Bùi Giáng
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ.
Vũ Đình Liên
Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn hồi 2giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998. Người Tây phương họ chỉ coi ngày sinh là quan trọng, nhưng chúng ta, dân Á Châu thì ngược lại, lại luôn ghi tạc kỵ nhật để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ, các vị dã quá vãng.
Nhân bây giờ là tháng Mười (tháng Mười 2017) mà Bùi Giáng, thấm thoát từ trần cũng vào tháng Mười đến nay vừa tròn mười chín năm. Mười chín năm nước chẩy qua cầu. Nay xin trân trọng giới thiệu nơi đây đôi dòng về nhà thơ đặc biệt ấy, như thắp một nén hương để tưởng nhớ, nhắc nhở nghĩ cũng chẳng phải là vô ích.
ooOoo
Đến bây giờ, thơ văn Bùi Gíáng vẫn gần gụi, bàng bạc mọi nơi, hình bóng ông đặc biệt thấp thoáng trong lòng người chưa hẳn mấy ai quên. Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại xã Vĩnh Trinh làng Thanh Châu huyện Duy Xuyên Quảng Nam.
Trai tráng hay trọc ghẹo thôn nữ làng mình là chuyện rất thường chẳng biết có phải vậy không mà Bùi Giáng làm bài thơ gửi thôn nữ Vĩnh Trinh với hai câu thật trẻ trung, dí dỏm:
Bây giờ em đứng nơi đâu,
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao!
Ông là cháu ngoại của tổng đốc Hoàng Diệu, con ông Bùi Thiên với bà vợ hai Huỳnh thị Kiền. Bùi Giáng làm nghề dậy học ở Đà Lạt, Sài Gòn; Biên sọan sách giảng luận về văn học, triết học, kiếm hiệp, viết văn, làm thơ…
Thơ Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, tài ba, táo bạo, mới mẻ, lý thú, xuất thần..vừa bác học vừa bình dân đã tạo dựng nên một con đường sáng tác độc đáo đến nay chưa ai bì kịp:
Lời thô tục, ý u tồn
Ý nào u tục thô ngôn là lời.
Giả danh chân đế cũng rồi
Giả danh tục đế đẩy lời cũng qua.
Trăm năm trong cõi người ta
Lọ là long Thọ, hay là Khổng Khâu
Vàng beo lục gấu trắng trâu
Đìu hiu trăng mọc, nhịp cầu phù du
Nay mai còn mộng hư phù
Mẹ xin chiếu cố sa mù cho con.
Câu thứ năm y như lời mở đầu truyện Kiều, nhưng không thấy để trong ngoặc kép hay trú thích rõ ràng như thường tình. Làm sao mà Bùi Giáng chẳng biết, song có thể ông cho đó là chuyện nhỏ, mới lại chẳng lẽ ông “yếu” đến nỗi phải “đạo văn” một câu như thế sao! Nên đã không lưu tâm, không nói gì cả.
Thực ra “bài thơ” này thiếu tên gọi, không ngắt câu, xuống hàng viết như một đọan văn xuôi, tại một bài luận nhan để “Sở Dĩ Nhiên” thấy trong cuốn tạp bút Ngày Tháng Ngao Du do nhà An Tiêm xuất bản tại Sài Gòn năm 1971. Có thể đây chỉ là đọan văn xuôi song tình cờ nó đã vần điệu với nhau khiến ta nhìn như bài thơ….thật đúng như người đời ca tụng, ông không làm thơ, chẳng nghĩ thơ..thơ đến tự nhiên tuôn ra như nước chẩy!
Ý nghĩa bài thơ là gì nhỉ? Khó nói cho thật đúng. Khó có thể trả lời được. Nhưng tại sao lại đặt vấn đề ý nghĩa cho một bài thơ? Bài thơ là bài thơ! Những gì ta thấy ta đọc là những gì ta đọc, ta thấy, vậy thôi. Đừng đi tìm ý nghĩa. Bài thơ như thế đấy. Nó đâu cần có ý nghĩa.
Coi toàn bài Sở Dĩ Nhiên cũng vậy. Hoài công cố gắng ta cũng chẳng nắm được ý nghĩa chính rõ ràng. Đọc đi đọc lại nhiều lần thấy du dương, tài hoa, man mác, đượm mùi đạo vị cao thâm… vậy thôi!
Phải chăng độc giả cảm nhận được như thế cũng đủ rồi! Phải chăng chủ tâm của Bùi Giáng trong nhiều trường hợp, muốn kẻ thưởng thức suy nghĩ, tham dự vào nên đã tạo ra những câu đứt quãng, câu nọ không liên hệ với câu kia như tự nhiên đang trên trời rơi xuống đất, mục đích để tùy độc giả hiểu thế nào thì hiểu, nhất là những bài thơ văn xuôi thấy trong cuốn Mưa Nguồn do hội Nhà Văn xuất bản năm 1993 ở Hà Nội, như những bài Bên Miền, Nhỏ Dại, Lời Hàn Mạc Tử…Ôi! Còn nhiều lắm nay chỉ xin dẫn vài câu trong bài thơ văn xuôi Đá Lạnh nơi cuốn Mưa Nguồn để quý độc giả thưởng lãm:
“Chạy dài đêm sầu đông tất tưởi bóng ma cuồng quay loạn hồn chia cây lá chẳng nghe nhau mặt đất chân mây mơ màng xưa xuân vũ thiết tha gối mỏi con về.”
Trong cuốn Thi Ca Tư Tưởng do nhà Ca Dao Sài Gòn xuất bản năm 1969 ông viết: “Thơ tôi làm là một cách dìu ba đào về chân trời khác.” Lại nữa, trong Ngày Tháng Ngao Du, ông bảo:
“Người nào đọc thơ tôi, nẩy sinh ra cái ý gì, người đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái ý nẩy ra ở trong đầu họ” Vậy là thế nào? Đọc thơ Bùi Giáng, “rằng hay thì thật là hay” Điều này khó có ai chối cãi được, nhưng thường thường gặp những bài chẳng dễ gì hiểu được một thiên tài…rất mực!
Cũng trong cuốn Ngày Tháng Ngao Du vừa dẫn, Bùi Giáng đã cao hứng ngông nghênh nửa đùa nửa thật viết:
“Ta viết sách không bê bối lăng nhăng như Trang Tử; Không lẩm cẩm làm tàng tay tổ được như Lão Tử; Không lố bịch được như Krishnamurti; Ta làm thơ không thong dong tục tĩu được như Hồ Xuân Hương; không đoạn trường dìu dặt được như Nguyễn Du; không u sầu mênh mông được như Huy Cận…tuy nhiên…
Tuy nhiên nếu bảo ta đem cái chỗ thua kém của ta để mà đổi lấy cái chỗ hơn ta của những kẻ nọ thì ta không đổi.”
Xem mấy câu thơ và vài dòng lập luận trên đây thọat đầu cứ ngỡ ông điên nhưng suy nghĩ thấy chẳng dại chút nào. Khách quan mà nói, thật sự kiến thức văn thi tài của ông đâu thua ai! Nghe đâu ông còn là bạn của một vài triết gia lẫy lừng người Pháp bên Pháp.
Có phải thế không mà cả những cái linh thiêng đôi khi dưới con mắt Bùi Giáng cũng trở nên bình thường bớt sự kính trọng, song bù lại chúng có vẻ đáng yêu hơn.
Phật ngồi dưới gốc bồ đề
Tiên nương dừng bước tóc thề chấm vai
Thưa rằng Phật thật là tài
Thấy mà như chẳng từ ngoài vào trong.
Thơ Bùi Giáng rất thường gặp giọng điệu cười đùa dí dỏm như thế. Cười đùa tế nhị, hiền hòa, ngọt ngào, thủ thỉ, vô hại và đặc biệt là rất êm đềm, như ru…
Em sẽ thành con kiến
Tôi thành con chuồn chuồn
Lời sẽ câm trên miệng
Nhưng nơi nào còn hơi thở luôn luôn.
Đọc thơ Bùi Giáng chúng ta không mấy khi gặp lời lẽ cao ngạo như những vị đương thời thí dụ Mai Thảo chẳng hạn:
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta sử chép cả ngàn chương.
Thực tế cũng như theo những người gần gụi kể lại, theo những bài viết in rải rác đây đó của bạn bè Bùi Giáng cũng là các văn thi sĩ thì lắm lúc ông có điên, thời gian càng về sau mấy cơn điên càng nặng, càng kéo dài và xen kẽ những lần điên khùng ấy ông lại rất tỉnh, hình như chính ông cũng biết tình trạng đó nên dôi lần đã như rào trước đón sau, phân trần qua thơ, qua mấy bài Người Điên. Nay xin dẫn mấy câu trong một bài như sau:
Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên.
Phải chăng vì thế, vì “thưa em ngôn ngữ quặt què” thế, nên nay ta mới được thưởng thức những vần thơ tài tình của Bùi Giáng mà có lẽ chẳng thể ai bao giờ nghĩ ra nổi để hạ bút như bài thơ Lẫn Lộn Lung Tung:
Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời
Mỹ Tho, Mỹ thọ Sóc Trăng ơi
Mỹ Thỏ muôn đời là Sóc Trắng
Gái mặc quần ra đứng ngó trời.
Còn vấn đề “Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên” thì người điên có nghề ngỗng gì đâu! Nên tình trạng không cửa không nhà của ông cũng là chuyện dễ hiểu. Cuộc sống của Bùi Giáng, đọan đời sau, sớm chiều lây lất, lang thang , tiều tụy, đôi khi làm trò cười cho khách vãng lai giữa phố xá đông người qua lại. Phần đông nhiều người cười, nhưng vẫn quý mến Bùi Giáng và còn như ước mơ so sánh giá được như vậy.
-Ủa! Phải anh Sáu Giáng đấy không!
-Và đó có phải cô Bông năm nào?
-Anh còn nhớ rõ, ôi chao!
Vợ chồng tôi vẫn lúc nào nhớ anh
Anh điên mà vui vẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu.
Tại sao cuộc sống của Bùi Giáng càng ngày càng tàn tạ như thế? Chứng bệnh điên khùng có phải vì thất tình chăng? Xin thú thực tôi chưa nghe ai đề cập tới khía cạnh này.
Vũ Hoàng Chương có Kiều Thu để thỉnh thỏang than vài câu âu yếm, cải lương, tha thiết “Tố của Hòang ơi!” còn Bùi Giáng, qua văn chương tìm không thấy Nàng Thơ của thi sĩ là ai cả, mặc dù ông viết:
Con có nghĩ ắt là phải thế!
Một đôi lần con ghì xiết hai tay
Nàng thơ đẹp của trần gian ứa lệ
Bảo con rằng hãy nhớ lấy phút giây.
Nàng thơ trên đây chưa hẳn là… nàng thơ, hay nói cho đúng ra chỉ là nàng thơ đẹp của trần gian, là người con gái thường tình, chẳng phải nàng thơ đích thực của ông mà hình bóng chưa được nói rõ ràng, nhưng chỉ mới được hé lộ nhẹ nhàng mờ ảo:
Thưa em từ bữa xa nào
Nhìn nhau mộng đã bước vào trong mơ!
“Em” trong hai câu thơ trên là ai? Có phải đó thực là nàng thơ của Bùi Giáng không? Cũng còn quá nhạt nhòa để đi đến kết luận. Ta cũng không thể kết luận điều gì khi đọc câu văn ông cho hay về “Ngày Mười Sáu”:
“Đà Nẵng năm xưa có một người con gái tên Oanh và một người con gái tên Phụng. cách Đà Nẵng ba mươi cây số, nơi một vùng quê hẻo lánh ven đồi có một người con gái tên Chanh. Ba người con gái này gặp nhau ở Thừa Thiên, phố Huế. Từ đó về sau có một kẻ làm thơ rất mực! người ta bảo rằng. Nó bước bên đường kêu gọi mãi, nhớ người bạn cũ thuở thanh niên”.
Câu “Nó bước bên đường kêu gọi mãi” thật là ai oán. Hình dung tiếng cuốc kêu đâu đó trưa hè. Gợi nên hình ảnh gã thất tình, rên rỉ, đau khổ, cô đơn. Phải chăng “nó” chính là Bùi Giáng và Bùi Giáng dã yêu một hoặc cả ba nàng thơ này và tất cả các đương sự đã rơi vào cuộc tình lụy, cao thượng,oan trái, không lối thóat. Phải chăng?
Anh quỳ xuống hai tay bệ vệ
Để xin nàng một giọt lệ êm đềm.
Đến đây xin mạo muội đặt câu hỏi: Có phải vì không thỏa lòng mong ước với nàng thơ mà Bùi Giáng chẳng thiết tha mọi sự? Công danh, tiền bạc và ngay cả cuộc đời!
Nói chung, đối với mấy bậc có tài thường được các người xung quanh ưu ái, trọng vọng, chẳng tiếc gì, luôn luôn sẵn sàng nâng đỡ phụ giúp một tay để kẻ ấy có phương tiện dễ dàng phát triển.
Xưa, Tản Đà tự than không có trăm bạc để làm An Nam tạp Chí sau bữa cơm chung một người nghe vậy tặng cho ngay. Khi Tản Đà vào Sài Gòn chơi lần đầu, năm 1927 bèn được ông Diệp Văn Kỳ biếu một ngàn đồng, muốn làm gì tùy ý. Những người ngọai cuộc có khả năng cũng chỉ tỏ lòng hâm mộ bằng cách đưa tiền thôi, chứ làm sao hơn được.
Còn về Bùi Giáng, ông thiếu gì thân thuộc, bạn hữu. Thiếu gì mạnh thường quân! Nhưng có lẽ chẳng ai dám đưa tiền bạc cho Bùi Giáng. Mà trường hợp của Bùi Giáng khác! Có bao giờ ông cần tiền đâu, Có lẽ chính Bùi Giáng cũng chẳng coi đồng tiền là cái gì cả. Bởi vì đọan đời trước, với tài năng dậy học, viết sách ông thiếu gì, còn hiện tại thì ông điên, có bao giờ tiêu pha như người bình thường mà cần, mà để ý tới…Tôi e giấy chứng minh nhân dân nếu có ông cũng vứt vào xọt rác lúc nào, nơi nào đâu biết.
Từ đó, xin nêu lên một nhận xét là về sau, tuy bề ngoài ăn mặc rách rưới, nhưng con người Bùi Giáng vẫn luôn luôn tỏa ra sự thanh cao kỳ diệu, không mấy lưu tâm đến cái vật chất nhỏ nhen bon chen tục lụy gì cả…. có lẽ thời gian bệnh hoạn, cũng như mọi người, ông cần được săn sóc, nhưng đã không thấy ai trông nom ông.
Như có nỗi uẩn khúc chẳng ai hay, ông thả nổi cuộc đời. “Ngày tháng ngao du” lấy cổng chùa Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng Sài gòn làm nơi che mưa trú nắng.
Ghé về Vạn Hạnh thăm qua
Kẻ sầu ủ rũ chính là Trung Niên
Là thằng thi sĩ diện tiền
Làm thơ tái tặng cho phiền ưu dâng.
Thi sĩ Bùi Giáng thường nhận mình là Trung Niên Thi Sĩ, điều đó so với tuổi tác lúc ấy thì cũng đúng thôi. Nhưng tại sao nhiều khi ông lại tự xưng là Đười Ươi thi sĩ? Có phải ông muốn diễu cợt về tấm thân xác tiều tụy, gầy gò, râu tóc chẳng khi nào chải chuốt, o bế sạch sẽ hay chăng!
Đười ươi tại hạ ra đời
Thời gian rạch xé tô bồi cho em.
Em về giũ áo mù sa
Tiền trình vạn lý anh là đười ươi.
Em về giũ áo đười ươi
Trút quần phong nhụy cho người phụ nhau.
Ông già rất mực đười ươi
Già nua lẩm cẩm còn cười vu vơ.
“Ông già rất mực đười ươi” mất đi là một thiệt thòi vô cùng lớn lao cho nền văn học Việt Nam. Sự đóng góp của ông vô cùng đặc biệt và không phải là nhỏ. Vậy mà đã khiêm tốn, ông viết:
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù.
Tiếc thay người đời đã vô tình. Thường rất trọng vọng, nâng niu tán tụng văn thơ, nhưng phần đông lại hết sức vô trách nhiệm dẻ dúng các tác giả nói chung và Bùi Giáng nói riêng.
Thực tế xã hội, nhất là xã hội Việt Nam bấy giờ bận bịu bao nhiêu vấn đề phải giải quyết nên đã thờ ơ trước một thiên tài để cho hình ảnh Bùi Giáng vào cuối đời với căn bệnh điên điên khùng khùng ngặt nghèo, thiếu người thân thuộc chăm xóc khiến ai nhìn, biết đều phải mủi lòng, đến như nữ sĩ Nga La Tư Irina Zisman, một người nói và viết tiếng Việt lưu lóat cũng đã bật khóc khi gặp gỡ. (Bút ký IRINA tập 1 tổ hợp xuất bản miền ĐôngHoa kỳ 1992).
Trong một bài thơ viết cho Trương Tửu, thi sĩ Nguyễn Vỹ đã có một nhận xét rất đúng song rất phũ phàng về cuộc sống của các văn thi sĩ Việt Nam mà tôi xin phép chẳng nhắc lại nơi đây vì nghĩ, câu nói rất phổ biến, ai cũng rõ.
Nói chung hình như người mình, ai mang cái nghiệp văn chương thì vì lý do này, lý do khác, chuyện lao đao lận đận về đường vật chất là điều khó tránh khỏi. Xem như hòan cảnh gia đình của cụ Nguyễn Du “thập khởi hài nhi thái sắc hồng” (Mười miệng trẻ đói xanh như rau) tưởng là điều đáng xửng xốt, nhưng thế cũng thường thôi, Nguyễn Công Trứ tiếng là làm quan song tình cảnh khác chi đâu, đến nỗi lương ăn chẳng đủ, phải mật tấu về triều, được vua Minh Mạng sai người mang cho mấy gói trà, trong mỗi gói giấu cho một lạng bạc. (theo Sự Muôn năm cũ, Trần văn tích)
Trường hợp của Bùi Giáng mới là đặc biệt, cuối đời cực khổ nhưng không phải hẳn vì nghèo khổ. Giữa xã hội, đồng bào...”Ở rât lâu quê nhà” mà như lạc lõng chốn xa mạc hoang vu.
Bùi Giáng sống cô đơn bệnh tật, ra đi trong sự thờ ơ, lặng lẽ, âm thầm. dù là “sinh ký tử quy”, lại lấy câu “Người ta ai cũng phải chết, Socrate là người, Sôcrate phải chết.” thì Bùi Giáng rồi ra cũng chết. Cứ an ủi như thế đi. Cuối cùng xin thêm một điểm nhỏ: không ai như hội đòan, cơ quan, nhà nước đứng ra tổ chức những lễ nghi tương xứng tiễn đưa, vĩnh biệt một thiên tài làm ta cũng bùi ngùi. Để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôi có làm bài thơ nhan đề “Như Thơ Bùi Giáng” in trong cuốn Chút Nghĩa Cũ Càng, từ 1996 do nhà Ngày Nay ở Wichita Kansas phát hành, xin chép ra đây để kết thúc bài này.
Như Thơ Bùi Giáng.
Tiền trình vạn lý đười ươi
Nào ai xẻ bớt nỗi đời trăm năm
Lên đèo bốn vó xăm xăm
Núi ngồi tư lự song nằm nắng phơi.
Mùa Thu lục tỉnh rong chơi
Em! Ồ em! Vẫn nụ cười trao nhau.
Em đi về giữa nhiệm mầu
Anh đi về giữa rất lâu với người.
Chăn dê dưới đất trên trời
Mưa nguồn thác đổ nước trôi rạt rào
Chiêm bao cổ lục bước vào
Bàn tay lóng ngóng cúi chào Nguyên Xuân.
Nguyễn Phú Long.
September 2017.