Bà nội là “ngân hàng” của chúng tôi.
Hơn ba chục đứa cháu nội ngoại của bà nội tôi là khách hàng của “ngân hàng” nầy. Nói rõ ra là bà nội tôi có tiền, những đứa cháu, nhất là cháu trai như chúng tôi, mỗi khi cần tiền thì tới xin nội. Để tránh khỏi bị cha mẹ rầy, chúng tôi nói khéo với nhau là ra ngân hàng rút tiền mỗi khi cần tiền đi chơi với nhau.
Tiền thì chúng tôi cần lắm, mỗi ngày, không nhiều, chỉ đủ cho mấy thằng con trai đi uống càphê, đánh bi-da, hay coi ciné, v.v…
Bọn tôi là những thằng tiêu tiền, nhất là từ sau khi bỏ học. Lớn như chị B. như anh H. thì bỏ học đại học. bọn chúng tôi nhỏ hơn thì bỏ trung học. Học hành làm gì nữa! Bọn chúng tôi ham vui, ham chơi, ưa những cái gì nhẹ nhàng tiêu khiển.
Trước 1975, đi học cũng vui lắm và cũng không ít lần chúng tôi sợ mất mật với mấy ông sư huynh Lasan Đức Minh, - trường chúng tôi hồi ấy. Sau “giải phóng”, các sư huynh nghỉ dạy hết (hay bị đuổi khỏi trường, chúng tôi không biết!). Bây giờ chỉ còn lại một ít thầy cũ, số đông là “thầy cán bộ”. Bài vở thì ít, học chính trị, có nghĩa là hoan hô, đã đảo thì nhiều. Học làm sao được? Cứ vào lớp thì nghe cán bộ chưởi “Thằng Mỹ, thằng Diệm, thằng Thiệu.” Trước kia, cũng nghe người ta gọi là “thằng Mỹ”, nhưng chỉ gọi ở ngoài đường. Những tiếng thô bỉ đó đâu có thể đưa vào trường học được. Còn như nghe gọi “Thằng Diệm, thằng Thiệu” thì kỳ quá. Ai gọi thế bao giờ. Nghe gọi thế vừa khó chịu, vừa bực tức, mặc dù, gia đình chúng tôi chẳng ai bà con gì với mấy “thằng kính mến” đó cả.
Ban đầu chúng tôi trốn học. Một bầy cháu trai của nội tôi rủ nhau bỏ học. Nghe chuyện nầy, chắc cả nhà hoảng kinh. Biết thế, nhưng khổ lắm, chúng tôi không học được! Thế rồi, tới giờ, ôm tập ra đi. Bây giờ thì đi học bằng xe đạp. Xe Honda không có xăng. Vả lại, “giải phóng” rồi, phải gian khổ chứ. “Giải phóng” là như thế, có nghĩa là phải gian khổ. Bà chị lớn nhất, bán xe La Dalat, xe đi học của chị. Anh H. bán xe môtô, xe đi học của anh. Hồi đó, bọn tôi có năm đứa học ở Lasan Đức Minh, đi ba xe Honda thì nay đi xe đạp.
Thế là năm thằng rủ nhau bỏ học. Chúng tôi, dân Saigon, đang học cấp ba. Càphê quen uống, bi-da quen chơi, ciné quen xem. Vậy là cứ thế mà “quen”… Hơi khác một chút, phim bây giờ dở ẹt, dù là phim Liên Xô hay phim Bulgari….
Năm chúng tôi chỉ là tiêu biểu cho đám cháu trai của nội, chứ tính ra thì cháu trai của nội đông lắm. Chị của ba tôi, có 5 trai, đủ gọi là ngũ quỉ. Anh em chúng tôi: 7 trai, 1 gái đúng là bát tiên, có một Hà Tiên Cô. May mắn trong 7 anh em, không có ai có hình tướng để có thể làm đại diện cho tiên ông Lý Thiết Quài. Bảy tiên ông nầy xuống trần, đâu còn ở cõi tiên, nên phải “nhập gia tùy tục”. Em gái ba tôi có hai trai. Ấy là những đứa cháu tuổi sàn sàn nhau, việc học thì không giống nhau nhưng quậy thì chẳng đứa nào chịu thua đứa nào. Chú tôi có một trai nữa, nhưng thằng nầy còn nhóc tì, chưa nhập bọn được.
Mỗi sáng, chúng tôi vẫn đi học như thường lệ, nhưng tiền đâu để đóng “học phí” cho “cô hàng càphê”, cho bà chủ tiệm bi-da… Vậy là chúng tôi ghé lại “ngân hàng”.
Xin tiền nội tôi không dễ mà cũng không khó, chỉ cần biết, liệu cách xin. Xin mua gì cũng bị hỏi lôi thôi, nhưng xin để ăn thì bao giờ cũng dễ. Nội tôi là người rất thương trẻ con, nhất là trẻ con nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Huống gì các cháu của bà, nghe nói đói bụng quá, là nội tôi xì tiền ra ngay.
Nội tôi vừa hỏi vừa cười: “Xin mần chi xin hoài?”
Tôi làm bộ thảm nảo:
- “Đói quá, sáng ni chưa ăn chi hết!”
Thế rồi hỏi sơ qua chiếu lệ, xong nội tôi moi túi lấy tiền. Nội tôi xếp từng xấp tiền khác nhau: Loại một trăm, hai trăm, năm trăm. Tất cả gói trong một tấm giấy nylon trong, cẩn thận. Tôi vốn khéo tay, hễ thấy nội loay hoay mở tấm nylong là tôi chọt ngay được tờ năm trăm, đủ vui chơi một ngày thoải mái cho cả bọn.
Không một đứa nào xin tiền hằng ngày. Năm thằng chúng tôi thay nhau mà xin. Năm đứa gồm có: Du, còn gọi là Lý Tiểu Long, con bà cô em gái ba tôi. Thằng nầy đẹp trai như Lý Tiểu Long nên chúng tôi đặt tên nó như vậy. Phước, Hà, con bà chị ba tôi, hai thằng nầy to con, tướng bộ đấm đá là giỏi mặc dù chưa đánh lộn bao giờ. Thằng Nam Mập là anh kế tôi và tôi, tên Nhân, con thứ ba, thường gọi là thằng Ba, là năm đứa thay nhau ghé “ngân hàng” mỗi ngay. Thằng Lý Tiểu Long xin tiền khá nhanh vì bà nội tôi rất cưng cháu ngoại, mà lại cháu ngoại đẹp trai, mặc dù, nội tôi vẫn thường ca cẩm câu: “Cháu ngoại không đoái tới mồ.”
Tôi xin tiền cũng nhanh và được nhiều vì hai lý do: Một, tôi giống chú Út, ông nầy đã tử trận. Con Út, dĩ nhiên được nội thương lắm. Mặt mũi, người ngợm tôi giống chú Út. Đó là một lợi thế. Hai, tôi hay nói đùa, vui tính như chú Út tôi vậy. “Câu bùa” tôi thường nói khi nội tôi chưa chịu chi tiền là: “Thôi, làm khó nhau chi vậy mà!” Tôi vừa nói, vừa cười. Nội tôi cũng vừa xì tiền ra vừa mắng: “Cha mày, nói hỗn với mệ. Tao “méc” ba mầy.” Thế nhưng tôi biết, nội chẳng bao giờ “méc”, vì nội ưa cái tính đùa của tôi.
Nội tôi không giàu nhưng có tiền chi đều đều vì đằng sau nội là ba “tập đoàn tài chính phố Uôn” (Wall Street). Một là ba má tôi. Ba má tôi có một hãng sản xuất xe đạp ở Bình Thới. Sau 1975, dân Bắc đi Nam ùn ùn mua xe đạp đem về quê cho le lói với làng. Món hàng đó cũng chưa bở. Chẳng hạn Bộ Nội vụ (văn phòng Saigon) đặt mua vài trăm xe đạp để đem ra Bắc. “Vật tư” họ cung cấp: Ống thép làm khung xe là ống Nhựt (từ chế độ cũ còn lại), giò-dĩa-xích-líp-bi-đạn đều hàng Pháp, hàng Nhựt, cũng hàng cũ còn lại. Ba tôi lãnh hàng về đem đổi cho chú Ba trong Chợ lớn, lấy hàng nội ráp vào xe. Chỉ chừng đó, ba má tôi đã hốt bạc.
Bà chị ba tôi, trước 1975, có cửa hàng bán phụ tùng xe hơi. Sau 1975, “Cách mạng” lấy hết vì đó là “Vật tư chiến lược”, Cô tôi quay ra bán giò chả, bánh mì, bánh kẹo Tây. Đất Saigon, từ thuở xưa đến giờ, ai đói cứ đói; ai ăn xài, cứ ăn xài, nên cô tôi vẫn sống thoải mái đều đều. Một bà cô em ba tôi nữa, trước 1975 có cửa hàng thuốc Tây, nay cũng bán giò chả bánh mì, kẹo bánh như bà chị, cũng sống thoải mái.
Bà nội tôi năm đó đã hơn 70 tuổi, ưa đi thăm con cháu cho vui tuổi già. Như trước 1975, chị B. con bà chị ba tôi, lái xe Fiat đưa nội đi. Sau 1975, nội đi xích lô. Các “tập đoàn tài chánh phố Uôn” cung cấp tiền cho nội tôi đều đều. Chúng tôi chỉ là kẻ “đến chia xẻ” với nội, cho nội đỡ buồn, chứ không thể là “bóc lột” nội. Thật đấy, bọn chúng tôi là những đứa cháu trai đẹp trai - đẹp như hột nổ - như nội tôi thường khoe với bà con. Chúng tôi vui tính, hay nói đùa với nội cho nội cười chơi! Quả thật, vui với nội, làm cho nội vui là điều chính, còn “chia xẻ tài chính với nội” là chuyện phụ. Chuyện phụ nhưng không có thì không được.
Và chúng tôi cứ trốn học, vui chơi cho đến năm đánh tư sản, mọi việc tan tác từ đây.
Ba má tôi thiệt hại nhiều nhất. Nhà máy, nhà ở bị tịch thu. Sản nghiệp coi như xong, “cách mạng giải phóng” sạch trơn. Cha mẹ tôi sống vất vả nghèo khổ như vậy để nuôi tám người con cho đến khi cha tôi qua đời, khi ông cũng còn rất trẻ, mới trên 50 tuổi. Bà chị và em gái ba tôi thì đỡ hơn. Tiệm bán giò chã, có chi mà đánh tư sản.
Bà nội tôi tuy chẳng có gì để mất mát, nhưng cuộc chiến tranh nầy, tước đoạt của bà nội nhiều lắm: Người con trai đầu, bác tôi, bị Tây giết năm ông mới 21 tuổi. Chú Út tôi, chết trận “Mùa Hè Đỏ Lửa”, năm ông 28 tuổi - 22 năm sau cái chết của người con trai đầu. Ba tôi bị đánh tư sản trở thành nghèo xơ xác và một ông chú, kế ba tôi hiện đang đi học: “Học tập cải tạo theo chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước”, chưa biết ngày nào được tha ra khỏi trại tù.
Sau “đánh tư sản”, nội tôi đau đớn vì thương các con trai, nên qua đời sau khi bị “đứt mạch máu não.” Năm ấy nội tôi 74 tuổi. Bà cô chị ba tôi đưa ngay vào bệnh viện nhưng không cứu kịp. Gia đình an táng nội tôi tại nghĩa trang Vạn Thọ (hãng hòm Vạn Thọ) trên Gò Vấp, gần trại Quang Trung.
Thế rồi bốn đứa chúng tôi cũng có đứa ở tù vì vượt biên. Kỷ niệm nhớ nhất, khó quên là khi gia đình bà chị ba tôi được tha ra hết cả rồi thì còn sót lại thằng Hà, 16 tuổi, không biết nó bị giam ở đâu! Cô tôi lại làm đơn xin Công An cứu xét. Té ra thằng nhỏ bị bỏ quên trong một cái phòng nhỏ trong khám Chí Hòa. Người ta tìm ra nó và biểu về. Thằng Hà nói với cán bộ: “Cho tui xin chút muối. Sáu tháng nay tui không được ăn muối.” Gì chứ muối thì không đến nỗi là “vật tư chiến lược khan hiếm” nên nhà bếp cho ngay. Thằng Hà bỏ nắm muối sống ngay vào miệng. Nó kể lại: “Muối ngọt như đường. Chưa bao giờ tao ăn một nắm đường ngon ngọt như thế!” Nghe kể, chúng tôi cười: “Muối mà ngọt như đường; thằng ngu!” Nó chỉ cười, nói nhỏ nhẹ: “Tụi bây chưa biết đâu. Bị bỏ quên trong tù sáu tháng như tao mới biết đường với muối giống nhau như thế nào!”
Sau khi ba tôi qua đời thì có lệnh nhà nước giải tỏa nghĩa trang Vạn Thọ. Có nghĩa là phải dời mộ bà nội tôi đi. Điêu nầy khá buồn lòng! Nghĩa trang Vạn Thọ tương đối gần. Lâu lâu, nhớ bà nội, chúng tôi rủ nhau đạp xe “Lên thăm bà nội chơi!” - Câu chúng tôi thường nói, thường kèm một chữ “chơi” theo sau. Dù “ngân hàng” đóng cửa đã lâu rồi, không còn nguồn “chi viện ngân khoản” cho chúng tôi nữa, nhưng mấy đứa chúng tôi, cháu nội, cháu ngoại, đứa nào cũng thương bà lắm! Bấy giờ dời bà nội đi xa, làm sao đi thăm được. Có lần lên thăm mộ, tôi thấy ông chú đi ở tù về đang ngồi dựa lưng vào bia mộ. Hai mắt ông đỏ hoe. Hình như ông khóc!
Thế rồi hai bà cô tôi bàn với mẹ tôi, bốc mộ nội đưa về làng nội tôi, làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ở đó đã có sẵn mộ ông nội tôi từ lâu lắm, khi ba tôi chưa cưới vợ, để hai ông bà nội nằm bên nhau cho “tình nồng ấm” , bớt “nỗi cô đơn”.
Trong mấy thằng cháu trai, tôi là đứa “có đủ điều kiện thuận lợi” để đem hài cốt nội về làng, có nghĩa là “Đưa nội về quê chồng”, như câu chúng tôi nói đùa với nhau.
Việc nầy đối với tôi hơi căng. Từ dạo “Mùa Hè Đỏ Lửa” tới giờ - năm đó tôi 12 tuổi - tôi chưa về Huế trở lại. Huế, với tôi cũng đã quên dần, nói chi tới một làng quê, tôi chưa từng đến đó bao giờ. Lại còn phải đem nắm xương nội về chôn cất ở đó.
Khi nội tôi qua đời, việc chôn cất có “hãng Vạn Thọ” lo. Quan tài, liệm, chuyển lên nghĩa trang, xây kim tĩnh, hạ huyệt, xây lăng, hãng Vạn Thọ đảm đương hết. Khiêng quan tài đem chôn thì có đạo tỳ. Bây giờ cạy hòm ra, đem hài cốt lên, thì người đảm trách việc ấy gọi là gì? Chúng tôi chịu, không biết gọi họ tên là gì? Tôi nói đùa: “Chôn là đem xuống, thì gọi là đạo tỳ. Bây giờ đem lên thỉ gọi ngược lại là “tỳ đạo”. Vậy cũng hỏi.” Chúng tôi lại cười khi tiếng búa đập vào mộ ximăng chan chát. Thật, bọn tôi chẳng có ý thức gì cả. Giả như còn ông via (cha tôi) thế nào ông cũng chưởi cho một trận.
Khi nắp quan tài vừa cạy lên xong, nhìn vào trong, thấy nội nằm ngủ. Một chốc, da thịt biến đi đâu mất cả, chỉ còn sọ và xương, trông ghê quá, chúng tôi đứng xa ra.
Thằng Du lấy cây dao lớn chặt một miếng ván hòm. Nam Mập hỏi:
- “Để làm chi?”
Du nói:
- “Về cầu cơ, cầu ngoại lên nói chuyện chơi!” (Thằng nầy là cháu ngoại.”
- “Mi biết cầu cơ không?”
Tôi nói:
- “Cứ làm con cơ đi. Tau biết câu kinh cầu cơ…”
Nói xong, tôi đọc: “Cơ huyền diệu lẽ trời khôn thấu! Kiếp phù sinh trông thấy nực cười. Còn chi tiếng khóc câu cười…” Tôi ngưng đọc.
Du nói:
- “Còn nữa chớ!”
- “Quên mất mẹ rồi.” Tôi nói. “Để mai một tau lên hỏi thím coi.” Thím là vợ chú tôi. “Chắc chị B. cũng nhớ.” Tôi nói thêm.
Nam Mập nói:
- “Mi đem miếng ván hòm ấy về nhà không được đâu! Nhà buôn bán, lỡ ế khách, mấy bà biết, chưởi cho.”
Thằng Du đem miếng ván hòm đi vào nhà quàn Vạn Thọ. Chốc nó ra, nói:
- “Tau dấu kỹ lắm, chờ thằng Ba về, tụi mình cầu cơ, nói chuyện với ngoại chơi!”
Ngó lại thì thằng Phước bỏ đi đâu mất tiêu. Thằng nầy chúa ham vui. Tôi nhớ hồi chôn nội, trong khi thầy chùa đọc kinh cầu siêu trước lúc hạ huyệt thì nó thấy có mấy con ngựa đang ăn cỏ gần đó, bèn chạy lại chọc mấy con ngựa chơi. Bây giờ bò, ngựa đều không còn. Nó bỏ đi đâu, không lẽ đi bắt bướm? Một chốc, nó quay lại, dấu mấy củ khoai mì sống trong cái áo mưa. Té ra thằng ăn trộm mì.
Khi “tỳ đạo” gom hết xương cốt bỏ vào trong cái va-li bằng thiếc, bọn chúng tôi sửa soạn về thì thằng Du lội xuống đám bùn, lấy bùn bôi quanh cái va-li thiếc còn mới do cô tôi mua. Tôi hỏi:
- “Làm chi vậy?”
- “Mày ngu!” Nó trả lời. “Mày xách cái vali mới, bọn “nhảy tàu” tưởng đựng cái gì trong đó ngon lành, nó chôm mất thì nguy. Mở ra, thấy toàn xương, nó vụt ra ngoài đường tầu, mầy biết ngoại đâu mà tìm?”
Thằng khôn thiệt. Tôi nghĩ vậy.
Thằng Du lại lùi xa mấy bước, nhìn chằm chằm vào tôi, dạy khôn:
- “Không xong. Mi ăn mặc ri, không đưa ngoại về tới ngoài! Giày Adidas, quần Jean, jacket, mũ lưỡi trai. Lột sạch, lột sạch. Bọn “nhảy tàu” lột sạch. Mi phải làm như chú bộ đội đi Kampuchia về, không đồng xu dính túi, áo quần bộ đội xốc xếch rách rưới. Chỉ còn giữ được ống thuốc Lào; chỉ còn ống thuốc Lào nghe không!”
Tôi nghe lời nó. Cả bọn đi kiếm đồ cho tôi thay. Mua rẻ cái nón cối sứt vành và đôi dép râu của ông “tỳ đạo”. Cởi jacket cho tụi nó cầm về. Tôi mặc cái áo bộ đội của thằng Du, v.v….
Xem lại cũng chưa được. Du nói:
- “Cái áo mưa nầy là của “Đế quốc Mỹ xâm lược”, “phồn vinh giả tạo”. Tụi nó thèm lắm. Tìm mua tấm nylon mà trùm vô.”
Vậy là tôi giao cái áo mưa của ba tôi cho thằng Nam Mập, mua ngay tại cái quán nhỏ gần đó một tấm nylon cũ.
Trong khi chúng tôi loay hoay tìm đồ cũ, thay áo mũ thì thằng Phước đã chui vào hãng hòm Vạn Thọ từ hồi nào, luộc chín mấy củ mì nó vừa “chôm” được. Nó đem ra nồi khoai mì nóng hổi. Chúng tôi xúm vào, mỗi đứa một khúc mì.
Phước nói:
- “Tao nấu cho tụi bây ăn, chớ trước kia tao chưa từng ăn khoai mì bao giờ.”
Hà thì nói ngược lại:
- “Hồi nhỏ, tau cũng ăn thường. Trước kia, mấy năm ở Saigon, vài khi tao chợt nhớ khoai mì.”
Nam Mập cười:
- “Bộ mày hết cái nhớ sao nhớ khoai mì!” Rồi nó hát to lên, vẻ khoái chí: “Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn dài dài…”
Nghe nó hát, cả bọn lại cười.
Tôi chợt nói:
- “Chết cha! Ăn nãy giờ mà quên mời nội.”
Du cười:
- “Mi mời nội cũng được. Nội ưa vui chớ chắc chi đã thèm khoai mì.”
Hà lại cười cười:
- “Tao nhớ nội ưa kể chuyện tiếu lâm. Có lần nội đang ăn nghe chuyện vui mà cười, nghẹn, thở không nỗi, má tao hoảng hồn.”
Du cười:
- “Chuyện đó tao nhớ rồi. Cả nhà đang ăn cơm, có con ở vô thưa với bà chủ: “Thưa bà, em ỉa.”
Ông chủ giận quá! đứng dậy chỉ mặt con ở mắng: “Đồ ngu! Đang ăn mà nói chuyện ỉa. Tao đập cho văng cứt bây giờ.”
Cả bọn tôi cười ha hả.
Du lại kể tiếp:
- “Có anh chồng đi làm về, vợ dọn cơm ra. Đang ngồi ăn, bỗng đứa con lớn nói với mẹ:
- “Má! Em ỉa.”
Bà mẹ liền rầy con:
- “Im, để ba mầy ăn!”
Du cười nói tiếp: “Ba mầy ăn cái gì! Ai hiểu sao thì hiểu.”
Cả bọn tôi lại cười.
Thằng Phước hát đùa:
- “Em đưa nàng về dinh. Ba đưa bà về dinh! Nhân đưa… bà nội về dinh.”
Cả bọn lại cười.
Một chốc, bớt đùa, Nam Mập nói:
- “Thôi, tụi bây mất dạy quá, dám dỡn mặt với bà nội.” Rồi nó quay qua tôi: “Mày chuẩn bị mà đi cho rồi!”
Tôi ôm cái va-li, đứng lên.
Thế rồi Nam Mập chở tôi ra ga xe lửa Nguyễn Thông. Khi tới nơi, anh Khuê chồng chị B. đưa cho tôi vé xe lửa đi Huế. Chuyến xe sẽ khởi hành lúc 10giờ đêm. Ôi! lại một chuyến “Tầu đêm năm cũ”, nhưng xem ra tôi chỉ mới đi lần đầu.
Qua một chuyến tầu dài hơn 30 giờ đồng hồ, tôi tới ga Huế. “Chuyến tầu thống nhất” chỉ thống nhất có một điểm: Ngủ ngồi. Ai cũng ngồi mà ngủ. Đâu đủ chỗ để người ta có thể đặt lưng xuống được.
Mà lạ nhỉ? Gần hai ngày ngồi trên tầu, cái va-li thiếc khi thì để bên cạnh, khi tôi ôm trong tay, có bao giờ thấy cái va-li nặng đâu. Vậy mà bây giờ, chỉ một khoảng ngắn từ cửa xe ra tới cửa soát vé, sao nó lại nặng thế. Hay tại tôi mỏi mệt suốt chặng đường dài nên thấy nặng? Hay tôi bị ảo giác? Tôi vươn tay coi thử. Tay tôi có đau đớn gì đâu! Tôi cúi xuống xách cái va-li lên. Sao lại nặng vậy hè? Không lý ai lén bỏ cục sắt hay cục đá vào va-li. Đâu có thế được! Tôi giữ va-li không rời một giây một phút, đâu có ai lén bỏ cái gì vào được? Nhưng người ta lén bỏ sắt đá vào va-li làm gì? Tôi lại thử một lần nữa. Nặng! Nặng thật, nặng gấp ba gấp bốn hôm đầu. Không lý xương cốt bà nội tôi hấp thụ nước nên thành nặng. Bậy! Hơi nước trong va-li đâu có bao nhiêu mà hấp thụ vào. Tôi rán sức xách cái va-li ra ngoài cửa ga, rồi tôi ngồi xuống gần bậc thềm, dựa lưng vào vách, để cái va-li bên cạnh.
Bất chợt! Tôi nghĩ ra: Thôi! Không muốn về quê chồng đây! Muốn ở lại với con cháu đây. Tôi khấn thầm, cũng bằng một “câu bùa” như ngày xưa tôi thường đùa với nội: “Làm khó nhau chi! Khổ quá rồi mà!” Nhưng tôi lại sực nghĩ nói với nội như thế là hỗn. Hồi còn sống, nội đã mắng tôi là hỗn, đòi “méc” với ba tôi. Tôi cười một mình, nói thầm, không phải với tôi mà như nói với nội: “Về đây rồi, nội có muốn trở về trong nớ cũng không được. Về đây có “ôông” (ông nội tôi), có ba (ba tôi), có chú Út, có o (cô) Nhớ… cũng đông vui chán. Ở trong đó nằm trong nghĩa địa một mình, chắc chi tụi nó lên thăm nội đều đều. Mai mốt, bọn cháu chắt nầy, không chừng có đứa chết, lại đưa về đây, lại “đông dzui hao” nghe nội. Đừng “làm khó nhau nữa” nghe nội.”
Nói xong, tự dưng tôi cho rằng câu nguyện của tôi có linh nghiệm. Tôi nghĩ: “Thử coi.” Và tôi ngồi tại chỗ, thử nhấc cái va-li lên. Nó nhẹ bưng, như khi lần đầu tiên vậy. Tôi mừng quá, vẫn ngồi dựa lưng vào vách tường, đạt cái va-li lên hai đùi tôi. Rồi tôi chồm tới ôm sát cái va-li vào lòng, nói thầm và cười thầm: “Nội dễ thương quá! Con thương nội quá! Con thương nội quá!” Rồi nước mắt tôi chảy xuống hai má!
Ngay hôm đó, do sự sắp đặt trước của cô tôi, liên lạc và gởi tiền về cho bác Búa chuẩn bị sẵn, có chiếc xe Honda đưa tôi và cái va-li về làng, ngày hôm sau đưa lên “Rú”. Rú là nghĩa trang của làng tôi. Từ làng tôi, đi băng qua làng Cao Bang ở bên cạnh, lội qua một con suối, để lên nghĩa địa. Ở đó, các cô tôi đã gom một khu đất, quây quần các ngôi mộ của ông, ba tôi, chú Út, o tôi…
Trong suốt quãng đường về làng, tôi vẫn khư khư ôm cái va-li trong tay, không giao cho ai khác. Vậy nhưng, khi lội qua con suối ranh giới giữa làng Cao Bang và rú làng tôi, nước lên quá đầu gối, tôi đưa cái va-li nội tôi cao lên. Bỗng cái va-li nặng trở lại. Có kinh nghiệm sẵn, tôi lại vái thầm: “Thôi nội ơi! Về tới nơi. Nội sắp gặp “ôông” và các con rồi. Nội vui lên đi.” Thế rồi bỗng cái va-li nhẹ dần đi, như một cái xô nước đầy, bỗng càng lúc càng nhẹ vì cái xô bị thủng đáy, nước chảy ra hết.
Lên tới huyệt, các bác đã để sẵn một cái tiểu (cái hòm nhỏ) mở nắp. Họ mở va-li lấy xương trong đó ra, sắp lại theo đầu minh chân tay của một người, sau khi đã rửa sạch xương bằng rượu.
Tôi đứng nhìn, hờ hững. Rồi đưa mắt nhìn quanh. Một vùng rú hoang hiu quạnh, cây thưa thớt, cao chưa quá đầu người. Và gió bấc từ hướng Đông Bắc - hướng phá Tam Giang - thổi về lạnh buốt. Tôi kéo tấm nylon che kín người lại cho bớt gió lồng vào người, đỡ lạnh hơn.
Vậy rồi mai đây, trên vùng đất hoang đầy những nấm mồ hoang lạnh nầy, nội ở lại đây, bên chồng, bên con, nhưng chắc chi nội không buồn, không nhớ những đứa cháu của nội ở miền Nam xa xôi mù mịt. Cũng chưa chắc có đứa nào sẽ về thăm nội, nhất là trong cảnh mưa phùn gió bấc lê thê mù mịt của một miền đất rất gần mà rất lạ lẫm, trong những ngày đông tháng giá như vầy!
Hôm sau, từ Huế, tôi gọi điện thoại cho Nam Mập, anh tôi. Nó hỏi:
- “Xong chưa mầy?”
- “Xong rồi!” Tôi trả lời.
- “Mai mầy về chưa?” Nam Mập hỏi.
- “Chưa.” Tôi lại trả lời.
- “Sao vây? Tụi tao chờ mầy về cầu cơ!” Nam nói.
- “Tao chưa về. Mai tao phải về làng thăm nội một lần nữa, tao mới về”. Tôi trả lời.
- “Tùy mày! Nhớ về sớm!” Nam Mập nói. Xong nó cúp máy. Tôi cũng bỏ điện thoại xuống.
Tôi nghĩ tới chuyện ngày mai tôi sẽ đạp xe đạp về thăm nội. Phải thăm nội một lần nữa, bỏ về ngay không đành. Thương nội quá! Trên vùng rú hoang vu đó, gió bấc lạnh lắm. Nằm lại đó, bên cạnh nội là “ôông”, và các con nội. Nhưng nội còn nuối gì ở miền Nam. Các cháu của nội. Nội thấy đó là tương lai của giòng họ. Không nhìn lại dĩ vãng, nhìn tới tương lai và mong cho con cháu mình có một đời tươi sáng, một tương lai tốt đẹp là hoài vọng của người già. Chết là về với ông bà, tổ tiên. Điều đó đã rõ. Người già không có gì phải thắc mắc. Nội biết thế, nên khi hấp hối, trước khi hoàn toàn bất tỉnh, câu nói cuối cùng của nội là “Mạ ơi! Mạ chờ con với!” Rồi nội không biết gì nữa cả. Thế là nội đã về, mà nội biết chắc là nội về với mẹ. Nhưng nội còn thương bầy cháu của nội, chính là vì vậy nên nội trì cái va-li xuống, làm cho nó nặng hơn.
Tôi sẽ đạp xe đạp từ Huế, theo đường số 1, lên phía Bắc, trong giá lạnh mùa đông, trong cơn mưa phùn da diết kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác, trong ngọn gió bấc lạnh lùng. Sau đoạn đường quốc lộ dài dằng dặc ấy, qua khỏi cầu An Lỗ một đoạn khá xa, tôi quay về phía đông, đạp xe tiếp, qua một vùng rú hoang, tôi sẽ tới gần làng Cao Bang, nơi các ngôi mộ gia đình tôi quây quần ở đó.
Tôi sẽ ngồi bên mộ nội, vuốt lên tấm bia xi măng mới dựng, nói với nội vài lời. Rồi tôi sẽ đạp xe quay trở về lại Huế. Đường về, xuôi gió, xe sẽ chạy nhẹ hơn. Nhưng nội đừng vì thương nhớ bầy cháu của nội mà trì kéo xe đạp của thằng Ba nầy lại nội nhé. Nội hãy cho nó về miền Nam với gia đình và anh em nó.
Và tôi bỗng chợt cười. Đừng có vì mộ nội nằm bên cạnh ba mà nội “méc” với ba là “Thằng Ba nó hỗn hào”. Không! Con chỉ nói đùa thôi mà nội, nói đùa thôi, như câu thường nói với nội vậy: “Thôi mà! Làm khó chi nhau vậy hè!” Và tôi bỗng cười thầm khi nói thầm lại câu nói đùa đó.
hoànglonghải
|