc, cho sinh viên đại học, phỉ báng một kiệt tác văn học thế giới. Để tránh tình trạng này tôi xin các nhà xuất bản, trước khi xuất bản nên đưa cho một giáo sư chuyên gia trong ngành xem lại cho ý kiến. Đừng để những chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” xãy ra gây phương hại cho uy tín nhà xuất bản.
Paris ngày 27-10-2017
PHAM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.
Nhất Uyên . Sử Thi Iliade Khuê Văn Paris xuất bản quyển I. 2007, quyển 2 2009 quyển 3. 2011.
Bản nhuận sắc 2017 Sử thi Ilade thi hào Homère chuyển ngữ thơ lục bát, đăng từng Thi Ca Khúc trên các site: Khoahocnet, Chimvietcànhnam, Sàimonthidan, Vietbao, Langhue, dongtac, tapchivanhoanghean..
Nhất Uyên .Truyện Thơ Odyssée. Khuê Văn Paris. 2005