Lịch Sử Nghệ Thuật Ca Trù Việt Nam
Ca trù chỉ là một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù bắt nguồn từ tục hát thờ thần. Theo đó, trùlà thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ. Các tiệc hát ở tư gia hoặc các ca quán thì không thấy có việc thưởng bằng thẻ nữa.
Ca trù có mặt trong hầu hết những sinh hoạt tinh thần của người Việt. Theo sự ghi nhận của thư tịch cổ, ca trù được tổ chức như sau: Hát thờ:hát thờ tổ (còn gọi là tế tiên sư, có 9 làn điệu chuyên dùng), hát thờ thành hoàng trong các đình làng, hát thờ thần trong các đền miếu; Hát chơi:trong các tư gia (khao cử, khai trương, tiễn tặng), hát chơi trong dinh thự công sở, ca quán (giải trí, tiếp khách); Hát thi:tại các làng quê (thi giữa các giáo phường để chọn người hát giỏi); Hát trong các dịp đặc biệt:hát chúc hỗ mừng thọ vua, hát trong nghi lễ đón tiếp sứ giả nước ngoài.
Từ hát thờ, sinh hoạt ca trù sinh ra các quy định chặt chẽ cả trong giới nghệ sĩ, cả trong giới thưởng thức. Từ việc giải trí thưởng ngoạn, ca trù sinh ra một thể thơ độc đáo, thuần Việt là thể thơ Hát nói chuyên dùng chữ Nôm và có khả năng dung hợp và thích ứng rất cao trong dòng văn học chữ Nôm. Cũng từ sinh hoạt giải trí, ca trù đã làm nảy sinh mối quan hệ giữa văn nhân và nghệ sĩ (đào nương) rất độc đáo trong sinh hoạt văn hoá của giới trí thức.
Lịch sử ca trù đã được minh định bằng cả một hệ thống tư liệu có độ chính xác cao và hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán – Nôm và các tác phẩm điêu khắc dân gian ở khắp châu thổ Bắc bộ và vùng Nghệ Tĩnh.
Ca trù là một bộ môn hoàn chỉnh (TK XV)
Trong tình hình tư liệu hiện nay, bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” của Tiến sĩ Lê Đức Mao (1462 – 1529) soạn trước năm 1505 được chép trong sách Lê tộc gia phả (A. 1855, Viện Hán Nôm) là tư liệu sớm nhất mang hai chữ ca trù. Đây cũng là bài thơ cổ nhất hiện biết có hai chữ ca trùlần đầu tiên có mặt trong văn học viết. Bài thơ cho chúng ta biết ca trù đã có trước năm 1500.
Bài thơ cho ta mường tượng ra không khí đại lễ trang nghiêm, hào hùng của lễ hội đầu xuân cầu phúc của làng Đông Ngạc hồi cuối thế kỷ XV. Trong ngày hội lớn của làng Đông Ngạc bấy giờ có 8 giáp, đã cùng nhau thưởng đào ở đình làng. Các cô đào hát những bài thơ ca ngợi thành hoàng làng và cầu phúc cho dân làng.
Trong bài thơ này, chữ “ca trù” xuất hiện hai lần: Thọ bôi kể chục, ca trù điểm trăm; / Mừng nay tiệc ca trù thị yến. Ở câu thơ thứ nhất, chữ ca trù cho thấy đây là lối hát dùng thẻ để thưởng (trù). Ở câu thứ hai cho thấy tiệc ca trù được mở để thờ thần.
Hát thờ ở cửa đình Đông Ngạc cho thấy cái trống chầu đã có vai trò riêng: để khen thưởng điều này nói lên rằng việc thưởng thức ca nhạc đã đạt được đến một chuẩn mực, một trình độ đáng kể. Tiếng hát, tiếng phách của đào nương, tiếng đàn đáy của kép và lời thơ có cái tiêu chuẩn để đánh giá.
Ca trù gắn với ngôi đình làng ở Bắc bộ (TK XVI)
Sự phát triển và phổ biến của ca trù ở thế kỷ XVI được ghi nhận bằng các bức chạm khắc dân gian tại các đình làng, chùa làng. Các bức chạm đình Lỗ Hạnh(huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) và đình Tây Đằng(xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) đều có các bức chạm hoặc tượng hình người cầm đàn đáy. Ở chùa Cói(tên chữ Hán là Thần Tiên tự), xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có bức chạm người phụ nữ gảy đàn đáy (tiếc rằng hiện vật này đã bị cháy cùng với toàn bộ ngôi chùa).
Qua những hình chạm người cầm đàn đáy ở các đình, đền, có thể thấy rằng: đàn đáy đã trở nên phổ biến ở thế kỷ XVI, ở đồng bằng Bắc bộ.
Hoàn bị tổ chức giáo phường ca trù (TK XVII – XVIII)
Điêu khắc dân gian ở đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Tây (TK 17) thể hiện cây đàn đáy
Điêu khắc dân gian ở đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Tây (TK 17) thể hiện cây đàn đáy
Sang thế kỷ XVII và XVIII chúng ta vẫn bắt gặp sự ghi nhận của dân gian đối với cây đàn đáy.
Những ngôi đình có niên đại thế kỷ XVII và XVIII như đình Đại Phùng(xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây), đình Hoàng Xá(xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây), đình Xốm(xã Hùng Lô, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ), đình Ngọc Canh(huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), đình Phù Lão(huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) hiện còn giữ các bức chạm những người đang sử dụng đàn đáy. Đặc biệt ở đình Đại Phùng đặc tả hộc đàn ở mặt sau hộp đàn đáy, còn bức chạm ở đình Xốm miêu tả cả đám nhạc công đang hoà nhạc.
Hai ngôi đền có niên đại thế kỷ XVIII là đền Tam Lang(xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và đền Lê Khôi(huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho các cứ liệu rất cụ thể về đàn đáy, phách và sinh hoạt diễn xương ca trù ở thế kỷ XVIII. Các bức chạm này có nét điêu khắc tinh tế hơn với đặc tả về trang phục và vũ điệu mềm mại của các nghệ sĩ dân gian. Các nghệ sĩ đã mang trang phục của nghi lễ hát thờ, với chiếc mũ trên đầu, hoặc búi tóc gọn ghẽ và khá kiểu cách, và những bộ trang phục của những vũ công chuyên nghiệp. Đây cũng là tư liệu rất quý, làm cơ sở cho việc phục hồi các nghi thức hát thờ tại các đình đền trong dân gian.
Về các nhạc cụ và trình diễn các nhạc cụ, các bức chạm này không những miêu tả một cảnh hoà nhạc vui vẻ, với sự góp mặt của đàn đáy và cỗ phách, của cây sáo, của trống cơm, trống mảnh. Điều này cho biết trong sinh hoạt ca trù tại các cuộc vui mang tính cộng đồng như thế, ngoài đàn đáy và phách, sự góp mặt của các nhạc cụ khác càng làm cho không khí thêm rộn ràng và ca trù trong lúc này không chỉ có ba thứ nhạc cụ là trống chầu, đàn đáy và phách như ca trù về sau.
Thư tịch cổ cũng cho nhiều cứ liệu về ca trù của hai thế kỷ XVII và XVIII. Trong đó văn bia cho nhiều cứ liệu nhất và tin cậy nhất đối với việc tìm hiểu về sự phân bố của sinh hoạt ca trù, hoạt động và cách tổ chức của các giáo phường ca trù để từ đó có thể lý giải về ca trù trong mối liên hệ mật thiết với các sinh hoạt và phong tục làng xã ở nông thôn thời trước.
Theo thống kê, tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm – kho lưu trữ lớn nhất nước về thư tịch cổ - còn có 68 thác bản văn bia có liên quan đến ca trù. Thác bản văn bia cho thấy địa bàn phân bố của ca trù chỉ thấy có ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ.
Về niên đại trừ 2 bia không ghi rõ niên đại, còn lại thì có niên đại như sau: thế kỷ XVII có 15 bia, thế kỷ XVIII có 39 bia, thế kỷ XIX có 12 bia, và thế kỷ XX có 1 bia.
Theo ghi chép của các văn bia thì Ty giáo phườnglà một tổ chức quản lý hoạt động ca xướng tương đương cấp huyện. Giáo phường các xã thuộc về Ty giáo phường của huyện. Ty giáo phường huyện quản lý hoạt động của giáo phường các xã trong huyện. Mỗi huyện thường có một Ty giáo phường. Người đứng đầu Ty giáo phường là một ông trùm, chia việc giữ các cửa đình trong huyện cho các giáo phường. Việc giữ này được truyền từ đời này sang đời khác. Các giáo phường này được phép toàn quyền biểu diễn tại đình làng này, hoặc được phép tuỳ ý mời giáo phường khác đến hát giúp trong một dịp nào đó. Ngược lại, giáo phường cũng phải có một số trách nhiệm đóng góp vào các nghi thức hát xướng tế lễ của làng, theo mức độ quy định giữa làng xã sở tại với giáo phường.
Xã có thể có một hoặc nhiều giáo phường. Mỗi giáo phường là một họ riêng. Văn bia về việc các giáo phường được tập hợp theo “họ”, thể hiện trên 11 bia. Các họ thống kê được trên bia gồm 8 họ: họ Xuân (2 bia), họ Đông (4 bia), họ Thịnh (1 bia), họ Từ (1 bia), họ Hoàng (1 bia),họ Việt (1 bia), họ Kiều (1 bia), họ Khổng (1 bia). Đứng đầu họ là một ông trùm họ. Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trước tên mình. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thịnh thì gọi là Thịnh Thuận. Lối gọi này chỉ dùng trong giáo phường với nhau. Những văn bia này đã cung cấp cho chúng ta một tư liệu quý về sinh hoạt và quan hệ giữa các cá nhân và có thể coi là một nét đẹp trong một giáo phường ca trù thời trước.
Bia Bản huyện giáo phường lập bi, tạo năm Vĩnh Trị 5 (1681), đặt tại đình xã Trung Việt, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang cho thông tin về các giáo phường ca trù xưa còn tôn vinh tri ân người có công truyền nghề.
Giáo phường ca trù còn vượt ra khỏi địa phương để tham gia vào các nghi thức tiếp khách của nhà nước. Văn bia Bản huyện giáo phường lập đoan bi ký, soạn năm Long Đức 3 (1734) ghi việc giáo phường An Thanh, huyện Lập Thạch đã được mời về kinh đô để hát xướng đón sứ bộ các nước. Đây là một thông tin hiếm hoi về chuyện giới thiệu âm nhạc của nước ta với bên ngoài. Thông tin này cho thấy các giáo phường trong dân gian đã được góp phần tham gia vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước. Từ đó cho phép nhận định rằng nghệ thuật ca trù vào thế kỷ XVIII đã là một trong những đại diện của âm nhạc nước ta được đem giới thiệu trong hoạt động đối ngoại ở cấp quốc gia.
Tư liệu văn bia cho biết có 62 bia có nội dung việc mua bán, sang nhượng các quyền lợi cửa đình chứa đựng 64 văn bản giao kèo. Văn bia cho biết các giáo phường trong huyện đã họp nhau để chia nhau việc giữ cửa đình các đình làng trong địa phương mình. Quyền giữ cửa đình mà thực chất là các quyền lợi và trách nhiệm của giáo phường được duy trì đời này qua đời khác. Giáo phường nào được chia giữ cửa đình nào thì có đặc quyền được ca hát ở đình đó trong những ngày tiệc của làng và hưởng quyền lợi, đặc biệt là giáo phường sẽ được hát trong lễ xông đình trong dịp hoàn thành công việc tu tạo sửa chữa đình làng. Tuy nhiên nếu cần tiền để lo việc quan hoặc để chi dùng các việc, giáo phường có thể sang nhượng lại quyền này cho quan viên trong chính làng xã có đình, từ đó làng xã này không phải trả tiền cho giáo phường như quy định trước đó nữa. Số văn bia này có 14 văn bản soạn vào thế kỷ XVII, có 39 văn bản soạn vào thế kỷ XVIII, có 9 văn bản soạn vào thế kỷ XIX và 2 văn bản không ghi rõ niên đại. Căn cứ vào niên đại của các văn khế mua bán quyền giữ cửa đình, chúng ta thấy việc mua bán xảy ra phổ biến nhất là vào thế kỷ XVIII. Và trong số các bia thuộc thế kỷ XVIII thì phần lớn là thuộc về nửa sau của thế kỷ này.
Những tư liệu văn bia về hát cửa đình với lượng thông tin phong phú cho thấy trong suốt thời gian lịch sử dài lâu (ít nhất là từ năm 1672) đông đảo nhân dân đã yêu thích ca trù, coi việc thưởng thức ca trù như một nhu cầu văn hoá, và quan trọng hơn, việc biểu diễn ca trù đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho cả người nghệ sĩ dân gian lẫn các nhà tổ chức.
Dưới thời vua Lê chúa Trịnh cũng có các giai thoại có liên quan đến ca trù, được thư tịch và các nhà nghiên cứu ghi nhận được. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề cho biết sách Ca trù bị khảochép rằng làn điệu Thổng tương truyền do chúa Trịnh Sâm đặt ra nên còn gọi là Thổng cửa quyền. Các tác giả họ Đỗ cũng chép một câu chuyện một ca nữ sống dưới thời chúa Trịnh Cương. Đó là nàng Nguyễn Thị Huệ, người ở thôn Cựu Lâu bên hồ Lục Thuỷ (hồ Hoàn Kiếm ngày nay). Cha của nàng là một nhà nho lỡ vận, sống bằng nghề bốc thuốc, mẹ là một đào hát của giáo phường Cựu Lâu. Năm 21 tuổi, sau một đêm hát ở phủ chúa nàng được nhà chúa vời vào cung, và rất được chúa yêu quý, ban cho danh hiệu Ngọc Kiều phu nhân. Vào một năm kinh thành Thăng Long bị một trận dịch lớn, theo phương thuốc của cha truyền lại, nàng tự bỏ tiền cân thuốc và cứu được rất nhiều người. Về già nàng xuống tóc đi tu ngay trong chùa làng Cựu Lâu, sống cuộc sống yên tĩnh như vậy cho đến khi qua đời, thọ 71 tuổi. Dân trong vùng xây một ngôi đền thờ nàng ở phố Hàng Trống, trên mảnh đất có ngôi nhà mà chúa Trịnh Cương xây tặng mẹ nàng khi bà còn sống. Nay đền ở số 82 phố Hàng Trống. Vì tên bà là Huệ nên để tỏ lòng thành kính trước người ca nữ tài danh, nhân hậu và hào hiệp, những người đến lễ đền Hàng Trống không dâng cúng bằng hoa huệ.
Lan Trì Vũ Trinh trong tác phẩm Lan Trì kiến văn lụcđược lưu truyền rộng rãi có kể câu chuyện về người ca nhi họ Nguyễn, quê ở huyện Chương Đức kiếm sống bằng nghề đàn hát ở Thăng Long có công giúp tiền của để chàng thư sinh nghèo Vũ Khâm Lân đỗ Tiến sĩ. Chuyện: Vũ Khâm Lân, quê xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay là huyện Tứ Lộc, Hải Dương), vì dì ghẻ độc ác hà hiếp nên phải bỏ nhà lang thang xin ăn độ nhật. Khi đến làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm xin ăn ở trường ông Hương cống thì được thương và chu cấp cho ăn học. Trong đêm hội làng Dịch Vọng, chàng lọt vào mắt xanh của nàng ca nhi họ Nguyễn, được nàng giúp ăn học và đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Bảo Thái thứ 8 (1727).
Sự hoàn thiện của thể cách hát nói (TK XIX)
Thác bản văn bia “Bản huyện giáo phường lập đoan bi ký” (1734) của giáo phường An Thanh, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Thác bản văn bia “Bản huyện giáo phường lập đoan bi ký” (1734) của giáo phường An Thanh, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Sự hoàn thiện bao gồm cả về mặt âm nhạc, văn chương và thưởng ngoạn.
Sự ra đời và phát triển của thể hát nói cả với tư cách là một thể loại văn học, cả với tư cách là một thể ca trù đã hoàn thiện, đánh dấu bước phát triển cao của ca trù. Hát nói là một thể thơ ca dân tộc được sinh ra từ nhu cầu của bộ môn nghệ thuật ca trù và trở nên một thể thơ độc đáo trong nền văn học Việt Nam nói chung, văn học chữ Nôm nói riêng. Cùng với lục bát, song thất lục bát, hát nói là một sáng tạo về mặt thể loại của văn học chữ Nôm Việt Nam . Hai tác giả có công hoàn thiện thể hát nói là Nguyễn Bá Xuyến và Nguyễn Công Trứ, mặc dù Nguyễn Bá Xuyến chỉ gọi các bài hát nói của mình là “bài ca Nôm”.
Nhìn chung, những đặc trưng mà hát nói có được chính là vì nó là một thể thơ phục vụ cho âm nhạc và để diễn tả tâm trạng phức tạp của trí thức bình dân trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố. Thành tựu của hát nói là đã góp phần làm cho sáng rõ hình ảnh của loại nhà nho tài tử trong văn chương Việt Nam với các đại biểu lớn như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Vinh, Nguyễn Khuyến, Dương Lâm, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà...
Tượng thờ các vị tổ ca trù tại đền thờ của giáo phường Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Tây
Tượng thờ các vị tổ ca trù tại đền thờ của giáo phường Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Tây
Ca trù ở ca quán với nhạc khí được tinh giản chỉ gồm phách, đàn đáy và chiếc trống chầu nhỏ xinh. Thơ nương vào nhạc, và nhạc là để phục vụ cho thơ. Người nghe nhằm đến việc thưởng thức thơlà chính. Cảm xúc cộng đồng nhường chỗ cho cảm xúc cá nhân.
Sự tàn lụi của sinh hoạt ca trù và những phục hồi ban đầu trong thế kỷ XX
Trong nông thôn Việt Nam , các giáo phường vẫn duy trì nền nếp truyền từ đời này sang đời khác. Giáo phường vẫn phục vụ việc hát thờ ở các đình làng mỗi khi vào hội và hát chơi ở các nhà dân khi có khoa cử. Nhưng cũng lúc này, một số giáo phường ở nông thôn đã di chuyển ra tỉnh và dọc các trục đường giao thông để mở nhà hát. Ở miền Trung thì Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, tỉnh nào cũng có nhà hát cô đầu. Ở miền Bắc những thành phố lớn đều có nhà hát, ở Nam Định trước cô đầu mở nhà hát ở phố Hàng Thao, sau tiên xuống Ngã Sáu. Báo Trung Bắc chủ nhậtsố 129, năm 1942 cho biết, năm 1938, ngoại ô Hà Nội có 216 nhà hát và gần 2000 cô đầu tập trung trước thì ở Hàng Giấy, ấp Thái Hà, sau đến Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Vạn Thái, Chùa Mới, Cầu Giấy, Kim Mã, Văn Điển, Gia Quất.
Nhà hát ở xóm Khâm Thiên và Ngã Tư Sở là những địa chỉ nổi tiếng vì sự gắn bó với các nhà văn nhà thơ có tên tuổi như: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Hoài Điệp Thứ Lang, Vũ Hoàng Chương. Nhà văn Vũ Bằng gọi xóm Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”.
Phải nói rằng văn hoá ả đào, văn hoá ca trù đã thấm đẫm trong sáng tạo của thi sĩ, văn sĩ trước 1945. Cũng tại Khâm Thiên, Nguyễn Tuân sống và tích luỹ vốn liếng cho các tác phẩm về ca trù như Đới roi, Chùa Đàn. Trần Huyền Trân đã sống ở ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên. Chàng thi sĩ tài hoa này đã tặng danh ca Quách Thị Hồ những dòng thơ chứa chan niềm ưu tư: Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca / Mênh mông trời đất vẫn không nhà / Người ơi mưa đấy? Hay sênh phách / Tayyểu gieo lòng xuống chiếu hoa. ... Thôi khóc chi ai kiếp đoạ đầy / Tỳ bà tâm sự rót nhau say / Thơ ta gửi tặng người ngâm nhé / Cho vút giọng sầu tan bóng mây. Năm ấy Quách Thị Hồ tròn 30 tuổi.
Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Nguyễn Bính cũng có nhiều bài thơ gửi gắm tâm hồn đồng điệu với các đào nương đem tài sắc tuổi thanh xuân dâng tặng tri âm. Với Thế Lữ là “Bên sông đưa khách”, với Vũ Hoàng Chương là “Nghe hát” nắn nót câu chữ như ai nắn phím tơ.
Cùng với sinh hoạt hát ả đào ở ca quán đô thị, tại các nhà giam đế quốc, các tù chính trị là các nhà chí sĩ yêu nước, những chiến sĩ cộng sản kiên cường đã vui hát ả đào đằng sau song sắt của nhà tù thực dân để rồi vượt ra khỏi không gian chật hẹp đó, kêu gọi tập hợp quần chúng đi theo cách mạng và vững tin vào ngày thắng lợi.
Hát ả đào, ký hoạ của Nguyễn Gia Trí, 1943
Hát ả đào, ký hoạ của Nguyễn Gia Trí, 1943
Tại Huế, vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ cung đình để chúc thọ hoàng đế. Hồ sơ lưu trữ còn lưu giữ được các hình ảnh của đào kép của các tỉnh Nam Định,Thanh Hoá vào kinh đô Huế chúc thọ dưới thời vua Khải Định. Các thi sĩ thuộc hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Giã Thị cũng rất chuộng hát ả đào và đã sáng tác nhiều bài theo thể thơ hát nói.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với một số tàn dư xấu của chế độ cũ, thú vui sinh hoạt cô đầu, hay thú chơi ả đào, vốn đã có tiếng rất xấu từ đầu thế kỷ, cũng đã bị quét đi, không thương tiếc. Các ca nữ đều tìm một nghề khác kiếm sống, giấu biệt cái nghề ca hát của mình đi. Có đào nương phải kiếm một gánh nước chè độ nhật cho đến tận lúc cuối đời.
Năm 1976, GS Trần Văn Khê, từ Pháp trở về. Ông đã đến Khâm Thiên để gặp bà Quách Thị Hồ. Tại đây, ông đã ghi âm tiếng hát của bà để đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc so sánh đã trao bằng danh dự cho bà vì công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị văn hoá nghệ thuật cao. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam trở nên vang lừng trong bốn biển. Năm 1998, tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng cao nhất. Sau đó, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cho đến nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngành ca trù.
Năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội ra đời và hoạt động liên tục từ đó đến nay, được nhiều người biết tới.
Trong 100 năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu giới thiệu về ca trù. Trong các thập kỷ 20, 30, 40 của thế kỷ XX đã có nhiều tập sách, bài báo của các tác giả Phan Văn Duyệt, Nguyễn Mạnh Hồng, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Đôn Phục, Sở Bảo… viết về ca trù.
NSND Quách Thị Hồ và nhà thơ Ngô Linh Ngọc
NSND Quách Thị Hồ và nhà thơ Ngô Linh Ngọc
Phải kể đến Việt Nam ca trù biên khảocủa Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề in năm 1962 tại Sài Gòn. Bên cạnh tuyển tập gần 230 bài thơ ca trù, sách nàycòn dành một số lượng trang viết lớn cho việc biên khảo: lược sử ca trù, những danh từ chuyên môn trong nghề ca trù, giáo phường, những lối ca trù, nhạc khí… Năm 1980, Sở VHTT Hà Nội tổ chức biênsoạn tập sách Hát cửa đình Lỗ Khê, giới thiệu về một làng quê có truyền thống ca trù của thủ đô. Năm 1987, có cuốn sách Tuyển tập thơ ca trùcủa các tác giả Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú, ngoài việc tuyển chọn các bài thơ ca trù, còn giới thiệu về nghệ thuật ca trù.
Đã có một số bài viết được đăng tải trên các tạp chí sách báo khoa học như Văn học, Hán Nôm, Văn hoá nghệ thuật, Âm nhạc… của tác tác giả Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Hữu Mùi, Dương Đình Minh Sơn, Duệ Anh - Bạch Vân, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Thụy Loan, Tú Ngọc…
Tóm lại, ca trù là một di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam . Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ) với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
Ca trù sinh ra trong cái nôi của văn hoá dân gian, lớn lên trong nguồn mạch bất tận ấy và mang trong mình diện mạo của bản sắc văn hoá Việt Nam . Ca trù trở thành một bộ môn nghệ thuật bác học vào bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam .
Từ ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm cùng các tên tuổi tiêu biểu như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Tự Nhu, Nguyễn Hàm Ninh, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Bùi Kỷ, Tản Đà…
Có thể nói ca trù là một món hương hoả của tổ tiên để lại, và là nơi ký thác của tâm hồn Việt Nam, một sự hiện hữu của bản sắc văn hoá Việt Nam . Ca trù thật xứng đáng với lời đánh giá của ông Viện trưởng Viện Âm nhạc Pháp: “Ca trù là một đỉnh cao của âm nhạc nhân loại”.
Không Thấy tên tác giả
Nguồn Internet
💚