Nét Dâm Trong Thơ Đường
Từ thế kỷ 19 trở về trước, dâm (sex) là một đề tài cấm kỵ trong văn thơ tại Trung Hoa và Việt Nam. Thơ tả dâm tuy được viết theo thể tỷ (dùng sự việc để ám chỉ ý chính nhưng không nói rõ ý chính) mà tác gỉa vẫn bị chê bai, khinh miệt .
Từ đầu thế kỷ 20. do ảnh hưởng của Tây phương, quan niệm về dâm đã được cởi mở. Ngày nay người ta coi dâm như một nhu cầu cần thiết của muôn loài, kể cà loài người. Nó được mô tả chân thật và tự nhiên trong mọi lãnh vực (nhân văn, chính trị, luật pháp, giáo dục, tôn giáo).
Tuy nhiên, trong bộ môn thơ văn, dâm vẫn thường được khoác một cái áo mỏng chứ không để lộ trần truồng. Tại sao vậy? Câu trả lời của Con Cò: Thơ là tiếng nói của con tim cho nên nó cần phải lịch sự, trang nhã, tế nhị, đẹp đẽ. 10 bài mà Con Cò nêu lên trong mục này là những bài bất hủ của những thi hào nổi danh thời Đường. Chúng đáp ứng rất khéo léo những tiêu chuẩn vừa kể. Những bài thơ dâm của thời nay, nếu muốn sống lâu, cũng không nên rời qúa xa những tiêu chuẩn ấy. Ở thế kỷ 21, mọi giới đều thích ngâm thơ dâm của Nguyễn Du nhưng đàn bà dù thích mà vẫn không dám ngâm thơ dâm của Hồ Xuân Hương. Xin đơn cử hai thí dụ:
1/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Nguyễn Du
2/ Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa.....Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa. Hồ Xuân Hương.
Cùng tả thân thể trần truồng của đàn bà (Nguyễn Du tả Kiều tắm truồng để Thúc Sinh ngắm nghía toàn thân. Hồ Xuân Hương chỉ tả cửa mình) mà lời thơ tương phản nhau như vậy. Chưa kể tới phẩm chất văn chương, riêng về thái độ, thơ của họ Hồ xấc xược, thô lỗ, chế riễu cái cửa ngõ thiêng liêng duy nhất để loài người, từ dân gỉa đến thánh hiền, ra đời. Tiếng nói của con tim không bao giờ xấc xược và thô lỗ như vậy. Nói cách khác, những bài thơ đó chỉ có hình thức thông thường (vần điệu, niêm luật) của thơ, không có linh hồn trong trắng của thơ.
Hầu hết thơ dâm của họ Hồ giống như lời riễu cợt thân thể thiếu nữ trần truồng cho nên được nam giới hoan nghênh tới mức gán cho từ cách mạng.
Thơ dâm của Tú Xương cũng tả những nét bốc lửa của thân hinh người nữ nhưng đã tế nhị khoác áo mỏng cho họ.
Hai bài thơ dưới đây của Tú Xương có thể được mọi ngươi (cả nam lẫn nữ) ngâm lớn mà không ngượng miệng:
Ước gì ta là trái dưa
Để cho người tắm nước mưa chậu đồng
Ước gì ta là bông hồng
Để cho người bế người bồng trên tay.
(Mơ được người đẹp lột trần truồng ra tắm hoặc được tắm cho một người đẹp trần truồng. Trần truồng như một trái dưa! Chứ không trần truồng kiểu "Da nó xù xì múi nó dầy". Khéo léo vô cùng!)
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa đươc cái nào hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
(Chơi đàn bà không lăng nhăng. Chơi đàn bà không phải vợ mình mới lăng nhăng. Tú Xương đã thú tội lăng nhăng nhưng vẫn không chừa nổi. Ông chỉ muốn nhấn mạnh rằng cái thú dâm nó vượt qúa sức nín nhịn của ông khiến ông chừa không nổi. Rất chân thành. Rất thi vị. Rất lịch sự. Rất đáng được tha thứ).
Những lời trên đây (và lời bàn trong 10 bài thơ Đường ở dưới) là ý kiến riêng của Con Cò. Nói tới ý kiến riêng tức là nói tới chủ quan. Vậy thì bạn nào nghĩ khác cũng đừng bận tâm. Cứ vô tư thưởng thức những bài bài thơ dâm bất hủ.
1/ Xuân Tứ
Lý Bạch
Yên thảo như bích ti
Tần tang đê lục chi
Đương quân hoài qui nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi
Chú giải:
Yên&Tần: chàng đang ở đất Yên, thiếp đang ở xứ Tần
Nghĩa xuôi của hai câu chót: gío xuân (tượng chưng cho niềm vui) chẳng hiểu lòng nhau, vô cớ lọt vào màn the làm gì (lòng ta đang buồn, không thiết đón gío xuân)
Dịch thơ
Xuân Tứ
Cỏ Yên như tơ xanh
Dâu Tần khoe cành biếc.
Chàng mong mỏi về nhanh,
Lúc thiếp buồn da diết.
Gió xuân chẳng thấu tình,
Lọt màn the ghẹo thiếp.
Lời bàn của Của Con Cò
Bài thơ ngũ ngôn lục cú, niêm luật ít gò bó nên ý tứ được phô diễn rất phóng khoáng:
Chàng đang ở đất Yên. Thiếp thì ở đất Tần. Lúc chàng mong về nhà thì thiếp cũng đang nhớ chàng vô cùng. Xuân về cây cỏ xanh tươi nhưng thiếp đâu thèm ngắm. Còn gã gió xuân kia, tuy mi hiền hòa, dịu ngọt nhưng lúc này ta chỉ nhớ đến chổng ta thôi. Nếu chồng ta có nhà thì ta vui vẻ đó́n mi vào chung vui. Nhưng bây giờ chồng ta đi vắng, mi lọt vào màn the của ta để làm gì? (Cò phải dùng từ ghẹo mới dịch hết nghĩa của câu siêu việt này).
Vì nguyên bản là ngũ ngôn lục cú (niêm luật ít gò bó) nên bài dịch không giữ vần bằng trắc như nguyên bản. Ý và lời thì vẫn theo sát nguyên bản.
2/ Kim lũ y
Đỗ Thu Nương
Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi
Chú giải:
Khuyến quân: khuyên anh. Mạc: đừng. Tích: tiếc. Thiếu niên thì: thời còn trẻ. Khai: nở. Chiết: hái, bẻ. Đãi: chờ. Chi: cành. Không chiết chi: bẻ cành không.
Nghe đồn rằng Đỗ Thu Nương đã phổ nhạc bài này để thỉnh thoảng hát cho chồng nghe.
Dịch thơ
Áo Lụa Vàng
Nhủ chàng đừng tiếc áo lụa vàng
Tiếc thời thiếu nữ đẹp cao sang
Hoa thơm vừa nở không thèm hái
Sẽ bẻ cành không lúc hoa tàn
Lời bàn của Con Cò
Tương truyền rằng nàng họ Đỗ đã phổ nhạc bài thơ này để hát cho chồng nghe. Có lẽ chồng nàng bất lực. Với 4 câu thơ trên, nàng muốn nói: "Chàng ơi! Dưới cái áo lụa vàng này là thân thể nõn nường của em trong tuổi xuân thì đấy. Chàng hãy cởi nó ra mà ngắm nghía vuốt ve. Chả nhẽ chàng đành chờ cho thiếp gìa nua sao?Hay là ngọc thể của chàng có vấn đề?"
Chẩn bệnh người chồng qua thơ của người vợ là tài nghệ của một lang băm. Nhưng trong trường hợp này Con Cò chả còn cách nào khác.
3/ Vô đề (Đãi đắc lang lai nguyệt dĩ đê)
Lý Thương Ẩn
Đãi đắc lang lai nguyệt dĩ đê,
Hàn huyên bất đạo tuý như nê.
Ngũ canh hựu dục hướng hà xứ?
Kỵ mã xuất môn ô dạ đề.
Dịch nghĩa
Vô đề (Chàng về trăng xế non đoài)
Chờ chàng trở về thì trăng đã xế,
Chẳng thể hàn huyên được vì chàng say mềm.
Canh năm không biết lại đi đâu nữa,
Cưỡi ngựa ra khỏi cửa làm lũ qụa (kinh sợ) kêu đêm.
Chú giải
Bài này làm theo lối dân ca "Ô thê khúc, Ô dạ đề" thời Tề, Lương, là một tuyệt tác diễm tình.
Dịch thơ
Vô Đề (Tới lúc chàng về nguyệt đã tà)
Tới lúc chàng về nguyệt đã tà
Hàn huyên chẳng nổi khướt như ma
Canh Năm chả biết đi đâu nữa!
Cưỡi ngựa xuất cung khiến qụa la*
Lời bàn của Con Cò
*Chỉ một câu chót cũng đủ đoán ý chính của bài này. Câu nguyên bản là: Cưỡi ngựa ra khỏi cửa (làm kinh động) để qụa kêu đêm. Nhưng đó chỉ là nghĩa đen. Nghĩa bóng hấp dẫn hơn nhiều. Phải xét thật tỉ mỉ cả 4 câu thì mới lộ ra cái nghĩa bóng ấy:
Câu 1: Chờ chàng tới qúa nửa đêm (nguyệt đã tà, cũng có nghĩa là thiếp hết ham rồi) mới thấy chàng về. Đã biết chàng thường xuyên vắng nhà đi uống rượu mà vẫn cố chờ. Chờ để làm gì? Chả có việc gì ngoài việc ấy! Đừng vội chê Con Cò bới lông tìm vết nhé! Thời ấy nếu vợ đi đến nửa dêm mới về thì ắt bị chồng đánh nát thây mà chả ai can ngăn. Còn chồng đi vắng suốt đêm thì vợ cũng chả được phép cằn nhằn (chứ đừng nói tới mắng mỏ). Chỉ có LTÂ mới dám chê đàn ông để bênh vực đàn bà nên bị đời công kích. Theo ông, đàn bà cũng có quyền đòi chồng về sớm để làm tình chứ!
Câu 2: Chả hàn huyên được gi vì chàng say khướt. Chữ hàn huyên ở đây chỉ là giả tạo. Đêm nay chàng về qúa trễ, và còn say khướt, vậy thì khờ lắm mới nghĩ tới việc hàn huyên trong lúc này. Họ Lý muốn nói khéo rằng người vợ thức khuya chờ chồng về làm tình. Câu này dịch nỗi tức giận của người vợ bằng 3 chữ khướt như ma!
Câu 3: Canh năm (3-5 giờ sáng) lại bỏ đi nữa! Mớ́i say bí tỉ tới qúa nửa đêm thi ma men cũng không mò đi uống rượu lúc 3-5 giờ sáng. Nghĩa bóng của câu này sẽ được nói rõ ở câu sau.
Câu 4: Cỡi ngựa ra cửa (làm kinh động) khiến qụa kêu đêm. Tả màn mây mưa rất khéo léo. LTÂ lợi dụng số chữ rất hạn chế của ngũ ngôn để viết một câu thật cô đọng hầu dấu kín thâm ý của mình. Ngựa này là ngựa người! Nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì 4 chữ "kỵ mã xuất môn" phải bao gồm những động tác này: chàng bước xuống giường, mở cửa phòng ra ngoài lấy ngựa cỡi đi. Chỉ có 4 chữ mà phải tả nhiều động tác như thế thì là qúa tải. Hiểu theo nghĩa bóng sẽ đơn giản hơn: rút ra và lăn xuống chiếu. Vậy thì xuất môn là rút ra, cho nên bài dịch dùng chữ xuất cung. Quạ kêu đêm! Đã 5 giờ sáng rồi, qụa phải đi kiếm mồi cho đỡ đói chứ đâu còn đậu ở đó để kêu đêm! 5 giờ sáng không còn là đêm nữa! Thiếp kêu đó!
Nghĩa bóng của toàn bài khá rõ ràng: Lúc chàng về đã qúa nửa đêm và chàng thì qúa say. Thiếp để cho chàng ngủ tới sáng mới hích chàng dậy. Thế mà chàng chỉ làm qua loa lấy lệ rồi lăn đùng ra để thiếp bực mình la ầm lên!
Chưa thấy bài thơ 4 câu 28 chữ nào (kể cả Đông Tây, kim cổ) tả ân ái tuyệt vời đến thế.
Rất hàm súc!Rất đầy đủ!Rất văn vẻ!Rất kín đáo!Rất hoạt kê!
4/ Đề Đào Hoa phu nhân miếu
Đỗ Mục
Tế yêu cung lý lộ đào tân,
Mạch mạch vô ngôn kỷ độ xuân.
Chí cánh Tức vong duyên để sự?
Khả liên Kim Cốc truỵ lâu nhân.
Dịch nghĩa
Vịnh miếu Đào Hoa Phu Nhân
Trong cung eo nhỏ, đào tơ mơn mởn ngậm sương.
Lặng lẽ không nói đã biết bao mùa xuân.
Rốt cuộc vì sao mà nước Tức bị mất?
Đáng thương cho người gieo lầu ở vườn Kim Cốc.
Chú thích
Đào Hoa phu nhân nguyên là vợ vua nước Tức (nay là huyện Tức, tỉnh Hà Nam) thời Xuân Thu. Vua nước Sở diệt nước Tức, chiếm đoạt Tức phu nhân. Nàng phải lấy vua nước Sở, sinh được hai con, nhưng suốt đời không nói một lời nào với vua. Người đời sau thương cảm nàng nên lập miếu thờ
Kim Cốc viên ở huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Đời Tấn, nhà hào phú Thạch Sùng có người thiếp xinh đẹp và thổi sáo hay tên là Lục Châu. Tôn Tú yêu cầu Thạch Sùng tặng cho người thiếp này, Thạch Sùng khước từ và nói với Lục Châu rằng: "ta có lỗi với nàng." Lục Châu nhảy lầu tự tử. Vì việc này Thạch Sùng bị Tôn Tú gièm pha với Triệu Vương Luân và bị giết chết.
Dịch thơ
Vịnh Miếu Đào Hoa Phu Nhân
Cấm cung đào nhỏ lệ âm thầm
Lặng lẽ nhìn chồng mấy độ xuân
Nước Tức bại vong vì sao vậy?
Xót ai Kim Cốc nhảy lầu trầm
Lời bàn của Con Cò
Muốn tả cuộc đời của Đào Hoa phu nhân thì cần một bài thơ 40 câu chứ một bài 4 câu không đủ. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này qúa cô đọng để diễn hết ý của đề tài. Bài dịch cúng rất khó đáp ứng đủ ý của tác gỉa. Bài thơ có hai phần rõ rệt: phần đầu gồm hai câu đầu, phần cuối gồm hai câu cuối.
Phần đầu:
Câu 1: Người đẹp đào tơ, lưng eo, ngậm sương trong cung. (Vua Sở̉ giữ một thiếu phụ đào tơ rướm lệ làm vợ trong cung). Câu này thương cảm cho Đào Hoa phu nhân bị ép buộc làm vợ Sở Vương.
Câu 2: Lặng lẽ không nói lời nào đã bao nhiêu độ xuân rồi. (tả nỗi cay đắng tuyệt đỉnh của Đào Hoa Phu nhân bằng thái độ tịnh khẩu với chồng suốt đời). Tác giả vẫn thông cảm nỗi khổ tâm của bà.
Phần hai:
Câu 3 nêu lên câu hỏi vì sao mà nước Tức mất. (Câu hỏi này gián tiếp trách Đào Hoa phu nhân là mẫu nghi thiên hạ mà thua người thứ thiếp của một hào phú sẽ được nói rõ ở câu 4).
Câu 4 dùng điển tích Kim Cốc để giải đáp câu hỏi ở câu 3 (xin xem chú thích). Tác giả chê Đào Hoa phu nhân không tuẫn tiết như Lục Châu (nhẩy lầu tự vẫn) mà cam tâm làm vợ Sở vương để chịu dày vò suốt đời.
Đỗ Mục tỏ ra sáng suốt trong phần đầu nhưng không công bẳng trong phần sau. Tuy Lục Châu là một tấm gương sáng nhưng dùng Lục Châu để trách Đào Hoa phu nhân không tuẫn tiết thì thiển cận tới mức bất nhân. Đa số nho sĩ Trung Hoa trong hơn một thiên kỷ đều nghĩ như vậy. Họ dựa vào luân lý Tam Tòng Tứ Đức. Luân lý ấy, dù trong thời ấy, không phải là bản án tử hình cho những người nữ muốn được vinh danh là phu nhân.
Để khỏi lạc đề, dưới đây Con Cò sẽ không bàn vê chính trị của nước Tức mà chỉ đề cập tới trọng tâm của đề tài: bà không nói với chồng lời nào suốt cuộc đời bà. Trước hết hãy đánh gía nỗi khổ nhục bà đã chịu đựng rồi tìm ra lý do tại sao bà phải chọn cách ấy:
Đánh gía nỗi khổ nhục của nạn tịnh khẩu:
-Dù sao vua Sở cũng là chồng của bà và là cha của 2 đứa con do bà mang nặng đẻ đau. Thế mà mỗi ngày, mỗi đêm, của cả cuộc đời, bà không hề nói với chồng một lời! Trong lúc ân ái, có ngàn lần áp má kề môi, bà vẫn tịnh khẩu. Kể cả những giây phút có khoái cảm cao độ bà cũng phải nghiến răng cố nuốt một tiếng kêu thay vì để nó tự nhiên vang trong khuê phòng. Nỗi khổ nhục này qúa lớn và kéo dài qúa lâu.
Tìm áp lực đã gây ra nạn tịnh khẩu:
-Chưa chắc bà đã thực sự yêu vua nước Tức vì khi đó bà còn qúa trẻ và thời gian chung sống qúa ngắn. Cuộc hôn nhân với vua nước Tức cũng đâu phải do bà lựa chọn. Bà không có trách nhiệm gi về việc nước Tức mất và vua Tức bị diệt. Bà không có con với vua Tức nên không còn gì dàng buộc bà sau khi vua nước Tức chết. Bà không tuẫn tiết theo vua Tức là một thái độ hợp nhân đạo đáng tôn trọng. Vậy thì vua nước Tức không phải là nguyên nhân khiến bà im hơi lặng tiếng.
-Chưa chắc bà đã khinh ghét Sở vương (chưa ai nghe bà nói điều đó). Vua Sở rất tôn trọng bà. Ông chưa hề nổi giận vì bà tịnh khẩu. Không ai có thể đo lường được nỗi đau của vua Sở khi ông phải làm chồng một giai nhân suốt đời không thèm nói với mình nửa lời! Chỉ cần một phút nổi giận của ông là bà rơi đầu. Thế mà ông vẫn âm thầm chịu đựng, coi như ông đã trả gía cho lỗi lầm ông đã phạm lúc đầu (ép bà làm vợ). Vậy thì ông không phải nguyên nhân khiến bà lặng tiếng im hơi.
-Nguyên nhân thực sự của thảm cảnh này là áp lực tinh thần của cái luân lý Tam Tòng Tứ Đức. Luân lý này lúc đó mới phôi thai nhưng sẽ đè nén phái nữ trên hai ngàn năm nữa. Người nữ chỉ mới hứa hôn với người nam là coi như thuộc về người nam đó rồi. Nếu chẳng may người nam đó chết trước khi cưới thì người nữ sẽ thành goá bụa suốt đời nếu muốn được đời kính nể.
Cái lầm của Đỗ Mục (và của nho sĩ Trung quốc) là đổ lỗi trên đầu của một người chân yếu tay mềm thay vì quy trách cho luân lý Tam Tòng Tứ Đức. Lý Thương Ẩn, một thi hào đương thời, bị khinh ghét cũng chỉ vì ông đã làm thơ chống đối cái luân lý bất công đó.
Trên đây là thơ dâm kín đáo của bốn thi hào nổi tiếng. Thế hệ sau Lý Thương Ẩn xuất hiện hai người táo bạo hơn nhiều, táo bạo đến nỗi người ta kiêng kỵ̣ trong gần một thiên kỷ.
Thơ Dâm Hàn Ốc
Hàn Ốc 韓偓 (844-923) tự Trí Nghiêu 致堯, tiểu tự Đông Lang 冬郎, tự hiệu Ngọc tiều sơn nhân 玉樵山人, người Vạn Niên đất Kinh Triệu (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ đời Chiêu Tông, làm quan đến chức Binh bộ thị lang, Hàn lâm học sĩ.
5/ Tưởng đắc
想得
兩重門裏玉堂前,
寒食花枝月午天。
想得那人垂手立,
嬌羞不肯上秋千。
Lưỡng trùng môn lý ngọc đường tiền,
Hàn thực hoa chi nguyệt ngọ thiên.
Tưởng đắc na nhân thuỳ thủ lập,
Kiều tu bất khẳng thướng thu thiên
Dịch nghĩa
Tưởng được
Hai lần cùng gặp trước cửa toà nhà sang trọng,
Nhân tiết hàn thực tháng 5, bên cành cây nở đầy hoa.
Tưởng đã được người ấy thõng tay đứng chờ (để đu dây)*,
Nào ngờ người đẹp e thẹn không chịu cùng leo lên cây đu dây.
*Đu dây: một kiểu đu mà trai gái đối diện sát nhau giống lúc làm tình. Hồ Xuân Hương có hai câu trang nhã nhất trong tất cả vần thơ dâm của bà: Trai du gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Dịch thơ
Tưởng được
Hai lần vào được chốn kiêu xa
Hàn thực chồi cây đã nở hoa
Tưởng đã được người thòng tay hứng
Nào ngờ nàng chẳng chịu đu đưa
Lời bàn của Con Cò
Nghĩa đen là hụt cuộc đu dây. Ý chính thì thú thật rằng tán tỉnh gần xong nhưng cuối cùng nàng không chịu cho làm tình. Hàn Ốc chưa chịu ngừng ở đây. Ông còn đi xa hơn nữa trong mấy bài sau.
6/ Nhẫn tiếu
忍笑
宮樣梳頭淺畫眉,
晚來妝飾更相宜。
水精鸚鵡釵頭顫,
舉袂佯羞忍笑時。
Cung dạng sơ đầu thiển hoạ my,
Vãn lai trang sức cánh tương nghi.
Thuỷ tinh anh vũ thoa đầu đản,
Cử duệ dương tu nhẫn tiếu thì.
Dịch nghĩa
Cười thầm
Bới tóc kiểu cung đình, vẽ mi mắt với phấn nhạt,
Rồi đeo thêm đồ trang sức rất đúng nghi thức.
Cây thoa đầu bằng thuỷ tinh hình con vẹt bỗng rung nhẹ,
Nàng đang kéo tay áo để che nụ cười thầm cho đỡ mắc cỡ.
Dịch thơ
Cười thầm
Bới tóc cung đình vẽ khóe my
Đeo thêm trang sức đúng lễ nghi
Đầu thoa con vẹt rung rung nhẹ
Che miệng cười thầm mắc cở chi?
Lời bàn của Con Cò
Nghĩa đen của bài thơ khá trang nhã. Thể phú được dùng trong các câu 1, 2, 4. Thể tỷ chỉ áp dụng cho câu 3 nhưng lại nổi đình đám ở nét linh động. Nó tả một nghĩa bóng rất táo bạo: đồ nghề của chàng (đầu con chim vẹt) đang nổi hứng rung rung nhẹ.
Chuyện gì đáng xảy ra ắt sẽ xảy ra!
Rất sống động. Rất thú vi. ̣ Rất hứa hẹn.
7/ Phục ngẫu kiến kỳ 2
復偶見其二
桃花臉薄難藏淚,
柳葉眉長易覺愁。
形跡未成當面笑,
幾回抬眼又低頭。
Đào hoa liệm bạc nan tàng lệ,
Liễu diệp my trường dị giác sầu.
Hình tích vị thành đương diện tiếu,
Kỷ hồi đài nhãn hựu đê đầu.
Dịch nghĩa
Lại tình cờ thấy kỳ 2
Mặt đẹp như hoa đào màu trắng lợt khó mà ướt lệ,
Làn my dài lá liễu dễ cảm nhận vẻ sầu.
Chưa biết nàng sẽ phản ứng ra sao nhưng môi mỉm cười,
Chốc chốc lại ngước mắt hay cúi đầu.
Dịch Thơ
Lại tình cờ thấy kỳ 2
Hoa đào trắng nhạt khôn thấm lệ
Mày liễu mi dài dễ cảm sầu
Chưa biết tống tình cười nhoẻn miệng
Ngửng lên cúi xuống liếc lâu lâu.
Lời bàn của Con Cò
Bài thơ tả một cô gái đã biết kín đáo tống tình nhưng còn e thẹn.
Hai Câu đầu xem tướng cô nàng: Mặt như đóa hoa đào phơn phớt trắng là tướng tươi đẹp, không dễ bị trầm cảm (khôn giữ lệ). Lông mày cong, lông mi dài là tướng đa tình (dễ cảm sầu).
Hai câu sau tả cô ả tống tình với chàng trai vừa quen: cười tủm, chốc chốc lại ngẩng mặt liếc nhìn rồi cúi đầu e thẹn. một cách mời mọc nửa kín nửa hở rất dễ bén duyên.
8/ Thâm viện
深院
鵝兒唼喋板黃嘴,
風子輕盈膩粉腰。
深院下帘人晝寢,
紅薔薇架碧芭蕉。
Nga nhi xiệp điệp bản hoàng chuỷ,
Phong tử khinh doanh nhị phấn yêu.
Thâm viện hạ liêm nhân trú tẩm,
Hồng tường vi giá bích ba tiêu.
Dịch nghĩa
Phòng the
Con ngỗng mới nở, mỏ vàng đang hụp lặn, nô đùa,
Con bướm lượn khoe lưng thon với lớp phấn mịn.
Trong viện thâm sâu này, người đang buông rèm nằm chờ ngủ,
Hoa tường vi khoe hồng, lá chuối khoe xanh.
Dịch thơ
Phòng the
Mỏ vàng ngỗng nhí mê mò vũng
Bươm bướm lưng thon phấn thơm lành
Phòng kín hạ rèm người đón giấc
Tường vi hồng đậm lá chuối xanh
Lời bàn của Con Cò
Hai câu đầu ám chỉ gã trai tơ đang gạ gẫm: con ngỗng mỏ vàng (của qúy của chàng) đang mò cá trong vũng nước, con bướm lưng thon phấn mềm (của qúy mới cương nửa vời ấy) đang lượn quanh.
Hai câu sau tả người nữ buông rèm nằm trong phòng the đón giấc ngủ (gỉa vờ ngủ), mặt đẹp như hoa tường vi, háng rộng như lá chuối xanh.
Tuy bài thơ thuộc thể tỷ (ý chính không nói thẳng ra) nhưng khá rõ ràng. Hàn Ốc là thế hệ sau của Lý Thương Ẩn nên tả dâm mạnh bạo hơn.
Rất táo bạo. Rất ấn tượng. Rất thô nhưng còn lịch sự.
9/ Ngẫu kiến
偶見
秋千打困解羅裙,
指點醍醐索一尊。
見客入來和笑走,
手搓梅子入中門。
Thu thiên đả khốn giải la quần,
Chỉ điểm đề hồ sách nhất tôn.
Kiến khách nhập lai hoà tiếu tẩu,
Thủ tra mai tử nhập trung môn.
Dịch nghĩa
Tình cờ thấy
Chơi đu mắc kẹt phải cởi quần là,
Chỉ hồ rượu ngon xin một chén.
Thấy khách vào cười cợt rồi ra,
Tay mân mê trái mơ đi vào cửa giữa.
Dịch thơ
Tinh cờ thấy
Chơi đu vướng mắc cởi quần là
Ngón chỉ rượu nồng xin chén nữa
Thấy khách nhập cung cười xuất ra
Mân mê trái táo luồn cửa giữa
Lời bàn của Con Cò
Bài thơ này tuy là thể tỷ nhưng giống hệt thể phú (trực tiếp mô tả ý chính). Chỉ cần dịch thoát một tí là ý chính phô bày nguyên con.
Ba câu đầu nói rằng làm tình mà chưa kịp cởi hết quần là (lụa). Khi tạm ngừng để cởi hết ra thì giảm hứng nên xin thêm rượu uống. Khi đối tượng (khách) tái nhập cuộc thì đôi bên cùng ra.
Câu 4 có một điểm cần nói nhỏ: cô ả này chịu chơi! (đã tới rồi còn cố nhét hòn ngọc Viễn Đông vô cung).
Lời thơ tuy loã lồ nhưng không sống sượng kiểu "Thoạt đầu vào chàng liền nhảy ngựa, Thiếp vội vàng vén phứa tượng lên", cái thứ ngôn ngữ chỉ phù hợp cho mấy gã đực rựa ngồi uống bia tán phét, không nên đưa vào chương trình giáo dục hoặc văn chương. Trong bài này Con Cò chỉ phàn nàn một điểm: dường như tà dâm chứ không hoàn toàn chính dâm (dùng chữ khách thay vì chàng cho đối tượng).
Rất tân kỳ. Rất tinh quái. Rất ác liệt.
Thơ Dâm Quyền Đức Dư
10/ Ngọc đài thể* kỳ 11
玉 臺 體
昨 夜 裙 帶 解
今 朝 蟢 子 飛
鉛 華 不 可 棄
莫 是 稿 砧 歸
Tạc dạ quần đới giải
Kim triêu hỉ tử phi
Diên hoa bất khả khí
Mạc thị cảo châm**quy
*Ngọc Đài Thể là tiếng lóng mà Quyền Đức Dư đặt tên cho 12 bài thơ dâm của ông. Bài này là bài thứ 11.
**Cảo châm: chày giã lúa, còn là tiếng lóng của Trung quốc chỉ người chồng.
Dịch nghĩa
Ngọc Đài Thể kỳ11
Đêm qua cởi rút quần
Sáng nay thấy nhện sa
Son phấn không thể không có
Chẳng phải phu quân (chày giã lúa) sắp về sao?
Dịch thơ
Ngọc Đài Thể kỳ 11
Đêm kéo rút quần ra
Sáng chợt thấy nhện sa
Phấn son chẳng thể thiếu
Chày lúa sắp về nhà
Lời bàn của Con Cò
Bài này phối hợp hai thể phú và tỷ. Câu đầu thuộc phú, rất ngổ ngáo.
Câu 2 và 3 nửa phú nửa tỷ, nói rằng nhện sa là điềm lành (chồng sắp về), phải sửa soạn (son phấn) để đón.
Câu chót thuộc tỷ: Chày giã lúa (chồng) sắp về.
Tuy ngổ ngáo nhưng vẫn trong vòng lễ giáo bởi vì đây là chuyện phòng the của cặp vợ chồng chứ không phải trai lơ gái lẳng chơi nhau lén lút.
Rất hiện sinh. Rất tân kỳ. Rất độc đáo.
Kết luận
Nét dâm của những bài thơ trên (Việt và Đường) đều có chung một sắc thái: kín đáo, tế nhị, trang nhã, đẹp đẽ. Chúng nói lên rằng dâm là một ân huệ thiên phú cho chúng sinh để được biểu lộ, nâng niu, kính trọng. Loài người có quyền đưa dâm vào thơ bởi vì dâm là tiếng nói của con tim, miễn là không tà dâm hoặc chế riễu phái nữ.
Dâm quyền là cốt lõi của nhân quyền
Không nên khắt khe như ngày xưa. Không nên buông thả như ngày nay.
Tuyệt đối không lẫn dâm dục với tà dâm./.
Ngày 16 tháng 7 năm 2017
CON CÒ