Trên con đường xuyên Việt , đèo Hải Vân là đề tài bất tận muôn thuở của thơ ca, chắc hẳn rằng cảnh quan ở đây cũng tương xứng với một núi thơ, một biển thơ, một trời thơ, không chỉ của người Việt Nam, mà còn cả người ngoại quốc, thi nhân hay người yêu thơ qua đây không nhiều thì ít cũng để lại cho đời những vần thơ, trong đó có nhà nho Nguyễn Hy Lượng (1882 – 1953), quê ở Lan Đình, Gio Linh, Quảng Trị, nhân chuyến đi thăm con trai làm việc ở sở hỏa xa Đà Nẵng, vào năm 1950 lần đâu tiên qua đèo Hải Vân, Cụ có cảm tác bài thơ :
QUÁ HẢI VÂN SƠN
過 海 雲 山
Sơn sơn liên hải, hải liên thiên
山 山 聯 海 海 聯 天
Sơn xuyết* thanh thiên, thiên đới** thuyền
山 剟 青 天 天 戴 船
Lộ tự trường xà - xa tự điểu
路 似 長 蛇 車 似 鳥
Vân yên tà tịch – nịch vân yên
雲 煙 斜 夕 溺 雲 煙
Nguyễn Hy Lượng
阮希亮
*(người cháu nội của Cụ ghi là chữ triệt)
**(đới là đội = âm Bắc gọi là đái)
Chỉ bốn câu thơ điệp từ thôi, mà không có bút mực nào tả hết cái sơn cùng thủy tận của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, tuy là thơ chữ Hán, nhưng những âm Hán ấy đã Việt hóa, rất gần gũi với văn chương Việt Nam.
Chúng ta thử cùng đi sâu vào từng câu một của bài thơ
Sơn sơn liên hải hải liên thiên : chúng ta thấy núi non chồng chất, biển trời bát ngát mênh mông, cảnh vật bao la trùng điệp, non sông cẩm tú lạ thường, nếu là văn xuôi, chúng ta tả cảnh đèo Hải Vân, cho tương xứng câu thơ trên cũng phải mất khoảng vài trăm từ ngữ trở lên, để có độ trùng điệp cân bằng như thế, nhưng xét về mặt hình thức, thì nó không phải cầu kỳ, nắn nót công phu, câu thơ rất tự nhiên nhưng chỉ vỏn vẹn có bảy chữ thôi, mà ta thấy và thâu suốt luôn cái hùng vĩ của cảnh quan, đúng thế : thơ chính là ở “ý tại ngôn ngoại”.
Sơn xuyết thanh thiên thiên đới thuyền : từng ngọn núi cao chọc trời xanh, mắt nhìn ra xa xa giống như trời đang đội ghe thuyền trên biển cả, câu thơ nầy Lê Đình Lộng Chương hồi ở Bà Rịa có nhận xét : Qua đèo Hải Vân vào buổi chiều, lúc nắng yếu, sương chiều quyện vào mây, biển trời liền nhau, hình ảnh trời đội ghe thuyền, đúng là tác giả có mắt nhìn, hồi đó Lộng Chương không đồng ý chữ “ sơn triệt thanh thiên thiên đới thuyền” và nói với tôi anh phải nhìn lại chữ triệt (澈), sau tôi về Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Ngân (con ông Nguyễn Hy Lượng) cho xem bản chính là chữ xuyết (剟), khi đó mới biết Lộng Chương với kiến thức Hán Văn uyên bác, và từ đó đến nay cũng chưa nói được điều gì với Lộng Chương
Lộ tự trường xà - xa tự điểu: đường quốc lộ ngoằn ngoèo như rắn lượn, xe cộ giống như chim bay bên sườn núi, thật là ngoạn mục.
Vân yên tà tịch - nịch vân yên: mây khói bóng chiều lãng đãng trôi, cùng phản chiếu xuống nước, thật là cảnh vật lênh đênh huyền ảo.
Chúng ta còn phát hiện thêm câu đầu của bài thơ có 2 chữ “HẢI” và câu kết có 2 chữ “VÂN”, như thế ta tin chắc chắn rằng : tác giả không phải tả một cảnh nào khác rồi gán ghép cho Hải Vân,……. và thêm một điều lý thú nữa là cách thả vần lững hết sức độc đáo trong mỗi câu thơ, chữ thứ 4 và chữ thứ 5 đồng âm : câu 1 (2 chữ hải), câu 2 (2 chữ thiên) đồng vần : câu 3 (xà, xa),câu 4 (tịch, nịch) mà chúng ta thấy đó cũng là một nghệ thuật rất riêng, rất tài tình của tác giả.
Xét về hình thức thơ điệp từ, xưa nay người ta chỉ làm một hay vài câu trong một bài thơ, hoặc tự nhiên mạch thơ phải đi như thế, phần nhiều là thơ chữ Hán mà chúng ta thường bắt gặp trong những câu thơ tuyệt tác …như vài thí dụ dưới đây :
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân ……
Quân hướng Tiêu Tương thiếp hướng Tần của Trịnh Cốc
-----------------------------
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa của Đỗ Mục,
----------------------------
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.
Phương thảo thê thê anh vũ châu của Thôi Hiệu,
Chẳng hạn. còn trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn vừa trùng từ vừa điệp từ thì không sao kể hết như :
Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên cách Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang
Thiếp ý……………
Đoàn Thị Điểm dịch :
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mây ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng…….
Hoa tiền nguyệt chiếu nguyệt tự bạch.
Nguyệt hạ hoa khai hoa tự hồng
Nguyệt hoa hoa nguyệt hề ảnh trùng trùng
Hoa tiền nguyệt hạ hề tâm sung sung
Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau…..vv
Nói về bài thơ qua đèo Hải Vân của cụ Nguyễn Hy Lượng, thì chắc rằng chẳng mấy ai biết tới, vì tác giả làm ra thơ rồi bỏ trong rương khóa lại, 60 mươi năm dài đằng đẳng trôi qua bài thơ vẫn chưa được chào đời. thì nói gì chê khen phân tích, nhưng chúng ta thấy phần nhiều có “đèo là có thơ điệp từ” ví như bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan : Cỏ cây chen đá lá chen hoa, Con quốc quốc, cái gia gia…Một mảnh tình riêng ta với ta. Hay Qua đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương: Một đèo, một đèo…lại một đèo, thì bài thơ của cụ Khóa Lượng cũng có cái giá riêng về mặt điệp từ của nó.
Vào thời gian 1950 người làm thơ chữ Hán được gọi là hiếm. Thơ Đường Luật chỉ còn thoi thóp của những nhà khoa cử còn sót lại, nên bài thơ nầy cũng ở vào thời kỳ suy vong của thơ luật, nhưng chính nó có một hình thái như thời cực thịnh của thơ Đường.
Xét về cảnh quan để có thơ cũng không phải nơi nào cũng có được, ai cũng hiểu rằng từ cảnh quan nhập vào nhãn quan để rồi phát ra tiếng ra lời, ngôn từ của người ban tặng cho thiên nhiên, chắc có khác thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan để có ngôn từ, ở đây cả hai đều hội ý, phần xác và phần hồn cái nào cũng hòa quyện lẫn nhau, vì thế nó tự đào thải những ngôn từ thiếu trung thực ra ngoài, còn lại cái cốt lõi của chữ nghĩa là công bằng, là bản năng của hiện thể, nhưng phần nghệ thuật bài thơ nầy lại vượt quá xa, tác giả đã làm được điều đó.
Nhưng dù sao lớp người sau, phần hiểu thơ chữ Hán vẫn không được như người xưa, hơn nữa đây là một bài thơ điệp từ, nên chúng tôi rất mong được sự góp ý, phê phán chân tình của độc giả, để chúng ta thấy thêm nét đẹp của thơ chữ Hán, mà hồi xưa nó chiếm địa vị độc tôn của nền văn học Nước Nhà. Và nét đẹp riêng của dòng thơ điệp từ mà xưa nay vẫn cho là của hiếm.
Xin Tạm Dịch Thơ:
Qua Đèo Hải Vân
Trập trùng núi biển biển trời
Núi đâm trời thủng cho trời đội ghe
Đường là rắn – chim là xe
Khói mây bóng xế nước đè khói mây
Linh Đàn
Saigon đầu năm Canh Dần 2010
Qua Đèo Hải Vân
(thoát dịch)
Núi liền biển, biển liền trời
Núi chồng lên biển, biển ngời bóng ghe
Ngoằn ngoèo đường: - rắn...chim: - xe
Mây trôi lững thững, nước kè bóng mây.
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
San Jose, 2010
|