Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Bùi Giáng và những chuyện chưa kể - Chơn Nguyên
Bùi Giáng (1926 -1998) * đăng lúc 01:57:05 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 1267
Hình ảnh
#1

 

 


Bùi Giáng và những chuyện chưa kể

 

Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sở… đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẻo đường Sài Gòn năm 1975…

bui giang 2.jpg
Bùi Giáng, một kỳ nhân ở đất phương Nam
 
Sau năm 1975, anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực.
 
Vào thời đó, mỗi hộ đều có một cuốn sổ lương thực. Anh Giáng giữ sổ cẩn thận và đảm trách công việc đi mua lương thực rất chu đáo. Trong khoảng thời gian ở chung anh chưa một lần bỏ công việc. Chỉ khi nào hợp tác xã bán khoai sắn hay những loại lương thực giá rẻ, anh mới mua rồi đem phân phát cho những người nghèo. Nhiều khi thấy anh vác bao những gạo 10kg hay 20kg lên cầu thang, chúng tôi ái ngại, xuống vác giùm, nhưng anh không chịu. Sau mỗi lần buông gạo trên vai xuống, dường như  anh vui hơn, khỏe hơn và tỉnh táo vô cùng, lạ thật!
 
Anh Giáng rất thương người. Nhiều lần anh xin chúng tôi tiền, đi rảo quanh chợ, cho những người nghèo khó mà anh đã theo dõi và biết rỏ về hoàn cảnh khó khăn của họ. Có lần anh muốn giúp người nào đó quá khó khăn, túng thiếu với số tiền nhiều nhưng không dám xin tiền chúng tôi nên anh vào phòng gom quần áo, sách vở của chúng tôi đi bán ở đâu không biết. Hai ba ngày sau mới về, như  một người biết lỗi, anh len lén vào phòng, ngồi im trong một góc giường. Thấy bộ dạng của anh, chúng tôi không còn giận nữa, nhưng vẫn làm nghiêm hỏi:
 
- Anh lấy quần áo, sách vở của tôi phải không?
 
- Phải
 
- Để làm gì?
 
- Giúp người
 
- Tại sao anh lấy đồ vật của người ta mà còn kỳ thị địa phương?
 
Anh ngạc nhiên hỏi lại:
 
- Cái gì?
 
- Áo quần, sách vở của chúng tôi để chung với anh Châu. Anh Châu đồng hương Quảng Nam với anh, nên anh chỉ lấy áo quần, sách vở của tôi, còn của anh Châu thì không lấy thứ gì cả, kỳ thị địa phương chứ gì nữa?
Anh phì cười:
 
- Không phải đồng hương, đồng khói gì cả, chỉ vì thằng Châu sinh viên nghèo, lấy của nó tội.
 
Rồi sau đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được sử dụng làm Trường Đại học Sư phạm, chúng tôi dời về 716 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Khi về nơi đây, anh Giáng không về theo. Anh đi đâu không rõ. Hơn nữa năm sau, anh mới trở lại. Anh lặng lẽ đi vào phòng chúng tôi, đặt lên bàn một nải chuối chín vàng rất đẹp và một lá thư rồi lặng lẽ đi như  đã đến. Chúng tôi xúc động vì lâu ngày mới gặp lại anh, và ngạc nhiên vì cử chỉ khác thường của anh. Chúng tôi trân trọng đặt nải chuối lên cúng Phật và cầm lá thư đọc:
 
“Ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ
 
Hồng sơn, sơn hạ Quế giang thăm”.
 
Không biết hai câu thơ này anh làm hay anh trích dẫn của ai, nhưng đọc xong chúng tôi lặng cả người vì tình cảm nồng hậu của anh.
 
“ Ta có tấc lòng chưa ngõ được,
 
Dưới chân núi Hồng, sông Quế mãi sâu”.
 
bui-giang1_jpg.jpg
 
 
Sau đó, anh thường xuyên lui tới với chúng tôi, nhiều khi ở hai ba tháng liên tục, rồi đi đâu đó nữa tháng mới trở lại. Một lần, anh trở về với tiếng chó sủa, tiếng kêu inh ỏi của bầy chó, anh kêu chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây hoa hậu để nói chuyện. Anh cho biết, anh mới từ Long An về sáng nay, ghé chợ nhỏ Phú Nhuận, nhâm nhi cốc nhỏ cho ấm bụng. Nhưng nghe tiếng kêu của bầy chó và bộ dạng quen thuộc của anh, lũ nhỏ bán bánh kẹo quanh chợ liền tụ tập quanh anh khá đông. Anh đọc thơ, nói đủ thứ chuyện cho bọn trẻ nghe. Chúng mải mê theo anh nên quên cả bán buôn. Thấy trưa rồi, anh mới nói:
 
- Trong tụi bây, đứa nào làm được hai câu thơ thật hay, tau sẽ mua toàn bộ bánh kẹo, nếu không được tất cả phải đi bán nghe chưa.
 
Sau một đỗi, có đứa nhảy ra trước mặt anh và nói:
 
-  Thật không bác?
 
Rồi chẳng cần anh trả lời, nó ứng khẩu đọc liền:
 
“ Sáng nay bán ế quá chừng, vì nghe bác Giáng nói khùng quên đi”.
 
Thế là bao nhiêu tiền trong túi, anh đem cho hết bọn trẻ.
 
Mỗi lần hết tiền, anh thường tìm đến chúng tôi; và lần này…kể xong chuyện, anh tặng chúng tôi hai câu thơ:
 
“Đến thăm sư phụ Chơn Nguyên,
Trầm tư vô tận ưu phiền tái lai”.
 
Sau khi đưa tiền cho anh trả tiền rượu và tiền xích lô, chúng tôi gởi tặng lại anh hai câu thơ:
 
“Nghe tin sư phụ thở dài, đến đây Bùi Giáng đòi hoài tiền xe”.
 
Anh nhận tiền và khoái chí cười to.
 
Anh Bùi Giáng gọi chúng tôi với đủ loại danh xưng, như trong tờ giấy chép thơ tặng chúng tôi, anh ghi:
 
“Kính gửi sư phụ, Đồng chí, Đại ca Thích Chơn Nguyên:
 
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ,  Có ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”.
 
Một hôm có người rũ anh về lục tỉnh chơi, anh mãi vui dưới đó hơn ba tháng mới trở lại; chắc là nhớ thiền viện Vạn Hạnh lắm, nên mới sáng tinh mơ, anh đã đến Viện để đưa tờ giấy:
 
“Kính gửi: Thầy Minh Châu
 
Thầy Chơn Thiện
 
Thầy Chơn Nguyên
 
Kính dâng Vạn Hạnh một tờ
 
Kể từ vô tận bất ngờ tái lai”.
 
Chuyến đi anh quá phung phí sức, nên đến Viện vài hôm, anh ngả bệnh. Chúng tôi săn sóc và tẩm bổ anh cả tháng mới hồi phục, vừa khỏe xong là anh lại đi. Trước khi đi anh để lại bài thơ:
 
“Thầy vui như thể thiên thần,
 
Con buồn như thể tuyệt trần bấy nay.
 
Thầy vui Vạn Hạnh bấy chầy,
 
Con buồn chết đứng giữa ngày phù du”.
 
Sau đó, vắng anh thời gian khá lâu, mới biết được anh về ở với người cháu sau lưng chùa Liên Ứng. Chúng tôi đến thăm anh vào một đêm rằm, trăng đổ đầy khu vườn anh ở, mới gặp nhau chưa kịp mừng, anh hỏi như kẻ lạ:
 
- Đi đâu đó?
 
- Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
 
Câu trả lời làm anh vui, phấn khởi như ngày tháng quen cũ. Anh đọc đủ loại thơ, với nhiều giọng, kể cả giọng Quảng “Nôm”của anh.
 
Trước khi ra về, anh đưa cho chúng tôi một bài thơ của Lý Bạch, anh nói bài thơ này có tư tưởng gần với giáo lý nhà Phật; về dịch xong đưa lại cho anh xem. Nghe anh nói, tôi ngại, đâu dám múa may trước một người cao vời vợi về thơ ca cũng như chữ nghĩa, hơn nữa chúng tôi chưa từng làm việc này một cách nghiêm túc. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có dịch thơ Đường, nhưng bài nào thích thì dịch, rồi đọc bạn bè nghe cho vui mà thôi. Hôm nay, anh lại nhờ, nhờ một cách quá trân trọng, vì thế chúng tôi không thể từ chối. Bài thơ của Lý Bạch như sau:
 
NGHI CỔ
 
 
Sanh giả vi quá khách
 
Tử  giả vi quy nhân
 
Thiên địa nhất nghịch lữ
 
Đồng bi vạn cỗ trần
 
Nguyệt thổ không đảo dược
 
Phù tang dĩ thành tân
 
Bạch cốt tịch vô ngôn
 
Thanh tùng khởi tri xuân
 
Tiền hậu cánh thán tức
 
Phù vinh hà túc trân
 
Đọc xong nguyên tác, chúng tôi ngại việc dịch không chuyên chở hết ý của bài thơ, nhưng nặng tình với anh, chúng tôi đem về dịch:
 
THEO DẤU CHÂN XƯA
 
Sống là như khách qua đường
 
Chết là trở lại quê hương của mình
 
Đất trời quán trọ mông mênh
 
Nghìn năm cát bụi tâm tình đớn đau
 
Thời gian có đợi ai đâu
 
Đâu xanh hôm trước nay màu củi khô
 
Ngổn ngang xương trắng ngẩn ngơ
 
Hàng tùng xanh thẳm đâu ngờ xuân sang
 
Trước sau là tiếng thở than
 
Cuộc đời hư huyển giàu sang làm gì?
 
Gửi anh bài thơ dịch. Chưa gặp lại anh, để nghe ý kiến, thế mà anh không còn nữa! Nhưng biết đâu, việc dang dở này là cái cớ để anh thêm lần nữa: “Ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ”.
 
Phải không anh Bùi Giáng?!

Chơn Nguyên

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 8 năm 2005)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.