Sông kia rày đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trông ngô khoai.
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Nằm mơ ôm mộng giấc hồ,
Tựa gần cội liễu bên bờ suối xưa.
Chiều hồ Trúc Bạch màn mưa,
Ðào Nguyên dụi mắt gió đưa sau rèm.
Dập dìu khách lạ không quen,
Người mua kẻ bán lấn chen chật đường.
Ngẩn ngơ lạc bước ngập ngừng,
Làng xưa chốn cũ hỏi đường ai hay.
( Sông lấp Nam Ðịnh- Trần Tế Xương)
Sơ lược tiểu sử Trần Tế Xương:
Trần Tế Xương sinh năm 1870, mất năm 1907, hiệu Vị Thành, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh. xuất thân từ một gia đình thanh bạch nhưng cũng có vai vế ở Vị Xuyên.
Ðường khoa cử của ông lận đận, đi thi từ mười lăm tuổi nhưng hỏng hoài, mãi tới năm 24 tuổi(1894) mới đỗ Tú tài. Sau đó, ông lại trượt Cử nhân 5 khoa liền. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời Nho học suy tàn ông chỉ còn biết trông cậy vào bà vợ đảm đang. Trong lúc đang còn bị cơn mộng khoa cử công danh ám ảnh mê hoặc ông đột ngột qua đời(1907) mới ba mươi bảy tuổi. Tác phẩm ông để lại gồm nhiều thể loại: thơ, phú, câu đối, hát nói, phần lớn bằng chữ Nôm. Thơ ông giản dị, bình dân, tự nhiên và linh hoạt. Nhiều sáng tác trình bày tâm sự đau đớn xót xa mỉa mai cay đắng, ngạo đời một cách chua chát cay độc hoặc gởi gấm lòng yêu nước thương nòi kín đáo và sâu sắc.
Nguyễn dụi mắt, ngửng mặt nhìn trời. Mặt trời chói chang ánh sáng rực rỡ. Một phút định thần một giây định trí lấy lại bình tĩnh. Cái hạc bay lên vút tận trời giờ đây chỉ còn là một bóng hình hư ảnh. Một làn khói trắng đục lững thững trôi bềnh bồng trên từng không: dấu hiệu của chiếc phi cơ phản lực mất hút vào hư không.
Một cụm mây trắng che khuất mặt trời, tạo ra thành hình tứ sắc đỏ, vàng, xanh trắng giống một ống kính vạn hoa, cũng giống một bầy cung tần mỹ nữ xiêm y rực rỡ ca hát mừng một mùa hoa. Trên không trung, bên dưới tầng mây, Nguyễn đưa mắt theo dõi một đôi chím én tung cánh bay tất tả về một phương trời vô định, Nguyễn tự hỏi mùa xuân đã đến chưa. Nhưng rồi Nguyễn suýt bật cười một mình, bởi Nguyễn không còn, đã mất khá lâu ý niệm về thời gian. Hồi tưởng lại, Nguyễn thấy mình được tiên nữ Mai nhi cấp cho một chim hạc trắng làm phương tiện hồi hương trần thế.( Cái hạc bay lên vút tận trời. Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai(( Tản Ðà Tống biệt- Thế Lữ. Tiếng sáo Thiên Thai). Nguyễn ngẩn ngơ tựa tâm hồn trẻ con không phân biệt định vị quá khứ hiện tại và tương lai nữa. Hiện tại vẫn là hiện tại. Cuộc vui hoan lạc vừa tàn, tiệc tùng vũ điệu truy hoan lại ùa ập đến, ngày cũng như đêm, hôm qua chính là hôm nay.
( Vành lược bạc gẫy tan nhịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi.
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải trăng gió chẳng đoái hoài xuân thu(.
Nguyễn thả bước miên man trong một nơi chốn gọi là mê hồn trận, không còn mảy may nhớ gì về quá khứ trừ một kỷ niệm độc nhất về dĩ vãng.
Từ lúc lạc bước lạc đường lạc nẻo hái thuốc bất tử trường sinh, Nguyễn đi tới một nơi chốn lạ lùng khác hẳn cảnh giới phàm trần. Gần, là rừng tùng xanh màu xanh bất tận. Xa hơn một chút, là một giòng suối nhỏ róc rách đổ trên ghềnh và xa hơn nữa, một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ ngất nghễu giữa chốn rừng tùng. Người lạc bước lỡ đường chầm chậm từng bước tiến gần tới chỗ lâu đài trông như đài các của một bậc vua chúa. Nguyễn ngơ ngơ ngẩn ngẩn dừng bước: lâu đài vắng tanh không một bóng sinh linh, Nguyễn phỏng đoán lâu đài vô chủ, hỏi thầm một câu hỏi: phải chăng mình kẻ lạc đường?
( Một mình đứng giữa quãng chơ vơ,
Có gặp ai không để đợi chờ?(
Kia rồi, có một nữ nhân từ xa thong thả bước lại, mỗi lúc một gần, xiêm y diễm lệ, dáng đi tha thướt, tuổi độ mười tám hai mươi.
Thiếp hân hạnh được biết chàng từ hạ giới đến. Tên thiếp là Mai nhi. Xin mời chàng tạm vô trong tòa lâu đài này ngồi đợi. Trong giây lát có nữ chủ sẽ thông báo cho chàng biết những điều lệ trong cảnh giới này; xin mời chàng vào.
Một giọng thỏ thẻ tựa tiếng oanh vàng khiến ( người hái thuốc( càng thêm ngây ngất, tâm trạng ngây ngơ, lòng như tráng được một hơi men dịu ngọt. Vào phòng khách tòa lâu đài, Nguyễn thấy phòng được trang bị ánh sáng cũng dịu mắt tuy không kém chan hòa rực rỡ của ánh sáng ban ngày. Ban ngày hay ban đêm, thực chất không còn mang bản chất thời gian. Ngước mắt nhìn tòa lâu đài, chỉ thấy vùng trời hun hút không gian vô cùng vô hạn.
(Chào tân đáo khách( , một giọng nữ nhân cất tiếng, một giọng kim Nguyễn không thể phỏng đoán niên độ bao nhiêu cái xuân xanh già trẻ, Nguyễn nghe tựa tiếng chuông vàng lảnh lót, hiểu mơ hồ ( chào khách mới đến(.
Nguyễn đứng dậy rời khỏi cẩm đôn, lễ phép đáp lễ:
Không dám, chào... phu nhân.
Ta không phải là phu nhân, chỉ là viên cai quản vùng đất này, kể cả toà lâu đài. Ta không có gia đình, nói cho đúng, là... phu nhân tất cả mọi hiện hữu sinh linh trên lãnh giới này.
Pháp thuật tu tiên báo cho ta biết người (khách mới đến( là một hiện sinh cũng luyện phép tu tiên trải đã ngót trăm năm khổ tu, đến nay khổ công tu đã thành... kết quả. Kết quả tuy không khó nhưng đường hướng đi tới kết quả thì không dễ.( Ðường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông(.( Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền(( Nói tới đây, phu nhân... tối cao cất lên một tràng cười mỉa mai diễu cợt). Mười phép tu tiên của vị tân đáo khách đã đạt một và một phép tu tiên ấy là kiên cố dùng đồ bổ mà không ngừng nghỉ, khi đạo-ăn được thành tựu thì gọi là Ðịa-hành tiên.
Người được diễm phúc tu tiên đạt thành chánh quả Ðịa hành tiên, tìm được lẽ sống, nhưng trường thọ bao lâu, một trăm năm, một ngàn năm, một muôn năm, hay một triệu năm, ta không biết, thật tình ta không thể tiết lộ bí mật thiên cơ, nhưng có một điều chân lý hiển nhiên là một khi Tam muội hết rồi, kiếp tiên sẽ trở lại trong luân hồi, trở lại tản vào trong lục đạo. Người sẽ được sống trong tiên giới, muốn gì được nấy, tận hưởng vui chơi thỏa thích, nhìn ánh dương mọc, ngắm ánh trăng tà, thưởng thức đàn ca xướng hát vũ điệu xênh xang, triền miên bất tận, non Bồng nước Nhược chỉ có một mùa độc nhất, mùa xuân.
Lời nói của nữ nhân, tiếng động âm thanh của nữ nhân chấm dứt, trả lại im lặng như tờ cho tòa lâu đài. Nguyễn sực tỉnh, ra khỏi một giấc chiêm bao mơ màng mê hoặc, thần trí còn hoang mang thì Mai nhi tiên nữ đã dịu dàng cất tiếng ngọc:
Kể từ hôm nay, thiếp lệ thuộc vào chàng, tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh, không dám phản đối ý muốn của chàng. Chàng có muốn ra ngoài tòa lâu đài này du ngoạn một vòng xem phong cảnh thiên nhiên không?
Nguyễn khẽ gật đầu không đáp. Kể từ giờ phút này Nguyễn chỉ biết vâng lời bằng mệnh lệnh, ngọt ngào bằng sợi dây có sức mạnh đổ quán xiêu đình. Mai nhi thong thả bước ra khỏi lâu đài, Nguyễn lẽo đẽo nối gót theo sau, bầy chim lạ cất tiếng chào mừng véo von ríu rít. Nguyễn kín đáo ngắm nghía đường nét yểu điệu tha thướt của giai nhân, dường như mỗi một bước đi là một hoa sen nở: bộ bộ sinh liên ba. Một mùi hương thoang thoảng đâu đây của một kỳ hoa dị thảo. Một chút náo nức ham muốn của người tiên khiến Nguyễn dấn bước đi nhanh một chút về phía rừng tùng nắm tay Mai nhi; giai nhân để yên trong nắm tay Nguyễn. Kia rồi, một giòng suối róc rách rì rào từ ngàn xa đưa lại, chảy leo tràn trên những khuôn viên đá tảng phẳng lì không biết rõ bị xâm thực từ nguyên đại nào. Cả hai thực-hữu sinh linh dìu nhau ngồi trên bờ suối, một cánh bướm nhởn nhơ trên bãi cỏ xanh vội vàng chấp chới bay vụt đi mất, đất trời yên tĩnh, để mặc tự do hai tâm hồn sinh linh tình tự. Mai nhi cùng Nguyễn nằm dài trên bãi cỏ xanh, mơ màng, vuốt ve, ôm ấp, tiên nữ nhắm mắt, mặc gió từ rừng xa đưa lại; thì ra những khách tu tiên đạt đạo vẫn còn khao khát ân tình.
Cuộc sống lứa đôi giữa cảnh tiên phải chăng là cuộc sống phối ngẫu vợ chồng? Phải mà chẳng phải. Bạch Viên Tôn Cát, huyền thoại giữa một tiên nữ con vươn trắng bị đọa giao ước cùng tục nhân Tôn Cát. Bích câu kỳ ngộ, một tiên nữ Giáng Kiều kết duyên giai ngẫu qua ( Người đẹp trong tranh( cùng với Tú Uyên. Riêng nàng Tấm thực sự là một cô tiên bị đọa, kết duyên hờ cùng với một đấng quân vương không có chân dung, không có khuôn mặt. Nguyễn, Mai nhi không cùng chung sống như đạo vợ đạo chồng, không giá thú, chỉ sống tận hưởng hoan lạc ái ân xác thịt qua ngày đoạn tháng.
Nguyễn thức giấc từ lâu, nằm mở mắt nhìn lên mái ngói. Mai nhi vẫn ngủ say bằn bặt giấc nồng sau giờ phút tận hưởng đam mê hoan lạc. Nguyễn choàng người ôm lấy giai nhân khiến Mai nhi tỉnh giấc, tuy mắt vẫn nhắm lim dim.
Dậy đi em, đừng ngủ nữa, trời sáng rồi.
Anh biết hiện giờ canh thứ mấy không?
Nguyễn tính nhẩm trong miệng thực nhanh: đêm năm canh ngày sáu khắc; năm canh máu chảy đêm hè vắng, sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. Ban ngày cuốc mửa máu, ban đêm cuốc ngã lăn ra chết.
Có lẽ canh tư hoặc nhiều lắm canh năm, gà gáy sang canh đã lâu. Nguyễn chuyển tiếp đổi sang câu chuyện:
Em làm những công việc gì trong công tác được giao phó? Theo dõi dò la anh phải không? Em đã báo cáo tường trình gì về anh sau một thời gian theo dõi anh sát nút?
Tiên nữ có vẻ bất bình:
Em chẳng có công tác gì để báo cáo cả, chỉ cùng anh rủ nhau đi du ngoạn, chỉ cùng anh tham dự những dạ hội đờn ca xướng hát, và chỉ cùng anh dỗ một giấc ngủ cô miên, giấc ngủ một mình, như thế đã đủ chưa, thưa anh? Anh làm như em là điệp viên, báo cáo mật không bằng. Gương mặt Mai nhi khẽ cau nét liễu. Nguyễn vội vã ôm người ngọc vào lòng xoa dịu vỗ về:
Anh xin lỗi! Chẳng qua bởi tính tò mò hiếu kỳ nên em mới hỏi hơi quá sỗ sàng, em bỏ qua cho anh. Nhưng này, anh hỏi thật em và em nên trả lời một cách thành thực.
Anh cứ hỏi tự nhiên, nếu biết, em sẽ trả lời cùng anh.
Em làm công tác gì khi em cùng tiếp xúc gần gũi thân mật cùng anh, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, đắp cùng chăn, lau mặt cùng khăn, uống cùng một chén?
Trầm ngâm giây lát, Mai nhi cất tiếng mặc cả, pha thêm một chút bỡn cợt:
Em muốn biết em phải đảm đương nhiệm vụ công tác gì phải không? Ðâu có dễ dàng như vậy được. Anh muốn biết, phải trả bài cho em, chịu không?
Nguyễn kẽ bẹo má lúm đồng tiền giai nhân:
Em ghê thật, gớm thật! Em bất kể lúc nào cũng bắt anh phải trả bài. Em muốn anh phải trả bài học gì nào?
Bất cứ bài học nào miễn là anh phải học thuộc lòng như cháo, đọc vanh vách. Nếu anh thuộc bài, thầy giáo sẽ cho điểm cao.
Thầy giáo hay cô giáo? Ví bằng anh không thuộc bài, anh lỡ quên thì sao, thưa cô?
Thì cô giáo bắt học trò quỳ gối chớ còn gì nữa. Nguyễn ôm bụng cưởi hích hích.
Ðược, anh sẽ cố gắng giữ lời hứa. Thế em hiện giờ đang công tác gì?
Em làm công việc trông nom chăm sóc trong lúc anh (tạm trú( tại tòa lâu đài này. Sở dĩ em phải chọn tính từ (tạm trú( bởi em không biết phải chọn tính từ nào thích hợp hơn. Riêng tính từ ( thường trú( em nghĩ không chính xác bởi tiên giới không bao giờ là một cảnh giới trường cửu vĩnh viễn lâu dài bất tận. Tiên giới chỉ là cõi tạm. Anh vốn biết kinh sách Phật giáo thường đề cập kinh Thủ Lăng Nghiêm chớ, trong đó nhiều chương nhiều phẩm bàn về nói về Mười phép Tiên, em được một đại phước trong mười phép đó:Ðịa hành Tiên vì em đã khổ tu ăn đồ bổ trường kỳ. Nhưng dù được thành tiên sóng lâu nghìn tuổI vạn năm, tiên như em trước sau gì rồi cũng mãn kiếp hết kiếp. Trước sau gì rồi em cũng chết, cũng trở về cát bụi, cũng chuyển lưu trong kiếp luân hồi triền miên trong lục đạo. Sinh ký tử qui, sống gửi chết về. Cũng thế, anh được tu thành chánh quả hóa làm tiên, sống cảnh non Bồng nước Nhược, em có bổn phận theo dõi sinh hoạt của anh cho tới lúc thời gian trong cõi tiên của anh mãn hạn. Theo sự tích trẻ con nhi đồng kể lại, em được xem như ( ông thần ống chỉ(: hoàng tử sốt ruột vì thời gian trôi đi quá chậm, vội vàng kéo cuộn chỉ bung nhanh hơn, hoàng tử trở thành một thanh niên trai tráng sinh lực tràn đầy sung mãn, rồi lập gia đình, rồi sinh con, rồi phút chốc trở thành một đàn ông trung niên và sau cùng thành một ông lão; lúc ấy hoàng tử giật mình nhưng than ôi quá muộn, muốn quấn cuộn chỉ trở lại hòng mong mình được trẻ như ngày xưa thuở trước nhưng thời gian rất mực tàn nhẫn: thời gian bất khả phản hồi. Vị thần Thời Gian là một chiến sĩ bắn cung, một khi tay buông thả mũi tên thì mũi tên bay vào không gian bất khả phản hồi. Le temps est irréversible. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Nhà văn quá cố Marcel Proust đã hữu lý khi muốn nhưng bất lực:( Tìm lại Thời Gian đã mất, A la recherche du temps perdu(.
Nguyễn trầm ngâm vô ngôn một lúc, nổi trôi về giòng sông dĩ vãng của khung trời quá khứ. Bấy giờ đã cuối đông, nắng vàng trên quê hương rực rỡ chuẩn bị thời khắc giao mùa. Bấy giờ là ( Một buổi chiều xuân, một buổi chiều xuân êm đềm và ấm áp. Tựa lưng vào gốc tre già, Nguyễn cùng bạn mơ màng trông ra cánh đồng xa; dưới nắng chiều xuân nhạt, lơ thơ mấy đám mây hồng. Một ngọn gió chiều từ xa hiu hắt đưa lại...(
Còn anh, anh biết từ lúc nào anh được thành đạt đạo tiên không? Mai nhi đột nhiên cắt dòng mơ mộng của tiên nam.
Suy nghĩ trong chốc lát, Nguyễn cất tiếng, cốt ý thăm dò thực chất thời gian:
Kể từ khi anh rong chơi ở cảnh giới này, ngày tháng phôi pha đã được bao lâu?
Mai nhi cố gắng giải thích:
Một ngày anh sống tại tòa lâu đài này tương đương sáu tháng phàm nhân sống tại trần thế dương gian. Nói khác đi, một phàm nhân sống tại trần gian dài bằng sáu tháng phàm nhân đó ở miền bắc cực hoặc miền nam cực. Mùa hè xích đạo tương đương mùa đông bắc cực hoặc nam cực; một ngày tương đương sáu tháng. ( Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai), ( một bước) chính là một trăm năm, một thế kỷ ở trần gian. Có thể nói: sống ở cõi tiên nửa năm bằng sống ở trần gian một trăm năm, bằng một thế kỷ.
Sao, bây giờ học trò chịu trả bài cho thầy giáo, cho cô giáo chưa? Mai nhi giục khách .
Làm tròn bổn phận, Nguyễn nằm dài, xuôi hai tay nghỉ, mắt lim dim. Người đàn bà cũng nằm dài, hai tay buông thả, mắt lim dim dường như cố tận hưởng những phút giây hoan lạc còn sót lại. Cả hai thực hữu đều thích sống riêng một thế giới cô đơn riêng lẻ. Post coitum, alle animal triste. Sau cơn giao hợp, mọi vật đều buồn. Nguyễn thả tâm thức linh hồn mênh mang bềnh bồng nổi trôi về nơi xưa chốn cũ. Dòng sông nhỏ buổi chiều Nguyễn một mình tha hồn vẫy vùng tắm mát, một mình thả cần dưới đáy sông câu cá bống cá trắng; tối ba mươi trước trừ tịch Giao thừa khách sắm Tết vội vàng hối hả bay xe gắn máy xe đạp về nhà kịp đón Giao thừa rước ông bà đón xuân, để tai nghe bếp lửa rộn ràng sôi sục những đòn bánh chưng bánh tét mọi người quây quần quanh bếp đỏ hừng hực chuyện trò rôm rả; Nguyễn ước mơ ( Nhạc thanh bình( ca vang chán ghét cuộc chiến tương tàn súng đạn đì đùng nổ thâu đêm, tiếng gà trở canh khuya về sáng, tiếng chó văng vẳng sủa đênm trăng, tiếng cuốc đêm hè khắc khoải bóng nguyệt mờ...( quê hương ôi, tóc sương mẹ già yêu dấu, tiếng ru nỗi niềm thơ ấu, cánh tay êm tựa mái đầu ôi bóng hình, từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu...)
Tình quê hương, Nguyễn thầm nhủ một mình. Phải, trời bể châu báu ấy cũng không cám dỗ thuyết phục được chút trống trải trong lòng ấy, nhưng mùi một cây cà chua hắt hắt, thoáng một khuôn mặt quen quen, một giọng thương yêu cũng đủ làm ta sung sướng đến tần ngần.
Nguyễn trở mình, luồn bàn tay xuống bộ phận đùi non vuốt ve Mai nhi, khẽ bảo:
Này em, anh muốn nói điều này.
Mai nhi vẫn nhắm mắt, vẫn bất động, động môi thì thầm:
Gì vậy anh?
Anh muốn trở về quê hương, anh nhớ nhà quá sức, em ơi. Em vui lòng xin phép bà nữ chúa tiên cho anh trở về trần giới đi em.
Anh muốn về cứ về, đường xưa lối cũ cứ thế mà đi, không ai cấm cản anh hết.
Anh đâu biết đường đi nước bước ngày trước, giờ đây anh quên hết.
Hóa ra ( con ong đã tỏ đường đi lối về! Ước cũ duyên thừa có thế thôi!) Một khi về trần, anh sẽ quên em không còn nhớ gì tình xưa nghĩa cũ nữa, rõ phường bội bạc!
Nguyễn ôm chặt vòng ôm, vỗ về thân thiết:
Em đừng nói thế tội nghiệp cho anh. Một khi về trần, anh sẽ không quên em, người đã ban anh một hạnh phúc tuyệt vời có một không hai, anh sẽ không quên những kỷ niệm phấn son chăn gối... anh sẽ... Chẳng qua vì anh quá nhớ cõi trần, thương cha nhớ mẹ mà anh buộc phải về trần, em hiểu giùm anh.
Tiên nữ lạnh nhạt:
Em chỉ trình sự việc lên nữ chúa tiên, em không dám có ý kiến gì.
Ðược, em sẽ trình niềm ao ước mong muốn lên nữ chủ nhân giùm anh. Anh cám ơn em.
Mai nhi liếc xéo người đàn ông, lặng thinh. Ánh nắng ban mai bắt đầu le lói trên hàng cây, hai thực hữu cùng trở dậy, chỉnh trang y phục đoạn cả hai bước ra phòng khách tòa lâu đài. Mai nhi bước vào nội cung báo cáo sự việc khách lâu đài muốn trở lại trần gian sau một thời gian tạm trú. Nguyễn lần này mới thực sự cảm thấy giá trị ý nghĩa của sự chờ đợi, la vie, cõest lõattente, sống là chờ đợi.( Thuở đợi chờ, ôi, thời gian rét lắm(( Huy Cận. Tình tự) (Biết bao giờ hè mới lại cùng ta? Ðể tha hồ chân nhảy miệng reo ca((Ký ức ngày hè).
Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình. Nghe tiếng nói chẳng thấy hình dáng. Một giọng ( nữ nhân) cất tiếng nói nhưng mang tiếng nói của người vang lanh lảnh:
Ðã muốn trở về địa giới rồi ư, sao sớm làm vậy? Thời gian người tạm trú nơi đây chẳng được là bao. Nhưng thôi, muốn ở hoặc muốn đi, ta cũng không ép nài. Không có gì quý hơn độc lập tự do, người đà biết rõ.
Mai nhi rụt rè cất tiếng:
Bẩm, đường trần gian sẽ phải đi lối nào? Thiếp nhớ không lầm thì đường lên tiên giới đã lấp, sương trần gian che lấp lối về nguồn còn đâu.
Ta sẽ ban cho người một con hạc làm phương tiện di chuyển.
Thưa... tiên nương, bạch hạc, hoàng hạc hay hồng hạc ạ?
Ta có chồng đâu, có phối ngẫu đâu mà người gọi ta là tiên nương.
Thưa tiên cô,,,
Chỉ cấp một bạch hạc, một hạc trắng, không thể cấp hạc vàng được, bởi một khi đưa người về trần thế, hạc trắng sẽ bay về cảnh cũ, không được rong chơi lang bạt kỳ hồ như... như hạc vàng: hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, hoàng hạc một đi chẳng trở lại.
Hồng hạc không có ở cảnh này.
Ðã bao giờ có hạc vàng đâu,
Mà có người tiên để có lầu?
Tưởng hạc vàng đi, mây trắng ở,
Lầm Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau.
Hạc chưa ra khỏi mê hồn kịch,
Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu.
Trăng gió hững hờ như khói sóng.
Nồi kê chin tới nghĩ càng đau.
Ðợt nắng cuối đông le lói rải rác trên sườn đồi. Một tốp người già, đàn ông, đàn bà, con gái, tráng đinh, lật đật tất tả đi họp chợ phiên, mang theo trâu, bò lợn, gia cầm chen chúc lúc nhúc thò đầu thò cổ ra ngoài. Nguyễn chăm chú nhìn đàn gà đàn vịt: một con gà trống mồng đỏ, ngả nghiêng trong lồng tre, chốc chốc cất tiếng gáy; Nguyễn hình dung quê nhà quê hương thiếu thời nào có khác chi một rặng núi non hiểm trở trùng trùng điệp điệp tựa chóp nhọn mồng gà trống.
Nguyễn sực nhớ lúc mang túi vải lội suối băng rừng vượt núi trèo non hái lá tìm thuốc. Con người ai ai cũng sinh cũng lão cũng bệnh cũng tử cũng sống cũng già cũng bệnh rồi cũng chết. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Vậy tại sao Nguyễn không cố tìm được dược thảo lấy thuốc chữa bệnh, trước là trị bệnh bản thân, sau là chữa bệnh tha nhân cứu người làm phúc? Nguyễn từng biết tên những loại dược thảo trị được nhiều chứng bệnh, từ loại trị bệnh thông thường tới bệnh hiểm nghèo nan y: trần bì, cam tháo, đại táo, nhân sâm, hà thủ ô, tang ký sanh, hoàng kỳ, đỗ trọng, sanh địa, kỷ tử, hoàng cung công chúa, mã tiền, đương qui, quế chi,bạch truật...
Tự nghìn xưa, người đời chẳng ai không chết, cổ nhân có nói, điều ấy là cái chân lý bất di bất dịch nhưng thiết nghĩ cũng phải nói thêm rằng ( nhân sinh tự cổ thùy vô bệnh (, tự nghìn xưa người đời ai chẳng bệnh. Trong sách Xuân Thu Chiến Quốc, Hoàn Hầu bệnh nhân nổi tiếng của danh y Biển Thước đã mất vì bệnh mà ông ta không biết mình mắc bệnh.
Biển Thước một hôm đi thăm vua Hoàn Hầu nước Tề. Vừa trông thấy, Biển Thước nom sắc diện nhà vua, đoạn nói:
Nhà vua đang bệnh, bì phu không chữa, sợ đau nặng.
Hoàn Hầu ngắt lời:
Ta vô bệnh.
Vài ngày sau, Biển Thước lại đến thăm Hoàn Hầu, Biển Thước nói:
Nhà vua có bệnh, chất độc đã ngấm vào thịt, nếu không chữa, về sau e khó lòng.
Vua nước Tề vẫn một mực:
Ta đã bảo là ta vô bệnh. Ðợi lúc Biển Thước đi rồi, Hoàn Hầu mỉa mai châm chọc:
Thầy thuốc này lý tài lắm, muốn chữa bệnh người khỏe mạnh để lấy tiền công.
Vài hôm sau, Biển Thước một lần nữa đến thăm Hoàn Hầu, nhưng lúc vừa mới gặp mặt nhà vua, Biển Thước quày quả lật đật bỏ đi. Hoàn Hầu trông thấy lấy làm lạ, cho người đến hỏi, vì cớ gì bỏ đi như vậy, Biển Thước đáp:
Bệnh ngoài da còn xoa, còn đấm bóp được. bệnh xâm nhập vào thịt còn châm còn chích được. Nay bệnh đã xâm nhập vào gân, vào cốt tủy coi như hết thuốc chữa. Nay nhìn bệ hạ có sắc diện như thế, tôi phải vội vàng bỏ mà đi.
Ít lâu sau, Hoàn Hầu lâm bệnh, bèn sai người đi tìm Biển Thước, nhưng bậc danh y Biển Thước đã bỏ sang Tần rồi. Quả nhiên bệnh của Hoàn Hầu không thầy thuốc nào chữa được. Hoàn Hầu mất.
Nguyễn ngơ ngác nhìn cảnh vật chung quanh, thấy lạ hoắc như chưa chứng kiến cảnh trí bao giờ. Cố hồi tưởng bằng trí tưởng tượng phục hồi, Nguyễn thấy triền con sông cũ, cánh đồng lúa chín ngày xưa Nguyễn thường ra thả diều mỗi khi chiều xuống, giờ này đã khác, con sông giờ này đã cạn khô được bắc ngang bằng một chiếc cầu vững vàng kiên cố, bộ hành ngược xuôi qua lại dập dìu còi xe inh ỏi; cánh đồng lúa chin giờ đây được thay thế bằng một sân golf bằng phẳng thảm cỏ xanh um, chung quanh được điểm xuyết bằng một dãy biệt thự cao ốc; ngôi trường làng cũ ngày trước học trò tới lớp ê a buồn ngủ được thay bằng một bãi chợ chồm hổm kẻ mua người bán huyên náo ồn ào và ngôi đình năm xưa giờ đã bị đập phá tan tành, được kiến trúc thành một trụ sở của ủy ban hành chính hội đồng chức sắc địa phương phường xã. Cảnh trí ngày nay không khác chi một cảnh trí nước ngoài. Cảnh xưa phải chăng được thiết lập bằng một cảnh giới ý tưởng của một tiền kiếp( le monde des idées) và được gợi lại bằng một hồi tưởng(réminiscence) như triết gia Platon đã nói?
Vẫn biết nhân sinh là cõi tạm,
Thiên đường đã mất, lạc Thiên Thai.
Chân trời góc biển nhiều mây xám,
Dấu vết người xưa nét chửa phai.
Vĩnh biệt Mai nhi buồn cũng nhỏ,
Trần gian vẫn nhớ chuyện trên trời.
Hạc vàng vỗ cánh muôn năm trước,
Ai biết nghìn sau rộng mấy khơi?
Ðào nguyên đâu nữa bóng chàng Uyên?
Sông núi thô sơ bặt tiếng huyền.
Có lẽ hồn ta không đẹp nữa!
Nét trần thôi họa bức thiên duyên./.
Võ Doãn Nhẫn