Nov 21, 2024

Biên khảo

Một Lối Vào Vườn Thơ Đường kỳ XI
Hoàng Xuân Thảo * đăng lúc 06:22:59 PM, Jul 28, 2017 * Số lần xem: 1128
Hình ảnh
#1
#2

                    MỘT LỐI VÀO ĐƯỜNG THI

                                                   KỲ 11

  

Tam anh khiển hứng :

Hướng dẫn đề tài : Nguyễn Đương Tịnh (Pháp)

Cộng hưởng :         Hoàng Xuân Thảo (Canada)

                               Nguyễn Văn Bảo (Hoa Kỳ)

 

 Tranh Nguyễn Sơn – Nắng thu


ĐIỂM THƠ:

                         Lưu Vũ Tích – Nguyên Chẩn – Đỗ Mục – Trương tịch

                    Lý Bạch – Bạch Cư Dị – Triệu Hỗ – Đỗ Phủ

                    THU / TIẾNG THU TRONG THƠ ĐƯỜNG 

 

            Thưa quí bạn,

Được Hoàng Xuân Thảo trao bút, bỉ nhân bèn tìm đề tài cho kỳ 11. Lần này bỉ nhân đề nghị chúng ta cùng bàn về Thu và Tiếng thu trong thơ Đường. Thơ nói về thu thì nhiều vô kể nên chỉ chọn những bài nào mình thích dịch và ngâm nga. Hai bạn Hoàng Xuân Thảo và Nguyễn văn Bảo sẽ cùng chúng ta góp vui như thường lệ.


   Mùa hè năm nay nóng quá. Mới chỉ đầu mùa mà ánh nắng và hơi nóng đã hừng hực thật là khó chịu. Thiên hạ rủ nhau đi tắm biển hoặc đi thật xa đến một nơi nào mát hơn để trốn «cái nóng nung trời nóng nóng ghê ». Điền Khải bắc ghế ngồi trước hiên luôn tay một chiếc quạt giấy phe phẩy đuổi cái nồng nực nó như tấm chăn ẩm vô hình chùm lên đầu lên cổ. Đấy là hình ảnh của chàng chỉ mới cách đây hai tuần lễ. Hừm ! Đã hai tuần liên tiếp như thế, cây cỏ đều ngắc ngư vì khô héo.

   Hôm nay trời đã dịu đi nhiều lại được mấy cơn mưa vào lúc nửa đêm, mọi vật như hồi tỉnh. Cũng vẫn theo thói quen hàng ngày chàng ra ngồi trước hiên trông xuống mặt sông Seine. Đàn hải âu thân hình óng ả trắng như tuyết cũng đang tưng bừng bay lượn la đà trên sông, chúng đảo qua đảo lại nhào lộn thật tài tình. Có lúc một con tầu chở khách du lịch lao trên mặt sóng, chúng rủ nhau lượn theo tầu như một đội quân dàn chào đón người phương xa. Hình ảnh ấy gợi chàng nhớ đến năm ngoái lúc mới dọn đến đây là vào tháng mười giữa thu, lũ chim nhạn từng đoàn đông đến mấy trăm triệu con bay dọc theo hai bờ sông. Thoạt đầu Điền Khải cứ tưởng là những đám mây đen nho nhỏ ở giữa lưng chừng trời. Mà chỉ trong nháy mắt những đám mây xà xuống rất thấp. Ôi ! Chàng nhận ra lũ chim trời. Đông quá ! Mà lạ thay, chúng chuyển hướng bay qua bay lại thật nhanh đều một loạt mà không con nào đụng phải con nào, con nọ chỉ cách con kia chừng độ vài gang tay. Chàng đứng lặng ngỏng cổ nhìn chúng, say xưa theo dõi chúng. Có lúc chúng xà xuống ngang mái nhà, chàng nhìn thấy rõ từng con, chỉ nhỏ như con chim se sẻ mầu nâu đậm, tiếng vỗ cánh rào rào lẫn tiếng kêu chim chíp nghe thật âu yếm dễ thương. Dân ở âu châu gọi chúng là oiseaux migrateurs (di cầm). Quê hương của chúng ở tận phương bắc. Cứ đến mùa này chúng rủ nhau về phương nam để trốn cái lạnh. Sang xuân chúng mới lại trở về quê. Hình ảnh ấy khiến chàng sực nhớ đến Lưu Vũ Tích trong bài thơ tứ tuyệt :                  

 

Thu Phong Dẫn                                         Gió Thu Ca

Hà xứ thu phong chí                                   Gió thu từ đâu đến

Tiêu tiêu tống nhạn quần                           Tiễn nhạn bay từng đàn

Triêu lai nhập đình thụ                               Sớm đậu cây trước ngõ

Cô khách tối tiên văn                                  Mình ta nghe trước tiên

 

   Quả thật người đời đã phải gọi là “tiếng thu”, không sai tí nào. Cứ vào khoảng

giữa và gần cuối thu, lúc nhá nhem tối, sau khi đã nhào lộn bao phen không biết mỏi cánh, lũ chim trời táp xuống đậu kín trên các vòm cây dọc bờ sông Seine, tiếng chúng gọi nhau xao xác cả một vùng.

   Nhưng Lưu thi sĩ còn cho chàng thấy trời thu trong suốt như bích ngọc trong bài thơ dưới đây:

 

Thu từ                                                         Tiếng thu

Tự cổ phùng thu bi tịch liêu                        Thuở trước xem thu đáng chán thôi

Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu          Ta cho thu vượt trội xuân rồi

Tình không nhất hạc bài vân thượng         Trông kìa!Cánh hạc lên mây vút

Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu                   Thi hứng dâng theo ngút tận trời

 

   Không có gì đẹp tao nhã và tinh khiết bằng tận mắt nhìn cánh hạc tung cao lên tít tận trời xanh, hình ảnh này luôn thấy được trên những bức tranh thủy mặc, trên những cõi tiên bồng. Nó gợi Điền Khải nghĩ ngay đến bài “Tống Biệt” của Tản Đà đã được viết thành nhạc:

 

               “…Đá mòn, mây nhạt, nước chảy, huê trôi.

                    Cái hạc bay lên vút tận trời

                    Trời đất từ nay xa cách mãi

                    Cửa động đầu non đường lối cũ…

                    Ngàn năm thơ thẩn ánh trăng chơi.

 

   Không còn có gì tuyệt vời bằng khi nghe giọng ca Thái Thanh cất lên, lời thơ và âm hưởng cứ quyến lấy nhau, Điền Khải nhắm mắt lại. Chàng tưởng mình cũng đang lạc bước trên cõi Thiên Thai thuở nào…

   Không biết tại sao mùa thu lại gợi hứng cho các thi nhạc sĩ nhiều đến thế. Bài “tiếng thu” của Lưu Trọng Lư vừa cho chàng nghe được tiếng thu mà lại cho chàng thấy cả hình ảnh của rừng thu, của con nai vàng đang ngơ ngác ngập ngừng bước trên đống lá khô. Điền Khải cũng chẳng biết tại sao mùa thu thường khiến lòng mình thổn thức, cũng chẳng biết thổn thức vì đâu nữa. Có lẽ chỉ có những tâm hồn xa nhau mới cảm nhận được hết cái ý sâu đậm của trời thu và thiên nhiên cũng cảm thông lòng người nên đã gọi gió làm lá vàng héo khô rơi lả tả.

   Cũng vì thế Trương Tịch đã làm bài thơ sau đây:

 

Thu Tứ                                                         Ý thu

Lạc Dương thành lý khiến thu phong       Thành Lạc thu về gió nhẹ hanh

Dục tác gia thư ý vạn trùng                      Thư nhà muốn viết ý chưa thành

Phục khủng thông thông thuyết bất tận    Lại phiền cứ sợ chưa ghi hết

Hành nhân lâm phát hựu khai phong       Sắp gửi đi còn mở đọc nhanh

 Tranh Nguyễn Sơn – Nai thu

 

Thật sung sướng biết bao khi Điền Khải hiểu ra rằng nếu không có thiên nhiên kia, nếu không có mùa thu kia thì lòng người khi xa nhau biết thổn thức cùng ai! 

   Thiên nhiên cũng khéo đa tình, đã làm cho lá vàng rơi nhưng sao lại cho hoa nở cũng mầu vàng. Thế thì màu vàng đâu phải là mầu của chết chóc như trong bài nhạc “thu vàng” của Cung Tiến: “…nhặt lá vàng rơi xem mầu lá còn tươi, nghe chừng như đây mầu tê tái!”. Nhưng màu vàng của hoa cúc lại là thứ hoa tiêu biểu của mùa thu. Vì hoa cúc khi nó đã tàn thì mùa thu cũng không còn nữa. Hoa cúc tàn rồi thì kẻ thường chơi hoa cũng không còn hoa nào khác để ngắm nữa, như lời thơ của Nguyên Chẩn trong bài thơ sau đây:

 

Cúc Hoa                                                   Hoa cúc

Thu tùng nhiễu xá tự Đào gia               Giống Đào thi bá cúc quanh nhà

Biến nhiễu ly biên nhật tiệm tà             Bên dậu nghiêng nghiêng ánh nắng tà

Bất thị hoa trung thiên ái cúc               Nào phải yêu cúc hơn hoa khác

Thử hoa khai tận cánh vô hoa              Cúc tàn là hết, hết chơi hoa

 

   Các thi nhân đời Đường thường làm thơ ca tụng vẻ đẹp của mùa thu, nét buồn vơ vẩn của mây thu. Riêng Đỗ Mục đã làm bài thơ cảm thán các cô cung nữ buồn vì vua lâu ngày quên đến, hay chăng vua đã có người khác nâng khăn sửa túi rồi! Các cô chỉ còn tư lự sầu bi ngồi bên thềm cung nhìn từng con đom đóm bay lập lòe trong đêm đen tối mà nghĩ cuộc đời mình cũng giống như những con vật nhỏ bé kia, le lói được bao lâu. Đom đóm là loài côn trùng chỉ xuất hiện vào cuối hạ đầu thu. Tuy chỉ là khinh vật nhưng đã được thi nhân đưa nó vào thi đàn một cách tài tình như sau,

    Điền Khải rung đùi ngâm khe khẽ:

 

Thu Tịch                                                  Đêm thu

Ngân chúc thu quang lãnh họa bình      Ánh nến đìu hiu chiếu họa đồ

Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh       Tay cầm quạt đuổi đóm bay qua

Thiên giai dạ sắc lương như thủy           Thềm cung lạnh lẽo như ngâm nước

Tọa khán khiên ngưu chức nữ tinh         Ngồi ngắm Chức, Ngưu cõi mịt mờ

 

   Con đom đóm kia đã từ đầm lầy trong khóm hoa bèo lạnh lẽo bay lên không trung, nó tượng chưng cho người hèn hạ gặp may bước lên chốn cao sang. Chúng lập lòe làm tín hiệu trong đêm để gọi nhau hưởng cuộc ái ân, nhưng các nàng cung nữ trên thềm cung dầm sương đêm buốt giá biết gọi ai bây giờ ! Cố trông theo dõi ngôi sao Chức Nữ, Ngưu Lang nhưng cũng chỉ thấy mịt mờ sương thu, như tương lai của chính thân mình.

    Điền Khải bỗng nhiên thở dài, vừa ngâm xong bài này chàng thấy tâm hồn lắng xuống, nặng chĩu và buồn. Cái buồn vương vấn của hơi thu đeo đuổi chàng mãi vào giấc ngủ.

 

   Một đêm trôi qua êm đềm như sương thu, Điền Khải bừng tỉnh trong tia nắng chiếu qua mành. Ngồi bật dậy. Hôm nay trời hơi lạnh. Chàng đi tìm chiếc áo len mỏng để khoác lên vai cho ấm và bước ra hiên, lững thững một mình dạo chơi dọc bờ sông Seine. Lũ chim vành khuyên láu lỉnh nhảy nhót chuyền cành trên chòm liêũ cao chót vót. Chúng tranh nhau tìm chỗ đậu. Cao hứng chàng se sẽ ngâm lời thơ của Triệu Hổ:

 

Hàn Đường                                            Đê lạnh

Hiểu phát sơ lâm thủy                             Sớm ra sông chải gội

Hàn đường tọa kiến thu                          Đê lạnh thấy heo may

Hương tâm chính vô hạn                        Bỗng nhớ quê mòn mỏi

Nhất nhạn độ nam lâu                            Mái nam nhạn một bầy

 

Ngâm xong chàng bỗng bật cười nghĩ đời xưa chưa có phòng tắm hay sao mà phải ra sông rửa mặt gội đầu chải tóc. Nhưng nhớ lại hình dáng các cô gái quê xưa bên nhà cũng thật dễ thương khi các nàng cũng thường ra bến sông hay bến ao hồ giặt rũ, hình ảnh ấy đã làm chàng ấm lòng. Chàng suy nghĩ miên man và bỗng nhận thấy cuộc sống đầy đủ tiện nghi bây giờ đã làm hao mòn dần vẻ nên thơ dịu dàng trong cách sống của người xưa không biết tự lúc nào rồi.

 

Nguyễn Đương Tịnh

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.