Bà ơi! Cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mua quà về cho...
Trên đây là hai câu thơ của một bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa cấp tiểu học, phổ biến rất sâu rộng, hầu hết mọi người đều biết, lâu lắm rồi, mô tả tâm trạng em bé có bà nội, bà ngoại đi đâu, lúc trở về, cũng không quên mua đồng kẹo bột, cái bánh đa, hay mấy quả ổi,quả mận, để vừa bước qua ngưỡng cửa , đã cố đứng cho thẳng cái lưng còng, với lòng sung sướng, vừa cười vừa đưa cho cháu nhỏ, cho cháu nó mừng, nó yêu.
Đó là hình ảnh quen thuộc nơi khung cảnh nhà quê quê nhà, ở đấy trẻ em ít khi biết đến và mơ tưởng các thức bánh trái ngon lành, đắt tiền nơi tỉnh thành, nên quà chỉ là mấy trái chuối củ khoai, cái bánh bò, bình dân, ăn chơi chơi ngoài bữa cơm, có thì làm liền, không có thì thôi, chẳng sao, vậy mà mỗi lần đang mải mê nô đùa cùng bạn hữu trước ngõ, bỗng cảm thấy một bàn tay quen thuộc nhẹ nhàng đặt lên vai, bàn tay da đã nhăn nheo vì tuổi tác, bàn tay già nua mà mềm mại, bọn trẻ chợt ngước nhìn lên, lập tức biểu lộ ánh mắt reo vui: “Cháu rất yêu bà, bà ơi!”
Chẳng những bà cháu trong gia đình, không phải chỉ ngày xưa mới thế, như một tập tục phổ biến, tới bây giờ ai nấy đều biết, mọi người thân thuộc, bằng hữu, gần xa đối với nhau, tùy theo tuổi tác, tùy theo hoàn cảnh, thường thù tạc tương tự mỗi lúc đến thăm nhau, mỗi lần đi xa về hoặc ngay cả khi không gặp mà nhớ thương nhau cũng vậy.
Cũng vậy, nhằm mục đích biểu lộ tình thân thiết, vào mấy dịp có tin mừng, lễ hội trọng đại, như là thi đậu, Tết Nguyên Đán, Giáng Sinh, đám cưới… chúng ta tặng quà qua lại cho thêm gần gụi, vui vẻ, tưng bừng.
Được tin ngày mai có bạn cũ từ Huế đáp xe lửa vào chơi phải không? “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!”. Ôi chao là vui, cũng lâu lắm chừ mới gặp, và còn vui hơn nữa, không chờ đợi, nhưng thật bất ngờ, ngay tại sân ga, khi mới nhìn thấy cố nhân, thấy ngay mấy chiếc nón bài thơ mỏng mảnh dễ thương làm sao, sau đó, về nhà, khách lại còn mở túi hành lý để trịnh trọng lên bàn vài hộp mè xửng, chưa ăn đã cảm được cái vị thơm phức, ngọt lừ… Bạn phương xa tới lễ mễ, ôm đồm vài món sản phẩm địa phương làm quà, nghe gia chủ hân hoan khách sáo trách yêu: “bầy vẽ quá”, mà bụng dạ hài lòng, thoải mái, hết cả nỗi mệt nhọc, bụi bậm đường dài.
Ở Hà-Nội có món cốm làng Vòng thơm ngon nổi tiếng, thật là đặc biệt, năm nào, cứ vào dịp tết Trung Thu, khoảng tháng 8 âm lịch, thím Giáo bán vải ngoài chợ Đồng-Xuân cũng nhớ gửi máy bay vô Sài Gòn vài cân, ủ trong lá sen, gói ghém cẩn thận cho ông anh ruột, dân di cư từ 1954, thưởng thức. Ông anh cư ngụ tại Sài-Gòn đã mấy chục năm với nhà cửa, công việc, con cái…như gốc cây cổ thụ, chả muốn nhổ rễ trở về, ở đâu âu đó, ở đâu thì cũng là quê hương. Song có những món đặc sản quê hương thì chẳng bao giờ quên được.
Còn cái chuyện người bốn phương bây giờ, mỗi lần về thăm cố quận, khi đi thân thuộc ngóng chờ, lúc về gia đình bè bạn mong đợi khiến cho hành lý qua lại bên ni bên tê, ôm đồm, cồng kềnh như kẻ buôn bán hàng xách, chắc chẳng nói ai cũng rõ.
Huế có nón bài thơ, mè xửng, Hà-Nội có cốm Vòng…những món riêng, thổ ngơi nổi tiếng thật quý để làm quà khi di chuyển từ nơi nọ sang nơi kia, nay giả dụ từ bờ Thái-Bình-Dương làm một chuyến đông du tới gần tượng Nữ Thần Tự Do cách xa cả mấy múi giờ hoặc là bất cứ từ đâu tới đâu, Đông, Tây, Nam, Bắc... thật là lúng túng, chẳng biết kèm theo hành trang ta sẽ mang thứ gì để làm quà cho người sẽ gặp. Đường xá tốt, phương tiện di chuyển nhanh. Ở đâu cũng đầy đủ thượng vàng hạ cám. Phải chăng vì thế mà dân Âu Mỹ đi đâu không thấy họ đặt vấn đề quà cáp, gặp nhau thăm hỏi chuyện trò, kéo nhau đi ăn nhậu rồi có thể sau đó họ còn lấy khách sạn để ở chứ chẳng muốn phiền phức.
Hành sử như thế cả chủ và khách đều thoải mái, không phải bận tâm lo cho nhau, nhưng quả thực, làm vậy, nó thiếu cái tình gần gụi “đêm nằm năm ở”, thiếu cái nợ nần ân nghĩa, qua lại, khiến cho hai bên như còn một khoảng cách, mà phần lớn dân Việt Nam chưa chấp nhận được. Bạn bè từ xa tới thăm ư? Bổn phận của bạn là phải mang theo bàn chải đánh răng, pyjamas đương nhiên đến ăn ở tại nhà tôi bất kể bạn giầu hoặc nghèo, và đấy cũng là nhiệm vụ của tôi bất kể tôi nghèo hoặc giầu, nếu không thì làm sao còn nhìn mặt nhau nữa.
Phần nhiều trong chúng ta chẳng chấp nhận sự sòng phẳng quá Âu Tây như vừa kể,mà đôi khi có cơ hội mình còn tạo dịp “nợ nần vay trả qua lại” để hai bên thêm gần gụi nhau hơn.
Một lần cùng đứng bên “dậu mồng tơi” nói chuyện nắng mưa, tôi móc bóp trả ông bạn hàng xóm mấy chục mượn bữa trước, khi dắt nhau đi phố. Bà mẹ các con tôi nhìn thấy, cằn nhằn, thiếu tiền thì đừng mua sắm, sao lại vay mượn cho phiền phức!
Phiền phức chi đâu! Tôi không đồng ý. Tôi có thể trả check, trả bằng credit card, hoặc là chẳng mua bán, nhưng tôi muốn nhân tiện được “óp-phơ” thì cứ tự nhiên chìa tay cầm đỡ, có qua có lại, hàng xóm, tối lửa tắt đèn, nhằm nhò gì, giữ kẽ là “bế môn tỏa cảng”, người ta khi cần cũng cố gắng tự túc, chẳng dám đề nghị với mình điều gì.
Ý nghĩa của quà cáp thực đẹp, nhưng đôi khi cũng bị lạm dụng để mưu cầu lợi danh, theo nguyên tắc “ông mất cái giò, bà thò chai rượu.” thường là giữa cấp dưới đối với quan trên, mục đích của nó, trường hợp này chẳng đẹp chút nào, kẻ cho hẳn biết, người nhận hiểu rành, xin miễn nói tới cặn kẽ, chỉ kể sơ qua một đoạn trong sách Cổ-Học-Tinh-Hoa, tóm tắt đại ý, có gã thuyền chài hý hửng đem biếu quan lớn sở tại, con cá chép tươi rói, mới lưới được từ dưới sông, nhưng quan không nhận, làm hắn buồn bã tiu nghỉu xách cá cáo lui.
Bà lớn ngồi trong rèm thấy vậy, chẳng biết vì tiếc rẻ hay thương kẻ dân đen, hỏi, quan rất thích ăn cá, nhất là cá chép, loài cá ông Táo dùng cưỡi lên trời dịp cuối năm, cá này ít xương, thịt trắng, thơm, chiên ròn thật ngon mà nấu canh chua làm bổi đưa cay thì càng tuyệt, vậy sao có người mang cho lại từ chối? Quan thong thả vuốt râu trả lời, cũng vì rất thích ăn cá, còn muốn tiếp tục có cá mà ăn nên phải từ chối. Chuyện này rất thâm thúy, chẳng những thực tế, bảo vệ nồi cơm National cho gia đình mà còn nêu gương lành mạnh, đạo đức, có giá trị như một bài học, đáng suy nghĩ nhất là đối với các vị ăn trên ngồi chốc.
Quà cáp nói chung là vật tặng biếu để tỏ lòng quan tâm quý mến. Đôi khi nó rất nhỏ, rất tầm thường như củ khoai, khúc sắn, đôi khi nó rất lớn và hiếm quý như vàng bạc, hột soàn, xe hơi, nhà lầu, nó là vật chất mà ta thường thấy, song nó cũng là tinh thần như tặng nhau một bài thơ, bức vẽ, cánh hoa ép vào cuốn vở học trò, nhưng chảng hiểu nó có thể là… quà vợ! Trong câu “cơm nhà quà vợ!” chăng?
Cho là nhận. Cho cái vật chất để nhận cái tinh thần, giữa một bên là vật chất, một bên là tinh thần khó so sánh, và có lẽ, đôi khi, những gì nhận lại còn lớn hơn là phần cho.
Chữ “quà” thì dễ hiểu rồi, một mình chữ quà cũng đủ rồi, nhưng sao lại thêm chữ cáp, chữ “cáp” nghĩa ra sao, thú thực cũng hơi lúng túng! Tại sao nó lại đi kèm chữ quà! Tầm nguyên tiếng Việt thật khó. Nhân dịp này, nên tìm học rõ ràng. “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” Bèn gõ cửa bằng hữu, vài người còn coi trọng, giữ gìn, nếp sống, tư tưởng chưa xa hẳn với thời buổi cũ, ấy thế mà cũng sau mấy bữa đợi chờ ngong ngóng mới có tiếng chuông điện thoại hồi âm của bạn già Trần-Quốc-Bảo, ông cựu chủ tịch Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ này tính cẩn thận, rào trước đón sau, đối với anh em lúc nào cũng trân trọng, ông cho biết, với sự dè dặt là chữ cáp nguyên thủy có thể là cấp, như cấp bổng, cấp dưỡng…Rồi về sau người ta đọc trại ra là cáp. Quà và cấp là hai sự việc rất giống nhau, rất gần nhau nên thường đi liền nhau như ăn uống, chợ búa… nghe cũng có lý.
Trong lịch sử văn học Việt-Nam có lẽ thi sĩ Tản Đà là người nhận được nhiều quà hơn ai hết, quà có thể là tiền (Năm 1927 ông Diệp Văn Kỳ ở Sài-Gòn cho một ngàn “muốn làm gì tùy ý”) Có thể là bao phí tổn cho một cuộc rong chơi (Ông chủ nhà in Đắc-Lập Bùi Huy Tín mời vào Huế du Xuân Tân-Dậu.) nhưng phần lớn là mấy món ăn ngon mà Tản-Đà ưa chuộng, hào hứng, luôn luôn khen ngợi, tấm tắc khi được mời thưởng thức “ Tối hôm trước cỗ lòng, sáng hôm sau cỗ thịt, ở châu Thanh-Sơn, hai bữa cỗ thật có giá trị.” Thi sĩ thờ chủ nghĩa khoái lạc, chữ của Vũ-Ngọc-Phan, còn kể lể nhiều hơn nữa trong bài “Thú Ăn Chơi”, chẳng hạn: “Tầu qua cửa bể Tourane, người ta đem những rọ hà lên bán thật tươi ngon”. Có người biết vậy bèn đem cho hà, và sau đó ông làm mấy câu thơ cám ơn nhan đề: Cám Ơn Người Cho Hà.
Đương trưa bữa rượu nhà nho
Có anh cầm giấy đem cho rọ hà.
(Trích trong Tản-Đà Vận Văn.)
Tại sao Tản-Đà nhận được nhiều quà như thế?
Tản-Đà không làm quan để cho mấy người như gã thuyền chài o bế mưu cầu này nọ. Cũng chẳng giầu sang khiến kẻ khác mong nhờ vả mượn vay. Vậy thì tôi xin tạm chấp nhận vì ông đáng yêu! Yêu gì? Yêu tài, như chính Tản-Đà đã “chủ Quan” giải thích:
Cám ơn hai chữ “Yêu tài”,
Con đường thiên lý còn dài tấc son.
Tản-Đà, Chơi Huế.
Quý vị hảo tâm “yêu tài” hẳn không bao giờ chờ đợi sự đáp lễ. Còn Tản-Đà được quà thì với cuộc sống nghèo rớt, chỉ biết cảm ơn xuông thôi chứ cũng chẳng làm gì hơn được, ngoại trừ trường hợp liên hệ với nữ sĩ Song-Khê trong chuyện “Rau sắng chùa Hương” sau đây:
Tháng 3 hàng năm là thời gian chùa Hương mở hội, người từ mọi nơi, thiện nam tín nữ, ông già bà lão, tham dự như nước chẩy, đông thật là đông, dịp này thi sĩ Tản-Đà nhớ tới món rau sắng, một thổ sản ở chùa Hương, nấu canh ăn rất ngon, muốn ăn mà ngại đường xa tốn tiền đò, đành ở nhà dùng dưa khú, cà thâm, mới tâm sự qua mấy câu thơ thả trên một tờ báo như sau:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thời khú cái cà thời thâm.
Sau đó câu chuyện còn tiếp tục. Nơi cuốn “Truyện Thế Gian” của Tản-Đà, tác giả kể rằng:
“Khoảng tháng 3 năm nay, tôi có tiếp được một gói gửi nhà giây thép cho, ngoài bọc giấy, trong là rau sắng.”
“Không thấy có đề tên người gửi, xem dấu nhà giây thép, chỉ biết là từ Phủ-Lý gửi lên. Lại cài phong thư cùng tiếp nhận mở xem chỉ thấy ở mảnh giấy có mấy câu lục bát, tức là lời gửi rau sắng; trên không đề là ở đâu gửi đến, đi vào ngày hôm nào, dưới ký tên như một người đàn bà con gái.”
“Lạ thay! Không biết ai! Nhưng hẳn là “một người tình nhân không quen biết.” đây. Nay đã không biết trả lời về đâu mà cảm ơn, vậy nhân “Truyện Thế Gian.” Kính xin nói mấy lời cảm tạ dưới bức ngọc thư của ai và xin lục y nguyên văn.”
Nguyễn Tiên sinh nhã giám,
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thời gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Đỗ Tang Nữ bái tặng.
“Gửi lại nhà” có lẽ gói rau sắng đã được gửi tới Tản-Đà Tu Thư Điếm ở Hàng Gai Hà-Nội, nơi ông đang hoạt động lúc bấy giờ, chứ hai người chưa quen biết nhau, sao có địa chỉ nhà riêng được.
Đoạn văn trên trích từ cuốn Tản-Đà Vận Văn do người anh ruột của tác giả là ông Nguyễn-Mạnh-Bổng, chủ nhân nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành.( theo sách này thì về sau thi sĩ Tản-Đà cũng biết người gửi rau sắng là Song-Khê) Và tiếp theo, nơi sách đã dẫn, ngay đó còn có “Mấy lời cảm tạ”.
Mấy lời cảm tạ tri âm,
Đồng ban là nghĩa, đồng tâm là tình.
Đường xa rau vẫn còn xanh,
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu,
Dẫu rằng xuông nhạt càng nhiều chứa chan.
Nước non khuất nẻo ngư nhàn,
Tạ lòng xin mượn “Thế Gian” đưa tình.
Nguyễn-Khắc-Hiếu bái phục.
Câu chuyện “Rau sắng chùa Hương” tới đây cũng chưa chấm dứt, theo cuốn Việt-Nam Tinh-Hoa của Hương Giang Thái Văn Kiểm thì cho đến năm năm sau, năm 1928, Tản-Đà đã được một văn hữu đưa đến thăm Song Khê, chuyện trò khoảng nửa giờ ở Kiến-An, cử chi này như muốn chứng tỏ câu “Miếng ngon nhớ lâu”, thêm một lần cảm ơn, đáp lễ gói rau sắng xa xưa… nhưng không đề cập tới chuyện cũ, cũng chẳng hề giới thiệu để mãi sau này nữ sĩ mới hay.
Tản-Đà được Song Khê gửi biếu rau sắng mà không biết ai. Song Khê có quý khách đến thăm cũng chẳng rõ đó là Tản-Đà. Cổ nhân ta trước kia tuy nghiêm túc, trang nhã, trịnh trọng mà đôi lúc cũng hay bầy trò ú tim, ỡm ờ, dí dỏm.
Cái dí dỏm này của Tản-Đà nhiều phần làm nữ sĩ Song-Khê sau đó sẽ còn hân hoan, ghi nhớ, trân trọng… lâu dài.
Nguyễn Phú Long
|