Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Gs Trần Anh Tuấn: Về bộ thông sử A Story of Viet Namcủa giáo sư Trương Bửu Lâm
Trần Anh Tuấn * đăng lúc 06:46:36 PM, Aug 22, 2017 * Số lần xem: 1400

Gs Trần Anh Tuấn: Về bộ thông sử A Story of Viet Namcủa giáo sư Trương Bửu Lâm


image016

TRẦN ANH TUẤN


Trương Bửu Lâm là giáo sư Sử Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong hai thập niên 1950-60. Năm 1964, ông được học bổng sang Mỹ và ở luôn không về Việt Nam nữa. Sau một vài năm được huấn luyện qua chương trình Fulbright, ông dạy Sử Đông Nam Á tại đại học UNY Stony Brook, New York. Đến năm 1971, ông sang Hawaii dạy tại đại học UH Manoa cho đến khi về hưu.


Sử phẩm của giáo sư Trương Bửu Lâm bao gồm Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention xuất bản năm 1968, New Lamps for Old năm 1982, Resistance, Rebellion, Revolution năm 1984, Colonialism Experienced năm 2000 và quyển A Story of Vietnam năm 2010 (Honolulu, Editions Thanh Cao, 368 t.)


Ngoại trừ quyển cuối cùng xuất bản năm 2010, những sử phẩm trên đây đều nhằm cung cấp học liệu cho sinh viên đại học Mỹ. Chúng xuất phát từ những giảng khoá của tác giả qua nhiều niên học, đồng thời đáp ứng điều kiện nghiên cứu trong ngạch giáo sư đại học tại Hoa Kỳ.


Về kỹ thuật, đây là những sử phẩm hoàn thành trong khuôn khổ của một hệ thống đại học tân tiến, thể hiện qua phương pháp nghiên cứu khoa học và nội dung nghiêm túc. Riêng về nội dung, đề tài nghiên cứu nhắm vào đối tượng Mỹ nên chúng không mới mẻ gì với độc giả gười Việt, ngoài một số sinh viên Mỹ gốc Việt.


Thí dụ như Colonialism Experienced: Vietnamese Writings on Colonialism, 1900-1931 (Ann Arbor, University of Michigan Press, 2000, 328 tr.) chỉ là một tập tài liệu. Tác giả đã chọn 20 bản văn trong lịch sử cận đại Việt Nam để dịch sang Anh văn cho sinh viên và độc giả ngoại quốc hiểu, cũng có nghĩa là loại sách mà giới nghiên cứu người Việt không cần, vì ai cũng có thể đọc được nguyên tác với ngôn ngữ gốc, lược bỏ đi một trung gian tức là bản dịch, cũng đồng thời là một chướng ngại dẫn đến ít nhiều sai lầm về  ý nghĩa của các bản văn.


Nói thêm một vài chi tiết. Tác giả công phu chọn lựa 20 tài liệu thuộc nhiều thể loại trong ba thập niên 1900-1931: tài liệu tuyên truyền, thư ngỏ gửi nhà cầm quyền, tuyên ngôn của các đảng phái, tin tức trên nhật báo, và văn thơ. Các tài liệu này được viết bằng ba ngôn ngữ khác nhau, là Việt, Hán, và Pháp. Trước mỗi bản dịch sang tiếng Anh, tác giả có lời giới thiệu và phân tích làm rõ hoàn cảnh lịch sử đương thời khi tài liệu xuất hiện. Sự đóng góp của tác gỉa là truy tìm tài liệu trong nguyên dạng không bị cắt xén, rồi dịch qua thứ ngôn ngữ thông dụng là Anh văn để sinh viên của ông và độc giả hiểu, dù không đọc được chữ Hán, Pháp, hay Việt trong nguyên tác.


Tôi chỉ có thắc mắc về một chi tiết ông viết ngay trang đầu tiên của sách, nguyên văn thế này: “I would like to express my deep appreciation to Vo-Le Thanh Diep, who has provided me with many insightful interpretations of certain aspects of Vietnamese culture and particularly of Vietnamese literature.”


Sao đến nỗi này? Tôi tưởng giáo sư Trương Bửu Lâm phải là người dạy thiên hạ về văn hoá và văn học Việt Nam chứ? Sao nay lại phải có một người nào đó giúp, giáo sư mới hiểu một số khía cạnh của hai ngành này?


Sử phẩm mới nhất của Giáo sư Trương Bửu Lâm được phát hành trên hệ thống Amazon.com, một hệ thống bán sách thông dụng trên Internet của Hoa Kỳ. Đó là một quyển thông sử chỉ dầy 368 trang, trình bầy toàn bộ lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên cho đến năm 2008. Và đây là sử phẩm mà tôi muốn lên tiếng chất chính.


A Story of Viet Nam, tựa đề của sách, là một tác phẩm đơn giản dễ đọc. Dưới ngòi bút của một chuyên gia, sách dẫn độc giả suốt dòng lịch sử mấy ngàn năm trong 350 trang giấy mỏng.


Nhưng dưới tiêu đề “Story,” tức “Chuyện kể,» tác gỉa khái quát 4,000 năm sử Việt trong 170 trang đầu, mà dành hơn nửa quyển sách, tức 176 trang sau (từ trang 171 đến trang 346) cho câu chuyện vinh danh Đảng Cộng Sản Việt Nam.


Nhân đây, tôi muốn nói về hai cách nhìn khác nhau về Sử. Một, là cách nhìn của thế giới Cộng Sản và hai, là cách nhìn của những ai sống trong Thế Giới Tự Do. Chúng ta hiểu hay định nghĩa Sử là những sự kiện xảy ra trong quá khứ. Còn người Cộng Sản thì hiểu và định nghĩa Sử là thông tin tuyên truyền.


Trần Huy Liệu, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền kiêm nhiệm vai trò Viện Trưởng Viện Sử Học đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau Hiệp Định Genève là vì thế.


Là thông tin tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị, nên “Sử” của người Cộng Sản là những sự kiện có cũng được (sự kiện quá khứ) mà không có thì bịa đặt ra (như vụ Lê Văn Tám mà chính giáo sư Sử Học Phan Huy Lê của Đại Học Hà Nội tiết lộ là do Trần Huy Liệu bịa đặt.) Tôi từng nghe rất nhiều những tiếng than phiền trong cộng đồng người Việt hải ngoại về những “sử phẩm” của Hà Nội. Đó là vì nhiều người trong chúng ta cứ “bắt” các "sử gia Hà Nội" phải nghĩ và viết Sử như chúng ta!


image018

(Tủ sách TAT)


Nói chung, các sự kiện trong A Story of Viet Nam được trình bầy một chiều sao cho có lợi cho chế độ Cộng Sản.


Chẳng hạn như Tuần Lễ Vàng mà chính phủ Hồ Chí Minh phát động năm 1945, theo tác giả là cốt để trả lương cho cán bộ chính quyền và mua võ khí thành lập quân đội (trang 211). Thế là tác giả chưa biết việc thu vàng để đút lót cho quân “Tầu Tưởng” (chữ dùng của Hà Nội) sao?


Chẳng hạn như sự kiện Võ Nguyên Giáp tiêu diệt các đảng phái quốc gia trong vụ Ôn Như Hầu năm 1946 thì tác giả viết một cách mông lung là “Lời đồn cho biết Võ Nguyên Giáp đã  lợi dụng sự vắng mặt của Hồ Chí Minh để tiêu diệt phần lớn đối lập với Việt Minh,” nguyên văn nơi trang 220: Rumors go around that Vo Nguyen Giap had profited the absence of Ho Chi Minh to liquidate most of the opponents to the Viet Minh.” 


“Lời đồn” thì có thật mà cũng không có thật, là một cách sử dụng ngôn từ có chủ đích riêng! Và “lợi dụng sự vắng mặt của Hồ Chí Minh” lại là một các diễn tả khéo léo khác, hàm ý Hồ Chí Minh không biết tức là không có trách nhiệm gì trong việc sát hại các đảng phái quốc gia tại Hà Nội năm 1945.


Trong sự kiện bắt giết các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng phái quốc gia khác, các lãnh tụ Cộng Sản rất mưu lược. Theo tôi suy đoán, việc tiêu diệt các đảng phái quốc gia là sách lược để độc chiếm chính quyền thì các lãnh tụ Cộng Sản đã sắp xếp từ trước và đem thi hành khi Hồ Chí Minh không có mặt. Họ khôn khéo đến độ chính Võ Nguyên Giáp cũng không phải trách nhiệm, vì người ký lệnh bắt là Huỳnh Thúc Kháng cơ mà?! 


Xung động tình cảm của một người -không hiểu vì lý do gì?- đã làm tác giả kết luận về chế độ Ngô Đình Diệm thế này, nguyên văn nơi trang 254: “If one could evaluate the Ngô Đình Diệm’s regime with a short sentence, it would be: “It is a pity!” Thật đúng với khẩu khí của Hà Nội trong thời chiến: “bọn Mỹ Ngụy!”


Trong khi Hà Nội không còn giọng điệu thông tin tuyên truyền như thế này nữa, thì tác gỉa Trương Bửu Lâm năm 2010 vẫn còn hăng hái mạt sát chế độ Ngô Đình Diệm, chế độ đã ưu đãi ông từ khi ông còn là một bạch diện thư sinh, cũng lạ!


Nhận định rằng dân di cư từ miền Bắc vào miền Nam hồi năm 1954 sau Hiệp Định Genève đa số là người Công Giáo, nguyên văn nơi trang 255: “...the refugees from the North who, in majority, were catholics...” chứng tỏ tác giả đã không thường xuyên theo dõi thư tịch để biết trước khi ông xuất bản sách này ba năm, năm 2007, Giáo Sư Đặng Phương Nghi –nguyên Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện VNCH- đã có bài viết trong chuyên san Dòng Sử Việt tựa đề “Về số người Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp Định Genève” (California, Xuân Đinh Hợi, số 2, tháng 1-3, 2007, tr. 74-78) chứng minh rằng số dân Công Giáo chỉ vào khoảng 25-50% tổng số dân di cư vào Nam mà thôi.


Trang 256 thì tác giả phê phán Luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật, rất phù hợp với ngôn từ của chính quyền Hà Nội, là Ngô Đình Diệm “lê máy chém khắp miền Nam.”


Trang 266 là giọng khinh bạc của tác giả viết về sự kiện TT Ngô Đình Diệm viếng thăm Hoa Kỳ và được TT Eisenhour tiếp đón theo nghi thức quốc trưởng: “On May 8, 1957, the U.S. President invited him (tức Ngô Đình Diệm) to visit the United States and treated him on the same footing as any Chief of a sovereign state.”


Tổng Thống nước Hoa Kỳ không tiếp đón Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hòa như một quốc khách hay sao mà phải viết treated him on the same footing as any Chief of a sovereign state?! Thế thì hình ảnh Chủ Tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013 cúi rạp mình trước hàng quân Trung Cộng, bên cạnh Chủ Tịch nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc đứng thẳng lưng thì sao? Ai đã giữ được quốc thể cho dân tộc Việt?


image019image019

Hình ảnh Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đĩnh đạc đọc diễn văn trước Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ dưới sự chủ tọa của Phó Tổng Thống Richard Nixon  và Chủ Tịch Hạ Viện Sam Rayburn ngày 9 tháng 5 năm 1957. (Tài liệu riêng TAT)


Trang 258 tác giả viết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là mặt trận kết hợp đại biểu của nhiều tổ chức tại miền Nam, có đại diện của tất cả các tôn giáo Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, sắc tộc... Thật thế sao, hay Giáo sư Trương Bửu Lâm lại viết chuyện đùa –A Story- cho vui?!


Chuyện người Mỹ đồng ý chủ trương Bắc Tiến với tướng Nguyễn Khánh nơi trang 264 là một điều sai lầm. Đọc tiếp những dòng chữ của tác giả, tôi mới biết tác giả của A Story of Viet Nam đã lầm lẫn chủ trương Bắc Tiến với sự kiện Biệt Kích nhẩy Bắc của Lực Lượng Đặc Biệt trong QLVNCH! Thật đáng tiếc cho hiện tượng “râu ông nọ cắm cầm bà kia” trong một sử phẩm!


Tết Mậu Thân trong A Story of Viet Nam là một sự bóp méo lịch sử. Chủ trương của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện cuộc “Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa” năm 1968 là nhằm giành chính quyền miền Nam, chứ có phải đánh rồi rút đâu. Điều đơn giản là rút đi đâu, một khi đã tiến sâu vào tận thủ đô Sài Gòn? Và nhất là đã đem tiền và tem bưu chính vào để nắm chính quyền mà đánh rồi rút, là rút thế nào?


Ngày 9.2.1999, chính Võ Nguyên Giáp đã phát biểu tại Hà Nội trong dịp tổng kết chiến tranh là, nguyên văn được tác gỉa Huy Đức ghi lại trong sách Bên Thắng Cuộc II. Quyền Bính, trang 161: “Lúc đầu mục tiêu đề ra rất cao, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bi...”


Vì thế, khi tác gỉa viết, “như đã dự tính, những người tấn công (tức Việt Cộng, TAT chú thích) đã không hề có ý chiếm giữ mục tiêu lâu dài..., nguyên văn là: “As expected, the attackers had no intention of occupying their target for any length of time...”  chẳng qua là cách bào chữa cho sự thất trận cũng là sự thất bại của cuộc Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa do Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội xướng xuất năm 1968!


image021image023

Đây là những mẫu tiền MTDTGPMNVN mà Hà Nội cho in năm 1967 và đưa vào Nam năm 1968 để sử dụng khi chiếm được chính quyền. Tiền có tám (8) mệnh giá 10xu, 20xu, 50xu, 1đ, 2đ, 5đ, 10đ, và 50đ. Theo Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc II. Quyền Bính, trang 161, thì Bắc Việt đã đem và tổng cộng 14,000 (sic!) hòm tiền loại này, mật danh là “Hàng 65.” Vì thế, viết “As expected, the attackers had no intention of occupying their target for any length of time...” là viết lấy được, trái với sự thật lịch sử! (Bộ sưu tập TAT)


Ngoài tiền, Hà Nội còn in cả tem với ba mệnh giá 20xu, 20xu, và 30xu đem vào miền Nam để sửa soạn nắm chính quyền. (Bộ sưu tập TAT)


Trong đời sống văn hoá của miền Bắc, việc tác giả dịch và cho in bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần là thoáng nét thơ mộng của một trí thức miền Nam, một điều hiếm thấy trong sách.  Nhưng chữ “Anh” trong bài thơ là tiếng âu yếm của người vợ Việt Nam gọi chồng, sao tác giả lại dịch là “brother” nơi trang 301 được?


Chồng mà là “brother” thì loạn luân mất rồi! Trước giáo sư Trương Bửu Lâm đúng 12 năm thì tác giả của Counterpart: A South Vietnamese Naval Officer’s War (Annapolis, Naval Institute Press, 1998, 235 tr.) là Đỗ Kiểm cũng đã dịch tiếng gọi yêu thương “anh em” giữa vợ chồng với nhau là “big brother” và “little sister” (trang 139, sđd). Nhưng Đỗ Kiểm là một sĩ quan hải quân, thạo đi biển hơn là cầm bút, nên sự sai trái còn hiểu được, chứ một giáo sư đại học mà cũng phạm lỗi thông thường này thì thật khó hiểu.


Ngoài ra, nhận định của tác giả về đời sống văn hoá miền Bắc rất gượng ép. Ông viết “nhiều nhà văn hay nghệ sĩ (miền Bắc) chứng tỏ sự trung thành của họ với những chính sách văn hoá của Đảng và tiếp tục sáng tạo những tác phẩm quí gía,” nguyên văn nơi trang 301: “Many writers or artists professed their loyalty to the cultural policies of the Party and continued to create valuable works.” Xin hỏi những tác phẩm nào là quí giá của giới viết văn, làm thơ, hay vẽ tranh miền Bắc những năm 1950 hay 60?


Nhận định của tác giả, thật ra, là bất nhất và mâu thuẫn, vì ở một trang sau đó, ông lại viết là Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân tiếp tục in (sách) nhưng phẩm chất không bằng những sách họ xuất bản trước kia,” nguyên văn nơi trang 303: “... Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân continued to publish, but could never reach the quality of the works they had produced previously.”


Trang 296 thì con số nhân mạng trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1953-56 đã bị tác giả rút xuống chỉ còn “hàng ngàn người chết,” nguyên văn: The campaign (Cải Cách Ruộng Đất) was rife with mistakes and claimed the lives of thousands of victims.”  Theo Nguyễn Minh Cần, một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phản tỉnh, thì số nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc trong các năm 1953-56 là 172,000 người!


Còn sự kiện Cộng Sản chiếm giữ Huế hàng tháng và tàn sát dân Huế không hề thấy tác gỉa trình bầy. Che dấu tội ác cũng chính là tội ác vậy!


Bắt đầu từ trang 310 là chúng ta đi vào chương cuối cùng của sách, tựa đề “Nothing is more precious than Independence and Unity,” tức là lấy hẳn một câu nói của Hồ Chí Minh.


Chương này tôi càng thấy nhiều chuyện cần bàn. 


Tác giả trình bầy là những tháng đầu sau khi chiếm cứ toàn thể lãnh thổ miền Nam, PRG, tức Provisional Revolutionary Government of South Vietnam, tức Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, lúng túng chưa biết áp dụng chính sách gì cho miền Nam.


Vậy là tác gỉa coi PRG là một thực thể, mà không biết rằng PRG chỉ là một hình thức mà Cộng Sản Bắc Việt, cụ thể là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã dựng lên để đánh lừa dư luận thế giới và những người Việt ngây thơ nên ngớ ngẩn. Tác giả hẳn phải  biết việc xua năm (5) quân đoàn theo năm (5) hướng vào đánh chiếm miền Nam là hoàn toàn do Bộ Chính Trị Hà Nội quyết định và điều khiển hồi đầu năm 1975.


Những sự kiện lịch sử này người Cộng Sản đâu có dấu diếm sau năm 1975?! Nếu tác giả đọc sách xuất bản tại Hà Nội, từ các cơ quan nghiên cứu, đến các cấp chính quyền, cùng giới lãnh đạo chính trị và quân sự của chế độ Cộng Hoà̉ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hẳn tác giả phải biết từng chi tiết việc đánh chiếm miền Nam thế nào, chi li đến cả chuyện tổ chức cho cán bộ và những nhóm người Việt thân Cộng tại Pháp và Hoa Kỳ dò xét khả năng Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau Hiệp Định Patris 1973 ra sao (sau khi được nhóm này dò la và thông báo cụ thể, Phạm Văn Đồng đã có thể tuyên bố trong một buổi họp của Bộ Chính Trị tại Hà Nội, nguyên văn như sau: Cho ăn kẹo Mỹ cũng không trở lại Việt Nam!) Chiến Dịch Hồ Chí Minh cuối cùng chiếm Sài Gòn khởi sự ngày giờ nào, chính sách đối phó với tù hàng binh ra sao, chiếm cứ và củng cố chính quyền thế nào... nhất nhất đều đã được Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội quyết định và điều khiển từ trước.


Làm gì có chuyện các cán bộ “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” lúng túng không có chính sách cai trị miền Nam sau ngày 30.4.1975 nơi trang 310-311?!


Tiếp theo là tác gỉa đã căn cứ vào tài liệu tuyên truyền của chính quyền Cộng Sản tại Sài Gòn đã đổi tên để viết chính quyền mới sau 1975 đã chú tâm làm sạch xã hội (như tập trung gái mãi dâm, đốt bỏ các bàn đèn thuốc phiện, các loại thuốc xì ke ma túy, tịch thu các loại sách báo phản động, vân vân.)


Thế là tác gỉa thật sự không biết chuyện hàng đàn hàng lũ viên chức phường khóm dẫn thanh niên nam nữ xăm xăm vào các tư gia tại Sài Gòn và các tỉnh, “đóng chốt,” -tức ăn ngủ tại nhà người ta nhiều ngày- để lục lọi hầu tịch thu vàng bạc quý kim sau ngày 30.4.1975 sao?! Cán bộ Cộng Sản vào nhà dân, đến cái soong cái nồi cái gầu múc nước giếng cũng kiểm kê lập biên bản giải quyết (nguyên văn).


image025image026image027

Biên bản kiểm kê nhà cửa và tài sản của chính quyền Cộng Sản tại Nha Trang ngày 18.4.1978 ghi rõ 1 lò ga Sanyo, 3 gầu thiếc (múc nước giếng), 2 thau nhôm, 3 soong nhỏ, 1 soong lớn không nắp, 1 ấm nhỏ, 1 ấm lớn, và 180đ tiền mới. Biên bản có chữ ký của Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng phường Xương Huân, thị xã Nha Trang, của những người đóng chốt kiểm kệ, và của khổ chủ. (Tài liệu riêng TAT)


Vàng bạc châu báu thì vào túi ai không biết, còn sách báo thì đốt hết, bất kể loại gì xuất bản tại miền Nam, lập lại trong thế kỷ XX tại nước ta chuyện đốt sách hai ngàn năm trước ở Tầu dưới thời Tần Thủy Hoàng (221-210 BC).


Chính sách ấy mọi rợ hay văn minh trong thế kỷ XX?


Tác gỉa có biết Khảo Cổ Tập San cũng bị tịch thu và thiêu đốt trong dịp này không? Khảo Cổ Tập San, chuyên san do Viện Khảo Cổ VNCH ở Sài Gòn ấn hành trong thập niên 1960, do Trương Bửu Lâm làm Chủ Nhiệm và Chủ Bút, phản động chỗ nào? Nó là loại sách phạm thuần phong mỹ tục từ bao giờ, mà Thông Tri số 218/CT.75 của Bộ Thông Tin Văn Hoá do Bộ Trưởng Lưu Hữu Phước ký ngày 20.8.1975 cấm dân chúng lưu giữ?


Chương cuối cùng này có nhiều sai lầm từ đầu là thế. Nhưng chưa hết, độc giả đọc tiếp sẽ thấy người viết sử dụng danh nghĩa chuyện kể -Story- để liên tục tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản ở Việt Nam ngày nay.


Về thảm trạng thuyền nhân nơi trang 313, tác gỉa không hề đề cập đến nguyên do của thảm trạng, không hề nói đến việc chính quyền Cộng Sản thu vàng rồi cho người dân lên tầu vượt biên, không mảy may đề cập đến nạn hải tặc Thái Lan cướp của giết người hãm hiếp phụ nữ bất kể già trẻ. Ngược lại, tác gỉa giải thích chuyện vượt biên đơn thuần là sự mâu thuẫn giữa hai nước Cộng Sản Việt và Tầu.


 Đặc biệt, tác giả đã tự cho phép mình dông dài trong một bộ thông sử Việt Nam chuyện ông về sống ở Việt Nam trong hai năm 1991-1993.


Đó là dịp tác giả khái quát xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Ông lướt qua những thay đổi để viết về những tiến bộ của chế độ. Khi thì ông nhận định Việt Nam bây giờ không còn là một nhà nước công an nữa, nguyên văn nơi trang 326: “Vietnam no longer looked like a police state.” Đi đến chỗ cực độ, ông viết nay Công An sợ dân chứ không phải là dân sợ Công An, nguyên văn nơi trang 327: “I often heard people say that now the police is afraid of the people and not the other way round.” Ông còn nhận định đảng viên Đảng Cộng Sản bây giờ đều dấu diếm đảng tịch, nguyên văn cũng nơi trang 326: “Nowadays, people tried to hide the fact that they belong to the Party.”


Trong trang 327, tác giả hồn nhiên viết rằng tuy chưa có tự do báo chí ở Việt Nam ngày nay, nhưng nhiều nhật báo đã trực tiếp tấn công Chính Phủ hay Đảng và tự do viết về nạn tham nhũng của cán bộ chính quyền cùng những chính sách sai trái của các cơ quan chính phủ.


Cũng nơi trang 327 này, tác gỉa viết Quốc Hội bây giờ có nhiều quyền thế hơn những quốc hội trước đây. Và Hiến Pháp ban hành năm 1990 đã quy định Tư Pháp độc lập thật sự với Hành Pháp, chữ của tác giả là “genuine independence!”


Đặc biệt, tác gỉa đã sử dụng ngôn từ uốn éo “did not look very dissimilar...,” (không có vẻ không khác lắm...) để ca tụng Việt Nam ngày nay về sự đổi mới trong kinh tế và những biện pháp tự do trong chính trị mà ông ví không khác các quốc gia Thái Lan, Nam Dương, Tân Gia Ba, Đài Loan, hay Đại Hàn về trình độ tiến bộ. Thập niên 1990 thì làm sao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam so sánh với các nước Thái Lan, hay Nam Dương, hay Tân Gia Ba, hay Đài Loan, hay Đại Hàn được? Cho đến thập niên 2010, tổ chức xã hội Việt Nam còn chưa chắc đã bằng tổ chức xã hội nước láng giềng Cam Bốt mà!


Tác giả dùng trang 328 để tiếp tục ca tụng những thành quả của CHXHCNVN: Năm 1991, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, vốn đầu tư Đại Hàn bắt đầu đổ vào cũng năm 1991, Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA ASIAN nhận Việt Nam làm thành viên quan sát năm 1993 và thành viên chính thức năm 1995, Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận và tư bản Mỹ ồ ạt đầu tư năm 1994, Hoa Kỳ bình thuờng hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, tỷ số tăng trưởng hàng năm lên hai con số (tức là trên 10%).


Vân vân và vân vân.


Thật đáng tiếc là khi viết A Story of Viet Nam, giáo sư Trương Bửu Lâm của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn được kính nể về chuyên môn ngày nào đã từ bỏ vai trò cao quí của một người thầy, hơn thế nữa, một sử gia, để đóng vai trò của một cán bộ tuyên truyền cho chế độ độc tài độc đảng đang tại vị.


Để giải thích thiên hướng nghiên cứu kỳ lạ của một giáo sư đại học Mỹ gốc Việt, tôi nghĩ tác giả đã bị ảnh hưởng xấu của hoàn cảnh.


Tác gỉa sống ở Mỹ trong suốt thời gian 1964-1975 nên chịu ảnh hưởng của phong trào phản chiến đã phải uốn mình theo bọn trí thức phản chiến trong môi trường đại học Mỹ để tồn tại. Thêm vào đó, tác giả chịu ảnh hưởng của thân tộc vốn có những người thân Cộng (như một người bà con là Lý Chánh Trung chẳng hạn, từng viết sách xuất bản giữa Sài Gòn về những ngày ông ta sống và dạy học dưới chính thể VNCH là Những Ngày Buồn Nôn, nxb Đối Diện, 1971, 317 trang, trong khi chính quyền VNCH tiếp tục đãi ngộ cho họ Lý dạy Ban Nhân Văn tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn tận đến ngày 30.4.1975!) cùng những thân nhân khác -còn gần gũi hơn nữa- trong gia đình chăng?


Hình bìa quyển Những Ngày Buồn Nôn của Lý Chánh Trung, giáo sư Ban Nhân  Văn Đại Học Văn Khoa, do nhà xuất bản Đối Diện phát hành tại VNCH năm 1971. (Tủ sách  TAT)


Rốt lại, lời đoan chắc của tác giả, là ông đã khách quan đến mức tối đa, nguyên văn nơi trang IX: “I have narrated my story with the greatest impartiality I am capable of....” là chuyện lời nói không đi đôi với việc làm!


Hình ảnh cũng cho thấy “tình cảm thân thương” tác giả dành cho chế độ hiện nay tại Việt Nam như thế nào. Sách có rất ít hình ảnh các nhân vật lịch sử, nhưng sách đã có hình hài dung tục cởi trần mặc sà-lỏn của hai cán bộ văn hoá Hà Nội đi... tắm biển là Đinh Gia Khánh và Phạm Huy Thông nơi trang 198!


Sách trình bầy rất ít tài liệu lịch sử và chưa một tài liệu nào trong 4,000 năm sử Việt chiếm nổi một trang sách, nhưng Di Chúc của Hồ Chí Minh được trịnh trọng giới thiệu trong sáu (6) trang, từ trang 289 đến trang 294, và toàn bộ Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh tại Ba Đình năm 1945 trong hai trang rưỡi (2.5), từ trang 192 đến trang 194, chưa kể hình bìa tờ Tạp Chí Cộng Sản đã được in trước đó, trang 178, hay bản tin tìm mộ bộ đội Bắc Việt sau đó, trang 319.


Thiên hướng “cái gì cũng phải từ Hà Nội” của tác giả khiến danh sách sách báo tạp chí, hay tựa đề một bài thơ, hay tên tuổi một nghệ sĩ, một nhà văn, một họa sĩ... trong các trang của A Story of Viet Nam thường là từ miền Bắc.


Vì thiên hướng như thế, tôi thất vọng về cái nhìn của tác giả khi ông trình bầy một khía cạnh văn hoá của dân tộc Việt Nam, là hội họa. Có ai biết ba người Bùi Suối Hoa, Đinh Thị Thắm Poong, và Đinh Quân là ai không?! Họ có xứng đáng đại diện cho hội họa Việt Nam trong một quyển thông sử chứa đựng hơn 4,000 năm hay không?!


Điểm tích cực nhất mà tôi có thể tìm thấy trong A Story of Viet Nam là bóng dáng của một sử gia chuyên nghiệp qua nội dung tổng quát của sách. Đây là một quyển thông sử trình bầy lịch sử văn minh, mà không phải đơn thuần là loại thông sử của các tác giả tài tử chỉ biết trình bầy lịch sử dân tộc bằng những trận đánh hay bằng sinh hoạt của vua quan tại triều đình. Sách còn có một nhận định... lạc lõng nhưng thật ra rất chính xác, rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành lập năm 1954 là một chính phủ của Đảng, do Đảng, và vì Đảng, nguyên văn nơi trang 295: “... the government of the Party, by the Party, and  for the Party.”


Trước năm 1975, giáo sư Trương Bửu Lâm đã được chế độ Việt Nam Cộng Hòa biệt đãi. Năm 1957, ngay sau khi tốt nghiệp một trường Công Giáo nhỏ ở Bỉ -đại học Louvain- về nước, với vị thế của một bạch diện thư sinh mới rời ghế nhà trường, ông đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Viện Khảo Cổ và giáo sư của tất cả các đại học tại VNCH thời bấy giờ, là ba đại học Sài Gòn, Huế, và Đà Lạt. Hơn thế nữa, ông còn được gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm biệt đãi, mời vào Dinh Độc Lập dạy kèm cho các con của ông bà cố vấn Ngô Đình Nhu.


Tôi không xa lạ với giáo sư Trương Bửu Lâm. Ông là thầy tôi tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong niên khoá 1963-1964, niên khoá cuối cùng và dở dang ông dạy tại Việt Nam trước khi đi Mỹ và ở lại luôn từ đó.


Vào những ngày xưa trong sáng ấy, giáo sư Trương Bửu Lâm phụ trách môn Phương Pháp Sử. Giảng khoá của ông giá trị ở những kỹ thuật căn bản và những gợi ý cần thiết cho sinh viên trong nghề đã thấm vào máu thịt tôi từ đó.


Chính giảng khoá này năm 1970 bị một “giáo sư” Đại Học Văn Khoa Ban Sử khác là Châu Long ăn cắp nguyên văn đem in dưới tên ông ta, tựa là Sử Học Nhập Môn (Sài Gòn, Văn Hào xb, 1970, 178 tr.) trong phần Phương Pháp Sử Học Tây Phương, tr. 25-85.


Cũng cần nói thêm là ông Châu Long lại là một đầu mối nằm vùng của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam mà biệt thự của ông tại Làng Đại Học Thủ Đức trước năm 1975 là nơi chứa chấp các cán bộ cao cấp Cộng Sản mỗi khi họ về Sài Gòn.


Sau ngày 30.4.1975, khi tất cả cư dân của Làng Đại Học Thủ Đức bị Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định đuổi ra để họ chiếm cứ, thì ông Châu Long được Ủy Ban đền bù bằng một biệt thự trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận. Tôi biết rõ được những chi tiết này vì một ngày đầu tháng 5.1975, ông Châu Long đã nhắn tôi đến đó gặp ông. Hôm ấy có mặt người thứ ba là giáo sư Lê Văn Chưởng dạy Ban Việt Hán, ̣ĐHVK Sài Gòn. Ở đó, ông Châu Long cho biết biệt thự ông đang ở là của Nguyễn Thiện Nhơn, hay Thượng Nhơn gì đó, Phụ Tá Đặc Biệt của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, nhà có 18 phòng, nhiều đến nỗi có phòng ông còn chưa vào. Rồi ông Châu Long gằn giọng, nguyên văn, “Anh thấy chưa, tôi đã đuổi Nguyễn Thế Anh ra khỏi Việt Nam rồi. Ban Sử là một ổ CIA, Đỗ Phan Hạnh là trưởng lưới. Anh làm gì thì khai đi, người ta biết hết rồi. Anh có làm cho USIS không?”


Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe thấy danh từ lạ tai “trưởng lưới” trong ngành an ninh tình báo! Càng nghe ông Châu Long nói, tôi càng chưng hửng, vừa buồn vừa chán vừa khinh vừa...sợ vì trước đó, thời VNCH, Châu Long là vị giáo sư rất hiền lành tử tế, cả một đời dạy học hầu như ông chưa hề đánh rớt sinh viên bao giờ!


Hôm ấy, ông Châu Long còn đưa cho anh Chưởng và tôi xem tấm thiệp của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn mời ông tham dự lễ mừng chiến thắng tại Dinh Độc Lập vào ngày, nếu tôi nhớ không lầm, là 12.5.1975.


Anh Lê Văn Chưởng hiện còn ở Sài Gòn thì phải, còn ông Châu Long nghe nói sau này hối hận (?), vào ở trong một ngôi chùa và mất ở đó. Thế cũng xong một kiếp người!


Hạng "giáo sư" như ông Châu Long này (xuất thân "tiến sĩ đại học" là thứ tiến sĩ ở Pháp cho không những phần tử tại các thuộc địa để họ về lại đất nước họ, loại bằng mà ứng viên không cần có Cao Học, cũng chẳng cần Cử Nhân, chỉ cần nộp một "công trình" là xong) được chế độ Việt Nam Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy đại học, cho làm công chức cao cấp tại Bộ Ngoại Giao (phụ trách chương trình đào tạo Tham Vụ Ngoại Giao), được cấp biệt thự sang trọng tại Làng Đại Học Thủ Đức, vậy mà nằm vùng cho Cộng Sản đánh phá miền Nam, rồi tố cáo đồng nghiệp và sinh viên của mình cho các cán bộ Cộng Sản tiếp thu Trường Đại Học Văn Khoa tại Sài Gòn đầu tháng Năm năm 1975 thì có xứng đáng được gọi là "giáo sư" hay không?!


Hỏi, tức là trả lời!


Xin trở lại với giáo sư Trương Bửu Lâm. Tôi đã đắn đo -và có phần đau buồn- trước khi viết những dòng chữ trên đây. Lý do là truyền thống đạo đức Đông Phương dạy người ta tôn kính và nhớ ơn thầy. Nhưng cũng là một ông thầy trong hơn 8 năm tại Việt Nam và 26 năm tại Hoa Kỳ, tôi nghĩ thầy phải xứng đáng là thầy về khả năng và nhất là về tư cách thì trò mới tôn kính và nhớ ơn được. Tôi lại nghĩ đến những tội bất hiếu trong truyền thống Đông Phương. Thường thì ai cũng chỉ biết tội nặng nhất, là tội không có con trai nối dõi tông đường, mà ít ai biết được hai tội kia. Đó là tội làm con đã trưởng thành mà không đi làm nuôi cha mẹ già yếu. Và tội thấy cha mẹ lầm lỗi mà không lên tiếng để người khác chê cười cha mẹ.


Vì thế, tôi đã quyết định viết những dòng chữ trên. Mong độc giả và nhất là Giáo Sư Trương Bửu Lâm hiểu. Mà không hiểu thì tôi đành chịu, chứ trong nghề thì tôi không làm khác được.


Cuối cùng, những dòng chữ trên đây không hề có ý phê bình sự thiên Cộng của giáo sư Trương Bửu Lâm. Tôi tôn trọng lý tưởng của người khác. Người có lý tưởng mà tranh đấu cho lý tưởng, sống chết với lý tưởng, càng đáng trọng hơn nữa.


Tôi giành quyền phân tích là phân tích sự xuyên tạc và bóp méo sự kiện quá khứ của người viết Sử!


Nếu, ngay trong lời nói đầu, tác giả của A Story of Vietnam cho biết ông viết nhằm vinh danh Đảng Cộng Sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng này thì vấn đề đã tách bạch. Và độc giả nào đồng hội đồng thuyền với ông xin cứ tiếp tục thưởng thức.


Nhưng không, tác giả đã nhân danh một sử gia chuyên nghiệp để viết lịch sử của một dân tộc. Nguyên văn trong phần Lời Tựa (Preface) nơi trang VIII như thế này: “As a specialist of Southeast Asian History, I am often asked to introduce a book that would relate the history of Vietnam, from its beginnings to the present... That is the reason I am happy and humbled to introduce here a work of mine I entitled A Story of Vietnam. I call it a story and not a history, because I do not want my book to be the usual conventional textbook, overburdened with interminable academic, historical, and bibliographic references. I prefer it to be easy to read, shorter on facts, and longer on stories. I also want my book to represent the sum total of what I have learned existentially about Vietnam in Vietnam, added to what I have researched and studied during the decades that I taught its history in colleges and universities in Vietnam and in the U.S.”


 Xin tạm dịch: “Là một chuyên viên về sử Đông Nam Á, tôi thường được yêu cầu viết một quyển sách liên hệ đến lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên cho đến hiện tại... Đó là lý do tôi vui mừng và khiêm tốn giới thiệu một tác phẩm của tôi tựa đề Chuyện Kể về Việt Nam. Tôi gọi đây là chuyện kể mà không phải là sử vì tôi không muốn sách của tôi là loại giáo khoa thông thường, miên man những tham chiếu hàn lâm, lịch sử, và thư tịch. Tôi thích sách dễ đọc, sự kiện càng ít mà chuyện kể càng nhiều. Tôi cũng muốn sách của tôi là tổng thể tất cả những gì tôi đã thực sự học được về Việt Nam tại Việt Nam, cộng với những gì tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu qua nhiều thập niên giảng dạy Việt Sử trong các trường đại học lớn nhỏ tại Việt Nam và ở Hoa Kỳ.”


Thật đáng tiếc là tác giả của những sử phẩm chuyên nghiệp và giá trị như Sử Học Phương Pháp Luận tại Sài Gòn thời VNCH và sau này tại Hoa Kỳ như Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention, hay New Lamps for Old, hay Resistance, Rebellion, Revolution, hay Colonialism Experienced lại là tác gỉa của A Story of Vietnam lúc về hưu.


Những công trình nghiêm túc trên đây bên cạnh thứ sách tuyên truyền chính trị thật không xứng đáng với tầm cỡ của một giáo sư đại học xuất thân từ miền Nam nước Việt!


Mặt khác, tôi không tin rằng với tình cảm dành hết cho Đảng Cộng Sản và chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị tại Việt Nam mà tác gỉa của A Story of Viet Nam sẽ được chế độ Hà Nội trọng vọng hay ưu đãi. Vì, với bản chất đa nghi của những nông dân trong làng xã, người cán bộ Cộng Sản Việt Nam nhìn ông trước sau chỉ là trí thức tiểu tư sản thành thị với tất cả những căn tính hời hợt, ham hưởng thụ, sợ khó sợ khổ, mà không có lý tưởng gì cao cả.


Khi nhận được quyển A Story of Vietnam do Giáo Sư Trương Bửu Lâm gửi từ Hawaii với hàng chữ “Xin gởi tặng Anh Trần Anh Tuấn để cùng nhớ lại những kỷ niệm xa xưa. Trương Bửu Lâm (ký),” tôi đã bối rối. Nội dung thế này thì làm sao mà tôi im lặng được?!


Vì thế, tôi đã phải mua ngay một quyển thứ hai để phân tích. Còn quyển được vị Thầy cũ ưu ái gửi tặng thì tôi xếp vào tủ sách của những kỷ niệm xa xưa và trong sáng, nẩy sinh từ niên khoá 1963-64 tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.


Nói “xa xưa và trong sáng” vì hồi đó, Sử Học Phương Pháp Luận của giáo sư Trương Bửu Lâm là sách, cours quay ronéo thì đúng hơn, gối đầu giường của tôi. Và khi tôi đến thư viện Viện Khảo Cổ -lúc ấy là một biệt thự nhỏ ở đường Lê Thánh Tôn ngay trung tâm Sài Gòn- đọc sách, thì hầu như sách nào tôi tìm đọc, nhất là các ấn phẩm của École Francaise d’ Extrême-Orient (Viễn Đông Bác Cổ Học Viện, quen gọi là Viện Viễn Đông Bác Cổ, hay Viện Bác Cổ, Hà Nội), Société des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu Cổ Hội, Huế), và Société des Études Indochinoises (Ấn Hoa Cổ Học Hội, quen gọi là Hội Nghiên Cứu Đông Dương, Sài Gòn), cũng thấy những ghi chú ngoài lề bằng bút chì, nét thanh mảnh rất rõ và đẹp của Ông Giám Đốc họ Trương, người lúc nào cũng mặc complet mầu nâu sáng với mái tóc hippy dài phủ gáy, đúng điệu hào hoa của một công tử Nam Kỳ Lục Tỉnh!


Cập nhật 18.8.2017


TRẦN ANH TUẤN


(Trong Sử Việt Tại Bắc Mỹ 1975-2015 chưa xuất bản)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.