Ôi! Niềm Đau!
Thật khó diễn tả hết nỗi lòng ưu tư cảm xúc lâng lâng luôn dày vò tâm trí tôi về nỗi bâng khuâng, xao xuyến… khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống khu vực Krong Pha: phong cảnh hữu tình ngút ngàn, bát ngát mênh mông, thơ mộng cận đường đèo quanh co uốn khúc gập ghềnh, nhấp nhô điệp trùng, cao tận lưng trời chót vót mây trắng ùn ùn bay bay dưới gót chân mình. Đèo Ngoạn Mục hùng vĩ thơ mộng nơi hạ giới xa xa… đã gieo vào lòng tôi bao tình khúc phong trần hoài cảm êm đềm, bâng khuâng suy tưởng mông lung. Tôi đang đứng trên vừng mây vờn sương muối quyện quanh gót chân “nơi bồng lai cao nguyên”, y hệt như trong tranh hồ thủy, tôi mơ màng nghĩ về bình nguyên và cánh đồng lúa lao xao bên dòng sông cạn xa xa ở lưng trời năm cũ.
Nhìn lại ngọn đèo cao ngút ngàn lúc xe đò hổn hển thở khói phì phò đi qua với sự luyến tiếc vô vàn; vì có thể đây là những khoảng lắng phiêu bồng: sau nầy tôi chẳng bao giờ còn cơ may quay trở về chốn nầy, dù là niềm kiêu hãnh vinh quang trong dĩ vãng, dù chỉ thêm một lần im lắng xót xa luyến lưu trong hồi tưởng! Bởi vì 30-4 gia đình tôi lê lết trở về lại thành phố núi, sau ngày mất Đà Lạt, là tôi bị “mất dạy” ; từ khi đổ̉i đời, không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Thế nên bị thất nghiệp, buộc lòng tôi đưa gia đình đi Sài Gòn, xuống tại Thành Ông Năm, Hóc Môn, để rồi trở nên đói khát dài dài…
Đà Lạt cuốn hút tôi ngàn đời nhung nhớ hoài vọng ước ao. Nơi bỏ ngỏ trái tim tôi dại khờ ấp ủ mộng ngày xanh vui tươi nhí nhảnh mà lại đa tình. Đà Lạt xưa khoan dung dịu dàng mở rộng vòng tay trìu mến, nơi từng ôm trọn tôi vào vũng sương mù lả lướt, buông thả, dạt dào nỗi nhớ niềm yêu trong mỗi phím loan. Tôi nhớ da diết những cánh hoa muôn màu chen chân khoe sắc thắm trong nhiều ngôi nhà ấm áp xinh xinh, nhà nhà trên triền đồi hoặc dưới ven dốc chập chùng ẩn hiện nép mình bên vườn cây ăn quả trĩu trái. Có cây bưởi hoa trắng muốt toả mùi thơm ngào ngạt. Cây hồng mơn mởn. Cây chanh mọng nước. Cây quả mượt-mà ngày ấy cho tôi cảm giác vui vui, lâng lâng êm đềm, thi vị quá chừng!
Trên đường phố quê hương Đà Lạt thân yêu nầy, ngày xưa tôi vẫn đi lại tung tăng, hồn nhiên, vui vẻ nhởn nhơ như cánh bướm buổi sáng mai gặp nắng tươi. Tôi ươm nhiều mộng đẹp như thời son trẻ mới chớm lớn, lòng dạt dào nung nấu sự hoài mong tưởng nhớ: Xin cho tôi được một lần tìm về cội nguồn. Nơi đó mẹ dấu yêu đã à ơi ru con lớn khôn trong chiếc nôi đời ấm áp, đơn sơ hồng hoang mà trữ tình ngọt dịu thân thiết trìu mến dường bao! Tôi nhớ lắm thầy Cao Cự Phúc phổ bản nhạc: “Ngày nào dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi Màu hoa in dáng trời Tình hoa lưu luyến người Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi Ngày nào đường xuân phơi phới Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai Rồi yêu hoa trên má Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ … Nhưng rồi mùa hoa tàn. Người hoa sao vắng mãi Bao chiều lòng mong chờ. Đường hoa sao hững hờ Để lòng lữ khách tê tái. Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai Màu hoa in trên má Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi”!
***
Khi tôi đã thực sự đứng ở thành phố quê hương Đà Lạt ngàn đời dấu yêu nầy, thì tôi không thể nào ngờ! Đà Lạt trong không gian bảng lảng dáng thu bàng bạc trên thành phố buốt giá bây giờ sau 75 – 93 quá lạnh lẽo. Buồn thiu. Ôi! bao năm qua, nay lần đầu tiên tôi nôn nao trông ngóng xôn xao trở về quê cũ, thì… những âm thanh đơn điệu, buồn tênh dội lại lòng mình niềm tiếc thương thác lũ. Gợi lên biết bao điều đau xót, tôi ưu phiền, chán ngán, bơ vơ bàng hoàng khôn xiết. Biển cả đã hoá thành nương dâu, nước mắt bỗng dưng chảy hoài, khiến tôi trở thành một người xa lạ, lạc lõng, cô độc với chính mình. Bước chân lao xao rộn rã tìm về lối cũ đường xưa, mà một thị dân chôn nhau cắt rốn như tôi, từng đi đi về về trong thành phố thơ mộng ấy, giờ đây cảm thấy quê tôi lạ hoắc, lạnh lùng. Tôi lạc bước trên con đường cũ thân thương xưa lòng trống rổng cô độc kinh khủng. Thành phố dấu yêu xưa sao bây giờ trở thành xa lạ với tôi đến thế? Hoài phí đi những mơ tưởng đâu đâu không sát thực tế chút nào.
Quang cảnh thành phố Đà Lạt bây giờ như thành phố chết ngoài nghĩa điạ! Không giống những bộ mặt thân quen xiết đỗi mà ngày xưa tôi thân mật vẫn đi về. Đà Lạt không còn sống động, không nên thơ, chả quyến rũ… vì không có những anh Võ Bị oai phong. Những anh Chiến Tranh Chính Trị kiêu hùng. Không thấy sinh viên Viện Đại-học lịch lãm văn nhã! Không có những nam sinh choai choai, dé dé vui vẻ hân hoan vô tư lự huýt gió lúc đến trường Trung Học. Còn đâu nữ sinh hồn nhiên xinh lịch tung tăng với những tà áo dài tha thướt lượn bay, cặp ôm ngang ngực thong thả đi trên con đường mòn đất đỏ ngoằn ngoèo uốn lên uốn xuống ở đồi thông im mát.
Đà Lạt xưa có những công tư chức ngày xưa cao sang chuyên mặc áo da, áo len đan tay đắt tiền, hoặc mặc bộ veston đen tối tân, sơ mi trắng nõn lủng lẳng cà vạt màu, chiếc quần tây thẳng nếp li và đôi giày thời trang… Đâu rồi những anh lính Nhảy Dù mũ đỏ, những anh Hải-quân với bộ quần áo trắng cao sang. Những anh Biệt Động-quân mũ nâu, Thiết giáp, Thủy-quân Lục chiến, Pháo-binh, Bộ-binh oai dũng… trong những lần họ nghỉ phép, đã ghé tạt về thăm Đà Lạt? Những anh phi công bay bướm lả lướt phong trần ung dung bay lượn trên bầu trời Lâm Viên bãng lãng dáng chiều thênh thang. Họ đi đâu mất hết rồi trên thành phố huyền thoại ngày nào!?
Không gian Đà Thành phai dáng thu bàng bạc bây giờ lạnh tanh. Họ hàng thân quyến, những bạn thời sinh viên, hoặc bạn cùng dạy học với tôi, giờ đây họ lưu lạc phương nao xa hun hút, tôi đã mất tầm nhìn, có thể biền biệt chân trời xa thẳm, xa mất đất rồi chăng?! “Lối cũ ta về dường như nhỏ lại. Trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ. Lối cũ ta về, vườn xưa có còn. Hoàng hôn buông xuống thoảng hương ngọc lan. Dù gió có trút lá úa xuống vườn chiều. Bước chân ai đem lang thang về cô liêu. Chốn xa xôi kia mang bao kỷ niệm cũ. Em đã quên hay là vẫn mang theo. Dù cho bên anh nay em không còn nữa. Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ. Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi. Sao em nỡ bỏ anh đi mãi…”
Ngày nay đàn ông Đà Thành thay bộ cánh khác đang đổ xô ra đường kiếm sống, chụp giựt bằng “lao động là vinh quang” một nghề mới toanh thoạt nghe thiệt “kêu, và lạ” : “làm người thồ”, nghề đi vá xe đạp, gánh thuê, vác mướn: Áo quần họ mặc hầu hết tơi tả, cũ mèm, ố vàng, nhàu nát. Mỗi người bạn trai đồng môn của tôi đều có một cây đòn gánh, hai chùm dây dừa cột chặt ở hai đầu gánh. Hành khách chưa kịp xuống xe đò chật như nêm, là lập tức những người đàn ông gánh thuê bu đông đen nơi thành cửa xe, họ kêu mời khách lạ. Mặc cả kỳ kèo giá tiền thuê vác xong, hành khách đi bộ về nhà, người thuê kẽo kẹt quang gánh nặng gồnh mình gánh trên vai gầy, họ im lặng chịu đựng cúi đầu rảo bước.
Toàn người đi bộ là đi bộ. Cả thành phố lác đác chỉ có một vài chiếc xe đò cọc cạch, xe chạy giới hạn từ Thị-xã Đà Lạt đi các nơi. Ở Đà Lạt là nơi nhiều đèo núi, nên ít người mua sắm xe đạp. Ai có xe đạp là chỉ có nước “làm tôi mọi” cho vật. Người ta cỡi lên xe đạp thì ít, mà vác nó lên trên lưng leo dốc cao thì nhiều. Thế nên hồi trước đa số công tư chức ai có tiền chỉ mua xe hơi, honda. Bây giờ trạm xăng không bán một giọt, thì xe với cộ, honda hôn điếc chi cũng bù trớt, nằm ù lì một đống như đống sắt vụn. Chỉ có lèo tèo mấy xe đạp làm xe thồ ọp ẹp, hoặc những “tay cua-rơ” có chiếc xe đạp loại thường thường dùng tập dượt, hầu mong tranh tài trong các chương trình thi đua thể thao toàn quốc trước kia, nay làm xe thồ.
Khu phố Hoà Bình ngày xưa nhộn nhịp, đông vui, sang trọng là thế! Nay tiệm nào cũng cửa đóng then cài im lìm. Hàng hoá đồ đạc thu dọn đâu hết. Sạch bách. Trơ lại những nhúm người ngồi trên vĩa hè, mặt mày lơ láo, họ rù rì to nhỏ, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, mắt mất thần. Họ tụm năm tụm ba ở góc nầy góc kia, dáo dác len lén bày bán những món đồ cũ, đơn sơ và khiêm nhường thấy tội. Đàn bà con “gái… theo thơ Lệ Khánh: “Gái Đà Lạt trời sinh đều đẹp cả”, nay một số qúy bà mặc quần áo lôi thôi lốc thốc, nghèo nàn, họ xuống đường tần tảo bán bưng thúng mẹc bên lề. Họ ngồi bệt trên những bậc tam cấp bán bòn những củ cà rốt, khoai lang, rau rợ bầm dập. Vài ba bà cải nhau om tỏi, chỉ vì những con cá ươn sình vương vãi ra trên vệt nức bên vệ đường. Ngẩn ngơ ngồi xuống mé đường lựa những trái hồng trong mẹt. Tôi nghe bạn hàng xầm xì:
Bà con toàn thể xã ta
Ðồng tâm phấn khởi trồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Năm sau ta cứ dái dê ta trồng (2)
– Mèn ơi! Con tao bệnh, không có tiền mua thuốc uống. Ở đó mà mua phân, mua giống để trồng cà dái dê. Rồi nuôi heo, nuôi gà, tăng gia sản xuất cái nỗi gì! Nhà nước bắt mẹ con tao bưng máy đan của mình, dô trong hợp tác xã đan áo len gởi đi Liên Xô ráo trọi. Cái gì của mình là của “liên bang Xô Viết” mà mầy. Nếu mầy không có máy đan, thì tới đó dùng hai que tre, que gỗ mà đan. Rồi mầy coi, cái tập thể ni lọt dô túi bọn đó mất tiêu. Bọn mình chẳng còn con khỉ khô gì ráo trọi á. Chỉ còn trợn trắng con mắt, cúi đầu và hai bàn tay cầm que đan đan, đâm đâm, thọt thọt… Nghe.
– Thỉnh thoảng trên hợp tác xã đan móc may mặc có phân phối chút thịt heo bụng, ba chỉ, hoặc cẵng chân, đầu cánh gà mà?
– Xời. Đi gánh phân heo để tưới rau ăn, thì có. Bởi vậy nên người ta thèm thịt, nhỏ từng cục nước miếng, thì phải đi ăn trộm, ăn cắp biết nhiêu mà kể xiết, mất cắp ở trong mấy cửa hàng bách hoá như rươi. Của chung mà mầy. Ở nhà dân cũng bị cắp, trộm.
– Mầy hổng thấy sao ke! Con chó nhà tao năm nào ú nù, ú nần, tướng mập mạp đi hổng nỗi. Nay nó ốm tong ốm teo, lông lá rụng xơ xác, đầy ghẻ chóc, rụng hết răng, cũng bị bọn trộm rinh dìa làm thịt mất toi rồi. Mất chó giữ nhà, riết rồi cả xóm không còn chó sủa. Thế nên ai có chút của cải, cũng bay mất toi theo thằng ăn trộm hết. Đảng có mù, đảng cũng thấy chớ.
– Coi chừng nghe mầy. Nói tào lao, tai vách mạch rừng á.
– Bởi dậy… mới có chiện cán bộ lùng bắt người và chó. Người trộm cắp thì cho dô tù. Chó thì cho dô nồi bự. Trời quơi! Nước non chi lạ, dưới dân mất chó, mất heo gà. Trên nhiễu sinh ra đủ thứ chiện cướp cạn tham nhũng, hổng biết sao ta?
– Đừng chọc quê, tao không phải là đứa “cần câu nhân dân”. Mầy đừng lo.
– Ha ha! Tao không có tội mà trở thành có tội, vì cái miệng bép xép. Đời nay có nhiều loại công an nhân dân làm cần câu, đó nghe.
– Trời! Nói cái gì tầm bậy tầm bạ dị hợm vậy. Mầy! Dân cũng nghèo rớt mồng tơi như công an công yết. Chắc có lẽ ai làm “công an nhân dân” thì có đặc biệt nhiều tiền hơn hỉ?!
– Mẹ ui! Nếu được nhiều tiền thì công an nhân dân đâu mặc quần áo có mấy miếng ti vi to tổ chảng đắp trên đầu gối hỉ!
– “Kiểu tân thời” á mầy.
***
Tôi nhóm chân len lén nhìn qua khu vườn cũ. Hồi ấy tôi đã trồng nhiều hàng hoa hồng rực rỡ màu sắc thành hàng lối thẳng tưng. Những vòm cây ăn quả thắm đẵm sương đêm mọng hạt nước lung linh trên ngọn lá rung rinh. Ngôi nhà thân yêu nầy do tự sức cần lao của ba mẹ làm lụng vất vã. Và, của chính tôi khi chưa lập gia đình đã bán phổi dạy học, dành dụm mà có ngôi biệt thự Mimosa tươm tất. Qua hàng rào gạch thưa, cổng sắt đóng kín cửa có tấm bảng đề “coi chừng chó dữ”.
Đang ngơ ngáo len lén nhìn quanh, thì tôi giật nẩy người khi con chó Bìm Bìm tru hú từng tiếng rít từng cơn trong cổ. Nó mừng như điên cong đuôi chạy lui chạy tới ngoắt lia lịa. Nó chạy mấy vòng trong sân, bỗng chốc chồm hẳn hai chân trước lên ngực tôi, nó quay quắt mừng rỡ, cuống quít khi gặp lại chủ cũ. Nó thò mỏ qua khe rào gạch, cố tìm cách liếm liếm bàn tay tôi. Ngày di tản, tôi không thể mang con chó theo, nên tôi đã cho bác Tân hàng xóm nuôi, (nhà tôi sát vách tường nhà bác, chung một hàng rào xây bằng gạch song thưa). Tôi lòn tay qua song cửa cổng sắt xoa đầu nó hoài. Lúc đó, nó mới chịu đứng yên giây lát, nó rên ư ử đuôi vẫn ngoắt lia lịa. Bác Tân nghe tiếng chó sủa vang đã đi ra sân. Bác càng mừng rỡ chạy tới mở cửa cổng, bác đon đả rối rít chào hỏi tôi. Con Bìm Bìm lanh lẹ chui qua khe hở giữa hai nhà, nó cuộn tròn dưới thềm gạch, mỏ gác lên chân tôi. Mắt nó liếc qua liếc lại, hai tai vểnh lên nghe ngóng. Con chó mà thật có tình nghĩa! Ngoài những đau đớn, hụt hẫng, ngậm ngùi đáng hổ thẹn, nay tôi không còn gì! Thật chẳng còn gì để cho con vật, dù chỉ là một củ khoai tẻo teo!
Có gì đâu. Còn gì đâu nữa! Từ trên đỉnh bình yên an vui ngày hai buổi đi dạy học, nay tôi đã hụp xuống vực thẳm giữa cơn xoáy đục ngầu đen bạc. Hy vọng vỡ tan trong mối thất vọng chua cay, tổn thất dập dồn do thương tổn tình đời để lại. Tôi lặng lẽ ưu phiền ngồi điếng lặng hằng giờ trong góc tối cô đơn, suy nghĩ hết cách mong tìm kế sinh nhai. Tôi giống con chó hoang trốn vào hang hốc, mòn mỏi liếm vết thương mình. Kể từ ngày “đổi đời”, sự sống của gia đình tôi kể như “vong gia thất thổ nổi trôi theo dòng đời chảy xiết”. Cuộc cách mạng 75 đã đẩy bật chúng tôi ra khỏi thành phố Đà Lạt. Xa những núi đồi thân yêu, vắng những thác nước suối nguồn mộng mơ. Tôi không còn thấy những hàng hoa anh đào thắm sắc ôm bóng dưới mặt hồ loáng bạc như tráng men.
Nhất là chẳng thể lặng yên vui vẻ nhìn những cụm mây ngà, hồng thắm bồng bềnh bay bay. Mỗi độ hoàng hôn mây óng vàng mịn mượt e ấp rủ nhau về quỳ gối bên ao hồ soi bóng. Chao! Gia đình tôi lâm vào ngỏ cụt không lối thoát, mà số phận tàn nhẫn nghiệt ngã vẫn bám riết lấy chúng tôi. Dù bằng sự can đảm phi thường mẹ trẻ con thơ dắt díu nhau chạy về Sài Gòn, cố gắng “tái thiết” cuộc đời sống lây lất thấp hèn đến độ thê lương trong trại gia binh bỏ hoang. Danh dự vẫn còn, tôi sống thanh liêm và dùng hai bàn tay không cầm ngòi viết, mà dùng làm “cây chĩa ngũ đoản thập toàn”, để tự bới móc tìm cái ăn ngoài xó xỉnh ruộng đồng!
Tôi nâng mình lên cao hơn mặt đất xí xi, hầu hòa đồng cùng những người cùng khổ không manh áo cơ hàn khác. Chúng tôi rất nghèo, đói rách tả tơi thấy thảm thiết lắm. Chính những tháng ngày âm thầm đi trong vũng tối, từ những con đường đất đen đen lên nông trường Lê Minh Xuân không đèn soi, không trăng tỏ, tôi mới có đủ thời gian suy tư kiểm nghiệm những thăng trầm chồng chất muôn vàn đắng cay đời mình dâng cao ngút. Chồng bị “đi tù cải tạo”. Các con lây lất lang thang tả tơi áo quần ngắn củn sờn rách, co ro trên vĩa hè phố Sài Gòn.
Những đứa con của tôi và tuổi thơ vô tội tự bươn bả moi móc mọi thứ để kiếm sống, con đói khát ngủ chập chờn bên hóc tối (để cho bầy con kẻ khác mặc nhiên tới chiếm ngự ngôi nhà đồ sộ của mình, họ thô thiển vui đùa dưới hàng hiên ở nhà của chúng tôi đây). Tôi không hận, không nghe thấy gì, chẳng còn chút sinh khí ngoài nỗi điếng lặng lo sợ cồn cào đói khát, đau ốm đang dày vò ruột gan tôi và các con. Nỗi lo sợ bà nội, mẹ con bị bệnh đau, ghẻ chóc, truyền nhiễm dâng đầy ắp, mà không có tiền thuốc men- Hơn là tôi sợ hãi bất cứ thứ mất mác vật chất gì. Lòng tôi chao đảo vì chiến tranh tương tàn, vì những mất mác vô cớ, mà các con thơ mẹ già vợ yếu bỗng dưng vô tình cúi đầu gánh chịu, như tai ách mạch đời ở đâu trút ào ào xuống đầu mình. Trách nhiệm từ ai? Tại sao? Bởi vì đâu? Vì những “dày vò” của ông bà cố tổ mẹ cha chú bác? của những người có trọng trách giữ nước, giữ quê? hay là do trầm thống điêu linh tổ quốc suy tàn chẳng còn, nên con cháu họ đã ra nông nỗi, làm bàng hoàng sụp đổ cả một chính phủ trong tích tắc thời gian!?
***
Tôi cúi đầu uất nghẹn! Đà Lạt diễm kiều quyến rũ một thuở nên thơ tràn lan thi vị, nay không còn là thành phố duyên dáng, hữu tình nữa rồi. Tuy tai tôi vẫn nghe tiếng thông reo vi vu thì thầm cùng gió, sương rung rinh nhè nhẹ thở hơi mát, phả vào không gian bảng lảng dáng thu bàng bạc trên thành phố lạnh lẽo! Tôi đi giữa hai hàng cây anh đào trơ trụi, vài chiếc lá úa lững lờ chao lượn dưới làn sương mỏng là là bay, cuốn theo những hạt mưa bóng mây ẩm lạnh trong không gian ngút ngàn buốt tê. Dường như tôi cảm thấy ngu ngơ, lơ láo nhìn ngó, băn khoăn, thổn thức đớn đau dày vò và cảm thấy thất vọng kỳ lạ. Không tài nào nhấc bước chân lên khỏi mặt đường lồi lõm, tôi cứ đứng lì ở một góc phố như trời trồng, mà mất hồn mất vía. Tôi cảm thấy mình bị lún dần, lún dần vào cõi lạ. Dường như có ai ở dưới vũng bùn sình nặng nề đang giơ tay kéo lôi giật, tôi trì trệ hụp xuống cùng.
Đôi mắt tôi có hai ngấn nước lặng lờ hơi sương, mờ nhoà, mờ hẳn… giọt sương lăn tăn li ti hòa quyện cùng giọt nước mắt xót xa đã chảy xuống hai gò má. Thành phố của tôi ngày xưa ôi là xinh lịch vui tươi, truyền cảm, quyến rũ, thơ mộng là thế. Giờ đây sao quá ngao ngán buồn!? Trước mắt tôi, hiện tại với khoảng trống băng giá, cùng gánh nặng gia đình quầng siết lấy đôi vai gầy đang còng xuống những cố gắng vĩ đại, ngỏ hầu chới với quơ bàn tay gầy cố vươn lên, thấp thỏm giành lại cho mình một tí, dù một tí thôi những gì đã mất. Tôi ngồi bên lề phố Hoà Bình ngửa mặt lên trời mà khóc, mà cười, cười khẩy, vì không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn nứt đau xót khôn tả xiết, xếp lớp lăn tăn bềnh bồng lâng lâng giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê theo sóng đời cơ cực. Gia đình tôi đã lầm than khốn cùng tụt xuống dưới tận đáy xã hội phù phiếm mất rồi.
Đà Lạt xa xưa tự thuở hồng hoang xinh lịch thơ mộng êm mơ là thế, rồi… có một “thời gian vật vã” nên quê tôi đã nghèo nàn và ê chề cũng kinh khiếp đến thế. Nhưng rồi… thảng thốt thay khi Đà Lạt của tôi hôm nay (2016) đã biến mất các rừng thông xanh thẳm, những con suối uốn lượn quanh co dọc triền núi và thác nguồn ngày xưa hoang dã, tự nhiên và thơ mộng êm đềm, thì nay “sinh chứng dị hình xây dựng” những kiểu cách “gán ghép bắt râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những nhà cao ốc chen chúc, chi chít chen lấn cùng những nhà bần nông lụp xụp (vì các “dịch vụ, nhu cầu sinh kế khẩn thiết” cần “triệt để khai thác” cho ngành du lịch phồn thịnh!!!); nên đâu đâu cũng “tự chế” ra phòng trọ, “mô teo, hô teo…” nườm nượp mọc lên, “lâu đài nguy nga” trên đồi trọc không còn tiếng thông reo vi vu… triền miên (vì chẳng còn cây cối nào có thể sống) không theo quy trình kiến thiết đô thị, thì Đà Lạt bây giờ vụng về và nóng ơi là nóng! Đà Lạt lộn xộn trơ trẽn như bộ mặt của con mèo vá. Ôi Đà Lạt của tôi… chẳng còn sinh khí hồn nhiên của mạch rừng hoang dại, dường như Đà Lạt nghẹt thở do những nét chấm phá từ bao ngôi nhà giống “nấm rơm nấm chó nấm mèo” trên bức tranh thiên nhiên đã loang lổ, thì quê tôi chìm mất nét hấp dẫn trữ tình và trìu mến trong tim mình! Thế nên tôi đành bùi ngùi và nghẹn ngào ngoảnh mặt quay bước không thể trở về lối cũ đường xưa…
Tình Hoài Hương