Chân Dung Nhà Thơ  Bùi Giáng 

Nguyễn Mạnh Trinh

 
 
 
 


img_3053

(Chân Dung Nhà Thơ Bùi Giáng)

Có rất nhiều tác giả viết về nhà thơ Bùi Giáng. Không biết bài viết của tôi có thừa không? Nhiều nhà phê bình văn học đã phác họa một chân dung văn học với cách nhìn ngắm nhận định tuy chủ quan nhưng có khi lại đóng vai khách quan. Riêng tôi, từ một vai trò của một người đọc thơ, tôi cố gắng đi tìm cảm giác của một người nhận hiểu những điều mà mình thắc mắc từ nhiều câu hỏi.

Nhiều người nhận xét là ít có bài viết phê bình về văn hay thơ của Bùi Giáng mà có rất nhiều bài viết đầy những giai thoại có tính ca tụng, dù chân dung văn học của ông đã được nhìn ngắm với nhiều khía cạnh khác nhau. Có điên có tỉnh, có lúc thơ là những ý nghĩ độc đáo trong sáng nhưng cũng có lúc là những câu nói lái dung tục, là chất chứa của những ẩn ức không lối thoát. Riêng tôi, khởi đọc từ những bài thơ từ thuở Mưa Nguồn đến sau này, tôi thấy trên con dường suy tư của ông, những ý nghĩ độc đáo, những hình ảnh gợi nhiều liên tưởng gợi ra một cuộc rong chơi của một thế gian khác, hơi giống thời hiện taị nhưng lại có nhiều nét cổ xưa hoang dại đầy ắp những nỗi niềm.

Hình như không có một điều gì ngăn cấm giới hạn trong tác phẩm của ông. Trong khi viết khảo luận, ông viết chống báng lại chính mình là thường. Hứng khởi tạo cho ông một cực đoan. Không có một nhân vật của văn chương, của triết học nào mà ông đế cập đến không có những chi tiết bất ngờ lạ lùng của những khám phá đến tận cùng. Riêng với thi ca, ông đọc thơ, bình thơ và làm thơ chỉ chung một tâm cảm, của những tín đồ cuồng tín nhất. Có nhiều khi ông khen ngợi quá lời, thành ra những nhận định ở trong vòng tùy hứng. Ai cũng có thể thành thi thánh, thi thần, nhưng ở chỗ khác lại bị chê bai thậm tệ… Nhưng tại sao, Bùi Giáng vẫn được nhiều người như nhà văn Mai Thảo coi là tài thơ trác tuyệt, là ngôn ngữ ảo diệu không tiền khoáng hậu, là vì có ông thơ ca mới đích thực có biển có trời…

Ai tỉnh? Ai điên? Ai viết văn cuồng? Ai viết thơ ngông? Bùi Giáng đã nhận diện vóc dáng chính mình trong cuốn sổ tay của Thầy Thích Nguyên Tạng chùa Pháp Vân, Gia Ðịnh trong một buổi trưa ngày 10/11/ 1993:

“- 1926- được bà mẹ đẻ ra đời
– 1928- khi té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm trời chết đi sống lại

– 1933- bắt đầu đi học a,b,c trường làng tại Thanh Châu với thầy Cù Ðình Quý

– 1936- học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn

– 1939- ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Ðình Ðàn, Hoài Thanh Nguyễn Ðức Nguyên, Dào Duy Anh vân vân

– 1940- về Quảng Nam chăn bò.

– 1942– trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế. Nhập ngũ, bộ đội công binh hai năm sau giải ngũ

– 1952- vào Sài Gòn 1955 khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm Tân Việt xuất bản.

– 1957 Tân Việt xuất bản giảng luận về Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, giảng luận về Chu Mạnh Trinh, về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị

– 1969 bắt đầu điên rực rỡ

– 1970

Lang Thang Du Hành Lục Tỉnh (khách sạn Long Xuyên Bà chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền)
Gái Châu Ðốc Thương yêu và Gái Long Xuyên yêu dấu

Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)

– 1971-75-93

Ðiên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang
Rong chơi như hài nhi (con nít)

Ðược gia đình ông Phó chủ tịch (482) Lê Quang Ðĩnh, Hội đồng thành phố đối xử thơ mộng thênh thang.

Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa đôi lời rốt cuộc

Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cô Nương, và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)

Do đâu mà được như thế?

Ðáp. Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao chùa chiền miền nam nước Việt không biết nói sao cho hết”

img_3051

Bùi Giáng đã viết về “ông điên” một chân dung tự vẽ chính mình: “Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là Mẫu Thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên thì trước hết phải đáp vào câu hỏi. Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà? đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy?”

Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Bách Khoa, một bệnh nhân tâm thần của Bịnh Viện Biên Hòa, nhà văn Nguiễn Ngu Í cũng đã phỏng vấn một bệnh nhân đồng viện đồng bệnh Bùi Giáng. Thế mà, câu trả lời lại hết sức tỉnh táo, bình thường hơn cả những người bình thường nhất:

“Anh Ngu Í, xin gửi anh vài kinh nghiệm và ý nghĩ riêng. Viết cũng như sống – cần chút trật tự, điều hòa: ăn ít, ngủ nhiều. Ðừng để những bực bội phá giấc ngủ. Thỉnh thoảng đi về Lục Tỉnh (con đường từ Long Xuyên xuống Châu Ðốc đẹp lạ lùng).
Không hút thuốc lá nặng khói. Nên uống la de (bia), uống vừa phải.

Tôi xin trở lại với giấc ngủ vì xem đó là cái tốt nhất trong đời. Nếu có thể nên ngủ thật sớm (lúc 7, 8 giờ tối) để có thể thức giấc lúc 4, 5 giờ sáng, ra đường đi dạo, lai rai vài tua, hít thở nhịp nhàng, rồi trở về ngồi viết hoặc nằm viết.

Ðừng nên ngủ chung giường với một người nào. Hơi thở của họ sẽ chi phối nhịp thở của ta…”

Thế mà, theo Võ Ðắc Danh, đọc hồ sơ lưu trữ tại nhà thương điên Biên Hòa ghi nhận Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian này Nguyễn Ngu í vẫn còn sống trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3. Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi: “Bệnh tái phát từ tháng 4 năm 1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị văn hóa trọng đại có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3 năm 1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn.”

Trong tác phẩm “ Ði Vào Cõi Thơ”, Bùi Giáng viết về chính Bùi Giáng:

“Những bài thơ “chuồn chuồn châu chấu” của ông quả thực là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ đầu xuân quả thật là tha thướt. Ðôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn…

Tuy nhiên Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng “mẹ hát, con vỗ tay”

Dù sao bài nay cũng nên trích thêm vào tập:

Bóng dương buồn ngủ qua chiều
Qua sông tại hạ toan liều tấm thân
Ðường sông bóng để cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua
Ghì môi con mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng mộng mông lung
Ðường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô”

Viết về thơ, Bùi Giáng hình như trong một hành trình tự hủy, làm kẻ lạc lõng trong cuộc nhân sinh và tìm kiếm sự sáng suốt trong tận cùng cuồng si. Với ngôn ngữ riêng ông, pha trộn những ngôn từ bác học và dung tục, chuyên chở những ý tưởng lạ lùng, có lúc như những mật ngữ phù chú khó hiểu nhưng có lúc lại bình thường của một người tỉnh táo hết mình.

“Thơ tôi làm trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là cách dìu ba đào về chân trời khác.

Ði vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phà vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên cánh tay mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm bay về Sương Hy Lạp ghé Calvaire viếng thăm một linh hồn bát ngát, rồi quay về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vẫn bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao…”

Bùi Giáng điên trong cái tỉnh và thơ của ông cũng bất định theo cái nhịp mê cuồng:

“Hãy để yên cho tôi điên tôi dại. Ðừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hoài vọng. Một mai tôi chết. Nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống…Người yêu đừng bén mảng đến, bạn bè hãy đi xa. Ðể tôi một mình tha hồ tôi điên tôi dại. Ai có đến gần thì hãy thử điên dại cho như tôi…”

Một cách nhìn khá đặc biệt, của một thi sĩ ngắm nhìn chân dung một thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền trong “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” viết:

“Ðối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên. Không nhắc đến bọn tục, bọn tỉnh, bọn khôn suốt cả đời chẳng một giây nào thèm “ thơ” đến tuyệt vọng, nói ngay những người quí ông – nhìn được ông như một thiên tài – thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại nhiều khi cũng né tránh, chẳng dám bước hẳn vào cõi thơ ông, hoặc có bước vào thì cũng theo cái lối “chân trong chân ngoài”, “mắt trước mắt sau”, cười cợt vui đùa hay nghiêm trang lố bịch, tưởng như thế là làm thuận lý, vui lòng nhà thơ – người bầy trận nghiêm trọng và ta nên chiều người.

Chính thái độ của những kẻ yêu ông – những kẻ ghét ông chẳng đáng nói – càng khiến ông phát “bẳn”, càng khiến ông phát “điên” (điên tiết), càng khiến nhà thơ thêm lạc lõng “một mình một cõi” càng đẩy ông tới chốn hoang vu bờ bãi, chơi với mọi, với beo, với gấu, châu chấu, chuồn chuồn.

Không, Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Ðừng hiểu chữ ngộ trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo, Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hòa ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy “phiêu bồng” từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc…)”

Có lẽ, trong thơ văn và trong đời sống, chữ “ngộ” với nhiều nghĩa, từ bác học đến đời thường, đều có vẻ thích hợp, theo ý riêng của tôi. Ngộ dại? Có thể. Ngộ nhận? Giả ngộ? Ngộ độc? Ngộ không?… Mỗi thứ một nghĩa nhưng đều gợi ý đến một thi sĩ ngộ chữ? (Hình như ông Thanh Tâm Tuyền cũng tinh nghịch muốn bắt chước trò chơi chữ nghĩa?)

Ở một vị trí của người đọc, tôi khó lòng định hướng được suy nghĩ của mình. Có lúc tôi thấy sao ông có nhiều bài thơ mà tôi không thích nó ngang ngang kỳ kỳ không giống ai. Nhưng có lúc, ở trong một giây phút nào đó, tôi lại thấy những câu cú tuyệt vời trong thơ ông. Ðọc từ Mưa Nguồn, thi tập đầu tay, đến những tập thơ sau, Lá Hoa Cồn, Sa Mạc Trường Ca, … suốt nửa thế kỷ sau đến những Thơ Bùi Giáng, Chớp Biển,… tôi thấy được một trường thi bát ngát, mà sự thay đổi của ý từ, chuyển biến của cấu trúc ngôn ngữ, cũng chỉ là những vấn đề nhỏ. Mà, cái chính yếu vẫn là cái đang đi tìm và chưa tới đích. Nếu ông có phê phán chê bai, một tác giả, nếu ông có giận dữ nổi khùng vì một vài hiện tượng, thì cũng chỉ là sự bối rối của một người muốn nói nhưng chưa phát biểu hết, chưa biểu hiện đủ. Thơ có lúc như nhóm quặng nguyên sinh nóng hổi nhưng có lúc lại lưu lạc vào một nơi chốn hoang vu riêng biệt tít mù và cái hiểu và không hiểu cứ rập rình vấn đáp. Có nét của tâm kinh Phật giáo nhưng cũng có triết học của Cổ Hy La, có triết hiện sinh nhưng cũng có tư tưởng Lão Trang trộn lẫn, cũng có tôi điên lẫn lộn cùng tôi tỉnh, cũng có lúc phẫn nộ nhưng có lúc hiền từ, Và tình yêu, tình ái với ông chỉ có trong tâm tưởng và mãi mãi vẫn là niềm tôn kính cái đẹp dù qua bất cứ hình ảnh của mỹ nhân nào. Kim Cương Nương Tử hay Mẫu Thân Phùng Khánh cũng chỉ là biểu tượng tuy có thực ngoài đời nhưng lại mơ màng trong chữ nghĩa. Cũng vì sự trân trọng, mà những cử chỉ phát tiết điên cuồng, những lời tỏ tình của một tâm tư mê đắm nhưng không cuồng si, nên những giai thoại có thực của ông không phải là những chuyện tào lao khùng điên ở chợ…

Có nhiều người bắt chước ông làm thơ, cũng xử dụng những ngôn từ Bùi Giáng, nào dạ thưa, nào tồn sinh, nào liên tồn… rồi cũng na ná theo nhịp điệu lục bát, rồi cũng gắng đem những biểu tượng không bình thường. Nhưng kết cuộc là của giả. Có một người đã ví von thơ Bùi Giáng hay vì ông “điên” thật. Còn những kẻ giả vờ điên, bắt chước theo thì làm sao thuyết phục người yêu thơ cho được.

Có người cho rằng Bùi Giáng tránh né không muốn đề cập đến thời sự chính trị. Nhưng trong “Con Ðường Ngả ba, Bước đi của tư tưởng”, thì người đọc thỉnh thoảng vẫn tìm được những dòng bàng bạc. Con Ðường Ngả Ba mà Thụy Khuê đã cho rằng “không phải là một cuốn sách bàn về triết học hoặc đưa ra một hệ thống mạch lạc mà có thể nói đây chỉ là cuốn phiếm luận bí hiểm, ngôn ngữ thần chú, nhại triết học, nhạo người đọc.” Bùi Giáng viết về Trương Tửu / Nguyễn Bách Khoa và duy vật biện chứng pháp:

“… Ấy là điệu Nguyễn Bách Khoa đại diện cho bọn “đạo thính đồ thuyết” đầy rẫy khắp sử xanh Việt nam và Ðông nam Á Châu chỉ trừ Ai Lao, Cao miên và Xiêm la Miến Ðiện. Ai lao, Cao miên và Xiêm la Miến Ðiện là những dân tộc thơ ngây mênh mông thuần phác, tinh hoa thăm thẳm của Ðông Phương. Nơi những dân tộc ấy không thể nào phát sinh được bọn người đạo thính đồ thuyết, là sản vật ly kỳ của những xã hội tục gọi là văn minh, tự cho mình có tới ba ngàn hoặc ba ngàn rưỡi văn hiến. Văn hiến của nó là một loại văn hiến phát sinh từ một thứ thông minh của con người khôn vặt, con người mạt hậu của mặt đất vốn dĩ đã hiện hoạt trên địa cầu từ một thuở ngàn thu nào của vô lượng na tha a tăng kỳ kiếp…”

Hay: “Ðạo thính đồ thuyết (nghe ngoài đường và nói ngoài đường) là hoạt tinh thể của con người mạt hậu. Nó thông minh một cách thô thiển, nó vểnh tai ở ngoài đường và bi bô ăn nói ở ngoài đường để tàn phá mọi ngả ba đường của bước chân đi từ nội tâm nội mật. Nguyễn Bách Khoa là lãnh tụ bọn chúng. Phó lãnh tụ là Ðặng Thái Mai. Tổng thư ký là Vũ Ngọc Phan. Chúng xua quân chiếm đóng mọi bờ bến suy tư chận đứng mọi Ngả Ba – Ðường của thi ca tư tưởng gây truyền nhiễm cho những kẻ có chân tài như Nhượng Tống, Nguyễn Sỹ Tế về sau. Sức tác quái của chúng chính là nguyên nhân đã xui khiến tư tưởng đổ rụng tàn rơi lục tục giai tằng ngàn thu rớt hột từ Thệ Ða Rừng Tía đổ xuống Ấn Ðộ Dương, từ Nghi Thủy Vũ Vu trút xuống Bắc Minh Nam Hải từ Cổ Hy Lạp Homerè nhào xuống Ðại TâyDương…”

Thơ Bùi Giáng từ trước đến sau, từ thuở mưa Nguồn đến khi Chớp Biển hay Thơ Bùi Giáng in lúc gần cuối đời, có những ám ảnh khôn nguôi. Nguyễn Du và Truyện Kiều với những nhân dáng của Thúy Kiều, của Mã Giám Sinh, của Từ Hải, luôn luôn hiện diên trong thơ, trong khảo luận và trong tất cả những điều diễn tả. Một tác gỉa khác là Martin Heidegger cũng là bóng dáng lẩn khuất bàng bạc trong chữ nghĩa và biểu tượng của ông. Trong cuốn Tư Tưởng Hiện Ðại dù ông có đề cập đến tư tưởng và nhân vật như Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert Camus, Simone Weil, André Malraux, Jean Paul Satre, Saint Exupery,… nhưng cũng trình bày về thơ Tản Ðà, Thơ Kiều nguyên thủy và thơ giả Kiều của chính ông sáng tác. Nguyễn Du, Hồng Sơn Liệp Hộ, ông đề cập đến không phải để bàn về đời sống với khen chê thị phi của một nhân vật lịch sử và văn chương tầm cỡ mà chính là muốn nêu ra một biểu tượng của nỗi đau khổ của con người trường cửu trong kiếp nhân sinh. Dù có lúc, ông có vẻ bỡn cợt với tác giả Truyện Kiều nhưng trong cái chia sẻ tận cùng ấy nồng nàn những nỗi niềm gửi theo, những lẩn khuất trong đời một người không muốn theo dòng đời chảy. Với Heiddeger, Bùi Giáng có giọng nghiêm trang hơn và ít khi có sự buông thả đùa dỡn.

Thơ Bùi Giáng, hình như không phải để cho kiểu bình thơ thường hằng. Như tại sao dùng những ý, những hình, những ngôn ngữ lập đi lập lại để dù đặc sắc nhưng thành sáo ngữ. Hay sao láy thơ, rồi điệp thơ, làm rối tung vần điệu, làm tối tăm cảm xúc. Có lẽ thơ Bùi Giáng không hạp với cách lối đọc thơ chúi mũi vào phần vỏ mà không chủ ý đến phần trong, phần trụ cốt chủ yếu. Bởi thơ ông, cũng rong chơi như những câu thơ chào một cõi thi ca lồng lộng màu biếc thắm của Nguyên Xuân:

“Hỏi rằng: người ở quê dâu
Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: Từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”

Nguyễn Mạnh Trinh



Nguon Internet