Nov 21, 2024

Biên khảo

Tộc Việt và tộc Hán là hai tộc khác nhau hay giống nhau?
Hà Văn Thùy * đăng lúc 03:53:33 PM, Jul 04, 2017 * Số lần xem: 1465
Hình ảnh
#1


Tộc Việt và tộc Hán là hai tộc khác nhau hay giống nhau?


ĐÔI LỜI THƯA VỚI ÔNG PHẠM TRẦN ANH

Hà Văn Thùy


Người bạn gửi cho tôi bài Tộc Việt là một Đại chủng (1) và yêu cầu tôi cho biết ý kiến. Đó là bài viết của ông Phạm Trần Anh mà trước đây tôi đã đọc và trong chỗ riêng tư có góp ý với ông. Lúc đó ông nói bận, để khi khác sẽ trao đổi. Nhiều năm qua đi, không thấy ông phản hồi và nội dung của nó lại xuất hiện vào ngày 21.4.2017. Nhận thấy bài viết có thể gây hoang mang cho người đọc, tôi buộc phải có lời thưa lại.


1.     Có đúng tộc Việt và tộc Hán là hai tộc khác nhau?

Ông Phạm Trần Anh Viết: “Luận chứng khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau. Việt tộc có yếu tố đột biến di truyền đặc biệt của châu Á trong khi Hán tộc không có yếu tố này.”


Ngày xưa, lũ trẻ trâu chúng tôi thường cãi nhau con nào là cào cào, con nào là châu chấu. Không ngờ nay về quê, các cháu tôi cũng cãi nhau về châu chấu cào cào! Cuộc cãi lỗn bất tận của đám trẻ… Cho đến khi tới trường, thầy giáo đọc tên khoa học của mỗi loài, chúng mới ngộ ra: chỉ có tên khoa học mới phân biệt chính xác các con vật!


Ở đây cũng vậy, “tộc Việt” hay “tộc Hán” là những tên gọi dân gian để chỉ người Hán người Việt. Nhưng muốn biết chính xác Việt là ai, Hán là ai thì phải dùng tên khoa học. Ta biết, người Việt được xếp vào chủng Nam Á, có tên khoa học là Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Còn người Hán?  Trong một khảo cứu công bố năm 2005, học giả người Trung Hoa Zhu Jixu viết: “Theo trường phái nhân chủng học Xô Viết, được cộng đồng khoa học Hoa lục chấp nhận, người Trung Quốc (người Hán) được xếp vào nhánh Thái Bình Dương của chủng Mông Cổ hay còn gọi là chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) (2).

 

Như vậy, thưa ông Phạm Trần Anh, được khoa học xếp cùng vào South Mongoloid mà sao Hán, Việt lại là hai chủng khác nhau?


Quan điểm của ông Phạm Trần Anh có lẽ xuất phát từ chưa hiểu ý một đoạn văn trong báo cáo khoa học Genetic relationship of populations in China của nhóm J.Y. Chu: “The phylogeny based on 30 microsatellites (Fig. 1A) revealed a clear distinction between southern and northern Chinese populations, although the number of Chinese populations included in this phylogeny is small.(3)” (Phả hệ dựa trên 30 microsatellites (hình 1A) cho thấy sự phân biệt rõ ràng giữa các dân cư phía Nam và Bắc Trung Quốc, mặc dù số lượng dân cư Trung Quốc có trong phả hệ này là nhỏ.)


Hơn 10 năm trước, khi đọc câu này, tôi cũng lầm  vì cho Chinese populations là người Hán nên southern and northern Chinese populations dịch thành “người Hán phương Bắc và người Hán phương Nam” có sự phân biệt rõ ràng về di truyền! Nhưng sau đó thấy mâu thuẫn nên cố tìm hiểu thì nhận ra, tác giả nói người Trung Quốc phía Bắcngười Trung Quốc phía Nam chứ không dùng thuật ngữ người Hán. Thêm nữa là đoạn văn này: “northern Chinese populations, although the number of Chinese populations included in this phylogeny is small (3)” (quần thể Bắc Trung Quốc, mặc dầu số lượng dân cư trong phả hệ này là nhỏ.) Điều này nói rằng, “quần thể Bắc Trung Quốc” là nhóm các tộc thiểu số.

Đọc đoạn dưới, ý sẽ rõ hơn:


In Fig. 1B, two clusters for the northern populations are discernible. Altaic language-speaking Buryat, Yakut, Uyghur, and Manchu clustered with the Korean and Japanese, two language isolates but closely related to Altaic. Two Han populations, one from north China and the other from Yunnan, also contributed to this cluster (cluster N1). Another Altaic language-speaking population, Ewenki, formed a cluster (cluster N2) with Tibetan, Tujia, and Hui, all of which were originally derived from the northern populations though currently living in the western part of China (3).


(Trong hình 1B, hai nhóm cho các quần thể phía Bắc có thể thấy rõ. Ngôn ngữ Buryat, Yakut, Uyghur và Manchu gần với tiếng Triều Tiên và Nhật Bản, hai ngôn ngữ phân lập nhưng liên quan chặt chẽ đến Altaic. Hai cộng đồng Hán, một từ Bắc Trung Quốc và một từ Vân Nam, cũng góp phần vào cụm này (cụm N1). Một cộng đồng nói tiếng Altaic, Ewenki, đã hình thành một cụm (cụm N2) với Tây Tạng, Tujia và Hui, tất cả đều có nguồn gốc từ các quần thể phía Bắc mặc dù hiện đang sống ở phía tây Trung Quốc .)


Theo ý tôi, ở đây tác giả dùng two Han populations là không thỏa đáng mà đúng hơn phải dùng two Chinese populations, để chỉ hai nhóm dân Trung Hoa. Như vậy, ở đây J.Y. Chu nói đến các cộng đồng thiểu số ở phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Hai cụm dân cư N1 và N2 là những tộc thiểu số người Tạng, Altaic, Ewenki, Hồi… với khoảng 93 triệu trong hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc. Rõ ràng những cộng đống thiểu số này có mã di truyền khác với khối người Trung Quốc còn lại, là người Hán.


Chính điều này khiến ông Phạm Trần Anh cho rằng người ở Bắc Dương Tử khác di truyền với người Nam Dương Tử!


Cũng đọc báo cáo của S.W. Ballinger nhưng ông Phạm Trần Anh không phát hiện được câu quan trọng nhất của tài liệu: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” Câu này có hai nghĩa: i, Các dân tộc châu Á cùng một tổ tiên và ii, Tổ tiên người Việt Nam sinh ra người Việt Nam trước sau đó sinh tiếp các cư dân châu Á khác. Nghĩa cả câu này cho thấy: người Việt và người Hán cùng tổ tiên nhưng người Việt Nam được sinh ra trước người Hán.


Đấy là di truyền, còn lịch sử cũng quá rõ. Thoạt kỳ thủy, Trung Quốc không có tộc người Hán. Chỉ có nhà Hán do Lưu Bang người nước Sở thành lập. Thời đó Trung Quốc chưa có quốc hiệu nên nhà Hán trở thành quốc hiệu vì vậy người Trung Quốc được gọi là người Hán. Do người Hán chiếm đa số trong dân cư nên lâu dần người ta coi đó là một dân tộc, là Hán tộc. Như vậy Hán tộc thực ra là người nước Sở. Sở là quốc gia của người Di Việt hay Dương Việt hình thành từ xa xưa, tồn tại tới thời Thương. Vào thời Chu thì bành trướng và xưng bá. Sử ký viết: Sở Việt đồng tông đồng tộc. Cố nhiên người Hán cũng là người Việt!


Một trong những điều chủ chốt của lịch sử phương Đông là phân biệt người Việt là ai, người Hán là ai. Một khi lầm lẫn về việc này, những kiến giải về sau không còn chính xác.


2.     Về đại tộc Bách Việt

Có lẽ ông Phạm Trần Anh là người duy nhất đưa ra khái niệm đại tộc Bách Việt. Trong khi đó, cũng như nhiều người khác, ông hiểu chưa đúng về Bách Việt!


Truy đến cùng thì theo La Hương Lâm trong sách Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, từ Bách Việt xuất hiện đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu, thiên Thị Quân: “Phía nam Dương Hán, trong khoảng Bách Việt, những đất Tệ Kha, Chư Phu, Dư My, các nước Phộc Lâu, Dương Xuất, Hoan Đâu, phần nhiều không có vua.” Trong chuyên khảo của mình, tác giả cho thấy, khi nước Sở diệt nước Việt, nước Việt vỡ ra thành nhiều mảnh. Các thủ lĩnh khu vực cát cứ các mảnh đó, lớn thì xưng vua, nhỏ thì gọi là quân trưởng, tất cả có khoảng 19 nước Việt khác nhau. Tên Bách Việt ra đời từ đó.


Ở đây có hai điều cần phải làm rõ:


1.1.  Bách Việt có nghĩa là trăm nước Việt chứ không phải trăm dòng Việt như xưa nay hiểu lầm. Bởi lẽ, cùng là dân nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn chia ra thành nhiều nước nhỏ thì dân cư các nước đó cũng là người Việt.


2.1. Trăm nước Việt xuất hiện rất muộn, khoảng năm 333 TCN. Do đó, Bách Việt là giai đoạn tan rã của nước Việt chứ không thể là cội nguồn của dân tộc Việt.


 

Hiểu lầm Bách Việt là trăm chủng Việt xuất phát từ xa xưa, khi cha ông ta không khảo sát cặn kẽ khái niệm này khiến hậu thế lầm lẫn tới hôm nay. Ông Phạm Trần Anh nhân cái lầm đó to lên gấp bội thành khái niệm đại tộc Bách Việt!


3.     Có đúng đại hồng thủy đẩy người Việt cổ lên cao nguyên Tạng?

Ông Phạm Trần Anh viết:


“Khoa học nghiên cứu Đại dương ghi nhận 3 lần biển tiến cách nay khoảng 14 ngàn năm, 11.500 năm và 8.500 năm. Mỗi lần biển tiến, cư dân Hòa Bình Hoabinhian phải di chuyển lên vùng đất cao theo 2 hướng Tây Bắc và Đông Bắc. Nạn biển tiến gần đây nhất là 8.500 nãm đã nhận chìm nền văn minh Đông Nam Á cổ đại.”


Và:


“Theo khoa Khảo Tiền sử thì cách đây hơn 6 ngàn năm, khi mực nước biển rút dần thì từ cao nguyên Côn Luân và Tây Tạng, người Malaynesian tiến dần xuống Trung nguyên theo lưu vực 3 con sông Hoàng Hà, Dương Tử và Cửu Long.”


Có đúng vậy không?


Xin tìm đáp án từ khảo cổ học.


Khai quật di chỉ Động Người Tiên ở tỉnh Giang Tây được báo cáo trên tạp chí Science vào năm 2012 (Wu et al. 2012) cho thấy bốn tầng văn hóa:


• Thời kỳ đồ đá mới 3 (9.600 - 8.825 RCYBP)


• Thời kỳ đồ đá mới 2 (11.900 - 9.700 RCYBP)


• Thời kỳ đồ đá mới 1 (14,000 - 11,900 RCYBP) xuất hiện của lúa trồng O. sativa.


• Thời kỳ đồ đá cũ muộn (25,000-15,200 RCYBP) chỉ có lúa Oryza hoang dã.


Dẫn chứng trên cho thấy, con người sinh sống liên tục ở Động Người Tiên từ 25.000 tới 8.800 năm. Ngay gần đó là di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây phát hiện những đàn tế, có xẻng đá khắc ký tự trong khoảng 4.000-6.000 năm trước. Có thể kể thêm hàng loạt di chỉ văn hóa: Giả Hồ Hà Nam 9.000 năm trước, Hà Mẫu Độ vùng Chiết Giang 7.000 năm trước, Lương Chử 5.300 năm trước… Những di chỉ này cho thấy, dân cư Việt Nam cũng như Nam Dương Tử định cư liên tục từ xa xưa tới đầu Công nguyên.  Như vậy, hoàn toàn không có chuyện do hồng thủy nên người chạy lụt theo kiểu cuốn chiếu từ Nam Dương Tử lên Tây Tạng. Cũng hoàn toàn không có chuyện “Cách đây hơn 6 ngàn năm, khi mực nước biển rút dần thì từ cao nguyên Côn Luân và Tây Tạng, người Malaynesian tiến dần xuống Trung nguyên theo lưu vực 3 con sông Hoàng Hà, Dương Tử và Cửu Long”. Tất cả nghiên cứu khảo cổ, di truyền đều không cho thấy việc di cư như vậy. Chỉ từ 2700 năm TCN, do cuộc xâm lăng của họ Hiên Viên, người Mongoloid phương Nam ở Nam Hoàng Hà di cư về phía Nam, đi dần xuống Đông Nam Á.


Ông Phạm Trần Anh cũng hiểu chưa đúng về việc di cư của người Việt. Không phải do các đại hồng thủy 14 ngàn năm, 11.500 năm và 8.500 năm thúc đầy người Việt di cư, mà từ 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên Trung Hoa để rồi đi tiếp sang châu Âu và 30.000 năm trước, vượt eo Beringa sang châu Mỹ.


4.     Kết luận

Trong bài viết dài gần 16.000 chữ, ông Phạm Trần Anh sử dụng nhiều tài liệu lịch sử, khảo cổ và di truyền học nhưng do không hiểu ý nghĩa của những vấn đề lịch sử, khảo cổ và di truyền đó nên ông đưa ra những kết luận không phú hợp với thực tế, dẫn người đọc hiểu sai về lịch sử tộc Việt.


Kết thúc bài viết nhỏ này, tôi mong ông hãy tranh luận với tôi ba vấn đề nêu trên. Nếu ông chứng minh được là mình đúng, tôi sẽ thành thực xin lỗi và hân hạnh được học tập ông!


Sài Gòn, 29.6.2017


Tài liệu tham khảo.


1.Phạm Trần Anh. Tộc Việt là một Đại chủng. (https://luocsutocviet.wordpress.com/2017/04/21/008-toc-viet-la-mot-dai-chung/)


2. Zhou Jixu: The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation.


                SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006


 http://sino-platonic.org/complete/spp175_chinese_civilization_agriculture.pdf


3. J.Y. Chu et al. Genetic relationship of populations in China


http://www.pnas.org/content/95/20/11763.long


4. Di chỉ văn hóa Động Người Tiên. Xianrendong    http://archaeology.about.com/od/xterms/qt/Xianrendong.htm

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.