Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu Nhiêu Tâm, nhà thơ trào phúng miền Nam .
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 05:18:21 AM, Oct 20, 2013 * Số lần xem: 4831
Hình ảnh
#1


Nhiêu Tâm (1840-1911) tên thật là Đỗ Như Tâm, hiệu Như Tâm, Minh Tâm, biệt hiệu là Minh Giám, là một nhà thơ sống trong thời kỳ Pháp chiếm đóng miền Nam Việt Nam.

Thân thế
Do ông có chân trong nhiêu học (học trò giỏi, được hưởng học bổng của nhà nước phong kiến), nên mọi người thường gọi ông là Nhiêu Tâm. Tuy vậy, ông thi mãi vẫn không đỗ đạt.
Về nguyên quán, có người bảo ông là dân miền Nam, lưu lạc tới Vĩnh Long ngay từ lúc nhỏ, có người lại cho rằng ông là người miền Trung.

Khi đến làng Sơn đông (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Nhiêu Tâm dạy chữ Hán và làm nghề bốc thuốc. Buổi đầu, ông cư ngụ tại nhà học trò tên Trần Văn Kỷ.
Mấy năm sau ông Kỷ mất, Nhiêu Tâm dời sang nhà một học trò khác là Trần Minh Chuẩn và ở đấy cho đến hết đời.

Người dân làng Sơn Đông còn nhớ nhà thơ Nhiêu Tâm có vóc dáng hơi cao gầy, đôi mắt bị lòa nên đi đâu cũng phải chống gậy.

Và khi Nhiêu Tâm mất, không thấy ai là vợ con hay dòng họ đến; chỉ có học trò chịu tang và bạn thơ văn đến viếng.

Mộ ông nằm giữa cánh đồng, thuộc làng Sơn Đông, xã Thanh Đức (Vĩnh Long).

Khuynh hướng thơ
Nhiêu Tâm khá có tiếng trong làng thơ trào phúng đầu thế kỷ 20. Thơ ông phần nhiều là thất ngôn bát cú. Đấy là một hồn thơ luôn ray rứt trước những vấn đề thế sự thời ông sống và là những cảnh, tình của những con người bình thường, gần gũi hàng ngày; với giọng thơ khi thì hóm hỉnh, giễu cợt rất tự nhiên, khi thì giàu lòng trắc ẩn, tình nghĩa.

Thơ Nhiêu Tâm có hai khuynh hướng:

Khuynh hướng trữ tình
Những bài thơ theo thể loại này, như: Vợ tiễn chồng, Khóc bạn, Cựu nghĩa trùng phùng...

Và ray rứt trước những vấn đề thế sự như trong bài:

...Xưa còn gió ngõ lai cờ đế
Nay hết nhân rường bủa lưới vương
Sáu tỉnh xô bồ cơn gió bụi
Vĩnh Long phong tục giữ như thường.
(Cảm tác)

Khuynh hướng trào phúng:
Kế thừa chất giọng thơ trào phúng của các thế hệ đi trước như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị và người cùng thời là Học Lạc, cộng với kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ miền Nam, Nhiêu Tâm đã sử dụng khá thành thạo các vần “nôm na”, khai thác thi tứ, cảm hứng của ca dao nên tác phẩm vừa trào lộng lại vừa thương cảm, nhất là khi viết về các đề tài của giới bình dân.

Những bài thơ tiêu biểu, như: Nói con chị cưới con em, Vợ chệt khóc chồng chết đuối...

Và:
Hóm hỉnh Vịnh Kiều
Sắc tài có một đỉnh đình đinh,
Khắp cả dân gian tiếng nổi phình.
Duyên chị mà em theo lẻo đẻo,
Nợ chàng rồi thiếp sạch sành sanh.
Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,
Trở lại vai mang một chữ tình.
Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch,
Khúc đờn nhàn gảy tịch tình tinh.

Ghẹo gái bán cau
Hỡi cau ai bán, tiếng nghe rao?
Tốt vóc, mà trong biết thế nào?
Giấu ở trong buồng e đóng đục,
Bày ra trước mặt thấy ngon dao!
Quyết mua nên phải coi từ vú,
Có bán thì cho thử cái nào!
Chuốt ngót của mình ai dám chắc,
Biết lòng biết ruột xỉa tiền trao!(1)

Ngoài ra, những áng thơ về các thể loại vịnh nhân vật sử, vịnh danh lam thắng cảnh của ông cũng đều có tiếng.
Trước năm 1975, nhà xuất bản Tân Việt (Sài Gòn) đã tập hợp một số bài thơ tiêu biểu của Nhiêu Tâm in chung với Học Lạc, được nhiều người chú ý và mến mộ.

Các nhà nghiên cứu văn học còn sưu tầm được một bài phú 204 câu có tựa đề là “Bần Phú Luận” và một số câu đối của Nhiêu Tâm...

***
Nhiêu Tâm là nhà thơ trữ tình, trào phúng nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở miền Nam. Văn phong nhà thơ Nhiêu Tâm mang bản sắc dân tộc, thời đại và đã góp vào nền thi ca châm biếm miền Nam một tiếng cười, bằng ngôn ngữ giản dị và mang chút xót xa của sĩ phu bất đắc chí. Mảng thơ trào lộng của nhà thơ Nhiêu Tâm, đã gây ra nhiều tranh luận và giai thoại thú vị, được nhiều người truyền tụng.

Ngoài tài thơ, ông sống nghèo túng và thanh bạch. Ông là người quý trọng tình nghĩa, yêu thương đồng bào….

Tấm lòng và tài năng của Nhà thơ Nhiêu Tâm đã góp vào lĩnh vực văn chương của miền Nam, của cả nước bằng những tác phẩm văn thơ mang đậm dấu ấn con người, thời đại mang nhiều biến cố của Lịch sử -Văn hóa nước nhà.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích
(1) Giới thiệu bài thơ này, Học giả Vương Hồng Sển kèm theo lời bình: "Ông Đỗ Minh Tâm là người xưa, mà sao ý nghĩa ác ôn đến thế. Nói tục như ăn ớt cay, khi xé miệng mới gọi là ngon". (Sài Gòn tạp pín lù, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 327-328)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Thêm Vài bài thơ Nhiêu Tâm
Hue Thu Oct 20, 2013
Tự Thuật

Thất thập niên huê cửu ngũ linh
Thần hôn nhi diệt viễn môn đình
Phong sương đa bệnh châu nhan đạm
Tuế nguyệt tằng thôi bạch phát sinh.
Giáo dục vấn minh chung sắc diện
Gian nguy thì thị biện tài danh
Cầu nhơn tự cổ nhơn nan đắc
Tạo vật hề tu hựu lão thành.

Dịch nghĩa : Trên bảy mươi tuổi đầu, gần cuối đời mà còn phải xa nhà, cuộc đời phong sương làm ông mang nhiều bệnh. Năm tháng chất chồng đầu thêm bạc, dạy trẻ muôn đời thêm sáng tỏ, gặp lúc gian nguy mới tỏ rõ anh tài.

Đá gà nòi

Bôi mặt đá nhau trời hỡi trời,
Một vùng bụi cát giãy tơi bời.
Cựa suôn máu đỏ tuôn đầy đất,
Mỏ cắn lông vàng rụng khắp nơi.
Cũng bởi ghét ganh ba tiếng gáy,
Hai là giành xé hạt cơm rơi.
Hơn thua tranh cạnh mà chi vậy,
Đồng loại như bay thật tréo đời.

Ông táo

Xưa là đất sét ở bờ khe,
Nhồi nắn nên hình lão táo be.
Vỗ vóc nên hình thân úc núc,
Đặt tên dùi bụng chúng kiêng dè.
Nếu chẳng linh thiêng trong một thuở,
Mãn năm rồi cũng bỏ ngoài khe.
Tánh linh hư nát còn roi dấu,
Trẻ đái không kiêng, quở kiếm chè.

Làm Trời khó

Giữ chức Hoàng Thiên khó phải chơi,
Thế gian muôn sự cứ trời ơi.
Mưa dầm, lụt bão kêu khan tiếng,
Nắng hạn khô khan réo hết lời.
Bất hiếu, giận con, kêu mắng vốn,
Vô tình đạp phẩn(4) lại thỉnh coi.
Làm trời còn khổ vì thiên hạ,
Hà huống gì ta sống ở đời.

Chuột cống

Ông cống khoa nào chẳng thấy thi,
Chuột thời gọi chuột tí làm chi.
Bắt hơi chó xịt cong lưng chạy,
Nghe tiếng mèo kêu rúc cổ đi.
Chỉnh nếp, rá cơm tha thởn bậy,
Đống rơm, bồ lúa ngách hang kỳ.
Hô loài chuột lũ bay nên dạ,
Quạ có diều hâu há sợ mi.

Con cua

Trên đời có mấy mặt đi ngang,
Ngẫm lại đông chân có một chàng.
Trợn mắt không phân người phải quấy,
(…)
Xoi hang mạch nước hềm không ruột,
Lột vỏ già đời chẳng thấy gan.
Gặp lúc tối trời mình kể chắc,
Đến khi có việc rút vào hang.

Vợ giận chồng đi tu

Xuất gia cho khỏi tiếng thê thằng,(5)
Tu hành trai giới tháng ngày ăn.
Tam quy phận thiếp nương chân Phật,
Cắt tóc gửi chàng lũ trẻ măng(6).
Ném gánh cang thường không hệ luỵ,
Soi gương bác ái bỏ điều nhăn.
Dốc tâm đi đến ngôi Tam bảo,
Khỏi phải sự đời tiếng rứa răng.

Vợ giận chồng đi tu
(bài hoạ của người chồng)

Thà trước đừng xe mối xích thằng,
Tu hành mặn lạt mặc tình ăn.
Tam quy nỡ để thân chồng giá,
Ngũ giới đành lìa lũ trẻ măng.
Đuốc huệ thường soi lòng thảo thuận,
Thuyền từ nào rước kẻ làm nhăng.
Đạo người giữ mãi chưa tròn phận,
Tiên Phật nào thành khéo rứa răng.

Làm câu đối ở sân khấu hát bộ

Nhất trường tẩu mã đề vô tích
Bá trận tranh thua huyết bất lưu
Vạn dặm Trường An tam tứ bộ
Ngũ kinh bất độc đỗ trạng nguyên.
_____________
.
(4) phẩn: phân (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)

(5) thằng: sợi dây (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)

(6) lũ trẻ măng: con nhỏ (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)